Aug 6, 2011

ngắn hơi thì hay là không bơi

Về cái sự nhà văn Việt Nam, nhất là nhà văn nữ, viết được vài cái truyện (ở một số trường hợp, duy nhất chỉ một), vài bài thơ rồi thôi luôn, nhiều người đã bàn lắm rồi. Các nhà phê bình gọi đó là hiện tượng “ăn mình”, ăn hết mình thì thôi, mà cái “mình” thì hơi ít nên chỉ có thế, lại có lúc người ta đồ rằng những thiên chức đặc thù của giới tính khiến họ phải bận rộn chăm lo những việc khác trần tục nhiều hơn, thành ra phải bỏ bê cái thứ xa xỉ văn chương chữ nghĩa. Chưa hết, lại có hiện tượng là một số nhà phê bình văn học chỉ chăm chăm tìm tác phẩm của nhà văn nữ để chê bôi ỉ ôi. Ỉ ôi nhiều như thế thì làm sao mà chịu nổi, hãi quá mà “đám xuân xanh ấy” đành “bỏ cuộc chơi” thì cũng là dễ hiểu thôi.

Nhưng nhìn sâu xa hơn, nhìn theo hướng tâm linh huyền bí, dựa vào quy luật nhân quả và âm dương ngũ hành, thì cũng phải chắt lưỡi lắc đầu mà nói rằng không ít nhà văn nữ ở buổi đầu của tuổi xuân xanh đã hơi dại dột đặt ra những cái nhan đề như thể chặn đứng mọi sự tiếp tục của tương lai. Trong hào hứng, họ quên mất rằng nếu đặt tên sách là Khi người ta trẻ thì lúc không còn trẻ lắm nữa biết làm gì đây.

Hoặc nữa, cái tên Đi hết đường mưa đọc lên nghe hao hao mùi vị của định mệnh: đã “đi hết” rồi thì còn đi đâu được nữa, không những thế, “đường mưa” còn là một thứ rất nguy hiểm, chiểu theo tinh thần lời bài hát của một ca sĩ (nam) mới đây đã hâm nóng báo chí trên mạng bằng bộ ngực của mình: “Nếu ngày xưa bước đi nhanh qua con đường mưa/Thì anh đã không gặp người/Nếu ngày xưa em nhìn anh nhưng không mỉm cười/Thì anh đã không mộng mơ”. Đường mưa và những hệ lụy của nó, hẳn là phải có chút ít cay đắng từng trải rồi người ta mới thấu hiểu được. Lại có nhà văn khẩn khoản Tìm trong nỗi nhớ, đã là tiền triệu cho một sự đứt đoạn vì không hướng tới tương lai rồi, ngay tiếp sau đó vẫn nhà văn ấy lại đặt tên truyện của mình là Trên đỉnh dốc, thật là giống như là tự thách thức mình trong một môn thể thao mạo hiểm đòi hỏi những năng lực xuất chúng về đổ dốc để không bị ngã giữa lưng chừng.

Lại có những thứ cứ dính chặt vào các con số hung hiểm cực kỳ khó thoát khỏi vòng ảnh hưởng (trong môn khoa học tâm linh, những con số sở hữu bên trong chúng quyền năng bí ẩn lắm). Hai ví dụ thuộc hàng kinh điển của loại này là “Tình yêu chỉ năm chiếc lá”: giời ạ, thế chiếc lá thứ sáu thứ bảy thứ tám thì biết để vào đâu bây giờ? Hoặc nữa, “Một trăm linh tám cây bằng lăng”: có phải là khi thấy cái tên này, bạn ớn lạnh sống lưng mà liên hệ tới Lương Sơn Bạc và rùng mình lo sợ cái từ “bạc” nó vận vào mà phát tác, có phải vậy không? Và số phận cây bằng lăng thứ một trăm linh chín thì sẽ như thế nào đây?

Mở rộng phạm vi bàn luận một chút thì trong lịch sử văn học thế giới đã có cả một cuốn sách bàn về hiện tượng “ngắn hơi” của các nhà văn rồi, đó là cuốn tiểu thuyết pha mùi tiểu luận Bartleby và những người cùng hội cùng thuyền của nhà văn Tây Ban Nha Enrique Vila-Matas. Trong tác phẩm này, Vila-Matas duyệt qua ngót một trăm trường hợp nhà văn trên khắp mọi miền thế giới vì lý do này hay lý do khác đã không viết nữa, bỏ rơi văn đàn, có những người không viết gì trong suốt nửa thế kỷ, sau khi đã có một khởi đầu vô cùng hứa hẹn, lại không hề bị mắc chứng bệnh nan y nào. Trong danh sách những người mắc “hội chứng Bartleby” này có cả những người từng đoạt giải Nobel Văn chương và cả một số nhà văn thực sự vĩ đại.

Lời giải thích hay nhất của một nhà văn ngừng viết có lẽ thuộc về Juan Rulfo; ông thản nhiên trả lời mỗi khi bị hỏi tại sao không viết nữa: “Đó là vì ông chú Celerino của tôi chết mất rồi. Trước đến nay toàn ông ấy kể chuyện cho tôi nghe đấy chứ”. Không còn ông chú hay kể chuyện nữa, nhà văn chẳng còn biết viết gì hết. Hoặc, Samuel Beckett giản dị hơn nhiều: Từ ngữ bỏ đi mất rồi, vậy thôi - ông nói. Ở cùng trong tâm trạng này, Lưu Quang Vũ từng viết: “Những chữ đẹp ngày xưa giờ đã bỏ tôi rồi/Mở trang thơ chúng biến đi đâu cả”.

Vả chăng, các nhà văn ngắn hơi hoàn toàn có thể tìm được lời an ủi ở câu châm ngôn sau đây của La Bruyère, được Vila-Matas đặt làm đề từ cho cuốn sách của mình: “Vinh quang hay phẩm cách của một số người nằm ở chỗ họ viết hay; với những người khác, vinh quang và phẩm cách nằm ở chỗ họ không viết”.

-----------

Bonus thơ Nguyễn Bảo Sinh:


Mấy chị phụ nữ viết văn
Em mà nhằn được em thành Giê Su


:p

22 comments:

  1. Vài bác phê bình có q.
    Soi văn thì ít soi mu thì nhiều
    (Or: Soi văn thì kém soi mu thì tài)

    (Họa lại bác Bảo Sinh phát)

    ReplyDelete
  2. ha ha ! đọc vui quá anh!

    ReplyDelete
  3. Bác NBS gửi thơ hoạ lại đây ạ

    Nói ra thì sợ chị kiêu
    Làm thơ như thế chị liều hơn tôi

    :p

    ReplyDelete
  4. Em gửi lại bác NBS, cũng là từ thơ bác mà ra cả ạ:

    Bầu văn bác đã nhằn rồi
    Bút phê em mới nhẹ lôi ra rờ

    :P

    ReplyDelete
  5. Nhưng nhìn sâu xa hơn, nhìn theo hướng tâm linh huyền bí, dựa vào quy luật nhân quả và âm dương ngũ hành,trên cơ sở của tư duy biện chứng và triết học hiện sinh,kết hợp với quan điểm của nghệ thuật hậu hiện đại, thì cũng phải chắt lưỡi lắc đầu mà nói rằng....

    ReplyDelete
  6. Bác í hứng rồi chị ơi ;p

    Chị rờ thì cứ rờ thơ
    Chứ rờ những chỗ tơ hơ làm gì

    ReplyDelete
  7. Vâng bác NBS, em rất thông cảm cái sự "không nhằn được" của bác :)

    Bác nhằn răng rụng như bi
    Tơ hơ cũng chẳng có gì oai phong

    :P

    ReplyDelete
  8. chị làm bác í ấy lắm rồi :))

    Ra đường sợ nhật công nông
    Về nhà sợ nó bắt không mậc gì

    hehe

    ReplyDelete
  9. Một chị bác đã muốn quỳ
    Mấy chị văn tốt bác thì đi tong
    Có nhá thì nhá văn phong
    Đừng tham chỗ khác mà hòng Giê su

    ReplyDelete
  10. chị ngủ dậy rồi đấy à :) gớm bác í mong mãi:

    Sở trường của chị vần u
    Tôi thì chỉ chẳng hạn như vần ồn
    Thôi tôi nhận đã lỡ mồn
    Đã làm chị phải ngứa lưng một phen

    :pp

    ReplyDelete
  11. Nể bác già yếu hom hem
    Đành tha cho bác một phen nhọc "nhằn"
    Em về chải chuốt áo khăn,
    Bác đi gìn giữ tép vằn buồn thiu...

    :P

    Em chào bác ạ :)

    ReplyDelete
  12. Bạch tuộc Pôn xin hoạ mấy câu :)

    Chị HY nhỏ nhẹ ôn tồn
    Thẩm thơ thì phải dí hồn vào thơ
    Anh Nhị giả vờ ngó lơ
    Hì hà hì hục dí thơ vào hồn

    ReplyDelete
  13. Bạch tuộc Pôn Bạch tuộc Pôn
    Từ đâu đi tới mà ồn lên đây

    :p

    ReplyDelete
  14. Hehe, mình xin ghé ngang hai bạn Nhị, Pôn đang xao xuyến vần ồn một tẹo, bạn mình bảo mình tiếp bác Bảo Sinh nổi danh bốn câu cuối như vậy là chưa đúng lễ, chưa tương ứng với mấy câu trên của bác, lại phải nhờ Nhị Linh giao liên trung chuyển:

    Bác Bảo Sinh quý mến, em viết lại mấy câu cuối thay sang một vần quý hóa khác, (kẻo bác lại tưởng em biết mỗi vẫn u huhu) :P

    Nể bác già yếu hom hem
    Đành tha cho bác một phen nhọc người
    Em về chải chuốt đầu đuôi
    Bác đi gìn giữ cái mồm buồn thiu...

    ReplyDelete
  15. Rằng: Pôn vốn ở trời Tây
    Hồn thơ gửi gió đến đây họa vần

    Mấy câu thơ họa của bác NBS không hiểu sao lại lạc đến chỗ Pôn :p

    Chị về điểm phấn tô son
    Điểm xong ắt sẽ trông ngon hơn nhiều
    Chị ưng thì tôi xin chiều
    Nhọc nhằn cũng gắng làm liều một phen

    ReplyDelete
  16. Chị HY với cả anh Pôn
    Hay là anh chị cứ ồm lấy nhau

    ;p

    ReplyDelete
  17. Chị HY với cả anh Nhì
    Thơ hay như thế Pôn bì được sao?
    Pôn tôi chẳng dám trèo cao
    Thôi thì anh chị ngồi vào với nhau
    (Thôi thì anh chị ngồi ồm lấy nhau)

    :p

    ReplyDelete
  18. "Consau" là gì vậy Anh? Con sâu hay cơn sầu, hay còn sấu? :D

    Có khi Nhị Linh làm một cái "The unofficial guide to NL's labels" hè? [Xổ list Labels ra, choáng quá.] :))

    Dù vẫn biết là labels, đôi khi cũng như châm ngôn và âm mưu í, điều quan trọng nhất là không để lộ. ;)

    Nhân tiện, Anh đang là columnist cho báo nào khác ngoài tờ kia à?

    ReplyDelete
  19. Chính là con sâu đấy, con sâu làm rầu nồi canh đấy, mục đích là châm biếm và tự châm biếm :p

    ReplyDelete
  20. nghe thân quen như thể phê bình và tự phê bình í

    ReplyDelete
  21. trên cũng đủ hay mà dưới còn hay hơn! đọc blog bác Nhị Linh thích thật! :)

    ReplyDelete