"Nhưng điều gì bảo chứng cho những cái mới?
Đấy là khả năng về cũ đi, của chúng."
(XYZ)
tiếp tục câu chuyện "trong hiệu sách"
Nói chuyện sách mới, nhưng tôi lại muốn nói đến cũ. Nhưng làm gì có cách nào khác: không thể không.
Những quyển sách được sản xuất ra tại Việt Nam những năm trở lại đây đã lâm vào một tình cảnh (một tình trạng rất nhiều tính cách ngõ cụt): chúng không cũ được. Nhưng điều này nói lên vô vàn thứ - nếu không muốn nói là mọi thứ; bởi vì, sách cũ lại chính là phong vũ biểu cho sách mới, dẫu trông có vẻ nghịch lý đến đâu. Ởkia, khi miêu tả các hiệu sách cũ bên bờ sông, tác giả (Léon-Paul Fargue) đã nói lên một điều rất chuẩn xác: phải thông qua bộ lọc là thế giới sách cũ (mà một trong các biểu hiện là hiệu sách cũ) thì mới biết được nhiều thứ.
Không có sách best-seller: mệnh đề này giờ đã có thể nói một cách hết sức rõ ràng, chỉ cần đặt thêm vào một yếu tố mới, cặp cũ-mới.
Tuy không phải là một nhà sưu tầm (về sưu tầm, xem ởkia và ngược về trước theo những đường link) nhưng không phải là tôi không biết về thế giới sưu tầm, và điều tôi nói ngay sau đây, tôi nghĩ những người cũng hiểu biết về sách cũ và công việc (trò chơi) sưu tầm sẽ thấy đúng ngay: tôi chưa từng thấy có ai dở người đi sưu tầm sách của những nơi như First News, Alphabooks (và các phái sinh), Đông A cũng như nhiều cơ sở xuất bản Việt Nam khác - dẫu những nơi này cũng đã có cái gọi là "lịch sử" của không ít năm. Những cơ sở mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây cũng đã mau chóng rơi vào cùng cảnh. Người ta sẽ giải thích bằng cái mệnh đề dùng nhiều đến xơ cả ra, rằng người Việt Nam ít đọc sách etc. Nhưng hoàn toàn không phải thế (hoặc nếu có là thế thật, thì cũng chỉ thế rất ít). Vấn đề là rất nhiều sách (mới) ở Việt Nam đã bị tước mất khả năng cũ đi. Chúng không bao giờ trở thành sách cũ.
Chỉ cần đặt lại vấn đề như vậy là đã hiểu ngay tại sao không ít nơi in sách mới cứ đề giá bán cao ngất rồi ngay lập tức giảm giá một nửa, thậm chí hơn một nửa. Đấy là vì sách của họ không thể cũ. Chúng cứ mới mãi, như chịu một lời nguyền.
Thế giới của sách - ở Việt Nam, nhưng tất nhiên đây là chuyện ở trên bình diện rộng hơn rất nhiều; nhất là khi từng có lúc giới xuất bản toàn cầu nghĩ là có thể khai thác mấy thứ như thế giới facebook etc. - bỗng, như là có một cú yểm bùa nào đó, trở nên rất giống với black magic. Tức là, rất tương tự như khi những người dùng black magic (nói đơn giản là bùa ngải) dùng đến một số phương pháp có mục đích là sắp xếp lại các khả năng, thế giới sách dồn hết những gì mà nó có ở khía cạnh đốt được để đốt hết đi luôn.
Như vậy tức là không có thời độ.
Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc một quyển sách không còn là chính nó - không hề là một quyển sách. Một quyển sách thì giống mọi thứ trên đời, ở chỗ nó có ba chiều. Nhưng sách lại đồng thời thuộc vào một trong số những gì có chiều thời gian riêng. Một quyển sách không đủ chiều, đương nhiên, do những người không đủ chiều làm nên - "người không đủ chiều": rất tương tự với khái niệm "con người uni-chiều" của Herbert Marcuse. (và vậy nhưng, những người làm nghề xuất bản sẽ luôn luôn khẳng định sách là một loại hàng hóa, nhưng đặc biệt: đây là khía cạnh mị dân đặc thù; vả lại, có đặc biệt thật thì chính họ đã tiêu diệt sự đặc biệt ấy đi, chứ không phải ai khác)
Những người dùng đến black magic là những người không biết sống; tương tự, các nhà xuất bản làm ra sách không cũ được là những người không biết đọc.
[tôi coi cái comment bên dưới - comment thứ nhất - là phát ngôn của Omega nhé (mà chắc cũng đúng thế thật, tôi biết đủ các nhân vật ở đó để có thể nghĩ như vậy): tôi sẽ trả lời hết sức cụ thể và thấu đáo]
Nào, trả lời: xem ởkia.
Những quyển sách ở Việt Nam gần đây bỗng mang giá (price) rất to. Mọi thứ của chúng cần phải to: nhất là khổ sách. Không những thế, sách đã to rồi lại còn hay cho vào hộp. Rất giống bánh trung thu. Cái hộp: thêm một yếu tố nữa nói lên rõ mồn một chuyện sách đâu phải là để đọc. Mà đọc làm sao nổi, mấy cái thứ ấy. Không những thế, lại còn hộp bằng gỗ (chứ không chỉ bìa, carton etc.). Tiểu thuyết cũng giống từ điển, mà lại là Từ Hải.
(một trong những cuốn sách gần đây tôi có vai trò, cuối cùng khi nhanh chóng hiểu ra không thể làm gì được, tôi đã dành toàn bộ sự phản đối chỉ nhằm vào duy nhất một điều (tức là hy sinh mọi yếu tố khác): tôi đòi quyển sách đó phải in khổ không to bằng mấy cái khổ đại tướng; khổ sách 24x16 hay tương tự đồng nghĩa với cái chết của sự đọc)
Đến đây đã có thể thấy irony của những đòi hỏi về visibility. Không ai còn chịu nổi nếu không được toàn thể thế giới nhìn thấy, đập ngay vào mắt, ai cũng phải biết. Dẫu cho chẳng để làm gì.
Không có best-seller, nhưng chưa hết, tôi sẽ nói: cũng không có dòng nào cả, trong thế giới sách. Dòng này hay dòng nọ chỉ thuần túy là sự bịa đặt - sự bịa đặt của những người không biết đọc. Vì không đọc, họ bịa ra đủ thứ trên đời, nhất là dòng x sẽ bán chạy etc. Cho tôi hỏi cái, thế cái dòng "light novel" cách đây không lâu được coi như là tương lai của nhân loại, giờ nó thế nào rồi? có phải là cũng đã giống sách tô màu trước đây không? - à, mà còn chẳng bằng.
Không chỉ to (và giá cao), những quyển sách lại còn sặc sỡ. Vào một hiệu sách - điển hình như cái hiệu sách trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, vài năm trở lại đây - sẽ thấy không khác gì vào một chuồng vẹt. Sự sặc sỡ ấy như thể hồi ứng với sự sặc sỡ của thế giới (tạm gọi là) bên ngoài, tức là thế giới mang đặc trưng lớn nhất ở tính cách nouveau riche của nó.
Tất nhiên, đã nói đến màu sắc thì tức là trước hết nói đến họa sĩ. Họa sĩ trong thế giới xuất bản Việt Nam: xem ởkia (về một nơi biên tập viên sách lại có rất nhiều họa sĩ hoặc liên quan đủ mọi cách đến hình ảnh).
(một thủ thuật nhỏ - nguyên tắc cần đơn giản - để hiểu ra quyển sách tìm thấy ngoài hiệu và đang cầm trên tay không đáng đọc lắm nằm ở chỗ: cứ thấy sách nào có lời tựa, mà lời tựa ấy kết thúc bằng dòng "Xin trân trọng giới thiệu với độc giả" cộng thêm một số biến tấu)
(những lời tựa xin trân trọng giới thiệu: chủ yếu chúng có mục đích câu thêm trông cho dài, để làm như tác giả lời tựa quả thật có gì để nói về cuốn sách mà họ giới thiệu; cũng như khi các cơ sở xuất bản dùng ngôn ngữ đặc vị nouveau riche như "tri ân" thì tức là họ chẳng tri ân chút nào, nếu "trân trọng" thì đồng nghĩa với chẳng có chút trân trọng nào - tương tự ngôn ngữ ngoại giao, "chúng tôi đánh giá cao etc."; đó là ngôn ngữ lưỡi gỗ; một thủ thuật khác: dưới text chính của lời tựa, ngay sau "trân trọng giới thiệu" thường sẽ ghi ngày tháng và địa điểm viết - tha hồ mà xem những điệu đà chẳng hạn "Ngày trọng thu abc", "Thượng nguồn sông Tô xyz"; chỉ nhìn vào đó thôi đã có thể có một cái nhìn đầy tính cách xã hội học: văn nhân thời nay rất nhiều người dồn tụ về Đồng Xa, Đồng Bát với cả Mỹ Đình)
Những dòng sách thể hiện một thái độ: nói đến dòng sách này dòng sách kia (và chỉ nhìn vào đó) không chỉ cho thấy không đọc được cuốn sách cụ thể, mà đó còn đích xác là thái độ của những con người ưa âm mưu, những con người của thuyết âm mưu, các thầy bói chuyên đoán mò. Và cái đó là biểu hiện không thể đặc trưng hơn của những đầu óc trung bình (thấp thì đúng hơn) - những người này rất thích tỏ ra trầm ngâm và sâu sắc, hay đoán định (sẽ đoán sai hết nhưng về sau sẽ điều chỉnh lại một số thứ để trông không có vẻ như thế lắm nữa). Rất tương tự là cái mốt cách đây không lâu: những người nào có đầu óc vớ vẩn hơn cả thì cứ không ngớt chơi trò ngụy biện, tức là không xem một cái gì đó nói gì mà chỉ chăm chăm khép lỗi về fallacy. Dùng chiêu fallacy này có thể phân biệt được một cơ số rất lớn đám người thích tỏ ra quan trọng (và nguy hiểm). Cũng như những người cứ mở miệng là Tập với Trump - ai ai cũng "thiên hạ đại thế luận", ai cũng muốn mình là Nguyễn Trường Tộ. Nhưng hiển nhiên là không hề muốn phải chịu đựng những gì Nguyễn Trường Tộ từng phải chịu.
Và còn nghiêm túc hơn nữa, các cơ sở xuất bản bắt đầu có cả một wave về cố vấn. Cố vấn: ấy là bởi các cơ sở xuất bản không đọc và không biết đọc nên cần những thứ bảo chứng như vậy. Ở đây thấy rõ ngay nhiều điều, trong đó có sự cũ.
Bởi vì, điều hài hước nằm ở chỗ, không ít người làm cố vấn như vậy, tuy tỏ ra là tay sành sỏi trong thế giới sưu tầm (tức là thế giới sách cũ) nhưng chính họ lại góp phần không nhỏ tạo ra những cuốn sách không thể cũ. Từ đây, nhìn ngược lại, có thể thấy rằng mấy cái hiểu biết về sách cũ (hay được thân thương gọi là sách xưa) của họ, về cơ bản cũng chỉ là vờ vịt.
Âm mưu và âm mưu: rất nhiều âm mưu (nhưng rất ít, nếu không muốn nói chẳng hề có, tình yêu). Cách đây một số năm, mấy người khăng khăng ebook là tương lai (lại) của nhân loại, giờ đâu hết rồi nhỉ?
Như vậy tức là, có thể thấy nhà xuất bản nói dối khi xuất hiện từ miệng họ những từ như "tri ân" hay "trân trọng". Nhưng sự nói dối ấy cũng nằm ở chỗ: những lúc deal với nhà xuất bản nào đó, nếu thấy họ nói đến lý do (viện cớ) gì đó liên quan đến thương mại, thì tức là họ nói dối. Nhưng cái đó rất dễ hiểu: những người làm ra sách nhưng lại không biết đến cả chuyện quyển sách là gì (biểu hiện lớn: sách hiện nay chủ yếu để bày chứ không phải để đọc - vả lại, đọc làm sao được) thì cũng chỉ tự cho là mình hiểu bất kỳ cái gì về thương mại hay kinh doanh.
Các nhà xuất bản nói dối đặc biệt táo tợn khi in những sách kiểu "hỏi đáp vui về triết học" etc. (Lời của Nietzsche cho người trẻ là một thứ trọng tâm): nếu không biết gì về triết học thì hoàn toàn có thể đừng làm mà.
Nhưng các cơ sở xuất bản Việt Nam hiện nay không thể làm như vậy: tất cả bắt chước nhau; tất cả đều in sách business, cũng như mọi thứ khác. Tất cả đều bản đặc biệt etc. Sách đều rất to, nặng, nhiều màu. Và không thể đọc.
Từ đó mà có vai trò của các giám đốc PR. Nhưng chưa bao giờ, trong ngành xuất bản tại Việt Nam, mấy nhân vật thuộc dạng này làm được bất kỳ điều gì. Dưới đây tôi sẽ kể về một giám đốc PR cụ thể - câu chuyện có lẽ nói lên đầy đủ mọi thứ, về khía cạnh này.
(dục vọng trở thành ông chủ ở các nhân vật thuộc giới xuất bản Việt Nam lớn không kém gì bất kỳ một nouveau riche làm bất kỳ một cái gì khác; cũng không hề khác là dục vọng dạy dỗ người khác về mọi thứ trên đời, cũng như cái thói mở miệng là nói điều hay ho: chính vì thế rất nhiều người thích nói đến thái độ, trong khi chính ở họ thái độ luôn luôn tồi tệ, thậm chí còn không hiểu nổi đến chuyện thái độ nghĩa là gì; nhưng vậy là rất thường: phụ nữ lăng loàn đặc biệt thích nói chuyện tiết hạnh)
Một ví dụ về sự bắt chước nhau và bài học có thể rút ra từ đó: cuốn sách của Fukuzawa Yukichi trong nhan đề có từ "văn minh" (đấy, lại nó) mà tôi từng nhắc. Các cơ sở xuất bản Việt Nam chạy đua với nhau (bất thần, như lên cơn động kinh) với riêng cuốn sách ấy.
Nhưng trong cơn cuồng loạn, chẳng một ai để ý đến một điều rất cơ bản: thật ra, cuốn sách đó có giá trị gì không? Tôi sẽ nói ngay, là không: Fukuzawa Yukichi đâu phải là một great thinker, thậm chí còn chẳng hề là "thinker" gì cả. Việc một nhân vật như vậy có ý nghĩa đặc biệt với Nhật Bản vào một thời điểm đặc thù, điều đó thì không có gì phải chối cãi, nhưng từ đó đâu đương nhiên cái việc, ấy là một nhân vật còn ý nghĩa vào thời chúng ta (tức là thực sự còn nói gì đó). Tôi nghĩ, trong sự tranh đua vừa nói, có vai trò không nhỏ của yếu tố, chân dung Fukuzawa Yukichi được in lên tiền Nhật. Từ đó mà bốc lên ảo tưởng.
Một tương tự, để cho thấy thói cuồng Nhật (rộng khắp, nhưng nhất là, và đáng nói nhất, ở tầng lớp thích dạy dỗ) tại Việt Nam: cứ thấy Kawabata Yasunari là rú rít lên. Nhưng đó là người viết ra một thứ văn chương kitsch. Ở một khía cạnh khác, một nhà văn không như vậy lắm, Tanizaki Junichiro, cũng trở thành vậy luôn, sau khi đã qua bàn tay chế biến của một cơ sở xuất bản Việt Nam, thời gian gần đây. Biến mọi thứ trở nên tầm thường đã trở thành hoạt động cơ bản.
Và yếu tố quyết định điều đó nằm chính xác ở thái độ của các cơ sở xuất bản Việt Nam, gọi tên hết sức cụ thế: không đọc và không biết đọc. Sau mười lăm năm, lại giống hệt tình trạng các nhà xuất bản (nhà nước). Không bao giờ sự mèo lại hoàn mèo không hấp dẫn, nếu mà biết nhìn.
À nhưng quên, tôi đang định kể chuyện về một giám đốc PR trong ngành xuất bản vinh quang của chúng ta.
(còn nữa)
đã tiếp tục "Trong lúc đọc Huysmans (2)"
Trong hiệu sách (7) giống
Trong hiệu sách (6) trông như là
Trong hiệu sách (5) best-seller và PR
Một thực tại-hiệu sách
Trong hiệu sách (4)
Trong hiệu sách (3) "Cô ít ra khỏi nhà từ khi bà gần như mù"
Sách alpha omega là sách khai dân trí, có phải như văn học đâu, chuyên môn của ông đâu phải mảng ấy.
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteTypo: đấy -> đầy ạ
ReplyDelete“chỉ nhìn vào đó thôi đã có thể có một cái nhìn đấy tính cách xã hội học”
yes,sửa rồi
ReplyDeletechứng ung thư của sách. nếu gia đình có điều kiện chắc đã đem qua Sing. nhân chuyện "cũ đi", bỗng nhớ có đôi thứ từng bị dèm chê đàn hặc ghê lắm, mà thật thì cũng đã kịp cũ đi thì phải, chẳng hạn một ít thơ mà ngày trước cắm đầu học phân tích để đi thi, ví dụ "Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh thành tiếng hát. Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân. Những kẻ quê mùa đã thành trí thức. Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng."
ReplyDeletethế này còn kinh hơn chứ: "đi qua xóm núi Thậm Thình" - mà tại sao nhiều Đồng Xa Đồng Bát Mỹ Đình thế nhỉ, có khí tượng văn chương tụ à?
ReplyDeletetừ một giai thoại thời còn wave "tiếng V. trong sáng" : dân ngu không được ngu dân (- hiểu chết liền!)
ReplyDelete