"a mysterious sensibility connected with real suffering"
(Thomas De Quincey)
"Phải từ giã nó thôi."
(Etdung Kaovi)
Hôm nay là sinh nhật của một người: Thomas De Quincey.
(rất liên quan: xem ởkia)
Thomas De Quincey (tên thật chứ không phải bút danh - tuy nhiên cái tên ấy chẳng phải là không có điểm chung, ở sự ra đời, với "Honoré de Balzac" - còn nhỏ, một lần (vì tình cờ) gặp vua Anh, De Quincey nhận mình có tổ tiên lên đến tận một The Conqueror) sinh vào một ngày 15 tháng Tám, giống một nhân vật khác - nhưng trước đó 16 năm, một người Corse: Napoléon Bonaparte. Cả đời, Thomas de Quincey vô cùng quan tâm đến ngày sinh của bất kỳ ai (chắc để thực hành xem tử vi).
Người sinh trước 16 năm từng có lần ăn mừng sinh nhật (lần thứ 35) bằng cách duyệt (review) đội quân của mình đóng tại doanh trại Boulogne (sur Mer). Khi ấy, ở tuổi 19, De Quincey đứng trước nguy cơ sẽ phải đăng lính: những ai ở độ tuổi 20 vào đầu thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 rất dễ phải đi đánh nhau ngoài mặt trận (từng có vô vàn người như vậy, chẳng hạn Joseph Roth). Nước Anh và nước Pháp của những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (tức là ngay sau Cách mạng 1789) lúc nào cũng dập dình nhảy bổ vào nhau - thời điểm Bonaparte đến Boulogne, có tới gần 100.000 lính Pháp tập hợp ở đó; đây đã là sau "Hòa ước Amiens". Nhưng - như ai cũng đã biết - quân Pháp đã không vượt biển Manche (nhiều bản dịch ở Việt Nam gọi đó là một "Kênh" hay thậm chí "Kênh Đào"; tương tự: "Rạp xiếc Piccadilly").
Hăm sáu tuổi, Thomas De Quincey đã kịp ăn hết sạch món thừa kế được hưởng, từ ông bố chết sớm (đây là một ông bố rất Đông Ấn, Tây Ấn). Nhưng cũng phải mãi mười năm sau đó thì De Quincey mới thực sự trở thành một tác giả - thêm một người đợi mãi, tận cho tới độ tuổi bốn mươi. Nhưng lý do rất có thể nằm ở một từ: opium. (ởkia thật ra là bản dịch cuốn sách Opium-Eater)
Cuốn sách về "Lake District" của De Quincey
không mở đầu (như ai cũng trông đợi) bằng William Wordsworth, mà Coleridge mới ở vị trí đầu tiên.
Rất có thể affinity của Thomas De Quincey với Coleridge đặc biệt lớn vì Coleridge cũng là một "opium-eater". Trong một bài thơ rất nổi tiếng, Coleridge gọi đó là "the milk of paradise" - thêm một lần nữa, paradis). Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, thứ mà De Quincey, Coleridge and Inc. rất thích ấy có thể không phải "opium" mà là "laudanum".
(Coleridge còn thuộc về một tập hợp nữa: những người làm nghề "reporter" Nghị viện, tức là đến các buổi - các phiên - làm việc của Nghị viện rồi report lại những gì đã được nói, cũng như những chuyện xảy ra; muốn làm như vậy thì nhất thiết phải biết viết tốc ký; Charles Dickens cũng làm công việc ấy; tôi còn biết thêm một người nữa: William Hazlitt)
Thomas De Quincey sinh ra trước Ezra Pound đúng 100 năm: đây đều là những người của quãng đầu.
Những người như vậy: của đầu thế kỷ 18, hiển nhiên đó là Montesquieu, nhưng tôi cũng thích nghĩ đến cả Samuel Johnson, mà De Quincey không ngừng lôi ra để chế giễu (về SJ: xem ởkia); tương ứng ở thế kỷ 20: những người như Kafka hay Pessoa, chẳng hạn. Còn thế kỷ 16? Thomas More, tất nhiên (cùng Thomas Cromwell), và thế kỷ 17: một nhân vật còn nhiều ý nghĩa hơn (rất rất nhiều): Thomas Hobbes. Giống Ezra Pound, Hobbes sống rất lâu (tuy ăn những thứ tệ hại, lại còn ăn rất nhiều, nhưng De Quincey cũng sống thọ, dẫu không very very thọ, kém Pound hẳn hơn chục năm). Còn rất trẻ, Thomas de Quincey gần như tự đồng hóa với một nhân vật tự sát khi chưa tròn hai mươi tuổi: Thomas Chatterton (đúng, tôi biết, tôi biết, rất nhiều Thomas).
Những người của quãng đầu, như thể họ phải làm một việc gì đó.
Thomas Carlyle (lại Thomas - nhưng trong câu chuyện cuộc đời Thomas De Quincey cũng có nhiều William, tức là không ít "Bill", nhưng ai cũng biết, bill là một trong những từ then chốt của cuộc sống xã hội nước Anh suốt nhiều thời đại) thuộc vào số độc giả của Opium-Eater khi nhát debut của De Quincey đăng trên tờ London Magazine (quãng thời gian ấy, báo chí Scotland cạnh tranh quyết liệt với miền Nam; Thomas De Quincey giao hảo với cả hai bên, có thể nói như vậy; Edgar Poe cũng vô cùng quan tâm các tờ tạp chí Scotland) - Opium-Eater đã khiến không ít người trước đó không hề nghiện ngập thử dùng xem nó ra sao.
Tất nhiên, không chỉ opium. Thomas De Quincey cũng viết kiệt tác về "english mail-coach", hay:
(đây là bản dịch tiếng Pháp của The Spanish Military Nun)
Đồng hội đồng thuyền, nên miêu tả Coleridge của De Quincey hết sức chuẩn xác và sâu sắc, trong đó có câu "Torpor, I suppose, must result from continued artifical excitement".
Trong đời, ngoài opium, Thomas De Quincey còn nuốt vô cùng nhiều một thứ khác: sách.
Cứ lần nào vừa đi ra khỏi phòng, đóng cửa lại, bỗng nghe cái rầm từ bên trong, tôi lại nghĩ thầm trong bụng, lại Thomas De Quincey rồi. De Quincey đúng nghĩa là một fellow cứ ở đâu là không thể nhúc nhích nổi vì quá nhiều sách. Nếu thấy địa bàn mình đang hoạt động bị đống sách chiếm hết chỗ, De Quincey sẽ chuyển sang chỗ khác, cho đến lúc nào cả chỗ đó cũng bị bít kín, lấp đầy. Tất nhiên, không ít lần, sách đổ trong phòng chặn luôn cửa, muốn mở thì rất khó khăn.
Đã quá nổi tiếng, trong lịch sử văn chương: William Wordsworth và Lyrical Ballads làm đảo lộn nước Anh - ít nhất thì ở nơi một số con người trẻ tuổi. Hai trong số ấy là John Wilson và Thomas De Quincey. Những năm cuối thế kỷ 18, vẫn là một teenager, De Quincey tình cờ phát hiện những bài thơ của Wordsworth. Nhưng trước đó nữa, De Quincey đã (cũng tình cờ) đọc được một bài thơ không biết tên tác giả (tất nhiên, cũng của Wordsworth), "We Are Seven". Nhưng cũng quãng thời gian ấy đã xuất hiện (mà những con người của chúng ta dường như chẳng mấy để ý) cuốn sách u ám của Malthus (An Essay on the Principle of Population). Nhưng Thomas De Quincey sẽ không gặp William Wordsworth (cũng như trở thành một nhân vật của Lakeland) ngay - còn phải đợi không ít năm nữa. De Quincey còn phải bỏ nhà ra đi - nói đúng hơn, bỏ trường, hay đúng hơn nữa, bỏ chỗ trọ chính là nhà ông hiệu trưởng (người Pháp gọi điều này bằng một cái tên rất hay, "échappée belle", hay belle) - nội tình được kể hết sức chi tiết ngay đoạn đầu Opium-Eater.
Trường đoạn trốn đi trong đêm ấy, cái rương to mà một người hầu vác đang xuống cầu thang thì rơi, kêu rầm rầm, không những thế lại còn đập trúng vào cửa phòng ngủ của ông hiệu trưởng mới chịu dừng lại. À mà thôi, tốt nhất là đọc Opium-Eater đi. Thời của Thomas De Quincey, một thể loại trở nên phổ biến (với vai trò không nhỏ của De Quincey, tất nhiên): confessions. (Coleridge rất bài trừ biography, nhưng Thomas De Quincey viết Biographical Essays: Shakespeare, Goethe, Schiller, nhất là Charles Lamb; nó có đoạn mở đầu rất nhiều tinh thần De Quincey: "It sounds paradoxical, but is not so in a bad sense, to say, that in every literature of large compass some authors will be found to rest much of the interest which surrounds them on their essential non-popularity. They are good for the very reason that they are not in conformity to the current taste. They interest because to the world they are not interesting" và một đoạn sau: "Hatred may be promising. The deepest revolutions of mind sometimes begin in hatred".)
Cũng chuyện các thể loại: xem Casanova. Nhắc đến Casanova ở đây không hề là ngẫu nhiên, vì quãng thời gian phiêu bạt lơ lửng (tổng cộng mấy tháng) ở London hồi trẻ của Thomas De Quincey, có lúc De Quincey ở rất gần, nếu tôi nhớ không nhầm thì trên cùng phố, với chỗ mà Casanova từng ở trước đó vài chục năm. Chuyện này (tức là ở gần nhiều nhân vật đặc biệt - cả trong không gian lẫn trong thời gian) với Thomas De Quincey là rất thường: hồi De Quincey còn nhỏ, gia đình chuyển khỏi Manchester tới sống ở Bath, thì ngôi nhà mà họ chuyển vào có chủ cũ là Burke (yes - xem đường link ở chỗ Carlyle), mới chuyển đi khỏi đó vài tuần trước.
Tất nhiên, nhà Thomas De Quincey ở rất lâu tại Vùng Hồ quan trọng hơn nhiều: đó chính là nhà cũ của vợ chồng Wordsworth, Dove Cottage. Hai phụ nữ mang họ Wordsworth: một là vợ, hai là em gái - Dorothy. Từng có lúc ai cũng tưởng Thomas De Quincey sẽ lấy Dorothy Wordsworth (Dorothy hơn chừng mười lăm tuổi, nhưng không vấn đề gì). Nhưng rốt cuộc De Quincey đã không trở thành em rể của Wordsworth. Vợ của Ezra Pound cũng là một Dorothy; Pound tả vợ đẹp như một bức tranh. A, cuối cùng chúng ta cũng tìm được một sự tốt đẹp trong mối quan hệ vợ-chồng.
(đã nói thì phải nói hết: Pound kết thúc câu của mình bằng cách nói tiếp, bức tranh ấy không bao giờ đi vào sự sống)
Nhưng tất nhiên, Thomas De Quincey giống Ezra Pound ở một điểm then chốt hơn nhiều: cả hai đều đặc biệt ngoảnh mặt về quá khứ (xa). Hy Lạp và La Mã, tất nhiên - và sẽ có biến tấu: ở Pound, như ai cũng đã biết, là Khổng Tử và nhất là chữ Hán, còn đối với De Quincey, mối quan tâm lệch đi là Đức; hiếm ai vào thời ấy tại Anh hiểu biết về nước Đức như thế - đây cũng chính là thêm một nguyên do nữa, cho affinity giữa Thomas De Quincey và Samuel Taylor Coleridge (chỉ họ được William Wordsworth cho đọc từ trong bản thảo tác phẩm lớn Prelude).
[nhắc đến Wordsworth tôi mới nhớ ra: tôi có tập sách to - ở mức khổng lồ - in toàn tập thơ của Wordsworth, dường như của chính nhà xuất bản Wordsworth: tôi cũng không chắc lắm, sách bìa xanh lè có phải Wordsworth không nhỉ? ngại đi tìm để kiếm tra quá; đã khổ rất to, vô cùng dày, trang sách lại còn in hai cột, tức là mức độ khủng khiếp còn tăng thêm rất nhiều; một trong các voeu pieux của tôi là đọc hết thơ Wordsworth, nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa bao giờ tìm được dũng khí để mở quyển sách ấy ra, tức là kết thúc việc đọc các mẩu lẻ tẻ đây đó để đi thẳng vào nguyên khối; nhưng quả thật là Wordsworth viết quá nhiều thơ]
Đầu thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, người ta chết như ruồi. Vì đánh nhau: những cuộc chiến tranh dường như đi đến các hình thức tàn khốc nhất của chúng. Rất nhiều người tử trận: Alain-Fournier hay Charles Péguy. Không ít cặp bạn thân chết một còn một: Gaudier-Brzeska với Ezra Pound, André Breton mất đi người bạn Jacques Vaché ("Nếu không có Jacques, chắc chắn tôi đã không trở thành thi sí" - sở dĩ nói vậy là vì Breton dùng một từ hơi đặc biệt). Robert Frost cũng mất người bạn Edward Thomas. Tôi muốn nhấn mạnh vào những cái tên lớn, vì rõ ràng có một biến đổi không nhỏ từ Thế chiến thứ nhất sang Thế chiến thứ hai: cuộc chiến thứ nhất có rất nhiều nạn nhân thuộc giới tinh hoa, còn sang đến cuộc chiến thứ hai, rất đông trí thức trở thành đao phủ (các luật gia lừng danh của hàng ngũ SS).
(biography: Samuel Johnson có vị trí không nhỏ trong câu chuyện ấy, và không chỉ ở tư cách đối tượng cho cuốn sách lừng danh của James Boswell, vì Johnson cũng là tác giả của Lives of Poets, trong đó có cuộc đời của Thomas Chatterton; nhưng còn cần ngược lên xa hơn Johnson, tới một nhân vật sống lọt thỏm trong thế kỷ 17: John Aubrey, tác giả của Brief Lives)
Thêm một ít Thomas De Quincey:
Sau đà khởi phát (có thể hình dung giống như tiếng kèn fagot-bassoon vang lên báo hiệu), các quãng đầu thường có một hiệu ứng lớn: chúng gây kinh ngạc, đồng thời chúng cũng bắt người ta phải chú ý. Attention là thứ duy nhất cần hướng tới - nhưng tất nhiên, nó cũng chính là thứ khó đạt đến hơn cả. Đâu cần gì khác, ngoài attention ấy.
Quãng (interval) tham gia rất nhiều việc tạo ra chuyển động, nhất là ở phương diện của nhịp.
(còn nữa)
NB. đã tiếp tục "Trong hiệu sách (8) cũ" và "Trong lúc đọc Ezra Pound (2)"
Thomas De Quincey: Opium-Eater
Thomas De Quincey: Kant
British Men
"từ giã" thậm chí cũng đã thành một nạn nhân của đám lời lẽ thời đại ẻo lả. đúng: phải giã cho nó từ đi thôi :)
ReplyDeleteoh you know, cũng phải thế thôi; anw "Quincy" bỗng trở thành tên cho phụ nữ nhỉ, nhất là các femme savante
ReplyDelete‘Oui, finissons sans trouble, et mourons sans regrets,
ReplyDeleteEn laissant l'Univers comble de nos bienfaits.
Ainsi l'Astre du jour, au bout de sa carriere,
Repand sur l'horizon une douce lumiere,
Et les derniers rayons qu'il darde dans les airs
Sont les derniers soupirs qu'il donne a l'Univers’
thông báo Charles Lamb quả là một cú bất ngờ
ReplyDelete