Jan 20, 2012

Thuốc trị chứng trầm cảm


“Bữa sáng ở Tiffany’s” (Phạm Hải Anh dịch, NXB Trẻ), thuộc loại truyện ngắn dài, truyện vừa hay tiểu thuyết ngắn, mang lại tên tuổi như cồn cho Truman Capote, một nhà văn thực sự tài năng nhưng cũng thường có chút bị nghi ngại, do lừng danh quá; tác phẩm này cũng khiến lịch sử điện ảnh có thêm một kinh điển: bộ phim cùng tên của Blake Edwards (năm 1961, nghĩa là ba năm sau khi cuốn sách được xuất bản), một bộ phim rất thành công nhưng xem lại thì có lẽ không còn thấy hay cho lắm.

“Bữa sáng ở Tiffany’s” nằm trong bộ sách “Truyện & kịch bản phim nổi tiếng thế giới” mà Nhà xuất bản Trẻ đang ấn hành. Bộ sách này rất hay và nhiều ý nghĩa, nhất là đối với những người mê điện ảnh đồng thời mê văn học, nhưng rất đáng tiếc là bộ sách này trộn lẫn tác phẩm văn học gốc với kịch bản phim, mà mọi cuốn trong bộ này đều được dán kín mít, lại không có chỉ dẫn bên ngoài, thành thử người nào chỉ muốn đọc truyện thì sợ mua nhầm kịch bản, người muốn xem kịch bản thì lại e mua phải sách truyện. Cũng dịp này, cuốn tiểu thuyết lớn “Máu lạnh” của Capote (bản dịch cũ của Trần Đĩnh được tái bản, có sửa chữa) hoàn thiện thêm sự hình dung của độc giả Việt Nam đối với Truman Capote, đã được Philip Saymour Hoffman thủ vai tuyệt vời trong bộ phim “Capote” làm năm 2005.

Holly Nhẹ Dạ (tức Holly Golightly, vai diễn của Audrey Hepburn, một trong những biểu tượng lớn nhất về sự thanh lịch mà điện ảnh từng tạo ra) được Capote miêu tả trong “Bữa sáng ở Tiffany’s” theo lối chấm phá đầy tươi tắn, ở trang 33: “mái tóc cô kiểu con trai, nhiều màu sắc, từng vệt hung hung xen những món tóc sáng trắng và vàng óng”, rồi so sánh thần thái của cô với “vẻ lành mạnh của ngũ cốc cho bữa sáng, sạch tinh như xà phòng và chanh”, thực chất là “một gương mặt nửa trẻ con, nửa đàn bà”, nhưng thật ra là một cô gái mắt lác (chi tiết xuất hiện ở tr. 38). Holly hút thuốc lá Picayune. Sự lệch pha trong miêu tả vẻ ngoài còn được tiếp tục ở tính chất bất tương thích giữa Holly trên phố 70 New York với cái tên thật phảng phất hương vị đồng quê: Lulamae Barnes, với người chồng già, bác sĩ thú y, mang tên “Doc Nhẹ Dạ”, sống ở Tulip, Texas, rồi thì “Nào bò, nào vườn, nào gà, lợn” (tr. 80). Và sau tất cả, còn có câu chuyện về người anh trai Fred yêu quý, đi lính rồi tử trận.

Holly nuôi một con mèo và chơi ghita; cái đàn ghita và bài hát “Moon River” đã trở thành hình ảnh vô cùng đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh, cho dù thật khách quan mà nói, giọng hát của Audrey Hepburn thực là dở tệ. Trong khi đó, cuốn sách nói: “Cô chơi rất hay, đôi khi còn hát nữa. Hát bằng giọng khàn của cậu con trai đang vỡ tiếng” (tr. 37). Ngón đàn này, Holly được người chồng mà cô lấy năm chưa đầy mười bốn tuổi, dạy cho.

Câu chuyện được kể lại theo lối hồi cố rất cổ điển, qua giọng nhân vật nhà văn sống cùng tòa nhà với Holly, ở tầng trên, một nhà văn nghèo thỉnh thoảng ăn tối sang trọng ở quán “21” khi có người mời, mê đọc trinh thám của Georges Simenon và ưa theo dõi Holly Nhẹ Dạ sống tầng dưới. Chính qua nhân vật nhà văn này mà chúng ta biết được những câu nói khiến Holly Nhẹ Dạ trở thành huyền thoại trong văn chương thế kỷ XX: “Em sợ nhất là đàn ông cắn” (tr. 38), khi Holly trèo cầu thang lên nhà của người kể chuyện để trốn một gã đàn ông quá sấn sổ, và nhất là cái câu: “một đêm em đã tổng kết rồi, em chỉ có mười một người tình - không tính những thứ đã xảy ra trước khi em mười ba tuổi, bởi vì, rốt cuộc thì nó không đáng kể […] không thể hạ gục một anh chàng, lấy tiền của người ta mà không ít nhất là cố gắng tin rằng mình yêu anh ta” (tr. 90).

Nhà văn Frédéric Beigbeder, tác giả cuốn tiểu thuyết “Cửa sổ trên Tháp Đôi”, trong tác phẩm mới nhất của mình, “Premier bilan après l’apocalypse” (Bản kiểm kê đầu tiên sau tận thế: một bảng danh sách 100 cuốn sách mà Beigbeder cho là hay nhất), xếp “Bữa sáng ở Tiffany’s” ở hạng 17. Beigbeder chỉ ra rằng bộ phim nổi tiếng chuyển thể từ cuốn truyện “vô cùng duyên dáng nhưng vẫn cứ là một hành động phản bội nặng nề”, nhất là khi nó biến câu chuyện thể loại châm biếm (satire) thành ra một tác phẩm hài kịch lãng mạn đầy tính chất đạo đức (có lẽ nếu Marylin Monroe vào vai Holly như mong muốn ban đầu của Truman Capote chứ không phải Audrey Hepburn thì mọi chuyện đã khác). Nhà văn Pháp mê văn chương Mỹ chỉ ra sự gần gũi giữa Truman Capote và Scott Fitzgerald và khẳng định: “Capote miêu tả một xã hội rời rã, những thanh niên đầu óc hời hợt nhảy nhót để quên đi rằng đất nước họ đã ném bom châu Âu và Nhật Bản”.

Beigbeder có một lời vinh danh tuyệt vời cho “Bữa sáng ở Tiffany’s”: “Holly là người không ai quên nổi, và điều khó chịu đựng nhất ở nàng, là người ta không bao giờ ghét nàng cho được. Tạo ra một nhân vật phụ nữ đẹp đến nhường vậy hẳn chính là ước mơ của mọi tiểu thuyết gia”, và ông cũng nói, đầy hữu lý, rằng Tiffany’s, với toàn bộ sự phù phiếm đỏng đảnh của nó, có mặt trong cuốn truyện của Capote như là một loại thuốc trị chứng trầm cảm.

-----------
Tuy quen đến mấy người tham gia thực hiện cuốn sách nhưng tôi cũng phải nói rằng bản dịch này chưa hề đạt.

4 comments:

  1. Tôi rất mong những dịch giả tay ngang hoặc không kiểm soát được cảm xúc cá nhân không tiếp tục dịch truyện hay và "khó". Đã không ít lần đọc bản dịch thấy trôi chảy, câu văn mượt,... nhưng khi đọc bản gốc mới thấy sắc thái hóa ra đã bị đổi, thậm chí đánh mất cả tính đa nghĩa của nguyên tác. Tôi thấy bất an khi đọc một bản dịch kiểu "dịch thoát".

    ReplyDelete
  2. Philip Seymour Hoffman chứ không phải Philip Saymour Hoffman (http://www.imdb.com/name/nm0000450/).

    Btw, chàng không già lắm nhé (sinh năm 1967).

    vui

    ReplyDelete
  3. “Capote miêu tả một xã hội rời rã, những thanh niên đầu óc hời hợt nhảy nhót để quên đi rằng đất nước họ đã ném bom châu Âu và Nhật Bản”??
    How much Frédéric Beigbeder knows about America? Those "thanh niên đầu óc hời hợt nhảy nhót" can't stand for US society and its values.
    Everyone feels sorry for Japan, but considers its rebirth after WW2 with modern Constitution. In fact, US has helped Japan alot in reconstruction and business. Japan is not weak or negative after war as some said. Their "mood of despair" is just "bitter cold", delicate and artistic as climax of the beauty, "ZENsation", vague haiku "in the middle of nowhere" , no mater the war happened or not. Love Japan.

    ReplyDelete
  4. However, nobody wants to die for rebirth, so people go reform. What's called reform?

    ReplyDelete