Jul 2, 2019

Bách Nhật

tiếp tục câu chuyện Joseph Roth (kết thúc luôn bài gần đây nhất về văn chương Roth, Hôtel Savoy - Bách Nhật là tên một cuốn tiểu thuyết khác của Roth; cũng tiếp tục một loạt nữa: tiếp bài "Witold Gombrowicz" cũng như bản dịch Ferdydurke - nó đã bắt đầu, nếu như có thể nói vậy, chảy thực sự được rồi)

Joseph Roth là một trong những phát hiện lại lớn nhất của văn chương thế giới của chừng ba mươi năm trở lại đây. Tìm hiểu về Roth không thực sự dễ dàng - một phần vì chính Roth liên tục tung hỏa mù (đến mức suốt một thời gian dài người ta, do một thông tin do chính Roth cung cấp, cứ tưởng Roth sinh ở một địa điểm hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cuộc đời Roth).




Trên đây là một phần (rất nhỏ) Joseph Roth. Hai quyển trong bức ảnh đầu tiên là các bài báo. Trong tiếng Pháp còn có thể đọc mấy tập lớn hơn, như Joseph Roth journaliste, một tuyển tập bài báo từ 1919 đến 1926 hay Croquis de voyage, cùng một số tập nhỏ hơn, có thể đi vào chủ đề nhất định nào đó. Bộ toàn tập Joseph Roth bằng tiếng Đức có một nửa (gồm khoảng 3.000 trang) là các bài báo, nửa còn lại mới là tiểu thuyết và truyện ngắn.


Joseph Roth gặp Robert Musil. Câu chuyện cuộc gặp Roth-Musil được Soma Morgenstern kể trong cuốn sách của Morgenstern về Roth. Ở quán cà phê, Roth và người bạn thân Morgenstern ngồi với nhau; tại một bàn khác, Musil ngồi với Hermann Broch. Sau đó, Musil hỏi Morgenstern về Roth và Morgenstern hẹn cho họ gặp nhau. Người không phẩm chất của MusilHành khúc Radetzky của Roth xuất hiện cùng thời điểm: đó là chứng nhận về đế chế của hai nhà văn lớn có sự gắn bó đặc biệt với thành phố Wien.


(cuốn sách của Morgenstern mang nhan đề sử dụng lại hai từ đã xuất hiện trong tên cuốn sách ở bức ảnh thứ ba trên đây: Die Flucht ohne Ende; đó là một lời chứng hết sức quan trọng về cuộc đời Joseph Roth; bản thân Soma Morgenstern cũng là một nhà văn bị lãng quên, mãi gần đây mới được phát hiện trở lại; literature xung quanh Joseph Roth, tôi đã có hai cuốn sách lớn, cuốn sách của Soma Morgenstern và Lontano da dove của Claudio Magris; nhưng tôi còn thiếu cuốn tiểu sử Joseph Roth của David Bronsen: một cơ hội tuyệt vời - và rất hiếm hoi - để tặng sách cho tôi đã xuất hiện)


[thông báo: từ hôm qua đến giờ, đã có người hứa tặng cho tôi cuốn sách tiểu sử Joseph Roth của David Bronsen, cho nên không cần ai phải nghĩ đến hay làm gì nữa - nếu như mà có; chừng nào đã nhận được sách, tôi sẽ còn quay trở lại]


Musil có một nhận xét rất đặc biệt (mà Soma Morgenstern cẩn thận ghi lại): theo Musil, trong cuốn tiểu thuyết Job, Roth có một chi tiết cho thấy mình là nhà thơ lớn (chi tiết liên quan đến cánh đồng, ông bố nhìn thấy cô con gái trốn nhà theo người tình rồi từ cánh đồng đi ra - khi viết bài trước đây, tôi nói trong Job có nhân vật, con gái của Job, khiến người ta nghĩ ngay đến người vợ bất hạnh của Roth, Friedl, đọc Morgenstern mới biết, người bạn thân của Roth, cũng như bất kỳ ai quen biết cá nhân với Roth, khẳng định Friedl xuất hiện đầy đủ ở nhân vật đó, nhất là trong sự miêu tả người phụ nữ "giống con linh dương").

Nhưng Musil, Morgenstern và Roth không thực sự tạo ra một bộ ba: một bộ ba đúng nghĩa hơn nhiều là Roth-Morgenstern-Stefan Zweig. Zweig chính là người đứng ra hòa giải để Morgenstern và Roth làm lành với nhau sau vài năm hục hặc. Zweig cũng luôn luôn tỏ ra sẵn sàng bỏ tiền để chữa cho Roth khỏi chứng nghiện rượu. Nhưng Roth sẽ không hết nghiện rượu, và gần như chắc chắn qua đời vì thế. Cuốn sách về Joseph Roth của Soma Morgenstern lẽ ra có thể còn lớn hơn nhiều, nếu phần cuối không bỗng dưng trở thành một khảo luận chống tệ nghiện rượu.

Mặc dù chúng ta có thể không hẳn thấy dễ hiểu việc Joseph Roth lại có thể gần gũi với Stefan Zweig, nhưng điều đó lại rất đúng, và được chứng nhận bằng một tập thư lớn Roth-Zweig suốt trong vòng hơn mười năm (cụ thể hơn là quãng 1927-1938). Ở tình trạng hiện nay (tập thư được ấn hành lần đầu vào thập niên 70 của thế kỷ trước, mãi trong vòng mười năm trở lại đây người ta mới in lại nó, bổ sung, xác định lại nhiều chi tiết - nhưng vẫn chưa đầy đủ; rất có thể rồi sẽ có ngày có version đầy đủ hơn) ta có gần 200 thư của Roth và dưới 50 thư của Zweig (sự chênh lệch về số lượng có thể giải thích bằng chuyện Roth là con người của cuộc sống khách sạn, gần như không bao giờ thực sự có nhà, cả đời: khách sạn chính là một trong hai địa điểm lớn trong cuộc sống của Joseph Roth; một cuộc sống như vậy không thuận lợi cho lưu giữ).

Nhưng xét cho cùng, điều đó dễ hiểu: Stefan Zweig xuất hiện ở mọi nơi, thời ấy. Zweig cùng Romain Rolland là hai đại kiện tướng của những người ủng hộ hòa bình (Rolland cũng là cả một trường hợp lớn: cách đây mấy tháng, nhân một chuyến đi xa, tôi quyết định quay trở lại với Rolland - dẫu chỉ một cách rón rén; nhưng kết quả không mấy khả quan, Au-dessus de la mêlée của Rolland, tôi không đọc quá nổi một nửa; thế mà, ở tuổi chưa tròn mười lăm, bộ Jean-Christophe của Romain Rolland chính là một trong những phát hiện lớn từ sự đọc của tôi). Zweig, một "người châu Âu" được chứng nhận rộng rãi, nhân vật có văn chương phổ biến (một cách cực đại) đến cả ở một nơi như Việt Nam. Và - cũng như thường hay vậy ở những câu chuyện tương tự - nghịch lý lại xảy ra: con người của châu Âu sẽ chết bên Braxin, và trong tương quan với Joseph Roth, nghịch lý mới lại càng lớn: Roth, con người của khách sạn và quán cà phê (vì quán cà phê là địa điểm lớn thứ hai của cuộc đời Roth), con người phiêu bạt, không tài sản, gia đình lẫn tổ quốc, con người của túi rỗng và của rượu quá độ, lại có một cái chết có thể gọi là "tự nhiên" (dẫu nói cho đúng, cũng không tự nhiên cho lắm - tôi sẽ còn trở lại), trong khi Zweig mới là người tự sát - chắc không ai là độc giả văn chương không biết thư tuyệt mệnh của Zweig (Zweig tự sát cùng Lotte, người vợ cuối) nói mình không đợi được đến ngày mai.

Tóm lại, Soma Morgenstern, trong câu chuyện rất phong phú của mình về Roth, kể rất kỹ về mối quan hệ giữa họ và Zweig, nhưng cũng kể về cuộc gặp Roth-Musil, như đã nói ở trên. Chuyện xảy ra tại một quán cà phê rất nổi tiếng của thành phố Wien, quán cà phê Museum. Trong ấn tượng của tôi, Wien chính là một viện bảo tàng. Tuy cái từ "Ring" mới gắn bó chặt chẽ với Wien nhưng hình tròn không khiến tôi thấy thâu tóm được Wien bằng so với hình vuông: nhất là "MuseumsQuartier" MQ lừng danh: nó vuông vắn tới mức chóng mặt. Tôi chỉ trụ ở đó được chắc không quá nửa tiếng, rồi quyết định đi khỏi. Nhưng trước khi rời hẳn đó, tôi bỗng nhìn thấy "Secession", thế là tôi bèn bước vào, xem Gustav Klimt.

Cuốn sách của Morgenstern về Roth có một ý nghĩa lớn: trước đây, đọc các tiểu thuyết của Roth, tôi luôn luôn thấy một nỗi buồn lớn lao. Miêu tả Morgenstern thì luôn luôn làm nổi bật lên khía cạnh "farceur" ở Roth. Nhưng vậy thì rất đúng - dẫu trông như là nghịch lý - vì chỉ một tinh thần đùa cợt ở con người thường mới tạo ra được nỗi buồn trong sự viết. Và ngược lại.

Tạm rời khỏi cuốn sách của Soma Morgenstern (tên thật là Salomon nhưng lấy bút danh "Soma" - cái tên này khiến rất nhiều người tưởng đó là một phụ nữ; điều này tất nhiên gây nhiều phiền toái nhưng lại cũng có thể mang tới lợi ích rất bất ngờ: một lần Soma Morgenstern rơi vào tay Gestapo và bị thẩm vấn, câu hỏi chính yếu là có biết một "Frau" Sonia Morgenstern không - chính vì sự nhầm lẫn kinh điển ấy cho nên Soma Morgenstern thoát thân lần đó, nhưng rồi Soma Morgenstern cũng sẽ phải biết đến các trại ở Pháp), chúng ta chuyển sang một lời chứng - một miêu tả - trong một registre rất gần. Dưới đây là đoạn về Joseph Roth của Klaus Mann:



Trong đoạn trên đây, Klaus Mann, con trai của Thomas Mann (tôi biết, tôi biết, rất không nên gọi Klaus Mann như vậy, tức là "con trai của Thomas Mann" - không những thế lại còn là cháu gọi Heinrich Mann là bác ruột - tôi sẽ còn trở lại) đang thuật chuyện các trí thức châu Âu ở Amsterdam (ở đó Klaus Mann ra tờ tạp chí Die Sammlung) sau khi nước Đức trở nên không thể sống nổi: Klaus Mann rời Đức rất sớm (năm 1933) và không lâu sau đó (1934) thì bị khai trừ, tức là không được chính quyền nazi coi là công dân nữa. Ngay lập tức, Mann tả Roth ở hai đặc điểm nổi bật: uống rượu như điên, và là một người "monarchiste", một người theo phái quân chủ.

(trích từ ấn bản tiếng Pháp, nhan đề Le Tournant, hồi ký của Klaus Mann, lúc đầu viết bằng tiếng Anh, The Tourning Point, rồi về sau được viết lại, dày thêm lên nhiều, bằng tiếng Đức, Der Wendepunkt - thời điểm 1933, Klaus Mann mới 27 tuổi)

Lại quay trở lại (một chút) với Soma Morgenstern - Morgenstern thực sự biết rất nhiều điều về Roth (họ gặp nhau lần đầu khi còn là học sinh trung học, từ trước Thế chiến thứ nhất, lúc đó nhất là Roth còn rất rất trẻ, và sống cùng nhau những tháng cuối đời Roth tại khách sạn Hôtel de la Poste trên phố Tournon - đó là sau khi khách sạn Foyot yêu quý của Roth đã bị phá đi: khách sạn phố Tournon, không xa vườn Luxembourg, với sự hiện diện của Joseph Roth, mau chóng trở thành nơi tụ tập của rất nhiều người lưu vong, và không hiếm lần cảnh sát phải vào can thiệp vì ban đêm Roth cười to quá): Morgenstern kể rằng Roth đặc biệt thích một bức tranh vẽ mình, cho rằng nó nói lên rất đúng con người mình, một con người độc ác, nhưng không ngu - rất tiếc là tôi còn chưa tìm lại được câu chính xác của Roth trong quyển sách (dày) của Morgenstern, chắc chắn có "độc ác" và "không ngu"; dường như chính là bức tranh dưới đây, của Eisler:


(một tình bạn như thế, tình bạn Roth-Morgenstern, không thể bình thường, nhất là không thể êm đềm; trong số literature xung quanh Joseph Roth, còn có một tập trong số "Cahiers de l'Herne" lừng danh - những ai thực sự rành xuất bản Pháp hẳn biết những quyển sách rất to ấy, có những volume đặc biệt nổi tiếng như volume về Nietzsche, về Lévi-Strauss, etc.; volume về Roth in năm 2015 - tôi giở quyển sách rất to ấy ra xem, và quả thật có một bài viết về tình bạn Roth-Morgenstern, tác giả bài viết gọi đó là một "amitié tumultueuse")

Để kết thúc với phần trên đây: Joseph Roth nhìn nhận văn chương Robert Musil thế nào? Ta biết rằng tác phẩm lớn của Musil, Người không phẩm chất, được xuất bản (một phần, tất nhiên) vào đúng thời điểm đầu thập niên 30, khi JobRadetzsky của Roth cũng vừa in. Soma Morgenstern ghi lại, Roth rất thích có một tác phẩm văn chương nói về đế chế, nhưng đặc biệt ghét Musil cứ gọi đó là "Cacanie".


Joseph Roth nhà báo. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bộ toàn tập Joseph Roth bằng tiếng Đức cuối cùng đã được in, nhờ công Klaus Westermann, nhà xuất bản Kiepenheur & Witsch ở Köln (Cologne). Mấy lần đến Cologne trước đây, chưa từng bao giờ tôi có thể tưởng tượng cái thành phố ấy lại có thể dính dáng chút nào tới văn chương ("eau de Cologne", nhà thờ khổng lồ, etc. you know what I mean): lần sau, tôi sẽ nghĩ khác.

Bộ Werke đó, tôi từng xem tập 3 (Band III) là tập cuối dành cho phần viết báo của Roth, bao trùm mười năm cuối đời, từ 1929 đến 1939 (quãng này, Roth đã viết báo ít hơn trước nhiều). Tôi thử đếm: có tổng cộng 288 đơn vị bài (rất có thể tôi đếm sai một vài). Các bài báo của Roth có thể viết về đủ mọi loại chủ đề. Soma Morgenstern nhất nhất khẳng định những kiệt tác của Joseph Roth phải là các bài báo. Cũng có khi Roth viết một bài về Paul Claudel, về Walter Mehring, về Valeriu Marcu hay về Karel Čapek. Một tập bài báo của Roth dịch sang tiếng Anh có thể mang nhan đề chung là The Hotel Years (khó tìm được một ai hơn Joseph Roth ở phương diện biểu tượng cho cuộc sống khách sạn).

Sống ở khách sạn và viết ở quán cà phê: có thể miêu tả Joseph Roth như vậy (tương tự như khi Roth miêu tả người Do Thái hết sức ngắn gọn: "đầu cúi, gáy cứng"). Khách sạn Foyot và khách sạn trên phố Tournon ở Paris: đến ở khách sạn (nhất là khi vừa mới tới một thành phố nào đó), người ta dùng động từ "descendre" - nghĩa ban đầu là "đi xuống" (dù gì, vào ở khách sạn cũng không phải "đi lên", dẫu nhìn chung sẽ phải lên tầng: đó là irony của cuộc sống khách sạn). Những người sống ở khách sạn cũng đồng thời là những người có mối quan hệ rất kỳ quặc với tiền. Về cơ bản, những người sống ở khách sạn không có tiền - hoặc có quá nhiều: cuộc sống khách sạn là cuộc sống dành cho những con người chỉ chịu nổi các cực điểm. Trong đoạn miêu tả Joseph Roth của Klaus Mann, ngoài "monarchiste" và uống rượu, còn có một yếu tố thứ ba: tiền - Roth nổi tiếng là người đòi các nhà xuất bản cũng như các tờ báo (tờ Frankfurter Zeitung chẳng hạn) chi những khoản ứng trước có thể nói là vô lối. Trong cuốn sách của mình, Soma Morgenstern cũng dành nguyên một chương để nói đến chuyện tiền, trong cuộc đời Roth (khi Morgenstern sang đến Paris, ngay lập tức Roth đề nghị họ tiêu tiền chung, điều mà Morgenstern, vốn dĩ là người thận trọng, từ chối phắt), và kể câu chuyện tuyệt vời về cách kiếm tiền của Roth: một hôm, hai người không còn đồng nào, Roth bỗng nhớ ra có một tờ báo cộng sản đăng bài phỏng vấn mình, có thể đến đòi tiền; họ bèn đến đó, nhân vật chính của tờ báo hết sức niềm nở, thêm nữa lại rất ngưỡng mộ Roth, và mau chóng bảo thư ký lấy phong bì đưa cho họ - đó là Louis Aragon trẻ tuổi; xuống đến dưới đường, mở phong bì ra, hai con người lưu vong mới ngã ngửa vì báo chí cộng sản chi tiền quá oách: trong phong bì đựng món tiền gấp đúng năm lần dự đoán của Roth.

Nhưng cuộc sống như vậy cũng khiến Roth có những tác phẩm bất ngờ. La Légende du Saint-Buveur - một trong những câu chuyện hay nhất về đám nghiện rượu, Die Legende vom heiligen Trinker - được Roth viết như sau: ngồi ở quán cà phê, một người bạn kể câu chuyện cho Roth nghe, Roth đọc cho thư ký chép lại version sẽ trở thành tác phẩm. Saint-Buveur đã ra đời như thế: nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm) đây chính là tác phẩm văn chương duy nhất của Joseph Roth lấy bối cảnh Paris; dẫu biết rõ nước Pháp như vậy (có những lúc Roth còn viết luôn bằng tiếng Pháp, hơi giống Danilo Kiš thỉnh thoảng cũng viết tiếng Pháp), Roth chẳng bao giờ viết câu chuyện nào về nó. Saint-Buveur là một truyện ngắn dài, hay một novella: Roth viết rất ít truyện ngắn, trong tập Le Marchand de corail lại gồm không ít truyện ngắn dài; nhưng đấy là vì nếu ở hình thức ngắn, những gì Joseph Roth viết dường như ngay lập tức, một cách tự động, biến thành các bài báo. Cuốn sách về người nghiện rượu của Roth khiến tôi nghĩ ngay đến một tiểu thuyết về cùng chủ đề của Hans Fallada, Der Trinker.

Joseph Roth là một trong những người sang Liên Xô rất sớm, không lâu sau Cách mạng tháng Mười. Sang Liên Xô vào thời kỳ ấy là một "hoạt động thể thao" phổ biến của vô số trí thức châu Âu. Ngoài những gì đã quá nổi tiếng, ta còn có chẳng hạn Panaït Istrati đi sang đó, cùng Nikos Kazantzakis. Từ các chuyến đi ấy mà có vô khối thứ được kể, được viết ra - tuyệt đại đa số không mang lại vinh quang cho nhà nước Xô viết non trẻ.

Morgenstern cho rằng thiên tài văn chương của Roth chủ yếu được thể hiện khi viết báo. Joseph Roth trở thành nhà báo từ rất sớm, và sẽ viết báo rất lâu: cả một cuộc đời viết báo. Tôi nghĩ các bài báo của Roth hơi giống, ngay trước đó, các bài báo của Robert Walser (xem thêm ởkia). Đó là một thời có báo chí rất khác. Rất nhiều phóng sự, Roth đã viết trong cuộc đi làm báo, với hai yếu tố then chốt là khách sạn và quán cà phê: năm 1924 ở Galicia, năm 1925 ở Pháp, năm 1926 ở Liên Xô, năm 1927 ở Albania, năm 1928 thì là Ba Lan và Ý. Roth viết báo như để chạy trốn - về phía trước, giống nhan đề cuốn tiểu thuyết Die Flucht ohne Ende.


Napoléon Bonaparte Bách Nhật. Khi biết Joseph Roth có một cuốn tiểu thuyết tên là "Một trăm ngày", tôi đã hoàn toàn không nghĩ đó là về Napoléon. Nhưng hóa ra lại đúng thế: đó là Bách Nhật kỳ Bonaparte trở lại làm hoàng đế.




(còn nữa)



Hôtel Savoy
Roth

5 comments:

  1. It's really a great and helpful piece of info. I am happy
    that you simply shared this helpful information with us. Please keep us informed likle this.

    Thanks ffor sharing.

    ReplyDelete
  2. những người mang thiên tài đi lang thang có vẻ đều đi từ thế kỷ mười bảy. các nhà văn buồn thảm vì biết tương lai sẽ không còn những khoảng rộng nữa.

    ReplyDelete
  3. "Das bin ich wirklich; böse, besoffen, aber gescheit."

    ReplyDelete
  4. ko ngờ là có luôn Job nhanh đến vậy

    ReplyDelete