Oct 5, 2018

Rilke: Malte Laurids Brigge

Trong khi đang Paul Valéry, không gì hơn là song song luôn Rilke, nhân vật có rất nhiều liên quan (Rilke có vai trò trong câu chuyện dịch Valéry sang tiếng Đức).

Tôi nghĩ sau Rilke sẽ có một nhân vật rất đồng dạng: Czeslaw Milosz - tôi sẽ rất sớm chuyển qua câu chuyện Milosz. Nếu nối được như vậy, ta sẽ bắt đầu thấy hiện lên một câu chuyện rất lớn, mà một cột mốc lớn không phải ai khác ngoài Heinrich Heine (một trong những "nhân vật của tôi" hồi năm ngoái).


Từ trái qua: ấn bản đầu bản dịch tiếng Pháp của Maurice Betz (thời điểm 1923, Rilke vẫn còn sống), ấn bản nhì, Émile-Paul (nhà xuất bản in Le Grand Meaulnes) và ấn bản thông dụng ngày nay. Malte Laurids Brigge đã hơn một trăm năm tuổi (có ai muốn tặng tôi ấn bản đầu 1910 tiếng Đức không nhỉ?)

Ấn bản 1923 (nhà Stock) thật ra không đầy đủ, mà trích đoạn, có khổ đặc biệt nhỏ, như sau:


Đây là một quyển sách có khổ không thường gặp: khổ in-18. Tức là rất nhỏ. Điều kỳ quái ở ấn bản 1923 của Malte Laurids Brigge là nếu chỉ nhìn bìa, ta sẽ không biết đó là Malte Laurids Brigge: trên bìa chỉ có tên tủ sách (collection) chứ không có tên sách và tên tác giả.

Rilke và Milosz: đó là một hệ phái tinh thần; nhưng không chỉ có một Milosz (Czeslaw), nhà văn nhận giải Nobel Văn chương, mà còn có một Milosz khác: O. V. de L. Milosz, người bà con của Czeslaw. Rilke và O. V. de L. Milosz là hai nhân vật cùng một thế hệ (cùng sinh trong thập niên 70 của thế kỷ 19, hơn kém nhau chỉ hai tuổi). Một nhân vật khác sinh trước họ chừng hai mươi năm cũng thuộc vào đây: Joseph Conrad. Trên một bình diện, tinh thần của văn chương mở rộng bằng dịch chuyển; một bình diện tinh thần văn chương khác (có thể gọi bằng cái tên "sự hội tụ") cũng gần như đồng thời vận hành (Pessoa, Kafka).

Một Rilke tiếng Pháp nữa, vẫn là Maurice Betz và Émile-Paul:




Stefan Zweig về Rilke: "Tôi luôn luôn thấy thật tuyệt diệu vì chúng tôi từng có ngay trước mắt, hồi chúng tôi còn trẻ, những nhà thơ thuần khiết như thế."

Patrick Modiano về Rilke (trong lời tựa hay thấy trong các ấn bản tiếng Pháp gần đây của Malte Laurids Brigge): "Chùm sao Rilke là một chùm những ngôi sao chết nhưng từ đó chúng ta vẫn nhận được ánh sáng miễn sao chúng ta giữ cho yên lặng quanh mình và nhắm mắt lại. Và ánh sáng ấy, chúng ta nhận nó như một niềm an ủi, nhưng cũng như một nỗi sám hối."



Rilke

Sổ ghi chép của Malte Laurids Brigge



11 tháng Chín, rue Toullier.


Tức, đây là nơi người ta tới để sống? Tôi thấy muốn nghĩ họ chết tại nơi đây thì đúng hơn. Tôi đã ra ngoài. Tôi đã thấy các bệnh viện. Tôi đã thấy một người bước lảo đảo rồi gục xuống. Nhiều người bổ đến vây quanh người đó khiến tôi không nhìn được chuyện gì xảy ra. Tôi đã thấy một phụ nữ bụng chửa. Cô ta nặng nề lê bước chân dọc một bức tường cao và nóng, chốc chốc đưa hai tay rờ rẫm như để chắc là nó vẫn ở đó. Đúng, nó vẫn ở đó. Còn phía sau nó? Tôi tìm trên bản đồ: nhà hộ sinh. Được rồi. Người ta sẽ đỡ đẻ cho cô ta, chẳng gì đi ngược lại điều ấy. Xa hơn, phố Saint-Jacques, một tòa nhà lớn có vòm tròn. Bản đồ chỉ rõ: Val de Grâce, bệnh viện quân y. Vả lại tôi đâu cần thông tin đó, nhưng quan trọng gì. Phố bắt đầu tỏa mùi tứ phía. Tôi ngửi ra được mùi thuốc khử trùng, mùi mỡ rán khoai tây, mùi nỗi sợ. Mọi thành phố bốc mùi vào mùa hè. Rồi tôi trông thấy một ngôi nhà trông đặc biệt kín bưng. Tôi không tìm được nó trên tấm bản đồ của tôi, nhưng tôi nhìn thấy phía trên cửa dòng chữ vẫn còn tương đối dễ đọc: Asile de nuit. Cạnh lối vào ghi giá cả. Tôi đã đọc. Không đắt.

Và rồi? Tôi đã thấy một đứa bé trên một chiếc xe ô tô dừng lại: nó béo, xanh lợt, và trông rõ là bị phát ban trên trán. Có vẻ như cái thứ đó đang lành và không gây đau đớn. Đứa bé ngủ, mồm há ra và hít vào mùi thuốc khử trùng, mùi khoai tây rán, mùi nỗi sợ. Vậy đấy, chỉ thế thôi. Điều quan trọng là người ta sống. Phải, đó là điều quan trọng.


Tệ thật, tôi không thể tự ngăn mình đi ngủ trong lúc cửa sổ vẫn mở! Lũ tramway váng còi lăn bánh ngang qua phòng tôi. Đám xe ô tô chạy qua người tôi. Một cánh cửa sập lại. Đâu đó một ô kính rơi xuống kêu lách tách. Tôi nghe thấy những tiếng cười vang, tiếng sột soạt thoang thoảng của trang kim. Rồi, đột nhiên, một âm thanh sượng đục, nghẹt lại, từ phía bên kia, bên trong ngôi nhà. Ai đó đang đi lên cầu thang. Lại gần, cứ tiến lại gần không thôi. Ở đó, ở đó rất lâu, qua. Và lại là ngoài phố. Một phụ nữ hét lên: “A! anh im đi, tôi không muốn nữa.” Tramway điện chạy tới, rung giật, lướt qua bên trên, vượt quá mọi thứ. Có người cất tiếng gọi. Nhiều người chạy, đuổi nhau. Một con chó sủa. Nhẹ nhõm làm sao! Một con chó. Quãng buổi sáng, thậm chí còn có một con gà trống gáy, đó là một khoái thú mênh mông. Và rồi, đột nhiên, tôi ngủ thiếp đi.


Cái đó, là các âm thanh. Nhưng ở đây có gì đó khủng khiếp hơn: sự im lặng. Tôi nghĩ khi có những trận cháy lớn hẳn phải đến, như thế, đôi khi, một giây phút căng thẳng cực điểm: các tia nước rụng xuống, lính cứu hỏa thôi trèo thang, chẳng ai nhúc nhích nữa. Không một tiếng động, một khối đầu hồi đen thui tiến lên, phía trên cao kia, và một bức tường lớn từ đằng sau lửa vọt ra nghiêng đi không tiếng động. Tất cả mọi người bất động chờ đợi, vai hích lên, mặt rúm lại phía trên mắt, cú khủng khiếp. Ở đây sự im lặng cũng giống vậy.


Tôi học nhìn. Tôi chẳng biết tại sao, mọi điều đi vào tôi sâu hơn, và không ở cái nơi, cho tới lúc này, chúng từng luôn luôn kết thúc. Tôi có một bên trong mà tôi đã không hay biết. Mọi điều đi vào đó kể từ nay. Tôi không biết những chuyện gì xảy ra ở đó.

Hôm nay, trong lúc viết một bức thư, tôi choáng váng trước việc tôi mới chỉ ở đây từ ba tuần. Ba tuần, ở chỗ khác, chẳng hạn vùng nông thôn, thường giống như một ngày, còn tại đây là hàng năm. Vả, tôi không còn muốn viết những bức thư nữa. Nói với ai đó rằng tôi đang thay đổi thì ích gì đâu? Nếu thay đổi, tôi chẳng còn là cái người tôi từng là, và nếu tôi khác với như tôi đã, hiển nhiên tôi không còn những mối quan hệ. Và thế nhưng tôi đâu có thể viết thư cho người xa lạ, cho những người không hề biết tôi!

Tôi đã nói rồi đấy! Tôi học nhìn. Phải, tôi khởi sự. Vẫn còn tệ lắm. Nhưng tôi muốn sử dụng thời gian của tôi.

Chẳng hạn tôi nghĩ rằng còn chưa bao giờ tôi có ý thức về số lượng khuôn mặt. Có rất nhiều người, nhưng còn có nhiều khuôn mặt hơn, vì người nào cũng có nhiều mặt. Những người mang một khuôn mặt suốt nhiều năm. Lẽ dĩ nhiên nó trở nên cũ mòn, bẩn đi, vỡ ra, nhăn lại, nới rộng như những cái găng tay người ta mang lúc đi xa. Đó là những con người giản dị, căn cơ; họ không đổi nó đi, thậm chí còn không rửa chùi nó. Nó là đủ cho họ, họ nói, và ai sẽ chứng minh cho họ điều ngược lại đây? Chắc hẳn, bởi họ có nhiều khuôn mặt, ta có thể tự hỏi họ làm gì với các mặt khác. Họ lưu giữ chúng. Con cái họ sẽ mang chúng. Cũng có chuyện lũ chó của họ mang chúng. Sao lại không? Một khuôn mặt là một khuôn mặt.

Những người khác đổi mặt với một sự mau chóng đáng lo ngại. Họ lần lượt thử từng cái, và dùng chúng. Họ thấy dường như sẽ có chúng mãi mãi, nhưng họ chỉ vừa tới tuổi bốn mươi thì đã đến mặt cuối rồi. Phát hiện ấy chứa đựng, tất nhiên, sự bi thảm của nó. Họ không có thói quen chăm sóc các khuôn mặt; mặt cuối trở nên mòn cũ sau tám ngày, thủng lỗ chỗ, mỏng quẹt như tờ giấy, và rồi, dần dà, hiện ra lớp lót, không-mặt, và họ mang nó ra đường.

Nhưng phụ nữ, phụ nữ: cô ta đã hoàn toàn rơi vào trong chính cô ta, về phía trước, trong tay cô ta. Đó là ở góc phố Notre-Dame-des-Champs. Ngay khi nhìn thấy cô ta, tôi chuyển qua đi rất rón rén. Khi những người nghèo suy nghĩ, ta không được quấy rầy họ. Rất có thể rốt cuộc họ vẫn sẽ còn tìm được cái mà họ tìm.

Phố vắng tanh; sự vắng của nó tự buồn chán, kéo bước chân tôi khỏi hai bàn chân tôi và đập nó đôm đốp, bên kia phố, như với một cái guốc. Người phụ nữ hoảng sợ, tự giật ra khỏi chính mình. Quá nhanh, quá dữ dội, thành thử khuôn mặt cô ta vẫn nằm lại trên tay cô ta. Tôi đã có thể nhìn thấy nó ở đó, thấy ở đó hình dạng rỗng của nó. Tôi phải nỗ lực kinh người thì mới có thể trụ lại với hai bàn tay ấy, mới có thể không nhìn những gì đã bị cướp đi mất. Tôi run lên vì thấy, bằng cách đó, một khuôn mặt của bên trong, nhưng tôi còn sợ hơn nhiều cái đầu trơ trụi, bị lột da, không mặt.


Tôi sợ. Phải làm cái gì đó chống lại nỗi sợ, chừng nào nó túm chặt lấy ta. Hẳn sẽ rất khủng khiếp nếu lăn ra ốm tại đây, và nếu ai đó nảy ra ý tưởng cho người đưa tôi tới Hôtel-Dieu, chắc chắn tôi sẽ chết ở đó. Đó là một hôtel rất dễ chịu, đông người lai vãng. Gần như ta chẳng thể nào ngắm nhìn mặt tiền Notre-Dame de Paris mà không mắc phải nguy cơ bị chẹt bởi một trong rất nhiều chiếc xe băng qua khoảng phía trước, mau chóng hết mức, để đi vào trong. Các omnibus nhỏ rung chuông không ngừng nghỉ. Hẳn đích thân công tước de Sagan cũng sẽ phải cho dừng cỗ xe của ông, chỉ cần một trong số những kẻ hấp hối bé nhỏ nảy ra ý tưởng đi thẳng vào hôtel của Chúa. Những kẻ hấp hối bướng bỉnh lắm, và cả Paris chậm bước lại khi bà Legrand, chuyên buôn bán đồ cũ trên rue des Martyrs, ngồi trên xe đi về phía một quảng trường nào đó trên đảo Cité. Cần phải nhận thấy rằng những chiếc xe nhỏ bé quỷ quái kia có các kính cửa mờ gây rối trí khủng khiếp, đằng sau đó ta có thể hình dung những cơn hấp hối đẹp nhất; chỉ phăng te di của một bà gác cổng là đã đủ cho điều đó. Nếu như mà ta có nhiều trí tưởng tượng hơn, rồi thì ta để mặc cho nó phát triển về các hướng khác, trường của các giả định liền trở nên thực sự vô giới hạn. Nhưng tôi cũng đã thấy hiện ra các cỗ xe ngựa thuê mở toang, những xe thuê theo giờ, bỏ mui, lăn bánh với giá tiền thông thường: hai franc cho một tiếng hấp hối.


Hôtel tuyệt diệu kia cổ xưa lắm. Tận thời vua Clovis người ta đã chết ở đó rồi, trên vài cái giường. Giờ thì người ta chết ở đó trên năm trăm năm mươi chín giường. Cả loạt, tất nhiên. Hiển nhiên là vì một sản lượng cấp tập như thế, mỗi cái chết cá nhân không được thực thi tốt lắm, nhưng điều đó thì quan trọng gì. Số lượng mới đáng nói. Ai còn coi là lớn chuyện một cái chết được thực thi tốt đẹp? Chẳng ai hết. Ngay cả người giàu, những người tuy vậy hẳn có thể tự tặng cho mình sự xa xỉ đó, cũng đã ngừng lo lắng tới chuyện ấy rồi; ham muốn có cái chết cho riêng mình càng lúc càng trở nên hiếm hơn. Chỉ cần thêm một thời gian nữa thôi, nó sẽ trở nên cũng hiếm như một cuộc đời cá nhân. Đấy là vì, Chúa tôi, mọi thứ đều ở đó. Người ta tới, người ta tìm thấy một tồn tại có sẵn, người ta chỉ còn phải làm một việc là khoác nó lên mình. Người ta muốn đi khỏi, hoặc giả người ta bị buộc phải biến đi: nhất là đừng có nỗ lực! Đây, cái chết của ngài đây, thưa ngài. Người ta chết theo lối được chăng hay chớ, người ta chết cái chết thuộc vào chứng bệnh mà người ta mắc. (Vì từ khi biết mọi chứng bệnh, người ta biết rất rõ rằng những ngả thoát của chết tùy thuộc các bệnh, chứ không tùy thuộc những con người; và có thể nói rằng bệnh nhân chẳng còn gì để làm nữa.)

Tại các sanatorium [“Sanitarium, just leave me alone”], nơi người ta vô cùng sẵn lòng để chết, với xiết bao lòng biết ơn đối với các bác sĩ và y tá, theo thông lệ người ta chết do một trong những cái chết gắn liền với chỗ ấy; như thế thì sẽ được nhìn nhận rất tốt. Những lúc người ta chết ở nhà mình, rất tự nhiên khi người ta chọn cái chết lịch thiệp của xã hội thượng lưu, nhờ đó mà người ta đã khai trương theo cách nào đó một đám tang nhất hạng và cả một chuỗi những truyền thống đáng ngưỡng mộ của nó. Thế là đám người nghèo dừng chân trước các ngôi nhà kia, ngắm nghía thỏa thuê những cảnh tượng. Cái chết của họ, tất nhiên, thì tầm thường, chẳng kèm chút nguồn cơn bối rối nào. Họ sung sướng vì tìm được một cái chết ít nhiều phù hợp với mình. Nó có thể quá rộng: người ta luôn luôn lớn thêm một chút đỉnh. Chỉ lúc nào nó không chịu khép lại trên ngực ta hoặc giả nó bóp cổ ta, thì người ta mới thấy khốn khổ.


Khi lại nghĩ tới nhà chúng tôi (cái nơi giờ chẳng còn ai), tôi luôn luôn thấy dường như chuyện đã phải khác, xưa kia. Xưa kia, người ta từng biết - hay có lẽ chỉ ngờ vậy mà thôi - rằng người ta chứa cái chết của mình giống như quả chứa cái hạt của nó. Trẻ con thì có một cái chết nhỏ, còn người lớn, một cái chết to. Phụ nữ mang nó trong bầu ngực, còn đàn ông thì trong lồng ngực. Người ta từng có nó, cái chết của mình, và ý thức ấy từng mang tới cho ta một phẩm hạnh đặc biệt, một niềm kiêu hãnh lặng câm.

Đến tận ông tôi, chambellan Brigge già nua, vẫn còn mang - cái đó thấy rõ - cái chết của ông trong mình. Và là một cái chết mới oách làm sao! Kéo dài tận hai tháng và rực rỡ tới nỗi người ta nghe thấy tiếng ông tận ngoài vườn rau.

Nhà chính, cũ kỹ và dài, quá nhỏ không chứa nổi cái chết đó; như thể người ta đã phải dựng thêm các chái, bởi thân hình của ông chambellan mỗi lúc một to lớn thêm lên; ông cứ không ngừng muốn được đưa từ phòng này sang phòng khác, và nổi trận lôi đình những lúc không còn chỗ nào để chuyển ông sang, mà ngày còn chưa cạn hẳn. Thế nên đã cần phải, với toàn bộ đoàn lũ gia nhân, các cô hầu phòng và lũ chó mà ông từng luôn luôn có ở bên mình, vác ông lên cầu thang và, nhường cho lão quản gia đi trước, người ta đột nhập vào phòng quàn bà mẹ chí thánh của ông, được lưu giữ chính xác trong tình trạng lúc cái chết, hăm ba năm trước đó, đã để bà lại, nơi chẳng ai từng đặt chân vào.

Nhưng giờ đây cả đoàn ùa vào đó. Người ta kéo rèm, thế là ánh sáng lực lưỡng của một buổi chiều hè khám xét tất tật những thứ đồ vật rụt rè và hoảng hốt kia, đồng thời vụng về quay vòng vòng trong các tấm gương đột nhiên mở toang ra. Và những con người lại càng tha hồ mà thoải mái. Có những cô hầu nhỏ, bởi quá hiếu kỳ, chẳng còn biết đặt tay vào đâu nữa, các gia nhân trẻ tuổi mở to mắt trước mọi thứ, rồi những người khác, già hơn, đi đi lại lại, cố nhớ xem đã được nghe kể những gì về căn phòng kín mít ấy, nơi ngày hôm nay rốt cuộc họ đã có được niềm hạnh phúc bước vào.

Nhưng đặc biệt đối với lũ chó, cuộc lưu trú trong một căn phòng nơi tất tật đồ vật đều có mùi riêng dường như mới vô cùng quyến rũ. Mấy con lévrier Nga cao lớn mảnh khảnh đảo qua đảo lại, dáng vẻ rất mực chăm chú, đằng sau các phô tơi, băng ngang căn phòng bằng bước chân như khiêu vũ kéo dài, với một uốn lượn nhẹ, dựng thân mình lên như chó trên gia huy và, cẳng chân mảnh đặt lên tay vịn ghế có màu trắng ánh vàng, trán căng ra và cái mõm đầy chú tâm, nhìn qua trái qua phải ra ngoài sân. Mấy con basset nhỏ màu găng tay vàng, vẻ hờ hững làm như mọi chuyện thường lắm, ngồi trên cái phô tơi rộng căng lụa gần cửa sổ, và một con chó dồn thú giống rubican, dáng vẻ hằm hè, cọ lưng vào cạnh một cái bàn guéridon chân mạ vàng, làm rung lên mấy chén sứ Sèvres trên mặt bàn sơn màu.

Phải, đó là một đoạn khủng khiếp đối với các đồ vật lơ đãng và đang thiu thiu ngủ kia. Có những cánh hồng, rụng xuống bằng một đường bay thiếu chắc chắn, với một sự vội vã vụng về, bị giẫm lên; người ta nắm lấy những đồ vật nhỏ bé, yếu ớt, mà họ chóng vánh đặt về chỗ trở lại bởi vì chúng sớm vỡ; người ta giấu những đồ vật khác, đã bị hư hại, bên dưới rèm, hoặc đằng sau lưới mắt cáo mạ vàng của khung tấm che tia lửa bắn. Và thảng hoặc thứ gì đó rơi, cú rớt âm u, xuống thảm, rơi với một tiếng động sáng sủa xuống sàn nhà cứng, vỡ tung, tan ra vương vãi, hay vỡ mà gần như không gây ồn ào, vì những đồ vật ấy, vốn dĩ được nuông chiều quá mức, không chịu nổi cú rơi nào hết.

Và nếu ai đó bỗng nghĩ tới chuyện hỏi xem nguyên do cho tất tật chuyện đó là gì, cái thứ đã gọi tới căn phòng này, vốn dĩ rất lâu được kiểm soát đầy lo lắng, toàn bộ nỗi sợ hãi của tàn phá, hẳn trước câu hỏi ấy sẽ chỉ có độc một lời đáp: Cái Chết.

Cái chết của chambellan Christoph Detlev Brigge ở Ulsgaard. Bởi ông nằm đó sóng soài, thân hình trào hẳn ra khỏi bộ quân phục xanh sẫm, trên sàn nhà, chính giữa phòng, chẳng nhúc nhích mảy may. Trên khuôn mặt bản rộng xa lạ của ông mà chẳng ai nhận ra nổi, cặp mắt đã nhắm lại; ông không còn trông thấy những gì xảy đến. Thoạt tiên người ta đã tìm cách đặt ông nằm lên giường, nhưng ông chống cự không cho làm thế, vì ông ghét những cái giường kể từ những đêm đầu tiên bệnh tình ông lớn lên. Vả lại cái giường hóa ra quá ngắn, và chẳng còn cách nào khác ngoài đặt ông nằm trên thảm như vậy; vì ông đã không muốn xuống tầng.

Và thế là ông nằm kia, và người ta có thể nghĩ ông đã chết. Vì trời đã buông tối, lũ chó đã, hết con này tới con khác, rút lui qua cánh cửa mở hé; chỉ còn lại con rubican có cái mặt sầu thảm ngồi đó gần chủ của nó, một cẳng trước to lớn, phủ đầy lông rậm, đặt lên bàn tay to lớn xám xịt của Christoph Detlev. Đám gia nhân, phần lớn, ở bên ngoài, trong hành lang màu trắng sáng hơn trong phòng; nhưng những ai ở lại bên trong, đôi khi liếc trộm về phía cái đống lớn tối sẫm ấy, chính giữa phòng, và mong sao đó chỉ còn là một bộ quần áo lớn trên một thứ đã băng hoại xong xuôi.

Nhưng còn lại một điều khác nữa. Còn lại một giọng nói, cái giọng bảy tuần trước còn chưa ai biết đến; bởi đó không phải giọng của ông chambellan. Giọng ấy không thuộc về Christoph Detlet, mà thuộc về cái chết của Christoph Detlev.

Cái chết của Christoph Detlev giờ đang sống tại Ulsgaard, đã từ nhiều ngày dài, rất dài, và nói chuyện với tất cả mọi người, và đòi hỏi. Đòi được vác đi, đòi căn phòng màu xanh, đòi phòng khách nhỏ, đòi gian phòng lớn. Đòi lũ chó, đòi người ta cười, người ta phải nói chuyện, chơi đùa, im lặng, và tất tật cùng một lúc. Đòi gặp bạn bè, các phụ nữ và những người chết, và đòi cả chết nữa: đòi. Đòi và hét.

Bởi vì, khi đêm xuống và, đã mệt nhoài, những gia nhân nào không phải thức trông cố ngủ, thì lại dậy lên tiếng hét cái chết của Christoph Detlev; ông hét và rên rỉ, ông gào rú lâu và liên tục đến mức lũ chó, ban đầu gào rú cùng ông, rốt cuộc câm tiếng và không còn dám nằm xuống nữa, chúng, đứng trên mấy cẳng chân cao và mảnh run rẩy, sợ hãi. Và, lúc ở làng họ nghe thấy, trong đêm hè Đan Mạch, trong cái đêm dát bạc thuần khiết và mênh mông ấy, cái chết kia gào rú, họ bật dậy như thể có cơn giông, mặc quần áo vào và, chẳng một lời, ngồi quanh ngọn đèn, cho đến cùng. Và người ta đưa vào các căn phòng xa nhất, những hốc sâu nhất, các phụ nữ gần kỳ sinh con; nhưng họ nghe thấy nó, họ vẫn cứ nghe thấy nó, như thể nó được hét lên ngay trong chính người họ, và họ cầu xin người ta để cho họ cũng được dậy, và họ tới, to rộng và trắng toát, ngồi giữa những người khác, khuôn mặt họ các nét bị xòa nhòa đi. Và lũ bò cái đẻ vào khi ấy, bất lực và thảm hại, và người ta phải moi ra từ một con cái thành quả chết ngắc cùng tất tật đống ruột rà, lúc mà nó không muốn chui ra. Và ai ai cũng hoàn thành công việc của họ một cách tồi tệ, và quên mang cỏ khô tới vì cả ngày họ sợ ban đêm và, cứ thức mãi rồi thì choàng tỉnh giấc, họ mệt đến nỗi không sao nhớ nổi điều gì nữa. Và khi, Chủ nhật, đi tới nhà thờ màu trắng bình yên, trong lời cầu nguyện họ xin ở Ulsgaard không có lãnh chúa nữa: bởi lãnh chúa kia là một con người khủng khiếp. Và điều mà tất cả mọi người nghĩ và cầu nguyện, ông mục sư nói to lên từ trên ghế cao, vì cả ông cũng không còn ngủ được nữa và không còn hiểu nổi Chúa. Và tiếng chuông nhắc lại điều đó, bởi nó đã tìm thấy một đối thủ khủng khiếp, cả đêm kêu váng và chống lại nó, chừng nào nó kêu hết cỡ, chuông kia chẳng thể làm gì. Phải, tất cả mọi người nói điều đó, và trong số đám thanh niên có một người đã mơ thấy mình đi tới lâu đài rồi giết ông chủ bằng một cú thọc đinh ba, và người ta tức tối, bị khuấy đảo tới nỗi tất cả đều lắng nghe khi anh ta kể lại giấc mơ và, dẫu chẳng hề ngờ đến, tất cả đều nhìn anh ta để xem anh ta thực sự có khả năng thực hiện chiến công đó hay chăng. Người ta cảm thấy và người ta nói năng như thế trong khắp vùng nơi, vài tuần trước, người ta vẫn còn yêu quý và thương xót ông chambellan. Nhưng mặc dù người ta nói vậy, chẳng có gì thay đổi. Cái chết của Christoph Detlev đang cư ngụ Ulsgaard không để cho mình bị o ép. Nó đã tới cho mười tuần và nó ở lại đúng mười tuần. Và trong quãng thời gian ấy nó là chủ nhân, còn hơn mức Christoph Detlev từng có bao giờ là ông chủ; nó thật giống một bà hoàng mà người ta gọi là Khủng Khiếp, về sau này, và vĩnh viễn.

Đó không phải là cái chết của một kẻ phù thũng ất ơ bất kỳ, mà đó là một cái chết khủng khiếp và có tính cách hoàng đế, mà ông chambellan từng mang bên trong ông, và nuôi nấng, suốt cuộc đời. Toàn bộ vọt trào của gớm ghê, của ý chí và uy quyền mà, ngay cả trong những ngày yên ả nhất của ông, ông đã không thể dùng đến, đã chuyển vào cái chết của ông, vào cái chết kia, giờ đã sống tại Ulsgaard và gây tác hại.

Làm sao mà ông chambellan Brigge có thể nhìn bất kỳ ai đòi ông chết một cái chết khác với cái chết đó? Ông chết bằng cái chết khó nhọc của ông.


Và khi tôi nghĩ tới những người khác mà tôi từng gặp hay từng nghe nói đến: luôn luôn vẫn thế. Tất cả đều đã có cái chết riêng của họ. Những người đàn ông kia mang nó trong lớp vỏ, ở bên trong họ, giống như một tù nhân; các phụ nữ nọ thì trở nên rất già và nhỏ bé, và có một cú qua đời kín đáo và uy nghiêm trên một cái giường rộng thênh, như trên một sân khấu, trước cả gia đình, đám gia nhân và chó tập hợp lại. Phải, cả lũ trẻ con nữa, cho đến tận bọn bé nhất, không có một cái chết trẻ con bất kỳ; mà chúng tập hợp lại và chết theo những gì chúng là và theo những gì hẳn chúng sẽ trở thành.

Và thật êm dịu sầu muộn biết bao vẻ đẹp các phụ nữ lúc họ mang thai, và đứng đó, cái bụng to tướng của họ trên đó, dẫu họ chẳng muốn, những bàn tay dài của họ đặt lên, chứa hai thành quả: một đứa trẻ và một cái chết! Nụ cười ngơ ngẩn của họ, gần như có tính cách vú nuôi trên khuôn mặt họ bị vét rỗng vô chừng, chẳng phải nó phát xuất từ những gì thảng hoặc họ nghĩ mình cảm thấy lớn lên bên trong họ, cả hai?


Tôi đã làm một điều chống lại nỗi sợ. Tôi đã ngồi cả đêm để viết. Giờ đây tôi cũng mệt như sau một chặng đường dài băng ngang các cánh đồng Ulsgaard. Tuy nhiên đối với tôi thật đau đớn khi nghĩ rằng tất tật những thứ ấy không còn nữa, rằng giờ đây những người xa lạ đang sống trong ngôi nhà chính cũ và dài đó. Có khả năng trong căn phòng màu trắng, phía trên, dưới cột đầu hồi, lúc này các cô hầu ngủ, ngủ giấc ngủ nặng nề, ẩm ướt của họ, từ tối đến sáng.

Và người ta không có gì chẳng có ai, và người ta đi khắp thế giới cùng cái rương của mình và một thùng sách, và nhìn chung chẳng vương chút nỗi tò mò nào. Thế ra đó là cuộc sống ra sao? Không nhà, không các thứ đồ được thừa kế, không lũ chó. Nếu như mà ít ra người ta cũng có những kỷ niệm! Nhưng ai có kỷ niệm đây? Nếu tuổi thơ từng ở đó: thì nó cũng đã như thể bị chôn đi. Có lẽ phải thật già thì mới có thể đạt tới mọi điều. Tôi nghĩ là già thì tốt lắm.


Ngày hôm nay chúng tôi đã có một sáng mùa thu đẹp trời. Tôi băng ngang Tuileries. Tất tật những gì nằm về phía Đông, hướng mặt trời, đều sáng lòa. Phần được chiếu sáng phủ lên một làn sương mù, giống tấm ri đô ánh sáng màu ghi. Xám trong sắc trời xám, những pho tượng sưởi ấm dưới nắng, trong khu vườn vẫn phủ voan. Vài bông hoa đơn lẻ vươn lên từ các bồn dài và nói: Đỏ, bằng một giọng khiếp hãi. Rồi một người, rất cao và mảnh dẻ, hiện ra, rẽ ở góc, phía Les Champs-Élysées; anh ta mang một cây nạng - không phải là kẹp dưới nách - anh ta nhẹ nhõm chĩa nó ra trước, và chốc chốc lại chống nó xuống đất, mạnh tay và gây tiếng động, như thể đó là một y hiệu. Anh ta không thể đè nén một nụ cười vui tươi, và mỉm cười, trên mọi vật, với mặt trời, với đám cây. Bước chân anh ta rụt rè như bước chân một đứa trẻ, nhưng với một sự nhẹ không thường thấy, chất đầy kỷ niệm về một dáng đi khác.


A! hiệu ứng của một kỳ trăng non! Các ngày mọi thứ sáng sủa quanh chúng ta, chỉ được phác thảo sơ sài trong không khí rực sáng và thế nhưng rõ nét. Những đồ vật gần nhất mang các tông giọng xa ngái, lùi lại, chỉ được trỏ từ xa, chứ không được giao nộp; và mọi điều gì ở trong tương quan với sự rộng - dòng sông, các cây cầu, những phố dài cùng quảng trường hoạt náo - đều đã lấy sự rộng ấy ở đằng sau nó, và được vẽ ra trên nó như trên một lớp vải lụa êm. Chẳng thể nào nói khi ấy một chiếc xe màu lục rực sáng có thể ra sao, trên Pont-Neuf, hay cái màu đỏ rất gắt kia mà chắc hẳn người ta không thể bóp ngạt đi, hay thậm chí chỉ đơn giản là tấm áp phích đó, trên bức tường chung của một nhóm nhà có màu ghi ngọc trai. Mọi điều được đơn giản hóa, được đưa về vài sơ đồ chuẩn xác và sáng sủa, giống khuôn mặt trong các bức chân dung của Manet. Chẳng gì là vớ vẩn hay vô tích sự. Những người bán sách cũ trên ke sông đang mở đống thùng của họ, và cái màu vàng tươi hoặc nhàu sờn của đống sách, màu nâu ngả tím của lớp da bọc ngoài, màu lục phủ rộng hơn của một quyển sách tranh, tất tật hòa hợp, có nghĩa, tất tật đều dự phần và đóng góp cho một sự đầy hoàn hảo.


Tôi đã nhìn thấy ngoài phố cái tập hợp sau đây: một xe kéo nhỏ, do một phụ nữ đẩy; phía trước xe đặt dọc một cái đàn hộp; vắt ngang về phía sau, một cái giỏ nơi một đứa bé con nhỏ xíu, đứng rất vững trên hai chân, có vẻ hết sức vui sướng dưới cái mũ bon nê của nó, và chẳng hề muốn ngồi xuống. Thỉnh thoảng, người phụ nữ quay ma ni ven. Đứa bé con liền nhỏm ngay dậy giẫm giẫm chân trong cái giỏ và một đứa bé gái mặc váy màu lục đỏm dáng vừa nhảy vừa gõ cái trống nhỏ, giơ nó cao lên về phía các cửa sổ.


Tôi nghĩ tôi sẽ phải bắt đầu làm việc một chút, giờ đây khi mà tôi học nhìn. Tôi hăm tám tuổi thế nhưng có thể nói rằng chẳng đi đến đâu. Xem lại nhé: tôi từng viết một ê-tuýt về Carpaccio vốn dĩ là thứ tồi tệ, một vở kịch tên là Đám cưới, nó muốn chứng minh một luận đề là sai bằng những phương cách mập mờ, và bằng thơ. Phải, nhưng các câu thơ thật chẳng ra gì nếu ta viết chúng khi còn trẻ! Hẳn người ta phải đợi và mót nhặt thu lượm suốt một cuộc đời, nếu có thể thì suốt một cuộc đời dài; và rồi sau rốt, rất muộn, có lẽ người ta sẽ viết được mươi dòng nên hồn. Bởi các câu thơ thì không, như một số người tưởng, là những tình cảm (ta luôn luôn có chúng từ khá sớm), mà đó là các kinh nghiệm. Để viết chỉ một câu thơ, cần phải từng nhìn thấy nhiều thành phố, con người và vật, phải biết rõ các con vật, phải cảm thấy lũ chim bay như thế nào và biết các bông hoa nhỏ xíu nở ra buổi sáng thì chuyển động ra sao. Phải có thể nghĩ lại đến những con đường nơi các vùng xa lạ, đến những cuộc gặp bất ngờ, đến những khởi hành mà suốt rất lâu ta thấy sáp lại gần, đến những ngày thơ ấu mà bí ẩn vẫn còn chưa được làm sáng tỏ, đến các họ hàng mà ta buộc phải làm phật lòng khi họ mang tới cho ta một niềm vui, mà ta không hiểu nổi (đó là một niềm vui được tạo ra cho một người khác), đến các chứng bệnh hồi nhỏ khởi đầu theo lối rất mức đặc biệt, qua biết bao chuyển hóa sâu sắc và nghiêm trọng, đến những ngày đã trải qua trong các căn phòng yên bình và nén lại, đến những buổi sáng trên bờ biển, đến bản thân biển, đến các biển, đến những đêm đi xa run rẩy thật cao và bay cùng tất tật mọi vì sao - và thậm chí biết nghĩ đến tất tật những điều ấy hẵng còn là chưa đủ. Phải có những kỷ niệm về nhiều đêm ân ái, chẳng đêm nào giống với đêm nào,




(còn nữa)



nhân tiện: đã tiếp tục bài "Cuối cùng" (Marguerite Yourcenar, người cũng hay nhắc đến Rilke trong các tiểu luận)



Hölderlin-Novalis-Rilke
Thanh Tâm Tuyền và Rilke
Phạm Công Thiện và Rilke
Rilke, Benjamin và Gide
Mười bài cửa sổ của Rilke
Marina Tsvetaieva
Walter Benjamin về Marcel Proust

11 comments:

  1. Nhờ Wiki, cháu biết được có một ấn bản tiếng Pháp của cuốn này có lời tựa của Modiano (dù không đọc được tiếng Pháp)

    VVD

    ReplyDelete
  2. Đây, cóp nguyên xi trên wiki fr của Modiano:
    1980 : préface aux Cahiers de Malte Laurids Brigge de Rainer Maria Rilke. Seuil, coll. « Points-roman » no 7.

    VVD

    ReplyDelete
  3. có nhìn thấy chữ "Points" trên bìa quyển thứ ba không?

    Rilke thì Modiano, Stig Dagerman (http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/10/mua-thu-duc.html) thì nhiều khả năng sẽ gặp lời tựa của Le Clézio, Kobo Abe hay Bohumil Hrabal: Linda Lê

    ReplyDelete
  4. https://www.amazon.com/Die-Aufzeichnungen-Malte-Laurids-Brigge/dp/3938484209

    Có phải quyển này không?

    ReplyDelete
  5. đây này:

    https://www.zvab.com/servlet/SearchResults?an=Rilke+Rainer+Maria&tn=Aufzeichnungen+Malte+Laurids+Brigge&sortby=1&cm_sp=plpafe-_-coll-_-link

    ReplyDelete
  6. "Khi những người nghèo suy nghĩ, ta không được quấy rầy họ. Rất có thể rốt cuộc họ vẫn sẽ còn tìm được cái mà họ tìm."

    ReplyDelete
  7. "Here, then, is where people come to live; I'd have thought it more a place to die in"

    ReplyDelete