Oct 26, 2015

Vũ Hoàng Chương: Vân Muội (3)

Hồi thứ hai của vở kịch thơ Vân Muội.

Ở hồi này, Liêu Trai chí dị đã được nhắc thẳng đến: "Như ở truyện Liêu Trai, nàng chợt hiện/Như một gái Hồ Ly, nàng chợt biến". Nhưng không chỉ có vậy, mở đầu ta thấy người bạn Vương Sinh của Hoàng Lang ngâm "Quế trạo hề lan tương/Kích không minh hề tố lưu quang", mấy câu trong Tiền Xích Bích phú của Tô Thức; một "quế trạo" khác nữa rất nổi tiếng là "Quế trạo hề lan duệ" của Khuất Nguyên.

Trong hồi này cũng có câu "Chút thiêng liêng di vật của người yêu" như là báo trước câu thơ nổi tiếng "Chút thiêng liêng sót lại của thiên đường/Gỡ dây trói sơ sinh cùng thể phách/Trên nẻo hư vô mơ hồ chiếc bách/Khói dìu đi men đẩy phía sau khoang" (trong bài "Đào nguyên lạc lối").


HỒI THỨ II

Cùng một cảnh với hồi thứ nhất. Mở màn lên trời bên ngoài khung cửa đã sáng. Có tiếng gõ cửa. Hoàng Lang vẫn ngồi gục xuống bàn nói mê:

Vóc hoa mềm, ôi vầng trán băng sương!
(Có tiếng hát vọng lên từ bên ngoài của Vương Sinh:)
Quế trạo hề lan tương
Kích không minh hề tố lưu quang
(Lại có tiếng gõ cửa. Hoàng Lang tỉnh hẳn, lắng nghe. Ở ngoài cất tiếng hát kéo dài, và to thêm, chen tiếng gõ cửa:)
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương
(Hoàng Lang mở cửa rồi quay về ngồi gục xuống bàn như trước. Vương Sinh ra.)

VƯƠNG SINH (đập vai bạn, nói lớn)

Chà! Ngủ đến bây giờ còn tiếc giấc?

HOÀNG LANG (tỉnh hẳn)

Này Vương ạ! Thật ly kỳ hết sức:
Một giai nhân vừa hiện đến tìm tôi
Trong đêm khuya…

VƯƠNG SINH (cướp lời, giọng riễu [sic] cợt:)

                      Và rủ rỉ kề vai
Cùng anh nói những lời thơm ngọt chứ?
Nào hẹn bể thề sông, nào sắt son gìn giữ…

HOÀNG LANG

Ồ, sao anh biết cả thế, Vương Sinh?

VƯƠNG SINH (thong thả, cười cợt:)

Tôi còn lạ gì anh, một gã si tình!
Bọn thi sĩ các anh đều thế hết.
Vả lại, có gì đâu mà chả biết!
Một giai nhân. - Anh vừa nói đấy thôi!
Đến tìm anh khi mưa gió đầy trời.
Người ta chả yêu anh mà lại thế?
… Và đã hẳn có những lời ước thệ:
Nào ghi tạc đá vàng, hương lửa dài lâu,
Nào trăm năm ngàn kiếp chẳng lìa nhau,
Nào…

HOÀNG LANG (cướp lời bạn)

           Không, Không! Nếu chỉ là có thế
Thì đã không huyền bí, phi thường!
Đây là Hương! Chỉ một thoáng trầm hương
Đây là Bóng, trong phút giây hiển hiện.
Một bóng dáng mờ thơm kiều diễm
Nói những lời như vẳng tận xa xôi
Như âm u từ cùng đáy Luân Hồi.

VƯƠNG SINH (giọng mỉa mai)

Ừ, hay đấy! Tội gì không tưởng tượng
Không bịa đặt phút mê ly mà tận hưởng.
Đời tầm thường đâu có chuyện nên thơ!
… Nhưng mà tôi, tôi không tin có thế được bao giờ!

HOÀNG LANG (giọng mơ màng như nói một mình)

Như ở truyện Liêu Trai, nàng chợt hiện.
Như một gái Hồ Ly, nàng chợt biến.
Trong phòng đây. Chính ở chỗ này đây.
Dáng xiêm y phấp phới chập chờn bay,
Tóc huyền ảo một mùi hương lạ lắm!
Ồ! Sao lại có những lời mê đắm?
Những bàn tay mịn, nhỏ, mát như băng?
Dịu như tơ, má tơ mướt nào bằng!
Lại cả một đôi chân mềm uyển chuyển
Dận đôi hài gấm thêu đường kim tuyến;
Chiếc hài thêu cánh phượng múa long lanh.
(Reo lên:)
À chiếc hài! Tôi sẽ lấy khoe anh…
(đi quanh nhà tìm chiếc hài)

VƯƠNG SINH (nói một mình)

Kỳ lắm nhỉ! Một chiếc hài bỏ lại
Cho người yêu, sau phút nồng ân ái!
Chợt hiện lên rồi chợt biến đi…
Hừ! Dễ thường đây cũng chuyện Hồ Ly!
(Nói với Hoàng Lang)
Và… anh đấy! một chàng si tốt phúc

HOÀNG LANG (Không thấy hài đâu)

Ô lạ quá!

VƯƠNG SINH (Làm như không nghe thấy)

                      Nào xem nền gấm vóc
Nào xem đường cánh phượng chỉ vàng thêu.
Chút thiêng liêng di vật của người yêu
Huyền hoặc ấy! Nào xem…

HOÀNG LANG (kêu lên:)

                                 Kỳ dị thực!

VƯƠNG SINH (vẫn làm ngơ:)

Nào xem thử! Xem vàng tơ gấm vóc
Có khác gì! Xem có khác phàm gian!
Nào thử xem vóc gấm với tơ vàng.

HOÀNG LANG (lại gần bạn)

Lạ lùng quá! Thật vô cùng ma quái.
Chiếc hài gấm, rõ ràng vương rớt lại
Khi nàng như vội mải biến vào đêm.
Tôi nâng niu, từng sợi chỉ ngắm xem.
Rõ ràng đã trong tay cầm đó chứ!
Mà bây giờ, khắp nơi tìm, không thấy nữa.

VƯƠNG SINH (trở lại giọng riễu [sic] cợt)

Hay là anh mê ngủ đấy Hoàng ơi?
Một giấc mơ kỳ diệu nhất trên đời?

HOÀNG LANG (cướp lời bạn)

Có lý nào! Không mà! Tôi vẫn tỉnh.
Đây trước mắt còn thướt tha hình ảnh
Áo hoa-đào xiêm cánh-chả êm trôi.
Rõ ràng đây nàng tiến lại gần tôi;
Và đây nữa chỗ nàng ngồi e lệ.
(Hai người cùng im lặng một lúc. Hoàng Lang chợt thở dài kêu lên vào quãng không:)
Ô Vân Muội! Có lẽ nào như thế?
Em trêu anh, độc ác quá, sao đành?

VƯƠNG SINH (ngạc nhiên)

Hoàng điên à? Cô gái đẹp trong tranh
Có hiểu được gì đâu mà gọi chứ?

HOÀNG LANG

Không, anh ạ! Tôi trách người thiếu nữ
Đã hiện lên rồi còn nỡ biến đi,
Như trêu tôi, đùa cợt gã tình si.
Ôi độc ác là Vân! Tàn nhẫn quá!

VƯƠNG SINH

Thì chính đó tên người trong bức họa.

HOÀNG LANG

Cô Vân?

VƯƠNG SINH (giọng thành thật)

           Ừ! Vân Muội gái làng trên.
Người mà tôi mê vẻ đẹp thần tiên
Của đôi mắt, của tấm thân kiều mị,
Người tôi đã, với tình thiêng nghệ sĩ,
Yêu thiết tha rồi đem hết say sưa
Cố hình dung bằng nét bút thô sơ
Trên tấm lụa một đôi phần thanh quý.
… Bức tranh đó! Anh trông! (trỏ vào tranh).

HOÀNG LANG (nửa tin nửa ngờ)

                      … Hừ lạ nhỉ!
Gái làng trên mà the gấm vàng tơ…

VƯƠNG SINH (trỏ vào bức họa)

Áo xiêm này, tôi theo kiểu thời xưa
Tự ý khoác lên nàng trong bức vẽ
Cho nổi bật dáng thướt tha kiều lệ
Mà tài tôi không ghi được với vành khăn,
Với chiếc nón chùng quai, nếp áo tư thân.
Nàng Vân đấy!

HOÀNG LANG (lơ đãng tiếp lời)

           Người đêm qua vụt hiện
Ngỏ thương nhớ phút giây rồi vụt biến.
Để quên hài, gấm lượn chỉ vàng trôi
Mà giờ đây tìm cũng biến đâu rồi.

VƯƠNG SINH

Hay là! Phải! Anh Hoàng! Thôi có lẽ…
Người đêm qua chính người trong tranh vẽ;
Chỉ là cô Vân Muội gái làng trên.

HOÀNG LANG

Anh Vương ơi! Này, cả một tiền duyên
Đã sực thức dưới bước chân mềm mại.
Tôi tự thấy không còn trong hiện tại
Cánh hồn si bay ngược lối thời gian.
Nàng, nghìn xưa, hương sắc đã phai tàn
Để riêng hận cho lòng tôi kiếp ấy.

VƯƠNG SINH

Dễ thường phải chính nàng Vân Muội đấy.
Hay là ta thử tới xóm trên xem?
Trưởng huynh nàng, tôi đã từng quen.
Ta sẽ hỏi, may mà biết rõ…
Nàng Vân Muội bồ côi từ thuở nhỏ
Mười lăm năm chung sống với người anh,
Sống đơn sơ trong một túp lều tranh
Giữa vườn huệ ngạt ngào hoa trắng muốt.
Bên cổng trúc đã bao lần dừng bước
Tôi mê say trộm ngắm bóng hồng trôi
Một nụ cười luôn thắm nở trên môi
Nàng thong thả tưới vun từng gốc huệ.
Và phấp phới trong hoa màu diễm lệ
Tôi mơ màng như chợt thấy y xiêm
Của Hằng Nga đâu đó lạc cung Thiềm.

HOÀNG LANG

Chà! Nét bút Vương Sinh kỳ diệu thực.
Hệt như người đã tới lúc đêm qua.
(ngâm) Tiền thân mờ thoáng xa xa
Ai nghìn thu cũ la đà áo xiêm…

VƯƠNG SINH

Đấy cô gái làng trên: Vân Muội!

HOÀNG LANG

Như in người đã tới lúc đêm khuya
(ngâm) Tiền thân ai lỗi duyên thề
Nhớ nhau mờ thoáng hương về mong manh

VƯƠNG SINH

Cô Vân, người vẽ trong tranh,
Ở gần đây, túp lều tranh cách làng.

HOÀNG LANG

Đâu nghe còn vẳng tiếng nàng:
“Em là Vân Muội ở làng trên đây.”
Ôi não nuột bàn tay mát rợi!
Ôi hào quang bừng phới xiêm y!
(ngâm) Cong cong nét liễu hàng mi
Lâng lâng thoáng nhịp hài đi chập chờn.

VƯƠNG SINH

Thôi! ta hãy đến làng trên thăm hỏi
Tôi sẽ tìm Vân Muội giúp cho anh

HOÀNG LANG (ngâm)

Nghìn thu may nối duyên lành
Đời sau kiếp trước tơ mành vấn vương.

(Hai người dắt nhau vào )


MÀN
hết hồi thứ hai


Vũ Hoàng Chương: Vân Muội (4)

Vũ Hoàng Chương: Vân Muội (2)
Vũ Hoàng Chương: Vân Muội (1)

5 comments:

  1. Bọn thi sĩ các anh đều thế hết, hê hê

    ReplyDelete
  2. Một chàng si tốt phúc,cái tứ này gợi ra đầy đủ cả một thiên tiểu thuyết

    ReplyDelete
  3. Mai Thảo. Những ngày tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương.

    Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là Động Hoa Lư. Trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở Động Hoa Lư, thì Đinh Hùng đời sau cũng có một Động Hoa Lư ở phường Cây Bàng, Khánh Hội, Saigon. Đinh Hùng mất, vợ con ông vẫn còn ở đấy, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới.
    Đó là Gác Bút.
    Hỏi tái sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thí sĩ cười, hóm hĩnh:
    "Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng..."
    Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn.
    Điều này cũng là một lý do nữa để hằng ngày tôi lặn lội đạp xe sang thăm người Gác Bút.

    Thi sĩ đã hơn sáu mươi tuổi. Và không phải là linh cảm nữa mà là tôi đàn nhìn thấy tài thơ cự phách, chẳng còn chịu ở hơn nhiều lắm nữa với đời. Những ngày tháng còn lại của Vũ Hoàng Chương ở Gác Bút là số ngày tháng cuối cùng.

    Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya...Ông đưa tôi xem một lá thư của Trần Dần.
    Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này:
    "Thơ anh, thơ anh Hùng, sống muôn đời với thi ca Việt Nam."
    Đêm đó,...tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia xẻ được với thi ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả.
    Ông đưa tôi coi tiếp những thư từ bạn ông ngày trước viết vào từ Hà Nội. Thư Lưu Trọng Lư. Thư Hoàng Lập Ngôn. Thư Hoàng Cầm. Lá thư ngắn nhất của Nguyễn Tuân. Vởn vẹn.
    "Mấy lời thăm hỏi cố nhân. Thư bất tận ngôn."
    Ông cười:
    -Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khấm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó. Mà nó sợ, chỉ dám dùng bốn chữ "Thư bất tận ngôn"
    -Mày trả lời bọn họ không ?
    -Có. Thằng nào viết thư thăm, tao cũng viết lại cho phải lễ. Bằng một vài đoạn thơ.

    Ông cười thành tiếng, ánh mắt tinh nghịch vui thú.
    -Thằng Địch vào, nói bọn chúng được thơ tao thích lắm, vác đi khoe cùng. Nhưng chỉ dám khoe với bạn thân. Tao trêu chúng mà. Với thằng Hoàng Lập Ngôn, tao hỏi mấy chục năm...cái xe mê ly lãng tử có còn lăn bánh? Mà bánh thực hay bánh vẽ.
    Thằng Tuân, tao gởi cho nó một bài thơ chữ Hán, lấy điển người xưa, mừng nó vẫn là nó không bao giờ thay đổi.
    Nó đọc, nó hiểu, chắc nó buồn lắm.

    Có thêm rượu, tôi ở lại, hưởng thêm một lần nữa, cái thú ngất ngưỡng ngồi xếp chân vòng tròn, đối diện với bạn, lấy được cái phong cách coi đời như không của bạn. An nhiên trước mọi chuyện và thấy kệ ngày mai.

    Trên đây là trích đoạn Mai Thảo viết về những ngày cuối cùng với Vũ Hoàng Chương ( mà tôi đọc được trên internet ) .
    Xin lỗi. Rất tiếc. Tôi đã tự ý kiểm duyệt, cắt bỏ một số chữ, một số đoạn.

    Nếu thấy được có ngày, có người đem những đứa con đầu đường xó chợ của mình về nhà tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ.
    Tôi không tưởng tượng được niềm vui của thi sĩ như thế nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. http://maithao.sangtao.free.fr/baiviet/maythang.html
      bùi ngùi quá

      Delete
  4. Bác đăng nốt phần cuối đi ạ.

    ReplyDelete