Ví dụ, tôi muốn biết Bonjour tristesse của F. Sagan từng có bao nhiêu bản dịch tiếng Việt. Thế thì phải đi tìm, phải tự tìm, hỏi thêm nhiều người. Đến nay tôi tạm có kết quả là từng có bốn bản dịch tiếng Việt. Thứ nhất là bản của Nguyễn Vỹ, thứ hai là bản của Lê Huy Oanh, sau 1975 thì có bản Quang Vinh và bản Vũ Đình Bình. Bản Nguyễn Vỹ có vẻ chưa bao giờ in thành sách, chỉ đăng dài kỳ trên tờ tạp chí Phổ thông. Bốn bản dịch này chưa hẳn đã chắc là đủ được, vẫn có thể có thêm một/một vài bản nữa xuất hiện theo một cách thức khó kiểm soát hơn, mà đấy là tôi đã "vét trí nhớ" của vài chuyên gia có thẩm quyền rồi.
Cái gì cũng phải tham khảo chuyên gia. Những người hay lên báo nói chuyện dịch thuật ở Việt Nam đều không phải chuyên gia. Ví dụ, muốn biết Steinbeck từng được dịch ở Việt Nam như thế nào, nhanh nhất là hỏi bạn NTT, bạn NTT chỉ cần cung cấp một bức ảnh này là xong luôn, vì bạn NTT mới là chuyên gia.
Có thể vẫn còn thiếu ít bản dịch tác phẩm Steinbeck sang tiếng Việt, nhưng ở đây đã là tổng thể khó có thể trọn vẹn hơn.
Tìm không đúng chuyên gia thì khác gì đua ngựa lại cưỡi trâu. Mà cũng tệ, nhiều ông ở Việt Nam chẳng phải chuyên gia đúng mảng ấy nhưng khi được báo chí hỏi thì cứ nhận xằng (để được lên báo cho sướng).
Trong lịch sử văn học Việt Nam, thật ra lý luận và phê bình dịch thuật không mấy phát triển. Tôi có thể kể ra vài thời điểm "rộ lên" có thể xác định được: thời trước 1945, Kiều Thanh Quế, rồi trên tạp chí Tri tân; năm 1960, tờ tạp chí Nghiên cứu văn học (miền Bắc; không nhầm với tờ cùng tên của nhóm linh mục Thanh Lãng) những số đầu tiên dành nhiều bài cho phê bình, tranh luận dịch thuật; không lâu sau đó, trên các ấn phẩm của Văn cũng có một số bài về vấn đề này, mà kiện tướng là hai người đồng tính (xin lỗi, tôi chỉ định nói là cùng họ): Trần Phong Giao và Trần Thiện Đạo. Từ 2005 đến nay thì nở rộ (theo đủ các kiểu).
Vấn đề là, dịch thuật Việt Nam trong quá khứ từng có diện mạo như thế nào? Không trả lời được câu hỏi này, mọi bàn luận về dịch thuật đều là vô nghĩa.
Tôi sẽ cố gắng trình bày lịch sử dịch thuật Việt Nam một cách sơ giản và sáng sủa nhất, đi vào một số chủ đề mà tôi đã để tâm thu thập tài liệu xưa nay.
Trước hết là một bài viết cũ, viết hồi năm 2008. Sau này, chủ đề "Trần Dần dịch giả" đã được thêm vài người nữa tìm hiểu, trong đó có Thúy Toàn. Tôi sẽ trình bày tư liệu đã có thêm từ hồi ấy.
Bản dịch cũ, bản dịch mới
Ngành xuất bản làm hai công việc chính: xuất bản và tái bản, trong đó có thể tái bản nguyên văn hoặc “tái bản có sửa chữa”. Trong lĩnh vực văn học dịch, sự việc phức tạp hơn với hiện tượng một tác phẩm gốc có nhiều bản dịch; vấn đề phải đặt ra là chọn bản dịch nào để tái bản, hoặc nếu cần thì dịch lại một tác phẩm.
Việc thay thế một bản dịch cũ bằng một bản dịch khác không phải là một việc quá mới lạ. Năm 2006, độc giả Pháp háo hức với bản dịch mới của Philippe Jaworski tác phẩm Moby Dick của Herman Melville. Là một trong những nhà văn Mỹ lớn nhất của thế kỷ 19, Melville dĩ nhiên thu hút sự quan tâm cao độ của người đọc thế giới. Năm 1941 nhà văn Jean Giono đã hợp tác cùng Lucien Jacques và Joan Smith dịch cuốn tiểu thuyết sang tiếng Pháp (Giono là nhà văn Pháp nổi tiếng, một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt: Người lính khinh kỵ trên mái nhà, Kỵ sĩ bão táp, Cầu cho niềm vui ở lại…). Jaworski đã phải bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu ngành khoa học về cá voi cũng như tiếng Anh của thế kỷ trước, và bản dịch của ông đã được đưa vào bộ sách danh tiếng La Pléiade của NXB Gallimard. Roger Caillois, một nhà văn, nhà dân tộc học lừng danh, cũng đã đưa tên tuổi của Jorge Luis Borges đến với công chúng Pháp, nhưng ngày nay người ta đọc tập Fictions của nhà văn Argentina qua bản dịch của một dịch giả khác.
Moby Dick, cuộc chiến cam go và đầy tính biểu tượng giữa con cá voi trắng và thuyền trưởng Achab, cũng từng có phiên bản tiếng Việt: Cá voi trắng (của Công Ba và Sơn Mỹ, NXB Mũi Cà Mau, 1987) và một bản rút gọn in trong tủ sách Danh tác văn học thế giới của NXB Trẻ (2000). Chắc chắn là nếu muốn tái bản Cá voi trắng, một sự kiểm nghiệm về chất lượng dịch là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, chỗ đứng của một bản dịch còn phải xét đến trong sự tương hợp của nó với quan niệm dịch thuật từng thời, và ngôn ngữ có dễ được độc giả tiếp nhận hay không.
Thời gian vừa qua, rất nhiều bản dịch cũ đã được tái bản, chẳng hạn như các tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre, William Saroyan, Henry Miller (có thể kể tên Buồn nôn, Người có trái tim trên miền cao nguyên, Đâu mái nhà xưa), nhưng không phải lúc nào các nhà xuất bản và đối tác liên kết cũng chứng tỏ được sự nghiêm túc của mình. Trong tình hình ấy, Bắt trẻ đồng xanh của Salinger (bản dịch của Phùng Khánh - tức ni cô Trí Hải) với sự biên tập kỹ càng sửa chữa được nhiều sai lầm và thiếu sót trong phiên bản cũ, có tác quyền, là một điểm sáng. Tương tự là trường hợp Trên đường của Jack Kerouac (bản dịch của Cao Nhị). Trên đường từng được xuất bản dưới nhan đề Trên đường cái quan (NXB Lao động, 1994). Đó là một tác phẩm rất lớn của “thế hệ Beat” nước Mỹ nhưng khi tồn tại ở dạng Trên đường cái quan, nó rất ít được nhắc tới, dù bản dịch của Cao Nhị rất xuất sắc, một kiệt tác của dịch thuật Việt Nam giai đoạn cách đây mươi, mười lăm năm.
Đồng thời, một số bản dịch được làm lại: mặc dù trước đây đã có bản dịch Giết chết một con chim mốc-kinh (tiểu thuyết của Harper Lee) nhưng Giết con chim nhại (bản dịch của Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương) vừa xuất bản mới thực sự thu hút được sự chú ý đặc biệt của độc giả Việt Nam cho một cuốn tiểu thuyết thuộc hàng đỉnh cao của Mỹ trong thế kỷ 20. Ví dụ nữa là tiểu thuyết kinh điển của Scott Fitzgerald The Great Gatsby trước đây đã được dịch (Gatsby vĩ đại) nhưng sắp tới sẽ có một bản dịch mới của dịch giả Trịnh Lữ.
Ở trường hợp cụ thể của Việt Nam với tất cả các yếu tố lịch sử phức tạp, việc tái bản các bản dịch cũ nhiều khi còn có ý nghĩa trả lại tên cho những dịch giả trước đây vì một số lý do mà không đứng tên hoặc phải ký bút danh. Nhà thơ Trần Dần cũng là tác giả của không ít bản dịch quan trọng. Sự nghiệp văn chương của ông không chỉ gồm có thơ và tiểu thuyết (mới đây tập Trần Dần - Thơ đã nhận giải thưởng lớn của hội Nhà văn Hà Nội), mà còn một mảng dịch thuật không thể bỏ qua. Trong các bản dịch của mình, Trần Dần luôn thể hiện là một dịch giả theo rất sát nguyên bản và có những xử lý ngôn ngữ đặc biệt, xứng đáng góp phần vào kinh nghiệm dịch thuật chung của Việt Nam. Vấn đề là trên các bản dịch Trần Dần không đề tên mình. Ngoài cuốn tiểu thuyết Rumani Những người chân đất hay được nhắc tới trong tiểu sử của ông, còn phải kể đến bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Pháp Jules Vallès (gồm Chú bé, Cậu tú và Người khởi nghĩa). Bản in năm 1974 của NXB Văn học không ghi tên người dịch (mặc dù tên người vẽ bìa được ghi rõ là Dương Bích Liên). Mãi đến lần in năm 1995 độc giả mới nhìn thấy tên Trần Dần với tư cách dịch giả (cũng NXB Văn học, ba tập với nhan đề chung Kẻ bất bình). Tìm kiếm và xác định các bản dịch của Trần Dần cũng như một số tác giả khác cần trở thành công việc của các chuyên gia văn học Việt Nam hiện đại và giới dịch thuật ngày nay.
[kể từ đó, tôi tìm thêm được bản dịch Moby Dick của Sài Gòn: Săn cá voi, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam ấn hành, 1964]
Liên quan đến Trần Dần:
Sưu tầm sách giáo khoa 2 miền cũng khó lắm .
ReplyDeleteÀ, mảng đấy cũng có một chuyên gia lớn đấy, biết chưa? :p
DeleteTrần Dần còn một bản dịch rất tuyệt là cuốn Giết người là nghề của tôi. Không biết có phải ở đây được nhắc đến với một tên khác?
ReplyDeleteTối nay sẽ nói kỹ tất cả (hoặc gần như tất cả) bản dịch của Trần Dần, trong đó có quyển của Robert Merle ấy :)
Delete"Cái chết là nghề của tôi" bác ạ, mà chiên gia NTT là ai mà bí hiểm thế bác NL :)
ReplyDeleteMoby Dick còn 1 bản dịch của Trung Tâm Nghiên cứu Việt Nam ở SG trước 1975 nữa.
À bác NL có biết là "Ba gã cùng thuyền (chưa kể con milu)" cũng còn 1 bản dịch nữa không?
- NTT mình không dám nói tên đầy đủ ra vì quá sợ :)
Delete- Moby Dick 1964 có trong cái ngoặc vuông gần cuối hehe.
- Mình đã đọc ebook bản dịch trước kia đó, được nhiều dân chơi đánh giá là cực xuất sắc :p
À nói thêm, Săn cá voi 1964 mà mình đang có cũng có xuất xứ Đà Thành há há. Thất thủ lên thất thủ xuống ;))
DeleteHê hê, đọc đến đoạn nói đến Moby Dick nên còm ngay, ko thấy cái ngoặc vuông cuối cùng. Hàng Đà Thành thì trả lại Đà Thành chứ nhỉ, ai lại chơi xấu mượn rồi giữ luôn :)
DeleteSắp đóng gói 786 quyển gửi trả đây, xem Đà Thành có dám nhận không :p
DeleteAnh ơi, Đâu mái nhà xưa của Hermann Hesse chứ ạ?
ReplyDeleteouf, "Ác quỷ trên thiên đàng" chứ, tks
DeleteNeu ong co tinh co biet duoc tac gia hay nguyen tac cua mot so truyen dich trinh tham truoc 75 tua de la `15 truyen duong rung` hay `15 truyen duong bien`..., xin ong vui long chia xe thong tin do duoc khong? Rat cam on
Deletetôi chưa nhìn thấy quyển này bao giờ
DeleteMoby Dick, tôi nhớ là đọc khi còn đi học, cùng với bà cụ TTT, nhà xb "Zhiên Hồng"[?] của Lê Bá Kông... Hình như cũng nhờ tiền của Xịa! Nhà này còn cho xb niều tác giả Mẽo khác nữa. Tuyệt lắm. Tôi đọc được rất nhiều nhờ nó.
ReplyDeleteNQT
Lê Bá Kông cùng Ziên Hồng thiên về dạy tiếng, có lẽ là một bản Moby Dick rút gọn?
DeleteKhông phải. Bản đầy đủ. Cả 1 tủ sách, và toàn là tác giả Mẽo. Tôi đọc Hawthorne, thí dụ, qua nó.
ReplyDeleteOk, sẽ lục Lê Bá Kông và Ziên Hồng, xem lại quãng thời gian ấy dịch thuật như thế nào cũng rất thú vị. Thời cuối 50, đầu 60 còn có nhà "Sống Mới" hay in tác phẩm dịch song ngữ, ví dụ "Cinna" và "Polyeucte" của Corneille, rồi nhà "Học Vui" in các bản dịch của Lưu Bằng.
DeleteBác xem thêm hai cái ảnh tôi vừa thêm vào phía trên. Tôi đã search thêm và mượn tạm hình ảnh các cao thủ sưu tầm sách bên sachxua. Lê Bá Kông có liên quan đến Melville thật, nhưng tôi mới thấy một quyển khác của Melville, còn Moby Dick cho tới nay mới thấy một bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam 1964. Tuy nhiên, rất có thể có đường link giữa Trung tâm ấy và nhóm (nhà xuất bản) của Lê Bá Kông, vì Trung tâm ấy từng in một quyển trùng với quyển kia của Melville năm 1963, rồi đến 1967 cũng đầu sách ấy xuất hiện ở Ziên Hồng (chưa khẳng định được đó có phải cùng một bản dịch hay không).
DeleteThời gian vừa qua, rất nhiều bản dịch cũ đã được tái bản, chẳng hạn như các tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre, William Saroyan, Henry Miller (có thể kể tên Buồn nôn, Người có trái tim trên miền cao nguyên, Đâu mái nhà xưa),...bác Nhị Linh ghi nhầm một chút nè. Jean-Paul Sartre tác giả cuốn "buồn nôn"; William Saroyan - tác giả của "Người có trái tim trên miền cao nguyên...Vậy Henry Miller đâu phải là tác giả của "Đâu mái nhà xưa" đâu nhỉ? Hình như nó của Hermann Hesse thì phải. Cảm ơn bác về bác viết.
ReplyDeletecám ơn bác, phía trên tôi cũng đã đính chính rồi: tôi nhớ nhầm từ "Ác quỷ trên thiên đàng" sang
ReplyDeleteXin lỗi bác nhiều. Vì tôi không nhìn kĩ. Henry Miller còn có quyển "Thế giới tính dục" do Hoài Khanh dịch, Ca Dao in lần đầu vào năm 1969 sau này cũng được in lại mà tôi cũng rất thích.
DeleteTrịnh Lữ đã dịch The great Gastby rồi mà anh? Tựa đề là "Đại gia Gastby".
ReplyDeleteBạn ơi có thể post ebook của Moby Dick bản tiếng Việt mà bạn đã đọc được ko? Cảm ơn nhiều nhé!
ReplyDelete