Điều kỳ quặc là tôi cũng từng dịch truyện "Janus" của Ann Beattie, cách đây khá lâu, cũng nhiều người đã đọc. Ai biết tôi chắc đều đoán ra khi cầm tập truyện ngắn do Updike tuyển chọn, tôi sẽ chú ý tới "Janus" :p Quyển sách này là quà tặng của tiền bối B. hehe.
Janus
Ann Beattie
-------------------
Ann Beattie (sinh năm 1947) là tác giả của nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết, một nhà văn Mỹ từng nhận một số giải thưởng văn chương uy tín. “Janus” được đăng lần đầu tiên trên tạp chí The New Yorker, sau này được chọn vào tập The Best American Short Stories of the Century do John Updike và Katrina Kenison biên soạn, Houghton Mifflin Company, 1999.
-------------------
Cái bát thật hoàn hảo. Có lẽ đó sẽ không phải là cái bạn sẽ chọn khi đứng trước một giá đựng toàn bát là bát, cũng không thuộc những thứ nhất định sẽ thu hút rất nhiều chú ý tại một hội chợ đồ thủ công, nhưng nó sở hữu sự hiện diện rất thực. Chuyện nó sinh ra là để được ngưỡng mộ cũng đương nhiên như chuyện một kẻ ngu si không có lý do gì để nghi ngờ rằng mình sẽ làm người ta thấy rất buồn cười. Giống y như con chó vẫn được mang đi theo (và mang về) cùng với cái bát.
Andrea làm nghề môi giới địa ốc, cứ khi nào nghĩ rằng khách hàng nhiều tiềm năng là người yêu quý chó là cô sẽ mang theo con chó của mình và cùng lúc đặt cái bát trong ngôi nhà định bán. Cô để một đĩa nước trong bếp cho Mondo, rút từ trong túi ra con ếch bằng nhựa phát ra tiếng kêu của nó đặt lên sàn nhà. Nó sẽ chạy nhảy vui vẻ, giống hệt như mọi khi ở nhà, luẩn quẩn quanh món đồ chơi ưa thích của mình. Cái bát thường nằm trên bàn uống cà phê, nhưng gần đây cô đã bắt đầu bày nó lên trên một cái tủ gỗ thông và trên một cái bàn sơn bóng. Có một lần nó còn ở trên một cái bàn gỗ hồ đào bên cạnh một bức tĩnh vật của Bonnard, chỗ ấy thật là hợp với nó.
Bất kỳ ai từng mua nhà hoặc muốn bán một ngôi nhà đều phải quen với một số thủ thuật có mục đích là thuyết phục một người mua tin rằng ngôi nhà rất đặc biệt: lửa cháy trong lò sưởi vào đầu buổi tối; hoa cúc cắm trong bình trên quầy bếp, nơi thường thì không ai để dành chỗ cho hoa cả; có thể là mùi vị dịu nhẹ của mùa xuân, được tạo ra từ chỉ một giọt nước thơm rỏ lên một cái bóng đèn rồi cứ thế mà tỏa mùi.
Điều tuyệt diệu ở cái bát, Andrea nghĩ, là nó vừa tinh tế, lại vừa dễ nhận ra - một nghịch lý của một cái bát. Nó có màu kem và dường như có thể làm bất kỳ thứ ánh sáng nào rọi lên nó trở nên rực rỡ. Có vài mảnh màu sắc ở trên nó - những mẩu nhỏ xíu nhiều hình dạng - với một số mảnh vương một ít vết bạc. Chúng cũng bí ẩn như là các tế bào mà người ta nhìn thấy trong kính hiển vi; thật khó mà tự ngăn mình nghiên cứu chúng, bởi chúng tỏa ánh sáng, chợt lóe lên trong một khoảnh khắc, rồi ngay lập tức trở lại hình dáng cũ. Một điều gì đó về màu sắc và cách bố trí ngẫu nhiên của chúng gợi lên ý tưởng về chuyển động. Những người thích đồ đạc kiểu nông thôn luôn luôn bình luận nó, nhưng hóa ra cả những người thấy thoải mái với đồ đồ cổ Biedermeier cũng rất thích nó. Nhưng cái bát lại không hề phô trương, cũng không đáng chú ý đến mức có ai ngờ rằng nó được đặt vào chỗ đó là có dụng ý. Khi bước chân vào phòng họ có thể ghi nhận chiều cao của trần nhà, và chỉ khi nào mắt rời khỏi cái trần hoặc khỏi những tia nắng chiếu lên một bức tường nhạt màu, thì họ mới nhìn thấy cái bát. Khi ấy họ sẽ tiến thẳng đến nó mà bình luận về nó. Và họ luôn luôn ngập ngừng khi muốn nói một điều gì đó. Có lẽ là bởi họ đang ở trong ngôi nhà với một lý do nghiêm túc, chứ không phải là để chú tâm đến một thứ đồ vật bất kỳ.
Một lần, Andrea nhận được điện thoại từ một phụ nữ không bàn bạc về giá cả một ngôi nhà mà cô đã đưa bà ta đến xem. Cái bát, bà ta nói - liệu có thể nào biết chỗ những người chủ đã mua cái bát thật là đẹp đó không? Andrea làm ra vẻ không hiểu bà ta nói gì. Một cái bát, đâu đó trong ngôi nhà? Ồ, trên một cái bàn bên dưới cửa sổ. Vâng, cô sẽ hỏi hộ, dĩ nhiên rồi. Cô đợi cho vài ngày trôi qua rồi gọi lại để nói rằng cái bát là một món quà và họ không biết nó đã được mua ở đâu.
Khi cái bát không được đưa từ nhà này sang nhà khác, nó nằm trên bàn cà phê của Andrea tại nhà cô. Cô không gói kỹ nó lại mà cất đi (mặc dù lúc di chuyển nó thì cô làm đúng như vậy, cho vào một cái hộp); cô để nó trên bàn, vì cô thích ngắm nó. Nó đủ to để không tạo cảm giác mong manh, hay quá mức dễ vỡ nếu có người va phải bàn hay Mondo tha xuống để nghịch. Cô đã yêu cầu chồng không để chìa khóa nhà vào trong đó. Nó cần phải rỗng không.
Khi chồng cô thấy cái bát lần đầu tiên, anh đã nhìn nó thật kỹ rồi thoáng mỉm cười. Anh vẫn luôn luôn khuyến khích cô mua những thứ gì mà cô thích. Trong những năm vừa qua, hai người đã mua nhiều thứ để bù đắp cho những năm nghèo nàn hồi còn là sinh viên, nhưng giờ đây khi đã sung túc được một thời gian, niềm sung sướng đối với các món đồ mới đã phai nhạt. Chồng cô bảo cái bát “rất xinh” rồi quay đi, không cầm nó lên để xem xét. Anh không quan tâm nhiều đến cái bát cũng như cô không quan tâm nhiều tới cái Leica mới của anh.
Cô chắc chắn rằng cái bát mang lại may mắn cho mình. Người ta thường đặt mua những ngôi nhà mà cô có để cái bát vào. Thỉnh thoảng những người chủ nhà, luôn luôn đòi được phép không ở nhà hoặc đi ra ngoài trong khi có người đến xem nhà, thậm chí còn không biết cái bát đã từng ở trong nhà họ. Một lần - cô cũng không hình dung nổi là bằng cách nào - cô để quên nó để rồi sau đó thì sợ có chuyện gì xảy đến với nó tới mức vội vã quay trở lại ngôi nhà và thở phào nhẹ nhõm khi bà chủ nhà ra mở cửa. Cái bát, Andrea giải thích - cô đã mua một cái bát và để nó lên trên tủ cho khỏi vỡ trong khi dẫn khách đi xem nhà, và cô… Cô thấy như thể mình sắp chạy bổ qua bà chủ nhà để nhặt lấy cái bát của cô. Người chủ nhà đứng dịch sang một bên nhường lối cho cô, và chỉ đến khi Andrea đã chạy tới chỗ cái tủ người đàn bà mới liếc nhìn cô vẻ hơi ngạc nhiên. Trong vài giây trước khi Andrea cầm lấy cái bát, cô mới nhận ra người chủ nhà hẳn đã thấy là nó được đặt ở một chỗ thật là hoàn hảo, ánh sáng mặt trời rọi vào đúng phần có màu xanh đậm hơn của nó. Cái bình nước của bà ta đã bị đẩy sâu vào trong để nhường chỗ cho cái bát. Trên đường về nhà, Andrea cứ tự hỏi tại làm sao mà mình lại có thể bỏ quên cái bát như vậy được. Giống hệt như là khi bỏ một người bạn lại trong một chuyến đi chơi - cứ thế lẳng lặng mà đi thôi. Đôi khi trên báo đăng những câu chuyện về các gia đình để quên một đứa con ở đâu đó, cứ thế lái xe đến một thành phố kế tiếp. Andrea mới chỉ đi được một dặm đường thì đã nhớ ra.
Cô mơ thấy cái bát. Hai lần, mơ trong lúc thức - vào sáng sớm, giữa giấc ngủ thực thụ và quãng chợp mắt cuối cùng trước khi dậy hẳn - cô thấy nó rất rõ. Hình dáng của nó rõ mồn một khiến cô sững sờ mất một lúc - đúng là cái bát cô vẫn nhìn hằng ngày.
Cô vừa có một năm kinh doanh địa ốc rất phát đạt. Người ta rỉ tai nhau, thế là cô có nhiều khách hàng hơn là mức cô mong muốn. Cô có một ý nghĩ điên rồ rằng giá như cái bát là một vật sống thì cô đã cảm ơn nó. Có những lần cô muốn nói cho chồng về cái bát. Anh làm nghề môi giới chứng khoán, thỉnh thoảng anh nói với người khác rằng anh rất may mắn vì đã lấy được một người vợ có cảm giác về mỹ thuật tinh tế đến thế, không những vậy cảm giác ấy lại còn hữu dụng trong thế giới thực nữa. Thực sự là họ rất giống nhau - điều này thì họ nhất trí được. Cả hai đều là người trầm lặng - thích suy nghĩ, chậm chạp trong việc đánh giá giá trị, nhưng gần như là bướng bỉnh một khi đã có kết luận về một điều gì đó. Cả hai đều thích các chi tiết, nhưng nếu những thứ mỉa mai thu hút cô, thì anh lại thiếu kiên nhẫn và tùy tiện chừng nào các vấn đề có nhiều khía cạnh hoặc không rõ ràng. Nhưng cả hai đều biết điều này; họ có thể nói chuyện với nhau về điều đó khi chỉ có họ trên xe ôtô lái về nhà sau một bữa tiệc hoặc sau một kỳ nghỉ cuối tuần cùng bạn bè. Nhưng cô chưa bao giờ nói với anh về cái bát. Trong bữa tối, trao đổi tin tức trong ngày, hoặc khi họ nằm trên giường vào buổi đêm mà nghe nhạc và thì thầm với nhau những câu chuyện không đầu không cuối đầy ngái ngủ, cô vẫn thường xuyên có ý định nói mọi thứ ra, rằng cô nghĩ cái bát trong phòng khách, cái bát màu kem ấy, chính là nguyên do cho thành công của cô. Nhưng cô đã không nói điều đó. Cô không thể lên tiếng mà giải thích. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, cô nhìn anh và cảm thấy tội lỗi vì cứ giữ mãi cho mình cái bí mật ấy.
Liệu có thể nào cô lại có một mối liên hệ sâu xa hơn với cái bát - một mối quan hệ theo một cách nào đó? Cô chỉnh lại suy nghĩ của mình: làm thế nào mà cô có thể tưởng tượng ra một điều như vậy, khi mà cô là người còn đó là một cái bát? Thật lố bịch. Chỉ cần nghĩ làm thế nào mà người ta có thể sống cùng nhau và yêu nhau… Nhưng liệu có phải là điều đó lúc nào cũng rõ ràng, lúc nào cũng là một mối quan hệ? Cô bối rối trước những ý nghĩ ấy, nhưng chúng cứ đọng mãi lại trong óc cô. Giờ đây ở bên trong cô có một điều gì đó, một điều gì đó thực, mà cô chưa bao giờ đả động tới.
Cái bát là một điều bí ẩn, ngay cả là với cô. Thật là bực mình, bởi vì sự dính dáng của cô tới cái bát chứa đựng một cảm giác vững chắc về vận may không phải đền đáp; sẽ dễ trả lời hơn nhiều nếu có thể đáp lại một kiểu đòi hỏi nào đấy. Thế nhưng chuyện đó chỉ có ở trong cổ tích mà thôi. Cái bát chỉ là một cái bát. Cô không tin điều đó dù chỉ là một giây. Điều mà cô tin là có một cái gì đó cô đã đem lòng yêu.
Trong quá khứ, có những lúc cô nói với chồng về một mảnh đất mới mà cô sắp mua hay bán - kể cho anh một chiến thuật tài tình nào đó mà cô nghĩ ra để thuyết phục những người chủ có vẻ muốn bán. Giờ thì cô đã thôi làm việc ấy, bởi mọi chiến thuật của cô đều có dính dáng đến cái bát. Cô trở nên suy tư hơn với cái bát, và nhiều cảm giác về sở hữu hơn. Cô chỉ để nó trong các ngôi nhà chừng nào không có ai, và mang nó đi theo lúc cô rời khỏi ngôi nhà. Thay vì chỉ dịch chuyển một cái bình hoặc một cái đĩa, cô có thể dịch chuyển toàn bộ những thứ đồ vật khác trên một cái bàn. Cô tự buộc mình làm việc đó thật cẩn thận, vì cô không thực sự quan tâm đến chúng. Cô chỉ muốn tống chúng đi cho khuất mắt.
Cô tự hỏi không biết tình thế này sẽ chấm dứt như thế nào. Cũng như với một người tình, không có kịch bản chính xác nào về việc mọi thứ sẽ đi tới điểm kết. Lo lắng trở thành sức mạnh đầy hiệu lực. Không thể có chuyện người tình chạy bổ vào vòng tay một ai đó khác, hay viết cho cô một lá thư rồi bỏ sang một thành phố khác. Hãi hùng là khả năng biến mất. Cái đó mới là quan trọng.
Cô thức dậy trong đêm để mà nhìn cái bát. Không bao giờ cô nghĩ đến chuyện mình có thể làm vỡ nó. Cô rửa và lau khô nó mà không thấy lo lắng gì, cô thường xuyên dịch chuyển nó, từ cái bàn cà phê sang cái bàn gỗ dái ngựa góc nhà hoặc bất kỳ nơi đâu, không chút e ngại về tai nạn. Rõ ràng là cô không phải người có thể làm bất kỳ điều gì cho cái bát. Cái bát chỉ được tay cô cầm lên, đặt một cách an toàn lên một bề mặt nào đó; không thể có chuyện người khác làm vỡ nó. Bát thì rất khó dẫn điện: nó không thể bị sét đánh trúng. Thế nhưng ý nghĩ về tổn thất vẫn cứ dai dẳng. Cô không nghĩ quá điều này - rằng cuộc đời cô sẽ ra sao nếu không có cái bát. Cô chỉ tiếp tục sợ sẽ có một tai nạn nào đó xảy đến. Tại sao lại không, trong một thế giới nơi người ta đặt cây cối vào những nơi không dành cho chúng, để khách xem nhà sướng điên lên vì nghĩ rằng những góc tối kia có ánh nắng rọi tới - một thế giới đầy rẫy thủ đoạn?
Cô thấy cái bát lần đầu tiên cách đây đã nhiều năm, tại một hội chợ đồ thủ công cô đến xem gần như là bí mật, cùng người tình của mình. Anh đã bảo cô mua cái bát. Cô không cần thêm gì nữa cả, cô bảo anh. Nhưng cô đã bị kéo tới chỗ cái bát, và họ cứ nấn ná mãi ở đó. Rồi cô đi sang gian hàng kế tiếp, anh chạy theo cô, đập đập cái vật hình tròn ấy lên vai cô trong lúc cô đang để các ngón tay lướt đi trên một bức tranh khắc gỗ. “Anh vẫn muốn em mua nó à?” cô hỏi. “Không”, anh đáp. “Anh đã mua nó cho em rồi đây”. Trước đó anh đã mua cho cô nhiều thứ - những thứ hồi ấy cô thích hơn rất nhiều - cái nhẫn gỗ mặt ngọc lam của trẻ con đeo vừa khít ngón tay út của cô; cái hộp gỗ, dài và mảnh, cái mộng được làm thật đẹp, mà cô dùng để đựng ghim giấy; cái áo len mềm màu ghi có túi. Anh là người nảy ra ý tưởng những lúc anh không có ở đó để cầm tay cô thì cô có thể tự cầm tay mình - thò cả hai tay vào cái túi nằm dài phía trước áo. Nhưng càng ngày cô càng gắn bó hơn với cái bát, hơn bất kỳ thứ quà nào khác của anh. Cô cố gắng thuyết phục mình đừng làm vậy. Cô còn có nhiều thứ khác hay ho hoặc giá trị hơn nhiều. Nó không phải là một thứ đồ vật có vẻ đẹp nhảy xổ vào bạn; hẳn là đã có rất nhiều người đi qua nó trước khi họ nhìn thấy nó cái ngày hôm ấy.
Người tình của cô bảo lúc nào cô cũng quá chậm chạp trong việc biết được cô thực sự yêu những gì. Tại sao lại phải tiếp tục cuộc đời cô như vậy? Tại sao lại phải hai mặt, anh hỏi cô. Anh là người đi bước trước. Khi cô không quyết định được như là anh muốn, không thay đổi được đời mình mà đến với anh, anh hỏi cô điều gì làm cô nghĩ cô có thể có nó từ cả hai con đường. Rồi anh bỏ đi. Đó là một quyết định nhằm đến việc bẻ gãy ý chí của cô, phá tan những ý tưởng không khoan nhượng của cô về bảo vệ bằng được những cam kết trước đây của mình.
"cứ khi nào nghĩ rằng khách hàng nhiều tiềm năng là người yêu quý chó là cô sẽ mang theo con chó của mình.." câu này không được rành mạch lắm nhe, khách hàng tiềm năng (mua nhà) có vẻ thích chó hay là khách hàng (mua nhà) có tiềm năng/vẻ thích chó?
ReplyDeleteChuyện ngắt câu ở đâu thôi.
ReplyDeleteNhân tiện, em chẳng thấy có tí Carver nào cả.