Các lý thuyết gia giải thích về mình và về lý thuyết thì lúc nào cũng rất hấp dẫn, kể cả khi Todorov làm cả một quyển trả lời phỏng vấn để giải thích tại vì sao mình rời bỏ lý thuyết :d
Lời giải thích đó lại càng hấp dẫn hơn khi là lời của một người như Jean Starobinski. Không phải lý thuyết gia văn học nào viết cũng đọc được, nhiều ông viết dai ngoách: Thomas Pavel, Louis Brémond hay Jacques Derrida chẳng hạn. Starobinski cùng những người hay được xếp (chẳng chính xác mấy, nhưng để cho mục đích dễ nhớ thì cũng được) vào “trường phái Genève” hay “trường phái phê bình chủ đề”, thì viết hay; Albert Béguin, rồi nhất là Georges Poulet (tác giả của bộ sách mênh mông Études sur le temps humain), hoặc Jean-Pierre Richard, tuy là người Pháp nhưng vẫn được tính là “trường phái Genève” - đủ thấy trường phái này lỏng lẻo đến thế nào, chứ không được như Frankfurt School :p, người viết các tác phẩm chẳng hạn như về độ sâu trong thơ của một số nhà thơ như Baudelaire etc. (thì cũng chính vì viết như thế nên nhóm này mới hay được gọi là “phê bình chủ đề”). Nhưng người viết hay nhất vẫn luôn luôn là Jean Starobinski.
À, “trường phái Genève” này cũng dễ nhầm với “trường phái Genève” của một giai đoạn trước, tức là xung quanh Ferdinand de Saussure, rồi mấy ông học trò đã chép lại bài giảng để rồi chúng ta có Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (bản dịch ở Việt Nam do tổ Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp trước đây thực hiện, Hoàng Phê viết lời tựa), rồi Charles Bally.
Ở đây Starobinski viết lời tựa cho bản dịch tiếng Pháp một cuốn sách của Karlheinz Stierle (Stierle thì lại thuộc một “trường phái” khác: “trường phái Constance” hehe nhiều trường phái lắm; ai có biết Hans Robert Jauss thì sẽ biết trường phái này; Stierle chính là người thế chỗ Jauss tại Đại học Constance vào năm 1988): La Capitale des signes. Paris et son discours (Kinh đô ký hiệu. Paris và diễn ngôn của nó; từ “discours” cho đến nay vẫn có hai cách dịch: “diễn ngôn” và “luận thuật”). Bản dịch tiếng Pháp của Marianne Rocher-Jacquin, Éditions de la Maison des sciences de l’homme Paris, 2001 (bản gốc: Der Mythos von Paris. Zeichen und Bewusstsein der Stadt, Carl Hansen Verlag, Munich, 1993).
Cuốn sách của Stierle (đề tặng rất oách: “Au pont des Arts”: “Tặng Cầu Nghệ Thuật”) lấy cảm hứng ban đầu từ lý thuyết của Hans Blumenberg, Die Lesbarkeit der Welt. Cái từ “Lesbarkeit” (tức “lisibilité”) dịch thế nào bây giờ nhỉ: “tính khả độc” à ;d
Vài đoạn trong lời tựa “Une ville à lire” (Một thành phố để đọc) của Starobinski:
“Stierle biết rõ những người đi trước mình. Ông nhắc rằng Roger Caillois là một trong những người đầu tiên nói đến “huyền thoại” về Paris (Huyền thoại và con người, 1938). Và rằng, sau này, Roland Barthes sẽ triệu Paris ra trong Các huyền thoại của ông (1957). Stierle cũng vinh danh cuốn sách rất đẹp của Pierre Citron về Thơ Paris (1961), cuốn sách đã chỉ rõ ra những ẩn dụ biến đổi mà thành phố vĩ đại gọi tới. Nhưng Stierle sẽ đi theo một chương trình khác hẳn. Tác giả mà ông gần gũi nhất chắc chắn là Walter Benjamin, người đương thời với các nhà siêu thực (với Aragon và với Người nông dân Paris của ông), chứng nhân cho những cuộc họp của Collège de sociologie [muốn nói đến nhóm tập hợp quanh Roger Caillois, Michel Leiris và Georges Bataille, lại một “trường phái” nữa], cũng là người bỏ lửng tác phẩm viết về Paris mà ông những muốn biến thành tác phẩm tập đại thành của mình. Chất liệu của tác phẩm ấy, dưới nhan đề Passagen-Werk, mãi đến năm 1982 mới được xuất bản hoàn chỉnh. Mục đích là nắm bắt các dấu chỉ và hiệu ứng tâm lý của sự tựu thành “tính hiện đại”. Stierle dùng lại một vài đường hướng thân thuộc với Benjamin, như dấu vết hay cú sốc, sự lang thang [flânerie], và cả vòng hào quang, mà không bối cảnh hóa chúng một cách hệ thống với các sự kiện xã hội-kinh tế cũng như không mở rộng sang sự ngự trị quá mức khó chối bỏ của hàng hóa. Bởi vậy không nên xếp cuốn sách của ông vào chung với những tái hồi tư tưởng Benjamin, một dạng mốt cách đây chừng hai mươi năm, đôi khi chỉ là để xây dựng một ý hệ khác mà thôi. Trong Kinh đô ký hiệu, Stierle tự ngăn mình mở rộng trường dấu chỉ, và không liều lĩnh dấn thân vào những phép ngoại suy. […]
Ta sẽ không thể giới thiệu Karlheinz Stierle cho độc giả Pháp mà không nhắc tới truyền thống “romanistique” [hehe khó dịch nhể] Đức mà các hoạt động và tác phẩm của ông gắn chặt vào. Truyền thống này ở Pháp được biết đến thông qua các bản dịch (đôi khi quá muộn màng) một loạt cuốn sách quan trọng, loạt sách mà tác phẩm này chen chân vào một cách huy hoàng. Chỉ cần nhắc tới vài cái tên và vài nhan đề đã trở nên nổi tiếng: Ernst Robert Curtius với Văn chương châu Âu và thời Trung cổ Latinh; Hugo Friedrich với Montaigne; Leo Spitzer với Các tiểu luận về phong cách; Erich Auerbach với Mimesis; Herbert Dieckmann với những cống hiến có tính chất quyết định của ông cho tri thức về Khai minh và Diderot; Hans Robert Jauss với Cho một thông diễn học văn học và Cho một mỹ học tiếp nhận; Harald Weinrich với Thời gian, Léthé và Ý thức ngôn ngữ học và các cách đọc văn chương. Romanistique Đức lâu nay là một ngành đặt ngữ văn học ở vị trí ngự trị, nhìn vào tổng thể những ngôn ngữ phái sinh từ tiếng Latinh và các nền văn chương của chúng. Trường nghiên cứu rất rộng mở ra như vậy (nhìn cả tới Tây Ban Nha và Ý) rất thích hợp với các nghiên cứu tỉ mỉ cũng như những bước nhảy đầy tham vọng. Tôi mang ơn rất nhiều đối với những người tôi vừa kể tên, và tôi muốn nói thêm một chút về các lý do khiến tôi xích lại gần với tác phẩm của Stierle.
Trong những cuộc tranh luận về phương pháp luận phê bình mở ra tại châu Âu và Mỹ đầu những năm 60, Karlheinz Stierle, sinh viên rồi người kế nghiệp Hans Robert Jauss tại Constance, rất nhanh chóng đứng ở hàng đầu. Sinh năm 1936, ông thuộc vào cái thế hệ đã có thể không mặc cảm mà nối lại với các truyền thống trí thức Đức, dùng lại các tư tưởng của những nhà hình thức chủ nghĩa Nga và các nhà ngôn ngữ học của nhóm Praha, đối thoại với các lý thuyết gia Pháp và Ý, tham gia những bước phát triển của ký hiệu học và ngữ dụng học, đưa ra những ý tưởng mới trong địa hạt thi pháp. Chắc chắn đó là các chuyên ngành ở đại học, nhưng là ở những địa hạt nơi các yêu cầu mới và mối quan tâm mới khiến chúng chuyển động trở lại [“mouvement”, “chuyển động” là một trọng tâm suy tư của Starobinski: một cuốn sách của ông tên là Montaigne en mouvement]. Có vấn đề diễn giải (thông diễn học) và vấn đề về hiểu. Và nếu ở đây trước hết cần đến một sự hiểu chuyên môn hóa, thì người ta cũng cảm thấy những gì được đem ra bàn luận đã vượt qua những đường biên giới chuyên ngành và thậm chí vượt cả bộ khung môi trường đại học. Trong những cuộc họp của nhóm làm việc “Poetik und Hermeneutik” tổ chức tại Đức, sự hiện diện của Stierle có tầm quan trọng hàng đầu […]
Với các độc giả của ông, đây sẽ là một cuộc gặp gỡ với “trường phái Constance”. Trường phái này được biết đến (trước hết nhờ Jauss) nhờ động lực mà nó truyền cho một “mỹ học tiếp nhận”. Liệu có phải nhắc lại tham vọng đầu tiên của nó hay không, cái tham vọng đưa lịch sử văn chương trở lại trong một viễn tượng rộng lớn hơn về triển hạn lịch sử, nhờ viện dẫn tới các bằng chứng rút từ những văn bản hơn là từ những ước đoán liều lĩnh thường xuyên chiếm ưu thế trong lịch sử tri thức (Geistesgeschichte)? Trường phái Constance mời gọi quan tâm đến “biện chứng giữa câu hỏi và lời đáp”. Nó cũng tìm cách định ra những “chân trời đón đợi” nơi các tác phẩm xuất hiện. […] Chủ yếu là tại Đức ẩn dụ về chân trời đã tìm được sự phát triển của mình, từ Kant cho tới Karl Mannheim, từ Husserl cho tới Gadamer. Để hiểu những khái niệm này, tốt hơn hết là soi rọi chúng bằng những gì Valéry đã phác thảo trong Văn chương, và chỉ ra từ trước con đường nhiều nhà văn và nhà phê bình sẽ đi theo trong nửa cuối thế kỷ: “Khi tác phẩm đã được ấn hành, cách tác giả diễn giải nó không còn nhiều giá trị gì hơn mọi diễn giải khác của bất kỳ một ai. […] Ý hướng của tôi chỉ là ý hướng của tôi, còn tác phẩm là tác phẩm.””
Trong những gì Stierle bình luận liên quan đến ký hiệu Paris, dĩ nhiên là có tiểu luận “Tháp Eiffel” của Roland Barthes, cũng lại một văn bản của thập kỷ 60. Để tôi dịch ra cho các bác tha hồ ném đá nhá :d
Stierle. hihi.
ReplyDeleteMình đang quan tâm đến ông này. Ổng là hế hệ thứ hai của "trường phái Konstanz".
Bác dịch đi, mình tham khảo với.
úi cả tháng giời mới chộp được con cá, nhưng cá kiếm chắc là to :p
ReplyDeletecác bác có hứng thú không để tôi gửi vào một bản rồi ta vừa dịch vừa bình luận cho vui