Jan 6, 2012

Thêm một truyện ngắn :p

Tôi rất ít khi lạc chân vào truyện ngắn, vì thực sự là rất ít thích, nhưng truyện dưới đây thì tôi nghĩ là nên được cho vào sách giáo khoa cho trẻ con học môn văn. Truyện dịch từ tiếng Anh, quên mất không ghi nguồn, hình như Modern Japanese Writers, một quyển sách bìa đỏ rất đẹp :p để check sau vậy.


Những quả bầu của Seibei

Shiga Naoya

-----------

Shiga Naoya (1883-1971): nhà văn Nhật sinh ra trong một gia đình giàu có, từng bỏ học để theo đuổi văn chương, trong phong trào phản ứng lại chủ nghĩa tự nhiên. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Một chuyến đi trong đêm tối (Anya Koro), được coi là một kiệt tác của văn học Nhật Bản. Truyện ngắn trên đây được xuất bản lần đầu vào năm 1913.

-----------

Đây là câu chuyện về một cậu bé tên là Seibei, và về những quả bầu của cậu. Sau này Seibei sẽ từ bỏ những quả bầu, nhưng anh sẽ nhanh chóng tìm được cái thay thế: anh bắt đầu vẽ tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Seibei đã bị hội họa thu hút mạnh mẽ giống như những quả bầu trước đây.


Bố mẹ Seibei biết cậu thường tự đi mua lấy những quả bầu. Mất vài xu là cậu mua được và nhanh chóng có một bộ sưu tập đáng kể. Về đến nhà, trước tiên cậu đục một cái lỗ ngay ngắn ở đầu quả bầu để lấy hết hạt bên trong ra. Kế tiếp, cậu chà lá chè vào để tẩy những mùi khó chịu. Sau đó cậu lấy chỗ rượu sake mà cậu dành dụm được từ chén của bố và cẩn thận đánh bóng bề mặt quả bầu lên.

Seibei rất say mê những quả bầu. Một hôm khi đang đi lang thang dọc bờ biển, chìm đắm vào những suy nghĩ hướng tới chủ đề cậu ưa nhất thì cậu thoáng thấy một hình ảnh bất thường: cậu bắt gặp hình ảnh cái đầu hói dài thuỗn của một ông già vừa chạy bổ ra từ một túp lều trên bãi biển. “Một quả bầu mới tuyệt diệu làm sao!” Seibei nghĩ. Ông già mất hút, lúc lắc cái sọ nhẵn hếu hồng hồng của mình. Mãi khi ấy Seibei mới nhận ra nhầm lẫn của mình và cứ đứng đó mà phá lên cười một mình. Cậu cười trên suốt con đường về nhà.

Mỗi khi đi ngang qua một cửa hàng rau quả, một hiệu đồ cổ, một hàng kẹo, mà nói cho đúng thì là mọi nơi có bán bầu, thế nào cậu cũng dừng lại nhiều phút, mắt dán chặt vào cửa kính mà ngắm nghía thứ quả quý giá kia.

Seibei mười hai tuổi, vẫn học tiểu học. Đi học về, thay vì chơi với những đứa trẻ khác, cậu thường đi vơ vẩn trong thị trấn tìm bầu. Tối đến, cậu sẽ ngồi xếp chân bằng tròn trong góc phòng khách để xử lý quả bầu mới kiếm được. Khi nào xong việc, cậu đổ một ít sake vào đó, nhét cái nút bần tự cậu làm, gói nó vào khăn, cho tất cả vào một cái hộp sắt tây dùng riêng cho việc này và cuối cùng đặt hộp lên trên lò sưởi chân bằng than. Rồi cậu đi ngủ.

Ngay khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, cậu mở cái hộp ra để xem quả bầu. Vỏ nó rất ẩm vì được ngâm cả đêm. Seibei âu yếm ngắm nhìn báu vật của mình trước khi buộc một sợi dây vào ngang thân quả bầu và treo nó ngoài nắng để phơi khô. Rồi cậu đi học.

Seibei sống ở một thị trấn ven biển. Mặc dù về mặt hành chính đó là một thành phố, người ta có thể đi từ đầu này sang đầu kia thị trấn trong vòng hai mươi phút. Lúc nào Seibei cũng lang thang trên phố và nhanh chóng biết mọi nơi bán bầu và nhận ra được gần như mọi quả bầu ngoài chợ.

Cậu không mấy quan tâm đến những quả bầu cũ, góc cạnh, hình thù kỳ dị thường được giới sưu tầm ưa thích. Loại bầu quyến rũ Seibei tròn trịa và cân xứng.

“Hình như thằng con nhà anh chị thích những quả bầu trông rất bình thường,” một người bạn của bố cậu tới nhà chơi nói. Ông chỉ vào cậu bé, đang ngồi trong góc bận rộn đánh bóng một quả bầu trơn nhẵn, tròn trịa.

“Cái thằng ấy thì chỉ suốt ngày tha thẩn chơi với mấy quả bầu thế thôi!” bố cậu nói, nhìn sang Seibei vẻ ngán ngẩm.

“Này Seibei,” người bạn của bố cậu nói, “cứ thu thập thật nhiều thứ như vậy thì được tích sự gì. Số lượng thì đâu có quan trọng. Lẽ ra cháu phải đi tìm những quả bầu thật là kỳ lạ chứ.”

“Cháu thích loại này hơn,” Seibei nói, và cuộc tranh luận dừng lại ở đó.

Bố Seibei và người bạn của ông bắt đầu nói về những quả bầu.

“Còn nhớ quả bầu Bakin trưng bày hồi triển lãm nông nghiệp mùa xuân vừa rồi không?” bố cậu hỏi. “Thật là đẹp, phải không?”

“Phải, tôi còn nhớ chứ. Cái quả bầu thật lớn, thật dài đó…”

Nghe những lời trò chuyện ấy, Seibei cười thầm trong bụng. Quả bầu Bakin hồi đó gây xôn xao lắm, nhưng khi cậu đến xem (dĩ nhiên không hề biết nhà thơ vĩ đại Bakin là ai), cậu thấy nó đúng là một cái thứ ngu xuẩn và đã rời ngay khỏi triển lãm.

“Con chẳng nghĩ thế đâu,” Seibei nói xen vào. “Nó chỉ là một cái thứ to tướng ngốc nghếch thôi.”

Bố cậu mở to mắt vì ngạc nhiên và giận dữ.

“Sao hả?” ông quát. “Không biết thì dựa cột mà nghe chứ!”

Seibei không nói thêm lời nào nữa.

Một hôm khi đang đi bộ dọc theo một phố nhỏ không quen thuộc cậu bắt gặp một bà già ngồi bán ở một quầy rau quả. Bà bán hồng và cam; trên cửa chớp của ngôi nhà phía sau quầy hàng treo một túm bầu.

“Cho cháu xem được không?” Seibei hỏi và ngay lập tức chạy ra đằng sau quầy để xem bầu. Đột nhiên cậu nhìn thấy một quả dài khoảng mười lăm xăng ti mét và mới nhìn qua trông thật tầm thường. Một điều gì đó làm tim Seibei nảy bật lên.

“Quả này bao nhiêu tiền ạ?” cậu hỏi, hổn hển từng từ một.

“À,” bà già nói, “cháu còn bé thế nên bà sẽ bán cho cháu với giá mười xu.”

“Thế thì,” Seibei nói, vẻ rất khẩn cấp, “xin bà giữ nó cho cháu, được không ạ? Cháu sẽ mang tiền quay lại ngay.”

Cậu lao thẳng về nhà và thoáng chốc đã trở lại quầy hàng. Cậu mua quả bầu và mang nó về.

Từ lúc ấy, cậu không bao giờ rời xa quả bầu mới nữa. Thậm chí cậu còn mang nó theo đến trường và đánh bóng nó dưới bàn trong giờ học. Không lâu sau, cậu bị một thầy giáo bắt quả tang, người thầy giáo ấy đặc biệt tức tối vì chuyện này xảy ra đúng vào giờ đạo đức.

Người thầy giáo này xuất thân từ một vùng khác của nước Nhật và thấy rằng thật không chấp nhận được khi bọn trẻ con lại lao vào những trò giải trí quá ẽo ợt như là sưu tầm những quả bầu. Ông ta nghiêm cẩn đi theo truyền thống đạo đức của samurai, và khi Kumoemon, người biểu diễn Naniwabushi nổi tiếng, đến đây ngâm những câu thơ hào hùng của thuở xa xưa, ông ta dự không bỏ sót buổi nào, mặc dù thường thì ông ta không bao giờ thèm đặt chân vào trong lĩnh vực giải trí đáng ghê tởm. Ông ta không bao giờ ngần ngại bắt học sinh của mình hát các bản ba lát Naniwabushi, tuy là hát sai ráo cả. Giờ đây, khi thấy Seibei im lặng đánh bóng quả bầu của cậu, giọng ông ta run lên vì giận dữ.

“Trò là một thằng ngốc!” ông ta quát. “Nhất quyết là không thể có tương lai nào cho một thắng bé như trò được.” Rồi ông ta tịch thu quả bầu mà Seibei đã bỏ ra rất nhiều thời gian để chỉnh trang. Seibei nhìn thẳng ra phía trước và không khóc.

Về đến nhà, mặt của Seibei tái mét. Không nói một lời, cậu đặt chân lên lò sưởi và nhìn thẳng vào tường, cái nhìn trống rỗng.

Sau một lúc, thầy giáo tới nhà. Vì bố Seibei chưa từ hiệu đồ mộc về, thầy giáo tấn công ngay vào mẹ Seibei.

“Cái thói này chính là bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của gia đình,” ông ta nói, giọng đầy đe dọa. “Nghĩa vụ của phụ huynh là phải trông coi sao cho những điều như thế này không xảy ra chứ.” Rối tinh cả đầu óc, mẹ Seibei chỉ biết thì thào mấy lời xin lỗi.

Trong lúc đó, Seibei tìm cách làm cho mình trở nên vô hình hết mức ở trong góc. Hoảng sợ, cậu liếc nhìn ông thầy giáo khủng khiếp của mình và nhìn bức tường ngay đằng sau, nơi treo cả một hàng những quả bầu đã được xử lý xong xuôi. Chuyện gì sẽ xảy tới nếu thầy giáo nhìn thấy chúng?

Run rẩy trong lòng, cậu chờ đợi điều tồi tệ nhất, nhưng sau đó ông thầy đã quá mệt với những lời lẽ của mình và giận dữ bước ra khỏi nhà. Seibei thấy nhẹ hết cả người.

Mẹ Seibei khóc thút thít. Bà bắt đầu mắng cậu thậm tệ, và trong lúc bà mắng, bố Seibei từ cửa hiệu về đến nhà. Ngay khi nghe được chuyện, ông túm lấy cổ áo cậu bé và tát một cú trời giáng. “Mày hư quá!” ông gào lên. “Cứ như thế này mày sẽ không thể có được gì trên đời đâu. Lẽ ra tao phải ném mày ra ngoài đường mới phải, đó mới là chỗ của mày!” Rồi ông nhìn thấy những quả bầu treo trên tường. Không nói một lời, ông lấy búa ra đập nát chúng, từng quả một. Seibei tái nhợt nhưng không nói gì.

Ngày hôm sau ông thấy giáo đưa quả bầu tịch thu được từ Seibei cho một ông lao công già làm việc trong trường. “Này, cầm lấy,” ông ta nói, như thể đang chìa ra một thứ đồ vật thật bẩn thỉu. Người lao công mang quả bầu về nhà và treo nó lên bức tường căn phòng chật hẹp, ám bồ hóng của mình.

Khoảng hai tháng sau ông lao công lâm vào tình cảnh còn thiếu tiền hơn thường lệ, ông bèn quyết định mang quả bầu đến một hiệu đồ cổ trong thị trấn xem thử có kiếm được vài hào không. Người chủ hiệu đồ cổ xem xét quả bầu thật kỹ; rồi, lấy một cái giọng rất hững hờ, ông ta đưa nó lại cho ông lao công và nói: “Tôi có thể trả ông năm yen.”
Ông lao công rất kinh ngạc, nhưng vì là một ông già khôn ngoan, ông lạnh lùng đáp: “Chắc chắn là tôi không thể bán nó với cái giá ấy được.” Chủ hiệu ngay lập tức nâng lên mười yen, nhưng ông lao công vẫn không đồng ý.

Cuối cùng chủ hiệu đồ cổ phải trả năm mươi yen cho quả bầu. Ông lao công rời khỏi cửa hiệu, vui sướng vì vận may của mình. Không phải lúc nào các ông thầy giáo cũng tặng không cho ai đó một món quà trị giá tới một năm tiền lương như vậy! Ông rất khôn khéo không bao giờ nói chuyện này với ai, cả Seibei lẫn thầy giáo đều chưa từng nghe về chuyện quả bầu. Phải, ông lao công rất khôn khéo, nhưng vẫn chưa đủ khôn khéo: ông không thể hình dung nổi cũng quả bầu ấy đã được chủ hiệu đồ cổ bán cho một nhà sưu tầm giàu có trong tỉnh lấy sáu trăm yen.


Giờ đây Seibei bị hút hồn vào những bức tranh của mình. Anh không còn cảm thấy chút cay đắng nào đối với người thầy giáo hay người bố đã đập tan tành những quả bầu quý giá của anh nữa.

Dần dà, bố anh bắt đầu mắng mỏ anh vì cứ đi vẽ những bức tranh.

5 comments:

  1. "Ám dạ hành lộ" 暗夜行路 (Đi trong bóng tối) ghê lắm bác ơi. Truyện về một người sinh ra từ mối tình loạn luân giữa cha và con dâu, đi tìm bản ngã. Về truyện ngắn, thì Shiga là bậc thầy rồi. Akutagawa cũng phê phán Shiga rất kịch liệt nhưng cuối cùng thì phải nhận mình thua. Hi hi. Văn Shiga đẹp như văn Kawabata đấy bác ạ. Mà truyện này em nhớ hồi trước Phạm Văn có dịch trên evan rồi thì phải?

    Chúc bác vui.

    ReplyDelete
  2. thế à bác, thảo nào tôi cứ thấy quen quen hic :)

    ReplyDelete
  3. NhiLinh has one "quả bầu" too but he has shown us :-)

    ReplyDelete
  4. một truyện ngắn lạ lùng, gây tò mò như chính đất nước và văn hoá Nhật vậy :)

    Cám ơn anh NL

    ReplyDelete
  5. Seibei đã bỏ vẽ tranh, quay lại yêu quả bầu, sau gần 10 năm

    ReplyDelete