Trước tiên, xem ởkia.
NB. đã tiếp tục "Xã hội học về đao phủ" (Roger Caillois) và Tiến hóa sáng tạo (Henri Bergson) - định tiếp luôn phần phía trên luôn nhưng thôi, cứ tạm phần dưới thôi cái đã.
Trước tiên là một nhân vật, Andréi Biély (tức Andrei Bely) - xem thêm ởkia:
Một câu hỏi nho nhỏ (và quen thuộc): ở đây có ai là độc giả của Andrei Bely không? Câu hỏi của tôi hoàn toàn không ất ơ: đây là một trong số rất ít nhân vật được Nabokov khen ngợi nhiệt liệt (nói cho đúng, không chỉ Nabokov mà rất nhiều người khác, như Ê-xê-nhin, cũng thế). Nhưng, ở Việt Nam mấy năm vừa rồi có vô số chuyên gia Nabokov, cho nên tôi rất muốn đặt câu hỏi ấy.
Trong một cái nhìn hồi cố, chỉ cần có đủ thời độ, nhóm gọi là "nhóm chuyên gia Nabokov" sẽ tức thì hiện lên như một trong những thứ lố bịch nhất. Tất tật trong số đó đều không hề là độc giả văn chương. Thậm chí cũng không đọc đến cả Nabokov nốt. Ra rả nói về Nabokov, nhưng chưa bao giờ đọc Nabokov: một hình ảnh tuyệt đẹp cho thời chúng ta.
Cuốn sách của Biély thuộc thể loại sổ ghi chép. Giống như câu chuyện về người "dưới hầm" của Dostoievski ấy. Những năm gần đây, tôi phát hiện một loạt "sổ ghi chép" như vậy. Đó là một nguồn cung cấp nỗi sung sướng rất lớn. Một cuốn của Tuốc-ghê-nhép, chẳng hạn - về "người thừa". Hay ởkia là một ví dụ lớn. Suốt một thời gian dài của câu chuyện văn chương nói chung, đây là hình thức không phải là không phổ biến và đã khiến nảy sinh không ít tác phẩm kiệt xuất.
Chẳng hạn như Carnets d'un toqué trên đây. Đây là những gì Biély viết về quãng thời gian mình đang ở nước ngoài thì chiến tranh (Thế chiến thứ nhất) bùng nổ và phải trở về Nga để đăng lính. Đó là thời điểm Biély đang ở chỗ cùng guru của mình. Guru của Biély là Steiner, nhưng không phải Steiner ởkia, mà là một Steiner khác: Rudolf Steiner.
Tới đây, đã có thể thực hiện thêm một bài test: trên đây đã đề cập phân nhóm chuyên gia về Nabokov, giờ chuyển sang phân nhóm chuyên gia về Kafka (không kém phần đáng quan tâm, nói lắm không kém, và tất nhiên cũng không kém phần lố bịch): có ai biết mối quan hệ giữa Kafka và Rudolf Steiner không?
Thôi, để tôi trả lời luôn cho (vì đằng nào cũng chẳng ai biết): xem ngay đoạn đầu Nhật ký ấy, kể rất chi tiết Kafka đã gặp Steiner như thế nào, tại sao lại gặp, etc. Đó là cuộc gặp rất quan trọng, giải thích rất nhiều điều cho câu chuyện Kafka. Thêm nữa, đoạn trong Nhật ký cũng là một miêu tả kiệt xuất (thuộc dạng vô cùng hiếm) xem một conference thì có thể như thế nào.
[trên đây chỉ là phần vào đề, tôi công nhận là vào đề như vậy (đã thế lại còn chẳng hề liên quan đến nội dung chính bên dưới) thì cũng hơi quá, nhưng thôi kệ]
Cuốn sách của Biély, tôi chỉ nhắc tới vì nó mang từ "toqué" trong nhan đề. Có ai còn nhớ Thanh Tâm Tuyền từng dùng từ "tô kê" tức là phiên âm của "toqué" trong tiểu thuyết Ung thư không? nếu không nhớ thì xem ởkia.
Kể từ lúc bắt gặp hồi ký của Léopold Cadière, tôi bắt đầu thấy cần phải nhìn nhận lại tiếng Việt, từ tận mức cơ bản nhất. Như vậy, Cadière đã hai lần gây chấn động cho tôi, lần thứ nhất cách đây chừng hai mươi năm, hồi tôi mới mười bảy, mười tám tuổi, đó là thời điểm tôi tình cờ đọc các phân tích về tín ngưỡng Việt Nam của Cadière, và lần này, hồi ký của ông cha dòng Tên khiến tôi thấy các khả dĩ của một nhìn nhận sâu vào tiếng Việt - tôi sẽ gọi đó là "cuộc bắn phá vào sự ngây thơ của tiếng Việt".
"Tô kê" là một ghi nhận (một chứng nhận, một "attestation") cho thấy từng có một nhà văn Việt Nam sử dụng nó.
Vài ví dụ nho nhỏ về Rudolf Steiner:
(chắc rồi sẽ có lúc tôi quay trở lại với Rudolf Steiner, trong một câu chuyện hoàn toàn khác - đó là một câu chuyện rất lớn)
Các từ cũng già đi (và cả chết đi). Cho đến rất gần đây tôi mới nhận ra một từ như "ghi sê" (guichet) nhiều khả năng bị người Việt Nam hiện nay coi là một từ hiếm (thậm chí khó hiểu). Tới cả một từ trông như thông dụng, "ri đô" dường như cũng dần không còn là từ thông dụng.
Ở loạt từ "con-" (oh, sorry) xảy ra sự "mất thông dụng" không đồng đều. "Công tơ" (compteur) vẫn còn hiện diện mạnh và không gây vấn đề gì mấy, nhưng "công xe" (concert), "công toa" (comptoir) và nhất là "công tua" (contour) và "công xinh" (consigne) đã thực sự hoàn toàn lép vế.
Tất nhiên, rất dễ có một giải thích theo đường lối xã hội học: cũng như trước đây, từ Hán-Việt (nói đúng hơn, từ tiếng Việt phiên âm tiếng Hán - và do vậy, là tiếng Việt) là đương nhiên với dạng học hành, thi cử đặc thù, từ Pháp-Việt (từ tiếng Việt phiên âm tiếng Pháp) đương nhiên trong vòng một thời gian rồi mất dần đi, theo đà biến mất của những người từng theo học hệ thống trường franco-annamite, Albert Sarraut etc. Tôi cũng đề nghị gọi loại từ này là "Pháp Việt" giống cách cấu tạo của từ "Hán Việt" - chính có nhóm Pháp Việt mà ta hiểu không cần nghi ngờ gì rằng Hán Việt là tiếng Việt, và qua đó thấy sự đòi dạy tiếng Hán ở trường học rầm rĩ cách đây không lâu là một sự ngớ ngẩn vô cùng tận. Ở đây, xảy ra một điều mà tôi nghĩ chưa ai khái quát hóa được: quá khứ Hán Việt và Pháp Việt làm nổi bật lên một điều: thói quen trộn tiếng Anh vào tiếng Việt hiện nay là một hiện tượng rất khác, vì nó không tìm cách cấp hình thức từ tiếng Việt cho các từ tiếng Anh. Điều này tôi sẽ còn trở lại.
Phiên âm là một hình thức cọ xát giữa các ngôn ngữ. Nó xảy ra trong mọi thứ tiếng. Ta có thể lấy ví dụ chính từ Balzac: Miếng da lừa nhan đề gốc là La Peau de chagrin. Đây là cuốn tiểu thuyết thuộc giai đoạn sớm của Balzac (1831); khi viết nó, ngoài nhiều ý nghĩa khác, Balzac còn cố định hóa một từ phiên âm (tức là dạng chính tả của nó), vì "chagrin" là từ phiên âm. Nó phiên âm từ tiếng Thổ, và tại Pháp trong thời gian dài được viết theo nhiều cách khác nhau. Balzac là pha quyết định để "chagrin" là "chagrin" - ngoài điều đó lại có thêm một điều nữa: như vậy trong tiếng Pháp từ "chagrin" có thêm một đồng âm, vì "chagrin" đã có sẵn - Nỗi buồn chiến tranh trong bản dịch tiếng Pháp của Phan Huy Đường (đây là một bản dịch thượng thặng) tên là Le Chagrin de la guerre.
"Cọ xát", và cả sự hút. Từ hút lấy từ. Nhưng cái gì hút? Câu hỏi này rất không dễ trả lời.
Nhưng ở trên tôi quên mất một "con-" khác khét tiếng hơn nhiều: "công tắc" (contact). Đây là một sự quái dị trong thế giới của phiên âm thuộc "trường" Pháp Việt. Chẳng bao giờ, hoặc gần như vậy, trong tiếng Pháp "contact" có nghĩa giống như "công tắc" trong tiếng Việt (để chỉ cái đối tượng [đồ vật] dùng để bật tắt đèn điện, thông thường người ta sử dụng từ "interrupteur", hoặc cũng có thể là "commutateur"). Phiên âm không lấy y nguyên: và cái mà nó không lấy y nguyên ở đây là nghĩa. (thấy từ "công tắc", tôi không sao tự ngăn mình nghĩ đến một nhân vật cũng khét tiếng và vô cùng hấp dẫn trong lịch sử Việt Nam: Phạm Công Tắc) Sự "không y nguyên" cũng có thể xảy ra trên một bình diện khác: một "trận đòn xăng tan" muốn nói, ở "xăng tan", "centrale", và đây là một phần của cụm "maison centrale" (ngày nay vẫn có trên cửa Hỏa Lò Hà Nội), tức là nhà tù. Tất nhiên, cũng cần tính đến yếu tố sắc thái: nói "líp-păng-xe" (dispensaire) thì mới gợi rõ dạng phòng khám, nhà thương như thế nào (có vẻ như cho tới giờ vẫn chưa ai tìm ra được "lam bản" của từ "lục sì").
Sự gần gũi giữa "trường" Pháp Việt và "trường" Hán Việt còn nằm ở chỗ, nhiều từ trong tiếng Việt là kết quả của phiên âm đã trở thành hóa thạch của những gì không còn thực sự tồn tại, thậm chí đã hoàn toàn biến mất trong ngôn ngữ từ đó chúng thoát thai. Hiện tượng này quá rõ ở Hán Việt, nhưng Pháp Việt cũng tương tự (và sẽ ngày càng nhiều lên), chẳng hạn từ cái từ gốc cho ta "phuy" trong "thùng phuy" ngày nay không còn nhiều dấu vết (trong khi từ gốc của "tô nô" - "tonneau" thì không vậy). Tự vị tiếng Việt rất có thể trở thành viện bảo tàng cho một phần tự vị một số ngôn ngữ khác.
Thế cho nên, nếu đòi dạy chữ Hán ở trường học thì cũng cần dạy luôn cả tiếng Pháp. Người ta sẽ phản đối: nhưng số lượng từ gốc Hán trong tiếng Việt lớn gấp nhiều lần số từ gốc Pháp. Rất có thể, nhưng ít hơn (vả lại, điều này chưa chắc) đâu đồng nghĩa với không quan trọng: làm gì có cách nào để miêu tả một cái xe đạp nếu không có một loạt từ gốc tiếng Pháp (rất may là bản thân từ "xe đạp" không bị gọi là "vê lô").
Thêm nữa, sự lẫn lộn vào nhau ở phương diện nguồn gốc đã xảy ra. Ví dụ lừng danh là "u mặc": nghe như là gốc Tàu, nhưng nó là phiên (theo dạng vòng vèo) của "humour". Tôi nghĩ còn nhiều trường hợp tương tự nữa. Bữa "xíu dề" hay được giải thích là gốc Tàu (thậm chí Quảng), nhưng theo tôi nó bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp, "souper", nghĩa là bữa ăn đêm.
Quay trở lại với sự hút ở trên. Rất có thể, song song với hút còn có một dạng lực khác, mạnh hơn nhiều: đó là ép. Ép vào, ép xuống (rất rõ ràng: đặc trưng cho tạo khuôn). Cái gì ép? Các thiết chế tạo nghĩa. Các thiết chế ở đây cần được nhìn nhận là có yếu tố xã hội học nhưng không hoàn toàn (giải thích bằng con đường xã hội học bao giờ cũng nhanh nhất, thấy như là đúng sớm sủa nhất, nhưng rốt cuộc rất thường xuyên lại không xuyên nổi qua đến cả lớp bên ngoài). Các thiết chế ép vào, nhất là ở các giai đoạn như "Bắc thuộc" hay "thuộc địa".
Cái nhìn xã hội học giản lược hóa rất dễ coi ngôn ngữ của các xã hội ngoài phương Tây (châu Âu) là nghèo nàn. Điều này là vớ vẩn: không có ngôn ngữ nghèo nàn. Người ta cũng hay phàn nàn "thiếu từ" - điều này cũng vớ vẩn nốt: tiếng Việt không thiếu từ, mà ngược hẳn lại, nó thừa. Đến như Livingstone từ xửa từ xưa đi sang châu Phi đã thấy là người bản xứ có rất nhiều từ.
Muốn nắm bắt sự thừa trong tự vị tiếng Việt cần phải quay trở lại đích xác với cái nhìn trẻ con của chúng ta. Chắc chắn, hồi còn nhỏ ai cũng từng thấy, bất kỳ âm nào của tiếng Việt lẽ ra đều phải có 6 âm cùng một lúc (theo thanh), và 2 (nếu là âm kết thúc bằng -t hay -c). Như vậy thì thực sự nhiều: thừa thãi vô biên, tức là chắc chắn sẽ rất thừa thãi nếu tính đến cả mọi tiềm năng có sẵn (các ô đã có nhưng không được kích hoạt - đấy là còn chưa nói đến chuyện tạo âm mới, nhưng đây là một chuyện khác). Nhưng chúng ta không bao giờ, hoặc gần như, thấy vậy - vì một số nguyên nhân, trong đó chắc chắn nguyên nhân rất lớn chính là từ điển: từ điển tạo ra ảo tưởng.
Quay trở lại với các từ phiên âm thuộc nhóm Pháp Việt. Một ví dụ về chuyển động (và lựa chọn) theo đường lối rất khác: ít nhất cho đến thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, thậm chí còn muộn hơn, nhân vật trên các chuyến xe khách nhưng không phải tài xế hay được gọi là "ét" (chẳng hạn, có attestation trong cuốn tiểu thuyết đã nhắc ởkia); đây là phiên âm của "aide", nghĩa là người phụ việc, người phụ tá. Nhưng về sau, cũng nhân vật đó sẽ hay được gọi bằng một từ khác hơn: "lơ"; đây cũng là một từ phiên âm, từ "leurre" nghĩa là "chim mồi".
Tức là, một đằng ("ét") nhìn thấy nhân vật hữu quan làm công việc phụ cho người lái xe, còn một đằng ("lơ") nhìn thấy vẫn nhân vật đó "lừa" hoặc "nhử" hành khách lên xe.
Đương nhiên, đã nói phiên âm thì cũng có nghĩa nói đến sự biến đổi. Từ "gamelle" ta có "cà mèn", từ "planton" ta có "loong toong" hay từ "rondelle" ta có "long đen", chẳng hạn. Đó là các biến đổi có thể coi là có quy tắc. Nhưng chỉ cần một chút biến đổi hơi khác đi, các liên quan sẽ ngay lập tức không dễ nhìn ra nữa. Trong một cuốn tiểu thuyết gần đây của Trần Dần, những chú thích về từ phiên âm sai sạch sẽ, trong đó đáng nhớ nhất là từ liên quan đến cái từ phát xuất từ "cornue".
Tuy nhiên, sự biến đổi lại không thể coi là đặc trưng của phiên âm. Đấy là bởi luôn luôn có một cái gì đó nắn lại, điều chỉnh - tức là có khuôn. Cái gì là khuôn của cái gì? Cái có sẵn sẽ khuôn cho cái sẽ đi vào. "Chagrin" như trong ví dụ nhan đề cuốn tiểu thuyết của Balzac. Chính ở đây, ta sẽ nhìn kỹ vào chính từ "tô kê" xuất hiện ngay từ đầu, cũng chính là từ làm cho tôi muốn nhìn nhận câu chuyện này.
Nếu đứng riêng một mình, dường như "tô kê" vẫn có thể có nghĩa, một cách tự thân: một cái tô đựng kê, chẳng hạn thế. Nhưng, nhưng - tôi vừa cảm thấy mình đã thoáng nhìn ra một điều gì đó, nhưng nó lại chạy đi đâu mất rồi: khi nào tìm lại được nó tôi sẽ còn trở lại.
Giờ, tiếp tục một từ nữa xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Ung thư. Tôi tin rằng không ít người sẽ để ý tới "tô kê", dẫu không thực sự biết nó nghĩa là gì. Nhưng một từ khác, tôi gần như chắc chắn không làm cho ai băn khoăn: từ "bội bạc". Ở một chỗ nào đó, Thanh Tâm Tuyền miêu tả một nhân vật có "khuôn mặt bội bạc".
Tức là sao? tức là ta đang có một người được miêu tả là hay phản bội, lừa dối?
Không hề, ở đây "bội bạc" được dùng theo nghĩa của "ingrat", khi người ta nói "un visage ingrat". Một đứa thiếu niên thì hay có "visage ingrat", vì khuôn mặt nó còn chưa thực sự định hình, tức là, sẽ sớm thay đổi, tức là, không còn giống (trung thành) với khuôn mặt mà nó đang có nữa. Từ "bội bạc" ở đây có nghĩa như vậy: tất nhiên nó không phải phiên âm, giống như "tô kê", nhưng chắc hẳn cũng nằm ở không xa.
Như vậy, từ những gì đã nói trên đây, đã có thể rút ra một số điều.
Phiên âm là một thực tại của ngôn ngữ. Nó là thực tại được trình hiện không chỉ trong tác phẩm văn chương, với những "attestation" có thể tìm thấy vô số (cùng một nhận xét: chính các nhà văn sống hẳn trong thời Pháp thuộc như thế hệ Khái Hưng, thế hệ Nhất Linh lại rất ít dùng từ phiên âm từ tiếng Pháp, trong khi đối với nhà văn thế hệ Mặc Đỗ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt hay Thanh Tâm Tuyền đó là một chuyện hết sức thông thường: sự phiên âm còn có thể diễn ra trên một bình diện hơi khác, chẳng hạn ta bắt gặp xe "tắc-xông" để chỉ loại xe đò hay chạy tuyến Sài Gòn nối với những địa điểm không quá xa, đó là phiên âm từ một nhãn hiệu xe ô tô, và có rút gọn, Traction Avant), mà còn thấy trong sự nói năng hằng ngày của ít nhất một số thế hệ: người ta nói "đi pít-xinh" tức là đi bể bơi (piscine), hay rất hay nói "ăn quả bom" ("bom", "pom", từ "pomme", quả táo).
Thực tại ấy có thể gọi tên là thực tại của tương quan giữa các ngôn ngữ, chủ yếu giữa hai (tiếng Pháp và tiếng Việt). Luôn luôn có tương quan; chính từ đây ta hiểu một cách dễ dàng tồn tại cũng như cơ chế hình thành (tất nhiên khác) của nhóm từ lừng danh trong tiếng Việt, dạng "phố xá" hay "làng mạc". Hai ngôn ngữ bỗng được đặt đối diện với nhau: chúng nhìn nhau, rồi bắt đầu xảy ra một số hành động.
Nhiều hành động sẽ xuất hiện, mà ta có thể tưởng tượng xảy ra (có thể lần lượt, nối tiếp nhau, nhưng chắc cùng một lúc thì đúng hơn) trên nhiều bình diện. Những gì chưa từng bao giờ có chắc hẳn sẽ được lấy rất nhanh và gọn gàng (trên đây đã có nhóm "con-", giờ có thể nói đến nhóm "ê": "ê-ke", équerre, "ê-tô", étau hay "ê-líp", ellipse; hoặc các bộ phận của cái xe đạp đã nhắc qua ở trên; nếu muốn bắt chước Balzac, ta hoàn toàn có thể thiết lập các từ phiên âm theo nghề nghiệp, ví dụ từ "cờ-lê" (hay "cà-lê") từ clé, clef, hoặc những người làm nghề tiện, đúc không xa lạ với từ "đề-sê" phiên từ déchet; "sơ-mi" từ chemise, "cà-vạt" từ cravate, "pho-mát" từ fromage hay "bơ" từ beurre thì đã quá hiển nhiên): có thể nói rằng đã có sẵn các ô tiềm năng cho chúng, chúng chỉ việc chui vào đó là hoàn thành cuộc chuyển hóa (cuộc vượt biên thì đúng hơn). Nhưng sự phiên âm cũng hoàn toàn có thể diễn ra trên bình diện phong cách (nhấn mạnh vào sắc thái), mà ví dụ là rất nhiều từ phiên âm tìm được trong các tác phẩm văn chương hồi thập niên 50, 60 của thế kỷ 20: không nhất thiết là phải cần từ mới (người phụ lái không nhất thiết cần "ét" hay "lơ"). Hai ngôn ngữ bước vào pha đùa nghịch với nhau.
Nhưng để có thể đùa nghịch (tức là chơi) thì đã phải có luật (quy tắc). Quy tắc nào là chính yếu hơn cả trong phiên âm tiếng Pháp ở tiếng Việt? Đó là quy tắc đúc khuôn. Các âm có sẵn khuôn từ mới, nhận vào một cái gì đó (chắc sẽ có lúc tôi quay trở lại được một cách cụ thể với "cái gì đó" này) đồng thời làm lệch đi một cái gì đó khác: cái gì đó mới này là hướng (tôi muốn nói, nghĩa). Từ "chagrin" được lấy làm khuôn cho một phiên âm (bởi vì xét về mặt âm, nó gần với âm của từ gốc tiếng Thổ), và từ mẫu "chagrin" ta có một "chagrin" mới (bản sao), với nghĩa khác. "Tô kê" là một cái tô đựng kê, nhưng từ khuôn "tô kê" ta có "tô kê" đã được lái theo hướng để chỉ nghĩa từ "toqué" (và không nhất thiết nghĩa nằm trong từ mới được tạo thành qua phiên âm phải hoàn toàn giống nghĩa từ gốc: ví dụ từ "công-tắc" trên đây: như vậy là đã xảy ra một thất thoát). Những từ như vậy thuộc trật tự của chơi vì không nhất thiết độc giả nào của Ung thư cũng hiểu "tô kê" muốn nói gì (nhưng nếu hiểu thì coi như đi được vào một bình diện khác: lên level khác).
Giờ là lúc cần trả lời xem tại sao tiếng Anh không có tương quan giống thế với tiếng Việt. Ta hoàn toàn có thể lấy một ngôn ngữ nữa để dễ nhìn nhận: tiếng Nga. Tiếng Nga và tiếng Anh không có địa vị (trong tương quan) giống tiếng Hán và tiếng Pháp. Đấy là vì, có thể, cặp Nga-Việt và cặp Anh-Việt chỉ nhìn nhau mà không chơi: chỉ có quan hệ xã giao, ngoại giao. Điều đó hẳn cũng đồng nghĩa với nói tiếng Anh hay tiếng Nga không tạo được ấn tượng vào cho tiếng Việt, tức là không dấu vết, lên tiếng Việt, tức là, lên ý thức.
[tiếp tục - cùng chủ đề - "Thomas Bernhard cười khẩy" và "Phụ chú cho những từ"]
(còn nữa)
về "hình ảnh" thì "thời chúng ta" còn có một đẹp chương trình "Việt Nam tươi đẹp nữa kơ
ReplyDeleteông HAT đã đúng khi nói về hội chứng Napoleon
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletea, Hồ Anh Thái í hả? sao không kể luôn Hồ Anh Thái chơi trò băng đảng đúng nghĩa kiểu Stalin cùng Đinh Thuý Nga, từ đó một phần không nhỏ tờ Tuổi trẻ trở nên lá cải, cũng chính là nơi có phóng viên đi bán sách lậu: Môi Thâm
ung thư Thanh Tâm Tuyền là thứ rác rưởi, chỉ có ung thư tử cung là trường tồn
Deletecái ở kia thứ hai bị nhầm link rồi chú ơi
ReplyDeletephát ung thư dễ đoán quá, môi thâm huyền thoại ơi
ReplyDeleteTrong trường hợp "rondelle" và "long đen", r biến thành l, rất dễ hiểu. Nhưng "líp-păng-xe" (dispensaire), d biến thành l là dựa trên cơ sở nào nhỉ?
ReplyDeletequá bình thường, dessert thường xuyên nói là "lét-xe"
ReplyDeleteNhìn nhau mà không chơi. Hay!
ReplyDeleteĐúng là bây giờ người ta mở mồm là ô kê con gà đen rồi hót boi hót gơn lướt phây nhau các thứ nhưng chỉ phịch xã giao thôi chứ tuyệt không phiên âm kết hôn đẻ ra từ Anh Việt nào hết. Lý giải như thế nào nhỉ?
tiếng anh: xì trét, gúc gồ, cô vy,...
ReplyDeletea, “công tua”, trong cuốn Vĩnh biệt- Balzac nhiều chỗ dịch giả để nguyên “công tua”, vd: rồi thì, cái miệng bà ta có công tua sao đó mà hàm răng lổn nhổn thò hết ra ngoài […]
ReplyDeletegiờ thì đã tìm ra nó ở đây
Andrei Bely và Osip Mandelstam hoàn toàn ko có dấu vết (hoặc rất mờ nhạt) ở vn cả
ReplyDelete