Sep 25, 2015

Đào Trinh Nhất

Hay là đã đến lúc chúng ta nên bớt tin vào một số danh xưng lưu truyền suốt nhiều năm rồi nhỉ? Bộ tứ "Vĩnh Quỳnh Tố Tốn" có đến mức độ như thế không? Khái niệm "bộ tứ" này lại là một cái gì đó vô cùng đặc vị Hà Nội, cái xứ hễ một tí lại thấy có "Trường An tứ hổ", mỗi thuyết lại khác nhau, đại khái Nguyễn Bá Lân hổ mà ông thân phụ Nguyễn Công Hoàn lại cũng hổ nốt.

Với tôi, nếu có bốn trí thức trước 1945 thực sự kiệt xuất có thể đặt thành "bộ tứ" (lại bộ tứ, đúng đầu óc Bắc Kỳ Hà Nội :p) thì đó là "Kim Khôi Nhất Hùm" (Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và Phan Văn Hùm). Được cái trong này có hùm có hổ luôn đỡ phải phân vân :p

Thật ra, sự xuất hiện trở lại của một nhân vật mãnh liệt như Phan Khôi làm đảo lộn rất nhiều thứ, làm thay đổi cái nhìn và cách đánh giá về cả một giai đoạn. Vĩnh Quỳnh Tố Tốn đều là danh nhân, nhưng Kim Khôi Nhất Hùm dường như trình bày một hình mẫu trí thức khác hẳn, có thể gọi là một thế hệ mới, tuy rằng Phan Khôi, Trần Trọng Kim còn lớn tuổi hơn Phạm Quỳnh.

Đào Trinh Nhất là một nhân vật kiệt xuất, mà giờ đây ta cần thực sự nhìn nhận tác phẩm và tầm vóc.

Chu Tần tinh hoa, in trong tủ "Khảo cứu tùng thư" của nhà Cộng lực, 1944:



Một tác phẩm có niên đại rất sớm trong đời Đào Trinh Nhất (1930), đó là một bản dịch:


Thật ra đây là một tác phẩm thần học, nhưng theo một đường hướng vô cùng bí hiểm. Đào Trinh Nhất có đặc điểm là ghét Tàu và bài trừ mê tín. (Phan Khôi cũng có dính dáng hơi tương tự ở công trình dịch Kinh Thánh Tin lành, cộng tác với Cadman)

Việt sử giai thoại bản đầu tiền chiến và bản tái của Tân Việt:


Đào Trinh Nhất đặc biệt quan tâm đến các nhân vật cách mạng cận đại Việt Nam, đây là Phan Đình Phùng ấn bản Đại La 1945, không phải ấn bản đầu (đó là bản năm 1936, sau đó nảy sinh bài phê bình của Phan Khôi) và bản tái của Tân Việt:


Cùng trong mạch này, Đào Trinh Nhất còn có cuốn Lương Ngọc Quyến vô cùng xuất sắc. Đào Trinh Nhất là con trai của Đào Nguyên Phổ, con rể của Lương Ngọc Quyến. Nhờ Đào Trinh Nhất mà hình ảnh Lương Ngọc Quyến còn được lưu lại mạnh mẽ về sau, cũng như Nguyễn Thái Học được nhờ Nhượng Tống về phương diện này.

Ta có thể dễ dàng thấy Đào Trinh Nhất rất quan tâm đến các nhân vật cải cách. Dưới đây là ấn bản Tân Việt của Vương An Thạch và Vương Dương Minh. Ba trong bốn người thuộc "bộ tứ" Kim Khôi Nhất Hùm từng viết sách về Vương Dương Minh:


Cô Tư Hồng dưới đây là một tác phẩm hết sức đặc biệt của Đào Trinh Nhất. Đào Trinh Nhất ký bút danh Hồng Phong in nó năm 1941 tại Trung Bắc thư xã. Trước đó, cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã được đăng nhiều kỳ trên Trung Bắc Chủ nhật:



Sách hồi ấy hay bị kiểm duyệt bỏ (rất may là lúc đăng báo thì không sao):


Ta thấy rõ là cái dạng thơ vè dạy ngoại ngữ đã phổ biến từ rất lâu, chả có gì là độc đáo. Việt Nam là một giống người rất bồi. Đặc biệt, các nhân vật trong Cô Tư Hồng lẩy Kiều vô cùng ý vị.


Ở Việt Nam có nhiều nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, như Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lan Khai. Nhưng với tôi, hai cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất là Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng và Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất. Đấy là tính cả đến tận bây giờ, chứ không chỉ thời tiền chiến.

Muốn viết tiểu thuyết một cách đích thực, đầu tiên là phải có một cái nhìn rất riêng. Điều này Đào Trinh Nhất làm được rất xuất chúng, ở mặt này Phan Khôi thua xa: cuốn tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi thực sự là tệ hại.

Xem kỹ các chi tiết có thể biết thêm nhiều điều: dựa vào thông báo dưới đây của nhà xuất bản, ta có thể rút ra kết luận Cô Tư Hồng chính là cuốn sách đầu tiên do Trung Bắc thư xã in:


(hình ảnh Cô Tư Hồng: courtesy of CFS)

Đào Trinh Nhất dịch thuật: Liêu trai chí dị (dưới đây đủ bốn tập), in sau khi Đào Trinh Nhất đã qua đời. Những nhân vật từng hết sức quan trọng trong lịch sử dịch Liêu Trai chí dị ở Việt Nam: Tản Đà, Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hoạt (thêm một chút Nhượng Tống).


Nhưng còn có một phương diện Đào Trinh Nhất nữa, vô cùng to lớn và khó xác định chính xác. Tôi mới khảo xong một phần bài báo của Đào Trinh Nhất thôi mà đã mệt gần chết rồi. Những trí thức hồi ấy viết báo suốt ngày, nhiều bài vô cùng và động đến mọi đề tài trên đời.

Đây là một số tờ Mai năm 1939 do Đào Trinh Nhất làm chủ:


Đào Trinh Nhất ký Đào Trinh Nhất trên Phụ nữ tân văn số Tết 1930:


Đào Trinh Nhất ký "Cô Phạm Vân Anh" trên một số Phụ nữ tân văn năm 1930:


Một số Trung Bắc Chủ nhật quảng cáo Cô Tư Hồng và Con quỷ phong lưu của Đào Trinh Nhất:


Đào Trinh Nhất ký Hồng Phong viết Lê Văn Khôi đăng dài kỳ trên một số Trung Bắc Chủ nhật năm 1943:


Trên cùng số, ngay trang trước, bài ký tên Đào Trinh Nhất; tôi chưa kiểm tra kỹ nhưng có vẻ đây là một kỳ của Việt sử giai thoại:


Trên cùng số, một kỳ Cai của Vũ Bằng; với tôi đây là kiệt tác duy nhất của Vũ Bằng; Vũ Bằng viết nhiều khủng khiếp, nhưng chẳng có cái gì hay:


Đào Trinh Nhất ký Quán Chi trên một số Trung Bắc tân văn Chủ nhật năm 1941:


Trên cùng số có bài của Sở Bảo tức Doãn Kế Thiện:



về Đào Trinh Nhất, xem thêm ở đâyở đây

4 comments:

  1. Bắc kỳ trước đây hay dùng bộ tứ hay tứ hổ, tứ hùm chắc vì nhân tài hồi đó hiếm, dễ đếm. Chứ bây giờ nhiều quá nên chỉ định danh chung chung là “hổ báo”.
    Đọc Vàng và máu mới thấy “Liêu trai” hồi trước còn được viết là “Liễu trai”
    Me Tư Hồng có so được với cô Tư Hồng không bạn Nhị Linh nhỉ?

    ReplyDelete
  2. Hông Tư Mè: đã có một lần nhắc đến rồi

    ReplyDelete
  3. Les premiers hommes dans la lune của H. G. Wells được nhắc đến trong bài Đời nay không có gì mới. Vua Thuấn và Cao Biền đã từng biết bay. đã có bản dịch tiếng Việt chưa ạ?

    ReplyDelete
  4. Thông tin hay nhất em học được trong post là "Đào Trinh Nhất ký Quán Chi"

    ReplyDelete