Sep 21, 2015

Con đường Nguyễn Du

Ta hãy bước vào một vùng trời khác.

Vùng trời của “trăm năm trong cõi người ta”. Câu thơ ấy tột cùng đơn giản, nhưng cứ nghĩ kỹ thêm, đến một lúc, ta nhận ra dường như đã không thực sự hiểu nó, và nghĩ thêm nữa, thêm thật nhiều nữa, có vẻ như ta hoàn toàn không hiểu câu thơ ấy nói gì. “Cõi người ta” thật ra là cõi người của chúng ta, hay là cõi của những người ta đâu đâu kia, chẳng một chút liên quan? Hiểu theo cách thứ nhất, Nguyễn Du ở trong, hiểu theo cách thứ hai, Nguyễn Du ở ngoài. Vòng tròn trăm năm ấy có Nguyễn Du ở trong hay để lọt Nguyễn Du ra bên ngoài? “Những điều trông thấy” là những điều trông thấy của sự tham dự hay những điều nhìn từ một khoảng cách?

Và đến cuối một vòng tròn khác, lần này là vòng tròn-bài thơ: khi hết bài thơ, ta có thêm một hoảng hốt nữa về cách hiểu: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Câu thơ khép lại này nói lên một sự thật rất giản dị, là bài thơ mà ta vừa đọc cần vài trống canh để đọc xong, một sự thật không có gì để bàn cãi. Nhưng toàn chuyện chuốc buồn mua sầu não đấy chứ, sao lại là “mua vui”? Nguyễn Du đã nhún nhường, đã mỉa mai, hay quả thật ta đã bỏ qua mất những chỗ vui trong câu chuyện? Dường như ý sau cùng rất quan trọng: quá đắm chìm trong trầm luân và đau thương, rất có thể ta quên mất rằng ở Kiều có những chỗ rất buồn cười, câu chuyện ấy có những khía cạnh hài hước rất đáng nói.

Nhất Linh từng đặc biệt chú ý đến từ “tốc” trong câu “Tú Bà tốc thẳng tới nơi”. Đó là một dáng điệu hết sức buồn cười. Kiều chứa đủ mọi thứ, nên ở trong đó có buồn nhưng cũng có vui, cái khía cạnh mà người ta thường bỏ bẵng đi mất. Kiều thuộc loại tác phẩm không bao giờ có thể khai thác được đến cạn kiệt ý nghĩa, còn quá nhiều điều nữa vẫn ở nguyên chỗ của chúng đợi những con mắt xanh mới mẻ nhìn ra; sự thể này còn áp dụng cho cả những gì từng được bàn tới rất nhiều. Ý nghĩa thứ nhất của văn chương lớn nằm ở đây. Vùng trời ấy và vòng tròn ấy mãi mãi không bị cũ đi.

Cũng Nhất Linh thời tuổi trẻ phát biểu một điều rất tinh tế: “cụ Nguyễn tuy dùng nhiều chữ như vậy, nhưng chưa hề bịa đặt ra bao giờ. Thường thường những người viết văn giỏi không mấy khi mắc phải cái tật ấy, vì cứ tiếng thường cũng đủ dùng rồi”.

Để thấy rõ điều mà Nhất Linh nói, chỉ cần đi sâu thêm một chút vào vùng trời kia.

Sáu câu mở đầu của Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Những câu thơ này gần vô hạn với mở đầu của Chinh phụ đã diễn ra Nôm:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

Hay mở đầu của Cung oán:

Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào

Lại càng gần hơn với mở đầu của Mai đình mộng ký:

Trăm năm là kiếp ở đời
Vòng trần này đã mấy người trăm năm
Cuộc phù sinh có bao lăm
Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh
Duyên tế ngộ hội công danh
Là hai, với nghĩa chung tình là ba

Tất cả đều tuyên bố ngay về “bọt bèo phù thế”, sự mịt mù của cuộc đời, nỗi long đong của tài năng, nhan sắc. KiềuMai đình chung nhau cả đến cái quãng “trăm năm”, KiềuChinh phụ, Cung oán chung nhau đến cả sự đối lập màu sắc giữa “má hồng” và “trời xanh” (“má hồng” của Cung oán thì đối lập với “phận bạc”). Nhưng Kiều lại cũng rất khác ba tác phẩm còn lại: đó là sự khác xuất phát từ việc sử dụng những từ như “khéo là” hay “quen thói”, những từ mà các nhà thơ khó có thể nghĩ là dùng được trong thơ.

Đặc điểm thứ hai của văn chương lớn chính là ở chỗ ngôn từ bình thường bỗng trở nên ảo diệu.

Trong cuốn khảo luận về Marcel Proust mang tên Proust entre deux siècles (Proust giữa hai thế kỷ), Antoine Compagnon từng có một phân tích xuất chúng về việc Proust đưa câu thơ cực kỳ đơn giản của Baudelaire vào bộ À la recherche du temps perdu nhưng thật ra đó là một đỉnh cao của thẩm mỹ thi ca: “Ne me vaut le soleil rayonnant sur la mer”. Thiên tài luôn luôn đơn giản đến đáng kinh ngạc.

Trong Kiều, những câu hay nhất đều gồm toàn những từ không thể bình thường hơn:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành

Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân

Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua

Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài

Thợ khéo không làm nên văn chương lớn, mà chỉ xảo, thợ trời thì trông vụng về nhưng lại làm ra những điều tuyệt diệu, vốn dĩ người ta hiểu điều đó từ lâu, nhưng hiểu là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác. Những tinh xảo của từ ngữ Nguyễn Du có thể nằm rất nhỏ bé ở một trật tự từ; ví dụ sau đây do Nguyễn Tuân chỉ ra:

Ở hai câu thơ miêu tả trong thư phòng Kim Trọng thì:

Trên yên bút giá thi đồng
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên

Còn khi Thúy Kiều lần đầu tiên cập bến thanh lâu, vẫn có hai từ ấy, “treo” và “trên”, nhưng thứ tự đảo lại, và ta có:

Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày

Một đổi thay rất nhỏ đã biến cải toàn bộ phong vị, sắc thái, đến mức độ không thể hình dung được. Nhất Linh từng nêu lên ao ước được xem bản thảo của Nguyễn Du, theo ông: “câu thơ hình như gọt giũa từng li từng tí, đổi một chữ cũng không được, không biết cụ Nguyễn Du làm văn có phải khó nhọc không, hay cụ chỉ đặt bút là câu nào ra câu ấy rồi?” Đinh Hùng thì hạ một nhận xét: “Xét về phương diện kỹ thuật, thì Nguyễn Du là một tay phù thủy dùng chữ như sai âm binh” (ở chỗ này, Đinh Hùng đang bàn về văn chương của Thập loại chúng sinh, nhưng điều ấy hoàn toàn có thể áp dụng cả cho Kiều).

Tôi sẽ chỉ nêu lên thêm nốt hai ví dụ nhỏ về tài dùng từ của Nguyễn Du trong Kiều. Cái tài vi diệu này đã được phân tích suốt bao nhiêu năm, bởi biết bao bậc tài danh, có cố gắng cũng sẽ chẳng thể góp được gì nhiều, vả lại mục đích của bài viết này gần như hoàn toàn nằm bên ngoài địa hạt ngôn từ.

Từ “dấu giày” xuất hiện ở hai lần phân ly cách biệt, đều gợi lên sự xa vắng, trống trải. Nhưng trong mối quan hệ Kim-Kiều thì:

Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
(lúc này Kim Trọng trở lại vườn Thúy)

Tình đầu trong trẻo để lại dư vị đậm sâu, nên lớp rêu buộc phải phong dấu giày ngày xưa, dẫu cho đó chỉ là dấu vết trong tưởng tượng, hoàn toàn không có thực. Còn khi Thúy Kiều và Từ Hải,

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Rồi Từ Hải đã ra đi, thì:

Sân rêu chẳng vẽ dấu giày
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân

Cũng buồn bã lắm, nhưng tình này là tình khác hẳn, nên trên nền rêu đâu có vết tích nào để lại.

Trong Kiều lại có “hoa lê” danh từ và “hoa lê” không phải danh từ. “Hoa lê” thứ nhất, chẳng hạn, ta gặp trong hai câu:

Cớ sao trằn trọc canh khuya
Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa

“Hoa lê” thứ hai nằm trong hai câu tuyệt tác:

Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần

“Lê” ở đây là động từ. Ta sẽ gần như không bao giờ gặp được trong thơ cổ một động từ thuộc dạng như thế lại được dùng cho chủ thể cao quý như “hoa”. Nguyễn Du cách biệt muôn trùng với các nhà thơ cùng thời và trước ông. Tài năng của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều ở mức tuyệt diệu, cuộc đời ban đầu của Ôn Như lại cũng phú quý vinh hiển như xuất thân của Nguyễn Du (chỉ khác một điểm là trước triều đình mới, dựa vào tuổi tác, Nguyễn Gia Thiều có thể chống gậy đến để nói lời từ chối). Nhưng Nguyễn Gia Thiều loại bỏ mọi từ ngữ bình thường ra khỏi thế giới thơ ca của ông. Những gì hay nhất của Cung oán nằm ở chỗ trang nghiêm đáng kính ngưỡng:

Cầu Thệ Thủy ngồi trơ cổ độ
Quán Thu Phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này

Nguyễn Gia Thiều đẩy mọi thứ trong thơ lên cực điểm, nàng cung nữ của ông xứng đáng là một tiên nữ nằm ngoài mọi tưởng tượng của phàm nhân:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương

Thế giới của Nguyễn Gia Thiều, vòng tròn Nguyễn Gia Thiều, giống như “Chút thiêng liêng sót lại của thiên đường” (Vũ Hoàng Chương), không phải chốn này.

Nguyễn Du thì khác, cũng sinh ra trong thế giới quý tộc học vấn tinh diệu nhưng ông đi vào những đối tượng khác hẳn, sử dụng những ngôn từ hoàn toàn khác. Thật ra một phần lớn con người Nguyễn Du trượt ra khỏi thế giới xuất thân của ông, thậm chí ta có thể nói ông đi xuống thật thấp; một sự hạ mình rất đặc biệt của nhà nho quý tộc Việt Nam.

Nhịp điệu thơ của Nguyễn Du cũng rất khác. Dẫu hoàn toàn tin lời của Bùi Giáng, rằng “lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất”, tôi vẫn luôn luôn thấy nhịp điệu của thơ lục bát hiền lành quá, những nhịp đôi của nó quá thường xuyên mang tới cảm giác đơn điệu. Phân tích Nguyễn Du trong Thập loại chúng sinh, Đàm Quang Thiện chỉ ra ba bút pháp phổ biến, mà ông gọi tên là “lưỡng long song phụng” (ví dụ “hồn đơn phách chiếc” hay “góc bể chân trời”), “uyên ương phượng hoàng” (ví dụ “vào sông ra bể”, “điếm cỏ bóng cây”) và “long phụng song phi” (thực chất là “tiểu đối” của các câu bát, ví dụ “Dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời”). Những phân tích này đặc biệt hay, nhưng đều nhấn mạnh vào sự đăng đối, cân bằng, dễ che mờ đi một sự thật là Nguyễn Du giàu tính sáng tạo về nhịp điệu hơn nhiều. Với tôi, lục bát của Nguyễn Du có nhịp rất riêng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào từ thứ ba trong các câu thơ.

Ở các câu lục, nhịp ba lại tạo ra tiểu đối, đã có sự phá vỡ nhịp hai quen thuộc nhưng sự phá vỡ này còn chưa thực sự mãnh liệt. Vài ví dụ:

Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng

Người quen thuộc kẻ chung quanh
Nhủ nàng hãy tạm lánh mình một nơi

Kéo cờ lũy phát súng thành
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài

Ma đưa lối quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần

Nhịp ba đưa vào các câu bát mới tạo ra hiệu quả thẩm mỹ lớn lao:

Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(riêng ở hai câu này ta có thể thấy cả câu lục lẫn câu bát đều đi theo nhịp ba)

Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần

Chung quanh vẫn đất nước nhà
Với Vương Quan trước vốn là đồng thân

Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

Sinh rằng: Gió mát trăng trong
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam

Mối tình đòi đoạn vò tơ
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

Tất nhiên, hiện tượng đảo nhịp phổ biến hơn (thường cũng đưa về nhịp lẻ) nằm ở các câu (chủ yếu là câu lục) trong đối thoại, mở đầu bằng “rằng” và tiếp theo là dấu hai chấm.

Giờ, ta quay trở lại với vấn đề đã nêu thoáng qua nhưng còn chưa được giải thích: Nguyễn Du ở cách xa các nhà thơ cùng thời, vậy thì Kiều gần với cái gì? (Thật ra ở đây đã có thêm một ý nghĩa của văn chương lớn: văn chương lớn bao trùm thời đại của nó nhưng cũng lại đồng thời ở cách rất xa thời đại ấy). Tất nhiên, Kiều không gần với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Kiều gần nhất với Thập loại chúng sinh.

Thanh Tâm Tuyền cho Kiều là sự phóng to của Thập loại chúng sinh, với Đinh Hùng thì: “Cả Truyện Kiều cùng Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người toàn vẹn của Nguyễn Du. Và phải có cả hai, Nguyễn Du mới thực là Nguyễn Du”.

Điều Đinh Hùng nói rất chính xác, nhưng tôi còn muốn nói hơn thế: KiềuThập loại chúng sinh thực chất chỉ là một.

KiềuThập loại chúng sinh dùng thông nhau nhiều cụm từ, chẳng hạn:

Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu
(Thập loại chúng sinh)

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Kiều)

Trong Thập loại chúng sinh có hai câu:

Trên lầu cao, dưới dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi

Còn trong Kiều có những câu:

Hàn gia ở mé tây thiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu

và:

Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ

Nhưng không chỉ có vậy. “Trăm năm trong cõi người ta” không gần với “trăm năm” của Mai đình mộng ký, mà gần nhất, mà chính là “Trong trường dạ tối tăm trời đất”. Theo tôi, Nguyễn Du đã viết KiềuThập loại chúng sinh cùng một lúc, không có chuyện tác phẩm nào trước tác phẩm nào sau. Một mình Kiều thì không đủ, một mình Thập loại chúng sinh cũng sẽ không đủ. Điều này đặc biệt quan trọng, ta sẽ thấy rõ hơn ở đoạn sau.

Ta hãy thử làm một việc: tưởng tượng câu chuyện cho đối tượng dưới đây:

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gánh non sông

Chắc hẳn ta sẽ có một mảnh của Kiều, thậm chí có một Kiều thứ hai. Tưởng tượng câu chuyện cho đối tượng dưới đây:

Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế phòng hoa
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là làm sao

Chắc hẳn ta sẽ lại có thêm một mảnh nữa của Kiều, thậm chí có một Kiều thứ ba. Còn với đối tượng này:

Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai

Thì đương nhiên chính là Kiều mà ta đã biết.

Hoặc ngược lại, nếu bỏ đi các câu chuyện của Kiều, thì khi đã không còn câu chuyện, Kiều lại trở thành Thập loại chúng sinh:

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân

rất gần với “Mảnh thân chiếc lá biết là làm sao”

Hoặc nữa:

Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân

hay:

Xót thay chiếc lá bơ vơ
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan

đặc biệt là:

Xót mình cửa các buồng khuê
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay
Khéo là mặt dạn mày dày
Kiếp người đã đến thế này thì thôi
Thương thay thân phận lạc loài
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao

hoặc:

Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Những câu thơ ấy dễ dàng lẩn vào trong Thập loại chúng sinh, giữa những câu như:

Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Nghìn vàng khôn đổi được mình
Lân đài phụng các tan tành còn đâu

hoặc:

Mênh mông góc bể bên trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào

Xét cho cùng, tất tật đều lâm vào cảnh:

Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau

Đinh Hùng viết: “đối với tác giả Chiêu Hồn, cái chết mới chỉ là khởi điểm của cuộc sống miên trường”. Và Đinh Hùng cũng nêu lên một nghịch lý: “Tất cả cái thi vị ghê rợn đến não nùng đó, không hiểu sao truyền tới những người sống như chúng ta, liền bên cạnh giây phút rùng mình, vẫn phơn phớt gợn nhẹ một cảm giác vô cùng khoái sảng”.

Có như vậy là bởi Thập loại chúng sinh là tiếng nói từ cõi chết nhưng vọng lên cho cõi sống. Còn Kiều? Ta hoàn toàn có thể coi đó là câu chuyện của cõi sống, nhưng là để chuẩn bị cho cõi chết. Hai cõi này trong vòng tròn của Nguyễn Du thông với nhau. Nguyễn Du là người hạ mình xuống thấp đến cỏ cây, âm hồn, với một tình thương không phân biệt,

Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu

Với tôi, Nguyễn Du không gần Phật bằng gần Jesus Christ, người từ bỏ thế giới của mình để xuống thật thấp, gánh đỡ nỗi điêu linh của tất cả. Văn chương Nguyễn Du là lớn vì văn chương ấy hiểu bản chất của xứ sở, cái xứ sở đau thương chết chóc quá nhiều, người sống người chết chen nhau không đường ranh giới, phải chuẩn bị cho người sống đón nhận cái chết của mình, nhưng đồng thời cũng phải hướng đến siêu sinh tịnh độ cho hồn ma, cho chúng sinh bơ vơ không người hương khói. Đạm Tiên có thể coi là một điểm nối quan trọng giữa KiềuThập loại chúng sinh, một trong “chúng sinh” của thảm cảnh “Kẻ thân thích vắng sau vắng trước/Biết lấy ai bát nước nén nhang”, phải nằm nơi nấm “mồ vô chủ ai mà viếng thăm”.

Đinh Hùng, mà tôi coi như một tâm hồn gần gũi hơn cả với Nguyễn Du, một nhà thơ cũng ở ranh giới giữa sống và chết, người và ma, hiểu sâu sắc ý nghĩa thơ ca Nguyễn Du: “Ngay trong lòng tác giả “Chiêu Hồn” đã có sẵn cả một đàn chay cứu khổ. Giọt nước cảm xúc của nhà thơ chính là hạt nước cành dương màu nhiệm, có cái hiệu quả siêu sinh tịnh độ đối với những vong hồn còn nặng chướng căn”. Với Đinh Hùng, thơ Nguyễn Du có yếu tố thần chú và tạo ra phép lạ. Khi phân tích thơ của Đinh Hùng, tôi cũng từng nói đến yếu tố thần chú ở trong chính các tập Mê hồn ca, Đường vào tình sửTiếng ca bộ lạc.

Cũng khi phân tích thơ Đinh Hùng, tôi nhắc đến Nguyễn Du và Dante (xem ở đây, đoạn cuối cùng). Dante là một gợi ý rất lớn về “con đường” của cuộc đời và của thơ ca. La Divina Commedia mở đầu bằng cái ý đến giữa đường đời, con người ta sẽ có biến chuyển kỳ lạ. Với Dante là cuộc đối đầu với địa ngục. Đinh Hùng ở tuổi ba mươi lăm mới cho in tập Mê hồn ca, đó cũng chính là năm 1954 điêu tàn. Cùng ở độ tuổi ấy, Nguyễn Du phải kinh qua đoạn cuối của cuộc biến loạn khủng khiếp, ngay trước khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế Gia Long, một phen thay đổi sơn hà.

Con đường Nguyễn Du với tôi là một vòng tròn, cái vòng tròn mà tôi đã hơn một lần nhắc đến kể từ đầu bài này. Đó là một vòng tròn tưởng chừng như rõ ràng, nhưng thật ra không phải: ta biết gì về cuộc đời Nguyễn Du? Gần như không hề có gì chắc chắn. Tại cuộc hội thảo về Nguyễn Du và Kiều gần đây nhất, vẫn có nhà nghiên cứu cố tìm cách xác định xem Nguyễn Du có từng qua Lâm An trên đường đi sứ Trung Quốc hay không. Ta tưởng đã biết về Nguyễn Du, nhưng thật ra ta không biết gì hết. Hoặc là rất ít. Nguyễn Du lại chọn “lam bản” để viết Kiều là một câu chuyện bí ẩn không kém, khiến cho mất rất nhiều năm người ta mới tạm gọi là xác định được. Nhưng xác định được rồi thì ta vẫn không mấy hay biết về Từ Vị tức Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du tự tạo ra cho mình một bức màn rất bí ẩn bao quanh. Rồi, văn bản Kiều gần như không thể có một điều gì thực sự chắc chắn, gần như câu nào cũng gây tranh cãi lâu dài. Vậy thì cuối cùng, Nguyễn Du vẫn cứ mãi mãi là một bí ẩn, một câu đố lớn không mong gì giải đáp thấu đáo cho nổi. Đinh Hùng từng tìm cách biết về Nguyễn Du qua các câu hỏi: “bản thể Nguyễn Du đã mấy lần tự hủy để rồi lại tái sinh qua bao nhiêu hình tướng, bao nhiêu duyên nghiệp?”, hoặc: “thần phách Nguyễn Du đã có lần nào lẩn vào xác bướm, hồn hoa? hoặc có lần nào con người siêu phàm trong Nguyễn Du biến hình thành Tiên, thành Phật, thành Quỷ, thành Ma?” Thật ra, tôi nghĩ Đinh Hùng biết nhiều về Nguyễn Du hơn là ông tỏ ra: “Trong cô độc, Nguyễn Du đã từng sống lẫn với thần tiên, ma quỷ, bởi vì ma quỷ với thần tiên cũng chỉ là hình ảnh “phản hồn” của chính con người Nguyễn Du”, nhưng trong hành xử của thiên tài đối với thiên tài, lúc nào cũng có cái phần tôn trọng sự bí mật của nhau.

Đây là một chuyện lặp lại. Có những vòng tròn giao cắt với nhau rất lạ lùng. Đinh Hùng có nhiều điểm chung với Nguyễn Du, đó cũng là một người có rất nhiều bí mật, và bản thân con đường Nguyễn Du đã đi, cái vòng tròn ấy, lặp lại con đường, vòng tròn của Nguyễn Trãi, ở không ít điểm. Không chỉ Nguyễn Du mới có “thập tải phong trần” mà ta gần như không biết được các chi tiết, Nguyễn Trãi cũng có “thập niên phiêu chuyển”, mà ta cũng lại không biết chi tiết nốt. Rốt cuộc thì quãng “giam lỏng Đông Quan” đối với Nguyễn Trãi, những gì Nguyễn Du làm và nhìn thấy ở dãy núi Hồng Lĩnh đã chìm hẳn vào sâu thẳm thời gian không cách gì có thể khơi lại.

Một khả năng rất rõ ràng là văn chương lớn còn bao hàm cả những bí ẩn tồn tại vĩnh viễn. Thật ra Marcel Proust đã làm những gì trong căn phòng kín bưng chia cách hẳn với thế giới bên ngoài? Chắc chủ yếu là Proust chỉ ngủ, nhưng những giấc ngủ ấy hẳn kỳ quái lắm.

Và Nguyễn Trãi cũng có một tác phẩm được người Việt Nam biết đến không kém gì Kiều, đó là Bình Ngô đại cáo. Thêm một câu hỏi: Nguyễn Trãi có tác phẩm nào có thể so sánh với Thập loại chúng sinh không? Nhà thơ lớn của Việt Nam không thể lờ đi cái sự thể là xứ sở này quá nhiều ma quái quỷ dị được.

Với tôi, những bài thơ về cửa Thần Phù của Nguyễn Trãi nằm ở phía ấy. Kể cả bài “Cây chuối” nữa (bài này thì làm bằng chữ Nôm, cũng như Kiều hay Thập loại chúng sinh: lựa chọn Nôm ở Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều rất ý nghĩa). Thật ra bài thơ “Cây chuối” định nói gì? Đây là một bài thơ cực kỳ khó hiểu tuy có vẻ bên ngoài giản dị đến não lòng; tôi chỉ biết rằng thân cây chuối vào những kỳ tháng Bảy âm vô cùng độc địa, là nơi trú ngụ của những hồn ma được hưởng vong nhân xá tội nhưng đến hạn không chịu trở về ngục tối mà trốn ở lại. Ở điểm này, ta chỉ thấy được phảng phất chứ không rõ ràng và cũng không mong rõ ràng hơn được.

Nguyễn Trãi sống ở đoạn mấy triều tranh giành quyền lực, lại thêm giặc Tàu, Nguyễn Trãi cũng có xuất thân cao quý không khác gì Nguyễn Du. Mà lịch sử là sự lặp lại. Những vòng tròn cứ quay trở lại mỗi khi hội đủ điều kiện.

Sau Nguyễn Du, đã có một vòng tròn nào giống như thế hay chưa? Câu hỏi này động đến một điểm cốt yếu của “con đường văn chương Việt Nam”, ở những sự lặp lại. Thời loạn lạc nhất về sau này của lịch sử Việt Nam chính là thời điểm 1945; cũng như vào thời của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, nhiều phe phái tranh giành quyền lực và cũng có cả sự can thiệp từ bên ngoài. Nếu “con đường văn chương Việt Nam” như vừa nêu là có tồn tại thật, thì quanh thời điểm 1945 ấy phải có một nhân vật văn chương vẽ lại vòng tròn Nguyễn Trãi và vòng tròn Nguyễn Du.

Tôi tin là có một nhân vật như vậy. Ta hãy thử tiếp cận câu chuyện này bằng một câu hỏi rất thận trọng: ngoài Bình Ngô đại cáoKiều, mọi người Việt Nam đều thuộc lòng một tác phẩm nào nữa?

Nhiều người hẳn đã nhìn ra tôi muốn hướng đến đâu. Tác phẩm ấy, tất nhiên, phải là Tiến quân ca.

Với tôi, Văn Cao chính là người một lần nữa lại vẽ cái vòng tròn mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Du từng vẽ nên. Tiến quân ca cũng được Văn Cao viết ra cùng thời điểm với một tác phẩm khác nữa, đây chính là Thập loại chúng sinh phiên bản Văn Cao:

Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc

Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma…
Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang… Não nuột khóc tàn sương
Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây…
Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ
Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ
Thanh xuân hờ thanh xuân
Bước gần ta chút nữa thêm gần
Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy
Ai hủy đời trên tang trống nhỉ?
Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya!
Đảo điên… mê say… Thể phách chia lìa,
Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo!
Tiền rơi! Tiền rơi! chùm sao huyền diệu
Lấp lánh hằng hà gạo rơi! Tiền rơi!
- Vàng mấy lá thừa đãi mây phủ chiếu

Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
Dặt dìu cung bậc âm dương
Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch
Đầm đìa rả rích phương Đông
Mang mang thở dài hồn đất trích
Lưỡi thép trùng trùng khép cố đô
Cửa ô đau khổ
Bốn ngả âm u
(Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)
Đêm đêm, đài canh tan tác
Bốn vực nhạc động, vẫy người
Giẫy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời
Ta về gác chiếu chăn gào tự tử
Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa vô luân
Run rảy giao duyên khối nhạc trầm trầm
Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc

Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
- Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Mưa, mưa hằng thao thức
Trong phố lội đìu hiu
Mưa, mưa tràn trên vực
- Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu

(Tôi sử dụng văn bản trong Tuyển tập Văn Cao in năm 1994; quyển sách của tôi có chữ viết tay của chính Văn Cao sửa thêm nhiều chỗ, ta sẽ thấy có không ít điểm khác với những nơi khác, chẳng hạn với bản in trong tập Thơ Văn Cao do Doãn Tòng tuyển chọn in năm 2005: “phù thế” chứ không phải “phú thể” trong câu “Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế”; không có từ “trai” trong câu “Ai hủy đời (trai) trên tang trống nhỉ”; không phải “đãi thừa thây” mà là “thừa đãi mây” trong câu “Vàng mấy lá thừa đãi mây phủ chiếu”; câu “Ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi” trước câu “Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo” đã bị bỏ đi; “nơi” chứ không phải “nợ” trong câu “Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương”. Một kỷ niệm cá nhân: bài thơ này tôi đọc lần đầu tiên và học thuộc lòng ngay từ cách đây rất lâu trong Mười khuôn mặt văn nghệ của Tạ Tỵ, sau này tôi mới biết rằng bài ấy, cũng như hầu hết bài thơ được chép vào trong sách đều có rất nhiều khác biệt so với các “chính bản”.)

Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc nối thẳng vào Tiến quân ca bởi hình ảnh xác người (“Đường vinh quang xây xác quân thù”). Đây cũng là một bài thơ như thể được làm trong cơn mê sảng, chập chờn ảo mộng và thực tế, người chết người sống nhập nhòa hết vào với nhau. Ở thời điểm đau thương ấy, lại có một thiên tài văn chương cúi xuống với những thây ma, và cũng giống trường hợp các tác phẩm lớn, thật ra ta không có một văn bản xác quyết của Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Tất nhiên, rất dễ dàng nhìn ra “Dạ Lạc” (tại sao Văn Cao lại chọn cái tên kỳ lạ ấy?) là bóng hình của “trường dạ”, và “hồng lâu” (những nhà ả đào ở đầu phố Khâm Thiên - thời điểm này, Văn Cao đang sống ở phố Nguyễn Thượng Hiền hiện nay, tức là giáp ranh với Khâm Thiên, khung cảnh đúng như được miêu tả trong bài thơ: “Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu/Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc”) gợi ngay tới “thanh lâu”. Và hai câu này của Văn Cao:

Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây…

chính là biến thể của hai câu trong Thập loại chúng sinh:

Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác sương sa

Còn câu cuối cùng, “Khi gà đầu ô kêu”, làm tôi nghĩ đến hai câu thơ của Đinh Hùng:

Trắng muốt tâm linh vạt áo sầu
Canh gà chưa rụng đã quên nhau

Văn Cao cũng gánh chịu những “phong trần” và “phiêu chuyển”, theo cách riêng của mình. Trong đó, có câu chuyện giết Đỗ Đức Phin; cũng như Nguyễn Du, Văn Cao buộc phải đi xuống thật thấp, phải đối diện với địa ngục dành riêng cho mình, hình như đó là địa ngục không cách gì có thể thoát ra.

Sau Nguyễn Du, ngoài Văn Cao, con đường ấy, vòng tròn ấy còn lặp lại nữa không? Tôi nghĩ là có. Tôi đã cân nhắc rất lâu, rồi quyết định là chưa đến lúc nói thêm. Có những điều vẫn phải là bí ẩn. Nhưng con đường văn chương Việt Nam ấy đau xót lắm, vòng tròn Nguyễn Du gian truân nhọc nhằn đầy tang thương. Xứ sở này vốn dĩ tàn nhẫn vô cùng, nhất là đối với những đứa con xuất chúng nhất.

Được lựa chọn ư? Đừng vội mừng, đó là bị lựa chọn thì đúng hơn nhiều.

Có tài mà cậy chi tài.


Đinh Hùng và Nguyễn Du
Kiều Trương Vĩnh Ký
Hồ Xuân Hương
Một mình Kiều
Vẫn là Kiều
Không chỉ Kiều
Kiều
Thơ Đinh Hùng: hai thế giới
Cung oán
Chinh phụ
Mai đình mộng ký
Nguyễn Công Trứ

16 comments:

  1. Người của văn chương, không kể thời nào, họ có tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm. Cũng chính vì lãng mạn, nhạy cảm họ có cái nhìn khác người, cái cảm khác người. Tấm lòng của họ rộng mênh mông, tình cảm của họ dành cho hết thảy...tất cả đều trào lên ngòi bút, không thể không nghĩ, không thể không viết...

    ReplyDelete
  2. Bài rất xuất sắc!!! Xong loạt Nguyễn Du chưa đó? Đã trích dẫn được chưa?

    ReplyDelete
  3. tks, vẫn còn tí chút, nhưng về cơ bản đã xong rồi đấy

    ReplyDelete
  4. Đọc mấy đoạn đầu thì cũng lơ đãng thôi, đến đoạn ngoặt vào Nguyễn Trãi rồi phóng tới Văn Cao thì giật hết cả mình.

    ReplyDelete
  5. Nghe nói ông Đỗ Đức Phin là một người xuất chúng về khả năng học ngoại ngữ và đã xuất bản một số sách học ngoại ngữ thời đó.

    ReplyDelete
    Replies
    1. còn về Cung Đình Vận, tương truyền quan bố chánh hay vi hành bắt cướp

      Delete
  6. Hai câu mình thích của Nguyễn Du là:
    Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
    Từ hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
    Có lần bên chén rượu tàn, với một người xa lạ khá nhiều tuổi, người đó coi hai câu đó là triết lý sống. Ngẫm lại thì nó toát lên ý của toàn bài Văn tế
    Còn với Văn cao giới văn nghệ vẫn coi là tiên chỉ của làng nhạc. Cái đó không phải ngẫu nhiên mà có được. Không những về giai điệu mà còn cả về ca từ Văn cao đều có nhiều sáng tạo và đến tận sau này người ta vẫn chưa theo được

    ReplyDelete
    Replies
    1. thấy ông nào kể, Tô Hoài đi viếng mộ ND, đọc câu này rồi rót rượu, xong lại có ông bình luận TH cố tình làm thế để được uống rượu mảnh

      Delete
    2. Nếu có vậy cũng là cái lẽ thường. Hình như chính CVD viết TH là người viết kịch cũng là người đóng kịch có tài mà đúng ko nhỉ ;) Thôi thì chuyện văn chương cứ nên để văn chương định đoạt

      Delete
    3. thật ra tôi chưa bao giờ viết thế về TH nhưng thôi cũng không sao, có chén rượu thôi cũng không nên lớn chuyện :p

      Delete
    4. Vậy so sr vì nhớ nhầm

      Delete
  7. Giả dụ, là giả dụ nhá, "Văn tế thập loại chúng sinh" không phải là tác phẩm của cụ Nguyễn Du thì sao? :p

    ReplyDelete
  8. cháu chưa từng có ý niệm về Truyện Kiều ngoài sách giáo khoa. Tuần trước bạn cháu bảo đọc blog của chú, sau đó cháu tìm đến Kiều. Tháng 8 năm nay có bão lớn; cháu tìm thấy blog của chú, tìm Truyện Kiều.

    ReplyDelete
  9. cẩn thận kẻo lại thi tốt nghiệp không qua: http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/06/tien-but-nhin-nhung-mua-thu-khong-di.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. môn Văn như cá nằm trên thớt

      Delete