Mar 5, 2013

Chuyện ở nông trại bên Việt Nam

Việt Nam bắt chước Trung Quốc rất nhiều điều, trong đó có không ít điều dở, nhưng có vẻ lại rất thường xuyên không bắt chước những điều có thể coi là hay. Chuyện ở nông trại bên Trung Quốc rất phổ biến suốt nhiều năm, một cách công khai, nhưng bên Việt Nam chắc sẽ không được như vậy.

Cũng đã đoán trước rằng bài review Chuyện ở nông trại dưới đây khó mà lên báo được, xác suất chỉ tầm 20%, nhưng cái gì cố được, thử được thì cứ làm thôi. Kết quả ngắn gọn như thế này: đã không kịp.

Quan điểm cá nhân của tôi là: một tác phẩm văn chương lớn cần được đối xử khác.

Chuyện ở nông trại là kết tinh tài irony (mỉa mai) của George Orwell. Và số phận của nó là đi kèm với sự mỉa mai này: mỉa mai của số phận, ngày hôm nay chính là tròn 60 năm ngày Stalin chết. Chuyện ở nông trại được Orwell lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Liên Xô, mà ông coi là bị thất bại vì vai trò của Stalin.



Muốn cai trị ắt phải luyện tập

Theo một tài liệu, kể từ khi ra đời vào cái năm đặc biệt 1945 rồi như thể tiên tri cho cả một thời đại, cho tới nay Animal Farm đã được ấn hành tổng cộng trên 1.200 phiên bản ở 70 thứ tiếng. Tương đương với nó là tác phẩm 1984 in năm 1949. George Orwell đương nhiên là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Điều gì khiến cho nhà văn mang bút danh tên một dòng sông ngự trị lâu dài và mạnh mẽ đến vậy?

Và ngay bên châu Á, nơi có hệ thống ngụ ngôn, huyền thoại đặc thù, Animal Farm cũng không ngừng quyến rũ, vừa quyến rũ vừa đe dọa, có thể là quyến rũ chính vì đầy tính chất hăm dọa như thế. Bên Trung Quốc, ngay năm 1948 đã có một bản dịch Animal Farm mang tên Động vật nông trang và từ đó đến nay, đã có ít nhất hai mươi bản dịch Trung văn tác phẩm này, trong đó được đánh giá cao hơn cả là bản dịch của Tống Như Đức và bản dịch của Phó Duy Từ.

Ở Việt Nam, không phải đến Chuyện ở nông trại (An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) vừa xuất bản thì độc giả rộng rãi mới biết đến Animal Farm. Đầu những năm 1950 đã có bản dịch mang tên Cuộc cách mạng trong trại súc-vật đi kèm với tiểu đề “Trích trong chuyện thần-thoại của George Orwell”. Sau đó có thêm vài bản dịch nữa, và những năm vừa qua, bản dịch Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc được săn lùng rất nhiều. Có thể nói rằng, Animal Farm đã có một đời sống riêng lâu dài trong tiếng Việt.

Câu chuyện ngắn đến nỗi nằm gọn được trong 161 trang của bản dịch (mới) có những gì mà hấp dẫn đến vậy? Nó kể chuyện ở “trại Nông Trang” của ông Jones bên nước Anh. Ông Jones quản lý trang trại hơi bê bối, làm lũ động vật ở đây bức bối và tiến hành khởi nghĩa lật đổ ông Jones một cách chóng vánh và đơn giản (những cuộc cách mạng thường đơn giản đến đáng kinh ngạc), đến nỗi ngày hôm sau chúng vẫn còn chưa ý thức được rõ ràng về thắng lợi của mình: chúng thức dậy và “sực nhớ ra chiến thắng huy hoàng vừa hôm trước” (tr. 27).

Đến đây câu chuyện hoàn toàn có thể xoay sang hướng miêu tả công cuộc dựng xây một mô hình xã hội kiểu tự cung tự cấp theo hướng không tưởng, một “pha lăng” của Fourier hay một khu “cecilia” bên Braxin chẳng hạn, nó sẽ hoàn chỉnh một “ngụ ngôn muông thú” đẹp đẽ (“Lũ súc vật hân hoan như chưa bao giờ chúng nghĩ mình có thể hân hoan đến thế”, tr. 35) và hẳn cũng sẽ là một tác phẩm thành công, được nhiều người đọc.

Nhưng nó đã không đi theo hướng đó, và lẽ ra trở thành một ngụ ngôn muông thú độc đáo, nó trở thành một ngụ ngôn chính trị vĩ đại. Đó là một kinh nghiệm đáng giá của “văn chương lớn”: giống như văn chương của Kafka, mở ra câu chuyện bao giờ cũng là những cảnh hiền lành, hơi kỳ dị nhưng chủ yếu gây cười, nhưng diễn biến sẽ nhất định đi từ hài kịch kể kết thúc trong bi kịch, hoặc thậm chí còn hơn mức bi kịch, ít nhất là một chút.

Ngụ ngôn này có thể nhìn từ khía cạnh “kẻ bị trị”: nó nhắc lại cho ta một chân lý cay đắng, “Suốt năm ấy lũ súc vật làm quần quật như nô lệ” (tr. 71), mặc dù cuộc cách mạng đã thành công. Lũ động vật ở trại từng hy vọng, từng hình dung một tương lai xán lạn và nhiều lúc tưởng chừng như đã chạm được vào thiên đường, nhưng sự thật vẫn luôn luôn là: Kẻ cai trị có là ông Jones hay con lợn Nã Phá Luân, có là tinh hoa kiểu này hay tinh hoa kiểu khác, thì ngày mai ta cũng phải nai lưng làm lụng nuôi sống ta và nuôi sống ông Jones hay Nã Phá Luân.

Nhưng Chuyện ở nông trại độc đáo nhất khi nhìn vào phương diện xây dựng và duy trì quyền lực của “giai cấp cai trị”.

Nó mỉa mai và châm biếm sâu cay quyền lực, nhưng nó cũng đưa ra một cẩm nang ngắn gọn và vô cùng hiệu quả cho công cuộc xây dựng quyền lực. Nhà cầm quyền mới (ở đây cụ thể là bầy lợn) phải có “hiến pháp 7 điểm”, có lá cờ, có bài hát riêng, và từng bước dùng thủ đoạn chiếm đoạt quyền lực lớn hơn. Ngay từ đầu, “Đàn lợn đã lựa riêng buồng để yên cương làm trụ sở của mình” (tr. 38). Nã Phá Luân, trong mục đích xây dựng “quân đội” để sau này tiến hành “đảo chính”, nuôi riêng chín chó con từ khi mới lọt lòng. Thú vị hơn cả có lẽ là vai trò tuyên truyền cho quyền lực, hội tụ ở con lợn rất xuất sắc mang tên Mồm Loa; nó nói với những loài vật khác: “Họ lợn chúng tôi là giống lao động trí óc. Việc quản lý tổ chức nông trại này tất tần tật đè lên vai chúng tôi cả” (tr. 44), rồi thì: “Các đồng chí đừng tưởng lãnh đạo là việc gì vui thú! Trái lại, đấy là một bổn phận nặng nề khó khăn cực kỳ” (tr. 66).

Và, trước khi đi đến đoạn kết kinh điển, khi lợn và người trở nên giống hệt nhau, Orwell viết những đoạn văn tuyệt vời, đẩy mức độ châm biếm của ông tới tận cùng, đến mức làm người ta phải kinh hãi, thậm chí lợm giọng. Đó là cảnh bầy lợn đi hai chân trên sân trại (tr.150-152), trong phút chốc biến đổi cả hình dạng lẫn thân phận của mình. Trước đó chúng đã phải tập đi trong một khoảng thời gian rất dài. Rõ ràng là, muốn cai trị thì phải có phẩm chất, và nhất là phải luyện tập bằng nỗ lực kinh người.


PS. Tôi thấy một số người liên hệ đến Tố Hữu và thơ của Tố Hữu. Sự thật là sau khi Stalin chết có vài ngày, Hoàng Cầm đã viết một bài thơ dài rất cảm động khóc Stalin, in trong tập Bên kia sông Đuống (bản hồi đó chứ không bản sau này).


Tranh ảnh minh họa:





(hai bức ảnh trên đây: courtesy VHT)

Hoàng Cầm và Stalin:







21 comments:

  1. Mình rất quan tâm tới sách chính trị, nhưng không hiểu sao không thích quyển này. Có lẽ vì nó có giọng cay độc hơn là châm biếm. Nó như một mũi tên bắn ra trong giận dữ, căm thù hơn là trong tỉnh táo :( Dù sao, chính trị vẫn phân định rõ ràng giữa thủ đoạn và công trạng lớn lao. Vì thế cuốn sách như một kiểu vơ đũa cả nắm, sỉ nhục tới nửa lớn lao của chính trị vậy :(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi hi, đáng lẽ phải kết thúc như trong “Hãy đợi đấy” thì mới tỉnh táo chứ nhẩy

      Delete
  2. Công trạng lớn lao gì kia ạ?
    Giải phóng Đông Âu khỏi toàn trị cực hữu để tiến lên toàn trị cực tả ư?

    ReplyDelete
    Replies
    1. công trạng lớn lao kiểu tướng Giáp làm chính trị mà vẫn giữ cốt cách lịch lãm quân tử này, Lincoln giải phóng nô lệ là tượng đài của nước Mỹ này... Làm sao những người yêu quí 2 tượng đài này cho phép so sánh 2 ông với bày trâu lợn trên hả giời :((

      Delete
    2. Thi may nguoi do la Tuyet Tron do ban.

      Delete
  3. Dù sao thì em vẫn thích đọc sách hơn là ngồi trà đá nói chuyện chính trị.

    Và vì thế nên em thích cuốn này hơn mấy cái gọi là lật - lại - lịch - sử gì gì đó.

    like sách!!! :P

    ReplyDelete
  4. Wow. NL show luôn Bên Kia Sông Đuống bản hồi đó đi. Tin này hơi shock với tác giả Mưa Thuận Thành.
    Mà Chuyện ở Nông Trại bị thâu hồi rồi đóa. Mình mà ở HN làm quả đầu cơ này đủ tiền giúp ông Lê Hoàng Châu giải cứu BĐS. Mà chắc gì, đèn mình chạy trước ô tô NL thế nào được :p GMS.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có sốc gì mấy đâu bác, nhiều người biết mà.

      Mời bác nhìn lên phần tranh ảnh mới bổ sung: bài "Stalin bất diệt" trong mục lục, trang 49 đến 53. Bác có muốn đọc cả bài thơ không :p

      Delete
    2. Cho xem đi NL. Xem thử trình của Váy Đình Bảng có bằng Chiếu Nga Sơn không :p

      Delete
    3. Rồi bác sẽ được xem đầy đủ :))

      Delete
  5. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9735&rb=12

    ReplyDelete
  6. Đúng là quyến rũ đầy đe dọa! Tôi bị quyến rũ đến mức ôm một lúc cả chục cuốn về, vừa để cho người này người nọ (vì đã không tin là Animal Farm được xuất bản) vừa để phòng trừ (cái sự đe dọa ấy) ;)
    Bác làm nốt 1984 cho đẹp đôi?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lâu lắm mới thấy bác, đang hơi lo lo đây :p

      Delete
    2. Mối lo đã thành sự thật thì chẳng lo làm gì nữa, nhể? Mặc kệ nó đi ;)
      (Tôi vẫn đọc bác đều đấy, thấy bác cho Những mối quan hệ nguy hiểm lên trộm nghĩ có khi bác cho làm truyện tranh, có vẽ tranh kiểu xuân tình minh họa.
      Hí hí, tối tôi lại phải giở phim ra xem lại mới được ;)

      Delete
  7. Bàn đầu em không tính mua bản mới này. Một phần vì nghĩ rằng chắc nó cũng chẳng khác bản của Giấy Vụn lắm. Nhưng tại sao Nhã Nam lại làm bìa lẫn ruột đẹp đến thế.

    Quai quài quái :d.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn cũng không ra ngoài :p

      Delete
  8. Ở Miền Nam VN, trước 1975, tôi nhớ ít ra là có hai bản dịch Trại Súc Vật, một của Nhóm Nghiên Cứu VN, một của Bùi Giáng.

    ReplyDelete
  9. Nói gì đi nữa thì Stalin cũng đã giúp chặn đứng được thảm họa Phát xít rồi. Con người, ai cũng có mặt tốt và mặt trái, không nên phủ định hoàn toàn thế. Nếu nói thế thì những người lãnh đạo nước Mỹ sẽ giải thích ra sao về những gì họ đã gây ra ở Việt Nam. Dù với bất kỳ lý do nào chính đáng đến đâu đi nữa, họ cũng đã thực sự là thảm sát bằng bom đạn, bằng chất độc và sau đó là cấm vận để "đẩy" một dân tộc "không chịu theo ý mình" đến những tột cùng của khó khăn, gian khổ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chặn phát xít, nghe mà nực cười, giai đoạn đầu chính Liên Xô còn đem quân đi đánh Phần Lan,..
      Tại sao 1945 sau khi thế chiến 2 kết thúc HCM không thống nhất đất nươc mà chia ra 2 nước. HCM cũng làm 1 cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền Trần Trọng Kim, hay gần như là đảo chánh. Chia đôi cũng là ý Tàu, ý Xô thôi.

      Delete