Tiếp tục câu chuyện Alexandre Dumas ở Việt Nam:
Trên đây là một số Tiếng dân đăng bản dịch Le Comte de Monte-Cristo. Như vậy, ngay từ trước 1945, ngoài một ít Monte-Cristo do Phan Khôi dịch (Thầy trò trong khám) còn có ít nhất bản dịch này, Bá tước Mông-thế-tôn.
Tên người dịch trông giống như "Nam Son", chắc hẳn là Nam Sơn?
Tiếng dân là tờ báo - như ai cũng biết - gắn liền với tên tuổi Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một tờ báo đặc biệt quan trọng, cũng là một trong vài tờ báo ra được nhiều số nhất của giai đoạn tính đến 1946.
Tính chất phơi ơ tông của các tờ báo một thời khiến cho mọi nhìn nhận chỉ căn cứ vào sách in trở nên thiên lệch hết sức. Tuyệt đại đa số tác phẩm văn chương suốt một giai đoạn dài được đăng feuilleton, các bản dịch cũng tương tự: đó là nhịp của báo chí, và cũng của văn chương. Nếu không nhìn vào các tờ báo - chẳng hạn - sẽ khó lòng biết được sự hiện diện của một nhà văn như Istrati trong tiếng Việt (xem ởkia). Bởi vì chỉ một phần rất nhỏ những gì đăng báo trở thành sách và trở nên được biết đến rộng rãi (nhưng đó là cái biết của thời sau, nhiều lúc không tương hợp gì với cái biết tại chỗ): tôi nghĩ rằng sách là một sơ sảy của báo, đồng thời cũng thể hiện một kỳ vọng, một trông chờ, và quan trọng hơn, một hình dung. Một thời - thời rất dài - là như vậy, cho nên cái cụ thể của một thời là báo, chứ không phải sách. Chính vì vậy, nghiên cứu văn học Việt Nam sụp đổ, bởi không nhìn vào được cái cụ thể. Cái cụ thể mới tạo nên thực tại - còn lại là trừu tượng (tức là, đầm lầy và sương mù). Cái cụ thể ấy - trong trường hợp của nghiên cứu văn học sử Việt Nam - làm lộ ra một điều rất quan trọng: nghiên cứu văn học Việt Nam không hề biết đến lịch sử. Tức là, ta có một kết quả hết sức kỳ khôi: một văn học sử trừ đi lịch sử.
Từng có lúc (xem ởkia) "Monte Cristo" được gọi là "Kích-tôn-sơn": theo tôi không phải ai cũng nhận ra ngay tại sao từ Monte Cristo lại biến thành Kích-tôn-sơn được. Tôi chỉ đột nhiên nghĩ ra (trước đó không thấy có gì bất thường); "Kích-tôn-sơn" không phải là phiên âm thông thường, mà là một trường hợp phiên âm "hybrid", "Kích-tôn" là phiên từ "Cristo", nhưng tại sao lại "sơn"? đấy là vì "Monte" được dịch ("núi", và do đó, "sơn"), chứ không phải phiên âm. Nhờ vậy mà tránh được âm "mông" tương đối khó ngửi.
Còn "Mông-thế-tôn" là phiên âm trực tiếp và thuần túy.
Ta thấy có "Bờ-luy-tạt-cờ" là Plutarque
"Tít-tờ-li-vờ" là Tite-Live
"Ma-xi-a-ven" là Machiavel
"Sa-kết-bia" là Shakespeare
Đặc biệt, vì chép nhầm "Thucydide" thành "Thycidide" nên có phát phiên âm rất hiểm "Ty-xi-đi-đờ".
(Edmond) Dantès thì thành "Đăng-Thê".
Bonus (về chuyện phiên âm):
Không phải lúc nào cũng dễ truy ngược sự phiên âm, tức là có một từ như vậy, nhiều khi rất khó biết là nó được phiên âm từ đâu - đấy là còn chưa nói đến chuyện lắm lúc rất khó có ấn tượng đó là một từ phiên âm.
Rất nhiều từ trong tiếng Việt đã trở nên quá hiển nhiên: xô (phiên từ "seau"), xu (phiên từ "sou") hay bô (phiên từ "pot"). Một cái xô, một đồng xu, một cái bô, không chỉ ta biết ngay đó là gì, mà trông dáng vẻ cũng rất giống tiếng Việt (thậm chí thuần Việt).
Quay trở lại với ởkia: từ "phú de" trong một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, nó đã gây không ít đau đầu.
Cùng một người bạn, chúng tôi thử tìm xem "phú de" có thể được phiên âm từ đâu. Kinh nghiệm ngôn ngữ cho thấy rằng một từ như "phú de" nhiều khả năng là một từ phiên âm. Ngôn ngữ mà Bình Nguyên Lộc dùng có rất nhiều phiên âm (có lẽ giai đoạn thập niên 50-60 ở miền Nam mới thực sự là quãng cao điểm nhất của phiên âm tiếng Pháp, và hết sức đa dạng: có cảm tưởng như toàn bộ thời Pháp thuộc, tiếng Việt và tiếng Pháp cũng ở trong thế đối đầu - như những con người - không bên nào thực sự chịu lùi bước, và sự lấn của tiếng Pháp vào tiếng Việt dựa trên thức miễn cưỡng, rất gượng ép, người ta thích chọn quay lưng đi hơn so với nhận về bất cứ cái gì; chính sau khi người Pháp không còn vị thế như trước ở Đông Dương thì tiếng Pháp lại thành công vang dội - ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, bỗng tiếng Pháp trở thành không chỉ phương tiện để nối sang những ngôn ngữ khác mà lại còn là cách thức phản kháng: tôi sẽ còn quay trở lại), và các phiên âm của Bình Nguyên Lộc (hay tiếng miền Nam nói chung của một thuở) nhiều khi không hề dễ nhìn nhận.
Trong câu chuyện "phú de" (và rất nhiều tương tự), cần phải đoán.
Dần dà, tôi chắc chắn "phú de" phải bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp có âm thứ nhất là "fou". Khó có khả năng khác (tất nhiên, tôi đang bỏ qua tất tật mọi suy luận trước đó). Âm "de" (a, cái âm này thuộc vào số những âm rất gây bực mình) mới khó. Tôi đã bắt đầu nghĩ đến khả năng "fougère". Lợi thế của "fougère" là âm đọc lên rất giống (gần như y chang) "phú de", chỉ còn lại chuyện nghĩa của "fougère" (dương xỉ) không thực sự gần. Bối cảnh câu chuyện của Bình Nguyên Lộc là: xe ô tô đỗ ngoài đường có nguy cơ rất lớn là bị phú lít (cảnh sát) kéo đi về để ở "phú de", như vậy phú de là nơi cảnh sát dùng để chứa xe ô tô đỗ lung tung ngoài đường mang về đợi giải quyết. Một nơi như thế sẽ là bãi đất (hoang là tốt nhất), có thể mọc nhiều dương xỉ. Sự mở rộng nghĩa (extension) có lẽ hơi quá mức, nhưng xét cho cùng nghe cũng có vẻ hợp lý (mối nguy lớn nhất của sự suy ngược phiên âm có lẽ nằm chính ở chỗ "có vẻ hợp lý" này).
Mọi chuyện dần đi vào thế bế tắc vì ngoài "fougère" chưa thấy có manh mối gì khác, thì bỗng vợ của người bạn tôi, thấy chúng tôi loay hoay với cái từ "phú de" mãi (ỏm tỏi cả lên) mới ra tay tìm hiểu, và chỉ trong vòng ba nốt nhạc đã tìm ra, "phú de" là phiên âm từ "fourrière": nhưng tất nhiên là thế rồi, đó là từ chỉ chỗ nhốt chó mèo đi lạc, hoặc kho để xe cộ cảnh sát bắt được ngoài đường. Lẽ ra tôi cũng có thể nghĩ đến nó ngay từ đầu, nhưng âm "de" làm tôi bị lạc hướng, tôi đã không nghĩ người miền Nam rất hay phớt lờ khác biệt giữa "d" và "r": từ "re" mà thành "de" đối với tai của tôi thì không tưởng nhưng đối với một người như Bình Nguyên Lộc thì lại rất bình thường.
Ấy là để nói rằng có khi muốn tìm ra một từ phiên âm cần phải có một cái nhìn phụ nữ.
NB. đã tiếp tục "Văn chương và cuộc đời" (Gilles Deleuze) và Xà phòng (Francis Ponge)
Nguyễn Văn Vĩnh: Ba chương ngự lâm
Tử tước rồi bá tước (Monte Cristo)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (4) (từ đầu chương XXII cho đến chương XL)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (3) (từ đầu chương X cho đến hết chương XXI)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (2) (từ đầu chương IV cho đến hết chương IX)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (1) (từ đầu cho đến hết chương III)
Les Trois Mousquetaires
Hai mươi (tức Hai mươi năm sau)
This is really interesting, You are a very professional blogger.
ReplyDeleteI have joined your rss feed and sit up for seeking more of your excellent post.
Additionally, I have shared your website in my social networks
trong Nam có từ “de” trong “de xe” “de lại” (nếu đi quá chỗ cần đến) nữa, mà trước giờ ai cũng nghĩ nó là “phương ngữ”
ReplyDeletethỉnh thoảng mới thấy anh nâng cao phụ nữ
ReplyDelete"de" này chắc là phiên từ "vers" tức là "về phía"
ReplyDelete"de" trong "la de" hay "la ve" tức là bia (uống) thì lại từ "la bière"