Borges viết về "các dịch giả của Nghìn lẻ một đêm":
Tại Trieste, năm 1872, trong một biệt thự có những bức tượng ẩm ướt và thiết bị vệ sinh rệu rã, một quý ông trên mặt mang một vết sẹo biết kể chuyện mang về từ châu Phi - Đại úy Richard Francis Burton, vị quan lãnh sự Anh - bắt tay vào thực hiện một bản dịch nổi tiếng từ Quitab alif laila ua laila, mà các roumi thường biết dưới nhan đề Nghìn lẻ một đêm. Một trong những ý đồ bí mật của công việc của ông là hủy diệt một quý ông khác (cũng dạn dày sương gió, và có một bộ râu sẫm màu kiểu người Moor), người đã soạn một bộ từ điển tiếng Anh đồ sộ và đã qua đời rất lâu trước khi bị Burton hủy diệt. Quý ông ấy tên là Edward Lane, nhà Đông phương học, tác giả của một phiên bản Nghìn lẻ một đêm vô cùng tỉ mỉ đã phế truất phiên bản của Galland. Lane dịch để chống lại Galland, còn Burton dịch để chống lại Lane; để hiểu Burton chúng ta phải hiểu được triều đại của sự thù địch này.
Tôi sẽ bắt đầu bằng ông tổ. Như ta đã biết, Jean Antoine Galland là một chuyên gia về Arập người Pháp từ Istanbul trở về với một bộ sưu tập tiền xu phong phú, một cuốn chuyên khảo về sự phát tán của cà phê, một bộ Nghìn lẻ bằng tiếng Arập, và thêm một người Arập dòng Maronite có trí nhớ không kém phần siêu phàm so với trí nhớ của nàng Scheherazade. Nhờ người cố vấn ít được biết đến này - cái tên tôi mong mình sẽ không quên: Hanna, người ta bảo vậy - mà chúng ta có một số truyện có tính chất nền tảng nhưng không có trong bản gốc: Aladdin; Bốn mươi tên cướp; Hoàng tử Ahmad và tiên nữ Peri-Banu; Abu al-Hasan, Người Say ngủ và Người Đánh thức; cuộc phiêu lưu ban đêm của Caliph Harun al-Rashid; hai chị em gái ghen tị với cô em của họ. Chỉ cần nhắc đến mấy cái tên đó thôi là đã đủ chứng tỏ một cách mạnh mẽ rằng Galland tạo lập điển phạm, đưa vào những câu chuyện thời ấy đã trở nên không thể thiếu và những dịch giả về sau - tức các kẻ thù của ông - không dám bỏ ra.
Còn một điểm nữa không thể chối cãi. Những tán dương nổi tiếng và hùng biện nhất cho Nghìn lẻ một đêm - viết bởi Coleridge, Thomas De Quincey, Stendhal, Tennyson, Edgar Allan Poe, Newman - đều xuất phát từ các độc giả của bản dịch Galland. Trong vòng hai trăm năm đã có mười bản dịch tốt hơn, nhưng người châu Âu và châu Mỹ nghĩ tới Nghìn lẻ một đêm là nhất định nghĩ tới bản dịch đầu tiên này. Trong tiếng Tây Ban Nha, tính từ milyunanochesco [có tính chất nghìn lẻ một đêm] - milyunanochero thì quá Argentina, milyunanocturno thì quá xa nghĩa - không có gì chung với những sự bậy bạ thông thái của Burton hay Mardrus, nhưng hết sức liên quan đến những đồ trang sức và màn phù thủy của Galland.
Bài này rất dài, với ba nhân vật chính là Đại úy Burton, Tiến sĩ Mardrus và Enno Littmann, trong đó người thứ ba bị Borges phi cho hai mươi lăm cái phi tiêu vào ngực vì tội dịch đúng quá ;d và qua đó bài bác tinh thần huyễn tưởng của người Đức.
Còn trong tiếng Việt, bản Nghìn lẻ một đêm của Phan Quang phổ thông hơn cả. Thông báo cho các bác là nên kiếm bản của Đông A mới in lại, vào một tập, đẹp đẽ vuông vắn như khoanh giò, bày tủ sách hay treo gác bếp vô tư :)
Trong "Lời giới thiệu" (đậm tinh thần thời đại, có trích dẫn từ Gorki bàn về văn học hehe), thống kê về các bản dịch Nghìn lẻ một đêm sang tiếng Việt như sau:
+ Bản đầu tiên: của Đinh Thái Sơn (chủ nhiệm Nam Kỳ thư xã), khoảng 1910 và những năm tiếp theo, 24 tập, mỗi tập khoảng 50 trang, mang tên Dạ đàm dị sử (Chuyện Ả Rập một nghìn lẻ một đêm).
+ Bản của Trần Thái Nguyên năm 1918 đăng Nam Trung nhật báo (Một ngàn lẻ một đêm).
+ Một bản dịch xuất bản năm 1930 trở về sau, nhiều người dịch (phỏng dịch, tóm tắt sơ sài): Sách giải trí - Một ngàn lẻ một đêm.
+ Bản Dương Quang Nhiễu năm 1935 đăng Hoàn cầu tân văn (của Nguyễn Háo Vĩnh), Một ngàn lẻ một đêm.
+ Từ 1939 trên Phổ thông bán nguyệt san: Một nghìn một đêm lẻ, La San rồi Hoàng Cầm dịch.
+ Từ 1943 nhà Tân Việt ấn hành bản dịch của Trần Văn Lai (Ngàn lẻ một đêm).
+ Từ 1952 nhà Vĩnh Thịnh ấn hành bản dịch của Trần Duy Đức (Một nghìn một đêm lẻ).
+ Bản La Côn (tóm tắt), NXB Phổ Thông, 1963 (Một nghìn một đêm lẻ).
Bản của Phan Quang dịch theo bản Galland. Ở Anh tên Nghìn lẻ một đêm lại không thịnh hành bằng Đêm Arập.
cái bản mà Đọc truyện đêm khuya của vov3 hồi năm nảo năm nao là bản nào thế nhỉ?
ReplyDeleteKhoảng đầu những năm 80, nhà xuất bản có cắc bụp in bộ này trên giấy đen xì, đâu như 2 năm một tập thì phải. Không biết có ai kiên gan thu thập được hết 10 tập không. Không nhớ có phải của Phan Quang dịch không nữa (bác này dịch Hành trình Công ti ki?). Chỉ nhớ nhiều truyện đọc rùng rợn ra phết (trong tủ sách mình xếp nó vào loại Truyện cổ bên cạnh Kho tàng truyện cổ tích VN nhưng lác đác có công chúa trần truồng… đọc đỏ hết cả vài bộ phận).
ReplyDeleteKhoảng thời gian ấy thì đúng bộ này. Bộ 10 tập nhiều người có đủ chứ.
ReplyDeleteNghìn lẻ một đêm, Phan Quang dịch, NXB Văn học (thì phải), 1981. Bộ đó 10 tập. Năm 1994, bộ đó được in lại thành 4 tập gọn gàng xinh xắn vừa tay cầm với lứa tuổi các cháu nhỏ (bộ mới đẹp đẽ chặt chẽ như khoanh giò thì chỉ để bày tủ, nằm đọc cho trẻ con mà cầm cuốn í có mà mỏi tay rơi vỡ cả đầu). Bộ năm 1994, bìa có cảnh Aladin đang ngồi thảm bay, không giấy đen xì mà là giấy trắng tinh tươm...:)
ReplyDeleteBộ 10 tập những năm 1980 của Nxb Văn học, chỉ 4 tập đầu là Phan Quang dịch theo bản Galland, còn 6 tập sau (không nhớ tên ai dịch) lại theo bản Mardrus. Hai phần văn phong khác hẳn nhau vì đều trung thành với bản gốc.
ReplyDelete