Giờ đây, khi đã đi qua gần như sạch sẽ toàn bộ Joseph Roth (kể cả các bài báo - rất nhiều bài báo), tôi bắt đầu chuyển sang một phương diện khác.
Dưới đây sẽ là bản dịch một truyện ngắn (nhưng dài), hay nói đúng hơn là một novella của Roth, Stationschef Fallmerayer. Câu chuyện về ông trưởng ga Fallmerayer - thế giới của các "xếp tanh" - là tác phẩm đầu tiên mà Roth cho xuất bản khi bắt đầu cuộc sống lưu vong, Amsterdam, 1933.
Ông trưởng ga Fallmerayer
Joseph Roth
I
Số phận lạ thường của ông trưởng ga người Áo, Adam
Fallmerayer, chắc chắn xứng đáng được lược lại và viết ra ở đây. Ông đã cự tuyệt,
trong các hoàn cảnh rất đáng kinh ngạc, một tồn tại thông thường mà chẳng gì tiền
định rằng rồi một ngày kia sẽ trở nên chói sáng, thậm chí còn không hạnh phúc một
cách lâu bền. Hẳn sẽ chẳng thể nào, nếu chỉ căn cứ vào những gì con người ta biết
về nhau, dự liệu cho Fallmerayer một phần số xuất chúng. Thế nhưng đó lại chính
là điều đã xảy ra: Fallmerayer đã biết đến một số phận không tầm thường, cái số
phận mà tự thân ông đã buông mình vào, chẳng phải là không kèm với một khoái
thú nhất định.
Ông là trưởng ga từ năm 1908. Ông đã cưới, không lâu sau khi
nhận chức vụ tại nhà ga ở L., thuộc bộ phận đường sắt phía Nam - cách Viên dưới
hai tiếng một chút - con gái của một vị cố vấn ngạch tòa án tại Brünn; một phụ
nữ trung hậu, có trí tuệ hạn chế, và không còn trẻ lắm. Đó là một “cuộc hôn
nhân vì tình yêu”, như người ta hay nói vào cái thời khi những cái được gọi là
“hôn nhân vì lý trí” vẫn còn thường gặp. Bố mẹ của Fallmerayer đã chết. Dẫu thế
nào, lúc lấy vợ, ông tuân theo một thúc đẩy rất mực thước của trái tim vốn dĩ đầy
ngập sự mực thước, chứ không phải theo những gì lý trí ông sai khiến. Ông có
hai con: hai cô con gái, thêm nữa chúng lại sinh đôi. Ông từng hết sức hy vọng
có một đứa con trai. Có sẵn trong bản tính của ông sự hy vọng một thằng con
trai, và coi việc hai cô con gái xuất hiện cùng một lúc là một bất ngờ khó chịu,
nếu chẳng phải một cú xấu chơi từ phía Chúa. Nhưng vì các nhu cầu vật chất của
ông được đảm bảo và ông sẽ được hưởng tiền lương hưu của Nhà nước, Fallmerayer
tự trấn an: hai đứa con ông vừa sinh được ba tháng thì ông đã kịp đứng về phía
sự hào phóng ấy của tự nhiên và bắt đầu yêu hai đứa con gái. Yêu chúng, tức là
hết sức lo lắng cho nhu cầu của chúng, chuẩn theo những truyền thống tư sản, với
tư cách ông bố tốt trong gia đình và công chức trung thực.
Một ngày tháng Ba năm 1914, Adam Fallmerayer ngồi, như thường
lệ, trong văn phòng của mình. Máy điện báo không ngừng kêu lách cách. Và trời
mưa ở bên ngoài. Một cơn mưa sớm. Mới tuần trước, người ta hẵng còn phải dùng xẻng
xúc tuyết khỏi các đường ray, và những chuyến tàu đến và đi bị chậm giờ ghê gớm.
Một đêm, đột nhiên, mưa bắt đầu rơi. Tuyết đã biến mất. Và đối diện với nhà ga
nhỏ, nơi sự huy hoàng bất khả xâm nhập, gây quáng mắt của tuyết dãy Alpes như
thể đã thông báo kỳ ngự trị vĩnh hằng của mùa đông, từ vài ngày nay lơ lửng một
làn sương màu xanh trộn lục rất khó gọi tên cũng như miêu tả: mây, trời, mưa,
núi, tất tật hòa lẫn vào với nhau.
Trời mưa, và bầu không khí thì ấm. Chưa bao giờ ông sếp ga
Fallmerayer biết tới mùa xuân nào sớm sủa như vậy. Các đoàn tàu tốc hành chạy về
phía Nam, Merano, Trieste, Ý, bình thường không bao giờ dừng lại ở cái ga nhỏ
xíu của ông. Chúng lao qua vun vút, như chẳng gì có thể ngăn được, dưới mắt
Fallmerayer, mỗi ngày ông ra ngoài ke hai lần để chào chúng bằng chiếc mũ cát
két màu đỏ rực của mình; chúng gần như hạ ông trưởng ga xuống hàng một người bẻ
ghi thông thường. Khuôn mặt các hành khách hiện ra nơi khung những cửa sổ lớn
trộn lẫn với nhau vào một vệt dài màu xám nhạt. Ông trưởng ga Fallmerayer chỉ
thảng hoặc mới nhìn thấy được mặt một hành khách đang đi về phía Nam. Và “phía
Nam” đối với ông sếp ga còn hơn là một danh xưng địa lý. “Phía Nam”, đó là biển,
một biển ngập nắng, tự do và hạnh phúc.
Vé không mất tiền cho cả gia đình, vào kỳ nghỉ, dĩ nhiên thuộc
vào số những ưu tiên dành cho một công chức quan trọng của đường sắt phía Nam.
Khi hai đứa trẻ sinh đôi tròn ba tuổi, cả nhà đã đi Bolzano một chuyến. Họ phải
đi tàu omnibus một tiếng, cho đến nhà ga nơi các đoàn tàu tốc hành kiêu ngạo có
dừng. Họ đã lên tàu, rồi lại xuống - và miền Nam thì vẫn còn rất xa! Kỳ nghỉ
kéo dài bốn tuần. Họ đã nhìn thấy những người giàu toàn thế giới - và thêm nữa
với họ dường như những người mà họ thấy là những người giàu hơn cả. Những người
đó không có kỳ nghỉ. Cả đời họ được làm nên từ sự nghỉ. Và có thể thấy rằng những
người giàu nhất cũng không có con sinh đôi, nhất lại là con gái sinh đôi. Và
xét cho cùng, chính những người giàu làm cho miền Nam trở nên như vậy. Một công
chức đường sắt phía Nam thì lại sống vĩnh viễn ngay giữa miền Bắc.
Thế là họ đã trở về, và công việc được tiếp nối. Máy điện
báo kêu lách cách không ngừng nghỉ. Và mưa cứ rơi, cứ rơi.
Fallmerayer ngẩng đầu lên khỏi bàn làm việc. Đã năm giờ chiều.
Mặc dù mặt trời còn chưa lặn, bên ngoài đã tối sẫm, vì trời mưa. Tiếng mưa
không ngừng gõ lên bộ giàn thủy tinh phủ phía trên ke; cũng vậy, trong này, máy
điện báo không ngừng kêu lách cách - đó là một cuộc đối thoại dễ chịu và không
bao giờ ngưng của kỹ thuật với tự nhiên. Bên dưới giàn kính, những viên đá lát
lớn màu xanh nhạt vẫn khô. Nhưng đường ray - cũng như giữa đường ray và gờ nhỏ
xíu - lấp lánh lên, dẫu trời tối, trong ma thuật ẩm ướt của mưa.
Cho dù ông sếp ga Fallmerayer không phải là người quá nhiều
trí tưởng tượng, ông thấy như thể ngày hôm ấy là một ngày rất đặc biệt, bị số
phận đánh dấu, và run lên theo đúng nghĩa khi ông nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông
đang đợi chuyến tàu nhanh đi Mereno, nó sẽ tới trong vòng ba mươi sáu phút nữa.
Ba mươi sáu phút nữa, Fallmerayer nghĩ, màn đêm sẽ nuốt chửng mọi thứ, một đêm
khủng khiếp. Phía trên văn phòng của ông, nơi tầng hai, hai đứa trẻ sinh đôi lại
đang gây ầm ĩ như thường lệ; ông nghe thấy tiếng bước chân nhộn nhàng của
chúng, bước đi của trẻ con và thế nhưng có chút thô bạo. Ông mở cửa sổ. Trời
không lạnh. Mùa xuân đang đến, lướt qua các ngọn núi. Người ta nghe thấy, như mọi
ngày, tiếng còi những đầu máy xe lửa đang được vận hành, tiếng hét thợ máy cùng
tiếng va chạm sượng đục của các toa tàu được ghép. Thế nhưng đối với
Fallmerayer như thể những đầu tàu hôm nay có một tiếng còi đặc biệt. Đó là một
con người hoàn toàn bình thường. Và đối với ông chẳng gì có thể kỳ lạ hơn so với
chuyện có cảm giác mình đang nghe thấy, ngay chính giữa những tiếng ồn quen thuộc
đến thế, thông thường đến thế, cái giọng gây lo ngại của một số phận không tầm
thường. Và quả thật, chính vào hôm ấy đã xảy ra tai họa đáng sợ mà các hệ quả rồi
sẽ làm đảo lộn cuộc đời Adam Fallmerayer.
II
Nháo nhào chụp lấy một ngọn đèn hoàn toàn vô tích sự, đang nằm ở đó trên ke, ông trưởng ga Fallmerayer chạy dọc theo đường ray đến chỗ tai nạn xảy ra. Ông đã cảm thấy nhu cầu phải chộp lấy một thứ đồ vật nào đó. Ông thấy dường không thể có chuyện lao đi với hai bàn tay chẳng cầm gì, có thể nói rằng không được trang bị vũ khí, để tới gặp thảm họa. Ông chạy suốt mười phút, trên người không áo choàng; những cú quật không ngớt của cơn mưa đập xuống gáy và hai vai ông.
Khi ông đến được địa điểm tai nạn, người ta đã tiến hành vác người chết ra, cấp cứu những người bị thương và dọn đường cho những ai bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Bóng tối trở nên dày hơn, như thể bản thân đêm cũng vội vã dự phần vào nỗi sợ hãi của các giây phút đầu tiên và càng làm tăng nó thêm lên. Lính cứu hỏa của thành phố nhỏ tới, trang bị những ngọn đuốc phải nặng nề kháng cự lại màn mưa, trong tiếng tí tách và lách cách. Mười ba toa tàu tan nát bị lật đổ trên đường ray. Người ta đã đưa người lái cùng thợ máy ra khỏi đầu tàu - cả hai đều đã chết. Thợ hỏa xa, lính cứu hỏa và người qua đường chộn rộn giữa đống đổ nát cùng các thứ dụng cụ vơ vội. Những người bị thương kêu la thảm thiết, mưa rơi ầm ĩ, những ngọn đuốc thì phát ra tiếng tí tách. Ông sếp ga run lên dưới làn mưa ấy. Răng ông va lập cập. Ông có cảm giác mình phải làm gì đó, giống những người khác, và cùng lúc ông sợ người ta cấm không cho ông tham gia giúp đỡ, buộc tội ông chính là nguồn gốc gây ra thảm họa. Với người thợ máy nào đó nhận ra ông và, vẫn không ngơi tay, mau chóng chào ông, Fallmerayer những muốn nói vài câu bằng một cái giọng sượng đục, vài câu hẳn có thể là một mệnh lệnh, nhưng cũng có thể nhằm xin thứ lỗi. Nhưng chẳng ai nghe ông nói. Chưa từng bao giờ ông cảm thấy mình vô tích sự một cách sâu sắc đến thế trên cõi đời. Và ông khởi sự tiếc nuối vì đã không thuộc vào số các nạn nhân, đúng lúc đó ánh mắt lang thang không chủ đích của ông dừng lại nơi một phụ nữ vừa mới được người ta đặt lên cáng. Cô nằm đó, bị những người cứu mạng bỏ mặc, cặp mắt lớn sẫm tối nhìn chằm chằm vào các ngọn lửa ngay gần sát, nửa người bên dưới phủ tấm khăn lông màu xám ánh bạc; rõ ràng, cô không thể cử động. Cơn mưa không biết mệt mỏi rơi xuống khuôn mặt lớn, rộng khổ và nhợt nhạt của cô, thảng hoặc được chiếu sáng bởi luồng run rẩy các ngọn đuốc. Bản thân khuôn mặt cô bừng lên, một khuôn mặt bị ướt, điểm bạc, bị túm lấy vào trong trò chơi ma thuật của lửa và bóng tối. Hai bàn tay dài thật trắng đặt trên vải lông, cả chúng cũng im lìm, hai cái xác tuyệt mỹ. Ông sếp ga thấy như thể người phụ nữ trên cáng ấy đang nằm nghỉ trên một hòn đảo của im lặng, trắng và cao lớn, ở chính giữa một biển inh tai, một biển toàn những tiếng ồn và sự ầm ĩ, và thậm chí chính từ cô tỏa ra sự im lặng. Và quả thật người ta có cảm giác tất tật những người đang rất mực hăng hái kia tìm cách vẽ ra một vòng tròn quanh cái cáng nơi người phụ nữ nằm. Cô chết rồi chăng? Chẳng phải chăm sóc cho cô thì cần thiết hơn ư? Ông sếp ga Fallmerayer chậm rãi tiến lại gần chỗ cái cáng.
Người phụ nữ vẫn còn sống. Cô lành lặn. Khi Fallmerayer cúi
xuống, cô nói, mà không đợi các câu hỏi của ông - và thậm chí dường như cô e ngại
chúng - rằng cô không bị thiếu mất cái gì, rằng cô nghĩ mình có thể đứng dậy.
Nhiều nhất thì cô cũng chỉ phải than phiền về việc mất đồ đạc. Chắc hẳn cô có
thể đứng dậy. Nói đến đó, cô thu sức tìm cách nhỏm người lên. Fallmerayer giúp
cô. Bằng tay trái, ông quơ lấy tấm khăn lông, quấn nó quanh vai người phụ nữ bằng
tay phải, đợi cho cô đứng dậy hẳn, choàng tấm lông lên vai cô, rồi quàng tay
quanh đó và, không nói một lời, họ cứ thế bằng ngang đường ray cùng bãi đệm rồi
bước vào, cách đó vài bước chân, một ngôi nhà nhỏ dành cho người bẻ ghi; sau
khi bước lên một cầu thang nhỏ, họ tới được một sự ấm nóng khô và sáng.
- Bà cứ ở yên đây vài phút nhé, Fallmerayer nói. Tôi có việc
phải làm ngoài kia. Tôi sẽ quay lại ngay.
Cùng lúc, ông biết mình đang nói dối, có vẻ đó là lần đầu
tiên trong đời. Tuy nhiên lời nói dối ấy đối với ông dường hết sức tự nhiên. Và
dẫu ông chẳng mong muốn điều gì mãnh liệt hơn, vào giờ đó, cho bằng được ở lại
bên người phụ nữ, thì chắc hẳn với ông sẽ thật khủng khiếp nếu trong mắt cô,
ông hiện ra như một kẻ vô tích sự, chẳng có việc gì khác để làm trong lúc bên
ngoài cả nghìn bàn tay đang trợ sức và cứu giúp. Vậy nên ông lao ra ngoài, và
trước nỗi kinh ngạc lớn lao của chính mình ông tìm ra lòng can đảm cùng sức lực
để trợ sức và cứu giúp, ra một mệnh lệnh ở đây, cho một lời khuyên ở kia; và mặc
dù ông không thể tự ngăn mình, trong suốt khoảng thời gian trợ sức, cứu giúp và
làm việc, nghĩ tới người phụ nữ trong ngôi nhà nhỏ, mặc dù ý nghĩ có thể ông sẽ
không còn gặp lại cô đối với ông thật tàn nhẫn và khủng khiếp, ông vẫn chẳng vì
thế mà bớt chộn rộn trên địa điểm của thảm họa, vì sợ quay trở lại quá sớm, bằng
cách ấy mà trưng bày sự vô tích sự của mình trước người phụ nữ xa lạ. Và như thể
cặp mắt cô dõi theo ông và thúc đẩy ông, ông mau chóng đặt được lòng tin vào lời
lẽ cũng như lý trí của mình, và tỏ ra mình là một người cứu trợ khéo léo, khôn
ngoan và can đảm.
Ông cứ làm việc như thế chừng hai tiếng, không ngừng nghĩ đến
người phụ nữ xa lạ đang đợi ông. Sau khi viên bác sĩ cùng các y tá thực hiện
xong việc cấp cứu những người bị thương, Fallmerayer đã có thể quay trở lại
trong ngôi nhà nhỏ của nhân viên bẻ ghi. Ông vội vã nói với bác sĩ, mà ông quen
biết, rằng đằng kia còn có một nạn nhân nữa của thảm họa. Chẳng phải là không
kèm chút thỏa mãn nhất định, ông nhìn đôi bàn tay trầy xước của mình, cùng bộ đồng
phục lấm bẩn. Ông dẫn viên bác sĩ đi vào căn phòng của người bẻ ghi, và chào
người phụ nữ xa lạ, dường như cô đã không hề nhúc nhích khỏi chỗ, bằng nụ cười
vui tươi và nhiều ngụ ý mà thông thường người ta vẫn hay dành cho những người
quen biết đã từ lâu.
- Khám cho bà đây đi! ông nói với bác sĩ.
Rồi ông bước ra cửa. Ông đợi vài phút bên ngoài.
Bác sĩ đi ra, nói:
- Một va chạm nhỏ, không sao đâu. Tốt hơn cả là để bà ấy ở lại
đây. Ông có chỗ bên nhà chứ?
- Tất nhiên, tất nhiên! Fallmerayer đáp.
Cùng nhau, họ đưa người phụ nữ xa lạ vào ga rồi đi lên căn hộ
của Fallmerayer.
- Chừng dăm bốn hôm nữa, bà ấy sẽ bình phục thôi, viên bác
sĩ nói.
Vào lúc đó, Fallmerayer mong sao kỳ lưu trú của người phụ nữ
xa lạ sẽ dài hơn vậy.
III
Fallmerayer nhường phòng ngủ cùng giường của mình cho người
phụ nữ xa lạ. Vợ ông sếp ga phân chia thời gian của bà cho hai đứa con và người
bệnh. Đích thân Fallmerayer đến gặp hai lần mỗi ngày. Mấy đứa trẻ sinh đôi được
bảo là phải giữ trật tự hết sức.
Buổi tối ngay tiếp sau thảm họa, Fallmerayer biết tên người phụ nữ xa lạ: đó là nữ công tước Walewska, một người Nga sống ở vùng phụ cận Kiev, đang đi từ Viên đến Merano. Một phần hành lý của cô đã được tìm thấy và trả lại cho cô: mấy cái va li da màu nâu và đen. Chúng tỏa ra mùi da Nga, cùng mùi của một hương thơm lạ. Cả căn hộ của Fallmerayer tràn ngập mùi ấy.
Giờ đây ông ngủ - bởi đã nhường giường cho người phụ nữ xa lạ - không phải trong phòng ngủ, cạnh bà Fallmerayer, mà dưới tầng, trong văn phòng. Chính xác hơn, ông chẳng hề ngủ. Ông nằm đó, tỉnh táo. Sáng ra, quãng chín giờ, ông bước vào căn phòng nơi người phụ nữ xa lạ nghỉ. Ông hỏi cô ngủ ngon không và bữa sáng thế nào, cô có cảm thấy khỏe không. Một bó hoa violét tươi cầm trên tay, ông bước về phía cái lọ đặt trên bàn console, nhấc hoa của hôm trước ra, cắm hoa mới vào nước sạch, rồi đứng bất động dưới chân giường. Trước mặt ông, trên cái gối của ông, dưới chăn của ông, người phụ nữ xa lạ nằm. Ông thì thầm vài câu nghe không rõ. Trên đống gối dựa, dưới cái chăn của ông sếp ga, người phụ nữ xa lạ nằm, với cặp mặt lớn sẫm tối, khuôn mặt trắng và cương nghị, rộng bản, giống một phong cảnh xa xôi và êm ái. “Ông ngồi đi”, ngày nào cô cũng nói với ông hai lần câu đó. Bằng giọng trầm và lạ thường, cô nói thứ tiếng Đức của người Nga, nghe cứng đơ và lạ lẫm. Lồng họng cô chứa đựng mọi sự rực rỡ của xa xăm và sự lạ lùng.
Fallmerayer không ngồi. “Xin bà thứ lỗi, tôi phải làm nhiều
việc”, ông nói, quay người đi khỏi. Ông bỏ đi như thế trong vòng sáu ngày. Ngày
thứ bảy, bác sĩ khuyên người phụ nữ tiếp tục cuộc hành trình. Chồng cô đang chờ
cô ở Merano. Cô bèn ra đi, để lại trong mọi căn phòng, và nhất là trên giường của
Fallmerayer, mùi dai dẳng của da Nga, cùng một hương thơm xa lạ.
IV
Cái hương thơm lạ thường ấy còn nán lại dai dẳng trong nhà,
ký ức và cả, hẳn người ta có thể nói thế, trong trái tim Fallmerayer, lâu hơn
nhiều so với thảm họa. Những tuần sau đó, cuộc điều tra dài dặc về các nguyên
nhân cụ thể và tiến trình chính xác của thảm họa vẫn tiếp tục, theo đúng quy định.
Fallmerayer bị thẩm vấn nhiều lần. Suốt những tuần ấy, ông không ngừng nghĩ tới
người phụ nữ xa lạ và, như thể ngây ngất vì cái mùi cô đã để lại quanh ông và
bên trong ông, ông cung cấp những câu trả lời gần như không sao hiểu nổi cho những
câu hỏi cụ thể. Nếu chẳng phải các chức phận của ông tương đối đơn giản, và nếu
chẳng phải chính bản thân ông đã trở nên, từ nhiều năm nay, một thành tố gần
như máy móc của công việc, thì hẳn ông đã không đủ sức thi hành phận sự với đầy
đủ ý thức. Ông thầm hy vọng, ngày này qua ngày khác, đống thư tín mang đến cho
ông tin tức về người phụ nữ xa lạ. Ông không nghi ngờ rồi cô sẽ viết thư, đúng
như phải vậy, để cảm ơn ông đã cho ở nhờ. Và, đúng thật, một ngày kia một bức
thư được gửi từ Ý, một bức thư khổ lớn, màu xanh sẫm. Nữ bá tước Walewska viết
rằng cô đã tiếp tục chuyến đi của mình về phía Nam, cùng chồng. Lúc này cô đang
ở Rome. Cô và chồng muốn đi Sicile. Hôm sau, được gửi tới một giỏ hoa quả thật
đẹp cho hai đứa con gái sinh đôi của Fallmerayer và, từ người chồng của nữ bá
tước Walewska, một bó hoa hồng nhạt màu rất mực tinh tế và thơm lừng cho vợ của
ông trưởng ga. Đã rất nhiều thời gian trôi qua, nữ bá tước viết, thì cô mới tìm
được dịp để cảm ơn những người chủ nhà của mình vì lòng tốt của họ, nhưng cô đã
bị choáng nặng mãi tận rất lâu sau khi đến được Merano, và cần nghỉ ngơi.
Fallmerayer mang ngay hoa và đống quả về nhà, nhưng ông đợi một thời gian rồi mới
đưa bức thư của nữ bá tước, tuy nhiên nó đến nơi một ngày trước. Đống quả và những
bông hoa hồng từ miền Nam tỏa ra một hương thơm sâu đậm, nhưng Fallmerayer có cảm
giác hương thơm từ bức thư của nữ bá tước còn mạnh mẽ hơn. Bức thư rất ngắn.
Fallmerayer thuộc lòng nó. Ông biết chính xác từng từ nằm ở chỗ nào. Viết bằng
mực tím, với các nét lớn vươn cao, trông bức thư giống một chuyến bay rất đẹp của
lũ chim xa xôi, đầy duyên dáng, lông thật lạ, băng ngang xa xa trên nền trời
xanh sẫm. “Anja Walewska”, đó là chữ ký. Từ lâu nay ông đã muốn biết tên riêng
của người phụ nữ xa lạ - mà không dám hỏi cô - như thể cái tên ấy là một trong
những phép mầu mà cơ thể cô chứa đựng. Giờ đây khi đã biết, trong thoáng chốc
ông có cảm giác cô đã tặng cho ông một điều bí mật dịu êm. Và vì ghen tuông, nhằm
giữ bí mật đó cho riêng mình, ông quyết định mãi hai hôm sau mới cho vợ xem
thư. Kể từ khi biết tên riêng của nữ bá tước Walewska, ông có ý thức rằng tên của
vợ ông - bà tên là Klara - không đẹp. Và lúc ông nhìn hai bàn tay thờ ơ của bà
Klara Fallmerayer mở bức thư của người phụ nữ xa lạ, kỷ niệm về hai bàn tay xa
lạ của người đã viết nó hiện ra trở lại - ông thấy chúng đúng như đã thấy lần đầu
tiên, nằm đó trên tấm khăn lông, hai bàn tay bất động, sáng ánh lên, với những
phản chiếu bạc. “Lẽ ra mình đã phải hôn chúng”, ông thoáng nghĩ. “Viết hay
quá”, vợ ông nói, đặt bức thư của nữ bá tước xuống. Cặp mắt của bà có màu xanh
ánh thép, đầy ngập cảm giác về nghĩa vụ, không để lộ chút lo lắng nào. Bà Klara
Fallmerayer có khả năng nhận thức mọi điều như các nghĩa vụ, cho đến cả những mối
lo của bà, và tìm được sự thỏa mãn trong buồn bã. Đó là điều mà Fallmerayer đột
nhiên như thể hiểu ra, đối với ông dạng suy nghĩ hay ý tưởng bộc phát tương tự
từng luôn luôn hết sức xa lạ. Và đêm hôm đó ông viện cớ có việc gấp, phải đi, để
mặc căn phòng vợ chồng, xuống ngủ trong văn phòng và tìm cách tự thuyết phục
mình rằng nơi tầng trên, phía trên ông, người phụ nữ xa lạ vẫn đang nằm ngủ.
Nhiều ngày rồi nhiều tháng trôi đi. Còn có thêm hai tấm bưu
thiếp từ Sicile, đầy màu sắc, được gửi đến, mang theo những lời chào ngắn gọn.
Đã tới mùa hè, một mùa hè nồng ngốt. Khi sắp đến kỳ nghỉ, Fallmerayer quyết định
không đi. Ông gửi vợ con sang Áo, tới một nơi chuyên để nghỉ ngơi. Ông ở lại
nhà và tiếp tục hoàn thành các chức phận. Lần đầu tiên kể từ khi lấy vợ, ông ở
xa bà. Trong thâm tâm, ông đã trông đợi sự cô độc này vô chừng. Phải cho đến
lúc chỉ còn lại một mình ông mới bắt đầu nhận ra mình hoàn toàn không muốn một
mình. Ông lục lọi mọi ngăn kéo để tìm bức thư của người phụ nữ xa lạ. Nhưng ông
không tìm thấy nó. Có lẽ bà Fallmerayer đã vứt nó đi từ lâu.
Vợ và các con quay về, đã sắp hết tháng Bảy.
Và lệnh tổng động viên được ban bố.
V
Fallmerayer là sĩ quan dự bị thuộc tiểu đoàn kỵ binh số XXI.
Vì đang phụ trách một chức vụ tương đối quan trọng, ông hoàn toàn có thể ở lại
hậu phương thêm một thời gian nữa. Thế nhưng Fallmerayer mặc lên người bộ quân
phục, cho đồ vào va li, hôn vợ con, rồi tới chỗ đơn vị. Ông giao lại công việc
cho người phó. Bà Fallmerayer khóc, hai đứa con gái sinh đôi sung sướng vì được
thấy bố chúng trong một trang phục lạ lùng. Bà Fallmerayer không khỏi thấy tự
hào về chồng - nhưng chỉ vào giờ khởi hành mà thôi. Bà cố cầm nước mắt. Cặp mắt
xanh của bà đầy ngập thứ tình cảm chua chát về nghĩa vụ.
Về phần ông sếp ga, ông chỉ cảm thấy ý nghĩa tàn nhẫn của những giây phút đó vào lúc đã ở trong một khoang tàu cùng vài bạn đồng ngũ. Và thế nhưng, ông nghĩ ông nhận ra là mình khác hẳn mọi sĩ quan trong khoang bởi một thứ tình cảm rối bời của niềm vui. Đó là các sĩ quan dự bị. Ai trong số họ cũng vừa rời bỏ một tổ ấm mà người ấy yêu quý. Và ai trong số họ cũng, khi đó, đều là một người lính đầy hào hứng, cùng lúc lại là một ông bố không thể nguôi ngoai, một người con trai không thể nguôi ngoai. Chỉ mình Fallmerayer có cảm giác cuộc chiến tranh đã đưa ông ra khỏi một hoàn cảnh không lối thoát. Tất nhiên, ông thấy cần phải thương hai đứa con gái sinh đôi. Cả vợ ông nữa. Tất nhiên, vợ ông nữa. Nhưng trong lúc các bạn ông, khi họ nhắc đến gia đình, để lộ cho thấy, nhờ biểu hiện khuôn mặt cùng các cử chỉ của họ, toàn bộ tình dịu dàng và sự êm ái mà họ có thể có được, thì Fallmerayer có cảm giác ông cần phải, ngay khi khởi sự nhắc tới nhà mình, đặt vào ánh mắt cùng giọng nói của ông một nỗi lo lắng chắc chắn là thành thực, nhưng dẫu sao thì cũng quá đà, nhằm bắt chước họ. Và, sự thật là, ông muốn nhắc đến nữ bá tước Walewska hơn so với gia đình ông, với các bạn. Ông tự buộc mình phải im lặng. Và ông thấy dường như mình nói dối tận hai lần, vừa vì ông che giấu những tình cảm sâu kín nhất, vừa bởi dẫu sao thì ông vẫn nhắc đến, đôi khi, vợ con ông, đối với họ vào giờ phút ấy ông xa xôi hơn hẳn so với nữ bá tước Walewska, vốn dĩ xuất thân từ một đất nước kẻ thù. Ông thoáng có chút tự khinh bỉ bản thân mình.
Về phần ông sếp ga, ông chỉ cảm thấy ý nghĩa tàn nhẫn của những giây phút đó vào lúc đã ở trong một khoang tàu cùng vài bạn đồng ngũ. Và thế nhưng, ông nghĩ ông nhận ra là mình khác hẳn mọi sĩ quan trong khoang bởi một thứ tình cảm rối bời của niềm vui. Đó là các sĩ quan dự bị. Ai trong số họ cũng vừa rời bỏ một tổ ấm mà người ấy yêu quý. Và ai trong số họ cũng, khi đó, đều là một người lính đầy hào hứng, cùng lúc lại là một ông bố không thể nguôi ngoai, một người con trai không thể nguôi ngoai. Chỉ mình Fallmerayer có cảm giác cuộc chiến tranh đã đưa ông ra khỏi một hoàn cảnh không lối thoát. Tất nhiên, ông thấy cần phải thương hai đứa con gái sinh đôi. Cả vợ ông nữa. Tất nhiên, vợ ông nữa. Nhưng trong lúc các bạn ông, khi họ nhắc đến gia đình, để lộ cho thấy, nhờ biểu hiện khuôn mặt cùng các cử chỉ của họ, toàn bộ tình dịu dàng và sự êm ái mà họ có thể có được, thì Fallmerayer có cảm giác ông cần phải, ngay khi khởi sự nhắc tới nhà mình, đặt vào ánh mắt cùng giọng nói của ông một nỗi lo lắng chắc chắn là thành thực, nhưng dẫu sao thì cũng quá đà, nhằm bắt chước họ. Và, sự thật là, ông muốn nhắc đến nữ bá tước Walewska hơn so với gia đình ông, với các bạn. Ông tự buộc mình phải im lặng. Và ông thấy dường như mình nói dối tận hai lần, vừa vì ông che giấu những tình cảm sâu kín nhất, vừa bởi dẫu sao thì ông vẫn nhắc đến, đôi khi, vợ con ông, đối với họ vào giờ phút ấy ông xa xôi hơn hẳn so với nữ bá tước Walewska, vốn dĩ xuất thân từ một đất nước kẻ thù. Ông thoáng có chút tự khinh bỉ bản thân mình.
VI
Ông được tuyển. Ông ra mặt trận. Ông chiến đấu. Đó là một
người lính can đảm. Ông gửi về nhà những tin tức thông thường và tình cảm, từ mặt
trận. Ông được thưởng huân chương, thăng lên thiếu úy. Ông bị thương, được đưa
tới một bệnh viện dã chiến. Ông được về phép. Ông từ chối và lại ra mặt trận.
Ông chiến đấu ở phía Đông. Vào các khoảnh khắc tự do, giữa những trận đánh, những
cuộc thị sát, những cú a la xô, ông bắt đầu học tiếng Nga nhờ các quyển sách
tình cờ tìm được. Gần như kèm với khoái thú. Ở chính giữa mùi hôi nồng của khí
ga, mùi máu, mưa, đầm lầy, bùn, mồ hôi của những người sống, mùi bốc lên từ các
xác chết đang phân rã, Fallmerayer khởi sự tìm kiếm cái mùi xa lạ của da Nga
cùng hương thơm lạ thường của người phụ nữ ấy, xưa kia nàng từng nằm ngủ trên
giường ông, trên gối của ông, dưới cái chăn của ông. Ông học tiếng mẹ đẻ của
người phụ nữ ấy và tưởng tượng mình nói chuyện với nàng bằng ngôn ngữ của nàng.
Ông học nói những từ âu yếm, những từ bí mật, những từ âu yếm quý giá trong tiếng
Nga. Ông nói với nàng. Toàn bộ cuộc chiến tranh thế giới to lớn đó phân cách
ông với nàng, và thế nhưng ông nói với nàng. Ông trò chuyện với các tù nhân chiến
tranh người Nga. Cái tai chăm chú cực điểm của ông tri nhận các sắc thái tinh tế
nhất trong ngôn ngữ của họ, và ông lặp lại chúng đầy khéo léo. Mỗi thanh âm mới
mà ông học được lại giúp ông xích lại gần người phụ nữ xa lạ thêm. Về nàng, ông
chẳng biết gì hơn những gì ông đã thấy trước đó: vài câu cùng một chữ ký viết tháu
trên một tấm bưu thiếp thông thường. Nhưng nàng sống cho ông, nàng đang đợi
ông, sẽ rất sớm sủa ông được nói với nàng. Khi tiểu đoàn của ông được thuyên
chuyển xuống mặt trận phía Nam, Fallmerayer, vì ông nói được tiếng Nga, được
sung cho một trong những đơn vị không lâu sau đó nhập vào cái mà người ta gọi
là đội quân chiếm đóng. Trước tiên ông được đưa về ban tham mưu sư đoàn làm
phiên dịch, rồi làm công việc thám báo và thông tin. Rốt cuộc ông tới vùng phụ
cận thành phố Kiev.
VII
Ông đã ghi nhớ thật kỹ cái tên Solowienki. Còn hơn thế, cái
tên đó đối với ông đã trở nên vô cùng thân thuộc.
Chẳng khó khăn gì ông tìm ra tên sản địa thuộc về gia đình
Walewski. Đó là sản địa Solowki, cách Kiev ba verste về phía Nam. Fallmerayer rơi
vào một cơn bồn chồn êm dịu, đầy áp chế và đau đớn. Ông cảm thấy rất mực biết
ơn số phận đã đẩy sâu ông vào cuộc chiến tranh và run rủi ông tới đây, và cùng
lúc ông e sợ hãi hùng mọi thứ gì mà số phận ấy kể từ nay sẽ áp đặt lên ông. Chiến
tranh, những cuộc a la xô, vết thương của ông, sự cận kề cái chết chỉ là các sự
kiện thật mờ tối, nếu phải so với điều đang chờ đợi ông lúc này. Toàn bộ cái đó
đã chỉ tạo nên một sự chuẩn bị - có lẽ không đầy đủ, ai mà biết được đây? - cho
cuộc gặp của ông với người phụ nữ đó. Ông có thực sự sẵn sàng đối mặt với mọi
khả năng có thật hay chăng? Thêm nữa, nàng có đang ở nhà không? Sự xâm lược của
quân đội kẻ thù đã chẳng buộc nàng phải chạy trốn đến những vùng an toàn hơn ư?
Và nếu nàng đang ở nhà, thì chồng nàng cũng đang ở đó? Dẫu thế nào thì cũng phải
tới đó xem.
Fallmerayer cho thắng một cỗ xe rồi lên đường.
Đến đầu lối đi lơ thơ trống trải, trồng cây dương, dốc rất thoải dẫn về phía nhà của gia đình Walewski, Fallmerayer nhanh nhẹn nhảy xuống khỏi xe. Ông đi bộ, nhằm kéo dài thêm một chút con đường. Một người làm vườn già nua hỏi ông muốn gì. Fallmerayer đáp là ông muốn gặp nữ bá tước. Người kia nói mình sẽ vào thông báo, chậm rãi đi khỏi, và mau chóng quay trở lại. Vâng, bà bá tước có ở nhà và đang đợi người khách.
Lẽ dĩ nhiên, nữ bá tước Walewska không nhận ra Fallmerayer. Nàng nghĩ ông là một trong đông đảo quân nhân mà thời gian vừa qua nàng đã phải đón tiếp. Nàng mời ông ngồi. Giọng trầm, u tối, với những âm sắc xa lạ của nàng làm ông sợ hãi và cùng lúc cũng thấy thật thân thuộc - đó là nỗi sợ không khiến ông sửng sốt, một niềm kinh hãi mà ông biết quá rõ, được đón nhận bằng tình yêu, được mong chờ đầy sốt ruột từ không biết bao nhiêu năm rồi.
- Tôi tên là Fallmerayer, viên sĩ quan nói.
Dĩ nhiên nàng đã quên cái tên đó.
- Bà còn nhớ không, ông lại nói, tôi là sếp ga ở L.
Nàng bước về phía ông, cầm lấy tay ông, và ông lại ngửi thấy
hương thơm của nàng, cái hương thơm đã đeo đuổi ông suốt biết bao năm, từng vây
bủa lấy ông, bảo vệ ông, khiến ông bị thương tổn và an ủi ông. Nàng để hai tay
mình trong tay ông một lúc.
- Ồ, kể cho tôi đi, kể cho tôi đi! nữ bá tước kêu lên.
Ông kể ngắn gọn, những gì đã xảy đến với ông.
- Thế còn vợ ông, các con ông? nữ bá tước hỏi.
- Tôi chưa gặp lại, Fallmerayer đáp, tôi còn chưa về thăm
nhà.
Một quãng im lặng ngắn. Họ nhìn nhau. Trong căn phòng lớn trần
thấp, tường trắng, gần như không treo gì, mặt trời của buổi sáng sớm lan tràn một
thứ ánh sáng điểm vàng và thanh tao. Lũ ruồi bay vo ve ở các cửa sổ.
Fallmerayer im lặng nhìn khuôn mặt trắng lớn của nữ bá tước. Có lẽ nàng đã hiểu
ông. Nàng đứng dậy để kéo ri đô một trong ba cửa sổ, cửa sổ ở giữa.
- Sáng quá phải không? nàng hỏi.
- Tôi thích bớt sáng đi, Fallmerayer đáp.
Nàng quay trở lại chỗ cái bàn nhỏ, rung một cái chuông con,
ông hầu già bước vào; nàng bảo mang trà. Sự im lặng giữa họ không tan biến; ngược
lại, nó càng trở nên nặng nề thêm, cho tới lúc trà được mang vào. Fallmerayer
hút thuốc. Trong khi nàng rót trà cho ông, ông đột ngột hỏi:
- Thế chồng bà đâu?
Nàng đợi cho đến lúc rót xong trà vào tách, như thể trước hết
nàng phải chuẩn bị câu trả lời, hết sức thận trọng.
- Ngoài mặt trận, tất nhiên rồi! hồi lâu nàng nói. Tôi không
có tin tức gì của anh ấy từ ba tháng nay. Kể từ nay chúng tôi không thể thư từ
được nữa.
- Bà lo lắng lắm? Fallmerayer hỏi.
- Dĩ nhiên rồi, nữ bá tước đáp, cũng ngang như vợ ông lo cho
ông thôi, chắc vậy.
- Xin thứ lỗi, bà nói đúng, câu hỏi của tôi ngu quá,
Fallmerayer nói.
Ông hạ ánh mắt xuống tách trà của mình.
Nữ bá tước còn kể là nàng đã không chịu rời khỏi nhà. Những
người khác thì chạy trốn. Về phần mình, nàng sẽ không trốn cả trước các nông
dân của mình lẫn thậm chí trước kẻ thù. Nàng sống ở đây cùng bốn gia nhân, hai
con ngựa và một con chó. Nàng đã chôn tiền cùng đồ trang sức. Nữ bá tước ngừng
lời để tìm từ, nàng không biết từ “chôn” trong tiếng Đức, và chỉ tay xuống đất.
Fallmerayer bèn nói từ tiếng Nga.
- Ông nói được tiếng Nga? nàng hỏi.
- Vâng, ông đáp, tôi đã học tiếng Nga ở mặt trận.
Rồi ông nói thêm bằng tiếng Nga:
- Đấy là vì bà đấy, để cho bà, để rồi một ngày tôi có thể
nói với bà là tôi đã học tiếng Nga.
Nàng đảm bảo với ông rằng ông nói tiếng Nga rất giỏi, như thể
ông đã nói ra những lời nặng ý nghĩa ấy chỉ với mục đích nhằm cho thấy khả năng
ngôn ngữ của mình. Theo cách này, nàng biến lời thú nhận của ông thành một bài
tập phong cách không kèm hệ quả. Nhưng cũng chính câu trả lời đó chứng tỏ cho
Fallmerayer thấy nữ bá tước đã hiểu rõ ông.
“Mình đi thôi”, ông nghĩ, và đứng dậy ngay. Và Fallmerayer -
vốn dĩ biết rất rõ rằng nữ bá tước sẽ chẳng hề hiểu sai cái hành động thiếu lịch
thiệp ấy - tuyên bố, chẳng hề đợi lời mời từ nàng:
- Tôi sẽ sớm quay lại.
Nàng không đáp. Ông hôn tay nàng rồi đi.
VIII
Ông đi khỏi - và chẳng còn ngờ nữa, rằng số phận của ông
đang được hoàn tất. “Quy luật là thế, ông tự nhủ. Không thể nào có chuyện một
người bị thu hút không sao cưỡng nổi về phía một người khác đến mức như vậy, mà
người kia lại có thể hờ hững được. Nàng cũng cảm thấy giống như mình cảm thấy.
Nếu còn chưa yêu mình, thì nàng sẽ sớm yêu mình.”
Fallmerayer thực thi các chức phận với sự nghiêm túc lệ thường
của công chức và sĩ quan. Ông quyết định bắt đầu bằng việc xin nghỉ phép hai tuần,
lần đầu tiên kể từ khi được động viên. Ông muốn, trước khi làm việc đó, đợi cho
mình được thăng lên trung úy, sẽ rất sớm thôi.
Hai hôm sau, ông quay lại Solowki. Người ta nói nữ bá tước
Walewska không có nhà, bà sẽ không về trước buổi trưa.
- Thế thì, ông nói, tôi sẽ chờ trong vườn cho đến lúc ấy.
Và vì người ta không dám đuổi ông đi, họ để ông lại trong vườn,
đằng sau ngôi nhà.
Ông ngẩng đầu nhìn lên hai dãy cửa sổ. Ông đoán nữ bá tước
đang ở đó, chỉ làm như mình đi vắng. Và quả thật ông nghĩ mình thoáng thấy, lúc
thì sau một cửa sổ, khi sau một cửa sổ khác, bóng dáng một chiếc váy sáng màu.
Ông kiên nhẫn, nhất quyết đợi.
Khi gác chuông của làng bên điểm chuông giữa trưa, ông quay
vào nhà. Bà Walewska có ở đó. Đúng lúc nàng đang từ trên cầu thang bước xuống,
vận một cái váy đen chật và thật cao, một chuỗi vòng mảnh xâu những viên ngọc
trai nhỏ đeo ở cổ, và một vòng tay bạc trên tay áo trái. Fallmerayer có cảm
giác chính là để đương đầu với ông mà nàng trang bị cẩn mật đến thế - và cứ như
thể ngọn lửa không ngừng thiêu đốt vì nàng trong tim ông đã khiến nảy sinh một
đốm lửa nhỏ khác. Tình yêu thắp lên những ngọn đèn mới. Fallmerayer mỉm cười.
- Tôi đã phải đợi rất lâu, ông nói, nhưng hết sức sung sướng,
như bà cũng biết đấy. Từ ngoài vườn, tôi đã nhìn các cửa sổ và tưởng tượng mình
được hưởng hạnh phúc thoáng trông thấy bà. Chính bằng cách ấy mà tôi đã qua được
thời gian.
Nữ bá tước hỏi ông muốn dùng bữa trưa không, vì đã tới giờ.
Chắc chắn rồi, ông đáp, ông thấy đói. Nhưng ông chỉ ăn mấy miếng nhỏ đến lố bịch
từ ba món được dọn.
Nữ bá tước nhắc về những ngày chiến tranh bùng nổ. Kể họ đã
vội vã rời Cairo về nước như thế nào. Nói đến trung đoàn vệ binh nơi chồng nàng
phục vụ, cùng các đồng đội của ông. Về tuổi trẻ của nàng. Về bố nàng và mẹ
nàng. Rồi về tuổi thơ nàng. Cứ như thể nàng đang tìm cách say sưa kể các câu
chuyện và như thể sẵn sàng bịa ra chúng nếu cần - tất tật những cái đó chỉ với
mục đích duy nhất là không để cho Fallmerayer cất lời. Dẫu thế nào thì ông cũng
rất im lìm. Ông mân mê hàng ria và tỏ vẻ chú tâm vào những lời lẽ của nữ bá tước.
Nhưng ông còn chú tâm hơn vào hương thơm tỏa ra từ nàng. Các lỗ chân lông của
Fallmerayer sống dậy. Những lời của nữ bá tước, ngôn ngữ của nàng cũng tỏa ra một
hương thơm. Ông đoán định mọi điều gì mà nàng có thể nói. Chẳng gì ở nàng có thể
bị che giấu trước ông. Nàng có thể giấu ông gì đây? Vẻ nghiêm khắc của cái váy
chẳng hề bảo vệ được cơ thể nàng trước ánh mắt đầy thông hiểu của Fallmerayer.
Ông cảm thấy hai bàn tay ông thèm muốn nàng, ông cảm thấy nỗi hoài nhớ của hai
bàn tay ông về phía nàng. Khi họ đứng dậy, ông nói là mình có ý định nán lại
thêm, rằng ông được nghỉ ngày hôm đó và vài hôm nữa ông sẽ xin nghỉ phép dài
hơn nhiều, chừng nào được phong trung úy. Nữ bá tước hỏi ông muốn đi đâu.
- Chẳng đi đâu hết! Fallmerayer đáp. Tôi muốn được ở bên cạnh
bà!
Nàng mời ông cứ ở lại lâu chừng nào cũng được, hôm ấy cũng
như trong tương lai. Còn lúc này nàng phải để ông lại một mình, vì nàng có việc
phải làm ở trong nhà. Nếu ông muốn đến đây ở thì trong nhà có nhiều phòng lắm,
họ sẽ hoàn toàn không thấy bị phiền nhiễu.
Ông từ biệt nàng. Ông nói mình thích quay về thành phố hơn,
vì nàng không thể nán lại với ông.
Khi ông lên xe, nàng đứng đó trên ngưỡng cửa, trong cái váy
đen nghiêm khắc, cùng khuôn mặt lớn nhạt màu, và trong lúc ông cầm lấy roi ngựa,
nàng dịu dàng giơ tay lên ra dấu chào, một lời chào như thể nàng phải cố công
kìm giữ.
IX
Chừng một tuần sau lần ấy, trung úy mới được phong Adam
Fallmerayer được nghỉ phép. Ông nói với đồng đội là ông muốn về nhà. Tuy nhiên
ông tới nhà của gia đình Walewski, vào ở trong một căn phòng dưới tầng trệt mà
người ta đã chuẩn bị sẵn cho ông. Hằng ngày ông ăn cùng bà chủ nhà, nói chuyện
nhát gừng với nàng về những điều hờ hững và xa xăm, nói về cuộc sống nơi mặt trận
và không bao giờ để tâm đến nội dung những gì mình nói, bảo nàng kể chuyện nhưng
không lắng tai nghe. Đêm đến, ông không ngủ, ông cũng ngủ ít giống hệt vài năm
về trước, ở nhà ông, trong căn hộ nhà ga, vào sáu cái đêm nữ bá tước nằm ngủ
phía trên đầu ông, trong phòng ngủ của ông. Ông lại đoán định sự hiện diện của
nàng trong các đêm, phía trên ông, phía trên đầu và trái tim ông.
Một đêm nọ - không khí nặng trĩu, trời đổ một trận mưa êm và
tốt lành - Fallmerayer dậy, đi ra ngoài hàng hiên. Trong sảnh lớn, một ngọn đèn
dầu tỏa ra làn ánh sáng vàng. Sự im lặng ngự trị trong ngôi nhà, trong đêm, mưa
rơi âm thầm, như trên cát mịn, và tiếng hát đơn điệu của nó chỉ là tiếng hát của
nỗi im lặng đêm khuya. Đột nhiên, có tiếng cọt kẹt cầu thang. Fallmerayer nghe
thấy, cho dù ông đang ở trước cửa nhà. Ông ngoái đầu lại. Ông vẫn để mở cánh cửa
nặng nề. Và ông nhìn thấy nữ bá tước Walewska đang bước xuống các bậc thang.
Nàng ăn vận chỉnh tề, giống trong ngày. Ông cúi thấp người, không nói gì. Nàng
tiến lại gần ông. Họ cứ đứng yên như thế vài giây, không nói năng. Fallmerayer
nghe thấy tiếng đập của tim ông. Ông có cảm giác tiếng đập trái tim người phụ nữ
ấy cũng vang vọng như ở ông, và trái tim họ đang đập cùng nhịp. Không khí đột
nhiên như thể trĩu hẳn xuống, không có lấy chút gió nào thổi qua cánh cửa mở.
Fallmerayer nói:
- Ta ra ngoài đi bộ dưới trời mưa nhé, để tôi đi lấy áo măng
tô cho bà.
Và không đợi nữ bá tước đồng ý, Fallmerayer lao vội vào
phòng, quay trở lại cùng chiếc áo choàng của ông, phủ lên vai nàng, giống như
trước kia, cách đó đã lâu, cái buổi tối không sao quên nổi của thảm họa, ông từng
phủ lên vai nàng một tấm khăn lông, và choàng tay quanh cái áo. Cứ như thế họ
đi vào đêm và dưới màn mưa.
X
Đến một ngày, có lệnh thuyên chuyển trung úy Fallmerayer đến
Shmerinka, nhưng ông đã, nhờ những nỗ lực rất lớn, xin được ở lại. Ông nhất quyết
ở lại. Sáng nào, tối nào ông cũng chúc phúc cho cuộc chiến tranh và kỳ chiếm
đóng. Ông chẳng e sợ điều gì hơn so với chuyện hòa bình bỗng xuất hiện. Đối với
ông, bá tước Walewski đã chết từ lâu, ngã xuống trong chiến trận hoặc bị đám
lính cộng sản nổi loạn giết. Cuộc chiến tranh này cần phải kéo dài vĩnh viễn,
phải kéo dài vĩnh viễn công việc của Fallmerayer tại nơi này, trong vị trí này.
Cầu cho hòa bình đừng bao giờ ngự trị nữa trên trái đất.
Ấy là vì Fallmerayer đã trở nên ngạo nghễ - điều này hay xảy
đến với những người mà sự vô chừng mực trong dục vọng nơi họ tước đi toàn bộ cẩn
trọng; các giác quan của họ đánh mất đi mọi sắc bén, lý trí của họ thì đi lạc.
Ông thấy như thể chỉ có mình ông trên mặt đất, một mình cùng đối tượng tình yêu
của ông. Nhưng tất nhiên, chẳng hề đoái hoài tới ông, số phận vĩ đại và rối bời
của thế giới cứ tiếp diễn. Cuộc cách mạng ập đến. Trung úy đồng thời là người
tình Fallmerayer đã không hề trông đợi nó.
Thế nhưng - như chuyện vẫn hay xảy ra vào những hoàn cảnh hiểm
nghèo hơn cả - bạo lực của các khoảnh khắc ấy, bị số phận đánh dấu, đã đánh thức
lý trí đang thiếp ngủ của Fallmerayer, và trong một sự nhân đôi của cảnh giác
ông mau chóng hiểu ra vấn đề nằm ở chỗ phải cứu lấy mạng sống người phụ nữ mà
ông yêu, người phụ nữ của ông, và nhất là tồn tại chung của họ. Ở chính giữa
toàn bộ cơn hỗn loạn gây ra bởi sự ập tới đột nhiên của những sự kiện đó,
Fallmerayer đã giữ được, nhờ quân hàm cùng các chức trách đặc thù mà ông đang
thực thi, một số nguồn lực và phương tiện hành động đủ cho quãng thời gian ban
đầu; ông gắng sức dùng đến chúng, không chút chậm trễ. Ngay những ngày đầu
tiên, khi người ta thấy quân đội Áo sụp đổ, quân đội Đức rút khỏi Ukraine, những
người cộng sản Nga thì cứ tiến lên còn nông dân nổi dậy từ lâu nay tấn công, cướp
bóc và đốt phá các sản địa của những người cho đến khi ấy từng là chủ họ,
Fallmerayer tìm được cách kiếm cho nữ bá tước Walewska hai chiếc xe được bảo vệ
chu đáo, chừng nửa chục người tận tâm, cùng vũ khí đạn dược, cũng như lương thực
đủ cho khoảng một tuần.
Một tối nọ - nữ bá tước vẫn từ chối rời khỏi đất đai của
nàng - Fallmerayer xuất hiện cùng mấy chiếc xe và đám lính, buộc người yêu của
ông, với những lời lẽ dứt khoát và gần như dùng đến sức mạnh, đi lấy đồ trang sức
mà nàng đã chôn trong vườn rồi chuẩn bị lên đường. Việc ấy tốn mất cả một đêm.
Trong làn ánh sáng đầu tiên của cái buổi sáng buồn bã và ẩm ướt cuối thu, họ đã
sẵn sàng và cuộc trốn chạy có thể bắt đầu. Chiếc xe lớn hơn, phủ một tấm vải bạt,
chở những người lính. Tài xế quân sự lái chiếc ô tô chạy phía sau, trên đó
Fallmerayer và nữ bá tước ngồi. Họ đã quyết định không chạy về phía Tây, giống
mọi người đều đang làm khi ấy, mà về phía Nam. Có cơ sở để đoán rằng mọi con đường
của đất nước dẫn sang hướng Tây sẽ đông ngập các đội quân đang trên đường rút.
Và ai mà biết phải chờ đợi những gì tại biên giới giữa các quốc gia vừa sinh ra
ở phía Tây đất nước? Xét cho cùng, có thể nhiều cuộc chiến tranh mới đã nổ ra
nơi biên giới phía Tây của đế chế Nga - và như về sau sẽ biết, đó quả là thực tế.
Ngoài ra, nữ bá tước Walewska có, ở vùng Caucase và Crimée, những người bà con
xa giàu có và hùng mạnh. Dẫu thế nào thì người ta vẫn còn có quyền, mặc những đảo
lộn kia, trông đợi một sự trợ giúp từ họ, nếu cần. Và, điều quan trọng hơn cả,
sự sáng suốt trong trực giác của cặp tình nhân đã làm cho họ hiểu rằng trong
hoàn cảnh nơi một sự hỗn độn đích thực ngự trị trên toàn mặt đất, biển vĩnh hằng
chính là chân trời tự do duy nhất. Họ những muốn tới được biển, càng nhanh càng
tốt. Họ hứa với những người sẽ đi theo họ cho đến Caucase một lượng vàng ròng
đáng kể. Và dẫu có một cảm giác chộn rộn hết sức tự nhiên, họ khởi hành đầy nhẹ
nhõm.
Vì Fallmerayer đã chuẩn bị mọi thứ rất kỹ lưỡng, cũng như
đoán định các khả năng dễ xảy tới cũng như khó xảy tới nhất, họ đến được Tiflis
trong vòng rất ít thời gian - tổng cộng chỉ bốn ngày. Tại đó, họ chia tay những
người hộ tống, trả cho những người đó khoản tiền thỏa thuận và chỉ giữ lại người
tài xế cho tới Bakou. Rất đông quý tộc và nhà tư sản lớn người Nga cũng đã chạy
trốn về phía Nam và Crimée. Họ tránh, trái ngược với những gì họ từng dự liệu,
gặp những người bà con của nữ bá tước, tránh bị các mối quen biết của gia đình
Walewski bắt gặp. Fallmerayer đặc biệt cố tìm tàu thủy có thể đưa họ, ông cùng
người yêu của ông, đi từ Bakou đến cảng gần nhất của một đất nước ít bị đe dọa
hơn. Tuy nhiên họ chẳng thể nào, trong khi tìm kiếm như vậy, không gặp các gia
đình mà gia đình Walewski có quen ít nhiều và, cả bọn họ nữa, cũng đang loay
hoay tìm một con tàu chở họ đến nơi an toàn; cũng không thể tránh khỏi ở mức
tương đương, nữ bá tước chẳng thể làm gì khác ngoài đưa các thông tin dối trá về
Fallmerayer và bản chất mối quan hệ giữa họ. Rốt cuộc họ nhận ra rằng chỉ có thể
tổ chức một cuộc trốn chạy như thế nếu hợp tác với những người di cư khác. Vậy
nên họ nhất trí cùng tám người nữa cũng muốn rời nước Nga bằng đường biển, cuối
cùng tìm ra một thuyền trưởng có thể tin tưởng, ông ta chỉ huy một con tàu hơi
nước vẻ ngoài rệu rã. Trước tiên họ đi Constantinope: ở đó, các con đường trên
biển quen thuộc vẫn còn được đảm bảo, về phía Pháp và Ý.
Ba tuần sau, Fallmerayer cùng người yêu của ông tới được
Monte-Carlo, nơi gia đình Walewski đã mua một villa nhỏ hồi trước chiến tranh.
Thế là Fallmerayer tưởng đâu đã đến được cực điểm hạnh phúc của mình, cũng như
tồn tại của mình. Ông được yêu bởi người phụ nữ đẹp nhất trên đời. Kể từ nay
nàng thường trực ở bên ông, cũng như trong vòng nhiều năm bức chân dung nàng từng
sống động bên trong ông. Giờ đây ông sống trong nàng. Những khi lại gần nàng,
ông nhìn thấy trong mắt nàng hình ảnh chính ông - và họ gần như không rời khỏi
nhau quá mỗi tiếng đồng hồ mỗi ngày. Người phụ nữ ấy, mới chỉ không lâu trước
đó thôi hẳn còn kiêu ngạo quá mức không chịu tuân theo những ham muốn của trái
tim hay các giác quan, giờ đây đã được giao phó vô điều kiện cho dục vọng của
Fallmerayer, cho dục vọng của một ông trưởng ga thuộc hãng đường sắt phía Nam
nước Áo, nàng là con của ông, người yêu của ông, thế giới của ông. Cũng như
Fallmerayer, nữ bá tước chẳng còn muốn gì nữa. Tình yêu mạnh mẽ đã không ngừng
tăng thêm trong trái tim Fallmerayer từ cái đêm định mệnh ấy, khi xảy ra tai nạn
ở nhà ga L. cuốn người phụ nữ vào đường vạch của ông, mang nàng đi thật xa,
cách nguồn gốc của nàng, phong hóa của nàng, thực tại trong đó nàng từng sống
hàng trăm dặm. Nàng đã bị kéo về phía một thế giới của các tình cảm và suy nghĩ
vốn dĩ hoàn toàn xa lạ với nàng. Và cái thế giới đó đã trở nên tổ quốc của
nàng. Mọi thứ gì diễn ra trong thế giới lớn hỗn loạn ngần ấy không khiến họ bận
tâm. Những của cải mà họ mang theo được đảm bảo cho họ một cuộc sống an nhàn
nhiều năm. Vả lại, họ chẳng hề lo lắng gì đến tương lai. Những lúc họ tới sòng
bạc, thì chỉ thuần túy do thách thức. Họ có thể tự cho phép mình thua - và quả
thật họ thua, như để chứng minh là đúng cái câu ngạn ngữ nói rằng đen bạc thì sẽ
đỏ tình. Cứ như thể sự mê tín ấy mang lại cho họ một xác nhận thêm nữa về tình
yêu của họ, cả hai cùng tận hưởng việc bị thua. Và đúng như tất cả những con
người hạnh phúc, họ sẵn sàng đặt hạnh phúc của mình làm món cược, nhằm làm cho
nó còn có thể tăng thêm nữa, nếu cưỡng được thử thách đó.
XI
Nhưng nếu nữ bá tước Walewska có được Fallmerayer hoàn toàn
cho một mình nàng, thì nàng lại không có khả năng - cũng giống phần lớn phụ nữ
- yêu trong vòng một thời gian mà không sợ mất đi người đàn ông mà nàng yêu (bởi
thường thì chính nỗi sợ mất đi người yêu này làm tăng thêm dục vọng của phụ nữ
và tình yêu của họ). Chính vì thế mà một ngày nọ nàng bắt đầu đòi Fallmerayer -
chẳng vì lý do rõ ràng nào - phải ly dị và từ bỏ mấy đứa con cũng như công việc
sếp ga. Adam Fallmerayer ngay tức khắc viết thư cho người anh họ Heinrich, ông
giữ một chức vụ khá quan trọng tại Bộ Giáo dục của Áo, trong thư ông nói mình
đã nhất quyết chấm dứt cuộc đời trước đó. Nhưng vì không muốn đến Viên, ông nhờ
anh họ xem có thể giao việc lo vụ ly dị cho một luật sư khéo léo hay không.
Một sự tình cờ may mắn - ông anh họ Heinrich đáp thư vài hôm
sau đó - đã muốn rằng Fallmerayer xuất hiện từ hơn hai năm nay trong danh sách
những người mất tích. Vả lại, vì ông đã chẳng bao giờ báo tin gì, vợ ông và vài
người hiếm hoi có họ hàng với ông xếp ông vào số những người chết. Từ lâu nay,
một trưởng ga mới điều hành nhà ga ở L. Từ lâu nay bà Fallmerayer đã cùng hai đứa
trẻ sinh đôi đến sống tại Brünn, nhà bố mẹ bà. Tốt hơn hết là cứ tiếp tục im lặng
- trừ phi Fallmerayer gặp phải các khó khăn với những cơ quan đại diện ngoại
giao của Áo về những gì liên quan tới hộ chiếu và các thứ giấy tờ khác cùng loại.
Fallmerayer cảm ơn anh họ, hứa trong tương lai sẽ chỉ viết
thư cho ông, đề nghị ông giữ bí mật và cho người yêu của ông xem bức thư. Nàng
yên tâm. Nàng không còn lo sẽ mất Fallmerayer nữa. Nhưng bị dính nỗi sợ bí hiểm
mà tự nhiên đã gieo vào tâm hồn những phụ nữ nào cảm thấy được một tình yêu có
cường lực như vậy (có lẽ, ai mà biết, nhằm đảm bảo sự trường tồn của thế giới),
nữ bá tước Walewska đòi người yêu phải cho nàng một đứa con - và ngay cái giây
phút ham muốn đó xuất hiện trong nàng, nàng liền bắt đầu nghĩ đến những phẩm chất
xuất chúng mà đứa trẻ ấy hẳn sẽ có, theo cách nào đó tự giao phó theo lối vô điều
kiện cho ông, bằng toàn bộ con người mình. Người phụ nữ ấy kể từ nay trở nên
thiếu suy nghĩ, vô lo nghĩ, vui tươi, dẫu thế nào cũng thấy nơi người đàn ông
mà nàng yêu, người, nhờ tình yêu vô chừng mực của mình rốt cuộc cũng đã khơi dậy
được sự vô lo nghĩ đẹp đẽ và tự nhiên của nàng, một hình mẫu của sự vượt trội hợp
lẽ và của chừng mực. Và đối với nàng chẳng gì có thể quan trọng hơn so với sinh
hạ một đứa trẻ hẳn sẽ kết hợp các phẩm chất riêng của nàng với những phẩm chất
không thể vượt qua của người đàn ông mà nàng yêu.
Nàng nhận ra là mình đã có thai. Fallmerayer, đầy ngập lòng
biết ơn về phía số phận cũng như về phía người phụ nữ đã giúp cho số phận ấy được
tựu thành, không thể kìm giữ niềm vui. Tình dịu dàng của ông không còn biết đến
giới hạn nào nữa. Ông nhìn thấy nơi đứa trẻ sắp ra đời đó một lời xác nhận
không thể chối cãi cho nhân cách của chính ông cùng tình yêu của ông. Mãi đến
lúc này Fallmerayer mới có thể sắp tự hiện thực hóa hoàn toàn. Cuộc đời thậm chí
hẵng còn chưa bắt đầu. Đứa trẻ được chờ đợi sẽ ra đời trong vòng sáu tháng nữa.
Hẳn cuộc đời sẽ chỉ bắt đầu trong sáu tháng nữa.
Trong lúc đó, Fallmerayer đã bốn mươi lăm tuổi.
XII
Chính vào lúc ấy, một ngày nọ, xuất hiện tại villa của gia
đình Walewski một người lạ, một người vùng Caucase mang tên Kirdza-Schwili, anh
ta thông báo với nữ bá tước rằng bá tước Walewski, nhờ một số phận may mắn - và
có vẻ cũng nhờ sự bảo trợ của một bức tranh thánh Procope được ban phúc, vốn dĩ
nằm tại tu viện Pokroschni - đã thoát được sự tàn nhẫn của chiến tranh cũng như
đám Bônsêvic, và ông đang trên đường đến Monte-Carlo. Hẳn ông sẽ tới nơi trong
vòng hai tuần nữa. Chính anh ta, người đưa tin, cựu ataman Kirdza-Schwili, thì
đang trên đường từ Belgrade, đi lo việc cho cánh phản cách mạng ủng hộ Sa
hoàng. Giờ đây anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh ta muốn trở về.
Với người lạ mặt, nữ bá tước giới thiệu Fallmerayer là người
quản lý trung thành của mình. Fallmerayer không thốt ra lời nào khi người
Caucase có ở đó. Ông đi cùng người khách một đoạn đường để tiễn. Khi quay trở lại,
lần đầu tiên trong đời ông cảm thấy một nỗi đau đớn mạnh mẽ và đột ngột xuyên
suốt qua ngực.
Người yêu của ông đang ngồi bên cửa sổ, đọc sách.
- Em không thể tiếp ông ta được! Fallmerayer nói, chúng ta
chạy trốn thôi!
- Em sẽ nói với anh ấy toàn bộ sự thật, nàng đáp. Ta hãy đợi!
- Em đang mang trong mình đứa con của anh! Fallmerayer nói, thật
là một tình huống không thể nào.
- Cứ ở lại đây cho tới chừng nào anh ấy đến! Em biết anh ấy.
Anh ấy sẽ hiểu mọi chuyện, người phụ nữ nói.
Và kể từ khoảnh khắc đó, họ không còn nhắc tới bá tước
Walewski nữa. Họ đợi.
Họ đợi cho đến ngày nhận được một bức điện của bá tước. Ông
tới nơi vào một buổi tối. Họ cùng nhau ra ga đón ông.
Hai nhân viên đường sắt đưa ông từ trên toa tàu xuống, và một
người khuân vác mang một cái ghế lăn. Người ta đặt ông bá tước lên ghế. Ông
chìa khuôn mặt thuôn dài, vàng ệch, xương xẩu về phía vợ, nàng nghiêng người xuống
và hôn ông. Bằng hai bàn tay dài gầy guộc, xanh bợt vì trời lạnh, nhiều lần ông
cố kéo hai cái chăn màu hạt dẻ phủ lên chân mà không nổi. Fallmerayer bèn giúp
ông.
Fallmerayer nhìn khuôn mặt bá tước, một khuôn mặt vàng, dài
ngoẵng, xương xẩu lồi hẳn lên, với một cái mũi nhọn hoắt, cặp mắt nhạt, một cái
miệng mỏng bên trên có hàng ria đen rủ xuống. Họ đẩy ông bá tước đi dọc ke tàu,
như thể đó là một món trong đống rất nhiều hành lý. Vợ ông đi đằng sau cái xe
lăn, còn Fallmerayer đi phía trước.
Phải bế ông bá tước cho lên xe ô tô - Fallmerayer và người
tài xế làm việc ấy. Họ buộc chiếc xe lăn lên nóc.
Phải bế ông bá tước vào trong villa. Fallmerayer giữ đầu và
hai vai ông, còn người gia nhân khiêng phía chân.
- Tôi đói, bá tước Walewski nói.
Khi họ dọn bàn, thì hóa ra Walewski không có khả năng tự ăn
một mình. Vợ ông phải đút cho ông. Và khi đã hết cái bữa ăn im lìm đến mức tàn
nhẫn, sắp đến giờ đi ngủ, ông bá tước nói:
- Tôi buồn ngủ. Đặt tôi lên giường.
Nữ bá tước Walewska, người gia nhân và Fallmerayer bèn đưa
bá tước lên phòng ông trên tầng, tại đó họ đã chuẩn bị sẵn một cái giường.
- Chúc ngủ ngon! Fallmerayer nói.
Ông còn nhìn thấy người yêu ông chỉnh gối cho chồng nàng rồi
ngồi xuống bên giường.
XIII
Berlin
Bách Nhật
Hôtel Savoy
Roth
thế giới vắng các nhà ga như cây tre vắng mấu.
ReplyDeleteĐã xử lý xong số 1 và số 4, nhường 3 số còn lại cho người tiếp theo. Ngan.
ReplyDeletevậy là đã thu hoạch được hai trên năm
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete❤️
ReplyDelete"Một ngày tháng Ba năm 1914, Adam Fallmerayer ngồi, như thường lệ, trong văn phòng của mình. Máy điện báo không ngừng kêu lách cách. Và trời mưa ở bên ngoài." - đã rất lâu ko thấy hay gặp trong văn chương ở đây viết được ba câu đơn giản mà sống động đầy dư ba như thế này.
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete(câu chuyện bắt đầu đổi nhịp - giống một đoàn tàu)
❤️ (có người nói “dẫu sao thì người ta lúc nào cũng có cái gì đó để đọc” nhưng có những tác giả với tác phẩm mà khi được đọc em lại nghĩ “cái gì đó” vĩnh viễn người đọc chẳng bao giờ có để đọc nếu thế giới văn chương thiếu mất họ)
ReplyDelete"Vô hình dưới vòm trời sáng chói, cao và xanh, lũ én hót." và mỗi giây lát đều chở đầy vĩnh cửu như những toa tàu đầy khách của tàu tốc hành "Ông trưởng ga".
ReplyDelete"Các lỗ chân lông của Fallmerayer sống dậy. ... , trong đêm, mưa rơi âm thầm, như trên cát mịn, và tiếng hát đơn điệu của nó chỉ là tiếng hát của nỗi im lặng đêm khuya." OMG! có nghe thấy tiếng ai bẻ bút ko nhỉ:P
ReplyDeletenhớ để ý tên của Fallmerayer là "Adam", và họ của nữa bá tước còn đặc biệt hơn
ReplyDeletekhông (còn nữa) sao
ReplyDeleteBaring
ReplyDeleteYeah, why not?
ReplyDeletetuyệt diệu! bất cứ lúc nào khi có một "trái tim" "tan nát" là "thế giới" lại hồi sinh. moment này chắc sẽ chuyển tiếp sang chỗ "phi thực tại tức thì" nên chương cuối chỉ có đúng một câu :P
ReplyDeletekỷ niệm 15 năm ngày cưới, hôm nay hạnh phúc như một ngậm ngùi, cheers to me ;v
ReplyDeleteWalew (should not) ski ‘cause fall me rayer
ReplyDelete