Jun 22, 2011

Kundera là một xì căng đan

Trong số chuyên đề Milan Kundera của Magazine Littéraire (ML :p) nhân dịp in bộ Oeuvres trong La Pléiade (số tháng Tư năm 2011), ngoài những bài nhìn chung là chán ốm của mấy nhân vật hay viết về Kundera như Dominique Noguez, François Taillandier và nhất là siêu sao về nhàm chán Guy Scarpetta có nửa sau hay, nhất là bài phỏng vấn Alain Finkielkraut và bài viết của một nhà văn người Anh thuộc thế hệ mới, Adam Thirlwell. Thirlwell thẳng thừng gọi Kundera là một “xì căng đan”; điều hiển nhiên như thế này mà bây giờ mới có người gọi được tên ra, nhỉ :p Bài viết có nhan đề đầy đủ là “La scandaleuse légèreté de cet être” (Sự nhẹ đầy xì căng đan của cái con người ấy), bản dịch ra tiếng Pháp của Anne-Laure Tissut.

Tôi thấy không nuốt trôi, không ngửi nổi cái thói gì cũng nâng tầm triết học các thứ. Như thế là hạ chứ chả phải nâng tẹo nào :d

------------------

1. Thật dễ và thật tự nhiên khi xem Milan Kundera là truyền nhân của sự nghiêm túc tuyệt vời Trung Âu, qua Robert Musil và Hermann Broch: đúng, thật dễ khi thêm vào đó lại còn xem ông là một tiểu thuyết gia-triết gia, với những suy tư về sự quên, thời gian và tương lai châu Âu. Nhưng tôi không thấy tin tưởng rằng đó là một cách đọc chính xác. Tôi không thấy tin tưởng rằng đó là cách đọc đúng đắn cần có đối với một tiểu thuyết gia. Không, tôi đang tự hỏi liệu bước đầu tiên của sự vinh danh đích thực cho Milan Kundera lại không phải là một sự chối từ lại các phạm trù thường gặp của Trung Âu, triết học và cái nghiêm túc: một sự chối từ lại mọi đồ nghề lủng củng của cuộc phong thần [pléiadisation: hehe, tác giả dùng từ này là để giễu vụ chui vào bộ La Pléiade]. Tôi đang tự hỏi liệu sự vinh danh một tiểu thuyết gia dành cho Kundera lại không phải là nhìn nhận đúng đắn dáng vẻ thoải mái hoàn toàn ở ông. Ông có thể mang cái vẻ của một triết gia, điều đó đúng. Nhưng một sự vinh danh đích thực cho Kundera hẳn phải đọc ông theo cách thức một tiểu thuyết gia, không phải trong khuôn khổ lịch sử triết học, mà khuôn khổ lịch sử nghệ thuật của ông. Một sự vinh danh xứng với cái tên ấy, nói cách khác, hẳn phải nhìn ra cú xì căng đan mà Milan Kundera là đại diện.

Bởi Kundera là một xì căng đan, điều này không có gì phải nghi ngờ hết. Nghệ thuật của ông là một sự vi phạm tuyệt đối. Bởi vậy, tôi, tiểu thuyết gia trẻ tuổi, tôi muốn phác họa bức tranh vẽ các phương thức của vụ xì căng đan Kundera trong lịch sử tiểu thuyết. Sự độc đáo của ông được thành tựu nhờ một động thái triệt để thuộc sự nhẹ, trong đó các ý tưởng của chúng ta về ham muốn, về chính trị, về đạo đức, tóm lại là mọi phạm trù nghiêm túc truyền thống, đều bị lung lay; và sự đảo lộn này phụ thuộc vào sự đảo lộn sâu sắc nhất trong mọi sự đảo lộn: công trình đầy tình yêu và đầy báng bổ của ông trong chuyển hóa lịch sử và nghệ thuật tiểu thuyết. Đúng, xì căng đan thực thụ của Milan Kundera là tính chất triệt để trong kỹ thuật của ông.


2. Và mọi chuyện bắt đầu, tôi nghĩ vậy, ở trên giường. Dù thế nào thì với tôi, đứa trẻ sống ở ngoại ô London, các tiểu thuyết của Kundera cũng dung chứa một hiểu biết khủng khiếp, một sự trần tục, với những cảnh ham muốn của chúng. Và, khi mà giờ đây nghĩ lại, tôi không thể quên đi nổi sự tăm tối tuyệt diệu ở một trong những truyện đầu tiên của ông, “Chơi trò xin đi nhờ xe”, nơi cái cảnh tự huyễn của một cặp trai gái trở thành công cụ tàn hủy họ, tôi cũng không thể quên nổi một khoảnh khắc gần đây hơn của lòng can đảm trong tưởng tượng, ở Vô tri, khi Kundera tả cảnh người đàn ông bị mẹ người tình anh ta quyến rũ: chỉ choàng trên người một cái pe nhoa, vừa nghe nhạc, nhìn vào hình phản chiếu của họ trong gương, người đàn bà nhiều tuổi hơn anh vừa đặt tay vào giữa hai chân anh, một bàn tay mà anh không dám nhấc ra, vì lịch sự. Bà để cái pe nhoa mở hé và “anh nhìn thấy cặp vú đồ sộ và hình tam giác màu đen phía dưới” [ngại đi tra sách đã in cho đúng nguyên tắc trích dẫn nên dịch lại luôn :p]. Ngay tiếp theo đó là một đoạn văn vô cùng tiền phong chủ nghĩa: “Không rời mắt khỏi tấm gương, rốt cuộc bà mẹ cũng nhấc tay mình ra để rồi luồn ngay nó vào bên trong cái quần dài mà tóm lấy dương vật trần trụi của anh. Cái dương vật không ngừng cứng lên và bà, vẫn tiếp tục những động tác khiêu vũ và vẫn nhìn chăm chăm vào gương, kêu lên đầy vẻ ngưỡng mộ bằng cái giọng alto nhiều độ rung của mình: “Ôi, ôi! Không thể nào, không thể nào!”” Trong cuộc gặp rất xì căng đan này của tuổi già và tuổi trưởng thành đã hé lộ sự ranh mãnh đích thực của Kundera.

Bởi cốt lõi phong cách của Kundera là một sự mỉa mai vô cùng ranh mãnh. Chắc chắn là chúng biểu lộ trong sự táo bạo ở các cảnh tình ái của ông, nhưng sự hỗn hào này còn lộ rõ khắp nơi trong giọng viết - và hiệu ứng nó mang lại là cay độc, gây váng vất. Như ở đoạn này (tôi trích theo trí nhớ) trong Các di chúc bị phản bội nơi Kundera bình thản xem xét thứ cliché hậu cộng sản ở người dân Praha, “cái cách nói đã trở thành nghi thức, cái lối mào đầu bắt buộc cho mọi kỷ niệm, mọi suy nghĩ: “sau bốn mươi năm cộng sản kinh hoàng ấy”, hoặc: “bốn mươi năm kinh hãi”, và nhất là: “bốn mươi năm bị đánh mất””. Thế nhưng họ đã tiếp tục sống, Kundera viết, tiếp tục làm việc và đi nghỉ, yêu nhau; nhưng, “bằng cụm từ “bốn mươi năm kinh hãi”, họ rút giảm đời mình về duy nhất khía cạnh chính trị”. Trong phân tích này, Kundera thể hiện tính chất đặc thù kiên quyết trong phong cách của mình. Một phong cách không hài lòng với việc chối từ rằng chính trị trở thành một giá trị tuyệt đối. Ông làm xói mòn mọi ý tưởng của chúng ta về đạo đức. Tôi nghĩ tới những gì Kundera viết, trong cuốn sách mới nhất của ông, Một cuộc gặp, về một đoạn rút ra từ cuốn tiểu thuyết của Céline, D’un château l’autre [kiểu như Từ lâu đài đến lâu đài], viết sau Thế chiến thứ hai. Céline kể về cái chết của con chó cái của ông, nằm hấp hối trên đám sỏi. “hai… ba tiếng nấc nhỏ… ôi, rất kín đáo… không chút than phiền… nói vậy… và ở tư thế thực sự rất đẹp, như đang lấy đà, chạy khỏi… […] Ôi, tôi từng thấy rất nhiều cuộc hấp hối… ở đây… ở kia… khắp nơi… nhưng còn lâu mới đẹp đến vậy, kín đáo đến vậy… trung thành… cái làm hỏng đi những cuộc hấp hối của con người là sự trang trọng [Céline dùng từ “tralala” rất khó dịch cho đủ ý]… dù sao thì lúc nào con người cũng diễn trò… đơn giản nhất…”

Trong lời vinh danh ngắn cho Céline này, Kundera, trong một đoạn văn đáng ngưỡng mộ, nấn ná ở từ của Céline, “tralala”: “Và cái “tralala” ấy! Cái chết luôn luôn như cảnh cuối một vở kịch, như kết cục một trận đánh.” Đó là chủ đề của Céline: một quan sát tức tối về cơn nghiện đầy tính kịch nghệ của con người đối với kitsch. Nhưng Kundera còn thêm vào lời bình luận riêng của ông, rất đặc biệt: có thể Céline nhận ra được sự thiếu vắng cảm xúc trong cái chết của con chó chỉ là bởi bản thân ông đã phải gánh chịu, sau chiến tranh, “trải nghiệm của một cuộc đời đã bị người ta tịch thu đi hết cái tralala”. Bởi Céline, vì đã hợp tác với quân nazi, “trong vòng hai mươi năm thuộc vào những người bị kết án và bị khinh bỉ, ở trong thùng rác của Lịch sử, là tội phạm trong số các tội phạm”: từ vị thế bị loại bỏ của mình, Céline đã có thể quan sát thấy cái vô hình đối với những người khác, những người “thuộc về phía công chính […] nói ngắn gọn là thuộc về phía vinh quang”. Nhờ thế, Kundera viết, ông có thể quan sát thấy tính chất phù phiếm mà sự tự tin của đạo đức con người dựa trên.

[còn thêm một đoạn "3" nữa, cũng ngắn, nhưng tác giả về cuối bài viết đuối quá, mình chả thích nên thôi chả dịch nữa :p]

10 comments:

  1. mọi xì căng đan đều hấp dẫn, tiếp đê:)

    ReplyDelete
  2. "Sự nhẹ đầy xì căng đan của cái con người ấy" "động thái triệt để thuộc sự nhẹ" tóm lại là cái "sự nhẹ" sao đọc cứ thấy tức oanh oách!

    ReplyDelete
  3. vâng, thế để em đổi hết thành "sự khinh khoái" :p

    ReplyDelete
  4. Bài viết quá hay. Cám ơn bác Nhị Linh. Quả vậy, nhìn nhận sự vật một cách thoải mái như một cơn gió trong lành thổi qua những trang sách nặng nề của cuộc "phong thần" vậy. Gọi tên sự vật như nó là. Cái vẻ trang nghiêm của con người đã được Cao hành Kiện mỉa mai trong "Linh Sơn" "anh thấy con người thật trang nghiêm, làm cái gì cũng trang nghiêm, đến mút kem cũng mút một cách trang nghiêm". He he... Chúc bác Nhị Linh sức khỏe.
    Hoàng Long

    ReplyDelete
  5. nhẹ đến mức xì căng đan thì mới khiếp, và rất rất khó :) cám ơn bác HL

    ReplyDelete
  6. "sự nhẹ nhõm" có thể là một lựa chọn :)

    ReplyDelete
  7. Giời, sao cứ mem mem nhau thế, không dọn một phát bà con ăn luôn cho nóng sốt hè!

    ReplyDelete
  8. Bác NL cho tôi hỏi 1 câu không liên quan lắm. Đó là cuốn Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline đã được xuất bản ở VN chưa?

    Thân.

    ReplyDelete
  9. rồi, tôi đã đọc ở thư viện quãng năm 1995-1996, kể từ đó chưa hề nhìn thấy lại, nếu tôi không nhầm thì là bản dịch của Nguyễn Trọng Định

    ReplyDelete
  10. bác chắc đã học qua tiếng Tiệp mới hiểu Kundera đến vậy

    ReplyDelete