Apr 17, 2017

[tiện bút] khác

Phụ nữ (xem thêm ở kiaở kia) và đàn ông thì khác nhau, nhưng khác nhau như thế nào? Và tại sao lại khác nhau?

Sự khác nhau kinh điển nằm ở chi tiết rất nhỏ, trong động tác, cử chỉ. Dường như trong những gì thuộc về cơ thể (một ví dụ là "động tác vẩy" chỉ thấy ở đàn ông, xem ở kia), con người chỉ chịu sự xui khiến của "bản năng giống loài", đó là phản xạ, nhưng là "có điều kiện" hay "không điều kiện"?

Một người đàn ông và một phụ nữ thì hoàn toàn khác nhau khi họ cởi áo, loại áo chui đầu, ví dụ áo len, áo T-shirt, nhưng cũng tính luôn cả các loại áo có phéc mơ tuya hoặc có cúc, như áo sơ mi chẳng hạn (nhất là trong những tình huống cần khẩn cấp, thậm chí là cần cuống cuồng cuồng) - người ta, rất thường xuyên, nhất là khi chỉ có một mình (nhưng không phải người ta thường chỉ cởi áo khi chỉ có một mình à?), nhưng đặc biệt là khi có thêm một người nữa, nói chung điều này khó nói, chỉ cởi vài cái cúc phía trên rồi kéo nó qua đầu; một cái áo đã qua được đầu là coi như xong, công đoạn cởi không còn phải tính đến nữa.

Còn lại mỗi một chi tiết nhỏ: động tác kéo.

Đàn ông kéo cái áo qua đầu mình như thế nào? Họ sẽ gập cánh tay lại, hai cùi chỏ hướng ra trước như hai cái sừng, bàn tay trái đặt lên bả vai trái, bàn tay phải đặt lên bả vai phải, rồi bắt đầu giật (thường là giật mạnh, nhất là khi - quay trở lại đoạn miêu tả trên đây).

Động tác này dẫn tới hệ quả: họ không che chắn ở trước ngực.

Phụ nữ thì (ôi) chéo tay lại, tức là, hai cùi chỏ ở phía trên đầu, bàn tay phải sẽ đặt lên bả vai trái, bàn tay trái đặt lên bả vai phải, và bắt đầu kéo, chứ hiếm khi nào giật mạnh như đàn ông - áo của đàn ông hay bị joãng cổ là vì vậy (nhưng cũng có lúc khá là nhanh, nhất là khi - cũng quay trở lại đoạn miêu tả trên đây).

Tức là, phụ nữ cởi áo trong tư thế che chắn ở trước ngực.

(Tôi nghĩ, chỉ cần miêu tả cụ thể như vậy thôi, đã thấy thật là ảo tưởng làm sao, toàn bộ câu chuyện nữ quyền; nhưng thôi, tôi không hề muốn đi vào "câu chuyện ấy", rất phức tạp).

Một nhà văn như Agatha Christie hoàn toàn có thể khai thác đến mức tối đa sự khác biệt đàn ông-phụ nữ này. Rất nhiều người biết chi tiết, trong một tiểu thuyết nổi tiếng của Christie (được dựng thành phim nên càng nổi tiếng), một phụ nữ mặc váy ngồi gần một sân tennis, tình cờ quả bóng tennis bay tới trúng vào lòng người phụ nữ ấy. Nhân vật thám tử phát hiện ra ngay đó là một đàn ông ăn mặc giả gái, chỉ vì người kia đã không khép chân lại, mà để mặc cho quả bóng rơi vào trong lòng.

Cả với ví dụ rút từ tiểu thuyết của Agatha Christie, ta cũng thấy, cũng như ở động tác cởi áo chui đầu, ở phụ nữ bản năng che chắn mạnh hơn nhiều so với ở đàn ông.

Cũng không ai còn lạ về chuyện về cơ bản phụ nữ không tự định hướng được. Một phụ nữ biết rõ đường đi, tới đâu biết ngay cần rẽ trái, rẽ phải, hay đi thẳng, gần như không còn là một phụ nữ. Nếu họ không đi lạc, chắc hẳn họ đã tiến hóa giật lùi, rơi xuống mức rất thấp, tức là ngang bằng với đàn ông; như thế, thực sự là tệ.

Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao phụ nữ luôn luôn không biết xác định phương hướng, đàn ông không bao giờ hiểu nổi điều này, bởi với họ, phương hướng, tức là cái phạm trù hay được gọi dưới tên "cardinal point", là mặc định, là có sẵn, là được cấy vào một cách bẩm sinh, khỏi cần nghĩ đến nữa. Một người đàn ông ít kinh nghiệm tưởng là hiển nhiên chuyện đây là Bắc, kia là Nam; họ cứ nghĩ mình tiến hóa lắm, mà không biết: phương hướng là cần thiết đối với các con thú, đối với những gì cần đến sức mạnh. Người ta (phụ nữ) tiến hóa hơn hẳn, nên đâu cần đến nữa, vì họ đã có thể sử dụng năng lực bẩm sinh ấy của đàn ông.

Trong cuộc sống xã hội, những sự khác giữa phụ nữ và đàn ông đôi khi nổi lên chói lọi, chói lòa, chói lói.

Ở quán cà phê, một trong những điểm quan sát tập tính giống loài lợi hại nhất ngày nay, ta thấy rất rõ, nhiều khi.

Một đám đàn ông có thể ngồi kề cà chuyện gẫu rất là lâu, sốt hết cả ruột, nhưng khi nào đến lúc họ gọi thanh toán tiền (thường họ sẽ gọi toáng lên đến nỗi ở Bờ Hồ cũng nghe thấy tiếng gọi "em ơi tính tiền" từ hồ Ngọc Khánh), thì họ sẽ gọi bằng được, thật nhanh, rất nhanh, sau một đợt tranh nhau trả tiền rất vui nhộn, thì chỉ mắt trước mắt sau tất cả đã bốc hơi, không còn thấy tăm tích đâu nữa.

Phụ nữ rất khác.

Giả dụ có một nhóm bốn phụ nữ ngồi ở quán cà phê. Bốn phụ nữ mà ngồi với nhau, theo tôi còn váng óc hơn mười hai đàn ông ngồi với nhau, mà đàn ông ngồi với nhau thường chỉ dăm ba câu là hết chuyện, phụ nữ thì: không hề, không bao giờ hết chuyện.

Đặc biệt nhất là thường chỉ ngồi một lúc họ đã gọi phục vụ tính tiền (tất nhiên, không đến mức Bờ Hồ-Ngọc Khánh như đàn ông thô thiển đã gọi ở trên - cấp độ tiến hóa khác nhau mà), cũng có tí chút tranh nhau trả tiền, nhưng thông thường họ phân công nhau, xoay vòng lần lượt, chứ không hỗn loạn như bọn đàn ông, nên êm ả hơn.

Có điều, trả tiền xong rồi, ta đã thở phào, nghĩ thế là sắp thoát, nói năng chói lói nhức hết cả đầu nãy giờ, bao nhiêu chuyện cứ tưởng phải bí mật lắm thì lại bô bô, thì không: nhiều lúc tôi thấy bốn phụ nữ ngồi với nhau, đã trả tiền xong rồi, họ còn ngồi lại cả tiếng, mấy lần gọi thêm nước lọc.

Và "cả tiếng" ngồi lại ấy, bốn phụ nữ kia làm gì? Họ nói lại đúng câu chuyện đã nói cho tới lúc gọi phục vụ quán tính tiền. Và nói bốn lần, lặp đi lặp lại. Và không hề mệt mỏi.



NB. mới thêm rất là nhiều Một vụ việc ám muộiUrsule Mirouët

11 comments:

  1. Haha miêu tả hay thế nhỉ, chuyên gia về phụ nữ đây rồi.

    ReplyDelete
  2. quên mất một chi tiết: khi cởi áo như đã nói, vì động tác khác nhau về căn bản, nên nhìn chung đàn ông trong lúc cởi áo lưng sẽ cong lại, còn phụ nữ khi cởi áo lưng vẫn giữ thẳng

    ReplyDelete
  3. Bắt chéo tay khi cởi áo chật thì tóc cũng đỡ rối hơn ạ.

    ReplyDelete
  4. bác nghĩ thế nào về gái tính trong cách miêu tả của dịch giả Thiên Lương để đả kích khá nhiều người trong xã hội Việt Nam ạ? em thì thấy gái tính được John Berger (Way of Seeing) là đẹp nhất :))

    ReplyDelete
  5. gọi đúng tên đi: Trần Nhật Quang

    ReplyDelete
  6. Chắc gì phụ nữ đã có bản năng che chắn mạnh hơn. Có thể động tác cởi áo như vậy là vì phụ nữ có ngực còn đàn ông thì không?

    ReplyDelete
  7. thế thì "chắc gì" này còn đúng hơn: chắc gì có ngực

    trong một cuốn tiểu thuyết của Hilary Mantel, nhà vua nước Anh cua hai chị em cùng một lúc, cô em chơi trò để vua "khám phá từng khu vực một", đến khu vực ngực thì ý kiến chung của triều thần và nhất là cô chị như sau: đúng là vua, quá giỏi, tìm được cái đó ở đó

    ReplyDelete
  8. A, trong phim hoạt hình "Detective Conan: Strategy Above the Depths", thám tử Mori phát hiện kẻ giả gái cũng bằng cách nhận rađộng tác che ngực. Pha này khiến Mori thắng được Conan Edogawa

    ReplyDelete