Dec 27, 2018

Hofmannsthal: Lord Chandos

Tiếp tục "mùa đông đọc thơ" (và nhân tiện đã tiếp tục bài thơ về xà phòng của Francis Ponge - đồng thời cũng viết thêm phần "intro" cho riêng Ponge).

Đây là Hugo von Hofmannsthal, nhưng đây đồng thời cũng là một sự quay trở lại với câu chuyện Hofmannsthal ở Pháp (cũng như Eichendorff hay Fontane mà chúng ta bắt đầu quen thuộc gần đây, Hofmannsthal thuộc vào số nhân vật văn chương tiếng Đức không thực sự được biết đến nhiều ở Pháp). Cần một Charles Du Bos thì Hofmannsthal mới có một sự đến Pháp tương đối ổn thỏa.

Vậy cho nên tôi quay trở lại với quyển sách này:



Nó có sự đóng góp lớn của Charles Du Bos:


Quyển của tôi đánh số 912:



Và niên đại 1927; những quyển sách chỉ tìm được năm in trên gáy như này có thể gây rất nhiều vấn đề, chỉ cần gáy bị sứt một mẩu là rất khó xác định (tôi có một ví dụ khác liên quan tới quyển Thi thoại của Lê Văn Hòe, xem ởkia).

Thư của Lord Chandos được Hofmannsthal viết năm 1902. Kể từ sau bản dịch tiếng Pháp trên đây (người ta không thực sự biết người dịch ký tên tắt "E. H." là ai, chỉ loáng thoáng biết đó là một phụ nữ), đã có bản dịch khác, ngày nay bản dịch thứ hai ấy mới phổ biến. Nhưng tôi quay trở lại với bản dịch hồi 1927 trong ấn bản có lời tựa của Charles Du Bos, với đầy đủ ý thức về các nguy cơ; vả lại, lúc nào tôi cũng có thể đối chiếu với bản dịch thứ hai, cũng như bản gốc tiếng Đức.




Thư của Lord Chandos

- Hugo von Hofmannsthal



Đây là thư của Philippe Lord Chandos, con trai thứ của bá tước Bath, gửi cho Francis Bacon, về sau sẽ trở thành lord Verulam và tử tước St.-Albans, để hối lỗi với người bạn ấy vì chối bỏ mọi hoạt động văn chương.


Từ phía anh, hỡi bạn rất yêu kính, có thật nhiều lòng từ tâm vì không lý gì tới sự im lặng trong vòng suốt hai năm của tôi, lại còn viết thư cho tôi nữa. Có nhiều hơn cả lòng từ tâm để mà anh thể hiện niềm ân cần, sự sửng sốt thấy tinh thần tôi rơi vào cơn tê liệt, cái cách thức nhẹ nhõm và bông đùa ấy, vốn dĩ chỉ thuộc về những con người đủ mức lớn để hiểu cuộc đời điểm xuyết biết bao nhiêu hiểm họa và thế nhưng không đánh mất lòng can đảm.

Anh dùng câu châm ngôn của Hippocrate để kết thúc thư: “Qui gravi morbo correpti dolores non sentiunt, iis mens aegrotat”, và anh nghĩ tôi cần một phương thuốc, không chỉ nhằm thuần hóa chứng bệnh của tôi, mà còn để mài sắc nơi tôi sự hiểu tình trạng bên trong nữa. Tôi những muốn trả lời anh đúng như tình bạn của anh xứng đáng, tôi những muốn mở toang lòng tôi với anh, nhưng không biết phải làm sao. Tôi chỉ còn lờ mờ biết mình vẫn còn là cùng cái người mà bức thư của anh hướng tới. Ở tuổi hăm sáu, tôi tự hỏi có phải chính tôi từng viết, khi mười chín tuổi: Chàng Pâris mớiDaphnéEpithalame, những bài thơ đồng quê lảo đảo đi khỏi dưới bộ trang phục tráng lệ của các từ, mà một bà hoàng trên trời cao cùng vài vị lord và lãnh chúa độ lượng quá mức vẫn còn hạ cố nhớ đến. Và có phải tôi cái kẻ, ở tuổi hăm ba, dưới các vòm đá Quảng trường Lớn Venise, tìm được trong chính tôi sự bố trí các thời kỳ Latin mà sơ đồ và sự xây dựng khiến tôi sướng vui bên trong còn hơn so với các tòa công trình mà Palladio và Sansovin từng làm hiện ra trên mặt biển? Và nếu tôi vẫn là cùng cái kẻ hồi ấy, thì làm sao lại có thể cái tôi không sao hình dung nổi của tôi lại đánh mất đi mọi dấu vết, mọi vết sẹo của sáng tạo từ suy nghĩ của tôi hướng ra giới hạn cực điểm đó? làm sao lại có thể trong bức thư của anh, đang ở ngay trước mắt tôi đây, nhan đề bản viết nhỏ ấy lại lạnh lùng nhìn tôi như một điều xa lạ, làm sao mà thậm chí tôi đã chẳng thể nào nắm bắt nó ngay lập tức như một hình ảnh đã biết của các từ tập hợp lại với nhau, nhưng phải hiểu nó lần theo từng từ, như là lần đầu tiên tôi nhìn thấy kết hợp đó của các âm Latin? Và thế nhưng đó chính là tôi và có tu từ trong những câu hỏi ấy, thứ tu từ thích hợp cho đám phụ nữ hay Hạ Nghị viện mà tuy nhiên các năng lực bị đánh giá quá cao vào thời của chúng ta chẳng hề đủ để xâm nhập tận đáy mọi vật. Thế nhưng chính đáy của tôi là thứ mà tôi phải đặt ra trước anh, sự kỳ quặc, tật thói, chúng ta hãy nói: căn bệnh của tinh thần tôi, nếu anh hiểu được rằng một vực thẳm cũng ở mức không thể vượt qua chia cách tôi với công việc văn chương như thể được đặt trước mặt tôi giống như với những gì ở đằng sau tôi, và chúng đã trở nên xa lạ đối với tôi tới mức tôi ngần ngại không muốn gọi chúng là của tôi.

Tôi không biết nên ngưỡng mộ lòng nhân từ lớn lao của anh hơn, hay là sự chuẩn xác khó tin của ký ức anh, khi anh nhắc tôi về nhiều dự đồ nhỏ bé mà tôi từng mang trong mình vào những ngày hào hứng tươi đẹp chúng ta cùng sống qua. Quả thật, tôi đã muốn miêu tả những năm đầu triều trị vì của đức vua Henri VIII vinh quang của chúng ta. Những ghi chép mà ông tôi, công tước Exeter, để lại, về các thỏa thuận của ông với nước Pháp và Bồ Đào Nha, đã tặng cho tôi một nền tảng. Và trong những ngày đẹp hết mức, sống động hết mức ấy, Salluste khiến lướt qua ở trong tôi, như là theo các dòng kênh không vướng chút trở ngại nào, hiểu biết về hình thức, về cái hình thức sâu thẳm, đúng nghĩa, bên trong đó, mà người ta chỉ có thể dự cảm khi vượt qua rào cản những giả tạo của tu từ học - hình thức mà người ta không còn có thể nói rằng nó sắp xếp vật chất, bởi nó xâm nhập vật chất, nâng vật chất lên và tạo ra vừa thơ lại vừa cả sự thật; tương phản của các lực vĩnh hằng, điều tuyệt diệu giống như âm nhạc và đại số. Đó từng là kế hoạch ưa thích nhất của tôi.

Con người là gì đây, để mà lên các kế hoạch?

Tôi còn nuôi nấng nhiều dự đồ khác nữa. Bức thư nhân từ của anh cũng gợi lại chúng. Dự đồ nào cũng có thêm một giọt máu của tôi nhỏ vào và chúng nhảy múa trước mặt tôi, như những con mòng buồn bã trên một bức tường u tối mà mặt trời của những ngày sung sướng chẳng còn rọi sáng nữa.

Những dụ ngôn và huyền thoại mà người Xưa truyền lại cho chúng ta, chúng đổ đầy vào các họa sĩ và điêu khắc gia niềm khoái thú vô bờ bến và chẳng hề vương suy nghĩ, tôi đã muốn giải mã chúng, và bên dưới các chữ tượng hình rối rắm kia khám phá sự thông thái bí mật, không thể cạn kiệt, mà đôi khi như thể tôi cảm thấy được luồng hơi thở, như là xuyên qua một tấm voan.

Tôi còn nhớ cái kế hoạch ấy. Ở dưới đáy sâu của nó có một ham muốn không rõ là gì, vừa đẫm nhục dục vừa nhiều trí tuệ. Như con hươu bị vây dồn khát khao nước để đẫm mình xuống đó, ham muốn của tôi từng hướng về những cơ thể trần truồng và rực rỡ ấy, các nữ thủy thần và mộc thần nữ ấy, Narcisse và Protée, Persée và Actéon: tôi muốn biến mất đi ở trong họ, và tiên đoán qua miệng họ. Tôi muốn… Tôi còn muốn nhiều điều khác nữa. Tôi từng nghĩ đến chuyện làm ra một tập Truyền ngôn, giống Jules César: anh còn nhớ Cicéron từng nhắc đến nó trong một bức thư [chắc chúng ta cũng nên sớm đến với những bức thư của Cicéron]. Tôi từng nghĩ đến chuyện tập hợp những gì hẳn tôi sẽ thu nhận được về phương diện những lời đặc biệt đáng nhớ, hoặc của những đàn ông thông thái và phụ nữ trí tuệ của thời chúng ta, hoặc của những người bình dân đặc biệt hay các nhân vật nhiều hiểu biết và nổi bật gặp được trong những chuyến đi xa; tôi tính đưa vào đó cả các câu và suy nghĩ rút ra từ những cuốn sách của người Xưa và người Ý, cùng tất tật những điểm trang cho tinh thần hẳn sẽ hiện ra trước tôi hoặc trong sách, các bản thảo, hoặc nơi những cuộc trò chuyện. Sau đó tôi muốn miêu tả sự bố trí các bữa tiệc và những biểu diễn đặc biệt đẹp, những tội ác và ca điên loạn ngoạn mục, những tòa công trình lớn nhất và độc đáo nhất của Hà Lan, Pháp và Ý, cùng rất nhiều thứ nữa. Cả cuốn sách chắc sẽ mang nhan đề: Nosce te ipsum.

Để tôi tóm tắt lại: hồi đó tôi mường tượng toàn bộ những gì tồn tại như là một nhất thể lớn, thế giới tinh thần và thế giới vật chất không tạo ra phản đề, cũng tương tự, lịch thiệp và thô lậu, nghệ thuật và sự mọi rợ, cô đơn và xã hội; nơi mọi thứ tôi đều cảm thấy tự nhiên hiển hiện, cả trong những lầm lạc của cơn điên lẫn ở những tinh xảo thái quá của một nghi thức Tây Ban Nha, nơi các vụng dại của những nông dân trẻ tuổi không kém hơn so với trong những phúng dụ dịu ngọt nhất. Và bản thân tôi ở trong tất thảy tự nhiên; những lúc, tại chòi đi săn, tôi nốc thứ sữa ấm sủi bọt mà một cô gái có mái tóc lòa xòa vắt cho chảy vào một cái xô gỗ từ vú một con bò cái đẹp có cặp mắt êm dịu, tôi không cảm thấy khác hơn so với khi, ngồi trên băng ghế cạnh cửa sổ study của tôi, tôi hấp thụ vào mình dưỡng chất mềm mại và gây nổi bọt mà tinh thần tôi tìm được trong một quyển sách khổ nhỏ. Hai hành động ấy, không cái nào chịu nhường bước trước cái nào, hoặc cho lý tưởng tính của giấc mơ vượt lên cao khỏi mặt đất, hoặc cho vật chất tính của quyền năng cơ thể. Và bằng cách đó tôi đã băng qua, lúc sang phải khi qua trái, toàn bộ độ rộng của cuộc đời; khắp nơi nơi, tôi ở chính giữa mọi thứ, chưa từng bao giờ tôi tìm được gì chỉ là vẻ bên ngoài. Hoặc giả tôi dự cảm được rằng mọi thứ đều là biểu tượng và bất kỳ tạo vật nào cũng là một chìa khóa cho các tạo vật khác, và tôi cảm thấy đủ sức mạnh để túm lấy chúng, hết cái này đến cái khác, nhằm khiến mỗi cái giúp tôi làm hé lộ mọi cái mà nó biết được bí mật. Đó là lời giải thích cho nhan đề mà tôi từng muốn đặt cho cuốn sách bách khoa thư của tôi.

Người nào đủ khả năng đánh giá các vật từ quan điểm tôn giáo, có thể tìm thấy một kế hoạch được Thiên Hựu thánh thần lên rất kỹ trong sự thể tinh thần phồng tướng nỗi ngạo nghễ của tôi rồi sẽ rơi bổ vào sự quá của nản lòng và bất lực vốn dĩ đã trở thành trạng thái thường hằng nơi tôi. Nhưng các quan niệm tôn giáo theo kiểu đó không có chút quyền năng nào đối với tôi; đó là những mạng nhện lách qua đó các suy nghĩ của tôi thoát đi vào trống rỗng, trong khi suy nghĩ của biết bao nhiêu người khác bị giữ lại đó và tìm được sự nghỉ ngơi ở đó. Đối với tôi các bí ẩn của lòng tin đã được cô đặc lại vào một phúng dụ cao bật lên, nó tỏa ánh sáng phía bên trên các khoảng cuộc đời tôi giống một cầu vồng luôn luôn xa xôi, luôn luôn sẵn sàng dịch đi xa hơn nếu tôi muốn chạy đến chỗ nó và quấn người tôi vào rìa chiếc áo choàng của nó.

Nhưng, hỡi bạn rất yêu kính, những khái niệm về các vật thuộc trần thế cũng vuột đi khỏi tôi theo cùng một cách. Tôi phải làm thế nào đây để thử miêu tả cho anh những nỗi hành hạ tinh thần lạ thường ấy, những cành đầy trĩu quả đột nhiên vọt lên mất, thoát đi khỏi hai bàn tay tôi chìa ra - nước thì thầm bỏ trốn trước cặp môi tôi khát khô?

Nói ngắn gọn, trường hợp của tôi là như sau: Tôi đã hoàn toàn đánh mất năng lực xử lý liền mạch, bằng suy nghĩ hay lời lẽ, một chủ đề bất kỳ. Thoạt tiên tôi thấy không tài nào nói tới các vật cao hay chung, bằng cách sử dụng những từ thế nhưng tất cả mọi người dùng một cách thông dụng. Tôi cảm thấy một nỗi khó ở không sao giải thích khi nói ra những từ “tinh thần”, “tâm hồn” hay “cơ thể”. Tôi từng tự thấy ở bên trong mình bị ngăn cản thốt ra một lời đánh giá về các sự vụ triều đình, những biến cố nơi Nghị viện, hay về bất kỳ cái gì khác. Và như vậy không phải vì e sợ bất kỳ ai hay điều gì, bởi anh cũng biết sự thẳng thắn của tôi rồi, nó còn đạt đến tận mức của thiếu cẩn trọng; nhưng các từ trừu tượng, mà thế nhưng ngôn ngữ nhất quyết phải dùng để tạo ra được một đánh giá dẫu cho có là gì, tan biến thành tro bụi ở miệng tôi như nấm thối. Đã có lúc trong khi mắng mỏ Catherine Pompilia con gái tôi, mới lên bốn tuổi, vì đã có một lời nói dối trẻ con, và trong khi tìm cách khiến nó hiểu sự cần thiết phải luôn luôn nói đúng, những ý ào lên miệng tôi đột nhiên khoác lên mình các màu sắc óng ánh và chảy tràn lẫn vào với nhau tới nỗi tôi phải vội vã nói cho xong câu của tôi, như thể bị vướng vào một cơn khó ở có tính cách vật lý. Quả thật mặt tôi tái nhợt và tôi có cảm giác bị đè nặng lên trán. Để đứa bé lại đó, tôi đóng sập cánh cửa lại sau lưng, và mãi khi đã cưỡi trên lưng ngựa, nhờ phóng đi một lúc lâu trên bãi cỏ cô đơn, tôi mới hồi tâm được đôi chút.

Những khoảnh khắc sợ hãi đó đã dần dà trở nên tràn ngập giống như gỉ gặm nhấm mọi thứ gì xung quanh. Ngay ở các cuộc trò chuyện thân tình và rất bình thường, mọi sự đánh giá mà người ta nhẹ dạ nói ra, với một sự chắc chắn của kẻ mộng du, đều gây cho tôi nhiều mối nghi ngờ đến mức tôi phải ngừng dự phần vào những cuộc trò chuyện ấy. Tôi cảm thấy một nỗi giận dữ không sao giải thích mà tôi khó lòng giấu kín đi, chẳng hạn khi nghe thấy câu sau đây: “Chuyện đó đã kết thúc tốt đẹp hoặc tệ hại đối với người này hay người kia; ông cảnh sát N… là một người độc ác, thầy giảng T… tốt bụng; chủ trang trại M… rất đáng phàn nàn, mấy thằng con trai của ông ta thì chỉ chuyên phá tán tiền của, một đứa khác thì đáng ghen tị, mấy đứa con gái rất căn cơ; gia đình kia đang vươn lên cao trên bậc thang xã hội, gia đình nọ thì rơi xuống thấp”. Tất tật những cái đó hiện ra trước tôi không thể chứng minh, dối trá, ít liền lạc hết mức. Tâm trí tôi buộc tôi phải nhìn tất thảy những thứ hiện ra trong các cuộc trò chuyện ấy như thể trong một sự cận kề đáng lo ngại: chính bằng cách đó mà một ngày nọ tôi đã thấy, xuyên qua một thứ thủy tinh phóng to, làn da ngón tay út của tôi thật giống một cánh đồng với những đường cày và hõm, bằng cách đó giờ đây tôi thấy những con người và các hành động của họ. Tôi không còn có thể thu nhận họ bằng ánh mắt đơn giản hóa của thói quen được nữa. Mọi thứ tan rã thành các mảnh rồi lại phân mảnh tiếp; chẳng gì còn để cho được bao quát bằng một khái niệm xác định. Những từ đơn lẻ bơi xung quanh tôi; chúng vón cục lại và trong mắt tôi trở nên các con mắt nhìn tôi chằm chằm, và đến lượt mình tôi buộc lòng phải chĩa mắt tôi vào, những xoáy lốc gây chóng mặt chừng ánh mắt dấn sâu vào đó, chúng cứ không ngừng xoay và vượt quá đó thì có trống không.

Tôi tìm cách thoát khỏi trạng thái đó, náu mình vào thế giới tinh thần của người xưa. Tôi tránh Platon, vì tôi e ngại mối hiểm họa từ sự bay vọt của ông vào huyền thoại. Tôi chủ yếu muốn buộc chặt mình vào Sénèque và Cicéron. Tôi đã hy vọng chữa cho khỏi bệnh nhờ sự hài hòa trong những ý giới hạn và được sắp xếp thành trật tự của họ. Nhưng tôi không tới được với chúng. Những ý đó, tôi biết rất rõ; trò chơi tuyệt diệu của các tương quan giữa chúng bày ra trước tôi, giống những tia nước tuyệt mỹ chơi đùa với các quả bóng vàng. Tôi có thể bay là là quanh chúng và xem những trò chơi của chúng, nhưng chúng chỉ có tương quan giữa chúng mà thôi, và những gì suy nghĩ của tôi sở hữu ở phương diện sâu sắc nhất, cá nhân nhất, bị loại trừ ra bên ngoài vòng tròn của chúng. Ở chính giữa chúng, tôi bị cứng đờ trong một cảm giác về cô độc kinh hãi: tôi giống người bị nhốt vào một khu vườn chỉ có toàn các bức tượng mù; tôi đã chạy trốn, lướt qua những đồng ruộng.

Kể từ bấy tôi bắt đầu có một tồn tại mà tôi e anh phải khó nhọc thì mới hình dung được, vì nó trôi chảy mà chẳng hề có cuộc sống tinh thần, cũng như suy nghĩ. Tồn tại ấy, đúng thế, chẳng khác mấy so với tồn tại các hàng xóm của tôi, họ hàng của tôi và phần lớn những nhà quý phái sở hữu đất đai trong vương quốc này; và nó không hoàn toàn bị thiếu vắng các khoảnh khắc sung sướng và sống động. Đối với tôi thật chẳng dễ để làm cho anh thoáng thấy được những khoảnh khắc kia thì như thế nào; thêm lần nữa tôi bị thiếu từ. Bởi đó là một cái gì không có tên, và chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ có tên, khi ấy nó hiện ra với tôi, đổ ồng ộc như thể với một cái bình, vào vật nào đó hiển hiện giữa những gì thường nhật vây quanh tôi, một dòng chảy đầy tràn sự sống cao hơn. Tôi không thể trông chờ anh hiểu được tôi nếu không có ví dụ, và tôi xin anh thứ lỗi cho vẻ xuẩn ngốc những ví dụ của tôi. Một ô doa, một cái bừa bị bỏ đó trên cánh đồng, một con chó nằm sưởi nắng, một nghĩa địa nghèo nàn, một người cụt tay chân, một ngôi nhà nông dân nhỏ bé, đều có thể trở nên các vật chứa cho khải thị của tôi. Tất tật những thứ kia và cả nghìn thứ khác tương tự, mà mắt nhìn thông thường hờ hững, vậy là tự nhiên, trượt qua, có thể đột nhiên, đúng vào một khoảnh khắc mà tôi hoàn toàn không biết dẫn tới bằng bất cứ cách thức nào, đối với tôi được in một dấu ấn uy nghi và gây nhiều cảm động tới nỗi mọi từ ngữ với tôi đều trở nên quá nghèo nàn không sao diễn tả nổi. Và ngay hình ảnh cụ thể của một thứ vật vắng mặt cũng có thể, theo một cách thức hoàn toàn không thể hiểu, được đặc tuyển để tự đầy lên hết mức, với một sự mềm dịu đột nhiên, dòng chảy tăng dần của một tình cảm thánh thần. Bằng cách đó mới đây tôi đã ra lệnh rắc rất nhiều bả chuột, tại kho để sữa một trong những trang trại của tôi. Quãng buổi tối, tôi cưỡi ngựa đi ra ngoài, không còn nghĩ gì tới chuyện ấy nữa, như anh có thể nghĩ. Và trong lúc cho ngựa đi nước kiệu trên một cánh đồng đã được cày bừa kỹ, chẳng nhìn thấy gần đó cái gì gây nhiều ấn tượng hơn một đàn chim cút sợ hãi bay vọt lên, và xa xa, phía trên những uốn lượn của cánh đồng, mặt trời to lớn đang lặn, bỗng mở ra trước con mắt bên trong của tôi căn hầm nơi đám chuột đang giãy giụa chờ chết. Lúc đó tôi có mọi thứ ở bên trong mình: bầu không khí lạnh và nặng của căn hầm, ngập ngụa cái mùi lờn lợt ghê rợn của thuốc đánh bả; những tiếng kêu chói tai cơn hấp hối dội vào các bức tường ẩm; đống lộn xộn những cơn co thắt nháo nhào và các nỗi tuyệt vọng hội vào với nhau tạo nên một cuộc săn điên khùng; những bổ nhào rồ dại về phía các lối ra; ánh mắt lạnh lẽo của thịnh nộ, chừng hai con vật gặp phải nhau trước một cái khe bị bít lại. Nhưng từ với ngữ thì để làm gì đây, vì tôi đã thoái bỏ chúng rồi! Anh còn nhớ chứ, bạn của tôi, bản lược đồ tuyệt diệu mà Tite-Live dùng để miêu tả những giờ ngay trước cuộc phá hủy Albalonga: Cư dân đi vật vờ trên các phố, mà họ sẽ không còn thấy lại nữa - nói lời vĩnh biệt với các viên đá trên mặt đất của họ? Tôi xin nói với anh, bạn của tôi, cái đó từng ở bên trong tôi, và cùng lúc với Carthage rực cháy; nhưng còn hơn thế nữa, đó là một cái gì thần thánh hơn và thú vật hơn, và đó là hiện tại ở mức cực đại hiện diện của nó, và một hiện tại tràn đầy trác tuyệt. Tôi từng trông thấy một bà mẹ ở giữa đám con nhỏ đang hấp hối trong những co thắt của chúng, và bà ta không nhìn cơn hấp hối đó cũng như các bức tường đá không thể lay chuyển, mà dõi ánh mắt vào không khí trống rỗng, hoặc giả vượt quá đi vào trong vô tận, cùng những tiếng nghiến răng! Nếu một kẻ nô lệ đang run rẩy vì một nỗi hãi hùng bất lực ở gần Niobé đã hóa đá, chắc kẻ đó sẽ cảm thấy những gì tôi từng cảm thấy vào lúc bên trong tôi linh hồn của con thú kia nhe răng ra với số phận gớm ghê.

Xin thứ lỗi cho tôi vì miêu tả ấy, nhưng đừng nghĩ thứ tình cảm tràn ngập trong tôi là lòng thương xót. Anh không được nghĩ vậy, bởi nếu thế chắc hẳn tôi đã chọn ví dụ quá mức vụng về. Cái đó hơn nhiều và cũng kém nhiều so với xót thương: một tham gia vô tận, một hấp thụ tôi vào các tạo vật đó, hoặc nữa, tình cảm về một dòng lưu sống và chết, của mơ và thức - từ đâu tới? - đã đi qua bên trong chúng trong một khoảnh khắc. Vì có gì chung với lòng thương xót, hay một chuỗi khả tri những suy nghĩ con người, cái sự kiện sau đây: Một tối khác, tôi thấy dưới gốc một cây hồ đào có một cái ô-doa vơi một nửa, bị một chú phụ làm vườn bỏ quên, và cái ô-doa, nước đựng trong đó, bị bóng cây làm cho sẫm tối, một con bọ bơi trên mặt nước ấy từ gờ bên này sang gờ bên kia - tổng thể những thứ lặt vặt ấy khiến tôi lên cơn rùng mình trước hiện diện của cái bất tận, làm tôi run rẩy từ chân tóc xuống đến gót, tới mức tôi những muốn trào ra lời lẽ, chúng, nếu như tôi tìm được, hẳn sẽ làm lũ thiên thần mũm mĩm vốn dĩ tôi chẳng hề tin phải quỳ gối. Trong im lặng, tôi quay đi khỏi chỗ đó và, sau nhiều tuần, những khi nào nhìn thấy cây hồ đào, tôi lại vừa đi qua vừa lén lút liếc nhìn nó, không muốn khiến bỏ chạy mất phép mầu mà kỷ niệm vẫn còn bồng bềnh quanh cái thân, cũng như các đợt run rẩy của chốn xa xôi vẫn còn ám lấy các bụi rậm lân cận. Vào những khoảnh khắc tương tự, một tạo vật chẳng nghĩa lý gì, một con chó, một con chuột, một con bọ, một cây táo khẳng khiu, một con đường dành riêng cho xe kéo chạy ngoằn ngoèo trên đồi, một tảng đá phủ rêu đối với tôi trở nên quý giá hơn người phụ nữ đẹp nhất, buông thả nhất trong cái đêm sung sướng nhất. Những thực thể câm lặng và đôi khi trơ khấc ấy hướng về tôi với một sự đầy, một hiện diện của tình yêu lớn đến mức con mắt được thỏa mãn rất mực của tôi chẳng còn nhìn thấy, quanh nó, gì khác không có cuộc sống. Mọi thứ, tuyệt đối mọi thứ gì tồn tại, mọi thứ gì mà tôi còn nhớ, mọi thứ gì mà những suy nghĩ rối bời nhất của tôi lướt qua, đối với tôi đều phát ra nghĩa. Ngay cả sự nặng tinh thần của chính tôi, thói lãnh đạm quen thuộc của trí óc tôi cũng như thể có nghĩa; bên trong và xung quanh mình, tôi cảm thấy các tương phản rạng ngời, vô biên, và trong số những vật giữa đó các tương phản kia hiện ra, chẳng có lấy một thứ nào nơi tôi không thể tán rộng. Khi ấy tôi thấy như thể cơ thể tôi được tạo ra từ các số, chúng trao tôi chìa khóa mọi sự, hoặc giả như thể chúng ta sẽ có thể tạo ra giữa chúng ta và toàn bộ tồn tại những tương quan mới, dồi dào về tiên cảm, nếu chúng ta khởi sự suy nghĩ bằng trái tim. Nhưng lúc sự huyền hoặc lạ thường ấy rời đi mất, tôi lại không thể nói gì về nó; hẳn tôi cũng chẳng thể diễn đạt bằng những lời lẽ ngay ngắn sự hài hòa giữa tôi và toàn thế giới kia là gì, và bằng cách nào tôi lại bắt nhạy được nó, ở mức tương đương với không thể cung cấp các chỉ dẫn cụ thể về những chuyển động bên trong nội tạng của tôi hay các ngưng lại của chu chuyển máu tôi.

Ngoài những cơn kịch phát ấy, mà vả lại tôi cũng chẳng biết rõ, phải quy cho tinh thần hay cơ thể, đời tôi trống rỗng ở mức gần như không thể tin nổi, tôi khó nhọc giấu vợ tôi sự tê liệt bên trong và giấu các gia nhân nỗi hờ hững mà các sự vụ trông coi tài sản gây cho tôi. Nền giáo dục tốt và nghiêm khắc mà tôi được hưởng nhờ ông bố quá cố của tôi, cùng thói quen có được từ rất sớm không để giờ nào trong ngày trôi qua mà không làm gì, dường như chỉ chúng còn giữ cho cuộc sống bên ngoài của tôi một chỗ dựa vừa đủ và các dáng vẻ phù hợp với điều kiện và con người của tôi.

Tôi cho xây dựng lại một chái nhà, và tôi làm được một việc là đôi khi trò chuyện với viên kiến trúc sư về các tiến triển công việc của anh ta. Tôi quản lý tài sản của tôi; và các chủ trang trại cùng người làm cho tôi, dẫu có lẽ họ cho là tôi hơi kiệm lời, hẳn không thấy tôi kém từ tâm hơn trước kia. Không ai trong số họ, vào lúc đứng trước cửa nhà mình buổi tối, mũ bon nê cầm tay, thấy tôi cưỡi ngựa đi ngang qua, ngờ được rằng ánh mắt tôi, mà vốn dĩ anh ta đã quen đón nhận thật tôn kính, với một ham muốn câm lặng ve vuốt những thanh ván mục bên dưới đó anh ta tìm giun để đi câu cá - rằng tôi dõi sâu qua giữa các thanh chấn song của cái cửa sổ hẹp, vào trong căn phòng ngủ thiếu khí nơi, về một góc, cái giường thấp, phủ các loại vải màu, dường luôn luôn đợi ai đó tới để chết hoặc sinh ra. Chẳng một ai biết rằng con mắt tôi vương vấn thật lâu lên lũ cún con xấu xí hoặc con mèo luồn lách khéo léo giữa các bình hoa, và rằng giữa tất tật những thứ đồ vật ti tiện và thô thiển của cuộc sống nông dân, nó tìm cái vật mà dáng vẻ không một chút hào nhoáng, mà tư thế không ai trông thấy, mà tổng thể câm lặng có thể trở thành nguồn cho cơn ngây ngất bí hiểm, không lời và không bờ bến. Bởi ân sủng không tên sẽ trào ra dễ dàng hơn từ một đống lửa mục đồng xa xa, so với ngắm bầu trời đầy sao; từ tiếng nỉ non của con dế cuối cùng sắp chết, khi gió mùa thu đã xua những đám mây mùa đông tới phía trên các cánh đồng hoang vắng, chứ đâu phải từ những âm thanh uy nghi của cây organ. Và đôi lúc trong suy nghĩ tôi tự so sánh mình với nhà hùng biện Crassus, người ta kể ông ta yêu quý một con cá lịch được thuần hóa có cặp mắt đỏ, bàng quan và câm lặng, tới nỗi cả thành phố bàn tán; và rồi một hôm, tại Nguyên lão Nghị viện, Domitius trách ông ta vì đã khóc cái chết của con cá đó, bằng cách ấy mà muốn biến ông ta thành kẻ điên dở, Crassus đã đáp: “Vậy là tôi đã, khi con cá của tôi chết, làm cái việc mà ông đã chẳng hề làm cả lúc người vợ đầu lẫn lúc người vợ thứ hai của ông qua đời”.

Tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần đến Crassus đó cùng con cá của ông ta, như một hình ảnh chính tôi bị ném vào vực thẳm các thế kỷ. Không phải bởi câu trả lời ông nói với Domitius. Câu trả lời ấy đặt những kẻ thích cười sang phía ông, thành thử sự cố đó kết thúc bằng một câu đùa. Mà chính cái sự thể chạm vào tôi sát sạt - sự thể ấy chắc hẳn vẫn thế nếu Domitius từng khóc thương mọi người vợ của ông ta với những giọt nước mắt gớm ghê của khổ đau thành thực nhất. Trước mặt Domitius, hẳn vẫn sẽ luôn luôn có Crassus đứng đó cùng những giọt nước mắt hướng đến con cá lịch. Và hình tượng ấy lại càng lố bịch và đáng khinh hơn vì ở giữa một Nghị viện đang bàn thảo các vấn đề lớn lao nhất và điều hành thế giới, tôi tự buộc mình, nhờ một cái gì không sao định nghĩa nổi, phải nghĩ đến nó theo một cách thức đối với tôi tuyệt đối vô nghĩa lý ngay khi nào tôi cố công dịch chuyển ý nghĩ thành lời lẽ.

Hình ảnh cái ông Crassus ấy đôi khi, ban đêm, trong óc tôi, như một mảnh xương vụn quanh đó mọi thứ cháy bùng, lục bục. Những lúc đó tôi thấy như thể chính tôi, toàn thể, đang lên men, bắn ra bọt, sôi sùng sục và sáng lấp lánh. Và toàn bộ là một ý nghĩ lên cơn sốt, nhưng là một ý nghĩ mà biểu hiện tức thì hơn, trôi hơn, rực hơn các từ. Đó là những xoáy lốc; nhưng dường chúng không, giống các xoáy của từ, dẫn vào sự khôn dò; chúng khiến tôi xâm nhập vào trong chính tôi, nơi trung tâm sâu thẳm nhất của sự yên bình.

Bằng miêu tả thật dài vừa xong về một trạng thái không thể giải thích, mà tôi hằng quen niêm cho kín, tôi đã, hỡi bạn rất mực kính ngưỡng, rơi vào sự quá mức ưa quấy nhiễu.

Anh đã có lòng nhân mà bày tỏ lòng phẫn nộ của anh vì chẳng cuốn sách nào của tôi còn đến với anh nữa, “để đền bù cho anh vì không có tôi ở bên”. Tôi đã cảm thấy vào khoảnh khắc này, với một sự chắc chắn không để cho phải đau đớn, rằng cả năm tới cũng như năm sau nữa, hay bất kỳ năm nào khác của đời tôi, tôi sẽ lại còn viết cuốn sách nào, hoặc tiếng Latin, hoặc tiếng Anh, và đó là vì một nguyên do kỳ khôi và nặng nề mà sự vượt trội bất tận của tinh thần anh hẳn sẽ, bằng một ánh mắt chẳng hề bị quáng chói, định vị vào đúng chỗ của nó trong vương quốc của các hiện tượng thuộc cơ thể và tinh thần vốn dĩ bày ra thật hài hòa trước mặt anh. Tôi muốn rằng ngôn ngữ có lẽ sẽ được trao cho tôi, không chỉ để viết mà cả để nghĩ, không phải Latin hay tiếng Anh, lẫn tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, mà là một ngôn ngữ trong đó không từ nào với tôi là đã biết, một ngôn ngữ mà những vật câm lặng nói với tôi và với đó hẳn có lẽ tôi sẽ, một ngày kia, từ đáy mồ, tự biện hộ trước một viên thẩm phán xa lạ.

Tôi những muốn, trong những lời cuối của bức thư này, có khả năng là thư sau cùng mà tôi viết cho Francis Bacon, đặt vào, thành một bó thật chặt, toàn bộ tình trìu mến cùng lòng biết ơn, toàn bộ sự ngưỡng mộ to lớn mà trái tim tôi nuôi dưỡng và sẽ nuôi dưỡng cho đến chừng nào nó vỡ tan trong cái chết, đối với con người khoan dung vĩ đại nhất với tinh thần tôi, người Anh xuất chúng nhất của thời đại tôi.


A. D. 1603, 22 tháng Tám.
PHI. CHANDOS.






5 comments:

  1. I want to to thank you for this fantastic read!! I certainly enjoyed every little bit
    of it. I have you book-marked to check out new stuff you post…

    ReplyDelete
  2. "thứ tu từ ... chẳng hề đủ để xâm nhập tận đáy mọi vật" và phải vượt qua để "hiểu biết về hình thức, về cái hình thức sâu thẳm, đúng nghĩa, bên trong đó, ... - hình thức mà người ta không còn có thể nói rằng nó sắp xếp vật chất," - rất thú vị, Lord Chandos, theo cái cách nhìn tương tự, sau này người ta tìm ra ring-theory; tuy nhiên "tu từ học" là những cái cầu dĩ nhiên để đi qua.

    ReplyDelete
  3. ❤️❤️❤️

    ReplyDelete
  4. ❤️❤️❤️❤️

    ReplyDelete