Jan 20, 2017

Hãy suy nghĩ chống lại chính mình

Đoạn mở đầu cuốn sách La Tentation d'exister của Cioran.

Xem thêm ở kia.


Hãy suy nghĩ chống lại chính mình


Gần như tất thảy các khám phá, chúng ta đều có được nhờ những cơn bạo lực của chúng ta, nhờ sự kịch phát về mất thăng bằng của chúng ta. Ngay Chúa, vốn dĩ khuấy động chúng ta nhiều đến vậy, chúng ta đâu có hình dung được ông ta một cách rõ ràng trong sâu thẳm chính chúng ta, mà là ở rìa bên ngoài cơn sốt của chúng ta đấy chứ, ở chính xác cái nơi mà, sự rồ dại của chúng ta va đập với sự rồ dại của ông ta, từ đó mà nảy sinh một cú sốc, một đối đầu gây nhiều đổ nát cho Ông Ta ngang với cho chúng ta. Phải gánh chịu đòn trừng phạt giáng xuống các hành động, kẻ bạo lực thúc giục bản tính, vươn ra ngoài chính hắn, chỉ với mục đích quay trở lại đó trong bộ dạng một kẻ điên giận, kẻ gây hấn, theo sau là những công trình của hắn, chúng tới để trừng trị hắn vì đã gây ra chúng. Không tác phẩm nào không quay trở ngược chống lại tác giả của nó: bài thơ sẽ đè nát nhà thơ, hệ thống đè nát nhà triết học, sự kiện đè nát con người hành động. Bất kỳ ai, làm theo đúng thiên hướng của mình và thành tựu nó, chộn rộn bên trong lịch sử, đều tự hủy hoại; chỉ được cứu rỗi kẻ nào hy sinh thiên bẩm và tài năng để, một khi đã trút bỏ được vị thế người của mình, hắn có thể lơ lửng buông thả vào trong bản thể. Nếu khát khao một sự nghiệp siêu hình, dẫu có trả giá nào thì tôi cũng sẽ chẳng thể giữ được căn cước riêng: mọi mảnh cặn nhỏ nhất của thứ đó còn lưu lại, tôi đều phải giải trừ đi; nếu ngược lại, tôi phiêu lưu vào một vai trò lịch sử, thì nghĩa vụ mà tôi phải gánh vác là khích động các năng lực của tôi đến mức tôi nổ bùng cùng chúng. Người ta luôn luôn tiêu tan bởi cái tôi mà người ta lãnh trách: mang một cái tên đồng nghĩa với việc đòi lấy một phương thức suy sụp chính xác.

Trung thành với vẻ ngoài của mình, kẻ bạo lực không nản chí, hắn bắt đầu trở lại và khăng khăng bướng bỉnh, bởi vì hắn chẳng thể không đau khổ. Hắn náo động trong việc làm những người khác thất bại ư? Đó chính là đường vòng mà hắn mượn lấy ngõ hầu tới được sự thất bại của chính hắn. Bên dưới dáng vẻ kiên định của hắn, bên dưới những ầm ào của hắn che giấu một kẻ say mê nỗi bất hạnh. Chính bởi vậy mà ta gặp được những kẻ thù của bản thân chúng ta trong số những kẻ bạo lực. Và tất cả chúng ta đều là những kẻ bạo lực, những kẻ điên giận, những kẻ, vì đã đánh mất chìa khóa dẫn vào sự ung dung, chỉ còn có thể xâm nhập những bí mật của giằng xé mà thôi.

Thay vì để mặc cho thời gian chậm rãi nghiền nát chúng ta, chúng ta lại cứ tưởng là tốt đẹp khi bồi bổ cho nó, thêm những khoảnh khắc của chúng ta vào những khoảnh khắc của nó. Cái thời gian mới mẻ được đính lên thời gian xưa cũ, cái thời gian được chế biến cẩn thận và được phóng chiếu ấy sẽ sớm để hiển lộ tính chất khốc liệt của nó thôi: qua con đường khách quan hóa, nó sẽ trở thành lịch sử, con quái vật do chính chúng ta dựng nên chống lại bản thân mình, định mệnh mà ta không thể nào thoát ra cho được, dẫu cho ta có viện nhờ đến các phương pháp của thụ động, đến các công thức của sự thông thái.

Có cố công áp dụng một phương thuốc của tính bất hữu dụng; có nghiền ngẫm lời của các bậc thầy Đạo học, học thuyết buông bỏ của họ, sự vô vi của họ, sự vượt trội đỉnh cao của cái vô ở họ; có cố công theo gương họ đi vào con đường của ý thức ngừng để tâm đến thế giới và dồn tụ vào những thứ hoàn toàn khác, chẳng hạn nước, yếu tố mà họ yêu quý, dẫu cho có nỗ lực đến đâu ở lối ấy thì chúng ta cũng thẳng bao giờ tựu thành được đâu. Họ kết án cả trí tò mò của chúng ta lẫn nỗi khao khát những bất hạnh của chúng ta; ở điểm này họ khác với những nhà thần bí, đặc biệt các nhà thần bí thời Trung cổ, những người rất khéo léo trong việc khuyến dụ chúng ta về các phẩm hạnh của áo xô gai, của da nhím, của sự mất ngủ, của sự trơ ì và của sự rên rỉ.

“Tráng vật [tắc lão,] thị vị bất đạo”, đó là lời dạy của Lão Tử, một con người không thể bình thường hơn. Nhưng con virus Ki-tô chi phối chúng ta: là những kẻ nhận truyền thừa từ những người theo trường phái tự quất roi lên người, chúng ta tự ý thức về mình bằng cách biến các cực hình trở nên tinh vi hơn. Tôn giáo có suy đổ không? Chúng ta cứ tiếp diễn mãi những điều kỳ quái của nó đấy chứ, cũng như chúng ta cứ tiếp diễn mãi những trò hành xác ngâm nước và những tiếng hét trong xà lim xưa kia, bởi ý chí chịu đau khổ của chúng ta ngang bằng với ý chí của các tu viện kín vào thời hoàng kim của chúng. Dẫu Nhà Thờ chẳng còn độc quyền địa ngục, nó vẫn không kém sức nhốt chặt chúng ta trong sợi xích thở than, trong sự thờ phụng thử thách, niềm vui bị đánh bị vụt và nỗi buồn hân hoan.

Tinh thần, hoàn toàn giống cơ thể, phải gánh chịu các hệ quả của “tráng vật”. Các bậc thầy trong nghệ thuật suy nghĩ chống lại chính mình, Nietzsche, Baudelaire và Dostoievski đã dạy chúng ta nhằm vào những nguy ngập của chúng ta, mở rộng trường đau đớn của chúng ta, nhận về sự tồn tại thông qua phân chia khỏi hữu thể chúng ta. Và cái trong mắt người Trung Hoa vĩ đại là biểu tượng của sự sa đọa, màn luyện tập cho thiếu hoàn hảo, lại dựng ra cho chúng ta thể thức duy nhất nhằm chiếm hữu bản thân, có được mối tiếp xúc với chính bản thân mình.



Sức mạnh của sự vắng
Về nỗi bất tiện khi bị sinh ra trên đời
Cioran: châm ngôn
Cioran về Beckett
Cioran: Giã biệt triết học
Cioran về Borges
Cioran và tôi


5 comments:

  1. nhưng Lão Tử cũng là một người "suy nghĩ chống lại chính mình" đấy chứ.

    ReplyDelete
  2. ong Cioran nay an noi ham ho

    ReplyDelete
  3. nghe rất có mùi danh môn chính phái hehe

    ReplyDelete
  4. chả biết bác xem chưa, nhưng cứ để link ở đây vậy
    https://www.youtube.com/watch?v=78y06QkpnC8

    ReplyDelete
  5. "Paris, an apocalyptic garage", hay đấy hehe

    ReplyDelete