Nov 16, 2016

[Tiện bút] Cần mùa đông

"những phố phờ phạc, đậm mùa đông"


Năm nay, nhìn chung tuyết rơi sớm. Sớm hơn mọi năm. Nhưng không phải là ở mọi nơi. Nếu ở đây một thời gian dài, về sau, người ta sẽ hình thành trí nhớ theo kiểu: "cái năm có tuyết rơi vào Giáng sinh ấy", hoặc, "à, không phải, đấy là năm sau cái năm dịp Năm Mới tuyết rơi nhiều kỷ lục".

Một số người, rất nhiều người, vô cùng cần mùa đông. Một người bạn xứ lạnh của tôi, sau vài tuần đầu tiên nắng đậm một mùa hè rớt, trên đường cuốc bộ cùng tôi, phố Soufflot hoặc Gay-Lussac, chợt quay sang tôi, khuôn mặt bứt rứt, bảo cậu ấy sắp phải làm một việc, bằng một cái giọng giống như nhắc tới một nghi lễ. Người bạn ấy tuyệt đối cần kiếm một cái ghế bành thật lớn, để có thể ngồi trong đó, chân xỏ giày păng túp, ở yên trong phòng mình, đọc sách hoặc không, mà trải qua mùa đông sắp đến. Những thảm lá rụng ngoài phố là lời nhắc nhở, khi mà sự đe dọa (đối với tôi ngày ấy, cách đây chừng mười lăm năm, mùa đông là cả một mối đe dọa) của lạnh lẽo còn chưa thực lộ diện.

Một người khác, có thể coi là đồng hương của cậu bạn ấy, từng có một nỗi thiếu thốn mùa đông bùng lên khủng khiếp. Charles Dickens năm ấy bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết không thực sự quá xuất sắc nhưng chính là cuốn sách sẽ khiến lần đầu tiên trong đời, Dickens, ở độ tuổi chừng ba lăm, ba sáu, thực sự không phải lo lắng về tiền bạc nữa: Dombey and Son. Đó cũng vẫn là một cuốn tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo. Đây là nửa cuối thập niên 40 của thế kỷ 19, Dickens đã là tác giả của vài cuốn tiểu thuyết được đón nhận vô cùng nồng nhiệt: The Pickwick Papers, có thể coi là tác phẩm đầu tay, hay The Old Curiosity Shop với cô bé Nell Trent khuynh đảo không chỉ độc giả Anh mà cả độc giả Mỹ. Cả hai cuốn tiểu thuyết ấy đều đặc biệt xuất sắc, và đều là những sản phẩm hết sức vô ý: các nhà văn viết feuilleton đăng báo thường xuyên không biết mình đang làm gì, và ở một số trường hợp, chỉ những khi nào họ thực sự không biết mình làm gì, cuốn sách mới trở nên lớn. Chuẩn bị trước, lên đề cương, nhiều thời gian chuẩn bị, vân vân, dường như đều làm hại đến cuốn sách đang viết. The Pickwick Papers mới đăng được một ít số đầu thì người vẽ minh họa lại tự sát, và nói chung ban đầu cũng không ai thấy có triển vọng gì, nhưng bỗng Dickens nghĩ ra một nhân vật phụ, Sam Weller, và thế là mọi chuyện khác ngay. Trước Dombey and Son, đã có cả Oliver Twist hay Martin Chuzzlewit, đều được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhưng không sánh nổi với Pickwick và Nell. Đọc feuilleton, ta phải sẵn sàng chờ đợi một nhân vật bỗng biến mất chẳng hiểu đi đâu. Chương đầu The Old Curiosity Shop có một nhân vật dẫn chuyện, nhưng ngay sau đó mất hút luôn. Dombey and Son không khác: nhân vật đứa con trai có ngay trong nhan đề sau chừng bốn, năm chương đầu bị Dickens cho lăn ra chết, và thật ra đó là cuốn tiểu thuyết về Dombey và con gái.

Lúc này, quãng cuối thập niên 40 của thế kỷ 19, Dickens đi sang Ý; nước Ý thu hút rất nhiều văn nhân Anh. Trước đó, có thể coi là thế hệ trước, cả bộ ba Shelley-Byron-Keats đều liên quan rất nhiều đến nước Ý (Keats chết, rất trẻ, ở ngôi nhà ngay chỗ cái cầu thang nổi tiếng của Piazza di Spagna, Rome), John Ruskin miêu tả Venise hay đến nỗi Proust học theo bằng được (Dickens cũng vô cùng thích Venise). Ở đây, Dickens bắt đầu viết Dombey and Son. Và liên tục gửi thư cho người bạn thân John Forster kêu ca mình nhớ mùa đông, mình tuyệt đối cần mùa đông.

Mùa đông vô cùng cần thiết. Gắn liền với mùa đông, Dickens tạo ra được cả một cái gì đó hết sức mới mẻ: thị trường sách Giáng sinh. Liên tiếp A Christmas Carol (Scrooge), The Chimes rồi The Cricket on the Hearth, về sau còn có nữa nhưng không hẳn là liền mạch hằng năm, Dickens khai sinh một truyền thống bây giờ vẫn còn sống tốt, sau hơn một thế kỷ rưỡi. Dombey and Son thì hay được tính là cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên viết về tàu hỏa. Về sau này, sẽ còn có những người viết đặc biệt hay về tàu điện ngầm, hoặc về máy bay (ví dụ như tôi). Tàu hỏa, đối với Dickens, giống như Cái Chết, hay nói đúng hơn là Thần Chết.

Hình như lúc đầu tôi định viết về cái gì đó khác hẳn, nhưng giờ đã bị cái ông Charles Dickens này làm lệch đường mất rồi.

-----------

Tôi tưởng tôi đã biết về mùa đông, biết mọi thứ về mùa đông, cho đến một ngày.

Miền Bắc Việt Nam có cái lạnh rất đặc biệt, nhiều người sẵn sàng công nhận ở Hà Nội nhiệt độ ở mức 10 độ C thì cũng có thể coi tương đương với ở châu Âu khi trời -10 độ C. Nhất là những năm cuối tám mươi đầu chín mươi đói thảm thiết, cái lạnh càng ghê gớm (xem thêm ở kia). Một cái lạnh ăn thịt người. Thời ấy, người miền Bắc đi ngủ vẫn mang bít tất là chuyện bình thường, nhiều người đắp hai cái chăn bông chồng lên nhau.

Ở thời điểm ấy, tôi cũng đã biết, quá biết một cái lạnh kiểu khác, và đã rõ "tuyết đẹp" chỉ là trong truyện cổ tích, chứ trời có tuyết thì bẩn và khó chịu kinh người. Cũng giống một số người từ xứ nóng mới sang xứ lạnh, một biến đổi ngược chiều của tình trạng say nắng phát điên của người xứ ôn đới sang miền nhiệt đới (tôi không còn nhớ rõ chứng điên Amok có liên quan đến sự nóng hay không, vì đã lâu lắm rồi tôi không còn động gì tới Stefan Zweig), một thời gian tôi không còn muốn ra khỏi phòng nữa. Tôi còn nhớ một thời điểm tươi sáng, lúc tôi bắt đầu bình phục, ngồi ở chỗ bồn nước to giữa Jardin du Luxembourg vắng lặng, tôi nhìn thấy mặt trời bắt đầu xuất hiện trở lại sau những tháng vắng bóng. Sự trở lại của mặt trời cũng đồng nghĩa với phục sinh.

Nhưng cái buổi sáng hôm đó, trước sáu giờ, khi đi ra ngoài đường, một dịp cuối năm dại dột chọn Copenhague làm nơi ghé chân, tôi mới hiểu ra, tất tật những gì tôi từng tưởng là mùa đông còn chưa là gì hết, tôi còn chưa thực sự biết mùa đông nghĩa là thế nào.

Ở bước chân đầu tiên vượt khỏi ngưỡng cửa để đi vào sự nhờ nhợ tối miền Bắc Âu, trộn lẫn trong gió rít và tuyết lúc này giống như mưa đá, điều duy nhất hiện ra trong óc tôi, xẹt qua như một sao chổi đang bay thì bị chặn đứng đông cứng lại, là một câu: "ôi đcm". Lạnh đến nỗi chỉ muốn chửi thề, nhưng chửi thề cũng không nổi, mặc dù trong óc cũng chỉ chửi thề bằng viết tắt, thế mà một câu chửi thề nói tắt ở trong óc cũng đã bị đông cứng ngay lại.

Về sau, tôi sẽ còn biết thêm cái lạnh quái dị của xứ Ba Lan, nhất là sự tối trời từ khoảng ba giờ chiều. Còn cái lần ở Copenhague ấy, tôi nghĩ tôi đang diễn trong một bộ phim, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đó hoặc là phim Fahrenheit 451 của Truffaut hoặc Alphaville của Godard, Alphaville thì chắc là đúng hơn. Về sau, tôi cứ tiếc mãi, mấy ngày ở Copenhague năm ấy, tại sao tôi không đến nghĩa trang xem mộ Kierkegaard.

-----------

Chuyến tàu cần phải đón vào lúc sáng tinh mơ thành phố Copenhague ấy chạy qua trên cầu cạn. Phải đi cầu thang lên trong sự cấu xé điên cuồng và hiểm độc của gió, trong cái vẻ lúc nào cũng tiêu điều như phóng chiếu đổ nát vào vĩnh cửu của cái thành phố ấy, và rồi lúc đã ở trên cao, chỉ còn là một sự phơi mình trước lạnh lẽo của phương Bắc.

Trong ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà có bốn bức tường chính là bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, đồng thời cũng chính là bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, thế nào cái giường của chúng ta, chúng ta cũng sẽ kê về phía bức tường của mùa đông, nếu không áp sát vào đó thì cũng là về phía đó. Mùa đông là mùa của sự thức mất dần ý nghĩa.

Con người của thời tuổi trẻ thường coi thường, ít nhất là không mấy coi ngủ là quan trọng. Nhiều người, tôi nghĩ vậy, vì tôi cũng thế, gần như luôn luôn tìm cách tránh sự ngủ. Vì tưởng chỉ thức mới là có ý nghĩa, vì tưởng sự thức làm cho cuộc đời nếu không có ý nghĩa thì cũng bớt đi sự vô nghĩa.

Chúng ta nhầm lẫn biết bao nhiêu, cái gì chúng ta cũng nhầm lẫn hết.

Chẳng có gì nhiều ý nghĩa hơn ngủ. Ngủ là gì? Ngủ là thời điểm duy nhất con người có thể thực sự sống. Giấc ngủ là cơ hội để hiểu sống nghĩa là thế nào, là một cơ hội còn lớn hơn như vậy nhiều. Chết cũng thế. Ngủ, đêm và mùa đông: ba thứ ấy trộn vào nhau chặt chẽ không thể phân định. Marcel Proust là một ông thần ngủ.

Mùa đông, với sự lạnh lẽo của nó, với trạng thái nằm kéo dài mà nó ấn định cho con người, cũng là một cơ hội lớn, rất lớn, để hiểu về nhớ và quên.

Ai cũng tưởng nhớ quan trọng hơn quên. Người ta nghĩ ra đủ mọi phương pháp, thậm chí nghệ thuật, để ghi nhớ. Nhưng đối với Nietzsche, quên mới là quan trọng, chứ không phải nhớ. Và quên cũng khó hơn nhớ rất nhiều. Con người bị kết án không thể quên được, và bởi vậy, nó không thể có hạnh phúc.

Nhà văn viết về mùa đông hay nhất: Bruno Schulz. Nhờ đi sâu được vào mùa đông, Schulz nhìn thấy được rằng một năm không có mười hai tháng, mà còn có tháng thứ mười ba.

Văn chương có thể nói ba lăng nhăng về rất nhiều thứ, nhưng văn chương, nhất là thơ, tuyệt đối không được sai khi nói đến thời tiết, đến các mùa: mùa đông là như thế nào, mùa thu là ra sao, vân vân và vân vân. Nếu không như vậy, các nhà thơ tồn tại để làm gì?

-----------

Một nhà thơ Việt Nam từng viết những câu sau đây:

Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy
Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong xanh có đôi mắt đen
Con ong trắng bơ vơ trong tổ vắng
Con ong đỏ là con ong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu
Đã chết rồi ơi chú ong nâu
Để hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn
Anh là con ong bay giữa trời lận đận
Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao

Nhà thơ ấy hoàn toàn hiểu, trong sự lận đận của mình, rằng cuộc đời chỉ có ở trong giấc ngủ. Đó cũng là một lần hiếm hoi trong thơ Việt Nam có sự điên loạn đích thực - sự điên loạn ấy, ở rất nhiều người khác, nhuốm rất nhiều giả vờ, ví dụ như trong thơ của Chế Lan Viên.

Đằng sau một bài thơ, có thể nhìn thấy rất nhiều điều. Về nhiều thứ, về cả con người viết ra những câu thơ ấy. Đằng sau một bài hát cũng thế. Nó nói lên rất nhiều đấy, không che giấu được đâu.

Nhạc bật ở các quán cà phê Hà Nội là phong vũ biểu cho độ hot của dòng âm nhạc bình dân, về điều này tôi đã viết ở kiaở kia, và giờ đây dường như mốt lớn nhất đang là cái gì đó "khi hai ta về một nhà", vân vân và vân vân. Thêm một sự nhẽo nhợt rất đặc trưng nữa.

Nhưng khi bài hát có những câu dưới đây vang lên:

Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em

thì bất kể là một người đàn ông như thế nào, một người đàn ông không bị nhiễm mấy thói đàn bà, ắt hẳn sẽ đồng thanh sửng sốt hét lên: đúng rồi chứ sao nữa, đúng rồi em ơi, con đường em đi đó là đúng rồi, em bỏ cái thằng đó là đúng quá. Một kẻ đủ sức viết ra những câu "Con đường em theo đó. Sẽ đưa em sang đâu" đích thị là một kẻ đê tiện. Sống với kẻ ấy để mà chứng kiến cảnh "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, ăn vỏ lạc rang, mút từng cái xơ mít" hả em? Em bỏ kẻ đó là đúng lắm, kẻ ấy lại còn dám nói: "Mưa bên chồng có làm em khóc có làm em nhớ. Những khi tình còn nồng." Làm sao mà chấp nhận nổi? Người phụ nữ bỏ mình ra đi rồi, không mong cho người ta hạnh phúc thì thôi, lại còn trách trách móc móc, trù úm con người ta, thế là cái loại người gì?

-----------

Chúng ta cần các nhà thơ nhất khi muốn biết cụ thể về các mùa, các màu và nhịp, vì chỉ tâm hồn nhà thơ mới nhìn thấy rõ những cái đó. Đáng ghê sợ nhất trên đời là bọn nhà thơ giả vờ, bọn không thấy gì mà vờ vịt làm ra là có thấy.

Mùa đông là khi mọi thứ bó chặt lại, quá trình bó chặt này bắt đầu từ mùa thu; những rộng rãi, bừng nở đã đi hết chặng đường. Chúng ta cần mùa đông trong nỗi cần sự gần gũi, cần hơi ấm, cần sự im lặng, bất động, và cần sự hẹp. Mallarmé nói vào mùa đông con người sáng suốt (lucide) nhất chính là theo ý này.

"Cần mùa đông" là cụm từ của René Char (besoin d'hiver). Nhất là, những người nhiệt đới thì đặc biệt cần mùa đông: chính là để bớt cái tính chất nhiệt đới của mình đi.

15 comments:

  1. với kinh nghiệm đọc Tiện bút, em biết ngay là sẽ có câu cuối :p

    thôi chờ tiếp vậy

    ReplyDelete
  2. Là một Magnum Opus của Phương Tây, Christmas Carol mang một dự đồ không hề nhỏ. Dickens để cho Scrooge bàn đến Genesis 4:9: "Am I my brother's keeper?" Mùa đông ư, không có chuyện đó đâu.

    ReplyDelete
  3. này em hỡi con đường em đi đó

    ReplyDelete
  4. Tiện bút này em cứ thấy nó khác khác kiểu gì ấy

    ReplyDelete
  5. cứ nói là thấy dở, không sao đâu hehe

    ReplyDelete
  6. Thôi được, nếu anh đã nói thế :p thật ra em thấy kết cấu bị sao sao ấy, không giống như cách viết bình thường :-?

    ReplyDelete
  7. https://www.youtube.com/watch?v=im9fspvvkf4

    Jardin d'hiver :)

    ReplyDelete
  8. ôi khổ quá mùa đông. cháu ở miền Trung nên cũng không biết mùa đông thực sự là thế nào, chỉ biết mùa mưa. mưa nhiều và lạnh, và ướt, và đủ thứ. có những ngày cháu chẳng thể quên. entry này có một bác bình luận rằng đọc thấy thật khác. cháu cũng thấy thế nhưng cháu diễn tả không tốt nên không biết nói cụ thể là gì. cháu chỉ thấy có gì đó buồn buồn, lạnh lẽo.

    ReplyDelete
  9. Tháng này mộ Kierkegaard ở Copenhagen xanh cỏ đỏ hoa vàng nắng. Riêng em thì vẫn bị kết án (có lẽ tới chừng nào ngưng đọc anh:)))

    ReplyDelete
  10. Chời! Đúng cảm giác. Này em hỡi.
    "Ngày nào ân cần, trao thân". Thật không biết phải dùng từ gì.

    ReplyDelete
  11. từng có lần, một tâm hồn thuần khiết đã đọc được, ở một tâm hồn thuần khiết khác (cái đọc thật chậm và nhẹ mà he gọi là "imagination of repose") rằng mùa đông là ngôi nhà cho một being không muốn tan đi

    đó là một năm hạnh phúc, một phép màu như thể tình cờ rơi xuống giữa những vệt dài đờ đẫn, có một người đã sung sướng làm sao khi - làm tù nhân của mùa đông - cuối cùng cũng có thể khởi sự đọc (đọc lại) và mơ

    "Une jolie habitation ne rend-elle pas l’hiver plus poétique, et l’hiver n’augmente-t-il pas la poésie de l’habitation ? Le blanc cottage était assis au fond d’une petite vallée fermée de montagnes suffisamment hautes ; il était comme emmailloté d’arbustes qui répandaient une tapisserie de fleurs sur les murs et faisaient aux fenêtres un cadre odorant, pendant le printemps, l’été et l’automne ; cela commençait par l’aubépine et finissait par le jasmin."

    ReplyDelete
  12. đừng để nứt môi.

    ReplyDelete