Nov 17, 2016

Một nước Mỹ khác

Charles Dickens cũng hay viết phơi-ơ-tông hai, thậm chí nhiều hơn, cuốn sách một lúc, cho nên đang phơi-ơ-tông cái này, tôi lại phơi-ơ-tông cùng lúc thêm một cái nữa.

Sau nước Anh (xem ở kia), giờ ta nói đến nước Mỹ. Một điều đáng kinh ngạc: Ở Việt Nam chưa bao giờ có đến một chuyên gia văn học Anh-Mỹ. Một nửa cũng không, chưa nói đến một.

David Copperfield là một trong những cuốn tiểu thuyết mà tôi thích nhất hồi còn nhỏ. Cái bộ sách hai tập dày cộp bìa trắng ấy. Thật là sung sướng cái thời được... (đoạn sau câu này đọc ở kia: tôi đang chỉ tự lặp lại thôi). Tôi đọc David Copperfield từ rất lâu rồi mới gặp Phan Ngọc lần đầu tiên. Phan Ngọc hoàn toàn không phải là một chuyên gia văn học Anh-Mỹ, nhưng chính Phan Ngọc lại là người dịch David Copperfield và cả Oliver Twist. Dickens ngoài đó ra ở Việt Nam gần như không có gì. Henry James tôi cũng đã cố công tìm hiểu, tôi cũng chưa tìm thấy gì. Hồi ấy, ông Phan Ngọc cho tôi mượn La Phénoménologie của Lyotard, một trong những cú đọc gây dấu ấn mạnh nhất lên tôi hồi còn nhóc con; Phan Ngọc đã nằm coma vài năm nay, tôi sẽ còn quay trở lại với con người tuyệt vời ấy.

Đặc điểm không có chuyên gia văn học Anh-Mỹ ấy trộn tiếp với một đặc điểm nữa, mà tôi từng nói: trí thức Việt Nam trong dịch thuật luôn luôn chọn thụt lùi. Có Walt Whitman, nhưng còn Emily Dickinson đâu? Có Faulkner (tôi nghĩ chưa một bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết nào - rất nhiều - của Faulkner đến được mức chấp nhận được), nhưng Thomas Wolfe (chứ không phải Tom Wolfe bảnh chọe), người mà chính Faulkner gọi là nhân vật văn chương kiệt xuất nhất thế hệ của mình, đâu? Gần đây, tôi thấy Thoreau trở thành mốt, rất ác liệt. Nhưng, nếu có một "triết gia vĩ đại người Mỹ" (tuy rằng xếp "triết gia vĩ đại" với "người Mỹ" cạnh nhau giống như ta đang tạo ra một oxymoron rất buồn cười), thì đó không phải Thoreau, mà đó là Emerson. Và còn Poe thần thánh nữa chứ (Dickens sang Mỹ lần đầu tiên năm 1842, ở tuổi ba mươi, và đã gặp Poe tại Philadelphia, nhưng về sau, mối quan hệ giữa Dickens và nhiều nhà văn Mỹ, nhất là Poe và Washington Irving, xấu đi rất nhiều, vì Dickens viết một du ký đi Mỹ không mấy hữu hảo).

Những sự việc gần đây khiến một số người đi tìm trong văn chương. Đúng, nên tìm trong văn chương: trước đây, chúng ta hay học, văn chương (mà người ta gọi là "văn học") có ba chức năng chính, là chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục, và (tôi quên mất rồi - chưa bao giờ tôi thực sự học thuộc bài), nhưng như thế là sai, là không hề biết rằng nếu văn chương thực sự có ý nghĩa, thì là bởi nó tiên tri, nói đúng hơn là nó "rất Cassandra" (tức là toàn tiên tri chuyện tồi tệ). Kafka là một minh chứng rất lớn, và còn nhiều người nữa.

Tiên tri cho những việc vừa xảy ra ở nước Mỹ, một số người tìm thấy ở Philip Roth và cuốn tiểu thuyết The Plot against America. Cũng có thể, nhưng thật ra còn cần nhìn xa hơn, sâu hơn vào lịch sử. Ngay trong thập niên 30 của thế kỷ 20, Sinclair Lewis đã tiên tri mọi điều.

Ta hãy đến tới bản dịch tiếng Việt một tác phẩm của Sinclair Lewis:



(đây là Elmer Gantry, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Vĩnh, in tại nhà xuất bản Thuận Hóa, 1988)

Ta hãy chú ý vào "Lời nói đầu" trong ảnh: gần cuối: "Việc đó không thể xảy ra ở đây" (1935). Đây chính là cuốn tiểu thuyết tiên tri của Sinclair Lewis, It Can't Happen Here.

-----------

Nước Mỹ, một khi đã nhận lấy và tiếp tục một "con đường" nào đó, thường xuyên biến đổi nó đi theo một cách riêng. Trào lưu Ấn Độ như mới nói ở kia có thể tạo ra một vị thế chóng mặt cho Tagore, nhưng khi nó tiếp diễn ở Mỹ thì mới đặc biệt kinh khủng. Nước Mỹ, với một thiên hướng mãnh liệt về phía best-seller, và một tinh thần rất màu mỡ cho một số loại hiện tượng đặc thù, đã đóng góp không nhỏ cho vị thế của một nhân vật: Osho.

Osho là một trong những nhân vật mà tôi luôn luôn tránh không nói đến. Về nguyên tắc, tôi không coi bất kỳ sự tồn tại sách vở nào đặc biệt có giá trị hơn một sự tồn tại sách vở khác. Ai cũng biết rằng trong suốt những năm vừa qua, chưa bao giờ tôi nói một điều gì liên quan đến dòng sách "ngôn tình"; tôi cũng là người phản đối, theo nguyên tắc của tôi, mọi sự kiểm duyệt. Trong quá khứ, tôi từng chiến đấu chống kiểm duyệt và cấm đoán sách, kể cả những lúc đối với tôi những đối tượng trở thành nạn nhân cho các câu chuyện kiểu như thế không thực sự có giá trị. Đã là nguyên tắc thì phải là nguyên tắc, tôi ghê sợ nhất những người không có một nguyên tắc nào, những người không có một giọng mà lúc nào cũng có sẵn hai hoặc thậm chí nhiều giọng.

Nhưng Osho là một sự tàn phá rất lớn. Trào lưu sách Osho ở Việt Nam chính là một trong những thứ ngớ ngẩn nhất ở đây trong mấy chục năm vừa rồi. Tôi không căm ghét Osho, thật ra tôi chẳng căm ghét cái gì, nhưng Osho thuộc vào các tác giả không thể ồ ạt đại trà được. Tôi cũng hoàn toàn biết, những ai có trí tuệ (hoặc tự coi là mình có trí tuệ) luôn luôn hết sức bị hấp dẫn trước hai thứ sau đây: thứ nhất là chủ nghĩa hư vô (thế cho nên, Nietzsche luôn luôn hấp dẫn; chỉ có điều, coi Nietzsche là một người hư vô chủ nghĩa thì đơn giản là vô cùng kém), và thứ hai là những gì thuộc về "thần bí".

Nhưng thần bí là một thứ có hai mặt. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng hai mặt trong "thần bí" đặc biệt gần với nhau, thậm chí gần như không thể phân biệt rõ ràng, trong đó một mặt chính là cái gây ra hiện tượng đã quá nổi tiếng trong thế giới của Kim Dung: sự "tẩu hỏa nhập ma". Trong khi tưởng là tìm ra cách thức để nâng tinh thần của mình lên cao, người ta lại thường đưa tinh thần xuống rất thấp, hoặc giả đi thẳng vào cái mà trong "Phật giáo" người ta vẫn hay gọi là "ma cảnh".

Không phải ngẫu nhiên mà Do Thái giáo quy định chỉ những ai từ bốn mươi tuổi trở lên, thêm vào đó phải trải qua kiểm tra ngặt nghèo, mới được nghiên cứu nhánh thần bí của họ, tức là "Kabala" (Kabbalah). Phật giáo cũng có nhánh thần bí riêng, Thiên chúa giáo cũng có (chỉ cần xem thật kỹ William Blake hoặc tiền thân của Blake là Swedenborg người Thụy Điển là biết được rất nhiều), đạo Hồi cũng có, đó chính là nhánh Sufi. Đây là những thứ không dành cho số đông, và một khi trở thành món ăn của số đông, về cơ bản nó đã biến thành thuốc độc. Ở đây, ta quay trở lại cặp khái niệm ésotérique/exotérique đã nhắc qua (xem ở kia). Vô thần là một thứ gần như bất khả, nhưng tôn giáo và các biến thể của nó, rất có thể chỉ là một sự lợi dụng lòng tin con người một cách vô cùng bỉ ổi.

Không chỉ Osho tạo ra sự càn quét ghê gớm trong thế giới sách vở Việt Nam. Một nhân vật khác không thể bỏ qua: Paulo Coelho. Đây là nhân vật tạo ra một thứ văn chương hạng bét, thấm đẫm một thứ giả dối dễ dãi. Những người biết đọc, theo tôi, cần phải tự tiêm vắc xin cho mình chống lại mấy thứ màu mè cặn bã như thế này.

Trong tiếng Việt, mới chỉ có duy nhất một người nói từ "tâm linh" mà không tạo ra cảm giác ngu xuẩn thôi: đó là Đinh Hùng ("Trắng muốt tâm linh vạt áo sầu/Canh gà chưa rụng đã quên nhau" hoặc "Tâm linh đừng huyễn hoặc").

Nhân vật thứ ba, rất mới: Hamvas Béla. Đây là một đệ tử của René Guénon. Raymond Queneau cũng một thời sùng bái Guénon, nhưng đọc Queneau thì có thể thấy một cuộc chiến thường trực, một nỗi nghi ngờ to lớn (đó chính là một hình thức của vắc xin), còn Hamvas Béla thì không. Tôi tiên đoán Hamvas Béla sẽ cũng gây ra cả một trào lưu ở Việt Nam. Thêm một trào lưu ngu ngốc, chuyện cũng không có gì lạ.

Đi vào thần bí, người ta có một khoái cảm bóng tối. Nhưng như vậy là hết sức nhầm lẫn: càng ở những chỗ như thế, càng cần ánh sáng mạnh mẽ hơn. Nếu không, đó chính là địa ngục đấy. Tôi không định ngăn cản bất kỳ ai trong sự đọc riêng, sự đọc cũng riêng tư như tình dục ấy, nhưng cứ cẩn thận đi.

-----------

Quay trở lại một chút với Sinclair Lewis:


Chính ở những trường hợp như thế này, người ta rất dễ muốn tự đặt câu hỏi: sự vĩ đại mà nước Mỹ từng thực sự có, nó đi đâu mất rồi? Main Street là tiểu thuyết của Lewis in năm 1920, Freedom là tác phẩm của một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất hiện nay, Jonathan Franzen, in năm 2010, tức là đúng chín mươi năm sau Main Street, cả hai đều miêu tả cuộc sống ở thành phố nhỏ, thị trấn nước Mỹ.

Từ Saul Bellow đến Philip Roth đã là cả một sự thụt lùi, và khoảng cách giữa Sinclair Lewis và Jonathan Franzen thực sự xa vời.

Thomas Pynchon là một sản phẩm đặc Mỹ. Đối với cá nhân tôi, Gravity's Rainbow, Vineland hay Against the Day khiến tôi thấy rất nghi hoặc. Những khi nào những cuốn sách khiến tôi nghi hoặc, tôi cũng đều nghĩ ngay chúng thực sự lớn, chỉ có điều tôi còn chưa thực sự thấy được tại sao chúng lại lớn. Nhưng khi tôi rơi trúng Inherent Vice, ngay lập tức tôi không còn thấy nghi hoặc gì nữa: văn chương của Thomas Pynchon chỉ ở một tầm vừa phải thôi, đâu có đáng quan tâm mấy, và sự bí hiểm mà Pynchon tạo ra quanh mình nhiều năm vừa qua chẳng là gì khác ngoài một thủ thuật khôn ngoan, không đáng nói. Lúc này, một nhân vật người Mỹ khác vẫn còn làm tôi thấy nghi hoặc, đó là David Foster Wallace: chắc sẽ tới lúc tôi thấy rõ được hơn.

Lionel Trilling hay Harold Bloom là cả những khối nhạt nhẽo kinh khủng, Christopher Hitchens danh tiếng thì giống như quả lắc báo hiệu khuynh tả hay khuynh hữu.

Sự vĩ đại quá khứ của nước Mỹ đi đâu nhỉ? Rất có thể, chuyện liên quan rất nhiều đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

-----------

Như trên đã nói, Charles Dickens sang Mỹ lần đầu tiên năm 1842. Sau chuyến đi này là American Notes khiến nhiều nhà văn Mỹ nghỉ chơi với Dickens, thậm chí còn tỏ ra thù hằn. Về nước Mỹ, Dickens không chỉ viết American Notes mà không lâu sau chuyến đi đầu tiên ấy, cuốn tiểu thuyết Martin Chuzzlewit cũng có những đoạn dài lấy bối cảnh nước Mỹ. Ta nhớ đến Céline, trong cuốn tiểu thuyết ở kia, Céline cũng có một trường đoạn vô cùng đáng nhớ về nhà máy Ford ở Detroit: Bardamu không chỉ có giai đoạn ở mặt trận, giai đoạn sang châu Phi, giai đoạn làm bác sĩ mà còn có giai đoạn ở Mỹ.

Dickens có một cái nhìn không hề hữu hảo với nước Mỹ: thời gian ở Mỹ Dickens rất nỗ lực chiến đấu vì lý tưởng tác quyền (Dickens thuộc vào số những người đầu tiên trên đời hiểu rằng cần phải đòi tiền các nhà xuất bản nước ngoài: giai đoạn ấy, nước Mỹ in sách các tác giả Anh, nhất là Dickens, nhanh như chảo chớp, và về cơ bản là không trả đồng nào cả - mối quan hệ Anh-Mỹ ở thời điểm này trên phương diện ấy rất giống mối quan hệ Pháp-Bỉ; đối với nhiều người Pháp, Bỉ đồng nghĩa với sách không có bản quyền).

1842 nghĩa là không lâu, chỉ chừng chục năm, sau chuyến sang Mỹ của một nhân vật châu Âu khác, với kết quả là một bộ sách lớn. Alexis de Tocqueville cùng người bạn Beaumont, đều từng ngồi nghe Guizot tại giảng đường (Guizot là ai? các nhà Mác xít cần phải nhớ cái tên này xuất hiện ngay ở đầu Tuyên ngôn Đảng Cộng sản; người ta cũng nói, cùng thời điểm các tiểu thuyết của Dickens miêu tả cuộc sống bần hàn của người dân Anh, thì Friedrich Engels cũng điều tra về thực tế cuộc sống công nhân ở Manchester, nhưng đáng buồn là dường như Engels không hề đọc Dickens, nhưng lại có đọc và rất tán thưởng các tác phẩm của Thomas Carlyle là một người bạn gần gũi và lâu năm của Dickens), đi sang Mỹ. Bộ sách lớn này là De la démocratie en Amérique.

Thêm một lần nữa (chuyện quá dễ đoán nên chẳng muốn nói thêm), các trí thức Việt Nam, ở riêng trường hợp Tocqueville, lại nhầm. Tôi đã lật tới lật lui xem những gì người ta làm và nói về Tocqueville, liên quan đến bản dịch tiếng Việt De la démocratie en Amérique, và tôi thấy rất rõ, chẳng một ai hiểu, kiệt tác của Tocqueville đâu có phải Démocratie, mà là một cuốn sách khác: L'Ancien régime et la Révolution.

Nhưng 1842 không phải lần duy nhất Dickens sang Mỹ: còn có chuyến đi thứ hai, bắt đầu từ cuối năm 1867, kết thúc vào tháng Tư năm 1868. Dickens sẽ chỉ còn sống thêm hai năm nữa sau đó. Như một sự trả thù cho những ý tưởng về tác quyền của mình mấy chục năm trước đó, đã không được hưởng ứng tí chút nào lại còn bị các tờ báo Mỹ chê bôi miệt thị thậm tệ, lần thứ hai này, Dickens lên tàu (thủy, tất nhiên) về lại Anh vào đúng thời điểm thoát khỏi tay cơ quan thuế vụ Mỹ: lẽ ra Dickens, theo đúng luật, phải nộp rất nhiều tiền. Nhưng rốt cuộc nhà văn của nước Anh đã trở thành một nhân vật hi hữu trong lịch sử trốn thuế thành công.

Lần thứ hai sang Mỹ này, Dickens kiếm được rất nhiều tiền, vì ông tổ chức rất nhiều cuộc đọc sách trước công chúng (hơn chục năm cuối đời, Dickens rất hay đọc sách cho nhiều người nghe, và kiếm sống ổn thỏa, thậm chí rất sung túc; đây cũng là giai đoạn của tờ tạp chí All The Year Round). Và cũng không phải mọi nhà văn, trí thức Mỹ đều trở nên ghét Dickens như Poe hay Irving trước kia: Dickens vẫn rất thân thiết với Longfellow hay Emerson. Thời điểm 1867-1868 này, nước Mỹ đã trải qua cuộc Nội chiến (trong bản dịch tiếng Việt một cuốn tiểu thuyết bán vô cùng chạy gần đây, "civil war" được dịch thành "chiến tranh dân sự" đấy, có ai biết là quyển nào không?), cuộc Nội chiến có tác động rất lớn lên một nhân vật vĩ đại: Emily Dickinson. Nhưng quãng 1867-1868, Dickinson còn sống, và khi Dickinson còn sống, chưa một ai trên đời biết là có một thiên tài lớn đến thế đang sống với họ. Dickinson là một Kafka khác.

Henry James (cần được tính là một trong những người Mỹ đáng nhớ nhất ở phương diện từng ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, bên cạnh chẳng hạn: Benjamin Franklin, Gertrude Stein hay Ezra Pound) về sau này sẽ trở thành một trong những người phê phán văn chương Dickens nặng lời nhất (có lẽ xếp được bên cạnh Oscar Wilde về khía cạnh này). Đặc biệt James chê ỏng eo cuốn tiểu thuyết Our Mutual Friend của Dickens. Tuy nhiên, một người Mỹ khác, là Edmund Wilson, lại đặc biệt ca ngợi Our Mutual Friend vì nó miêu tả kẻ gây tội ác có tâm lý vô cùng phức tạp. Ta có thể thấy người Mỹ khó tin đến như thế nào, và cũng có thể thấy, phê bình văn học vớ vẩn đến đâu (John Ruskin thì rất khôn ngoan, nằng nặc coi Hard Times là tác phẩm xuất chúng nhất của Dickens; theo tôi, Ruskin khen như vậy là vì Hard Times chính là tiểu thuyết ngắn nhất mà Dickens từng viết, đọc đỡ mất thời gian nhất - đây cũng là tác phẩm đã có bản dịch tiếng Việt). Our Mutual Friend là một cuốn tiểu thuyết rất đặc biệt của Dickens, ta sẽ sớm bàn riêng về nó.

Nhưng James hồi trẻ là một fan cuồng nhiệt của Dickens. Ngày 22 tháng Mười một năm 1867 James viết thư cho anh trai mình (anh trai của Henry James tên là William James: tuy rằng ở trên tôi có (lỡ mồm) nói, liên quan đến Emerson, một triết gia vĩ đại người Mỹ thì quá là một "oxymoron", nhưng cũng phải nói rằng William James cũng chính là một triết gia vĩ đại nữa. Có lẽ ngoài Emerson hay James cũng phải tính thêm Peirce. Xem ra, càng ngày càng mất tính chất "oxymoron".)

Hồi còn trẻ, James là fan cuồng nhiệt của Dickens. Cuối năm 1867, Dickens mới sang đến Mỹ, và James viết thư cho anh trai, triết gia William James, như sau:

-----------

[bức thư mà Henry James gửi cho anh trai liên quan đến Dickens cũng dễ tìm thôi, các bác tự tìm nếu muốn đọc nhé, sẽ có ngày ta nói đến Henry James và William James cặn kẽ hơn]

Toàn bộ những gì viết trên đây thật ra chỉ là để giới thiệu một cuốn sách :p cuốn sách của một nhà văn mà càng ngày tôi càng thấy là nhà văn rất lớn, Jacques Roubaud:


Cũng giống Raymond Queneau hay Georges Perec, hoặc Italo Calvino, Jacques Roubaud là một thành viên của nhóm Oulipo (hiện nay Roubaud vẫn còn sống và vẫn viết). Roubaud có lẽ chính là "oulipien toàn tòng" nhất. Ta sẽ đề cập chi tiết đến các tác phẩm của Roubaud.

La Bibliothèque de Warburg (Thư viện Warburg): liên quan ngay đến nhân vật Warburg, một trong những tên tuổi đặc biệt quan trọng trong mấy chục năm trở lại đây trong lĩnh vực phê bình nghệ thuật. Cũng giống Walter Benjamin, Warburg mới được phát hiện trở lại sau vài chục năm bị lãng quên. Warburg để lại rất nhiều tiền để lập Viện Warburg (ở London), nhưng mặc dù cơ quan này hoạt động từ lâu, mãi về sau người ta mới dần dần nhận ra tầm vóc các tác phẩm của Warburg, với vai trò quan trọng là cuốn tiểu sử về Warburg của Gombrich, một nhân vật giờ đây không còn mấy xa lạ ở Việt Nam.

Trong chương đầu La Bibliothèque de Warburg, Roubaud kể về một cuộc sang Mỹ: thêm một lần nữa, có một cuộc sang Mỹ quan trọng của một người châu Âu (Chateaubriand có thể coi là nhà văn mở đầu cho dòng văn chương tiếng Pháp về châu Mỹ). Trong chuyến đi ấy, Roubaud đến "cái hang của Tom Sawyer". Tôi đã xem thử nguồn gốc cái tên "Tom Sawyer", Mark Twain cũng như các nhà nghiên cứu không nhắc gì đến Charles Dickens, nhưng phải nói rằng cái tên "Sawyer" đã xuất hiện trong The Pickwick Papers của Dickens.

18 comments:

  1. Nothing can astound an American

    ReplyDelete
  2. David Copperfield em cũng đọc hồi bé và rất thích. Có mấy chuyên gia văn học Mỹ cơ mà :P Lê Huy Bắc còn gì

    ReplyDelete
  3. à quên vừa xong có xem ảnh thì bác Phan Ngọc tỉnh rồi hay sao ấy, ngồi xe lăn thôi

    ReplyDelete
  4. Hê hê, sau vài giây suy nghĩ thì em nhớ ra chức năng thứ 3 là chức năng giải trí, hế hế

    ReplyDelete
  5. Ở Việt Nam, đến chuyên gia văn học Trung Quốc còn hiếm nữa là chuyên gia văn học Anh-Mỹ.

    ReplyDelete
  6. Hamvas bela thì chắc trong một năm nữa sẽ thành trào lưu thật nếu được dịch tiếp, và không thể nào đồng ý hơn về coelho, tôi đọc ông này mà không hiểu nổi tại sao nhiều người, đặc biệt là các bạn cũng trung niên cả rồi lại thích đến vậy.

    ReplyDelete
  7. Another "oxymoron buồn cười": literature theory

    ReplyDelete
  8. hoặc literary theory, hoặc, trong một trường hợp đơn lẻ: "Theory of Literature", sách của Wellek và Warren, còn literature theory, có lẽ là Singlish?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nope

      Literary theory: collective fiction (nobel prize: tenure)
      Singlish: vocally impaired by air-con
      Literature theory: oxymoron, shifted much to moron due to lack of oxy

      Nice weekend #drainTheSwamp

      Delete
  9. tiếp tục (sắp hết rồi)

    ReplyDelete
  10. Xin lỗi bác, lại đào mộ. Đang lục Bernhard tự nhiên link sao ra cái này. Văn học Mỹ với tôi chỉ có một trục lớn Poe-Ambrose Bierce-Lovecraft-Thomas Ligotti. Tuy nhiên, đi với trục này là đi dây, chệch một tí là ra B-movies ngay (cứ nhìn đám con nhang đệ tử). Đúng là suýt lầm với Pynchon. Wallace thì nếu bác rảnh có thể xem phim The End of the tour có đoạn giải thích tại sao ảnh luôn quấn khăn trên đầu.

    Trở lại với Bernhard, ông ấy mà có thêm chút hài hước là theo tôi, hoàn toàn có thể giai nhập Vô lại phái của Dazai sensei.

    P/S, sếp cũ của tôi ở báo TN (ổng nghỉ chứ tôi thì còn, tội quá)vừa lấy Tocqueville ra để tán về tự do báo chí. Ăn sai thì đau bụng, nói sai thì chết người, đọc sai thì...

    ReplyDelete
  11. đọc Bierce thật đấy à? hôm nào làm phát anh Bierce devil dictionnary

    bác chính là Cthulu đấy à?

    ReplyDelete
  12. Vầng, lâu lâu tỉnh giấc từ dưới biển trồi lên phát. Về Bierce thì tôi đi hơi ngược. Từ Lovecraft ngược về tập The Yellow King của Robert W. Chambers rồi lần lên Carcosa của Bierce. Ông ấy không phải mất tích đâu, càng không chết mà đã tìm được cửa vào cái động màu xanh rồi.
    Sắp tới tôi có ít thời gian nên chắc sẽ tiếp tục ngược về Anh đọc cả Algernon Blackwood và Lord Dunsany với xử cho hết Suspiria de profundis. Lúc trước chỉ mới đọc Levana and Our Ladies of Sorrow

    ReplyDelete
  13. nếu bác thích trivia: Bierce chính là thần tượng của Genette

    ngoài de Quincey thì dòng mà bác quan tâm tôi chỉ nắm được đại khái, nhưng cũng thử gợi í: khéo mà đọc các Canto của Pound bác lại thấy hợp đấy, và truyện ma của Henry James, bác thử chưa?

    tôi lại thấy Bernhard vô cùng hài hước, có cái gì làm tôi nghĩ đến Sebald và Roubaud, chính là nhân vật tôi nhắc đến trong cái bài trên đây

    ReplyDelete
  14. Tôi thương Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi thương lắm.

    ReplyDelete
  15. còn một James nữa: Alice James - độc giả của Emily Dickinson

    ReplyDelete