Dec 23, 2018

Hiện sinh Do Thái

Dưới đây là bài viết của anh Nguyễn Chí Hoan về cuốn tiểu thuyết Shosha của Isaac Bashevis Singer.

Ngôi mộ của Rachel: người ta hay kể Jesus Christ khi lần đầu tiên từ Nazareth về Bethlehem là nơi sinh ra đã thăm mộ Rachel, nó nằm giữa đường từ Jerusalem đi Bethlehem; một số năm trước đó, Jesus Christ sinh ra trong hang đá và thoát khỏi lệnh tiêu diệt trẻ con của vua Herod ("vua của người Do Thái"); đó là thời điểm ngay sau cái chết của Julius Caesar.

Trong Chuyện một người Đức (xem ởkia - đó là cuốn sách in từ bản thảo tình cờ tìm được sau khi Sebastian Haffner qua đời), có một chi tiết rất choáng váng, về một ông già tình cờ gặp - ở thời điểm chủ nghĩa phát xít bắt đầu bóp nghẹt mọi thứ - nhắc đến Nebuchadnezzar cùng số phận của người Do Thái (dân tộc được lựa chọn, dân tộc bị lựa chọn), thường hay bị các ông vua tàn sát.

Người Do Thái như thể ở cách rất xa những cuộc cách mạng, nhưng dường như chính Simone Weil mới là người định nghĩa cách mạng chuẩn xác hơn cả: Simone Weil nói rằng không phải tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, mà chính cách mạng mới là thuốc phiện của nhân dân.




Hiện sinh Do Thái

Nguyễn Chí Hoan


1.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết ngắn Shosha của Isaac Bashevis Singer không phải cô gái kỳ lạ Shosha, mà là nhân vật nhà văn người Do Thái Ba Lan Aaron Greidinger – cũng là người kể chuyện xưng “tôi” của câu chuyện. Về cô gái ấy, nhân vật triết gia Do Thái kỳ dị Feitelzohn, người tri kỷ vong niên của Aaron, nhận xét, với giọng hài hước thân mật, khi lần đầu nghe đến: “Shosha à? Một cô gái thời nay có thể mang một cái tên cổ lỗ như thế sao?”

Nhân vật Feitelzohn thông thuộc kinh sách Do Thái như một thầy cả, cho nên chút ngạc nhiên ấy của ông ta gợi ra một hướng dẫn: nó hẳn phải gợi lên ý nghĩa ở về phía kích thước cội rễ của nó. Aaron, được gọi thân mật là Arele, sẽ hoàn tất cái gợi ý đó ở phần “Vĩ thanh”. Câu chuyện tình được kể lại ở đây diễn tiến trong thời ngắn ngủi buổi đêm trước cuộc thảm sát lớn nhất trong lịch sử dân Do Thái - Thế chiến thứ hai và Holocaust (Shoah). Khí hậu của thảm họa thấm vào và toát ra từ những người Do Thái Ba Lan, ở Vacsava, trong tiểu thuyết này. Tuy nhiên, đó không phải một kiểu tiên báo dù là trí lự hay thần bí hay chính trị; mà là thứ, một thứ, tiết ra từ bản thân thế gian. Nhân vật Haiml Chentshiner về sau bảo Aaron: “Tôi nhớ đến lời của anh: “Thế giới là một lò mổ và một nhà thổ.” Hồi ấy, tôi thấy nói vậy là quá đà, nhưng đó chính là sự thật cay đắng. Người ta coi anh là một người theo thuyết huyền thoại trong khi thật ra anh tuyệt đối hiện thực.” Và Aaron thì đã tự tìm đến với tầm nhìn hiện thực đó từ buổi đầu đời của anh ta - “Kể từ cái ngày rời khỏi ngôi nhà của bố tôi, tôi vẫn thường trực sống trong tình trạng tuyệt vọng. ... Tôi biết rằng thế giới vẫn luôn luôn và sẽ mãi mãi giống như nó lúc này. Những gì các nhà luân lý gọi là cái ác trên thực tế chính là trật tự mọi vật.” Hay là, rất thản nhiên, nói theo lối mỉa mai uyên bác của Feitelzohn - người chắc chắn chia sẻ cái nhìn đời của Aaron đúng như nhà văn trẻ này chia sẻ những tư tưởng của ông ta, thì, “Chúa đang ốm nặng.” Hai (trong số những) dân Do Thái tinh tuyền này (Aaron “xuất thân từ một gia đình thuộc dòng Hasidic”, từ bé đã thông thuộc kinh điển Do Thái) thở ra quanh mình những luồng gió của tinh thần hoài nghi hiện đại; hay dùng một cách nói Aaron, họ là những “nhân vật lệch thời xét theo mọi khía cạnh.” Mà sự “lệch thời” ấy đã đi đến cùng trong chuyện tình kỳ lạ của Aaron với Shosha, trở nên một hình bóng của hiện sinh Do Thái: một tồn tại độc nhất, luôn luôn vươn ra sinh động khôn lường, như một phản đề đối mặt các thứ hệ thống hay tình thế biến chuyển.  

  
2.

Giờ đây nhắc đến ý hiện sinh có thể gây ấn tượng về lạc thời. Cái luận thuyết về tương liên kỳ lạ giữa tồn tại với hiện hữu, ai cũng biết, đã có thời của nó và thời ấy đã qua lâu. Nhưng ai sẽ bảo rằng “Dasein” cũng ở vào cùng cảnh như cái luận thuyết đã tái phát kiến nó - luận thuyết về Tồn tại? E rằng là không. Hiện sinh là thực tại của chúng ta - mà đây không phải một trùng ngôn như thoạt trông có vẻ thế.

Câu mở đầu tiểu thuyết, mở đầu tự thuật của nhân vật Aaron, nói rằng:

“Tôi được dạy dỗ thông qua ba “tử ngữ”: tiếng Hebrew, tiếng Aramaic và tiếng Yiddish (mà nhiều người từ chối coi là một ngôn ngữ hoàn chỉnh), và trong một văn hóa đã hình thành ở Babylon: Talmud.”

Một câu quan trọng. Người kể định vị mình theo lược đồ một lịch sử ngôn ngữ-văn hóa hơn một ngàn năm: tiếng Hebrew từng bị thay thế bằng tiếng Aramaic, rồi sau này ở miền Trung và Tây Âu tiếng Yiddish của người Do Thái Ashkenazi thừa kế cả hai mà sinh ra; còn Talmud (bản Talmud Babylon) mà cốt lõi là lề luật Do Thái giáo cổ đại, truyền miệng rồi được ghi chép tập thành một kinh điển vào thế kỷ 4 CN, văn bản rất đặc thù ở chỗ luôn thâu nhận (cho đến tận ngày nay) những “lời bàn” của các thế hệ kế tiếp nhau những rabbi và những học giả Do Thái khi họ học và hiểu kinh điển này trong mỗi thời hiện tại của mình. Ở đây, Aaron nhắc đến “Babylon” không một chút khoảng cách. Vì thế hãy tạm gác kích thước lịch sử của cả “ba ‘tử ngữ’” và Talmud; và hãy nhìn chúng ở phương diện là cái tồn tại Do Thái hiện diện ở Aaron trong tình thế một chàng trai Ashkenazi sống ở Vacsava trên phố Krochmalna, con trai một rabbi rất được tôn kính, đối mặt một thời buổi khủng hoảng. 

Như vậy cũng ngay từ câu đầu người kể, Aaron, hướng câu chuyện vào tầng của tinh thần (tên của tiểu thuyết khi thoạt đầu khởi đăng nhiều kỳ trên báo là Soul Expeditions): câu mở đầu, và tiểu sử của anh ta bắt đầu, bằng tên các ngôn ngữ và “văn hóa” Talmud. Kinh điển này có một cách sống đặc thù: Talmud gồm phần lề luật cổ Do Thái làm trung tâm, bên cạnh là những “lời bàn” của học giả Do Thái cho đến thời lưu vong ở Babylon, và phần diễn giải của rabbi Shlomo Yitzchaki một giáo trưởng Do Thái Pháp thế kỷ 11, rồi các mép lề cho phần dành cho bình luận của các thế hệ học giả, thầy giảng kế tục - như vậy trên từng trang; thêm nữa, những bàn luận như thế luôn luôn tham chiếu kinh sách Do Thái khác. Đây là một thức của đối thoại giữa những “comments”, giữa những thế hệ, và giữa tất cả bọn họ với văn bản cội rễ - giữa tồn tại Do Thái với “da-sein” của nó, và ngược lại. Aaron thành người trong khí quyển riêng của những đối thoại đó - cậu bảo: chuyện “thế tục” kiểu như “tình yêu” đều thuộc vào hàng những “điều xuẩn ngốc”; tuy nhiên, tình cảm với Shosha, mà cậu thiếu niên Aaron cảm thấy mình “bị cuốn hút dữ dội”, thì cậu tách ra khỏi xếp hạng đó - “tôi chẳng hề biết” tình cảm ấy “có cái gì đó liên quan đến tình yêu”. Sự phân biệt đó thực hiện bước lựa chọn hiện sinh trước hết bởi nó là lựa chọn vị thế tự lập của một tinh thần. Thiếu niên Aaron đọc tất cả sách trong tầm tay mình - mà nhà một rabbi, như cậu kể, chẳng có gì ngoài sách, xếp đến trần nhà. Và cậu, là con trai rabbi, bị cấm chơi với bọn con gái, đã chọn lối xé rào để tuân theo ham muốn. Nhưng đoạn khởi đầu tình yêu thiếu niên đó đã hoàn toàn lý tưởng, cũng như thực hiện của nó về sau này. Nó, ít nhất cũng là góp phần, kích phát sự thăng hoa ở Aaron: 

Tôi không chỉ có thể chơi cùng Shosha, tôi còn có thể nói với nó những điều mà tôi không dám hé răng với bất kỳ ai khác. Tôi có thể miêu tả cho nó mọi huyễn tưởng của tôi, mọi giấc mơ của tôi. Tôi ngấm ngầm kể với nó là tôi đang viết một cuốn sách. Tôi vẫn rất hay nhìn thấy cuốn sách đó trong mơ. Có hai người cùng viết nó, tôi và một viên thư lại thời Cổ đại; nó được viết bằng một thứ tiếng cổ xưa, trên da dê. 

Tình tiết này - hình dung mình viết một cuốn sách quan trọng bằng một ngôn ngữ cổ - mở lối cho lựa chọn căn bản của Aaron: lựa chọn ngôn ngữ, và rồi, như một hệ quả về sau, lựa chọn làm một nhà văn. Anh ta sẽ trung trinh với “ba ‘tử ngữ’” Do Thái, dùng tiếng Yiddish, không dùng tiếng Ba Lan dù “tổ tiên tôi đã tới định cư ở Ba Lan từ sáu bảy trăm năm trước” và nhưng lại lựa chọn làm một nhà văn dù đời ông đến đời cha đều là rabbi. Chẳng có lời giải thích nào cho lựa chọn này; chỉ đơn giản Aaron kể những năm khốn khó trong Thế chiến thứ nhất cả gia đình phải dạt về sống ở một vùng thôn quê, rồi chàng thanh niên phải đi dạy tiếng Hebrew để kiếm sống; và chàng bắt đầu viết truyện, bằng tiếng Yiddish, với nỗ lực đầy đủ ý hướng tính là tạo cho mình “một khu vực văn chương riêng”. Như thể bởi đã khởi đầu từ tầng của tinh thần, một cách rõ rệt ý thức nhờ việc đọc sách từ thơ ấu, anh ta sẽ đi tiếp trên tầng ấy.

Cần nhìn vào kích thước hiện sinh của những tình tiết khiến ta hình dung ra lựa chọn của nhân vật Aaron ngay từ buổi đầu đời, bởi, như chính anh ta về sau sẽ nói, anh ta “đã tách xa khỏi truyền thống Do Thái”: 

Trên giá sách nhà chúng tôi có các tập sách ZoharCây đờiSách Sáng thếVườn lựu, cùng nhiều tác phẩm thuộc dòng Kabbalah khác. Trong số chúng tôi đã phát hiện một quyển almanach nơi liệt kê đủ mọi loại sự kiện liên quan đến các ông vua, nguyên thủ quốc gia, triệu phú và học giả. Mẹ tôi thường hay đọc Sách Liên Ước, một tuyển tập đầy các thông tin khoa học. Trong đó, tôi học được đủ mọi điều về Archimedes, Copernic, Newton, và các triết gia như Aristotle, Descartes, Leibniz. Tác giả, reb Elijah ở Wilna, tranh cãi kịch liệt và lâu dài với những ai không chịu tin là có Chúa: chính nhờ cách này mà tôi biết được tư tưởng của những người kia. 

...

Tôi đã lén đọc các tác phẩm của Mendele Mocher Sforim, Sholem Aleichem và Peretz, cũng như các bản dịch sang tiếng Yiddish hoặc Hebrew Tolstoy, Dostoevsky, Strindberg, Knut Hamsun. Tôi đã đọc qua Đạo đức học của Spinoza, được tiến sĩ Shlomo Rubin dịch sang tiếng Hebrew, và đọc một cuốn sách phổ biến kiến thức về lịch sử triết học. Tôi đã tự một mình học đọc tiếng Đức - nó vô cùng giống tiếng Yiddish - và tôi đã đọc trong nguyên bản anh em Grimm, Heine cùng mọi thứ gì rơi vào tay tôi. Tôi đã có nhiều bí mật đối với bố mẹ tôi.

Sự “tách xa khỏi truyền thống” theo lối này đặc trưng bởi phẩm tính quan trọng bậc nhất của tồn tại: tự do, và trở nên tự do. Nếu hiện sinh thực hiện được thì là bởi có hoạt tác của lựa chọn mà trong đó tự do được biểu đạt; mà thường khi sự thực hiện đó không tuân theo liên hệ nào khác ngoài nhân-quả, không có ràng buộc gì với cái logic hình thức nhân tạo gọi là “tiến bộ.” Nhân vật Aaron đã thực hiện “bước nhảy vào hiện sinh” này của anh ta, dần dà, suốt từ niên thiếu đến thành nhân, ứng hợp một cách siêu thực với thời buổi mà anh ta dấn mình vào: thời buổi của một biến cố tầm định mệnh mà người Do Thái vẫn luôn chờ đợi, dẫu biến cố hóa ra không chút nào như họ hình dung hay mong muốn.  

Tất cả chúng tôi sống vì hiện tại - toàn bộ cộng đồng Do Thái. Feitelzohn so sánh thời của chúng tôi với năm một nghìn, khi trên khắp châu Âu, những người Ki-tô đã chờ đợi Đấng Cứu Thế xuất hiện lần thứ hai và kèm theo đó là kết thúc của thế giới.
Aaron đã cố “tách xa khỏi” kiểu tồn tại-cùng-cái chết có vẻ rất ì trệ và thụ động này, điều mà về sau anh ta sẽ nhận xét - “Mặc dù đã tách xa khỏi truyền thống Do Thái, tôi vẫn mang theo Diaspora đi cùng.” Tức là anh ta không hề muốn hay định rời bỏ, nhưng là tìm kiếm câu trả lời cho thân phận Do Thái - cả một dân tộc lưu vong đời này qua đời khác và hết lần này đến lần khác bị xua đuổi, cô lập, thảm sát xóa sổ trên quy mô từng cộng đồng lớn. Nhìn theo hướng này, có thể thấy rằng ý hướng kiếm tìm đó là sự mở rộng từ bầu khí đối thoại (xét cho cùng là với Chúa) sống động trong Talmud; và cũng có thể thấy một ẩn ý về cuộc tìm kiếm đó trong lựa chọn làm nhà văn: nếu tất cả những sự thật và câu hỏi về thân phận này chỉ có thể tìm trong các văn bản thì tại sao không đi tìm câu trả lời bằng việc tạo ra các văn bản. Aaron, trong sâu xa nền tảng con người cá thể của mình, không rời bỏ sứ mệnh rabbi của cha ông mình; nhưng thay vì viết bình luận trên những mép lề của Talmud, anh ta viết trên những mép lề của lịch sử và của trần gian. Đó, cả từ góc độ một cá nhân và góc độ một dân tộc, là cái hiện sinh Do Thái rất đặc thù.


3. 

Các chuyện tình ái của Aaron, tạo nên nhịp điệu cho tiểu thuyết này, hòa trộn, tuyệt diệu và rất đặc thù về phẩm giá, giữa chiều tinh thần và chiều nhục dục của cái biểu đạt “basic instinct” đó, nhưng cốt yếu để thể hiện cuộc lữ hành của một tinh thần đi tìm lời đáp trên các tuyến của đứt gãy lớn của xã hội thời thế: tình nhân ngãi với Dora phản chiếu thực tại đen đúa của chủ nghĩa Stalin; mối dan díu với Celia rồi với Betty phản chiếu bóng tối đang đến của Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia Đức như là một điềm triệu - mà không một ai ngờ tới - cho cuộc khủng hoảng chấm dứt đại Lưu vong Do Thái. 

Nhìn trên tổng thể những chuyện tình ái này, có thể thấy cuộc tìm kiếm của Aaron, một mặt, bị chặn lại ở những thực tế thời cuộc là nơi anh ta đã có câu trả lời từ rất sớm. Chẳng hạn hãy xem những điều mà anh ta nói với người đồng chí của Dora, tàn tật nhưng may mà thoát khỏi cái chết dưới tay những đồng chí người Nga, từ Liên bang Xô-viết trốn thoát về sau khi đã tự nguyện và hăng hái tìm sang.

- Felhendler, tôi không muốn ngoáy dao vào vết thương, tôi nói, nhưng nếu Trotsky lên nắm quyền thì ông ta cũng sẽ không hành xử khác so với Stalin đâu.

Một hỗn hợp của châm biếm và giận dữ hiện ra trong ánh mắt Felhendler.

- Làm sao anh biết được Trotsky sẽ hành động ra sao? Làm sao anh lại dám đặt ra những giả định dựa trên điều đã không xảy ra?

- Đó là điều từng xảy đến ở mọi cuộc cách mạng. Mỗi lần máu đổ nhân danh nhân loại, tôn giáo hoặc bất kỳ lý tưởng nào khác, tức thì người ta sẽ đi đến dạng khủng bố ấy.

- Như vậy theo anh giai cấp công nhân sẽ phải giữ im lặng về những gì diễn ra ở bên Nga, để mặc cho Hitler và Mussolini chiếm lấy thế giới và để mặc cho mình bị nghiền nát giống như lũ kiến. Đó có phải là điều mà anh rao giảng không?

- Tôi không rao giảng.

- Ồ! có đấy. Khi anh nói rằng Trotsky không đáng giá hơn so với Stalin, thì điều đó cũng có nghĩa toàn thể nhân loại đã bị băng hoại và chẳng còn hy vọng nữa - chúng ta phải tuân phục quyền lực của bọn sát nhân, bọn phát xít, tất tật những kẻ gây ra các progrom và áp bức chúng ta vào thời Trung cổ, thời Tòa Án Dị Giáo và những cuộc thập tự chinh.

- Felhendler, nước Anh, nước Pháp và nước Mỹ đã không hề viện đến Tòa Án Dị Giáo cũng như các cuộc thập tự chinh.

...

- Tôi thấy rất đau lòng khi phải tiêu diệt những hy vọng của anh, tôi đáp, nhưng tôi sẽ tiên đoán với anh thêm một điều nữa. Cách mạng thường trực mà Trotsky rao giảng - dẫu cho đó có thể là thể loại cách mạng như thế nào - sẽ là bản sao chính xác của những gì mà đám theo Stalin đang làm. Tôi không mong muốn thêm một lần nữa anh sẽ lại phải tự nhủ rằng tôi đã nhìn nhận đúng. Anh đã phải chịu đau khổ quá đủ rồi.

- Không, Felhendler nói. Nếu suy nghĩ giống như anh, chẳng thà tôi tự treo cổ ngay lập tức cho xong.

Chàng trai trẻ Aaron đã lấy từ đâu ra nhãn quan sáng suốt đó? - Chỉ có thể từ kinh sách, sử sách và văn chương mà anh ta đã sớm nghiền ngẫm học hỏi. Khía cạnh rất đáng quan tâm nữa ở đây chính là vị thế và giọng điệu tiên tri của Aaron, mà thêm một lần nữa gợi lên tầm vóc một rabbi cha truyền con nối. Nhưng trong những chuyện thời thế như thế, câu trả lời mà Aaron tìm thấy và đưa ra đã không trực tiếp giải đáp cho thân phận Do Thái; hay nói cho đúng, đó không phải giải đáp cuối cùng. 
Tìm kiếm của Aaron, từ một mặt khác, vấp vào ý định mệnh ở những đồng bào Do Thái. Cuộc dan díu rất thơ mộng, đầy quyến rũ của cậu trai Aaron với người đàn bà vừa dịu dàng vừa u sầu sắc sảo Celia gây nên một cảnh hoàng hôn kéo dài tưởng như vô tận, mà biết chắc sẽ chấm dứt, dù vô cùng phân vân và hoang mang. Celia có lần nói với Aaron: “Những người tự sát muốn thoát khỏi cái chết một lần cho xong. Nhưng những ai không hèn nhát như vậy thì học cách yêu lấy cái mùi vị của nó.”  Đấy là cái hiện sinh của tồn tại-cùng-cái chết. Chủ đề cái chết thật sự là leitmotif của cả tiểu thuyết này, tuy nhiên đã được thể hiện trong biểu hiện hiện sinh của nó: xác thịt và tinh thần của tình yêu. Aaron chia sẻ thân phận đó, như một lần qua điện thoại hẹn hò chàng ta nói với Celia: “Mọi chuyện sẽ kết thúc bằng một thảm họa. Vậy tại sao không tận dụng thời khắc hiện tại?”
Mặc dù là thế, Aaron không thấy đấy là nơi chứa đựng câu trả lời cho thân phận Do Thái. Cuộc dan díu, với Betty, còn nóng bỏng và sát hợp lựa chọn văn chương của anh ta hơn thì lại còn đẩy ra xa hơn, mờ mịt hơn cái khả năng tìm một câu trả lời. Chấp nhận gá nghĩa với Betty thì “một triển vọng mà tôi chưa từng bao giờ mơ tới đang mở ra trước tôi - một visa sang Mỹ và khả năng viết văn chẳng còn phải lo đến tiền bạc nữa!” Và tuy nhiên, đấy chắc chắn không phải chỗ Aaron muốn tới tìm giải đáp, bởi như thế sẽ đơn giản là, một lần nữa, triển hạn cái thân phận lưu vong. 

Rồi điều mà anh ta không gọi là “phép lạ” nhưng hoàn toàn có vị thế một “phép lạ” đã xảy đến với anh ta. 

“Chạy đi, một giọng nói bên trong tôi cất lên. Mi sẽ lún sâu vào một vũng bùn từ đó mi sẽ chẳng bao giờ thoát ra được. Bọn họ sẽ lôi mi xuống vực thẳm cùng họ!” Đó là giọng của bố tôi. Trong làn ánh sáng bình minh, tôi nhìn thấy vầng trán cao của ông, cùng cặp mắt thấu suốt. “Đừng làm chúng ta phải xấu hổ, trước tổ tiên thanh sạch của mi, mẹ của mi và ta. Tất cả các hành động của mi đều được ghi lại ở trên trời.” Rồi giọng nói bắt đầu rủa xả tôi: “Đồ ngoại đạo! Kẻ phản bội Israel! Hãy nhìn điều gì xảy ra khi người ta chối bỏ Đấng Toàn Năng! Mi sẽ ghét con bé đó và ghê tởm nó, bởi vì đó là một thứ bị nguyền rủa!”

Tôi ở yên đó, trong nỗi choáng váng. Kể từ khi bố tôi chết, tôi đã không tài nào dựng lại hình ảnh ông. Ông chưa từng bao giờ hiện ra trong giấc mơ của tôi. Sau khi ông chết tôi rơi vào một dạng chứng quên. Thường thì trước khi ngủ, tôi cầu xin ông hiện ra với tôi, cho tôi thấy một dấu hiệu, nhưng những lời cầu nguyện của tôi không được hồi đáp. Và thế rồi đột nhiên ông ở đó ngay gần tôi, đúng ngày Tha thứ Vĩ đại! Đáng khiếp hãi, như thể bùng cháy, từ ông tỏa rạng một ánh sáng bên trong. Tôi còn nhớ những gì trong Midrash từng nói về Joseph: vào thời điểm Joseph sắp phạm tội lỗi cùng vợ của Putiphar, Jacob, bố ông, đã hiện ra trước ông. Kiểu hiện hình này chỉ xảy ra vào các thời điểm quẫn bách sâu sắc.

Tôi nhỏm dậy, hai mắt mở lớn: “Bố, cứu con!” Trong khi tôi cầu xin, hình ảnh tan biến.

Tình tiết này cho thấy rõ rệt cái lựa chọn đường văn chương của nhân vật Aaron thực ra là cách thức hiện sinh của cái tồn tại rabbi của anh ta. Chẳng phải đơn thuần anh ta lựa chọn tiếng Yiddish rồi việc viết văn chỉ do năng lực bẩm sinh và hứng thú mỹ cảm; mà đã có và luôn luôn có một nền tảng tinh thần sâu thẳm, cái thôi thúc đằng sau những biểu hiện đó - từ câu hỏi kiệt cùng về Lưu vong Do Thái, thân phận Do Thái. Nó cũng đem đến cái minh định đặc thù của nó về tự do/tự do lựa chọn, khi Aaron bình tĩnh chối bỏ cơ hội di tản sang Mỹ, một cơ hội được đảm bảo bằng tiền của một nhà triệu phú Mỹ cùng với tình của tình nhân của ông ta.

Tôi làm mọi việc tôi cần phải làm một cách bình thản và gần như là máy móc, tôi đã cự tuyệt tự do chọn lựa của tôi, và tất định luận đã thế chỗ.

Ở đây không phải chuyện rắc rối của những mệnh đề luận lý về quan hệ gọi là “tự do và tất yếu.” Trong kích thước của hiện sinh này, tự do là tất yếu. Điều này nổi bật ở câu chuyện bất ngờ nhất kiến tạo nên tiểu thuyết này: tình yêu tiếp tục sau hai mươi năm biệt tích giữa Aaron với Shosha; và diễn tiến sau đấy của mối tình. Hãy nghe qua vài đoạn song tấu của niềm tự do kỳ lạ. 

Shosha suy nghĩ:

- Arele, em sẽ không thể có con. Ông bác sĩ có lần đã nói rằng em quá hẹp. Anh cũng biết là ở đâu rồi đấy.

- Anh không muốn có con. Em là con anh.

- Arele, thực sự bây giờ anh là chồng em rồi, phải không?

- Phải, Shoshele.

- Và em thực sự là vợ anh?

- Theo luật thì đúng thế.

- Arele, em sợ.

Người soát vé xuất hiện, để bấm lỗ vé của chúng tôi. Ông ta hỏi:
- Tại sao cô bé lại khóc?
- Ồ! cô ấy để quên cái gối nhỏ.
- Con gái của anh phải không?
- Không. À mà đúng.
- Đừng khóc, bé con. Cháu sẽ có một cái gối khác thôi.
Ông ta đưa tay gửi cho nàng một nụ hôn trước khi đi khỏi. Đang khóc dở, Shosha phá lên cười:
- Ông ấy tưởng anh là bố em!
- Thì đúng thế mà.
- Sao mà có thể thế được? Anh đang trêu em!
- Em không điên.
- Thế em là gì?
- Một linh hồn bé nhỏ dịu dàng.

Tiến sĩ Feitelzohn đã ngạc nhiên về Shosha  cô gái mang cái tên “cổ lỗ” - điều khiến có thể ngoại suy rằng cái tên ấy cùng niên đại với các “tử ngữ” mà trong đó Aaron vẫy vùng. Và có thể thấy rằng, với tự do và tự do lựa chọn, nhân vật Aaron đã chối bỏ lộ trình kiểu “tiến bộ” - đi tới chỗ an toàn hơn, tiện nghi hơn, tóm lại là hiện đại hơn; để mà chọn cái hiện sinh Do Thái của mình, đích thực, vào lúc ấy được biểu hiện ở cuộc hôn nhân với Shosha, mà chính những đồng bào và thân thích bạn bè của anh ta không lý giải được, nhìn vào một cách hoài nghi, thất vọng, mỉa mai nữa. Khi ấy, chẳng ai hay đại Lưu vong Do Thái sắp chấm dứt thông qua một biến cố thê thảm bằng một cái giá không ai tưởng tượng nổi. Và, đặt trên cái phông nền ấy, Aaron khiến câu chuyện về Shosha của mình trở thành hình bóng của một hiện sinh Do Thái. Rốt cục, sống sót sau Thế chiến thứ hai, cùng Haiml cũng may mắn thoát nạn Lò thiêu, gặp lại nhau trên Đất Palestine nơi nước Cộng hòa Israel mới hình thành, thì phải chăng Aaron đã nhìn thấy lời đáp cho tìm kiếm suốt đời của anh ta? 

- Thứ cà phê này có vị của nước rửa bát. Đã bao nhiêu lâu rồi chúng ta chưa gặp lại nhau? Mười ba năm? Phải, đến tháng Chín là tròn mười ba năm. Shosha chết rồi, phải không?

- Shosha chết ngay hôm sau vợ chồng chúng tôi rời khỏi Vacsava.

- Chết trên đường đi à?

- Phải, cũng như Mẹ Rachel của chúng ta.

Khi so sánh trường hợp Shosha với “Mẹ Rachel của chúng ta” thì Aaron rõ ràng ngụ ý cái ẩn dụ dân Do Thái đã được sinh ra một lần nữa. Sách Khởi nguyên, Kinh Cựu Ước (Hebrew) kể chyện bà Rachel sinh ra tổ phụ của dân Israel đang khi trên đường đi sang đất Ephrate lánh nạn. Kể rằng, ở đất Ramah mãi bao đời sau còn nghe tiếng bà khóc than thương xót cho những đứa con của mình bị lưu đày. Dường như, phải chăng, Aaron đã nhìn thấy câu trả lời hay cái điều anh ta tìm?


*


Phần “Vĩ thanh” của tiểu thuyết này tinh tế chuyển giọng; đặc biệt nếu đem đối sánh chương này với hai chương đầu Phần thứ nhất, sẽ dễ “trông thấy” nhân vật Aaron đã già dặn đi một cách đáng kinh ngạc như thế nào, với cảm giác trầm lắng vang lên từ những câu thoại của anh ta - ít lời hơn, sắc thái nửa chừng hơn, vẫn “nhất lãm” về phong cách nhưng trĩu nặng; và từ tất cả những động thái ngôn từ ấy, lại thấy câu hỏi về thân phận Do Thái, vô hình nhưng hoàn toàn cảm nhận rõ, lừng lững nổi lên. [Isaac Bashevis Singer là một thiên tài về kể chuyện!]

Bầu khí bao trùm xuyên suốt “Vĩ thanh” là cảm thức của Haiml và Aaron về sự hiện diện của những người đã chết - Shosha, Celia, tiến sĩ Feitelzohn, và tất cả. Nhưng đây không phải là hồi ức. 

Nhiều người bạn gọi điện thoại cho tôi, những người tôi tưởng đã bị chôn cất từ lâu rồi. Mỗi cuộc gặp như thế đều giống một sự sống lại của những người chết. Ai mà biết? Bởi chúng ta đã sống đủ lâu để chứng kiến phép mầu ấy, một tổ quốc Do Thái tìm thấy lại, có lẽ chúng ta sẽ thấy Đấng Cứu Thế, xét cho cùng? Có lẽ những người chết sống lại thật? … Tôi không biết bằng cách nào và vì lẽ gì, nhưng họ ở đây.


- Những năm ấy đã đi đâu nhỉ? Ai sẽ còn nhớ đến chúng chừng nào chúng ta không còn ở đây nữa? Các nhà văn chắc chắn sẽ nhắc đến, nhưng họ sẽ trộn nháo nhào hết vào với nhau. Ở đâu đó phải có một nơi lưu giữ mọi thứ, mọi thứ đều được chép lại ở từng chi tiết nhỏ nhất. Cứ cho là có một con ruồi rơi vào một mạng nhện và con nhện ăn thịt nó. Đó là một sự kiện có tầm vóc vũ trụ và một sự kiện như vậy thì không được phép lãng quên. Nếu bị quên, thì sẽ hình thành một vết, cả nó cũng có tầm vóc vũ trụ. Anh có hiểu tôi không?

- Có, Haiml.

- Tsutsik, những lời ấy là của anh đấy. [Haiml gọi Aaron bằng biệt danh]


Nếu Chúa là sự thông thái, thì làm sao lại có thể có cái chết? Ban đêm, tôi thức, con người bé nhỏ mong manh, con ruồi gần như bị nghiền nát, và tôi nói chuyện với những người chết, với những người sống, với Chúa - đấy là giả định ông ta có tồn tại - và với Satan - hắn thì chắc chắn có tồn tại. Tôi hỏi họ: “Tất tật những cái đó có tất yếu hay không?” Và tôi đợi câu trả lời. Anh nghĩ gì về chuyện ấy, Tsutsik? Có tồn tại một câu trả lời ở đâu đó hay không?

- Không, không có câu trả lời đâu.



Aaron đã thấy câu trả lời. Đó là: “không có câu trả lời”. Câu hỏi đáp lại câu hỏi, đúng như cái tồn tại đẩy hiện sinh về phía trước. Cái “nơi lưu giữ mọi thứ, mọi thứ đều được chép lại ở từng chi tiết nhỏ nhất”, là nơi nào? - Nơi nào khác phù hợp hơn ngoài thực tại của sống. Nhưng quan trọng và ý nghĩa chính là ở hoạt tác của “lưu giữ-chép lại” và trò chuyện-gặp gỡ với những người đã chết. Đó, tất thảy, là một đối thoại miên viễn, với đấng Chúa của Israel, như thức đối thoại của Talmud.

8 comments:

  1. Lần đầu tiên nhìn thấy Shosha là em nghĩ ngay đến Shoah.

    ReplyDelete
  2. chắc chỉ hoàn toàn do tình cờ (tác giả không hề nghĩ đến) mà cái tên nhân vật "Shosha" (được dùng làm nhan đề tiểu thuyết) trông có gì đó giống "Shoah" thôi

    ReplyDelete
  3. Liên tưởng Shosha-Shoah là biểu hiện (hay hệ quả?)của sự mắc kẹt phổ biến về Do Thái và Thế chiến 2. Singer không "trải qua" Shoah vì ông đã đến Mỹ từ năm 1935. Prologue và epilogue của biến cố phải chăng là "vùng lân cận"?

    "nơi lưu giữ mọi thứ, mọi thứ đều được chép lại ở từng chi tiết nhỏ nhất" có thể là nơi nào khác ngoài thư viện Babel?

    Cthulhu

    ReplyDelete
  4. "vùng rìa" (Les Limbes) là nhan đề ban đầu của "Les Fleurs du Mal", tất nhiên gợi nhớ thẳng đến Dante: một loạt nhân vật Hy Lạp La Mã (kể cả Virgile) phải ở đây vì trót sống ở thời trước Jesus Christ nên không được đưa lên thiên đường

    ReplyDelete
  5. Giấc mơ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Shosha. "Chúa chỉ đang ngủ và thế giới này thực ra được dựng lên trong giấc mơ của Chúa". Nhân vật Aaron luôn vật vã giữa các giấc mơ và hiện thực. Anh ta luôn bị hấp dẫn bởi những gì huyền bí (sự khải thị vvv...) những thứ mà anh ta bị cấm tiếp xúc trước 40 tuổi. Nhưng Aaron ngoài 40 tuổi, trở về từ Mỹ sau các sự kiện bi thảm, không còn bị hấp dẫn bởi bất cứ điều gì, hoặc không còn điều gì trên đời này là thần bí đối với anh ta nữa. Cùng với cái chết của Shosha, Aaron có lẽ đã vĩnh viễn không "ngủ" nữa cũng như không bao giờ còn muốn cố gắng tìm hiểu những trò-sắp đặt-trong giấc mơ của Chúa. Người Do Thái từ nỗi đau của chính họ đã nhận ra rằng: chẳng ai có thể (hoặc có tư cách)trả lời cho những nỗi đau, kể cả Chúa .

    ReplyDelete
  6. trở về? không, Aaron không quay về Ba Lan, phần "vĩ thanh" diễn ra trên đất Israel, điều đó làm tăng trọng lượng chuyện "không có câu trả lời" lên rất nhiều lần

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ nhỉ. Tel Aviv quả là một lựa chọn đáng để suy nghĩ.

      Delete
  7. Có một thực tế là Người Do Thái cũng chỉ là một sắc tộc tôn giáo cho nên bất cứ ai cũng có thể gia nhập dân tộc Do Thái hay kết nạp làm thành viên dân Do Thái . #nguoidothai @nguoidothai #nguoi-do-thai @nguoi-do-thai #nguoi_do_thai @nguoi_do_thai . Cho nên dân tộc Do Thái cũng hổng có gì đặc biệt hết ngoài bản sắc tín ngưỡng tâm linh truyền thống của cha ông tổ tiên họ .

    Thực tế cá nhân người Do Thái thực hành đạo thì bị giới hạn vào trong các lề luật tôn giáo của đạo giáo Do Thái hay môn phái Do Thái Giáo . Trang Facebook Văn Hoá Do Thái nói khá rõ về điều này kèm theo nhiều tư liệu phim ảnh thiết thực : https://www.facebook.com/vanhoadothai .

    Thêm vào đó Bạn có thể hiểu rõ về nhân dân Do Thái trong trang blog Võ Lâm Trung Đông Truyền Kỳ : https://volamtrungdong.wordpress.com Võ Lâm Truyền Kỳ Trung Đông .

    Thêm thông tin kỳ thú là 90% người Mỹ gốc Do Thái Ashkenazi là dân Nhật Nhĩ Man và 80% dân nho thái trên toàn cầu cũng là người Nhật Nhĩ Man Do Thái Ashkenazi . Cho nên nước Hoa Kỳ Mỹ có nhiều người Do Thái sinh sống nhất hiện nay .

    ReplyDelete