Jun 16, 2020

Casanova

đã tiếp tục "Cao Hải Hà", "Chroniques HN: một phố""tiếng Việt abc", chắc cũng không nên bỏ qua "đọc Deleuze"

"They read you Cinderella (...)
(...) I'm no Casanova"
(All-4-One)

"tu ne comprends rien de l'amour"
(lời bài hát pop mì ăn liền)



Thoát khỏi nhà tù ở Venezzia Venise Venice Venedig ("Vơ-ni-dơ mùa đông") - tôi từng đến đó rồi, "les plombs", trông sợ lắm, sau khi trải qua mấy chuyện như đùa, tức là đùa rỡn với những người truy đuổi mình, rồi rũ bỏ được người đồng đạo trong hoạn nạn, cha cố Balbi ti tiện, Casanova đến Paris. Đây không phải lần đầu tiên Casanova ở Paris. Người em trai của Casanova, Francesco, là một họa sĩ rất thành công, kể cả ở Paris, thành công đến nỗi không cần nhờ đến sự giúp đỡ của ông anh.

Vừa viết về Casanova tôi vừa nghe Henry Purcell, các sonata. Purcell chết 30 năm thì Casanova sinh ra. Casanova không phải nhân vật bước ra từ thế giới truyện cổ tích, như Barbe-Bleue, Casanova đọc không ít một nhân vật cùng thời, Voltaire (từng có lúc được viết, ở đây, là "Voltaired").

Ngày Casanova đặt chân tới Paris năm ấy là một ngày rất đáng nhớ: ngày vua Pháp bị ám sát. "Account" của Casanova thuật lại câu chuyện hết sức quan trọng (và nhiều màu sắc). Đó là vụ Louis XV bị Damiens ám sát. Tất nhiên bị ám sát nhưng không chết, thậm chí có thể coi Louis XV gần như không bị làm sao.

Nhưng tất nhiên Damiens thì không thể không làm sao. Thời ấy, những cuộc hành hình, nhất là các án lớn, là sự kiện vang dội. Trong cuốn tiểu thuyết nào của Dumas nhỉ (La Reine Margot chăng?) có một cảnh tương tự. Casanova thuê một cửa sổ nhìn thẳng ra chỗ hành hình (quảng trường Grève, tất nhiên) để xem, trong vòng tổng cộng khoảng hai tiếng. Những gì xảy ra trong khoảng không gian nhỏ sau cửa sổ ấy, mà Casanova kể lại, xứng đáng là một câu chuyện trong Mười ngày của Boccaccio. Ở cùng Casanova cái ngày đáng nhớ ấy còn có một người Ý trẻ tuổi, Tireta: cha cố Balbi ở trên đã nói là đồng đạo trong hoạn nạn, còn Tireta là đồng đạo trong hoan lạc của Casanova, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Ngoài hai nhân vật Ý còn có hai phụ nữ, "tante et nièce". Tireta phụ trách bà già còn Casanova, cô gái trẻ.

Đọc Casanova còn có một niềm sung sướng: đó là một bộ sách viết bằng tiếng Pháp  không ngừng nói xấu (tức là nói rất đúng) người Pháp. Casanova là một trong những nhân vật lịch sử nói xấu người Pháp ở mức thượng thừa nhất.

Hầu như cứ chương nào có bối cảnh Paris, đến cuối là Casanova có một tràng nói xấu người Pháp, lần nào cũng tuyệt hảo, chẳng hạn như có lần kể vài chuyện về mấy người bình dân xong rồi Casanova bảo, một "peuple" như thế mà giờ tự coi mình là "roi" đấy (Casanova viết lại câu chuyện đời mình khi Cách mạng 1789 đã nổ ra, dân chúng Pháp đã lật đổ vua) - bộ sách của Casanova, do vậy, có thể coi là một miêu tả cặn kẽ đoạn cuối của Ancien Régime.

Nhưng ngôn ngữ của Casanova nhiều khi có thể hết sức charmant vì nó không hoàn toàn Pháp, như có lúc Casanova dùng từ "palmairement" thay vì "évidemment", do từ "palmarmente" trong tiếng Ý (yên tâm, yên tâm, tôi không biết tiếng Ý đâu, tôi chỉ học tiếng Ý trong vòng chưa đầy một năm, mà cũng chỉ vì trong lớp có một cô gái Bắc Phi rất xinh hay rủ tôi buổi tối xuống tầng hầm ký túc xá tìm phòng vắng để ôn bài). Từ biệt một thiếu nữ Amsterdam, đổi lại lời hứa sẽ sớm quay trở lại, Casanova được cô gái tặng cho năm mươi áo sơ mi may bằng vải hảo hạng, cùng năm mươi khăn mùi soa Mazulipatan (Masulipatnam).

Đấy là chuyến đi xa thứ hai của Casanova khỏi Paris, sau đợt trốn khỏi nhà tù ở Venice: Casanova đi để thực hiện các "commission secrète", nói ngắn gọn là phục vụ (một cách không chính thức) triều đình Versailles. Chuyến thứ nhất đi Dunkerque (mà Casanova viết là "Dunkerke"): như vậy thì quá tiện, vì một phụ nữ trẻ mới lấy chồng vừa theo chồng đến đó, thiếu nữ ấy chính là "nièce", cô cháu gái trong câu chuyện đi xem hành hình đã kể ở trên.

Về phía Casanova, người ta rất hay có xu hướng nghĩ đến những con số, nhưng những con số đâu có nói thật như người ta tưởng, vả lại ai dám đọ lại Don Juan đây, nếu mà số với má: "mille e tre", màn lừng danh của Don Giovanni (Mozart - mà Don Giovanni của Mozart thì lại làm chúng ta, không thể khác, nghĩ ngay đến Kierkegaard). Vả lại, câu chuyện Casanova hoàn toàn không phải là câu chuyện của sự chạy theo, mà đó đích xác ngược lại: đó là câu chuyện của những từ chối, vì về cơ bản, Casanova từ chối "bonne fortune" cứ như lời nguyền không ngớt hiện ra trước mặt.

Trong các truyện ngắn, Maupassant hay có những cảnh các đàn ông trung niên bourgeois ngồi nói chuyện về vận may tình ái (bonne fortune) trong đời họ từng có; nhìn chung, con số (cộng dồn tất tật) rơi vào quãng 200-300 phụ nữ, ở từng người, đối với các đàn ông năng nổ lui tới nhà thổ - như vậy thì mấy bourgeois hạng bét ở Pháp cuối thế kỷ 19 cũng dễ dàng vượt xa Giacomo Casanova. Nhưng Casanova lại làm không ít thiếu nữ phải vào nhà thổ (cũng như nhà tu kín) - câu chuyện gặp lại "Lucie" (sau gần hai mươi năm) trở thành tú bà ở Hà Lan có thể làm bất kỳ ai rợn tóc gáy, và cũng làm chính Casanova rợn tóc gáy. Những đàn ông thích số lượng đương nhiên không quan tâm đến chất lượng (mà có muốn cũng chẳng quan tâm được): đây là điểm chính yếu khiến Casanova khác biệt, và cũng chính là điều nói lên rằng, Casanova từ chối, chứ không nhận về: gặp lại cô gái mới lấy chồng ở Dunkerque (trước đó, tại Paris, cô gái đã tự đề nghị Casanova trở thành chồng mình), đã chẳng có chuyện tình ái nào xảy ra, dẫu giữa họ từng có không ít màn nồng nàn. Và cũng chính vì thế, các câu chuyện tình ái của Casanova mới hấp dẫn đến vậy: chỉ cần khoảnh khắc ngồi đó tại rạp hát, giữa hai thiếu nữ (Esther, con gái một triệu phú Amsterdam, rất muốn trở thành vợ Casanova và một tiểu thư mang họ Casanova - thật ra đây là một cái họ rất dễ gặp, chẳng hạn ngay vào thời chúng ta có thể kể ngay Pascale Casanova một chuyên gia văn học người Pháp, hay Julián Casanova một sử gia Tây Ban Nha chuyên về Nội chiến 1936) rồi nữ nghệ sĩ cho đứa con gái nhỏ đi xin tiền lướt qua trước mặt (đó là Thérèse người tình trước đấy một số năm của Casanova - Thérèse Imer), chỉ khoảnh khắc ấy thôi, tôi tin rất nhiều người trên đời sẵn sàng đổi nhiều thứ để có - vì ấy là khoảnh khắc khiến người ta có thể nhìn ra toàn bộ Vở kịch con người có thể có những ý nghĩa cụ thể gì.

Cho đến tận năm 1960 người ta mới biết Chuyện đời tôi của Casanova trong dạng nguyên vẹn. Những bộ sách lớn cần rất nhiều thời gian ủ men (thêm nữa, chúng chẳng thể nào mất đi được). Trước đó toàn chỉ là các ấn bản cắt xén, chẳng hạn trong tiếng Anh từ cuối thế kỷ 19 là The Memoirs of Jacques Casanova de Seingalt. Cách đây đúng mười năm, có một vụ mua lớn: toàn bộ bản thảo của Casanova, và giờ đây trong tiếng Pháp có ấn bản La Pléiade thực hiện trên version đầy đủ ấy. Như trong ảnh có thể thấy rõ, tôi còn chưa có bản La Pléiade, mà mới có bản của tủ "Bouquins" nhà xuất bản Robert Laffont. Rất nhiều người đã tham gia công việc văn bản, chú giải etc. trong đó nổi bật là nhân vật đã nói ởkia (à nhưng mới nói quá sơ lược, để lúc nào kỹ hơn sau).

Người ta thường bịa đặt về cuộc đời mình, nhưng có những người hoàn toàn chỉ cần kể đúng những gì đã xảy đến với mình, như Casanova: thêm một lần nữa - thật đáng kinh ngạc, nhưng nói đúng hơn, thật hiển nhiên - tưởng tượng chẳng bao giờ đuổi kịp được thực tại. (thế thì bốc phét làm gì? invention, invention everywhere)

Tổng cộng, Chuyện đời tôi có 12 "volume". Volume 5 thuật lại đoạn kể từ sau khi trốn khỏi "Les Plombs" (câu chuyện đào tị ấy gây sung sướng cho toàn châu Âu suốt một thời gian, đến cả "la marquise" ở triều đình Versailles, tức Madame Pompadour, cũng đọc và khen ngợi tác giả), chủ yếu là mấy năm ở Paris.

Casanova rời Paris (tức là cuối volume 5) đầu tháng Chạp năm 1759, cũng vội vã như lúc trốn khỏi Venice, ngay trước đó Casanova đã bị nhốt vào tù mấy tiếng đồng hồ. Mang theo trên cỗ xe, giữa những thứ đồ khác là cuốn sách De l'esprit của d'Helvétius (mà Casanova viết là "Elvétius"). Tôi bỗng nhớ ra: có người đã hứa tặng tôi chính cuốn sách này, sao mãi vẫn chưa thấy đâu nhỉ? Voltaire đã nói ở trên, rồi d'Helvétius, nhưng vậy là vẫn chưa hết các nhân vật Lumières, các nhà Bách khoa thư Pháp thế kỷ 18; Casanova từng trình bày một kế hoạch trước một hội đồng trong đó có d'Alembert (các nhà bình luận thiên về chỗ cho rằng Casanova nhớ nhầm, vì nếu là Diderot thì sẽ đúng hơn). Nhưng nhân vật mà Casanova thực sự gặp và nói chuyện lại chính là Jean-Jacques Rousseau: Casanova từng cùng bà bạn (chính là người phụ nữ giúp Casanova thoát khỏi nhà tù trước cả khi giới quý tộc Paris thực sự biết tin) đến Montmorency (viết là "Montmorenci") thăm Rousseau (và bà Le Vasseur, tất nhiên). Ơ, cái bài tôi viết về ngôi nhà Rousseau tại Montmorency ở đâu í nhờ?

Một nhạc sĩ khác: Vivaldi. Đây thì chính là một đồng hương (Venice - cũng như Marco Polo hay Galileo) của Casanova: Casanova phải được 15-16 tuổi thì Vivaldi mới chết. Hồi tôi đến Venise, gặp đúng dịp người ta trưng bày bản nhạc viết tay của Vivaldi tại một nhà thờ, vì tò mò tôi cũng vào xem, tuy thời điểm ấy tôi đã thấy mình không thể nghe Vivaldi nữa (đó là một trong bốn cái tên quá to: ba cái tên còn lại là Mozart, Beethoven và Chopin; rất có thể, cái tên thứ năm là Claude Debussy).

"Astra influunt non cogunt" (hay "Astra inclinant, non necessitant"): còn ai hơn so với Casanova đây, để dẫn chúng ta đi vào các hoạt động nhộn nhịp của chiêm tinh và giả kim thuật một thời, trên phạm vi toàn châu Âu.

(nếu đọc bằng tiếng Pháp, cứ thấy các Histoire de ma vie nào phân chia các phần thành "volume" thì có thể chắc chắn ngay đó là "kiểu cũ" - kể từ khi bảo thảo viết tay được mua [với cái giá lừng danh: 7 triệu euro] thì các ấn bản được chia thành những "tome" - đại khái là kể từ 2013 trở đi)

Trên địa hạt của huyền bí, Casanova có những thành công vang dội - rất có thể còn thành công hơn nhiều so với trong lĩnh vực tình ái. Casanova từng gia nhập Tam điểm, nhưng hoạt động hay thấy trong đời Casanova là "cabale". Hồi còn rất trẻ, Casanova, tại Cesena, còn vào vai một thầy phù thủy, một pháp sư đúng nghĩa, trong một câu chuyện tìm kho báu chôn dưới lòng đất - tất nhiên, một câu chuyện vô cùng buồn cười.

Có lẽ Casanova hoàn toàn hiểu, và hiểu ra từ rất sớm, rằng chiêm tinh hay giả kim thuật, và những thứ liên quan, có ý nghĩa về mặt xã hội (tức là con người) hơn nhiều so với mặt ngoài xã hội (và do đó, trên con người). Roland Barthes: horoscope không nói về chuyện tương lai, thậm chí còn không nói chuyện của ngày hôm nay, mà nói chuyện hôm qua. Bình luận văn chương Flaubert, Philippe Muray nói, bói toán tử vi có một ý nghĩa lớn, ấy là rút ngắn đi vài tiếng khoảng thời gian cần có để một người đàn ông đưa được một người đàn bà (điều này đặc biệt đúng nếu đó là các thiếu nữ) lên giường - tất nhiên, những ai rành Flaubert đều biết ở đây đang ám chỉ trường đoạn nổi tiếng trong Madame Bovary.

Trên một số địa hạt, mọi thứ đều được phép.

Trở lại với cuộc đào thoát khỏi Les Plombs: đó là thời điểm Casanova ba mươi tuổi, giữa thập niên 50 của thế kỷ 18. Là một người Venezzia thì cũng đồng nghĩa với cuộc sống đeo mặt nạ (không hề là nghĩa bóng); sự hóa trang cũng xuất hiện vào nhiều thời điểm then chốt, trong đời Casanova. Ít nhất hai cuộc tình - đều thuộc vào số những chuyện tình hay nhất - của Casanova liên quan đến cái đó. Henriette hiện ra trước mắt Casanova trong trang phục đàn ông (nhà binh), nhưng còn hơn thế nhiều: trước cả khi gặp Henriette (tức là lúc Casanova còn rất trẻ) Thérèse (đây không phải Thérèse Imer đã nói ở trên, tuy với Thérèse này cũng có sự gặp lại rất đáng nhớ; trong đời, Casanova biết đến không ít Thérèse) đã khiến Casanova mất rất nhiều thời gian bán tín bán nghi không biết đó là đàn ông hay phụ nữ. Thérèse ban đầu là "Bellino", vào vai một "castrat" (tức là thằng bé bị thiến để giữ giọng - điều này không quá hiếm vào thời ấy); thậm chí Thérèse còn được Salimbeni ân nhân đồng thời là thầy dạy trang bị cho một thứ đồ tinh xảo (mang thẳng lên người) nhằm xua đuổi những hồ nghi về giới tính. Một cuộc đời như cuộc đời Casanova có vô cùng nhiều tính cách kịch; bản thân Casanova từng có lúc nghĩ mình là con người của sân khấu.

Nhưng đó là một nhà văn, một nhà văn đúng nghĩa: rất khó nhìn thấy điều này, nếu không gạt đi được mọi ấn tượng về một bad reputation ở tầm mức ấy.

Histoire de ma vie được viết bằng tiếng Pháp ở đoạn hơn chục năm cuối đời Casanova (hơn chục năm ấy, Casanova không hề ở Ý hay Pháp, thậm chí Đức hoặc Áo, Tây Ban Nha mà trôi dạt sang tận Dux bên Bohême - về xứ Bohême Bohemia xem ởkia; Casanova sống thọ, tận năm 1798 mới chết: điều này làm cho có lần Casanova cảm thán, khi kể chuyện mình sang phương Đông - phương Đông đối với Casanova là Constantinople, Corfou, hồi chưa tròn hai mươi tuổi - là từ chỗ trong miệng có tổng cộng tận ba mươi cái răng, thời điểm viết hồi ký còn mỗi hai cái), nhưng đó lại không hề là một người bilingue, thậm chí còn học tiếng Pháp tương đối muộn. Còn rất trẻ, Casanova từ quê nhà Venezzia đến Rome (rẽ qua Naples - trước khi đi còn kịp ném một kẻ thù xuống nước, nhưng lại tự tạo được một alibi quá tuyệt hảo nên không bị làm sao), từ đó sang phương Đông rồi về lại Venezzia và lúc này mới bắt đầu học tiếng Pháp. Đầu thập niên 50, Casanova đến Paris lần đầu tiên - một thời gian thì gọi em trai Francesco (François) sang, đây là một họa sĩ chuyên vẽ tranh chiến trận thành công không nhỏ; chính Casanova phát hiện ở Pháp không thực sự có họa sĩ vẽ các trận đánh nên nghĩ đến chuyện gọi em trai sang, và quả thật sự nhìn nhận của Casanova đã đặc biệt chính xác.

(ở trên đã nhắc tới Tireta người cùng Casanova thực hiện màn "tante et nièce" tuyệt vời, trong kỳ lưu trú Paris sau đó, tức là khi Casanova đã trốn khỏi nhà tù ở Venise; Tireta sẽ kết thúc cuộc đời như thế nào? sau một thời gian làm người tình của bà già [la tante] và được hậu đãi thì bà già lăn ra chết, khi sắp chết bà đuổi Tireta đi để quay về với Đức Chúa; Casanova lo cho Tireta sang Ấn Độ, tại đó Tireta kiếm được tài sản không nhỏ nhưng sau đó cũng lại mất hết)

Ở Paris, Casanova bỗng có một ông thầy dạy tiếng Pháp vô cùng oách, vì đó không phải ai khác ngoài Crébillon. Casanova nhiều lần cho thấy mình là độc giả của Boccace (Boccaccio), nhưng chắc chắn nhân vật Ý gây nhiều sung sướng hơn cả cho Casanova phải là Arioste (Ariosto).

Học ngoại ngữ thường xuyên là cơ hội tạo ra vô số chuyện rất buồn cười. Hồi ở Anh, quên khuấy mất người Anh gọi cái máy ảnh là "camera", tôi cứ gọi nó là "photo-machine" - dẫu thế nào thì cũng đã đảo vị trí từ (thêm nữa, ai cũng hiểu tôi muốn nói gì). Casanova cũng dạy tiếng Ý cho một số người, trong đó có một cô bé: một lần nọ, vì cô bé ấy nói sai, đặt "vi" (như vous, you) ra trước động từ, Casanova giảng là phải đưa "vi" ra sau, nhưng lại nói "sau" là derrière ("derrière" và "après" thì rất khác nhau, không như "before") - tất nhiên câu nói này làm tất cả những ai có mặt được một trận cười không thể kìm chế (nói "vi" thì người Pháp sẽ nghĩ đến "vit", mà "vit" không ở đằng trước lại ở đằng sau thì quá buồn cười) và tất nhiên cô bé kia thì đỏ mặt xấu hổ mãi không thôi. Nhưng câu nói kiểu Casanova lừng danh hơn cả là tại nhà hát, một nhà quý tộc hầu cận la Marquise (tức là la Pompadour), để ý thấy Casanova nên bắt chuyện, rồi đến lúc có hai phụ nữ xuất hiện, mới hỏi Casanova thấy ai đẹp hơn, Casanova đáp là cô kia, nhà quý tộc bảo nhưng cô ấy chân rõ xấu, thế là Casanova nói, khi đánh giá nhan sắc một phụ nữ thì mình "écarter les jambes" của người đó. Có rất nhiều "italianisme" trong sự viết tiếng Pháp của Casanova, chẳng hạn Casanova sẽ viết là à pieds chứ không "à pied". Nhà quyền quý ấy chính là maréchal de Richelieu lừng danh.

Sau khi rời Paris (lần thứ nhất), Casanova sang Dresde (Dresden) và Wien Vienne Vienna Wien. Cuộc sống ở Vienne mau chóng gây chán ngán cho Casanova vì phương diện luật tục: l'imprératrice ở đây kiểm soát đức hạnh con người nghiêm ngặt đến nỗi nhan nhản khắp nơi là các "commissaire de chasteté" - như vậy thì không chỉ khó hủ hóa mà còn gần như chẳng có được bất kỳ màn galanterie nào. Còn Dresden khiến Casanova có một miêu tả: xét về "matériel" (dùng đúng từ này) thì phụ nữ Đức vượt xa phụ nữ Ý và phụ nữ Pháp, nhưng chẳng có chút nhã nhặn nào.

Một nhà văn lớn đồng nghĩa với cái nhìn chuẩn xác (cái đó đi kèm với ngôn ngữ chuẩn xác - tuy có thể dính nhiều "italianisme"). Còn rất trẻ, thậm chí còn chưa rời khỏi Venezzia quê hương, Casanova đã hiểu bàn chân nhỏ thì quan trọng đối với phụ nữ như thế nào (nhất là những phụ nữ cao, đặc biệt là các phụ nữ rất cao). Có rất nhiều điều vô cùng sáng suốt trong cái nhìn của Casanova, ở đây chỉ nói đến thái độ của Casanova với các bác sĩ: Casanova hiểu ngay được rằng, làm hại cho sức khỏe loài người nhiều nhất chính là đám bác sĩ. Không chỉ nghĩ như vậy, Casanova còn đưa điều này vào hành động: một lần lăn ra ốm, đã mê sảng thì bất ngờ tỉnh lại, Casanova nhìn thấy một viên bác sĩ đang chuẩn bị chích huyết cho mình; vốn dĩ súng lúc nào cũng để trong tầm tay nên Casanova vớ ngay lấy và bắn luôn. Phát đạn đuổi đi hết bác sĩ và thầy thuốc; viên bác sĩ suýt chích huyết kia bị bay mất một lọn tóc. Nhưng có lẽ đó chính là cách xử lý đám bác sĩ đúng đắn hơn cả. Casanova cũng nói, những ai tự thấy mình "dévot" (ngoan đạo) thì tốt nhất đừng đọc Chuyện đời tôi của mình - Casanova không chỉ là tác giả của bộ sách ấy, mà còn viết nhiều thứ khác nữa.

Sự sáng suốt ấy còn thể hiện - dẫu điều này có thể phi lý tới mức nào - trong tình ái. Hồi ở Paris (lần thứ hai) Casanova, trở nên rất giàu có, mua một khu nhà ngoại ô Paris, "Petite Pologne" và ở đó ngủ với một người tình, là vợ của một người bán quần áo. Hai vợ chồng mới lấy nhau (Casanova là khách hàng), người phụ nữ ban đầu không chịu ngủ với Casanova vì nói tuy đã lấy chồng nhưng mình vẫn còn trinh. Vài hôm sau thì lại ok, bảo thật ra mình vẫn còn trinh nhưng chồng lại tưởng đã xong việc rồi. Quả thật là như vậy - Casanova miêu tả, chưa từng bao giờ có ban thờ thần Tình yêu nào lênh láng nhiều máu như thế. Nhưng đây là hậu quả của chuyện người cần làm công việc của mình đã không làm, hoặc giả không làm nổi.

Sau đoạn Paris-Dresde-Vienne, Casanova quay trở về Venise (chỉ còn không ít thời gian nữa là sẽ tới thời điểm của Inquisition và nhà tù Les Plombs ở chỗ Palais des Doges). Quãng thời gian này, Casanova có câu chuyện vô cùng hay với C. C. và M. M. trong đó CC là một cô bé mới mười bốn tuổi bị ông bố cho vào nhà tu kín để tránh gặp Casanova còn MM là một phụ nữ ngoài hai mươi tuổi vô cùng xinh đẹp và nồng nàn. Câu chuyện với một intrigue đặc biệt nhiều tầng lớp ấy (có sự tham gia của người tình của MM) cũng có không ít màn hóa trang, trong đó một lần MM đóng giả đàn ông đến cuộc hẹn với Casanova, một lần khác Casanova hóa trang thành Pierrot đến dự cuộc vũ hội trong nhà tu, mà cả CC lẫn MM có mặt đều không nhận ra. Và nhất là, có một yếu tố hết sức hiện đại: sự voyeurisme - vì người tình của MM (bí ẩn) trốn vào một chỗ để xem các màn tình ái giữa MM và Casanova.

Trở lại với chính bộ sách: nhưng, với Histoire de ma vie, Casanova thực sự đã làm gì? Đương nhiên, đó là một cú thoát (như đào tị Les Plombs) khỏi truyền thống của các bộ "Mémoires" (thế cho nên nhan đề version tiếng Anh phổ biến suốt một thời gian dài gây rất nhiều lừa mị), truyền thống của "mémoires" kèm với phụ đề "pour servir etc." Dẫu thế nào, Mémoires của Saint-Simon dường như đã đẩy hình thức ấy lên đến đỉnh cao - sau đó chỉ có thể còn suy thoái, và tha hóa (tha hóa của hình thức). Đó là "histoire", và đó là "vie" (như Marivaux khi viết truyện), hơi giống hình thức tiểu truyện các ông thánh. Tuy ở trên đã kể về cuộc gặp của Casanova với Rousseau, nhưng đối tượng chỉ trích kịch liệt nhất của Casanova trong riêng địa hạt viết về mình lại chính là Rousseau (tất nhiên, cụ thể hơn, Casanova chống lại Confessions của Rousseau).

Casanova ở tư cách người đầu tiên thực sự thoát khỏi các Mémoires, nhưng đồng thời Casanova cũng ở tư cách người cuối cùng của những cuộc tình vui: cả vai trò thứ hai này cũng vô cùng lớn - chính vào thời của Casanova (đúng là cuối của his life) truyền thống tình sầu bắt đầu: tất nhiên là Goethe (and his Werther), và tất nhiên, ngay tiếp nối là Chateaubriand (et son René). Kể từ bấy, tình yêu chẳng thể nào không đẫm nước mắt (và cái chết); nhưng đâu có gì nhất định bắt cứ yêu thì phải như vậy. Với tư cách này, Casanova xứng đáng là người cuối cùng của thế kỷ 18, cùng phong hóa của nó. Casanova vừa chết thì Balzac sinh ra.

Rousseau và Voltaire: Năm 1760, có một quãng Casanova ở Thụy Sĩ (nhiều thành phố chứ không cố định một nơi nào) - đây là ngay sau trường đoạn Soleure, nơi có câu chuyện xuất chúng (Madame F., Leduc người hầu của Casanova cùng bệnh gì đó lậu hay giang mai, nói tóm lại là bệnh hoa liễu) cho thấy quiproquo trong tình ái thì có thể ra sao (và lên đến mức nào), cũng như có người phụ nữ tuyệt vời, bà góa "la Dubois" mà Casanova gọi là "ma gouvernante" hay thậm chí "ma bonne". Tại một quán trọ, tình cờ nhìn lên ô kính cửa sổ, Casanova thấy dòng chữ mà Henriette đã dùng viên kim cương khắc lên, ngay trước khi họ chia tay nhau (không bao giờ Casanova thực sự biết về lai lịch Henriette, nữ quý tộc Pháp đã sống cùng mình trong ba tháng hạnh phúc nhất cuộc đời), mười ba năm về trước: té ra họ từng trọ trong chính căn phòng ấy. Đó là ngay trước khi Casanova gặp một thiếu nữ nhưng lại là một nhà thần học lớn, phản bác Saint-Augustin vì dám nói Đức Mẹ sinh ra Jesus bằng lỗ tai.

Ở Thụy Sĩ thì Casanova không thể không tới gặp Haller, "un grand savant". Ngay lập tức Haller chê bai Julie (tức là La Nouvelle Héloïse) của Rousseau, vì "cuốn sách nói dối", vì Rousseau nói dối: trong khi đó (theo Haller) Pétrarque đâu cần nói dối về his Laure.

Nhưng ở Thụy Sĩ thì Casanova cũng không thể không đến gặp một nhân vật Lumières nữa: chính là Voltaire. Casanova đã có vài ngày hay tới nhà Voltaire; câu chuyện mà Casanova kể là một câu chuyện tuyệt hảo, một trong những gì hay nhất từng được kể về Voltaire (nhất là khi, lồng vào đó còn là câu chuyện rất trác táng cùng một viên "syndic" Thụy Sĩ - trong đó ta lờ mờ nhận ra, té ra ngay ngày ấy đã có manh nha thứ về sau sẽ trở thành bao cao su). The peak của cuộc gặp đầu tiên Casanova-Voltaire: xoay quanh Arioste (nhân đó ta biết, mỗi năm trong vòng rất nhiều năm Casanova đọc lại tất tật Arioste hai đến ba lần; chỉ một nhân vật khác được Casanova hâm mộ nhường đó: Horace).

Để khỏi quá mệt với những điều trên đây, dưới đây là một trang hết sức đơn giản của Casanova:





(còn nữa)

14 comments:

  1. L'infini turbulent, Johannes!

    ReplyDelete
  2. the temperature decreases when listening to Purcell, especially Suite from «The Fairy Queen»

    ReplyDelete
  3. I can't live
    If living is without you
    I can't live
    I can't give anymore
    ^^

    ReplyDelete
  4. Không đùa chứ khi kể chuyện NL cũng hết sức charming :) Casanova cuối đời có kết thúc bi thương như cold case của Purcell không nhỉ?

    ReplyDelete
  5. an unrepenting con man who is also, as Henriette rightly says, "the most honest man of my acquaintance"

    "I felt myself born for the fair sex, I have ever loved it dearly, and I have been loved by it as often and as much as I could." C có thể coi là cùng thời với một nhân vật phương Đông viết ra câu chuyện tương tự, Tào Tuyết Cần (hơn C đúng 10 tuổi)

    ReplyDelete
  6. Voglio “Una notte a Napoli” con te

    ReplyDelete
  7. một trang nhưng hơi nhiều câu hỏi tu từ. Ce ñ’est pas si facile.

    ReplyDelete
  8. Hình ảnh anh ngồi trên “tàu hoả đối chiếu” đọc De l’esprit bìa da cũ kỹ- thật là painting hí hí

    ReplyDelete
  9. có phần tiếp theo đấy: https://nhilinhblog.blogspot.com/2022/07/mai-roi-cung.html

    ReplyDelete