Bài "Lược khảo về thư viện" của Bửu Kế đăng trên tạp chí Đại Học số 1 (tháng Ba 1957). Đây là tờ tạp chí gắn liền với Viện Đại Học Huế, "chủ trương biên tập" là Nguyễn Văn Trung (một số bài ký tên Hoàng Thái Linh), với sự cộng tác chặt chẽ của những người như Lê Tuyên, Trần Văn Toàn, Nguyễn Nam Châu, Trương Văn Chình, Lê Ngọc Trụ... Tờ tạp chí ra được đến số 40.
Bài của Bửu Kế đăng từ tr. 101 đến tr. 111, ở đây tôi trích từ tr. 106 đến tr. 109, chủ yếu phần liên quan tới thư viện của Viện Văn Hóa Trung Việt (nơi chứa nhiều châu bản triều Nguyễn) và sự tan biến của nó; bài viết cũng nói đến một chi tiết là Viện Văn Hóa đã mua lại thư viện của Phạm Quỳnh, nhưng không rõ các chi tiết.
-----------
Vậy tại Việt-Nam, thư-viện đã xuất-hiện từ thời đại nào? Thật cũng khó kê cứu cho đích-xác được vì thiếu hẳn tài-liệu. Tuy thế, sách sử cũ cũng rọi cho chúng ta được ít nhiều tia sáng dẫu không nhờ đó mà nhìn thấy tất cả mọi sự vật, nhưng cũng giúp ta rõ được đôi phần về những điều ta muốn biết.
Năm 1078, vua Lý-Thái-Tổ sai hai quan Nguyễn-đạo-Thanh và Phạm-Hạc đi lấy sách tam tạng về bỏ vào thư-viện Đại-Hưng.
Dưới thời nhà Minh đô-hộ (1414-1427) người Tàu không những bắt đàn bà con gái mà còn cướp những kho sách của chúng ta đem về Trung-quốc.
Vua Lê-thánh-Tông (1460-1497), một ông vua nổi tiếng về văn học, đã mở rộng nhà Thái-học, làm nhà Văn-miếu, tổ chức nơi ăn chốn ở cho sinh-viên lưu-trú cùng là lập kho bí thư để chứa sách.
Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia-Long cũng như vua Minh-Mạng đều ra lệnh sưu tầm sách cổ, ban thưởng cho những người đã sáng tác hoặc nạp vào kho những sách tự mình làm hoặc tìm kiếm được.
Tàng thư lâu hoặc những cái Các trong Đại-Nội đều là những nơi chứa sách để nhà vua hoặc Triều đình tra cứu. Các vị đại thần gặp phiên chầu phải ở lại túc trực trong Nội nhiều khi phải kiêm cả việc thủ thư nữa. Người ra [ta] đã từng kể chuyện vua Tự-Đức bảo một ông quan trực, lấy cho Ngài bộ Đông-châu liệt quốc. Nhưng vì tiếng nhà vua nói nhỏ, ông nọ nghe lầm là quyển “Ông Âu mụ Ốc” nên tìm suốt mấy tiếng đồng hồ, đến toát mồ hôi vẫn không thấy. Sau đánh bạo tâu lại mới hay mình đã nghe lầm.
Những loại sách có giá trị như Hội Điển, Liệt Truyện, Thiệt-lực, Chánh Yếu v.v… mỗi khi xuất bản, vua thường ban cho các ông hoàng hoặc các quan đại thần để bỏ vào thư-viện riêng của mình.
Tại Huế có nhiều ông hoàng, nhiều ông quan nổi tiếng có những viện sách khá dồi dào, tuy không mở cửa công khai cho công chúng đến đọc, nhưng những người quen biết thường hay lui tới để kê cứu hay mượn sách về nhà đọc.
Các sách trên này toàn là chữ Tàu hoặc chữ nôm. Còn về chữ Pháp và quốc ngữ thì mãi đến thời kỳ Pháp thuộc chúng ta mới có thư-viện công cộng.
Năm 1902 một thư-viện đầu tiên được mở cửa cho công chúng vào đọc. Ban đầu còn nhỏ hẹp vì số người thông thạo Pháp ngữ chưa được bao nhiêu. Cuối năm 1917, Trung ương thư-viện, một thư-viện khá đồ sộ ra đời, đặt trụ sở ngay chính giữa trung tâm thành phố Hà-nội. Thư-viện nầy bành trướng rất mau, chẳng bao lâu đã có được 155 ngàn quyển sách, hơn 1 ngàn thứ tạp chí, chưa kể nhật báo, phòng đọc sách có thể chưa được 120 khán giả và mở cửa từ 9 giờ mai đến 10 giờ tối.
Theo dư luận của mấy nhà quan sát ngoại quốc hồi bấy giờ thì Thư-viện Trung-Ương ở Hà-nội và Nha Viễn-Đông bác cổ, có thể xấp [sic] vào hàng thứ nhì ở Á Đông.
Ở Hà-nội lại còn có các thư-viện riêng cho các trường Đại-học như Luật-khoa, Y-khoa, Văn-khoa, Khoa-học v.v…
Tại Huế, Thư-viện công cộng ra đời chậm hơn Nam và Bắc. Tuy thế nó vẫn có giá trị riêng của nó, dồi dào nhất là những sách về lịch-sử.
Từ nhà Lê trở về trước sách sử, tài liệu, không đâu nhiều bằng Thư-viện Trung-Ương và trường Viễn-Đông Bác cổ Hà-nội. Nhưng trái lại, tại triều Nguyễn về sau thì Viện Văn-Hóa Trung-Việt ăn đứt tất cả các nơi. Quí nhất là những thứ Châu bản, những tài liệu đích xác, có chữ của vua phê và đóng dấu. Những quyển quốc-thư, sách do các văn thi-sĩ Việt-Nam trước tác.
Thư-viện Viện Văn-hóa đã từng có một thời toàn thịnh của nó. Tất cả vào lối trên 10 vạn quyển sách, tập họp nhiều thư-viện lại làm một: Thư-viện của vua Duy-Tân, Thư-viện của Nội-Các, Viện Cơ-mật, Tòa Khâm-sứ, Sở Mật Thám, Thư-viện Bảo-Đại, Thư-viện Câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Có rất nhiều sách chưa bao giờ người ngoài được đọc, có những tài liệu về hạng tối mật, chỉ một số rất ít người được phép xem mà thôi. Như tập thơ nôm của vua Tự-Đức chẳng hạn, đến những 100 bài, mà chỉ lọt ra ngoài mới được vài bài. Tài liệu vua Duy-Tân khởi nghĩa rất đầy đủ lại có ngay cả cái cờ và thanh kiếm của Trần-cao-Vân dùng để điều khiển cuộc cách-mạng. Ba giãy [sic] nhà, hiện giờ là trường Hàm-Nghi, chất đầy cả sách trên những cái kệ cao 4 thước, thường phải dùng đến thang để lấy sách. Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Việt Pháp, bao nhiêu sách và tài liệu nói trên đều bỏ cả vào trong những cái bao bố, bao lát có đánh dấu, chỉ chờ có lệnh là chở về làng Hiền-Lương, cách thành phố 20 cây số. Tại đây, mấy cái nhà thờ họ và mấy cái đình đã được trưng dụng trước, dùng tre và lồ ô làm thành những cái sàn gác để chất sách.
Đến đây tưởng tôi nên nhắc lại một đoạn ký ức về việc tản cư sách để bạn đọc biết sơ qua về những bước thăng trầm của Viện Văn-Hóa Trung-Việt.
Sách và tài liệu đều nằm cả trong bao, giao cho mấy ông lao công và tùy phái giữ, còn công chức đều phải tản-cư đi ngoại tỉnh: người Thanh-hóa, kẻ Quảng-Bình, Hà-tịnh.
Tôi đang sống cuộc đời ăn không ngồi rồi ở Quảng-Bình đâu nửa tháng thì tiếp được điện tín ở Huế gọi về để điều khiển việc tản-cư sách của Viện Văn-hóa, về Hiền-lương. Đến Huế, tôi và vài người bạn nữa, trưng-dụng một số xe hàng, trên trần kết lá để che mắt phi-cơ, xông pha tên đạn để dời sách ra khỏi thành phố. Lúc bấy giờ cửa Thượng-tứ đóng bít và đắp đất, bên nầy sông Hương là phòng tuyến của ta, còn bên kia, phòng tuyến của Pháp. Trong lúc chúng tôi chở sách, đạn từ trên phi-cơ bắn xuống hoặc từ bên kia phòng-tuyến vèo vèo bắn sang, thỉnh thoảng lại một vài người vệ quốc quân đóng ở nhà bên cạnh hoặc gác trên cột cờ bị đạn chết. Chở luôn mấy ngày như thế vẫn không hết sách. Những thứ chẳng lấy gì làm quan hệ đều phải bỏ lại vì các cầu ở miền quê sắp bị phá, phương tiện giao thông không tiếp tục bằng xe ca-mi-ông được nữa.
Chúng tôi ở cả trong một cái đình Hiền-lương để giữ gìn sách và tài liệu. Một tấm bảng yết thị được dựng lên, trừng phạt nặng nề những kẻ xâm phạm vào kho tàng văn-hóa ấy.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì bộ đội Pháp tràn về. Chúng tôi phải chạy lên trên miền núi vì không ai muốn bị người Pháp bắt được làm gì. Binh sĩ Pháp chiếm kho sách. Họ vớ được mấy thùng địa đồ rất quí. (Bản đồ vẽ từng làng một. Cứ mỗi làng gồm có bốn bức rất rộng đâu lại một [sic], có ghi từng con đường, nhà thờ, trường học v.v…) Họ lấy những thứ gì cần thiết còn sách thì gọi dân chúng vào cho tha hồ muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Hồi ấy chắc nhiều bạn đọc cũng đã trông thấy những người gánh từng gánh sách đi bán, sách chữ nho thì dùng để bồi liễn, dùng làm giấy hút thuốc, làm giấy tiền, đánh thành con cúi để châm thuốc hút v.v… Ai đã từng trông thấy tòa nhà Hậu Bổ nguy nga và kiên cố thế mà chỉ có mấy ngày đã trở nên một nơi bình-địa thì chắc không lấy gì làm ngạc nhiên thấy kho sách của Viện Văn-Hóa bị bàn tay tham lam của quần chúng tàn phá.
Sau khi tình hình đã tạm yên. Hội đồng chấp chánh lâm thời thành lập, chúng tôi lại tìm cách thu thập lại những thứ đã mất, nhưng một trăm phần không còn được một. Nhưng về sau nhờ mua được thư-viện của ông Phạm-Quỳnh cùng góp nhặt lần hồi nên giờ đây thư-viện của Viện Văn-hóa nầy cũng đã có được một số sách khá khá.
Dẫu biết chẳng thể khác,nhưng cứ thấy đau đau sao ấy.
ReplyDeleteLịch sử sách vở ở Việt Nam chủ yếu là những chuyện đau lòng.
ReplyDeleteThầm mong lớp người sau không tiếc công sức gầy dựng lại
ReplyDelete