Aug 13, 2011

giời ạ giời ạ giời ạ


Các em học sinh, ngoài những điều hay bị báo chí tố cáo như là thích nhuộm tóc đủ các màu, hay chơi game, chat trên mạng bằng thứ ngôn ngữ sai chính tả không thể hiểu nổi và có một số cách sống không hợp mắt những thế hệ đi trước, lại còn khá là ngây thơ. Kỳ thi vừa rồi sự ngây thơ ấy đã thể hiện rất rõ khi nhiều em không chịu học môn lịch sử, để rồi phải lĩnh điểm không.

Lâu lắm rồi trên bàn nhậu của những người hay uống bia hơi mới xuất hiện một đề tài nằm ngoài những xe ô tô, những điện thoại di động và các vụ um xùm của một giới mang cái tên rất lạ là “giới sô bít”. Đề tài này được mổ xẻ rất kỹ, nhậu lai rai cùng vài câu nói đã trở thành kinh điển đi kèm.

Câu nói cảm động nhất được truyền đạt lại từ một cô giáo dạy sử có thâm niên và nhiều uy tín, cô giáo cho biết có phụ huynh từng buồn bã mà nói: “Con đỗ chuyên sử, em xấu hổ với cơ quan”. Thật là đáng buồn, con học giỏi lẽ ra phải mừng thì vị phụ huynh lại rầu lòng, nhưng dù sao như vậy thì cũng vui vì tâm lý trường chuyên lớp chọn coi như cũng đã nhạt nhòa ít nhiều, câu chuyện đó hóa ra kết thúc cũng có hậu, vì sau một thời gian vị phụ huynh đã vui trở lại.

Đến câu nói của một vị quan chức to lắm, lại hữu trách, nói rằng kết quả môn sử như thế ông thấy bình thường, thì nhiều người bình luận lắm. Đặt lên đặt xuống rất nhiều, dân nhậu bia hơi đi tới sự đồng thuận lớn là những câu nói tưởng chừng bất bình thường khi nào được phát ra từ miệng quan chức thì thật ra cũng… bình thường thôi. Vả lại, cũng phải hiểu cho ông ấy, ông ấy nói “bình thường” là nói trong một bối cảnh chung, khi mà ai ai trong xã hội cũng đã thấy là bình thường lắm cái việc người ta đâm xe ngoài đường rồi giết nhau luôn, ăn nhái ăn cò ăn bọ xít cũng là bình thường, rồi thì giá cả tăng gấp đôi mà đại biểu quốc hội có học vị tiến sĩ khẳng định là nước mình lấy đâu ra có lạm phát. Thế nên, ông quan chức có nói là “bình thường” thì nên hiểu đúng là… bình thường thôi.

Đến lúc một vị khác, cũng hữu trách trong sự việc, nhưng là theo kiểu khác, lên tiếng đề nghị hay là trả lương 3.000 đô để các em thích học sử hơn, thì dân tình băn khoăn lắm. Nhiều người thấy cũng có lý, báo chí lâu nay nhao nhao khẳng định bọn trẻ con bây giờ rất thực dụng, thích ăn chơi hưởng lạc hơn là làm lụng (xưa rồi cái thời lý tưởng thời đại thể hiện trong câu hát “Ai cũng một thời trẻ trai…”), nên lấy lợi ích ra đặt ở mục đích thì âu cũng là hợp lý. Nhưng nghĩ kỹ thì cũng không được: ngành sử đòi như thế rồi sẽ làm gương, rồi đến ngành địa lý, ngành nhân chủng học, xã hội học, ngành kỹ thuật nông nghiệp cũng đòi nốt 3.000 đô, thì chắc nước mình nhanh chóng phá sản.

Giải pháp có lẽ là phải nhìn vào tâm lý lứa tuổi của các em, chỉ rõ cho các em thấy là học sử có lợi cho tương lai đến thế nào, và phải chỉ thật rõ, có ví dụ sinh động trực quan (môn sinh học hay môn vật lý thì dễ rồi, sinh học thì giúp người ta mổ gà khéo hơn, vật lý thì giúp thay bóng đèn mà không bị điện giật). Chẳng hạn như ta có thể bảo các em là học sử mà chăm chỉ thì khi xem phim cổ trang tha hồ cười cô diễn viên mặc rõ đẹp mà đọc sách lại cầm ngang thẻ tre, hoặc cái này cái kia chưa có ở thời nhân vật nọ, thế mà trong phim lại thấy nhân vật ấy làm đúng những thứ đó, thậm chí trong một bộ phim thời Tây Sơn ta còn thấy ở xa xa một cái cột điện. Hiểu sử thì sẽ không bị đạo diễn phim nhựa phim truyền hình đánh lừa.

Thêm nữa, làm ngành sử nếu mà khéo léo và may mắn thì cũng chẳng cần nghiên cứu mấy cho đau đầu, mà vẫn đều đều lên tivi nói đủ thứ, nhất là những thứ ngoài chuyên ngành sử học, rất được thiên hạ trọng vọng. Từ đó tới chỗ kiếm được nhiều tiền thì có mấy hồi. Một đặc trưng nữa của ngành sử là đôi khi ta chỉ có bằng cử nhân nhưng ai ai cũng nghĩ ta là giáo sư, mà điều đó thì xứng đáng thôi, vì ngành sử được tiếng là khó, ai câu nệ tiểu tiết, miễn biết một chút về sử thì đáng gọi là giáo sư hết.

Cuối cùng, kinh nghiệm đi thi sử hai lần ở hai kỳ tốt nghiệp các cấp học cho tôi thấy là học sử thì khó, nhưng không phải là không thể. Những môn khác học ba lần thuộc thì sử chỉ cần học đến lần thứ ba mươi.

10 comments:

  1. thảo nào anh rất giỏi văn học sử :)

    ReplyDelete
  2. với lại các nhà văn nhớn ở nước ta hay là dân học sử ra(Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hòai chẳng hạn)

    ReplyDelete
  3. đểu quá đi thôi, lại gây thù chuốc oán với một số giáo sư sử học kiêm người của công chúng rồi

    ReplyDelete
  4. dạo này có một bác nghị cứ phán bừa lung tung hết cả, chứng tỏ dân sử mà chả biết tẹo gì về sử học

    ReplyDelete
  5. Cái này không phải 'tỏ ra' mà là 'nguy hiểm' thật phỏng ạ? ;)

    ReplyDelete
  6. Phạm Thị Hoài có học sử đâu í nhỉ

    Tân ơi, lại mới có thêm đồng chí nào à?

    KV: HN giời mưa đề phòng dây điện đứt rơi xuống nguy hiểm chết người :p

    ReplyDelete
  7. há há, cứ thế nhé, tiếp tục thế nhé, mình... sướng :D

    ReplyDelete
  8. marcus: nữa đi, nữa đi à :p mà sướng như thế nào, sướng ở đâu nói cho rõ đê hehe

    ReplyDelete
  9. Bài trên Thể thao Văn hóa bị cắt khúc hay:)

    ReplyDelete
  10. vầng hic, tôi cũng không hiểu tại sao lại phải cắt, vì mục đích của chuyên mục là châm biếm, nên đang phải nghiên cứu viết thế nào để không bị cắt :pp

    ReplyDelete