Jun 4, 2010

Dành cho các bác nghiên cứu lịch sử âm nhạc VN

Tôi mới mò ra được một loạt bài mang tên Quá trình tiến triển của lịch sử nền nhạc Việt của Nguyễn Duy Diễn và Phạm Vinh, giáo sư trường trung học Văn Lang và trường Bắc Bình Vương, đăng gần 10 kỳ trên một tờ tạp chí Hà Nội trước 1954, loạt bài nhiều tài liệu phong phú. Nếu hai nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs và Nguyễn Trương Quý còn chưa có thì tôi sẵn sàng cung cấp. Nguyễn Duy Diễn sau này vào Sài Gòn dạy học, viết rất nhiều sách thuộc dạng sách giáo khoa văn học.

Mang tài liệu ra để câu bộ sách của bác Quý :) Trong trilogy này tôi đã có lần review quyển Ăn phở rất khó thấy ngon. Tuy rằng bác Quý đã hứa sẽ tặng nhưng cứ thế mà nhận thì cũng ngại, đấy bác xem có mấy cái tài liệu em mang đổi, bác tặng sách em nhá :d

------------------

(đợi lát viết tiếp)

Tiếp đây:


Lẽ dĩ nhiên, ở post trước về Coetzee, khi nhắc tới các nhà văn đồng thời là nhà tiểu luận siêu hạng, tôi còn bỏ qua rất nhiều người. Các nhà văn Pháp luôn luôn viết tiểu luận cực hay, nhưng chắc ít người đọc: Valéry, Gide, Du Bos, Paulhan, Bataille, Gracq. Và còn một người nữa hiện nay vẫn đang sống: Orhan Pamuk.

Tập Other Colors. Essays and a story có lời nói đầu vô cùng hay, tôi dịch dưới đây.

Lời nói đầu

Đây là một cuốn sách được tạo nên từ các ý tưởng, hình ảnh, phân mảnh cuộc sống vẫn còn chưa tìm ra con đường đi vào những tiểu thuyết của tôi. Tôi đã xếp chúng cùng vào đây trong một chuỗi văn liền mạch. Đôi khi tôi thấy thật kinh ngạc vì đã không có khả năng đưa vào trong tác phẩm hư cấu của tôi mọi suy nghĩ mà tôi cho là xứng đáng khám phá: những thời khắc kỳ cục của cuộc đời, những xen cảnh nhỏ bé của cuộc sống hằng ngày mà tôi muốn chia sẻ với những người khác, và những từ ngữ phát ra từ tôi với sức mạnh và niềm vui khi có dịp sung sướng. Một số phân mảnh có tính cách tự truyện; một số tôi viết rất nhanh; những phân mảnh khác tôi để sang một bên khi mà sự chú ý của tôi đang trôi nổi đâu đó. Tôi quay trở lại với chúng theo cái cách rất giống cách tôi quay trở lại với những bức ảnh cũ, và - mặc dù hiếm khi nào tôi đọc lại những cuốn tiểu thuyết của mình - tôi thấy rất thích khi đọc lại các tiểu luận này. Điều tôi thích nhất là những khoảnh khắc khi chúng hiện lên bên trên tính chất tạm bợ, khi chúng có nhiều ý nghĩa hơn là đáp ứng đòi hỏi của các tờ tạp chí và tờ báo đã đặt hàng, nói nhiều về những quan tâm, hào hứng của tôi hơn là tôi từng có ý định vào lúc ấy. Để miêu tả những epiphany, những khoảnh khắc đáng kinh ngạc khi theo một cách nào đó chân lý được soi rọi, Virginia Woolf đã có lần sử dụng cụm từ "những khoảnh khắc của tồn tại".

Từ 1996 đến 1999 tôi viết hằng tuần cho tờ Con bò, một tạp chí chuyên về chính trị và hài hước, và cũng tham gia minh họa bài nữa. Chúng là những tiểu luận ngắn êm ái viết một lèo, và tôi rất thích nói về con gái tôi và các bạn tôi, thăm dò mọi vật và thế giới bằng đôi mắt tươi mới, nhìn thế giới bằng từ ngữ. Theo thời gian, càng ngày tôi càng ít coi tác phẩm văn chương là kể lại thế giới, mà coi nó "nhìn thế giới bằng từ ngữ." Kể từ thời điểm khởi sự dùng từ ngữ như là màu sắc trong một bức tranh, một nhà văn sẽ bắt đầu thấy thế giới tuyệt diệu và đáng kinh ngạc đến thế nào, và anh ta sẽ đào sâu hoắm vào ngôn ngữ để tìm ra giọng riêng cho mình. Để làm được như vậy anh ta cần giấy, một cây bút, và sự lạc quan của một đứa trẻ lần đầu tiên nhìn vào thế giới.

(vẫn còn tiếp, dài :d)

Tiếp

Tôi tập hợp những bài này để tạo ra một cuốn sách hoàn toàn mới với trọng tâm là tự truyện. Tôi bỏ đi nhiều phân mảnh và rút ngắn lại nhiều phân mảnh khác, chỉ giữ lại một số đoạn từ hàng trăm bài báo và điều động một ít tiểu luận đến đóng ở các vị trí kỳ cục nhưng có vẻ phù hợp với kết cấu của câu chuyện này. Chẳng hạn, ba bài diễn văn từng được in cùng trong một tập sách riêng bằng tiếng Thổ và nhiều thứ tiếng khác dưới nhan đề Chiếc va li của cha tôi (có bài diễn từ nhận giải Nobel cùng tên, bài "In Kars and Frankfurt", bài diễn văn tôi đã đọc nhân dịp Giải thưởng Hòa bình Đức, và "The Implied Author", bài diễn văn tôi đọc tại hội thảo Puterbaugh) trong đây nằm ở các phần khác nhau nhằm phản ánh cùng cái câu chuyện mang tính cách tự truyện ấy.

Bản Other Colors này được dựng nên từ cùng bộ khung giống như cuốn sách cùng tên đã in tại Istanbul vào năm 1999, nhưng cuốn trước mang hình thức một tuyển tập, còn cuốn này có dáng hình của một chuỗi phân mảnh, khoảnh khắc, suy nghĩ có tính cách tự truyện. Nói về Istanbul, bàn về những cuốn sách, tác giả, bức tranh ưa thích của tôi, với tôi đây vẫn luôn luôn là một cái cớ để nói về cuộc đời. Các bài New York của tôi được viết vào năm 1986, khi lần đầu tiên tôi tới thành phố, tôi đã viết chúng nhằm ghi lại những ấn tượng đầu tiên của một người nước ngoài, viết cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ. "To Look out the Window," cái truyện nằm ở cuối sách, có tính cách tự truyện mạnh đến mức tên của nhân vật chính hoàn toàn có thể là Orhan. Nhưng người anh trai trong truyện, cũng như các ông anh trai khác trong mọi câu chuyện của tôi, ác độc và bạo chúa, không có chút liên quan nào tới ông anh trai thực của tôi, Sevket Pamuk, sử gia kinh tế xuất chúng. Khi cấu tạo xong cuốn sách, tôi bối rối nhận ra rằng mình có một mối quan tâm đặc biệt và lúc nào cũng rất sẵn sàng đối với các thảm họa thiên nhiên (động đất) và thảm họa xã hội (chính trị), thế nên tôi bỏ bớt đi một số bài viết chính trị có màu đen tối. Tôi vẫn hằng tin bên trong tôi ẩn trú một kẻ nghiện viết hau háu và ghê gớm - một sinh thể không biết thế nào là viết cho đủ, kẻ lúc nào cũng biến cuộc sống thành từ ngữ - và để làm cho kẻ ấy hạnh phúc tôi cần tiếp tục viết. Nhưng khi tạo hình cho cuốn sách này, tôi phát hiện ra là kẻ nghiện viết có thể hạnh phúc hơn nhiều, ít đau đớn hơn vì chứng bệnh liên quan tới viết của hắn. Tôi rất mong độc giả nhạy cảm dành nhiều quan tâm tới công việc sửa chữa sáng tạo [không hiểu rõ lắm, hình như "creative editing" ở đây muốn nói một ý gì khác] của tôi cũng ngang bằng với nỗ lực mà tôi bỏ vào bản thân việc viết.

Tôi không hoàn toàn cô độc với tư cách là người rất ngưỡng mộ nhà văn-triết gia người Đức Walter Benjamin. Nhưng để gây tức tối cho một người bạn tôi quá mức sùng bái ông (bạn tôi dĩ nhiên là một người trong giới hàn lâm), thỉnh thoảng tôi hỏi cô, "Ở cái ông nhà văn này có cái gì vĩ đại thế? Ông ấy viết xong được có một vài quyển sách, ông ấy có nổi tiếng thì cũng không phải bởi vì những gì ông ấy đã hoàn thành mà là vì những gì ông ấy không làm sao mà hoàn chỉnh cho nổi." Bạn tôi đáp tác phẩm của Benjamin, cũng như bản thân cuộc sống, không có đường ranh giới và do đó có tính cách phân mảnh, đó cũng chính là lý do khiến cho rất nhiều nhà phê bình văn học từng cố hết sức để mang lại nghĩa cho các tác phẩm ấy, giống hệt như cách họ làm với cuộc sống. Và lần nào tôi cũng mỉm cười mà nói, "Một ngày nào đó tôi sẽ viết một cuốn sách cũng chỉ gồm toàn các phân mảnh." Cuốn sách ấy đây, được đặt trong một bộ khung nhằm gợi ý tới một trung tâm mà tôi từng cố che giấu: tôi hy vọng độc giả thích thú cái việc suy tưởng cái trung tâm ấy thành tồn tại.

---------------

(hết lời nói đầu rồi, nhưng entry này vẫn chưa hết, thế mới máu :d)

Tiếp nữa

Nhân vừa đọc bên nhà Mr. Tin Văn, muốn nói thêm là cái mơ ước viết một cuốn sách gồm toàn trích dẫn đã được Paul Auster thực hiện (something into being, nhẩm lại để học idiom) ở The Invention of Solitude. Đang rất sốt ruột chờ quyển này em Z. sắp mang về cho, trước đây tôi mới đọc bản tiếng Pháp, dịch giả (Vacher thì phải, đã có lần tôi bắt tay tại Buchmesse :d) phải nhờ chuyên gia đi tìm trích dẫn.

Bài của Pamuk hấp dẫn tôi nhất chính là đoạn kết nói về Benjamin. Một điểm nữa hấp dẫn tôi, ngoài cái ý tưởng độc đáo về việc essay cũng có thể có tính cách tự truyện, là ông ấy nói rất thích đọc lại các essay mình viết, trong khi fiction thì gần như chẳng bao giờ. Very good point :)

Bài về Benjamin của Coetzee khi đưa vào Inner Workings đã được đổi tên, thành "Walter Benjamin, the Arcades Project". Arcade cũng là một khái niệm trung tâm trong suy tư của Benjamin.

---------------

(vẫn chưa hết, kinh chuuuuuuuưa :d)

Lại tiếp

Bỏ thuốc lá

Tôi bỏ thuốc được 272 ngày rồi. Tôi nghĩ giờ thì mình đã quen với việc đó. Nỗi cồn cào của tôi đã nguôi ngoai, tôi không còn cảm thấy như thể một phần cơ thể mình bị cắt rời. Không, phải sửa: tôi vẫn không ngừng cảm thấy nỗi thiếu, tôi không ngừng cảm thấy như là đang bị tách khỏi cái toàn thể tôi, chỉ là giờ đây tôi đã thích nghi với việc nghĩ theo hướng đó; nói chính xác hơn, tôi đã chấp nhận thực tại cay đắng.

Tôi sẽ không bao giờ hút thuốc lại, không bao giờ hết.

Tôi nói điều này, thế nhưng tôi vẫn có những giấc mơ ngày trong đó tôi hút thuốc. Nếu tôi nói các giấc mơ ngày ấy bí mật lắm, đáng sợ lắm, rằng ta giấu giếm chúng khỏi bản thân chúng ta... thì bạn có hiểu được chăng? Dù thế nào, ngay giữa một giấc mơ ngày như vậy, đang định làm bất kỳ việc gì vào đúng thời điểm đó, như thể là xem bộ phim-giấc mơ của tôi chầm chậm tiến đến đỉnh điểm, tôi cảm thấy sung sướng hệt như lúc tôi châm một điếu thuốc.

Đó chính là mục tiêu chủ chốt của những điếu thuốc lá trong đời tôi: làm chậm lại trải nghiệm về khoái lạc và đau đớn, ham muốn và thất bại, buồn và vui, hiện tại và tương lai; và ở bên trong mỗi cái, tìm ra những con đường và lối đi tắt mới. Khi các khả năng ấy biến mất, con người ta sẽ cảm thấy gần như là bị trần truồng. Bị tước bỏ mọi thứ và bị tuyệt vọng.

Một lần tôi lên một cái taxi, tài xế hút thuốc không ngừng, bên trong xe cuồn cuộn một thứ khói tuyệt đẹp. Tôi bắt đầu hít thứ khói ấy vào người.

"Xin lỗi nhé," người tài xế nói. Anh ta hạ cửa kính xuống.

"Đừng," tôi nói, "cứ đóng cửa lại đi. Tôi bỏ thuốc rồi."

Có thể rất lâu tôi không cảm thấy thèm thuốc, nhưng khi đã lên cơn thèm, thì cơn thèm ấy xuất phát từ thẳm sâu trong con người tôi.

Khi đó tôi được nhắc nhở về một bản thân đã bị lãng quên, một bản thân bị phủ lấp bởi các loại thuốc uống, sản phẩm, cảnh báo liên quan tới sức khỏe. Tôi muốn được là cái con người khác ấy, Orhan mà tôi từng là, người hút thuốc, người chiến đấu chống Quỷ giỏi hơn rất nhiều.

Câu hỏi hiện ra khi tôi nhớ bản thân xưa cũ không phải là liệu tôi có nên châm một điếu thuốc hay không. Tôi không còn cảm thấy nỗi cồn cào hóa học ngày xưa. Chỉ là tôi nhớ bản thân xưa cũ, đúng cái cách tôi nhớ một người bạn thân thiết, một khuôn mặt; tất cả những gì tôi muốn là quay trở lại làm người tôi từng là. Tôi cảm thấy như thể mình bị buộc phải vận những thứ quần áo mà tôi không chọn, như thể người ta đã biến tôi trở nên một con người tôi chưa bao giờ muốn là. Nếu hút thuốc, tôi sẽ cảm thấy lại độ căng của đêm, những nỗi kinh hoàng của con người tôi nghĩ tôi từng là.

Khi mong muốn quay trở lại với bản thân cũ, tôi nhớ những ngày ấy tôi đã có những gần gũi mơ hồ với bất tử. Xưa kia, thời gian không trôi; những khi hút thuốc, có lúc tôi cảm thấy niềm hạnh phúc đó, hoặc niềm tuyệt vọng căng thẳng đó, lúc tôi nghĩ mọi thứ sẽ cứ giữ nguyên không thay đổi. Trong khi tôi thản nhiên hút điếu thuốc của mình, thế giới thật yên.

Rồi tôi bắt đầu sợ cái chết. Người hút thuốc ấy có thể ngã lăn ra chết bất cứ lúc nào; mọi thứ nghiên cứu đều rất thuyết phục về điểm này. Để tiếp tục sống, tôi phải phế bỏ kẻ hút thuốc để mà trở thành một ai đó khác. Điều này thì tôi đã thành công được. Giờ đây cái bản thân tôi từng từ bỏ đã đến nhập vào với Quỷ để kêu gào gọi tôi quay trở về những ngày thời gian không bao giờ nhúc nhích và không một ai chết cả.

Lời gọi này không hề làm tôi sợ.

Bởi, như bạn có thể thấy, viết - nếu bạn hạnh phúc vì viết - xóa bỏ mọi phiền muộn.

[kinh nghiệm hút thuốc, ngoài Zeno của Svevo và Pamuk ở đây, còn có một cái rất hấp dẫn của García-Marquez, trong hồi ký Sống để kể lại; tuy nhiên, GM lúc nào cũng bệnh chết lên được :d]

----------------

(vẫn chưa phải là lời cuối đâu nhé, vẫn còn đấy, khiếp thật, a really really long extase hic)

Tiếp theo và hết
(các bác may lắm ấy nhé, tôi đã định làm một quả bất tận không bao giờ kết thúc, nhưng thôi nghĩ lại, đằng nào các bác cũng sẽ chẳng chịu nổi nhiệt, hành hạ nhau quá đáng làm gì :d)

Tôi đã vứt bỏ một số quyển sách của tôi như thế nào

Trong trận động đất sau của hai trận động đất gần đây nhất - cơn động đất xảy ra tại Bolu vào tháng Mười một - ở một góc thư viện của tôi vang lên một tiếng động lớn; rồi các giá sách kẽo kẹt và rên rỉ mãi không thôi. Lúc bấy giờ tôi đang nằm trên giường trong căn phòng phía sau, một quyển sách cầm trên tay, nhìn ngọn đèn không chụp đung đưa trên đầu. Việc thư viện của tôi hợp lực với cơn giận dữ của trận động đất, việc nó xác nhận và tăng cường thông điệp của nó - điều đó khiến tôi thấy sợ, và những hăm dọa tận thế làm tôi tức tối. Điều tương tự cũng đã xảy ra trong những cơn dư chấn của những tuần lễ trước đó. Tôi quyết định trừng trị thư viện của tôi.

Đó chính là cách, với một ý thức rõ nét đến lạ thường, tôi đã rút 250 quyển sách từ mấy cái giá rồi đem vứt chúng đi. Giống như một sultan bước đi giữa đám nô lệ, chỉ tay vào những kẻ sẽ bị quất roi vào đít, giống như nhà tư bản trỏ vào những tên hầu sẽ bị tống khứ, tôi mau chóng thực hiện các lựa chọn. Cái mà tôi đang trừng trị là quá khứ của tôi, những giấc mơ tôi từng nuôi dưỡng trong mình khi tìm thấy những quyển sách ấy, cầm chúng lên, mua chúng, mang chúng về nhà, giấu giếm chúng, đọc chúng, vầy vò chúng với rất nhiều tình yêu, hình dung ra mình có thể nghĩ gì chừng nào đọc lại chúng trong tương lai. Suy nghĩ một chút, việc này không giống trừng trị lắm, mà giống giải phóng hơn.

Niềm hạnh phúc mà nó mang lại cho tôi? Đây là một nơi chốn thật tốt đẹp để khởi sự nói về những quyển sách và thư viện của tôi. Tôi muốn nói một vài điều về thư viện của tôi, nhưng tôi không muốn ca tụng nó theo cách thức một ai đó tuyên cáo tình yêu sách của mình chỉ nhằm mục đích chứng tỏ cho bạn thấy anh ta đặc biệt tới mức nào, cũng như có học vấn và tinh tế hơn bạn tới mức nào. Tôi cũng không muốn có dáng vẻ của những kẻ yêu sách phô trương hợm hĩnh nói cho bạn bọn họ đã tìm thấy quyển sách hiếm này quyển sách hiếm kia tại một hiệu sách cũ nhỏ trên các phố nhỏ của Praha. Mà tôi lại sống ở một đất nước coi kẻ-không-đọc-sách là một chuẩn mực và người đọc theo một cách nào đó là kẻ đầy khiếm khuyết, thế nên làm sao mà tôi lại không tôn trọng tình trìu mến, nỗi ám ảnh, những kỳ vọng của một số lượng ít ỏi người có đọc sách và dựng nên các thư viện giữa sự nhàm chán và buồn tẻ lan tràn. Nói vậy thôi, điều tôi muốn bàn ở đây không phải là tôi yêu sách đến mức độ nào, mà là tôi ghét chúng đến mức độ nào. Cách hay nhất và nhanh nhất để kể câu chuyện này là nhớ lại việc tôi đã vứt bỏ chúng như thế nào, và tại sao.

---------------

(bài này còn khoảng gấp đôi trên đây nữa, hẹn các bác mấy tiếng nữa nhá)

Tiếp, nốt

Vì chúng ta - ở một mức độ nào đó - sắp xếp thư viện của mình sao cho bạn bè chúng ta nhìn thấy những quyển sách của chúng ta như là chúng ta muốn, một cách dễ dàng để vứt chúng đi là quyết định xem những quyển nào là những quyển chúng ta muốn, có thể nói vậy, giấu biến hoặc cấm chỉ hoàn toàn, bạn bè chúng ta sẽ không thể nhìn thấy. Chúng ta có thể ném rất nhiều sách đi nhằm giấu không cho ai biết là chúng ta từng coi trọng những thứ vớ vỉn đó. Nỗi ám ảnh đặc thù ấy cứ dai dẳng [to take hold có phải nghĩa này không nhỉ?] khi chúng ta từ tuổi thơ ấu chuyển sang tuổi thiếu niên rồi từ tuổi thiếu niên chuyển sang tuổi trẻ. Khi anh trai tôi đưa cho tôi những quyển sách mà anh thấy ngượng vì đã đọc hồi còn nhỏ, và các bộ sưu tập đóng quyển những tạp chí bóng đá (như Fenerbahce) không còn hấp dẫn anh nữa, anh đã dùng một mũi tên mà giết hai con chim. Tôi cũng dùng đúng kỹ thuật đó để vứt bỏ nhiều tiểu thuyết Thổ, tiểu thuyết Liên Xô, những tập thơ dở, sách xã hội học, đấy là còn chưa kể các ví dụ tầm thường về văn chương làng xã, cùng các pamphlet khuynh tả mà tôi thu thập theo cùng cách thức với nhân vật chuyên viên lưu trữ trong Sách đen [The Black Book: rất tiếc là quyển này chưa được dịch ra tiếng Việt và cũng chưa có kế hoạch dịch ra tiếng Việt]. Theo cùng cách thức ấy, tôi ứng xử với những quyển sách khoa học phổ thông thỉnh thoảng tôi mua và các hồi ký phù phiếm nói về thành công này nọ, mà tôi không cưỡng được cứ đọc, cũng như nhiều tác phẩm dòng khiêu dâm đầy tinh tế, không có minh họa, trước tiên lòng đầy lo lắng chất chúng vào một xó rồi mới vứt đi.

Khi tôi quyết định vứt đi một quyển sách, niềm rộn ràng của suy giảm che giấu đi những bất bình sâu xa không hiển hiện ngay lập tức. Cái suy giảm không phải là ý nghĩ đáng lo ngại rằng quyển sách này (một Thú nhận Chính trị, một Bản dịch Tồi, một Tiểu thuyết Thời thượng, một Tuyển tập Trong đó Mọi Bài thơ Đều Giống nhau và Giống Mọi Bài thơ Khác) nằm trong thư viện của tôi, mà ở chỗ biết rằng đã từng có lúc tôi coi trọng quyển sách đó, đủ coi trọng để bỏ tiền mua nó, để nó nằm yên trên giá trong suốt nhiều năm, và thậm chí còn đọc vài đoạn trong đó. Tôi không xấu hổ về bản thân quyển sách, tôi xấu hổ vì đã từng có lúc coi nó là quan trọng.

Giờ thì đến vấn đề thực: Thư viện của tôi không phải là một nguồn cơn hãnh diện mà là nguồn cơn cho tự-trả-thù và áp bức. Cũng như những người tự hào vì học vấn của mình, đôi khi tôi cũng khoái trá nhìn vào những quyển sách ấy, lấy tay lướt qua chúng, và nhấc vài quyển ra để đọc. Hồi còn trẻ, tôi từng hình dung mình đứng phía trước những quyển sách của tôi, chừng nào đã trở thành nhà văn. Nhưng giờ đây việc đã bỏ thời gian và tiền bạc cho chúng, việc đã vác chúng về nhà như một tên cu li rồi giấu biến chúng đi chỉ còn là một nỗi khó ở tan nát cõi lòng; cái làm cho tôi thấy tệ hại nhất là việc biết rằng tôi từng "gắn bó" với chúng. Khi nhiều tuổi thêm, có lẽ tôi đã bắt đầu vứt sách đi để tự thuyết phục mình rằng tôi có sở hữu sự khôn ngoan vẫn có ở chủ một thư viện gồm toàn những quyển sách mà anh ta đã đọc. Nhưng tôi vẫn tiếp tục mua sách với tốc độ cao hơn tốc độ vứt chúng đi. Thế nên nếu so sánh thư viện của tôi với thư viện của một người bạn ham đọc tại một đất nước phương Tây, hẳn anh ta có ít sách hơn tôi nhiều. Thật may mắn, với tôi điều tiên quyết không phải sở hữu những quyển sách hay, mà là viết ra chúng.

Tiến bộ của một nhà văn sẽ phụ thuộc ở một mức độ lớn vào việc từng đọc những cuốn sách tốt. Nhưng để đọc tốt thì không phải là chậm rãi và cẩn trọng đưa mắt và đưa tâm trí đi qua một văn bản: đó còn là nhập bản thân đến độ tuyệt cùng vào tâm hồn của nó. Chính vì vậy trong đời chúng ta chỉ đem lòng yêu một ít cuốn sách mà thôi. Ngay thư viện cá nhân sành sỏi tinh tế nhất cũng chứa một lượng sách ở vào thế đối đầu với nhau. Những hờn ghen giữa đám sách ấy ban cho nhà văn giỏi sáng tạo một sự u sầu nhất định. Flaubert đã đúng khi nói rằng ai đó đọc mười cuốn sách đủ cẩn thận đã có thể trở thành một nhà hiền triết. Như một quy luật, phần lớn con người ta không làm việc ấy, và đó chính là lý do khiến họ sưu tầm sách và trưng bày thư viện của mình. Bởi sống ở một đất nước gần như trống không sách và thư viện, ít nhất tôi cũng có cho mình một cái cớ. Mười hai nghìn quyển sách trong thư viện của tôi là cái khiến cho tôi coi công việc của tôi là nghiêm túc.

Trong số chúng có lẽ cũng có một chục mười lăm quyển tôi thực sự yêu, nhưng tôi không lụy tình với cái thư viện này. Nếu giống như là một hình ảnh, một bộ sưu tập đồ gỗ, một đống bụi, một gánh nặng hữu hình, thì tôi chẳng hề thích nó một tẹo nào. Việc cảm thấy thân thiết với các nội dung của nó cũng giống như là có quan hệ với các phụ nữ có phẩm cách lớn nhất là lúc nào cũng sẵn sàng yêu bạn; điều tôi yêu nhất ở những quyển sách của tôi là tôi có thể nhấc chúng lên để đọc bất kỳ lúc nào tôi muốn.

Bởi e sợ "gần gũi" cũng ngang bằng với e sợ tình yêu, tôi chào đón mọi cái cớ để vứt bớt sách đi. Nhưng trong vòng mười năm qua tôi đã tìm ra một đường lối mới, trước đây chưa từng bao giờ có. Tác giả của những quyển sách tôi mua hồi trẻ, giữ lại và thậm chí thỉnh thoảng còn đọc, bởi vì họ là các "nhà văn dân tộc của chúng ta," và ngay một vài nhà văn tôi đọc trong những năm về sau - những năm gần đây họ thông đồng với nhau để tạo lập bằng chứng cho thấy đống sách của tôi tệ hại đến chừng nào. Thoạt tiên tôi sung sướng vì họ coi trọng tôi. Nhưng giờ đây tôi thích thú vì đã có một cái cớ thậm chí còn tốt hơn một trận động đất để ném bỏ họ khỏi thư viện của tôi. Đó chính là cách thức các giá văn học Thổ Nhĩ Kỳ của tôi nhanh chóng mất đi những tác phẩm của các nhà văn ngu ngơ, tầm thường, thành công ẽo uột, hói, đực, thoái hóa ở độ tuổi từ năm mươi đến bảy mươi.

[tôi đã rất thích bài này khi lần đầu tiên giở lướt Other Colors cách đây vài năm; vấn đề này thực sự nghiêm trọng đối với những người có nhiều sách trong nhà, ngoài những điều nghiêm trọng khác như động đất, nước, lửa và mối]

[câu cuối cùng của bài viết cho thấy Pamuk có một vấn đề cực kỳ giống với vấn đề hiện nay của tôi; sẽ có lúc tôi đủ... ờ... sarcastic để nói ra đúng cái điều này]

69 comments:

  1. Ừm, ừm, thương vụ này hấp dẫn đây. Ký tắt nhé :-))

    ReplyDelete
  2. hihi, mong anh yêu bán được nhiều sách. Cơ mà cho em hỏi sao lại nhãn Pamuk? Em đang tò mò đợi tiếp đây! (Z)

    ReplyDelete
  3. tắt tiếc gì nữa, chơi thẳng nguyên băng đi bác

    ReplyDelete
  4. à Pamuk thật, không điêu đâu, nhưng đang dở tay một tí, đợi chút đợt chút (chiêu câu view mới đấy hehe)

    ReplyDelete
  5. "Đây là...để làm được như vậy anh ta cần giấy, một cây bút, và sự lạc quan của một đứa trẻ lần đầu tiên nhìn vào thế giới"
    thực ra anh ta chỉ cần blog :))

    ReplyDelete
  6. Turkish Coffee...Jun 5, 2010, 8:49:00 AM

    "… I make the new world from the stuff of the known world. Here we come to the heart of the matter. To write well, I must first be bored to distraction; to be bored to destruction, I must enter into life…
    … We may not understand where they come from or what, if anything, our daydream may signify, but when we sit down to write it is our daydreams that breathe life into us, as wind from an unknown place stirs an aeolian harp. One might even say that we surrender to this mysterious wind like a captain who has no idea where he's bound... At the same time, in one part of our minds, we can pinpoint our location on the map exactly, just as we can remember the pint toward which we are traveling. Even at those times when I surrender unconditionally to the wind, I am able - at least according to some other writers I know and admire - to retain my general sense of direction. Before I set out I will have mad plans: divided the story I wish to tell into sections, determined which ports my ship will visit and what loads it will carry and drop off along the way, estimated et time of my journey, and charted its course. But if the wind, having blown in from unknown quarters and filled my sails, decides to change the direction of my story, I will not resist. For what the ship most ardently seeks is the feeling wholeness and perfection in plying its way under full sail. It is as if I am looking for that special place and time in which everything flows into everything else, everything is linked, and everything is aware, as it were, of everything else. All at once, the wind will die down and I will find myself becalmed in a place where nothing moves. Yet, I'll sense that there are things in these calm and misty waters that will, if I am patient, move the novel forward…" ( Other Colors. Essays and a story - Pamuk)

    ReplyDelete
  7. It should be: "Before I set out I will have made plans", not "MAD plans" :-) Sorry for typing skill...

    ReplyDelete
  8. Nếu có thể, bác gửi cho em xin tài liệu này với nhé! Tks.

    Giang Trang

    ReplyDelete
  9. ôi xời quá dễ, rồi, cho tới thời điểm này đã có anh TQ và em GT muốn có, Jason Gibbs chưa thấy phát biểu :d anh Quý hỏi Jason xem nhé

    ReplyDelete
  10. à mà tài liệu sẽ là đồ photo, cho nên không gửi được qua mail nhé

    ReplyDelete
  11. Tôi e rằng đoạn này NL dịch ngược ý của Pamuk. Buồn ngủ chăng? :) "To talk about Istanbul, or to discuss my favorite books, authors, and paintings, has for me always been an excuse to talk about life." (Pamuk, Other Colors, Vintage paperback 2008, Preface, page x).

    "Nói về thành phố Istanbul, hoặc bàn luận những quyển sách, những tác giả, và những bức hội họa mà tôi ưa thích, xưa nay đối với tôi vẫn là một cái cớ để nói về cuộc đời."

    Còn câu kết của Lời tựa: "This is that book, set inside a frame to suggest a center that I have tried to hide. I hope that readers will enjoy imagining that center into being."

    "Đây là quyển sách ấy, dựng lên trong một cái khung để gợi ý một tâm điểm mà tôi đã cố gắng che dấu. Tôi hy vọng quý độc giả sẽ thích thú trong việc suy tưởng tâm điểm ấy thành hiện thực." Cái idiom ở đây là "imagine something into being," có liên hệ với thành ngữ "coming into being": hiện ra, biến thành thực tại. [NSC]

    ReplyDelete
  12. hì, thank you bác, để tôi sửa :d đang ngái ngủ chưa tỉnh hẳn dính quả excuse ngay

    ReplyDelete
  13. tôi vẫn để "being" là "tồn tại" vì có đường link tới câu của Woolf ở đoạn đầu

    bác dùng "bức hội họa" nghe ngộ thế ":d

    mà "che giấu" nhé bác, chứ không phải "che dấu" (dấu vết, giấu giếm)

    ReplyDelete
  14. cũng ngái ngủ đấy! team biên tập này cũng khá ra phết :))

    tôi hiểu cái liên hệ với thành ngữ "moments of being" của Woolf, theo ý tôi thì nên dịch là "những khoảnh khắc của thực tại", và trong câu kết luận tuyệt vời kia, "imagining that center into being" thì dịch là "suy tưởng cái tâm điểm ấy thành hiện thực": vì cái tâm điểm bị che giấu nên chàng mời độc giả dùng năng lực của trí não để... zzzzz... (sound effect) dần dần làm nó hiện ra. :)

    "bức tranh" cũng được, nhưng là tranh painting hay tranh photography?

    biên tập viên kính cẩn đề nghị, dịch giả toàn quyền quyết định. :)) [nsc]

    ReplyDelete
  15. Mr. Tin Văn nhạy thật! À, quyển The Invention of Solitude (Penguin paperback) có Introduction của Pascal Bruckner. [nsc]

    ReplyDelete
  16. translator's license nhé :)

    Pascal Bruckner, triết gia mới hihi; trong số các cộng tác viên thường trực của Le Nouvel Observateur thì tôi ít đọc bài của bác này nhất, mà thường cả số chỉ đọc Bernard Frank, thỉnh thoảng Jacques Julliard, đôi khi Jacques Attali và cực hiếm khi Jean Daniel

    à nhân tiện, người Pháp bình luận văn chương Anh-Mỹ khá là hay, Sartre viết về Dos Passos và Faulkner tuyệt vời, rồi sau này Magazine Littéraire cũng thường xuyên có bài rất khá, nhưng các chronicler danh tiếng của Mỹ (và Anh, trừ Julian Barnes) khi viết về văn chương Pháp thì lại thường xuyên tệ, hôm nào tôi tổng kết vài cái, còn trên blog cũ tôi cũng vài lần chỉ ra các ngài ấy thiếu hiểu biết như thế nào, đỉnh cao vô đối là Michiko Kakutani, bác gái này bị dở hơi hay sao ấy nhỉ, bác có biết không? :d

    ReplyDelete
  17. nói một cách còn thành thực hơn nữa :d thì cái hấp dẫn tôi hơn cả trong bài tựa của Pamuk là ý tưởng về graphomania (scribomania) hic

    ReplyDelete
  18. Hí hí, bà "kamikaze" này controversial lắm! Kể ra, vừa là nữ vừa là gốc Nhật thì cũng có phần khó khăn: c'est la vie! Song song với nhận xét của NL về các bình luận gia, tôi thấy khá nhiều văn sĩ Mỹ nổi bật đã trải qua một thời "sống" ở Pháp: Henry James, Ezra Pound, Miller, Hemingway, Faulkner, Fitzgerald, Steinbeck, và gần đây là Auster.

    Pamuk viết để vui sướng: "First and foremost, I write for pleasure," chàng đã tuyên bố như vậy. Còn graphomania cũng là hiện tượng độc đáo: Kundera cho rằng, nhờ nó, "tiềm ẩn trong mỗi người là một văn sĩ." Thích nhá! [nsc]

    ReplyDelete
  19. hahaha so funny and... graceful :d

    bác đọc Herbert Lottman đi, "The Left Bank" ấy, viết cực kỳ hay và tinh tế về vụ nhà văn Mỹ nương nhờ và getting inspired từ cuộc sống Pháp như thế nào

    Auster thuộc dạng "con nuôi của nước Pháp", chính Auster có lần cũng thú nhận ở Mỹ chả được coi ra cái quái gì, còn ở Pháp bước chân xuống đường toàn gặp người xô đến xin autograph :d

    nhiều người so sánh Auster với Modiano, đều tăm tắp giống nhau ở mọi phương diện, tôi thấy là rất chuẩn í

    ReplyDelete
  20. Sẽ cho The Left Bank vào list hè này đọc. Mà chưa dọn xong 2666 đấy! À, tiện đây khoe luôn: hôm nọ, bất ngờ tậu được The Kindly Ones, hard cover, first edition, first printing, mới toanh, còn thơm, tiệm sách chất lâu quá bèn bán rẻ 5 đô.

    Auster thuộc dạng "con nuôi của nước Pháp"... toàn gặp người xô đến xin autograph: hề hề, hôm nay được thêm thông tin ngộ nghĩnh! :) [nsc]

    ReplyDelete
  21. hic, bản dịch Charlotte Mandell theo tôi là hơi "sáng" quá, mặc dù rất chuẩn xác, không âm u bệnh hoạn như cảm giác đọc trong tiếng Pháp; dẫu sao cũng là một masterpiece của dịch thuật (về mặt chuẩn xác chắc chắn là có hơn bản tiếng Việt hic; nếu mà tái bản được bản tiếng Việt thì sẽ có không ít chỉnh sửa)

    Littell là người Mỹ-Pháp nên yêu cầu cao lắm, Random House phải thay dịch giả giữa chừng đấy, thành thử bản dịch tiếng Anh chậm hơn rất nhiều so với... bản dịch tiếng Việt :) Mandell, điều này cũng hay, chính là người dịch Proust, cái "Pastiches et Mélanges" lừng danh ấy

    2666 thì thẳng thắn mà nói bản dịch của Natasha gì đó kém xa bản dịch tiếng Pháp

    ngoài Auster thì còn có một số nhà văn Anh-Mỹ nữa cũng là "con nuôi nước Pháp", toàn in bản tiếng Pháp trước bản tiếng Anh luôn í, trong đó có cả các nhà văn thuộc hàng rất chi là... thôi không nói :d như là Douglas Kennedy

    ReplyDelete
  22. Vài tuần trước, liếc qua bản Gallimard Folio (mới) của Les Bienveillantes thì thấy có ghi ở trang đầu: Édition revue par l'auteur. Bác có thông tin về việc "revue" này không? Bản gốc cũng có chỉnh sửa à? :) [nsc]

    ReplyDelete
  23. sắp rồi sắp rồi :-))) Nhưng theo ý em thì anh nghĩ nốt đi xem năm nay hay năm sau tính làm gì nữa rồi em làm một quả về luôn (tháng 7 và tháng 10) vì em tính đóng thùng gửi đồ về trước (do đồ cá nhân + sách của em một năm nay đã tới cả trăm kg), nên theo em là cứ cố gắng tiện thể một lần luôn.
    Dành thời gian lên cái list đi, ngẫu hứng vừa vừa thôi :D

    ReplyDelete
  24. bác muốn đọc Les Bienveillantes thì phải đọc bản đó, bản folio dày cộp (theo báo Pháp thì là dày nhất trong lịch sử folio, sau mỗi một quyển là Nghìn lẻ một đêm hay Hồng lâu mộng gì đó) bìa màu đỏ có mấy đường cong cong như bu-mê-răng :) đừng đọc bản bìa chính thống Gallimard/nrf vàng ngà có frame hai đường vạch

    may quá có người hỏi đúng vụ này :d trước đây tôi đã nói mấy lần nhưng hình như chả ai chịu chú ý gì cả

    Gallimard biết trước Les Bienveillantes sẽ được nhiều giải thưởng trong mùa rentrée littéraire 2006 nên biên tập gấp rút để in kịp, hứng giải thưởng (điều này sau đó đã xảy ra, đúng kịch bản - hồi ấy thậm chí gần như toàn bộ văn phòng đại diện bên Anh của Littell cũng kéo hết sang Paris mặt sẵn lounge suit để dự lễ tuyên bố giải, buồn cười lắm), Richard Millet nhà văn danh tiếng và cũng là biên tập viên gạo cội của Gallimard chịu trách nhiệm làm

    gấp gáp quá nên nhiều lỗi kinh dị, sau này báo chí Pháp chỉ trích Millet rất ghê, có một ông viết nguyên một quyển sách mấy trăm trang tên là Les Malveillantes hehe (chính nhờ tìm được quyển này trên Internet mà tôi rút ngắn được rất nhiều thời gian làm chú thích), chỉ ra vài nghìn lỗi về từ ngữ, cú pháp, tiếng nước ngoài, kiến thức văn hóa etc. kinh dị luôn ấy, nhiều khủng khiếp luôn ấy, lý do là vì Littell dùng tiếng Anh tốt hơn tiếng Pháp, mà lại viết quyển này chỉ trong chưa đầy bốn tháng, rất nhiều cấu trúc và từ lôi thẳng từ tiếng Anh sang, đọc funny cực (tức là vô vàn lỗi thuộc dạng faux-ami ấy)

    tất nhiên Littell ý thức được ngay điều này nên ngay sau khi các bản quyền được bán đi cho các nhà xuất bản nước ngoài thì Littell ngay sau đó gửi đến từng người dịch một tập hồ sơ trong đó ghi các chỉnh sửa bằng tay, gần như trang nào cũng có; thành thử các bản dịch ở phiên bản đầu tiên lại tốt hơn nhiều so với chính bản tiếng Pháp :d

    điều này rất dễ dẫn đến ngộ nhận, vì tôi phải đối chiếu bản Gallimard đời đầu với các chỉnh sửa để đưa ra version tiếng Việt của tôi, trong khi đó khá nhiều người ở Việt Nam có bản Gallimard/nrf và sẵn sàng chỉ trích tôi, vì chỉ dựa trên việc đối chiếu bản Gallimard đời đầu kia

    mấy vụ oan Thị Kính zồi đấy ạ

    một trong những chỗ sai buồn cười nhất là nhầm béng Saint Augustin thành Saint Amboise; trong quá trình thư từ qua lại có lần không nhịn được tôi mới trêu Littell, bảo là sao nhầm khiếp thế, thằng chả trả lời tỉnh bơ, thì cũng phải có lúc nhầm chứ hehe

    chi tiết funny nữa là khi sắp xong, tôi gửi thư hỏi mấy chỗ có tiếng Pháp cổ, Littell giải thích đồng thời nói dịch giả tiếng Tàu cũng vừa hỏi y chang; hic đúng là dân châu Á toàn chết dở với mấy cái vụ đó :d

    ReplyDelete
  25. Zim: cho cái quota đi, và cho biết bao nhiêu phần trăm tặng bao nhiêu anh phải pay by cast đi :d

    ReplyDelete
  26. à mà pay by kind thì có được chấp nhận không? hehehe

    ReplyDelete
  27. cash hic, thứ Bảy không thể hết ngái ngủ nổi

    ReplyDelete
  28. haha, chắc được khoảng 20cuốn chi đó, tặng1/3, 2/3 còn lại trả bằng cash và sách dịch. Nguyên năm vừa rồi em trống cái khoảng sách dịch ở VN :-)))

    ReplyDelete
  29. Gallimard folio: đúng đấy, bìa đỏ đậm, có những vệt cong cong, dầy cộm, phẩm chất in ấn rất tốt, thường gần hè họ giảm giá, sẽ ôm. Hôm nào NL tóm tắt hết các kinh nghiệm ấy, quý lắm.

    À, hình như NL muốn nói "pay in kind" (exchange) thì phải. Còn ngái ngủ!? :) [nsc]

    ReplyDelete
  30. vẫn ngái :) vì lại vừa ngủ dậy :d mấy cái vụ này nhiều chuyện hay lắm, đợi tôi viết hồi ký nhé

    ok em Zim, anh lên list luôn, deadline là bao nhiêu nào? cả tiếng Anh tiếng Pháp đúng không? hay cả tiếng Hà Lan cho nó máu?

    ReplyDelete
  31. Ở đoạn đầu, bác cho một list mấy ông Tây, nhưng không thấy Blanchot. [nsc]

    ReplyDelete
  32. vầng, L'entretien infini và rất nhiều thứ, tôi thích nhất quyển ông ấy viết về Sade và Lautréamont

    đang định nói thêm với bác là chủ đề bác đang quan tâm ấy, còn có hai quyển sách tuyệt vời nữa là 1. Pascale Casanova, La République mondiale des lettres (ngay cái họ Casanova đã hấp dẫn rồi, nhỉ :d) và 2. ... lại Antoine Compagnon hì, La Troisième République des Lettres, quyển thứ nhất chắc chắn có bản tiếng Anh, cực kỳ nổi tiếng ở Mỹ, quyển thứ hai thì chưa biết có tiếng Anh hay không nữa

    ReplyDelete
  33. Merci. The World Republic of Letters, rất phổ thông ở đại học, dễ kiếm, sẽ ôm. Quyển kia của Compagnon thì chưa có bản tiếng Anh, thư thả tôi sẽ tìm đọc bản gốc. [nsc]

    ReplyDelete
  34. Bác Nhị ngủ ngày mấy tiếng mà sức làm việc kinh hồn nhể.
    Hỏi khí không phải là có cái gì bác không biết để nhà cháu còn lao đầu vô. Chứ kiểu này thì hít khói bác mãi thôi.

    ReplyDelete
  35. ngủ hả? mỗi ngày ba tiếng

    -----------

    (cộng với bốn tiếng ngủ bù hehe)

    -----------

    thiếu gì cái tôi không biết

    tôi chưa bao giờ biết trượt tuyết
    tôi chưa bao giờ biết lái ôtô
    tôi chưa bao giờ bắn phát súng nào
    tôi chưa bao giờ đọc nổi Harold Robbins, vì được chục trang là thấy buồn nôn
    tôi chưa bao giờ hiểu một lời nào của hòa thượng Thích Học Toán những lúc bác ấy nói về toán
    tôi chưa bao giờ biết làm thế nào để thực sự bỏ được thuốc lá

    hic

    ReplyDelete
  36. Úi bác ôi, em quan tâm đến mục tư liệu âm nhạc. Bác có thể cho em đọc ké tài liệu của Nguyễn Duy Diễn và Phạm Vinh bác nhắc ở trên được hong ạ :-)

    ReplyDelete
  37. Trong khi tôi thản nhiên hút điếu thuốc của mình, thế giới thật yên.


    em đi đọc Istanbul đây :(

    ReplyDelete
  38. Đọc thẳng đoạn "Bỏ thuốc lá", lúc đầu cứ tưởng là NL viết, chà, đoạn đấy tuyệt hay. Cảm ơn NL đã giới thiệu Istanbul và bây giờ cho đọc thêm Pamuk, luc nào cũng đẫm đầy nỗi nhớ. Thích miên man trong những câu văn dài khi êm diu, khi trúc trắc, hình ảnh chồng lên hình ảnh. Thích những câu văn dài, vô cùng thích.

    H.

    ReplyDelete
  39. "tôi chưa bao giờ biết làm thế nào để thực sự bỏ được thuốc lá" Dude, you're not alone:d "It's easy to quit smoking. I quit all the time" - Mark Twain.

    Phat khiep voi hai dong chi Nhi Linh & NCS, why don't you two get a room!? :))Cong nhan Pascale Casanova viet hay. Bac gai nay cung la nguoi Phap viet ve Beckett hay nhat ma em duoc doc.
    Pippa

    ReplyDelete
  40. bỏ thuốc lá thật à? có thể sẽ lên cân đấy. cái hôm hút điếu cuối cùng có viết một bài rồi ghi "L.C." kiểu Svevo í? không phải là "lower case" mà là "last cigarette" :)

    in the same room? i don't smoke, man [nsc]

    ReplyDelete
  41. hì, thực ra muốn viết "dont" không apostrophe để khoe là mình có đọc The Road :)) [nsc]

    ReplyDelete
  42. Tại sao không phải là "biên tập sáng tạo" ạ? Editing ở đây có vẻ giống biên tập/dựng (như là dựng phim ấy, từ các mảnh rushes - ở đây là essay - khác nhau lại thành một tập gì đấy gọi là luận/tự truyện, có phải chăng?

    ReplyDelete
  43. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  44. tiếng Hàlan thì đầy, mà best-seller của tác giả Hàlan thì em cũng biết một số, do là quá nổi tiếng đi đâu bọn bạn cũng nhắc cũng kể, thành ra ko đọc được tiếng nhưng cũng biết truyện tình tiết thế nào. Nếu có người dịch thì cũng nên dịch, vì chắc nó phải hay mới gây chấn động cái dân tộc lúc nào cũng bình chân như vại ấy.
    Tiếng Anh và Pháp đều ok cả. Deadline thì thoải mái từ giờ tới tháng 7. Nếu tháng 7 em mang được kha khá về thì sẽ mang về luôn, hoặc nếu đã kiếm đủ được. Bằng ko thì mang đợt tháng 10.

    ReplyDelete
  45. Nói chung ai không thể bỏ được thuốc thì khi bỏ phải kêu tướng lên cho cả nhà biết. Nhưng mà thuốc lá bỏ dễ cực đấy, bỏ mấy chục lần vẫn được chứ không như nhiều cái khác.

    À cho em mượn đoạn bỏ thuốc lá về cất giữ để làm lung linh thêm tinh thần thôi không cần phải bỏ thuốc nữa :p

    gt

    ReplyDelete
  46. Đọc cái Bỏ thuốc lá ngay sau đoạn tự viết về Mr. Tin Văn, đầu tiên đọc lại tưởng bạn Nhị Linh viết, ke ke. Đang bảo: ơ bạn Nhị Linh dạo này viết hay quá, khéo viết văn cũng được ý chứ. Đọc thêm 1 lúc nữa thì thì thấy "Orhan mà tôi đã từng là", hi hi

    ReplyDelete
  47. Mình thì đọc lướt đến đoạn này "Tôi muốn được là cái con người khác ấy, Orhan mà tôi từng là, người hút thuốc, người chiến đấu chống Quỷ giỏi hơn rất nhiều.", không để ý thấy chữ Orhan mà chỉ để ý thấy chữ "Quỷ" lại đọc nhầm thành Quý. Cứ tưởng dạo này bạn Nhị Linh với bạn Trương Quý lại có hiềm khích gì. :D.

    Còn đoạn này nữa chứ "tuy nhiên, GM lúc nào cũng bệnh chết lên được :d]" thì thế nào lại nghĩ ngay GM là Giò Lang Ben :D

    ReplyDelete
  48. Em đọc câu đầu "272" ngày thì đã biết đây ko phải bác Nhị Linh tự viết. Theo trí nhớ của em lần trước bác bỏ được có vài chục ngày thôi và đã hút lại :D

    gt

    ReplyDelete
  49. cái vụ tài liệu lịch sử âm nhạc VN tôi chỉ định photo tối đa 3 bản, một bác TQ đã lấy, một cho em GT, một còn lại nếu bác Jason Gibbs không cần thì sẽ bác Titi, hoặc sau bác mượn mấy người đã có nếu bác thực sự cần

    ReplyDelete
  50. Bạn NL hứng khởi ghê nhỉ, trong 3 hôm liền, có gì đặc biệt thế nhỉ;P

    ReplyDelete
  51. chị So đi tra từ "extase" đi :) từ điện anh hùng xa lộ dễ tra trên Internet lắm :d

    bác Linh hiểm thật, viết "lại có hiềm khích" cứ như là giữa mình với bác TQ đã từng có hiềm khích trong quá khứ í, thật là very akaking :p

    ReplyDelete
  52. Hi hi cám ơn bác NL sẽ cất công photo một tập tướng nhỉ :D

    gt

    ReplyDelete
  53. Chương 29 (How I Got Rid of Some of My Books), mà NL dịch trước khi hạ màn post này, thật là độc đáo: một nhà văn xuất sắc viết về sách và tình cảm đối với sách. Hì hì, nhận định cuối cùng của Pamuk trong bài này có lẽ tạo không ít oan trái trong xứ Thổ. Chương 8 (Giving Up Smoking) rất thú vị: văn chương phơi phới, tuy là tiểu luận mà Pamuk gọi là "sketch", phác họa, trong Lời nói đầu. Nói chung, đây là một tuyển tập quý báu, có nhiều thông tin đáng học hỏi trong hơn 400 trang.

    Có hai điểm "biên tập" nhỏ:

    "... I made my selection summarily" (Pamuk, Other Colors, Vintage paperback 2008, page 107). Bác dịch là "tôi thực hiện các lựa chọn một cách giản lược."

    Trạng từ "summarily" được Pamuk dùng một cách khéo léo trong bối cảnh hành quyết mà ông đang gợi lên. Khi tên chúa ngục đưa súng lên bắn vào đầu các tù nhân một cách lạnh lùng, đó là "summary execution". Khi một nhân viên bị giám đốc đuổi ra khỏi cơ quan mà không cho cơ hội biện bạch, đó là "summary dismissal". Tính từ "summary" và trạng từ "summarily" không giống danh từ "summary" có nghĩa là "tóm tắt" hay "giản lược". Tôi đề nghị: thẳng thừng, lạnh lùng, hoặc nhẹ hơn: tức tốc, gọn lẹ.

    Đề nghị: "... tôi lựa chọn một cách gọn lẹ."

    "... from adolescence to youth, this particular obsession takes hold" (page 108). Bác dịch "Nỗi ám ảnh đặc thù ấy cứ dai dẳng..." thì tạm ổn. Bàn thêm tí:

    Tính từ "particular" có nhiều nghĩa, nhưng ở đây nó liên hệ đến những nghĩa này: distinctive, special, unusual. Tuy thường dịch là "đặc thù" hay "cụ thể", tôi đề nghị: kỳ quặc.

    Còn idiom "takes hold" có nghĩa là "persists, is hard to stop" mà mình có thể dịch thoáng là: dai dẳng, tiếp tục, kéo dài.

    Đề nghị: "Nỗi ám ảnh kỳ quặc ấy vẫn dai dẳng..."

    Ban biên tập báo cáo, hết! :)) [NSC]

    ReplyDelete
  54. quan chức chính phủ xin có công văn phúc đáp thắc mắc của đại biểu quốc hội :d

    chỗ lựa chọn thằng nào để xử lý: một pasha hay một nhà tư bản không thể nào biết rõ từng tên nô lệ, từng người hầu, nên tuy đúng là có connotation về sự mau lẹ nhưng tôi sẽ sửa lại theo hướng đổi "giản lược" thành "đại khái" hoặc "qua loa" thì bao hàm đủ nghĩa của "summarily" hơn

    cái câu ấy cũng đã từng gây oan trái ở Việt Nam, vì tôi cũng đã từng nói trên blog cũ một ý tương tự, và bị tương mấy củ đậu bay to đùng; rồi nó còn gây oan trái nữa, sau này, my word! :p

    ReplyDelete
  55. thêm hương thêm vị cho hồi ký :) [nsc]

    ReplyDelete
  56. Về hiềm khích trong quá khứ giữa bạn NL và bạn Quý thì mình không biết, nhưng rất nên chuẩn bị cho hiềm khích trong tương lai.

    Bạn Quý nên đọc câu cuối của entry này, hi hi :-D

    ReplyDelete
  57. Khi nào bác Nhị có hứng thú vứt bớt một số sách thì cho nhà cháu đặt cục gạch, nghe giang hồ đồn thổi bác có "thư viện" vào hàng "thư lâm" rồi

    ReplyDelete
  58. Từ ngày có bạn Nemo, bạn td20 nói năng cứ khó hiểu kiểu gì ấy nhỉ :d

    Tôi cho sách nhiều lắm, tại bác chưa gặp may thôi hehe.

    ReplyDelete
  59. suy nghĩ thêm thì tôi nghiêng về cách hiểu "summarily" của bác NSC; đã sửa :)

    ReplyDelete
  60. à còn một vấn đề cực thú vị nữa: dịch Pamuk sang tiếng Anh thì sao?

    dịch giả của "Istanbul" làm Pamuk thấy thích đến nỗi sau này coi như là dịch giả độc quyền luôn :) thế nhưng trong "Istanbul" bác dịch giả đó đã có một lỗi sai cực kỳ nặng

    so sánh bản tiếng Anh và tiếng Pháp, thì bản tiếng Anh rõ ràng là hay hơn rất nhiều, nhưng cái thói dịch Anh-Mỹ vẫn luôn chuối như thế: thường xuyên cắt đi rất nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều ý (vì thấy rườm rà)

    sách của Mankell mới kinh, bản tiếng Anh nhiều quyển mất đến cỡ trên 10% của nguyên bản

    cho nên khi đọc văn chương của các thứ tiếng lạ rất cần cả bản tiếng Anh và tiếng Pháp; double công việc, dĩ nhiên hic

    ReplyDelete
  61. Vấn đề là tại sao cái vụ extase ấy lại liền lạc tới 3 ngày í :)) 3 ngày liền hong bị sai đi đổ rác chẳng hạn :P
    Mình cũng thích cái đọan về Benjamin, và thấy blog thực là tiện cho các phân mảnh, nhất là các phân mảnh của NL và bác NSC :))

    ReplyDelete
  62. ậy, thím Maureen Freely là tay cừ, gốc Mỹ lớn lên ở Thổ, Pamuk mừng lắm ôm chầm lấy làm của riêng, các quyển sau này đều do thím ấy dịch, cả diễn văn Nobel "Bố tôi va li" gì gì thím ấy cũng dịch. Nghe nói vận động cho giải Nobel cũng nhờ... vài nụ cười duyên của thím ấy đấy. à, business thôi nhé, vì chàng thích Ấn Độ cơ, cô viết "Gia tài đi lạc" gì gì ấy!

    "cho nên khi đọc văn chương của các thứ tiếng lạ rất cần cả bản tiếng Anh và tiếng Pháp": true!

    "double công việc, dĩ nhiên": biết sao bi giờ? cơm nguội, canh hẩm, giường vắng, vợ... nguýt :((

    [NSC]

    ReplyDelete
  63. Bác dịch Mankell theo bản tiếng Pháp à? Hay là có cả hai bản dịch? Tháng trước, tôi nướng hết Bầy Chó Riga trong hai ngày cuối tuần, có lẽ hấp dẫn quá nên chẳng vớ được... lỗi biên tập nào cả. Hôm nọ có bác nào đề cập đến "xuồng" với "ca nô" tôi cười thôi, vì đã chẳng để ý :) [NSC]

    ReplyDelete
  64. quyển đó có một số lỗi biên tập nữa cơ, nhưng cũng nho nhỏ

    tôi dịch từ tiếng Pháp, đối chiếu tiếng Anh, lẽ ra nếu muốn nhanh thì dịch thẳng tiếng Anh, cắt ngắn bớt, đơn giản hóa nhiều chỗ... nhưng dịch giả tiếng Pháp xịn (quên mất tên rồi, là nữ) nên tôi toàn theo bản tiếng Pháp là chính, vài chỗ cân đối với cách hiểu của bản tiếng Anh

    ReplyDelete
  65. Nhưng khi tạo hình cho cuốn sách này, tôi phát hiện ra là kẻ nghiện viết có thể hạnh phúc hơn nhiều, ít đau đớn hơn vì chứng bệnh liên quan tới viết của hắn.

    --> câu này dịch còn thiếu một khúc nhe Giò Trắng:)

    ReplyDelete
  66. Chào Nhị Linh. Tôi mới đến xem trang blog này về tư liệu quý hiếm của bạn. Cho tôi xin một bản. Bạn có khả năng scan tư liệu này không? (Tôi đang ở bên kia đại dương). Cám ơn nhiều.
    Jason Gibbs

    ReplyDelete
  67. Vâng, chào bác, tôi không có scanner, nhưng có thể chụp ảnh từng trang gửi qua mail, nếu thấy ok thì bác gửi địa chỉ mail của bác vào địa chỉ mail tôi để trong profile nhé.

    ReplyDelete
  68. Just desire to say your article is as surprising.
    The clearness in your submit is just excellent and i could
    assume you are a professional in this subject.

    Fine together with your permission allow me to grasp your RSS feed
    to keep updated with forthcoming post. Thanks
    1,000,000 and please continue the rewarding work.

    my website - tại đây

    ReplyDelete