Apr 4, 2013

Chuyện ở nông trại nhìn từ mặt đất


George Orwell: “Xuyên suốt trong lịch sử, hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác - dù thường vẫn đem lại giải thoát tạm thời, như người ốm trở mình trên giường - rốt cuộc chỉ là thay thầy đổi chủ…” Những khoảnh khắc lóe sáng trí tuệ như thế này trong sự nghiệp tác giả Chuyện ở nông trại đơn giản là vô cùng nhiều; trí tuệ ấy đơn giản là liên tục sáng suốt đến rợn người. Năm 1969, George Steiner khi viết về Orwell trên The New Yorker, đã ngay lập tức trích dẫn một câu lạnh gáy: “saints should always be judged guilty until they are proved innocent” (trong một tiểu luận về Gandhi). Hai trí tuệ lớn ấy đã tìm được rất nhiều lối để thông hiểu nhau.

Trước một nhà văn sáng suốt và trí tuệ, công việc diễn giải không hề đơn giản, thành ra một mặt George Orwell rất hấp dẫn các nhà diễn giải, nhưng mặt khác các nhà diễn giải Orwell lại hay “như người ốm trở mình trên giường”.

Tiểu luận dưới đây của dịch giả An Lý về chính tác phẩm mình dịch là một nỗ lực rất lớn để thoát khỏi sự “trở mình trên giường” luẩn quẩn mãi không thôi.

Nhưng trước hết, tiếp tục một “vệt” sách trước đây; quyển sách này một thời từng rất nổi tiếng:



 Chuyện ở nông trại nhìn từ mặt đất

An Lý


Mở: Nhiều hơn ngụ ngôn

Chuyện ở nông trại là cuốn sách đáng được đọc nhiều hơn một lần, trước hết để tỏ lòng biết ơn Orwell đã cố công viết ngắn. (1984, trái lại, là một cơn ác mộng không chỉ cho nhân vật.) Nhưng nếu lần đọc thứ 2+ ấy không phải giữa lúc bạn bè trà dư tửu hậu, vừa đọc vừa vỗ đùi đánh đét khen thằng cha này viết tài, kể chuyện con vật cứ y như chuyện con người - nghĩa là không phải lấy cái đinh Orwell vắt những ý nghĩ làm sẵn của mình, mà đọc khi một mình đối diện tác phẩm, và nhân thể đối diện lại những ý nghĩ làm sẵn của mình, thì rất nên, rất nên hoãn lại lần 2+ ấy tới khi đọc xong Tưởng niệm Catalonia. Cuốn sách (cũng mỏng) này, mà tôi đã giới thiệu vắn tắt trong bài viết về George Orwell, là đỉnh cao phong cách bút ký của ông: sắc sảo, lôi cuốn, một bức tranh hiện thực với nhiều chi tiết đắt; quan trọng hơn, nó chứa hầu hết những hạt giống tình cảm và sự kiện làm nên Chuyện ở nông trại sau này. Trong lúc chờ một bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh ra mắt, tôi có trích dịch nửa sau chương 11 (Phụ lục 2 trong các ấn bản mới) nói về “cuộc chiến tuyên truyền” bôi nhọ POUM (Đảng Công nhân Thống nhất Mác xít) của PUSC và “báo chí Cộng sản”; đoạn này đề cập đến đề tài hết sức biết rồi khổ lắm nói mãi, là “nhãn hiệu” trong đấu đá đảng phái, nhưng cũng là vấn đề không bao giờ cũ, tuy hay bị người ta quên.

Nhưng Chuyện ở nông trại thì là một cuốn tiểu thuyết, và do vậy càng nên đọc hơn một lần. Không trình bày bằng lập luận rạch ròi như Tưởng niệm Catalonia, mà bằng hình tượng và cốt truyện, thứ ngôn ngữ đáng sợ của giới nhà văn, Chuyện ở nông trại muốn dịch sang thứ ngôn ngữ hiểu được của người thường chúng ta, nhất thiết cần diễn giải; và điều lạ lùng là quyển sách mỏng như vậy mà cũng ít người tự mình đọc lấy, mà chỉ đọc qua người khác diễn giải thay. (Có phải vì thế mà Orwell thường được xuất khẩu qua Animal Farm - và 1984, một sản phẩm còn đánh đố người đọc hơn nữa - mà ít khi qua những bài luận trực diện?)

Một điều bất lợi nữa, là Chuyện ở nông trại thường được miêu tả là “truyện ngụ ngôn”. “Truyện cổ tích” có thể được đọc vì câu chuyện; “truyện ngụ ngôn” chỉ được đọc vì cái mô ran cuối truyện; “truyện ngụ ngôn xã hội/chính trị”, tệ hơn nữa, thường chỉ được coi là bản tóm tắt cái sự vụ (nhiều khi là xì căng đan) trong thực tế, chứ không có giá trị tự thân. Và thái độ tiếp nhận của người đọc với “truyện ngụ ngôn” thường dễ dãi: một khi giải mã ra hệ quy chiếu với cái “thực tế” đó rồi, người ta xếp bút, coi như đã bắt nhốt được cái raison d’être của câu chuyện. Hàng bao nhiêu thế hệ người đọc lười biếng đã hài lòng chép các công thức: Ông Cả := Marx È Lenin, Nã Phá Luân := Stalin, Tuyết Cầu := Trotsky, 9 x chó := NKVD, tự hào thấy trình độ thưởng thức của mình ngang tầm SparkNotes, mà không thấy câu hỏi vẫn còn nguyên đó: vậy thì sao? Nhưng câu hỏi này với họ cũng không quan trọng, vì ngay cả với “thực tế” đó, họ cũng đã có người làm sẵn cho mình câu trả lời.

Như thế cũng là bất công, vì xây dựng Chuyện ở nông trại thành một cuốn tiểu thuyết là cách Orwell dựng lại một quá trình phát triển, và không phải dựng lại trên những nét sơ giản để phục vụ kết luận làm sẵn nào đó. Michael Levenson viết về ba tiểu thuyết tiền Thế chiến 2 đã nhấn mạnh ý thức thiết kế một thế giới nội văn bản phức tạp của Orwell: “Khi ông miêu tả sức mạnh của chủ nghĩa hiện đại - điển hình là Ulysses của James Joyce - là ở chỗ chế ra rất nhiều chi tiết để làm thành một ‘mô hình phức hợp khổng lồ’, là ông cũng đang thừa nhận mình quan tâm đến những minh họa cho một mô hình, không chỉ nhằm tạo ra một tổng thể mỹ học, mà là một kiến trúc nhằm tái hiện một chỉnh thể xã hội.”1 Nhận xét này đúng với cả các bút ký, tất nhiên cả 1984, và cả Chuyện ở nông trại - dù ngắn. Với một Trại Súc Vật chi tiết về mặt địa lý (có thể vẽ bản đồ như Ulysses), với một dàn nhân vật đầy đủ tính đại diện, Chuyện ở nông trại không gò ép sự kiện theo khuôn mẫu ngoài đời, mà để sự kiện tự phát triển logic theo kết quả tương tác của những tính cách đó trong những hoàn cảnh đó: việc các kết quả này (gần như) trùng hợp với những kết quả ngoài đời chỉ nói lên sức mạnh của mô hình chỉnh thể.

Chính đấy là nguồn gốc sự trường tồn của cuốn sách đối với những người đọc khác, trong những bối cảnh khác, cách xa nước Nga mấy chục năm đầu thế kỷ 20. Không phải Stalin hay Trotsky, mà chính lợn và cừu đã gây chấn động sâu sắc cho cô bé lên chín Margaret Atwood mà 40 năm sau sẽ viết cuốn “1984 từ góc nhìn của Julia”2. Không phải hội nghị Yalta được những người đọc sau này nghĩ đến, mà là những câu chuyện diễn ra quanh họ ở Uganda, Ai Cập, Ukraina, Trung Quốc, Việt Nam. Nhưng sức mạnh của cuốn sách là ở tính chỉnh thể, mà những người đọc nào nôn nóng muốn tìm trong một tác giả lớn sự biện minh cho những suy nghĩ sẵn của mình, quá thường đọc Orwell ăn xổi.

Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng đọc lại Chuyện ở nông trại từ những điều cơ bản, thoát khỏi ảnh hưởng của thế giới bên ngoài nông trại. Mọi liên hệ tới thế giới đó, hoặc tới các phát biểu khác của Orwell, sẽ nhằm so sánh và mở rộng, chứ không nhằm lý giải thay (hoặc tệ hơn nữa là nhằm chê bai Orwell bỏ rơi mất động cơ này sự kiện kia, hay trách Orwell đánh đồng các tư tưởng khác nhau vào cùng một hình tượng - như rất nhiều bài viết đã làm). Và những người đọc nào buồn cười mà cho rằng nỗi đau khổ của ngựa với gà là vô nghĩa, rằng chiến tranh chỉ là chiến tranh khi lợn là mặt nạ của “người”, những người ấy cũng rất dễ quên rằng câu chuyện hết sức cụ thể này không chỉ áp dụng được cho một mảng lịch sử cụ thể.


1. Chuyện của nông trại, chuyện của ai?

Biến cố chính trong cuốn sách là gì? Rất dễ trả lời “sự nắm quyền của đàn lợn”, nhưng không đơn giản có vậy. Đàn lợn đã đứng vào vị trí lãnh đạo tinh thần từ bài nói chuyện của Ông Cả ở chương 1, lãnh đạo đường lối từ sau khi Khởi nghĩa thành công trong chương 2; nếu chỉ nói chuyện đàn lợn nắm quyền, 8 chương còn lại có thể coi như thừa. Hơn nữa ở những chương đầu, dưới sự điều hành của đàn lợn, Trại Súc Vật vẫn sống và làm lụng trong niềm tin và hy vọng. Có thể trả lời cụ thể hơn “sự lạm dụng quyền lực của đàn lợn”, nhưng đó thì không phải là một “biến cố”. Sự lạm dụng quyền lực đã tồn tại từ trước, dưới thời Jones. Nếu sự việc diễn ra chỉ là đàn lợn làm đảo chính lật đổ Jones, với sự giúp đỡ của lũ chó chẳng hạn, thì thực tế cũng không khác gì nếu Pilkington hay Frederick cướp Trại Nông Trang từ tay Jones, rồi bỏ bê như Rừng Cáo, hay ngược đãi như Đồng Chôm. Đấy vẫn có thể là một câu chuyện hay, về vũ lực và thời cơ, âm mưu và thủ đoạn, à la Alexandre Dumas père, nhưng đấy sẽ không phải là câu chuyện này; đấy chỉ đơn thuần là một ví dụ nữa cho quy luật Orwell đã nhận xét, “Xuyên suốt trong lịch sử, hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác - dù thường vẫn đem lại giải thoát tạm thời, như người ốm trở mình trên giường - rốt cuộc chỉ là thay thầy đổi chủ, vì không lần nào có nỗ lực trừ tiệt gốc cái bản năng chạy theo quyền lực: hoặc, nếu có ai nỗ lực làm điều đó, thì chỉ là vị thánh, vị ẩn sĩ, những kẻ lo cứu rỗi lấy linh hồn riêng mà ngoảnh mặt lại với cộng đồng.” (“Catastrophic Gradualism”, 1945)3

Hầu hết những cách đọc Chuyện ở nông trại đều chỉ xoay quanh “bản năng chạy theo quyền lực”, với những hành tung ly kỳ hấp dẫn của đàn lợn (hoặc một số ít hơn tập trung vào “ẩn sĩ lừa” Benjamin). Đàn lợn được họ xem như nhân tố duy nhất thúc đẩy sự phát triển của lịch sử trại, cả tốt lẫn xấu; kết luận của họ, chính là điều T. S. Eliot đã e ngại khi từ chối in cuốn sách ở Faber & Faber: rằng suy cho cùng đấy vẫn là nhóm duy nhất đủ trình độ để mà nắm quyền, và chỉ cần đạo đức hóa đàn lợn là mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái. Cách giải quyết này không phải không có tiếng vọng trong những suy nghĩ của Orwell. Trong “Charles Dickens” (1939), ông từng nhận xét, giải pháp xã hội ưa thích nhất của Dickens là cho các lão Scrooge hồi tâm chuyển ý: “Tất cả những gì ông nói được rốt lại chỉ là: ‘Hãy cư xử đứng đắn’, mà như tôi đã đề cập lúc trước, điều đó không hẳn nông cạn như thoạt nghe.”

Nhưng nếu chỉ tập trung vào những vua triết gia thất bại, người đọc không thể lý giải được cái tình cảm cứ rõ dần trong những chương về sau và bén ngọt trong khẩu hiệu cuối “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác” (tr153)4. (Tình cảm đó là gì, thì cũng tùy người: phần lớn có lẽ đau buồn, nhưng một số có thể hả hê.) Nếu chỉ nhìn nhận cuộc tranh quyền đoạt vị giữa những Stalin và những Trotsky, người đọc sẽ quên mất cuộc ẩu đả ấy diễn ra trên lưng những Ivanov và Smith. Nếu coi đàn lợn là chủ thể duy nhất của lịch sử trại, đấy là phủ nhận ý nghĩa cuốn sách như một nỗ lực để dân đen lên tiếng, như một cuốn mini People’s History of the United Animals.

Vì câu chuyện ở nông trại là câu chuyện về một lời hứa bị phụ bạc, và số phận kể trong đó là số phận của cả trại súc vật - mà đàn lợn chỉ là một phần, và rất nhiều khi còn đứng bên ngoài. Cuốn sách là thí nghiệm duy nhất trong số tiểu thuyết Orwell sử dụng nhân vật chính không phải một cá nhân, mà là một tập thể (1984 trở lại mô hình cá nhân vs thế giới của chủ nghĩa hiện đại); giống như “chúng tôi” trong các bút ký Down and Out in Paris and London hay Homage to Catalonia, trong Chuyện ở nông trại thường xuyên sử dụng cách nói “lũ súc vật cảm thấy…”, “chúng nghĩ…”. Nhân vật tập thể này, mà sau trở thành rất phổ biến trong văn học kháng chiến, văn học chống thực dân châu Phi, Á và Mỹ Latinh, có lẽ không quen thuộc với truyền thống tiếp nhận của mỹ học phương Tây; và rất nhiều người đọc có lẽ đã lướt qua mà coi “chúng” chỉ là một khối quần chúng không có bộ mặt, như một thứ tài nguyên lỏng của lịch sử, thụ động chờ những lợn tài năng nắn dòng.

Nhưng nếu đọc kỹ, sẽ nhận thấy Orwell luôn luôn tả các sự kiện từ điểm nhìn của “lũ súc vật”, chứ không phải của Mồm Loa hay Nã Phá Luân. (Tất cả những hành vi của đàn lợn trong nhà, chúng đều được biết qua “tin đồn” hay qua những tuyên bố trong buổi họp.) Độ vênh giữa hiểu biết của lũ súc vật và phán đoán của người đọc chính là nguồn gốc nảy sinh cái pathos trong những cảnh như Đấu Sĩ bị bắt và két uýt ky được gửi đến sau đó. Thêm nữa, Orwell còn chú ý miêu tả nội tâm lũ súc vật, đôi khi qua đại diện là Đấu Sĩ hoặc Cỏ Ba Lá: “Ý nghĩ ấy khiến chúng say lòng” (tr28), “Bất kể chuyện gì xảy ra, nó cũng sẽ trung thành, cần cù, làm theo đúng các chỉ thị được giao, tuân thủ quyền lãnh đạo của Nã Phá Luân. Nhưng dù thế, đây vẫn không phải thứ mà vì nó Cỏ Ba Lá cùng các con vật khác đã hy vọng và lao khổ.” (tr102). Đáng chú ý, Nã Phá Luân và Mồm Loa không bao giờ được miêu tả đang “nghĩ” hay đang “cảm thấy”, hay đang tâm sự riêng với bạn bè; Mollie lười biếng hay con mèo trốn việc cũng vậy. Một cách hệ thống, cuốn sách tranh thủ sự đồng cảm và cộng cảm của người đọc cho nhân vật tập thể của mình, một điều không thể nhận ra được nếu chỉ đọc tóm tắt cốt truyện trên Wikipedia.

Chủ thể tâm lý này vẫn cứ là chủ thể hành động trong chuỗi sự kiện. Đây không phải nơi để bình luận lý thuyết Mác xít về mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng, nhưng khó tưởng tượng được đàn lợn sẽ khởi nghĩa thành công nếu không có “sừng húc vó nện” (tr25), hay đánh bại các đợt xâm lược nếu không có lực lượng ngỗng cừu. Thêm nữa, nội dung chiến đấu trong cuốn sách chỉ chiếm một khối lượng nhỏ so với nội dung lao động. So với Dickens mà ông từng chê “thiếu hụt trầm trọng… là ở chỗ ông không hề có lý tưởng về làm việc” (“Charles Dickens”), Orwell mô tả một cách tỉ mỉ công cuộc xây dựng Trại Súc Vật, với sự am hiểu và trìu mến đối với việc nhà nông còn thấy trong thư từ nhật ký khi sống ở Suffolk, hay ở đảo Jura sau này. Và tập thể trại thú là nhân vật chính trong công cuộc ấy. Nhìn từ trên xuống, chỉ thấy đàn lợn chỉ đạo một khối lao động vô danh; nhìn từ dưới lên, mới thấy Khởi nghĩa không “chạy” được nếu không phải “Ngay đến gà vịt cũng bươn bải cả ngày trong nắng, dùng mỏ gắp từng cọng cỏ khô tí xíu” (tr35); đến lượt mình, việc đó cũng không thể có nếu không phải từng thành viên đã tiếp thu mục tiêu chung của trại thành mục tiêu của riêng mình, “Tôi sẽ gắng sức hơn nữa”.

Có nhận thức được nhân vật chính là tập thể súc vật trại, mới hiểu tại sao hồi kết lại là sự thất hứa: vì lời hứa là dành cho chúng, hứa một tương lai xán lạn cho chúng. Và có nhận thức được vai trò của chúng trong số phận của trại, mới khỏi quy hồi kết đó về một mình đàn lợn: làm như thế là một cách tiện lợi để chối bỏ trách nhiệm của các “súc vật hạng dưới” thông qua hành động hoặc bất hành động. Chính lòng tin và sự ngây ngô của tập thể đã tạo điều kiện cho quyền lực tha hóa lộng hành, đấy là một điều cơ bản cần được nhấn mạnh trước khi bước vào những phân tích tiếp theo.


2. Chủng tộc tốt, dân tộc tốt

Trại Súc Vật hình thành dựa trên các nguyên tắc của Súc vật Chủ nghĩa, đi từ bài nói chuyện của Ông Cả, tới Bảy Điều Răn, tới phiên bản cực giản là “Bốn chân tốt, hai chân xấu”. Phiên bản cực giản này đã nêu lên căn bản trong lý thuyết của Ông Cả: lý thuyết đó nhìn nhận thế giới trong thế nhị phân giữa Người và Thú. Những phân tích Ông Cả nêu ra đều rõ ràng và hệ thống: sức lao động, con cái, thân thể…; nhưng kết luận rút ra từ đó thì lại sai: “Tất cả chỉ rút gọn trong một chữ: ‘Người’.” (tr10)

Thứ nhất, kết luận này đã đánh tráo khác biệt về chủng tộc thay cho khác biệt về vị thế. Đối kháng giữa Jones và lũ súc vật nằm ở quan hệ bóc lột của Jones đối với chúng, chứ không ở tự thân bản chất Người của Jones và Thú của lũ súc vật. Đây là một khái quát vội vã, từ một nhận định biểu kiến đơn lẻ, mặc dù trong phạm vi quan sát hạn hẹp của lũ súc vật, đó có vẻ là quy luật duy nhất, tất yếu. Cũng chính ngụy lý logic ấy là nguyên nhân hầu hết các hiện tượng kỳ thị chủng tộc trong thế giới ngoại văn bản: người Do Thái ở châu Âu thế kỷ 18-19, người Hồi giáo ở Mỹ thế kỷ 20-21, người Bangladesh ở Singapore, người Việt Nam ở Đài Loan, v.v

Thứ hai, vì thế, lũ súc vật không ý thức được rằng ở nơi khác, trong một hoàn cảnh khác, một kẻ Người vẫn có thể là một đối tượng bị bóc lột đồng cảnh ngộ. Độc giả được nhắc trực diện điều này trong cuộc chén chú chén anh cuối sách giữa phe chủ trại và phe lợn chủ: “Nếu các vị phải đối phó với súc vật hạng dưới, thì chúng tôi phải đối phó với giai cấp hạng dưới!” (tr157), đối với Pilkington chỉ là một câu bông lơn, nhưng với Orwell là một nhận xét khá chua. Nhưng rải rác trong truyện đã có những chi tiết gợi đến thang bậc quyền lợi nội bộ Người: chống lại lũ súc vật không phải Jones cùng các con trai, hay bạn hữu, mà là Jones cùng “kẻ ăn người làm”; và trong Trận Chuồng Bò, thương vong nặng nhất phía Người là một “tay bồi ngựa”, ở nấc thang cuối cùng trong xã hội nông thôn. Chi tiết này vọng lại Trận Cối Xay khi Đấu Sĩ trọng thương, bò và cừu chết, còn Nã Phá Luân “bị đạn bắn sứt mất chót đuôi” (tr119); nó cũng vọng lại lý luận của Quốc tế 1 và 2 rằng trong Thế chiến, giai cấp cùng đinh chết trận để bảo vệ quyền lợi của giai cấp chủ.

Thứ ba, mặt khác, khi đã khẳng định “bất cứ thứ gì đi bốn chân, hay có cánh, đều là bằng hữu” (Điều Răn Thứ Hai), lũ súc vật không hình dung được những lúc “bốn chân” không phải là bằng hữu: chúng lúng túng khi đối xử với các “đồng chí hoang”, chúng nài nỉ cặp ngựa kéo xe đừng đưa Đấu Sĩ đến lò mổ. Trên hết, chúng không ý thức được chuyên quyền bạo ngược có thể nảy sinh chính trong hàng ngũ mình - và do đó không hề cảnh giác trước sự lạm quyền từng bước của đàn lợn. Đến cuối truyện, chúng - và người đọc - mới nhận ra ranh giới “Người và Thú” không dứt khoát như chúng tưởng: “Lũ súc vật ngoài cửa nhìn từ lợn sang người, từ người sang lợn, lại từ lợn sang người, nhưng đến lúc ấy đã không còn phân biệt được ai là ai.” (tr161)

Nhận thức kỳ thị dựa trên bề ngoài này dẫn đến định hướng hành động cũng dừng lại ở bề ngoài.

Các Điều Răn 3-5 của Súc vật Chủ nghĩa:

1. Không con vật nào được mặc quần áo.
2. Không con vật nào được ngủ trên giường.
3. Không con vật nào được uống bia rượu. (tr31)

không những cụ thể chi ly đến buồn cười, mà đáng nói hơn, không quy định hành vi đạo đức như “Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. … Ngươi không được ham muốn… bất cứ vật gì của người ta” (Cựu ước, Xuất hành 20:14-17) hay “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt…” mà đều là những hành vi sinh hoạt đời thường, và tất cả đều mang tính biểu tượng. Khác với khi lũ súc vật phá phách buồng yên cương, “Dây cương, đai mũi, miếng che mắt cùng bao mõm thức ăn tủi nhục, đều được ném cả vào đống lửa đốt rác trong sân” (tr27), những biểu tượng trong Điều Răn không gắn liền với việc bóc lột và áp chế, mà hoàn toàn là những đặc điểm bề ngoài, mà theo lũ súc vật, đã tạo nên “tính Người”. Coi những đặc tính chủng tộc là bất biến, Bảy Điều Răn che lấp mất bản chất kinh tế của vấn đề, và cũng đánh lạc hướng phán xét khỏi những hành động cụ thể.

Đến đây lại đặt ra câu hỏi: vậy khi mô tả đàn lợn vi phạm dần dần các Điều Răn mà chuyển vào nhà, mặc quần áo…, có phải Orwell đã lặp lại cùng sai lầm đó hay không? Nhưng đây cũng lại là thứ chính trị biểu tượng trong tác phẩm. Orwell không đả kích bản thân việc mô phỏng hành động của con người - không kết tội nhà cối xay, máy hơi nước, việc học chữ, không đòi trả súc vật về đời nguyên thủy, làm Thú hoang Cao quý. Đàn lợn không xấu vì mặc áo hay đứng hai chân, mà vì chúng làm thế nhằm xác định đẳng cấp tách rời lũ “súc vật hạng dưới”; chúng không xấu vì trao đổi buôn bán, mà vì dùng cách đó gia tăng quyền lực cho mình. Trong đoạn kết qua điểm nhìn của lũ súc vật ngoài cửa sổ trông vào, Orwell không cho lợn biến thành người một cách kỳ ảo, mà cố ý mập mờ: “có gì kia dường như đang tan chảy, đang thay đổi?” (tr160), và tới câu kết, đàn lợn đã “người hóa” trong nhận thức của lũ súc vật, trong lúc vẫn nguyên là lợn. (Phim hoạt hình Animal Farm năm 1954 ít ra cũng hiểu đúng chi tiết này.)

Nhị phân Người/Thú ban đầu, theo diễn tiến tác phẩm, dần dà thu hẹp thành nhị phân Trại/ngoài Trại. “Trại Súc Vật muôn năm!” trở thành khẩu hiệu duy nhất sau khi ý tưởng Khởi nghĩa không ngừng đã bị trục xuất cùng với Tuyết Cầu; chủ nghĩa chủng tộc đã chuyển sang hình thức chủ nghĩa dân tộc. “Trại Súc Vật” như một biểu tượng đã được đề bạt lên, lớn hơn tập thể súc vật, lớn hơn cả từng cá nhân đơn lẻ. Trại không tồn tại để đem lại hạnh phúc cho từng cá nhân nữa, mà các cá nhân tồn tại vì Trại, thông qua Trại: “Chúng cũng chẳng bao giờ bỏ mất, dù trong giây lát, niềm tự hào hãnh diện được là cư dân Trại Súc Vật. Đây vẫn là nơi duy nhất trong toàn hạt - kể cả toàn nước Anh! - do súc vật sở hữu và quản lý.” (tr149) Và, theo một quỹ đạo quá thường gặp trong thế giới ngoài nông trại, chủ nghĩa dân tộc khi từ ngọn cờ kêu gọi giải phóng trở thành mục đích tự thân, đã bỏ rơi mất những nội hàm tốt đẹp ban đầu: “Không hiểu sao trang trại dường như đã giàu lên mà không làm súc vật trong trại giàu thêm - tất nhiên trừ lợn và chó” (tr147).

Nhưng muốn duy trì cái ảo tưởng cá nhân tồn tại thông qua Trại ấy, giữa hiện thực chứa những xung khắc liên miên giữa Nã Phá Luân và Tuyết Cầu, giữa mỗi chính sách mới đưa ra và sự chưng hửng bứt rứt của lũ súc vật, cần phải nhờ chính tính nhị phân trong/ngoài mà duy trì khối thống nhất toàn trại. Và “lời kêu gọi thống nhất nghe giống hệt tiếng kêu xung trận vẫn thường dẫn đầu mỗi dân tộc lao vào chiến tranh; tuy thế, không ai phát hiện ra trong cái công cụ phổ quát, vĩnh cửu làm nên thống nhất ấy mầm mống của chiến tranh phổ quát và vĩnh cửu.”5


3. Chiến tranh vĩnh cửu và đền thờ sự Ghét

Ban đầu tất cả đều chỉ là “mầm mống”. Bản thân thế nhị phân trong/ngoài không xấu; hầu như mỗi cộng đồng đều bắt đầu tự ý thức về mình như vậy, nhận ra mình bằng cách đứng tách ra khỏi khối hỗn độn bao quanh. Với những cộng đồng nhỏ hoặc ở vào tình thế chênh vênh đe dọa sự tồn tại của cộng đồng, để đẩy mạnh quá trình kết tinh thành một thực thể, thế nhị phân này thường được hình dung có tính đối kháng, dù thực hoặc phóng đại: bên ngoài lúc nào cũng chực tiêu diệt bên trong, nhu cầu cố kết của bên trong càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Ba Điều Răn chỉ đạo hành động dẫn ở trên, ngoài chuyện gói gọn trong “tính Người”, tất cả đều mang ý nghĩa tiêu cực, phủ định. Trong cả Bảy Điều Răn, mệnh đề quan trọng nhất lại có phần mơ hồ và bị đẩy xuống sau cùng “Mọi con vật đều bình đẳng”. Không có hình mẫu Trại tích cực nào, càng không có chương trình xây dựng hình mẫu đó. Bảy Điều Răn phản ánh niềm lạc quan có tính utopia nhưng tiêu cực của Ông Cả: “Chỉ cần loại bỏ Người là mọi sản phẩm từ lao động của ta đều sẽ thuộc về ta. Gần như tức thì ta sẽ được tự do và giàu có.” (tr13); vọng âm câu này còn gặp trong những chiêm nghiệm về sau của Orwell: “Tất cả tư tưởng phái tả, dù khoa học hay utopia, đều được hình thành bởi những người hoàn toàn không có triển vọng giành được quyền lực ngay trước mắt. … Vẫn còn lại trong ký ức nhiều người đang sống đây cái thời các lực lượng tả còn đang chiến đấu với một thứ độc tài dường như bất khả chiến bại; khi ấy thật dễ tưởng rằng chỉ cần tên độc tài cụ thể kia - tức là chủ nghĩa tư bản - bị lật đổ, là Chủ nghĩa xã hội lập tức sẽ theo sau.” (“Writers and Leviathan”, 1948)6. “Loại bỏ Người” trở thành đường lối cụ thể trước mắt duy nhất cho lũ súc vật, trong tin tưởng về cái tương lai đến liền sau đó.

Đường lối này rất có ý nghĩa trong thời kỳ đầu, khi lũ súc vật mới thoát khỏi ách áp bức của “Jones và đồng bọn”. Đường lối này vẫn còn quan trọng trong giai đoạn tiếp theo, khi Jones và đồng bọn tấn công hòng chiếm lại Trại Súc Vật: đây là chiến tranh, và chiến tranh là một “tình thế ngoại biệt” (Giorgio Agamben). Chiến tranh là khi Tuyết Cầu có thể nói át nỗi ăn năn của Đấu Sĩ khi tưởng mình đã giết chết tay bồi ngựa: “Đồng chí, không được ủy mị!... Con người chỉ tốt khi nằm chết.” (tr52) Khó khăn là ở việc biết khi nào thì chiến tranh dừng lại, hòa bình và tái thiết bắt đầu.

Ở Trại Súc Vật, đến tận khi Khởi nghĩa đã qua, Trận Chuồng Bò đã thắng, cái bóng chiến tranh vẫn còn lởn vởn. Con người, Kẻ Thù mẫu gốc, vẫn được duy trì làm một ngoáo ộp không bao giờ ngừng đe dọa cộng đồng. “Hẳn nhiên là các đồng chí không có ai muốn thấy Jones quay lại chứ?” (tr45) trở thành lý lẽ chốt hạ cho mọi tranh luận; và sự sợ hãi căm ghét chân thành của cộng đồng với kẻ thù đó trở thành vũ khí lớn nhất của quyền lực tha hóa chống lại chính cộng đồng.

Trong tay quyền lực tha hóa, “Kẻ Thù” cũng trải qua sự phát triển biện chứng của nó. Khi Jones không còn đủ đáng sợ, hoặc có nguy cơ phai nhòa khỏi ký ức, những kẻ thù mới liên tục được phát minh thêm: Tuyết Cầu, kẻ phản bội par excellence, bốn lợn trẻ, gà, ngỗng (và chắc cả Đấu Sĩ, nếu không nhờ có bộ vó cứng). Một khi sự tồn tại của Trại cao hơn tồn tại của từng cá nhân, thì mỗi cá nhân bị đẩy vào thế kẻ thù tiềm tàng của Trại: thật hiếm thấy bài cộng đồng ca nào có câu gở như “Yêu còn chưa đủ, hại người sao đang” (tr103) (nguyên bản: “Never through me shalt thou come to harm”). Bước phát triển logic tiếp theo là mọi hy sinh về chính sách, ngay cả Điều Răn Thứ Sáu “Không con vật nào được giết con vật khác”, đều có thể được tha thứ, nếu đấy là “vì Trại”.

Nhưng mặt khác, những kẻ thù ngoài và trong cộng đồng vẫn liên hệ với nhau: Tuyết Cầu được coi là gián điệp của Jones, từ trước khi Khởi nghĩa; các lợn trẻ và gà ngỗng là tay sai của Tuyết Cầu cài lại; và khi Pilkington hoặc Frederick được chọn làm Kẻ thù Hôm nay, lại có tin đồn người đó đang chứa chấp Tuyết Cầu. Cách làm này, một mặt giải quyết được mâu thuẫn logic với mệnh đề “Bốn chân tốt, hai chân xấu” - kẻ phản bội bị rút phép thông công khỏi cộng đồng, không còn được hưởng sự khoan hồng của cộng đồng - vừa khẳng định mục tiêu ban đầu vẫn chưa hề đạt được. Kẻ thù trực tiếp có thể thay hình đổi dạng, nhưng vẫn là Kẻ Thù cũ; cuộc Khởi nghĩa đã thành công về mặt quân sự, nhưng vẫn tiếp diễn trong đời sống hằng ngày; tình thế chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt, không có triển vọng chấm dứt sớm, kéo dài vô tận về tương lai; và cùng với nó, lời hứa về cuộc sống bình thường, thịnh vượng cũng bị hoãn lại vô tận.

Một tiện lợi nữa là mọi tiêu cực hay lệch lạc xảy ra trong cộng đồng, cũng như những “kẻ phản bội”, đều được trục xuất khỏi cộng đồng về lý thuyết, gán cho Kẻ Thù: cối xay sập là do Tuyết Cầu phá hoại, lúa mì đầy cỏ là do Tuyết Cầu trộn hạt, bất đồng chính kiến của đám gà lợn đều do khiêu khích của Tuyết Cầu. Và bất kể thứ gì cũng đều có thể cáo buộc cho Kẻ Thù, dù ghê rợn hoặc phi lý đến đâu: “một con cừu thú nhận đã tè vào hồ nước ăn” (tr99), “tối tối [Frederick] mua vui bằng cách buộc mảnh dao cạo gãy vào cựa gà rồi thả cho chúng chọi nhau” (tr111). Kẻ Thù thích hợp để hứng mọi thứ tội lỗi, vì nó là một thứ quái vật [monster], nó không “xấu” theo nghĩa đạo đức, mà bản thân nó là hiện thân của cái ác; nó ở ngoài lý tính, không hoạt động trên cùng những logic mà Chúng Ta hoạt động. Từ đó, không cần hiểu nó, không cần biết những lý do dẫn đến hành động của nó; không bao giờ đám gia súc đặt câu hỏi: “Vì sao Tuyết Cầu làm thế?”, do đó càng không bao giờ đi đến được câu hỏi: “Có đúng là Tuyết Cầu làm thế?”. Không chỉ là vấn đề tuyên truyền hay đe dọa, lũ súc vật chấp nhận không chất vấn những cáo buộc của Nã Phá Luân và Mồm Loa vì đó là một nhu cầu tâm lý có thực; những gì xấu xa về Kẻ Thù đều đòi hỏi được tin (đẩy tới mức cực đoan sẽ là không muốn thấy Kẻ Thù hối cải hay tiến bộ): “Mỗi con vật đều uất trào máu khi nghe cảnh hành hạ đồng chí mình, đôi lúc chúng còn sôi lên đòi ban lệnh cho kéo cả đàn sang tấn công Trại Đồng Chôm, đuổi cổ hết bọn người, giải phóng toàn thể gia súc” (tr112). Cái Ghét trở thành vị thần ngự trị cao ngất, điều khiển hoạt động của toàn Trại Súc Vật; và khi tự nguyện phụng sự vị thần đó, lũ súc vật đã tự trao mình vào tay những kẻ tự phong mình là tư tế.

(Ngược lại với Kẻ Thù thuần nhất, bất biến, bẩm sinh tà ác, Chúng Ta lại là những sinh vật phức tạp, mềm dẻo, lý trí; mỗi hành xử của Chúng Ta đều hợp lý, đều là phản ứng trước những điều kiện cụ thể; kể cả nếu mỗi bước Chúng Ta một chệch xa khỏi những lý tưởng ban đầu, đấy cũng là do những nguyên nhân cụ thể; và chỉ cần vượt qua được những nguyên nhân đó: chỉ cần đợi mùa hè khó khăn qua, chỉ cần đợi mùa đông khó khăn qua, chỉ cần đợi cối xay hoàn tất…, những lý tưởng ban đầu sẽ được khôi phục. Đổ tội cho Kẻ Thù và bào chữa cho Chúng Ta là hai mặt song song của một phản xạ tự vệ cộng đồng.)

Nói vậy không có nghĩa cái Ghét trở thành vị thần duy nhất của Trại Súc Vật. Cho đến ngay trước khi đàn lợn công khai thừa nhận việc đảo ngược hoàn toàn lý tưởng, “một số con vật bình đẳng hơn những con khác”, vứt bỏ các biện pháp tâm lý không còn cần đến để thao túng cộng đồng, thì căm thù và yêu thương vẫn là hai nguyên lý tranh chấp nhau chi phối các súc vật trại. Nguyên lý căm thù do Nã Phá Luân bồi đắp, tập trung vào Kẻ Thù, vào quá khứ, lấy chiến tranh vĩnh cửu thay cho cách mạng không ngừng, là nguyên lý thống soái trong không gian công của trại; trong cõi riêng tư của từng con vật, đấy là nguyên lý Ông Cả đã gieo xuống, hướng tới Trại Súc Vật utopia trong tương lai: “Rồi sẽ có lúc ngày ấy đến: có thể không đến ngay, có thể những con vật hiện nay sẽ không con nào còn sống mà chứng kiến, nhưng ngày ấy vẫn sẽ đến” (tr149). Lũ súc vật muốn sống trong tương lai, nhưng đám lợn điều hành không để yên cho chúng sống; vĩnh viễn quy chiếu lại mối thù hận khởi thủy, vĩnh viễn kẹt lại trong lời nguyền đã có thể bước qua từ lâu, chúng không ngừng nối dài cuộc chiến tranh quá khứ, ngăn chặn giấc mơ về tương lai - và cũng che mờ luôn cả con mắt tỉnh táo nhìn thực tế hiện tại.


4. Sự trống rỗng của lý thuyết

Con mắt nhìn hiện tại nhìn qua lăng kính nào? Chủ yếu là lăng kính Bảy Điều Răn. Sau khi phân tích hiện thực trong bài nói chuyện của Ông Cả đã đúc kết thành đường lối hành động trong Bảy Điều Răn, những Điều Răn này đã trở thành bộ luật, thành khuôn vàng thước ngọc để mỗi hiện tượng trong trại dựa vào đó phân đúng sai. Những băn khoăn xao xuyến của lũ súc vật trước mỗi động thái mới, khi đem so với các Điều Răn (đã chỉnh sửa) đều tự tiêu biến, “Nhưng giờ thì chúng thấy không phải Điều Răn đã bị vi phạm, vì rõ ràng là có lý do chính đáng khi xử tử những kẻ phản bội về hùa với Tuyết Cầu.” (tr106)

Mánh khóe sửa điều răn khét tiếng của đàn lợn cho thấy khác biệt về thái độ giữa đàn lợn “khôn ngoan” và đám “súc vật hạng dưới” chất phác: Đối với lũ súc vật, Bảy Điều Răn là bất biến và vĩnh cửu; đối với đàn lợn cầm quyền, Bảy Điều Răn được tùy tiện sửa đổi, không thông qua và không thông báo với tập thể trại, để phục vụ mục đích trước mắt của chúng. Nhưng sự khác biệt đó chỉ là về nội dung; điều cả hai bên đều thống nhất không chất vấn là tuân theo Bảy Điều Răn là tất yếu. Trong không gian công, Bảy Điều Răn vẫn giữ vị trí một thứ lời thánh phán. Chính vì thế nó còn được dùng làm công cụ - và đàn lợn còn cảm thấy cần sửa đổi, trước khi bãi bỏ hoàn toàn tính tất yếu của các Điều Răn, xóa tan ảo tưởng về pháp quyền bình đẳng - cùng với hai chị em ruột, “Như thế là trái với tinh thần Súc vật Chủ nghĩa” và “Nã Phá Luân lúc nào cũng đúng”.

Hiện tượng này gắn liền với khởi đầu của cuộc Khởi nghĩa - một khởi đầu mà chúng ta, những độc giả ở thế kỷ 21, không thể nhận ra là độc đáo, làm cho Chuyện ở nông trại trở thành một cuốn sách chỉ có thể viết ở thế kỷ 20: giữa một tập thể nói chung không có đặc quyền đặc lợi, vì bị bóc lột ngang nhau, Khởi nghĩa Súc vật được nung nấu không phải bởi bộ phận mạnh nhất, mà bởi bộ phận thông minh nhất, và sau khi kết thúc, cũng bộ phận này đã trám ngay vào vị trí lãnh đạo, mà tính chính đáng không dựa vào dòng máu, vào thiên mệnh, vào vũ lực hay sở hữu tài sản, mà vào vai trò nắm giữ tư tưởng. Nếu phần lớn các cuộc thay đổi ngôi vị lớn trong lịch sử các thế kỷ trước diễn ra do sự lớn mạnh về kinh tế hay xã hội của giai cấp mới đã thách thức quyền lực già cỗi của giai cấp cũ, còn tư tưởng theo sau để hợp lý hóa nhà cầm quyền mới, thì ở Trại Súc Vật, tư tưởng đi trước chỉ đạo hành động; cuộc Khởi nghĩa mong muốn viết cho mình cuốn Bildungsroman, một cử chỉ từ thời Jesus rời núi chưa thấy xuất hiện trở lại. Nhưng cũng như Thiên Chúa giáo đã dần rơi rụng mất thông điệp bình đẳng và giải phóng khi hóa thạch trong những thiết chế và những cuộc thánh chiến, Súc vật Chủ nghĩa dần dần lôi kéo trở lại các biện pháp “truyền thống”: vũ lực (bầy chó), dòng dõi (càng thể hiện rõ ở thế hệ lợn con), kinh tế (cả nội lẫn ngoại thương)… một khi bản thân tư tưởng không còn đủ cai trị.

Càng về sau trong câu chuyện, hố sâu phân tách giữa lý thuyết và thực tế càng ngoác rộng. Lũ súc vật sống dưới mặt đất không thể hiểu Nã Phá Luân và Mồm Loa giờ chỉ còn quan tâm đến bình diện thuần túy lý thuyết: đàn lợn vẫn theo đuổi cuộc chiến tư tưởng ban đầu, và vì chiến tranh là tình thế ngoại biệt, tất cả các chiến thuật đều có thể được chấp nhận: viết lại quá khứ, làm giả số liệu, miễn là nhờ thế mà Chúng Ta chiến thắng - về lý thuyết. Lý thuyết trở thành trống rỗng, không có nội dung, người ta có thể viết bất kỳ cái gì vào đó; tất cả diễn giải đều tùy ý, dù trắng hay đen: “Chẳng phải chúng ta vừa tống cổ quân thù khỏi đất này - mảnh đất thiêng của Trại Súc Vật ư? - Vậy là ta chỉ giành lại những gì ta đã có. - Đó chính là chiến thắng của ta đấy” (tr120-21).

Cũng vì vậy, đền thờ Trại Súc Vật dành cho sự Ghét chứ không phải cho nỗi Sợ: nỗi Sợ bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực, nhằm vào đối tượng ngay bên mình (như cuối truyện lũ súc vật “không dám ngửng mặt khỏi đất, bụng không hiểu nên khiếp hãi đàn lợn hơn hay đám khách người hơn” (tr154)), còn sự Ghét dành cho, và đòi hỏi, cái trừu tượng, đòi hỏi một Kẻ Thù quái vật. Và nghịch lý ở chỗ: những kẻ khôn ngoan biết nhìn quá cái cụ thể để thấy cái trừu tượng, sẽ thấy đối tượng trước mắt là một (hóa thân của) Kẻ Thù; những tâm hồn chất phác sẽ thấy Kẻ Thù đó chẳng qua là một cá nhân: “Tôi không muốn lấy mạng ai, cả mạng người cũng vậy,” Đấu Sĩ “nước mắt giàn giụa” mà nói, trong khi Tuyết Cầu tuyên bố “Chiến tranh là chiến tranh.” (tr52)

Sự đau lòng của Đấu Sĩ gợi lại ký ức của Orwell khi lần đến bên chiến hào Franco rình bắn tỉa, gặp phải một gã “còn chưa mặc đồ xong và đang vừa chạy vừa dùng cả hai tay xốc quần”: “Tôi sang đây là để bắn ‘tụi phát xít’; nhưng một người đang xốc quần thì không phải là ‘tên phát xít’, hắn rành rành là một người đồng loại, cũng giống như anh, và anh không thể thản nhiên mà bắn hắn” (“Looking Back on the Spanish War”, 1942). Khoảnh khắc giật mình này không hiếm gặp trong văn học về chiến tranh (dù phản chiến hay không), nhưng khác với thông lệ, Orwell không đối lập “ta/địch” với “đồng loại” như một khái niệm tự thân, nghĩa là lấy một lý thuyết đọ với một lý thuyết khác: ông nhấn mạnh khoảnh khắc ấy tác động tới ông, thông qua cảm nhận trực quan, mạnh mẽ hơn bất kỳ miêu tả, lý luận hay hùng biện nào có thể tác động.

Vì thế, và đây cũng là một mô típ quen thuộc trong tiểu thuyết và ký Orwell, lũ “súc vật hạng dưới” có một “lợi thế” mà đám lợn ngủ trong giường, ăn liễn bát Crown Derby không có được: chúng đo lường thực tế trên chính da thịt mình. Đấu Sĩ biết Trận Cối Xay là một thứ chiến thắng Pyrrhus không phải vì tranh luận thắng Mồm Loa, mà vì “đầu gối nó còn đang chảy máu, một móng sắt sút mất khiến móng toạc làm đôi, cẳng chân sau găm cả tá đạn” (tr121); lũ súc vật không kiểm nghiệm những bảng số liệu của Mồm Loa bằng đối chiếu sổ sách, nhưng vẫn biết “Chúng đói bụng triền miên, chúng ngủ trên nền rơm, chúng uống nước trong hồ, chúng làm việc trên đồng; mùa đông thì chúng khổ sở vì rét mướt, còn mùa hè thì vì ruồi nhặng” (tr149). Bộ phận trí thức lợn không phải lao động trước và cũng không bao giờ lao động sau Khởi nghĩa; chúng có thể quên mất thực tế có tồn tại để quan tâm đến bình diện thuần túy lý thuyết, vì chúng sống trong một thực tế khác, một thực tế ấm êm hơn; những lý thuyết của chúng sẽ vỡ tan khi va chạm vào hiện thực vật chất của lũ “súc vật hạng dưới”. Lũ súc vật trại, nếu để mặc chúng tự quyết, sẽ tự hiểu “cái bụng đi trước linh hồn” (“Looking Back on the Spanish War”); trong thực tế Khởi nghĩa nổ ra có tính tự phát, và do “đói ăn đã đến hồi hết chịu nổi” (tr25) chứ không phải do hiệu triệu và kế hoạch của Ông Cả. Thể chất của chúng là thứ sổ sách không thể làm giả được; không hùng biện nào của Mồm Loa có thể biến hai mạng sườn xọp của Đấu Sĩ thành cái thân hình tạ rưỡi của Nã Phá Luân.

Sống gần mặt đất nhất, lũ “súc vật hạng dưới” cũng là kho chứa lương tri [common sense] bền bỉ nhất; giống như cách nói của Orwell về giai cấp công nhân Tây Ban Nha trong Nội chiến, “không ai có thể vĩnh viễn mua chuộc chúng” (“Looking Back on the Spanish War”): Đấu Sĩ không thể viết lại trí nhớ mình về Tuyết Cầu trong Trận Chuồng Bò dễ dàng như Đảng Cộng sản Anh viết lại Mười ngày rung chuyển thế giới (“The Freedom of the Press”), và đấy cũng là một lý do quan trọng khiến Mồm Loa muốn thủ tiêu Đấu Sĩ. Nhưng trong một thế giới thống trị bằng tư tưởng chứ không phải kinh nghiệm trực quan, giữa một cộng đồng còn duy trì tính thống nhất ảo tưởng, bộ phận đại diện cho kinh nghiệm khi lúng túng thấy bài học kinh nghiệm không khớp với lời dạy lý thuyết, sẽ lấy lại lý giải của bộ phận được coi là nắm giữ tư tưởng: từ đó Nã Phá Luân lúc nào cũng đúng, và đám gia súc hạng dưới lúc nào cũng trao đi quyền tự quyết của mình.

Cuối cùng, chúng chỉ còn lại tài sản ít ỏi là “tình thương yêu”: tình thương yêu với các bạn bầu xung quanh, và với Trại Súc Vật hứa hẹn trong tương lai, thể hiện cũng trong thế giới vật chất: Cỏ Ba Lá lo lắng cho đôi phổi của Đấu Sĩ; Benjamin phẩy ruồi, trải nệm rơm êm cho bạn; lũ súc vật “rúc vào nhau quanh Cỏ Ba Lá” (tr100) sau cuộc thanh trừng rùng rợn. Nhưng cái nhóm sinh vật ngốc nghếch, tẻ nhạt, không có hạnh phúc đơn sơ nào hơn dậy sớm một tiếng đi chở đá, không có ước mơ nho nhỏ nào hơn được về hưu học nốt bảng chữ cái này, đã bị nhấn chìm trong những lộng hành của đàn lợn, cả trong văn bản, lẫn trong con mắt hầu hết người đọc còn mải mê phân tích chế độ Trại trên lý thuyết.


Kết: Chuyện ngoài nông trại

Đối với tôi Chuyện ở nông trại đặc biệt ở điểm ít được người đọc khác coi là quan trọng: nó đã xây dựng được một nhân vật (tập thể) đáng yêu, vốn tìm mòn mắt không thấy trong các tiểu thuyết Orwell mà gần hơn với Tưởng niệm Catalonia hay Down and Out in Paris and London. Tuy đấy không phải mẫu nhân vật ưa thích cho Hollywood: cần cù, trung hậu, nhân ái nói chung không phải phẩm chất người ta tìm kiếm ở anh hùng. (Bộ phim hoạt hình 1954 kết thúc bằng cảnh lũ súc vật nhất tề nổi dậy lần nữa, Benjamin đứng đầu, lật đổ đám lợn - đi theo vết xe đổ của rất nhiều phim dystopia dựng từ Brave New World, 1984 (bản 1956), Chuyện người tùy nữ, V for Vendetta - mà không đả động tới cái rồi sau đó?) Và cuốn sách cũng cho thấy một thứ có thể gọi là hạnh phúc, dù chết yểu - gợi lại kỷ niệm của Orwell về nền “cộng sản thời chiến” đã thoáng gặp ở Catalonia và London.

Một thành công nữa là, như đã nói, Chuyện ở nông trại dưới dạng tiểu thuyết đã mô tả một quá trình, điều mà viết lách báo chí của Orwell không thuận lợi bằng. Orwell nhà báo hiểu sức mạnh của số liệu và dữ kiện; Orwell nhà văn hiểu kinh nghiệm và cảm xúc con người không thể giản lược thành số liệu và dữ kiện. Chuyện ở nông trại cho thấy diễn tiến của cả sự kiện và tâm lý; nó nhắc ta nhớ không có gì bền vững, cả danh hiệu bên ngoài lẫn thực chất bên trong: anh hùng hôm nay có thể thành tên phản bội ngày mai, và phe đối lập hiện tại với những lý luận đẹp đẽ và những công phẫn cao thượng, rất có thể chỉ có “thứ mè nheo vô trách nhiệm của những kẻ chưa bao giờ, và không nghĩ có bao giờ sẽ lên nắm quyền lực” cùng “sự nông cạn tình cảm của những kẻ sống trong thế giới ý tưởng mà chẳng mấy tiếp xúc với hiện thực vật chất” (“The Lion and the Unicorn”, 1941) - hãy dè chừng khi đến lượt họ lên nắm quyền. Dậy thì trong tâm lý nạn nhân, người ta dễ quên ở tuổi trưởng thành rằng mình có khả năng thủ ác: suy cho cùng chính dân tộc đáng thương hại nhất đầu thế kỷ 20 đã nhanh chóng trở thành tiểu bá giữa sa mạc Ả rập.

Không phải chính Orwell không bao giờ mắc phải “yêu/ghét trên lý thuyết”. Trong The Road to Wigan Pier, ông đã tán đồng mệnh đề khái quát “tôi không ghét Chủ nghĩa xã hội, nhưng tôi không ưa đám Xã hội chủ nghĩa” (chương 11), thì từ sau Catalonia, ông lại thường tấn công chung chung “Chủ nghĩa cộng sản”, tuy vẫn thừa nhận có “những người Cộng sản đáng kính trọng… những công nhân nhà máy” - nhưng kèm theo câu “họ không thể luôn luôn riết róng tuân theo ‘đường lối’ ” (“London Letter to the Partisan Review”, 11/1941), nghĩa là họ không phải “đồng chí tốt”, một lý lẽ rất bản chất luận. Nhưng đáng nói, ông vẫn nhớ mối nguy tách rời lý thuyết với thực tế: một đoạn ít được để ý trong Lời tựa bản in tiếng Ukraina cảnh báo người đọc ông chưa từng đến Nga và mọi hiểu biết đều là gián tiếp: “Ngay cả nếu có khả năng, tôi cũng không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Xô viết; tôi sẽ không buộc tội Stalin và cộng sự chỉ vì những phương pháp dã man phi dân chủ của ông ta. Vẫn hoàn toàn có khả năng, dù mang những ý định tốt đẹp nhất, họ cũng không thể hành động khác đi trong điều kiện ở đó.”7 Điều ông đả kích, trái lại, là việc sùng bái Nga vì tư tưởng bất chấp thực tế ở đó, cũng như việc nhập khẩu trọn gói đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô vào Đảng Cộng sản các nước khác với điều kiện khác hẳn.

Nhưng người đọc đời sau vẫn không ngừng vi phạm bài học có lẽ là giá trị nhất trong các đóng góp của Orwell về mối nguy ấy, điển hình là trong chuỗi tranh luận “Orwell sẽ nói gì?” luôn nảy ra mỗi khi chính trị thế giới lại xuất hiện một điểm nóng bỏng. John Rodden đã lấy ví dụ với việc Mỹ tấn công vào Việt Nam: Orwell sẽ ủng hộ, vì coi đó là bước đi đúng đắn trong “cuộc chiến chống Chủ nghĩa cộng sản toàn cầu”? Hay sẽ phản đối, như vẫn phản đối mọi cuộc phiêu lưu của chủ nghĩa thực dân, cũ hoặc mới, trên đường nô dịch các dân tộc bé mọn?8 Duy có một điều hai phe tranh biện không nhận thấy, rằng ở đây có quá nhiều tiền đề cần xác lập: “chủ nghĩa cộng sản” ở Việt Nam có mang cùng nội hàm của từ đó ở Liên Xô và Đông Âu? quan hệ thực tế của Đảng Cộng sản Đông Dương, với mục tiêu trước mắt là giải phóng dân tộc, với đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô, mà chủ nghĩa dân tộc đã chớm biến thành chủ nghĩa đế quốc? nội dung đích thực của những gì Mỹ đang làm dưới tên gọi “chiến tranh vì dân chủ”?... Đấy sẽ là những câu hỏi Orwell giải quyết trước hết, chứ không phải nhảy vào tranh cãi lý thuyết trên giả định tất cả đều nắm vững thực tế như nhau, và đều hiểu như nhau về những khái niệm mang cùng tên.

Khi lấy Liên Xô của Stalin chứ không phải Đức quốc xã làm mô hình cho tiểu thuyết “không phải ngụ ngôn” của mình, Orwell không chỉ lấp đầy một thiếu hụt ông nhận thấy của không khí trí thức Anh đương đại “những chỉ trích chế độ Xô viết từ phía tả đều khó khăn lắm mới được cho phép lên tiếng” (“The Freedom of the Press”, nhan đề không được in của Chuyện ở nông trại9), mà còn thực hiện một lựa chọn hợp lý về thời gian: mười đến ba mươi năm đã trôi qua kể từ những sự kiện “nguyên mẫu” trong thế giới ngoài nông trại, đủ để người ta có thể nhìn lại và đánh giá quá khứ một cách tương đối tỉnh táo khách quan hơn, không bị chi phối bởi mục đích chính trị trước mắt và nhu cầu tranh thủ sự thông cảm (hoặc lòng căm ghét) của người đọc. Vất vả chạy vạy cho cuốn sách được ra mắt, Orwell hẳn cũng không ngờ Chiến tranh lạnh sẽ đến liền sau đó, thổi bùng danh tiếng ông chính nhờ tranh thủ lòng căm ghét của người đọc. Và Nã Phá Luân, Mồm Loa cùng đám lợn, mà ông đã chừa ra không miêu tả thế giới nội tâm, lại trở thành Kẻ Thù quái vật mới phục vụ cho các cộng đồng ngoài nông trại.

Nhưng cuốn sách trước hết viết cho độc giả Anh, và cũng như trong các bài chính luận, Orwell phân tích tình hình các nước khác là để cảnh báo về con đường lựa chọn cho nước Anh. Khoảng cách với chỉnh thể xã hội mô tả trong sách giúp người đọc nhận ra cái hạn chế, không chỉ của lòng tin mù quáng và dốt nát của tập thể súc vật, mà còn cả cái triết lý rởm của ẩn sĩ lừa: “Cối hay không cối, đời cũng vẫn một lối mà thôi” (tr61). Vẫn thường được coi là mặt nạ tác giả, nhưng lừa Benjamin chỉ là một bản sao khiếm khuyết, cũng như Warburton trong A Clergyman’s Daughter hay Gordon Comstock trong Keep the Aspidistra Flying. Tê liệt vì lý thuyết, Benjamin cũng trao lại quyền tự quyết cho cường quyền, và phải trả giá bằng cái chết của người bạn. Orwell thì không: ông vẫn còn tin vào giá trị của lý tưởng và vẫn chiến đấu bằng ngòi bút. Nhưng ông không suy nghiệm ra những luận cương phổ quát cho mọi dân tộc, mọi thời đại, không đóng góp vào bộ sưu tập “những món chính thống nhỏ mọn bốc mùi” (“Charles Dickens”); ông bắt vào những vấn đề thời sự và cụ thể, từ to tát như bom nguyên tử, đến “nhỏ nhặt” như nhà ở và khối lượng công việc của người nội trợ, về giá thuốc lá và mức sống trong trường nội trú nam sinh. (Trong thư từ cá nhân, ông nói cả đến trồng khoai tây và chọn mác sữa bột cho con trai Robert.) Giữa lúc Anh sắp bị Đức tấn công, giữa giới trí thức còn đang mải mê bàn bạc về hòa bình chủ nghĩa, ông sung vào đội tự vệ và không ngần ngại tuyên bố mình yêu nước; nhưng đấy cũng không phải chủ nghĩa dân tộc trống rỗng bài Kẻ Thù, mà có nội dung tích cực: “Chúng ta không thể thắng cuộc chiến này nếu không thực hiện Chủ nghĩa xã hội, mà cũng không thể thiết lập Chủ nghĩa xã hội nếu không thắng cuộc chiến này.” (“The Lion and the Unicorn”)

Chính vì thế mà các độc giả Anh yêu mến George Orwell (trong khi độc giả các nước khác có xu hướng tôn sùng ông, hoặc mạt sát): họ thấy ở ông, không phải bậc thần tượng, mà là con người bình thường có lương tri, luôn cố tránh biến thành một “trí thức”. Ông không “nói sự thực với quyền uy” như các trí thức, mà ông nói với họ, với Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá, nhắc họ nhìn lại hiện thực quanh mình. Vì suy cho cùng, chính tập thể những Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá mới có thể điều hành và lao động cho quyền lợi của chính chúng, chứ không phải một Pilkington hay Frederick từ ngoài phái đến, cũng không phải Benjamin hay bốn lợn trẻ làm thêm một cuộc lật đổ Nã Phá Luân (và rồi sau đó?). Utopia không đến nhờ một hay nhiều cuộc lật đổ, mà có thể Utopia cũng chẳng bao giờ đến: Trại Súc Vật chỉ có thể được xây dựng hằng ngày, từng giờ khắc một, nhờ từng con vật làm theo Đấu Sĩ kìm chân để khỏi bị đá tảng kéo lăn xuống dốc, mà ngày càng nhích lên gần tới ước mơ chung.


1 Michael Levenson, “The fictional realist: novels of the 1930s”, The Cambridge Companion to George Orwell, John Rodden cb, Cambridge: Cambridge UP 2007, tr66.

2 Margaret Atwood, “My hero: George Orwell”, The Guardian 18-1-2013 < http://www.guardian.co.uk/books/2013/jan/18/my-hero-george-orwell-atwood>, truy cập 26-3-2013 4:40 chiều.

3 Trích dẫn các bài báo, tiểu luận… đều lấy từ bộ The Collected Essays, Journalism and Letters of George Orwell, Sonia Orwell và Ian Angus biên soạn, Penguin 1971.

4 Trích dẫn tác phẩm lấy từ Chuyện ở nông trại, An Lý dịch, Hà Nội: Hội nhà văn 2013.

5 Hannah Arendt, The Origins of Totalitarianism, San Diego: Harcourt, 1973, tr153.

6 Có thể xem bản dịch hoàn chỉnh bài viết này của Phạm Nguyên Trường ở http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/06/george-orwell-nha-van-va-quai-vat.html, nhưng có nhiều điểm tôi không hiểu giống cách dịch của Phạm Nguyên Trường. “Utopia tiêu cực” (không phải dystopia) là khái quát của Nicholas Brown về đặc điểm văn học giành độc lập các nước châu Phi: “Chừng nào utopia chỉ được hình dung như là sự phủ định trừu tượng đối với hệ thống thực dân, thì tất cả mọi người còn có thể thống nhất về chuyện đó, vì nó thiếu đi nội dung cụ thể - sự cấu trúc lại triệt để các quan hệ sở hữu - chắc chắn sẽ gây ra chia rẽ và bất đồng. Sự không cụ thể hóa này cũng không phải vô tình: trong lĩnh vực chính trị, nó cho phép bộ phận tư sản dân tộc, dù không tỏ ra đối nghịch công khai, có thể theo đuổi những mục tiêu riêng dưới vỏ bọc cách mạng.” (Utopian Generations: The Political Horizon of Twentieth-Century Literature, Princeton: Princeton UP 2005, tr23)

7 Có thể xem bản dịch hoàn chỉnh của Phạm Nguyên Trường ở http://phamnguyentruong.blogspot.com/2013/02/george-orwell-trai-suc-vat.html.

8 “Orwell’s Century”, Think Tank with Ben Wattenberg trên PBS 12/2/2004.

9 Có thể xem bản dịch đầy đủ của Phạm Nguyên Trường ở http://phamnguyentruong.blogspot.com/2013/03/george-orwell-tu-do-bao-chi.html.


Bài liên quan:




Và đây rồi, khỏi cần nhờ đến mấy bạn lẽ ra mình chẳng cần nhờ cũng phải tự mà nghĩ ra, nhiều lúc nghĩ đúng là vãi với mấy bạn :p



6 comments:

  1. These are genuinely great ideas in on the topic of blogging.
    You have touched some good points here. Any way keep up wrinting.

    ReplyDelete
  2. Appreciate this post. Let me try it out.

    ReplyDelete
  3. Hello there, just became alert to your blog through
    Google, and found that it's really informative. I am going to
    watch out for brussels. I will appreciate if you continue
    this in future. Many people will be benefited from
    your writing. Cheers!

    ReplyDelete
  4. I'm amazed, I must say. Rarely do I come across a blog that's equally educative and entertaining,
    and let me tell you, you've hit the nail on the head.
    The issue is something not enough folks are speaking
    intelligently about. I am very happy I stumbled across this during my hunt for something regarding this.

    ReplyDelete
  5. Pretty nice post. I just stumbled upon your weblog and
    wanted to say that I've truly enjoyed surfing around your blog posts.

    After all I will be subscribing to your feed and I hope you write again soon!

    ReplyDelete
  6. I have learn some excellent stuff here. Definitely
    value bookmarking for revisiting. I wonder how a lot attempt
    you put to make one of these excellent informative site.

    ReplyDelete