Mar 31, 2011

Phê bình và chân lý

Lần mò mãi cũng đến được năm 1966 ;p Năm này kinh khủng khiếp, một năm mà dài bằng mấy thế kỷ. Nhìn chung ai cũng nhất trí mốc cấu trúc luận là 1966, nhưng cũng có người đặt lệch đi một chút, như Barbara Johnson, đặt trọng tâm lệch về phía Derrida, thì coi mốc này phải là 1967 (Johnson cùng Spivak là hai người thành danh nhờ dịch sách của Derrida; Johnson là học trò của Paul de Man, tức là "trường phái Yale" hehe lại trường phái, các bác sướng nhá :d; hôm trước nói chuyện với một bác đồng nghiệp của Barbara Johnson, thốt nhiên mới biết hóa ra bà í chết đã được mấy năm rồi). Sở dĩ năm 1966 là năm cách mạng là vì năm ấy một loạt sách quan trọng được xuất bản, rất rất nhiều, có người đã liệt kê ra rồi đấy, đại khái là đủ mặt nhân vật trí thức khoa học xã hội Pháp giai đoạn này. Đặt trọng tâm vào nhân vật nào cũng được, nhưng với tôi năm 1966 trước hết là năm của Barthes, Foucault và Genette.

Phê bình và chân lý (chưa quyết định được vérité là chân lý thì chuẩn hơn hay là sự thật) là bản tuyên ngôn đầy tính chiến đấu của cuộc đối đầu cũ-mới, trong vòng một năm trước đó còn là chuyện cá nhân giữa giáo sư Raymond Picard và Roland Barthes trẻ tuổi, giờ đây đã lớn chuyện lắm rồi.

Thập niên sáu mươi này với Roland Barthes là "những năm phê bình". Năm 1966 cũng là lúc sắp sửa Bakhtin "nhảy vào cuộc chơi", trân trọng nhấc Saussure dịch sang một bên để chiếm lấy vị trí nguồn cảm hứng lớn nhất của phong trào lý thuyết. Dây dẫn nguồn cảm hứng này vào cho hoạt động lý thuyết thực tiễn vẫn là Roland Barthes, cùng Julia Kristeva và nhóm Tel Quel của Philippe Sollers.


I

Cái mà người ta gọi là "phê bình mới" không phải hôm nay mới có. Ngay từ Giải phóng (điều này là bình thường), một xét lại nào đó đối với văn chương cổ điển của chúng ta đã được tiến hành trong sự cọ xát với những triết học mới, bởi tay các nhà phê bình rất khác nhau và qua những chuyên khảo đa dạng cuối cùng đã bao trùm tất cả tác giả của chúng ta, từ Montaigne cho tới Proust. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một đất nước cứ đến kỳ lại đem các thứ đồ vật thuộc quá khứ của mình ra mà miêu tả lại với mục đích tìm hiểu xem có thể làm gì với chúng: đây chính là, đây phải là những thao tác đánh giá thường xuyên.

Thế nhưng vừa mới đây thôi người ta đột ngột buộc tội phong trào này là trá ngụy [R. Picard, Nouvelle critique ou nouvelle imposture, Phê bình mới hay trò trá ngụy mới, 1965, 149 tr. - Những tấn công của Raymond Picard chủ yếu nhằm vào Sur Racine, Về Racine (Seuil, 1963)], ném vào những tác phẩm của nó (hoặc ít nhất là một số trong đó) những cấm đoán vẫn thường định nghĩa ra, bởi sự kinh tởm, mọi thứ tiên phong chủ nghĩa: người ta phát hiện chúng là trống rỗng về mặt trí tuệ, vòng vo khéo léo về mặt ngôn từ, nguy hại về mặt đạo đức và chỉ có được thành công dựa trên thói thời thượng. Điều đáng kinh ngạc nằm ở chỗ bản án này xuất hiện muộn đến vậy. Tại sao lại là ngày hôm nay? Đó có phải là một phản ứng chẳng mấy ý nghĩa hay chăng? hay sự trở lại đầy gây hấn của một thứ chủ nghĩa ngu dân nào đó? hoặc giả, ngược lại, là sự phản kháng đầu tiên trước các hình thức mới mẻ của diễn ngôn, những gì đang tự chuẩn bị và đã được dự cảm?

Điều gây choáng váng trong những đòn tấn công mới đây được tung ra chống lại phê bình mới, là tính chất tập thể ngay lập tức và như thể hoàn toàn tự nhiên của chúng [Một nhóm các nhà bỉnh bút đã mang tới cho lời nhục mạ của R. Picard một sự trợ sức không xem xét, không vòng vo và rất đầy đủ. Ta hãy đưa ra bức tranh danh dự của phê bình cũ (bởi đã có phê bình mới) này: Les Beaux Arts (Bruxelles, 23/12/1965), Carrefour (29/12/1965), La Croix (10/12/1965), Le Figaro (3/11/1965), Le XXe siècle (11/1965), Midi libre (18/11/1965), Le Monde (23/10/1965), rồi còn phải thêm vào đó một số thư độc giả nữa (13, 20, 27 tháng Mười một 1965), La Nation francaise (28/10/1965), Pariscope (27/10/1965), La Revue parlementaire (15/11/1965), Europe-Action (1/1966); ta cũng không quên Viện Hàn lâm Pháp (Trả lời của Marcel Achard cho Thierry Maulnier, Le Monde, 21/1/1966)]. Có cái gì đó thật nguyên thủy và trần trụi bắt đầu nhúc nhích ở trong đó. Ta có thể nghĩ mình đang tham dự một buổi lễ khai trừ được tiến hành trong một cộng đồng cổ xưa chống lại một chủ thể nguy hiểm. Từ đó mà có cái từ vựng kỳ cục của xử tử ["Đây là một cuộc xử tử" (La Croix)]. Người ta mơ đến gây thương tích, giết chết, đánh, sát hại phê bình mới, lôi nó ra trước tòa đại hình, lên cột bêu tội nhân, lên giá treo cổ [Đây là một vài trong số những hình ảnh gây hấn đầy duyên dáng ấy: "Những vũ khí của trò lố" (Le Monde). "Mise au point en volée de bois vert" [lèo mẹ uốn éo thế này hic] (Nation francaise). "Đòn đánh rất đáng", "xì hơi những thứ xâm phạm xấu xa" (Le XXe siècle). "La charge de pointes assassines" [hơ] (Le Monde). "Những trò bịp bợm trí thức" (R. Picard, op. cit.). "Pearl Harbour của phê bình mới" (Revue de Paris, 1/1966). "Barthes phải bị bêu lên cột" (L'Orient, Beyrouth, 16/1/1966). "Vặn cổ phê bình mới và chặt đầu theo đúng nghĩa một số kẻ trá ngụy trong đó có Ô. Roland Barthes, mà ông đã dọa được kẻ cầm đầu, bị bóc trần hoàn toàn" (Pariscope)]. Hẳn một điều gì đó sống còn đã bị đụng đến, bởi kẻ hành hình đã không chỉ được ca ngợi tài năng, mà còn được cảm ơn, khen ngợi như một người thi hành công lý sau vụ thanh trừng: người ta từng hứa hẹn cho ông ta "sự bất tử", đến giờ người ta còn ôm hôn ông ta ["Về phần mình tôi tin các tác phẩm của Ô. Barthes sẽ già nhanh hơn các tác phẩm của Ô. Picard" (E. Guitton, Le Monde, 28/3/1964). "Tôi muốn ôm hôn Ô. Raymond Picard vì đã viết... pamphlet của ông (sic)" (Jean Cau, Pariscope)]. Nói ngắn gọn, cuộc "xử tử" phê bình mới giống như một nhiệm vụ phải thực hiện vì vệ sinh công cộng, cần phải cả gan, rồi thắng lợi sẽ làm người ta nhẹ nhõm.

Xuất phát từ một nhóm nhỏ, những đòn tấn công này mang một dạng dấu chỉ ý hệ, chúng lặn sâu vào một vùng mù mờ của văn hóa nơi một điều gì đó có tính chất chính trị không thể xóa bỏ, không phụ thuộc vào những lựa chọn của thời điểm, xâm nhập sự đánh giá và ngôn ngữ ["Ở đây Raymond Picard đáp lời nhà cấp tiến Roland Barthes... Picard đóng cái đinh của chính họ lên những ai thay thế phân tích cổ điển bằng cách chồng lên trên cơn hoang tưởng ngôn từ của mình, đóng đinh lên những kẻ cuồng loạn trò giải mã, những kẻ tin rằng ai ai cũng lập luận giống bọn họ theo cách thức Kabbale, Ngũ Thư Cựu ước hay Nostradamus. Bộ sách "Libertés" tuyệt hảo, do Jean-Francois Revel chủ trì (Diderot, Celse, Rougier, Russell) sẽ còn đe dọa nhiều bộ răng, nhưng không phải bộ răng của chúng ta (Europe-Action, 1/1966)]. Dưới Đế chế thứ hai, phê bình mới hẳn sẽ phải ra trình phiên tòa này: có nó gây tổn hại tới lý trí hay không, bằng cách tuân thủ "những quy tắc sơ đẳng của tư duy khoa học hoặc chỉ đơn thuần là tư duy có chút khớp nối"? Nó có gây choáng váng cho đạo đức hay không, bằng cách đem "một thứ tính dục đầy ám ảnh, phóng túng, vô sỉ" can dự vào khắp nơi nơi? Nó có hạ thấp các định chế quốc gia của chúng ta trong mắt người nước ngoài hay không [R. Picard, op. cit., tr. 58, tr. 30 và tr. 84]? Chỉ một từ: không phải là nó "nguy hiểm" ư [Ibid., tr. 85 và tr. 148]? Được áp dụng vào tâm trí, vào ngôn ngữ, vào nghệ thuật, cái từ này ngay lập tức bày ra toàn bộ tư duy thụt lùi. Quả thực tư duy ấy sống trong sợ hãi (từ đó mà có cả một hàng ngũ những hình ảnh hủy diệt); nó e ngại mọi đổi mới, lần nào cũng bị nó tố cáo là "trống rỗng" (thường thì đó là tất cả những gì người ta tìm ra được để nói về cái mới). Tuy nhiên nỗi sợ hãi truyền thống này giờ đây còn hòa thêm với một nỗi sợ trái ngược nữa, là nỗi sợ bị tỏ ra là lệch thời; vậy là người ta làm nổi bật sự nghi ngờ cái mới từ một số niềm kính ngưỡng đối với "những nài nỉ của hiện tại" hay tính chất cần thiết phải "tư duy lại các vấn đề của phê bình", bằng một món hùng biện đẹp đẽ người ta đẩy lùi ra xa "sự quay trở lại quá khứ đầy vô vọng" [E. Guitton, Le Monde, 13/11/1965. - R. Picard, op. cit., tr. 149. - J Piatier, Le Monde, 23/10/1965]. Ngày hôm nay sự thụt lùi làm người ta xấu hổ, toàn toàn giống như là chủ nghĩa tư bản [Năm trăm người ủng hộ J.-L. Tixier-Vignancour khẳng định trong một bản tuyên ngôn ý chí của họ trong việc "tiếp tục hành động của họ trên cơ sở một tổ chức tranh đấu và một ý hệ quốc gia chủ nghĩa... có khả năng đối đầu một cách hữu hiệu lại chủ nghĩa Marx và thứ kỹ trị tư bản chủ nghĩa" (Le Monde, 30-31/1/1966]. Từ đó mà có những xảo thuật đặc biệt: trong một quãng thời gian người ta vờ như ôm choàng lấy các tác phẩm hiện đại, cần phải nói tới, bởi ai ai cũng nói tới; rồi, đột nhiên, khi một dạng khuôn thước đã bị phạm tới, người ta liền chuyển sang trò xử tử tập thể. Những phiên tòa này, cứ định kỳ lại được các nhóm đóng kín dựng ra, chẳng có gì dị thường hết, chẳng qua chỉ là vài lần mất thăng bằng mà thôi. Thế nhưng, tại sao, ngày hôm nay, lại là Phê bình?

Điều đáng ghi nhận trong chiến dịch này không hẳn là ở chỗ nó đem đối lập cái cũ với cái mới, mà ở chỗ nó giáng lệnh cấm xuống, bằng một phản ứng thuần túy, một dạng lời nói quanh cuốn sách: điều không được dung thứ là ngôn ngữ lại có thể nói về ngôn ngữ. Cái lời nói bị tách đôi trở thành đối tượng cho một sự cảnh giác đặc biệt từ phía các định chế, những gì vẫn thường giữ chặt nó bên dưới một bộ luật chật chội: trong Nhà nước văn chương, phê bình cũng phải bị "trông chừng" giống như cảnh sát: thả tự do cho một cái cũng "nguy hiểm" y như là phố biến rộng rãi cái còn lại: sẽ là đặt thành vấn đề quyền lực về quyền lực, ngôn ngữ về ngôn ngữ. Tạo ra một ngôn ngữ thứ hai với ngôn ngữ thứ nhất của tác phẩm thực sự đồng nghĩa với mở ra một con đường của những chặng dừng không thể biết trước, trò chơi bất tận của những tấm gương, và chính sự thoát ra này là đáng ngờ. Chừng nào phê bình chỉ mang chức năng truyền thống là đánh giá, thì nó sẽ chỉ có thể tuân phục chuẩn mực, nghĩa là tuân phục các lợi ích của những quan tòa. Tuy nhiên, "phê bình" thực thụ của các định chế và các ngôn ngữ không phải là "đánh giá", mà là phân biệt, chia tách, tách đôi. Để có tính chất lật đổ, phê bình không cần phải đánh giá, nó chỉ cần nói về ngôn ngữ, thay vì sử dụng ngôn ngữ. Cái mà ngày nay người ta trách cứ ở phê bình mới không phải ở điểm nó "mới", mà ở điểm nó hoàn toàn là một "phê bình", nghĩa là tái phân bổ vai trò cho tác giả và người bình luận, qua đó mà tấn công thẳng vào trật tự các ngôn ngữ. Ta sẽ chắc chắn được điều này khi quan sát đạo luật người ta mang ra để chống lại nó, mà người ta tự cho phép mình dùng nhằm "xử tử" nó.

[Trên đây là ba trang đầu trong tổng số 40 trang cuốn sách nhỏ này; Phê bình và chân lý gồm hai phần, phần I sau mấy đoạn trên thì đến các phần có tiểu đề: "Cái như thật của phê bình", "Tính chất khách quan", "Gu thẩm mỹ", "Sự sáng sủa", "L'asymbolie" - một từ rất là hiểm :d, phần II gồm có "Cuộc khủng hoảng của Bình luận", "Lời ở số nhiều", "Khoa học về văn chương", "Phê bình", "Sự đọc".]

[Ở đoạn cuối tôi dịch trên đây theo tôi chứa đựng cốt lõi của phê bình Roland Barthes: "Tạo ra một ngôn ngữ thứ hai với ngôn ngữ thứ nhất của tác phẩm". Theo dõi cách người ta đón nhận và bình luận Barthes ở Việt Nam tôi không khỏi ngán ngẩm và cười thầm trong bụng hehehe cái thứ đầu óc tả khuynh thẳng đuột của con người ta đúng là chỉ có thể khoái trá và thấy được cổ vũ bởi những ngôn từ của một Jean-Paul Sartre, một Albert Camus, hay một Pierre Bourdieu sau này. Sự tiếp nhận này rất nghịch lý: khi người ta thấy hãi cái appareil terminologique của những người như Barthes hay Genette thì ngay lập tức họ gọi đó là đường lối khoa học giả hiệu, máy móc, để lặn ngụp vào những món nhân văn chủ nghĩa và triết học vị nhân sinh, nhai nhải mãi một Thánh Nhân nào đó, lúc thì xoay ngược mũi giáo công kích để nói mấy tay này chỉ bình tán là giỏi ak ak ak.]

----------------------

Mấy bài review quyển The Troubled Man, quyển thứ mười và cũng là cuối cùng của loạt Kurt Wallander :( Đọc mấy bài này mới biết Mankell là con rể Ingmar Bergman (ở Việt Nam cũng có bản dịch hồi ký của Bergman đấy) và loạt Mankell này bán hết khoảng ba mươi triệu bản trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam đóng góp đâu như gần 5.000 bản hehehe:





7 comments:

  1. Thông tin hữu ích quá, bác Nhị cho biết tên hồi ký của Bergman là gì , ở đâu bán vậy ?

    ReplyDelete
  2. không nhớ chính xác lắm, sách bìa màu trắng, in cách đây 7-8 năm, do Thụy Điển tài trợ, tên là "Những ý nghĩ cao cả" hoặc "Những suy nghĩ cao cả" hoặc "Những ý tưởng cao cả"

    ReplyDelete
  3. Phê bình có Chân lý à? Tưởng chỉ có Chân anh thôi chớ. Nhưng chân mỗi anh lại khác, mà anh nào cũng tưởng chân mình "above average". ;P

    ReplyDelete
  4. chân bác có trên một mét hông mà tính bàn về chân hehe

    ReplyDelete
  5. Chi mà dữ vậy trời? Bắt chước mấy anh cứ thích là phê chớ. Nghe đồn Barthes đã nói, có khi càng dài càng độc đoán à. Kiểu "mình vội vã đi em", không còn khả năng "xin đi từ thơ ấu". ;P

    ReplyDelete
  6. cũng hơi hơi, vì chắc chưa đến 5000 hehe

    ReplyDelete