Jan 22, 2017

Văn chương Nguyễn Tuân: hai khía cạnh

Nguyễn Tuân dường như đã được sắp xếp xong xuôi, một lần là xong, bị nhét thẳng vào cái ngăn "nhà văn viết tùy bút số một của Việt Nam", trông rất oách và rất yên ổn, và nhất là cách xếp ấy khiến người ta tưởng mọi thứ đã không còn gì phải bàn cãi nữa. Người ta cũng hết sức yên tâm khi liệt kê các kiệt tác của Nguyễn Tuân: đương nhiên phải là Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cuaChùa Đàn.

Tôi nghĩ khác.

Tôi cũng nghĩ rằng mấy điều đã đi vào trong thành trì kiên cố của định kiến thật ra còn mang một ý nghĩa khác: rằng chúng ta đã không còn khả năng thấy kinh ngạc trước văn chương Nguyễn Tuân nữa. Thế nhưng, nếu đó thực sự là văn chương đáng nói, thậm chí văn chương lớn, rất lớn, thì chính xác là bởi nó gây kinh ngạc. Nó phải gây kinh ngạc cho những ý thức không bị mắc bẫy của ý hướng tính.

Đó cũng chính là sự kinh ngạc mà Roland Barthes đã nhấn mạnh trong một bài viết tuyệt hảo, xem ở kia. Những gì có giá trịý nghĩa thì gây kinh ngạc, hoặc là chúng không hề có ý nghĩa, cũng không có giá trị nốt. Dường như Siêu hình học của Aristote nhấn mạnh ngay lập tức vào năng lực biết kinh ngạc này của con người (tuy đó là cuốn sách lúc nào cũng nằm trong túi tôi hồi tôi mười bảy tuổi, giờ đây tôi không thực sự nhớ nó nói cụ thể gì nữa: về cơ bản, tôi không học cách nhớ, mà tôi học cách quên).

[bài viết của Roland Barthes trong đường link, cũng chỉ vì tình cờ mà tôi đọc lại; thì ra trong đó đã nhắc rằng Bachelard định nghĩa trí tưởng tượng không phải thứ tạo ra hình ảnh, mà là thứ làm biến dạng chúng; hiện tượng luận (đừng bao giờ gọi đó là "hiện tượng học") nhấn mạnh vào ý hướng tính của ý thức, nhưng Emmanuel Levinas khẳng định chính tính chất vô-ý hướng của ý thức mới thực sự quan trọng; ngoài "ý hướng tính", hiện tượng luận còn có một khái niệm trung tâm là "réduction", là con đường để chuyển từ "tự nhiên" sang "siêu vượt"; có điều, nhiều lúc cần phải đi ngược lại, gạt bỏ tính chất siêu vượt đã bồi đắp từ nhiều đời để rơi trở lại vào địa hạt của tự nhiên; cái nhìn của tôi vào văn chương Nguyễn Tuân hôm nay chính là cuộc đi ngược này]

Như trên đã nói, Nguyễn Tuân hiện nay được nhìn nhận chủ yếu là nhà tùy bút kiệt xuất, và ba kiệt tác của Nguyễn Tuân là Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cuaChùa Đàn. Nhưng theo tôi, một cái nhìn tổng thể vào Nguyễn Tuân (ít nhất từ 1946 trở về trước) cần ghi nhận: có ba phần tác phẩm, thứ nhất là bộ ba tác phẩm vừa nêu tên, thứ hai là loạt ba tác phẩm Một chuyến đi, Quê hươngNguyễn, cuối cùng là Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc và các tùy bút (chủ yếu là hai tập sách in ở nhà Cộng lực).

Việc gắn chết tên Nguyễn Tuân vào Vang bóng một thời đã khiến tất cả các nhà phê bình Việt Nam không nhìn nhận được một sự thể: Nguyễn Tuân chính là một tiểu thuyết gia kiệt xuất.

Ta phải đặt điều này vào bối cảnh rộng hơn mới thấy toàn bộ sức tàn phá của một lối nhìn: trong khi Vũ Trọng Phụng không hề viết tiểu thuyết thì lại được coi là tiểu thuyết gia đương nhiên, lại còn là tiểu thuyết gia số một, thì chính Nguyễn Tuân, tiểu thuyết gia đích thực, lại bị gọi là nhà tùy bút (dẫu là kiệt xuất, dẫu là số một). Quê hương chính là một cuốn tiểu thuyết đỉnh cao. Ở đây, tôi nghĩ chỉ vì cái nhìn khăng khăng Nguyễn Tuân "chỉ có giá trị" khi viết tùy bút mà người ta đã không công nhận được một sự hiển nhiên: thiếu vắng mất khả năng kinh ngạc, người ta không chỉ nhìn thiếu, mà còn nhìn sai. Điều này hoàn toàn tương tự "ca Huy Cận": tất cả các phê bình gia Việt Nam đều buộc thơ Huy Cận vào một chữ "buồn", trong khi thơ Huy Cận không hề buồn (xem ở kia).

Mấy điều này sẽ được bàn kỹ trong thời gian tới, giờ ta sẽ chỉ nói đến hai khía cạnh ở văn chương Nguyễn Tuân (tất nhiên, có lẽ sẽ rộng hơn văn chương một chút, nhưng cũng hoàn toàn có thể là hẹp hơn).

Thứ nhất, Nguyễn Tuân tỉ mỉ, trau chuốt câu chữ

Ai cũng nghĩ tiếng Việt của Nguyễn Tuân là một thành tựu của sự đẽo gọt, kỳ khu. Nhưng trên thực tế, Nguyễn Tuân viết văn rất ẩu. Nguyễn Tuân chính là người vi phạm nhiều nhất mọi thứ gì là quy chuẩn của ngôn ngữ. Điều này giải thích rất nhiều cho mối quan tâm đặc biệt mà Phan Ngọc dành cho Nguyễn Tuân. Trước hết, vẫn là sự kinh ngạc.

Nguyễn Tuân hoàn toàn đi bên trong con đường Nguyễn Du ở khía cạnh này.

Cả Nguyễn Du lẫn Nguyễn Tuân đều không tìm cách đạt tới sự khéo. Cả hai người ấy đều chỉ tìm cách đạt tới sự vụng về.


Thứ hai, Nguyễn Tuân ngông

Nguyễn Tuân ngông, hoặc ngạo, hoặc kiêu, etc.: giờ đây cách nhìn này đã bắt vít Nguyễn Tuân vào một điểm, thật ra là một điểm rất ngớ ngẩn.

Trong cuộc đọc Nguyễn Tuân kéo dài, tới một thời điểm, bỗng tôi chột dạ, và tôi đã đi kiểm tra: đúng như tôi lờ mờ cảm thấy, trong tổng số những người từng bình luận văn chương Nguyễn Tuân, gần như không có lấy một người Hà Nội.

Người gợi ý điều này cho tôi chính là Dương Nghiễm Mậu. Lần tôi gặp Dương Nghiễm Mậu ở Hà Nội, chúng tôi ngồi ở đầu dốc Hàng Than, Dương Nghiễm Mậu chỉ tay về phía bên phải; vùng địa dư này đối với ông ấy từng rất thân thuộc: không chỉ là trường Chu Văn An hồi đã tương đối lớn, mà còn là tổng thể khu "Đỗ Hữu Vị", nhất là cái trường học cho bọn trẻ con lít nhít, cái nơi mà dân phố vẫn quen gọi là "trường Than", dẫu cho tên chính thức của nó có đổi thành cái gì, mang tên vị danh nhân nào. Và Dương Nghiễm Mậu cả buổi cứ băn khoăn, tại sao Tô Hoài lại viết văn như thế nhỉ, tại sao cái nhìn của Tô Hoài lại như thế nhỉ.

Ngày hôm ấy, tôi đã thử một diễn giải, mà hôm nay tôi chỉ phát triển thêm tí chút. Chính một người ngoại thành Hà Nội như Tô Hoài mới lại là người sửng sốt nhất trước một người như Nguyễn Tuân, từ đó mà Tô Hoài mới có cái nhìn Nguyễn Tuân như vậy, một cái nhìn hết sức phức tạp. Kẻ Bưởi vào lúc này dễ làm người ta tưởng từ bao lâu nó đã là Hà Nội: hồi tôi còn nhỏ, Bưởi vẫn là một chốn xa ngái.

Tôi nghĩ là tôi hiểu được câu chuyện mà Tô Hoài kể trong Cát bụi chân ai: nếu đã lỡ ăn món gì có tỏi, ngày hôm đó lẫn mấy ngày sau Tô Hoài sẽ không dại gì mà mò đến nhà Nguyễn Tuân, vì Nguyễn Tuân sẽ đuổi thẳng cánh, chừng nào người không bốc mùi tỏi nữa thì mới được quay lại. Đấy chính là một cái gì đó rất Hà Nội.

Quanh quẩn Bờ Hồ, quán cà phê nào đó Hàng Trống, Nhà Thờ hoặc Bảo Khánh chẳng hạn, ở đó nếu mà bỗng nhiên tôi nghe thấy mấy người ăn mặc "trông cũng giống giống" ngồi khoe sự sành sỏi của mình về đất Hà Nội, tức là sáng ăn xôi Yến rồi sau đó uống cà phê Lâm, thì tôi sực hiểu ngay tại sao Nguyễn Tuân lại khinh bỉ đến thế cái hình ảnh bát phở có một giọt cà cuống xuất hiện dưới ngòi bút Thạch Lam.

Nhưng cái nhìn đầy sửng sốt của Tô Hoài cũng tai hại: nó củng cố quá mức cho một hình ảnh Nguyễn Tuân ngông, Nguyễn Tuân khinh bạc, Nguyễn Tuân bất chấp tất cả.

Không hoàn toàn là như vậy: thời gian gần đây, người ta chế giễu (thậm chí lên án rất ghê) nhiều quán bán đồ ăn ở Hà Nội, thậm chí lên tận Xi En En, chửi mắng các thứ, thì tất nhiên rồi, ai mà chịu nổi như vậy. Nhưng mà không hẳn: có những người cứ bước vào một số quán là gặp sự khó chịu, nhưng lại cũng có những người không bao giờ như vậy. Nguyễn Tuân từng kể, trong bài "Phở" 1957 đầy danh tiếng lẫn tai tiếng, ông chủ quán phở mà thấy Nguyễn Tuân đến, là không một lời, giành lấy con dao thái thịt, vì đàn bà có sống mấy kiếp cũng không biết thái miếng thịt cho đúng cách - mà cái sự tự tay thái thịt này, người ta chỉ dành riêng cho những ai xứng đáng được hưởng. Thóc đâu mà đãi gà rừng?

Cuộc sống ở Hà Nội là cuộc sống khốc liệt. Đương nhiên là vậy, không có gì phải nghi ngờ, khi mà con người ta sống ở một mật độ như thế, nghĩa là sống trong nguy hiểm, từ đó dẫn tới một lối sống nguy hiểm [đây là một sự trượt nghĩa, "sống trong nguy hiểm" trượt sang "sống một cách nguy hiểm", có thể là quan hệ ẩn dụ, nhưng có lẽ hoán dụ thì đúng hơn]. Nhưng đó là cuộc sống có nhiều tầng, nhiều lớp, với các quy tắc ngầm. Có những người khách bước vào chính những quán lừng danh chửi mắng, nhưng chỉ cần nhân viên vô ý đưa đôi đũa không bằng hai tay là ngay lập tức người nhân viên bị mắng xối xả, mắng cho lóc xương lột da cả tuần lễ. Nó là như vậy mà.

Sức sống của người Hà Nội không nằm ở các biểu hiện bên ngoài. Người Hà Nội ngông, cũng có thể, nhưng đó là sự phản ứng, phản ứng nhằm giữ lấy không gian riêng của mình, cái không gian mà không một cái gì, chính quyền, đảo lộn lịch sử, đến cả "kiêu binh Thanh Nghệ" đáng ghê răng cũng chẳng chạm đến được.

Người Hà Nội tạo ra sức mạnh cho bản thân mình chính bằng sự biết điều. Trên đời, không một ai biết điều bằng một người Hà Nội đúng nghĩa đâu. Sự biết điều, sự chấp nhận của họ mới chính là căn cốt của cái mà người ta gọi là "sĩ phu Bắc Hà", chứ sĩ phu Bắc Hà đâu phải là ngày ngày gào lên đòi quyền lợi, đòi chứng tỏ mình là người công chính. Không, người Hà Nội không đua tranh trong cuộc đời, đặc biệt ở những gì liên quan đến quyền lợi. Cái sức mạnh của sự không có gì ấy, là sức mạnh nằm bên dưới, hoặc cũng có thể bên trên, văn chương của Nguyễn Tuân, ở những khoảnh khắc Nguyễn Tuân giữ được cho mình không bị trượt ra khỏi một số nguyên tắc nền tảng.




Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp nữa)
Chateaubriand
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc Kiều
Cát bụi chân ai
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp)
Nguyễn Tuân đọc sách
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Văn chương của đứt đoạn
Tâm sự của nước độc


32 comments:

  1. Hự hự, biết điều. Có vẻ đúng

    ReplyDelete
  2. bác nên làm trưởng ban biên soạn sách giáo khoa văn học VN :)

    ReplyDelete
  3. hồi sinh thời của Nguyễn Tuân là tỏi

    giờ thì là hành tây

    ReplyDelete
  4. câu này hay "Người Hà Nội tạo ra sức mạnh cho bản thân mình chính bằng sự biết điều. Trên đời, không một ai biết điều bằng một người Hà Nội đúng nghĩa đâu." Nếu hiểu, người Hà Nội sợ cả những
    tiếng kéo ghế

    ReplyDelete
  5. Riêng người Hà nội gộc thì không biết uống cà phê nhé

    ReplyDelete
  6. mới sắm tết xong rồi đấy à, comment đông phết

    ReplyDelete
  7. nhân anh nhắc, em nhoẻn miệng chúc tết anh và Hanoi, dẫu biết từ lâu anh đã "ở rất xa quê nhà" ;)

    ReplyDelete
  8. chơi hẳn "nhoẻn" cơ à? có vẻ là rất de luxe

    tuy nhiên, đâu có "nhắc" gì đâu hehe

    ReplyDelete
  9. tưởng dư lào hóa ra cụ lại "Xin lỗi Hà Nội", cái nè cú dích ;)

    không lạ lắm khi hiểu ra rằng người Hà Nội không ngông, không ganh đua, hoặc như cách cụ dùng từ "biết điều", nhưng xét sâu hơn nữa thực chất là người Hà Nội rất cong vênh với đời, cong vênh nhưng lại chưa chạm hết được đến những vùng kín của đời (ít nhất là như cách Montaigne chạm vào những vùng kín hiển nhiên chẳng hạn). Nói vuông cho nhanh là sỹ phu theo cách này về cơ bản là không đặt công, nông, thương vào đâu, ví dụ thế. Mà như vậy thì văn chương của những người có điểm nhìn như thế cũng khó mà không dính vào cái vòng xoáy khinh bạc phận người, Nguyễn Tuân cũng thế thôi, thờ vật mà bỉ nhân, có gây kinh ngạc trong việc đánh đu với chữ nghĩa thêm nữa thì xét ra vẫn chẳng có gì đáng nói :D

    À mà cụ lại đang thổi giá cuốn kia thay vì cuốn trước đã được thổi xong đấy à, cứ chơi kiểu thổi xong rút thang là khối người sinh ra uất ức đấy nhé, hehe :P

    ReplyDelete
  10. đợi người khác nói rồi lao vào bảo cũ rích, thế là không những cũ rích mà còn hủi lậu hehe

    nói "đánh đu với chữ nghĩa" thì lại lòi ra chuyện không hề cũ rích rồi, xem lại "thứ nhất": đọc Nguyễn Tuân mà chỉ kinh ngạc trước câu chữ là đọc rất kém

    hình như tôi lại mới tạo thêm một tội ác mới, là tạo ra trào lưu Montaigne haha, giờ thấy lắm đứa Montaigne vãi

    ReplyDelete
    Replies
    1. thiên hạ nói từ đời rồi, sao lại bảo là đợi, nghĩ rằng cụ có cách giải mã Nguyễn Tuân nào thú vị như việc giải mã trận Khái Hưng + Nhượng Tống đấu với Trần Huy Liệu nên hơi thất vọng một chút, cụ trú ẩn trong cái blog này lâu quá nên đôi khi có những lúc bị hão huyền quyền lực đấy thôi, đây nhé, ví như chuyện xin lỗi Hà Nội thì ít nhất là có từ hồi này cụ nhé :D http://trannhuong.net/tin-tuc-6161/xin-loi-ha-noi-.vhtm

      nhân tiện mượn cái đánh đu với chữ nghĩa với trích lục thêm cả Montaigne cốt để chơi trò tự diễn biến mượn chữ cụ trêu cụ để thấy cái điểm nhìn của cụ cũng phiến diện và nhiều khi bùn cười lắm, hihi

      Delete
    2. Ahihi mới à la mode :d

      Delete
    3. ối xời, đã biết cụ ý "trú ẩn" mà còn mò mò, lò dò, lẽo đẽo theo đít cụ ý lải nhải rầy rà làm giề #ahihi (có dấu thăng mới à la mode đích thực;))

      Delete
    4. Thồi, tha cho cụ bí thơ ahihi

      Delete
  11. có sống thêm ở HN thì chú vẫn chả thoát được cách nhìn nhận thổi giá với này nọ đâu

    với cả mãi mà không học được cách nói đúng những gì mình nghĩ ra, sao mãi mà vẫn cứ phải vòng vo thế

    ReplyDelete
    Replies
    1. nói thẳng lắm rồi nhưng có lẽ cụ ko hiểu :)

      mà đấy là lại cố gắng diễn đạt lắm rồi đấy (đoạn phân biệt ngông và cong vênh) nhưng cũng chỉ được như vậy, nói lời thực tâm lại bị cụ bỉ lại thấy ngớ ngẩn thật :)

      Delete
    2. nói thẳng ra thì dùng khẩu ngữ "vênh váo" mẹ nó cho rồi, bày đặt cố gắng diễn đạt cong với chả vênh cho mỏi não chi, khổ thân!

      Delete
  12. "rất cong vênh" thì hiển nhiên, rõ ràng sẽ không thể "chạm" bất cứ cái gì.

    Chả hiểu Anonymous trên viết: "cong vênh NHƯNG lại chưa chạm" là làm sao @@

    ReplyDelete
  13. Anh thấy các bạn vừa húng vừa ngu bỏ mẹ. Ghét thằng Nhị Linh, muốn chửi nó mà lười đọc, muốn đọc lại dốt ngoại ngữ, có ngoại ngữ thì thẩm mỹ kém đ biết đọc cái gì với cái gì. Chửi nó bằng niềm tin.

    Vừa lười, vừa dốt, thì tốt nhất là im đi. ahihi#

    ReplyDelete
  14. ồ, không ngờ có ngày lại được HL thần sấm bênh, thật là vãi quá :p

    ReplyDelete
  15. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  16. Tsao tác giả bài viết lại đánh giá Nguyễn Tuân và Nguyễn Du viết văn ẩu?

    ReplyDelete
  17. à, điều này tôi nói trước mà chưa đưa dẫn chứng kèm theo, rồi sẽ có lúc thôi

    ReplyDelete
  18. hmm, chắc người viết bài cũng đã có tuổi và kinh nghiệm nên mới có thể đánh giá những tên tuổi lớn trong văn học như vậy. "Cả hai đều tìm cách đạt đến sự vụng về"
    Hì, một nhận định khá đặc biệt. Mong dẫn chứng sau này của người viết bài đủ thuyết phục để củng cố quan điểm ấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thế nào là đánh giá tên tuổi lớn và tên tuổi nhỏ? những gì ở trên là cách đọc của bác chủ blog, chẳng lẽ phải đủ tuổi nào đó mới được đưa ra ý kiến của mình

      Delete
  19. không cần phải mong

    lần sau (nếu có lần sau) thì đừng hmm hmm với cả hừm hừm nhé, nếu bị sụt sịt thì đi xì mũi đi

    ReplyDelete
  20. Cháu có điểm này cần hỏi lại. "Đỗ Hữu Vị" chính là "trường Than" phải k ạ? Cháu chính là người cmt trước đó nhận là học sinh PĐP.

    VVD

    ReplyDelete
  21. Bác Nhị Linh có lưu trữ chương cuối "Thiếu quê hương" không nhỉ? Vương Trí Nhàn có cho biết là bản in đầu tác phẩm này (NXB Anh Hoa) thiếu chương cuối so với bản được in nhiều kỳ trên báo Hà Nội tân văn.

    ReplyDelete
  22. "Vương Trí Nhàn cho biết" hay Nguyễn Tuân nói thế?

    ReplyDelete
  23. Vương Trí Nhàn viết là "theo Tuyển tập Nguyễn Tuân (1982)". Tôi chưa đọc Tuyển tập Nguyễn Tuân (1982) nên chưa rõ là Nguyễn Tuân hay người biên soạn cuốn này nói thế. Nếu bác có lưu trữ thì chia sẻ cho tôi và mọi người cùng đọc được không?

    ReplyDelete
  24. hỏi Vương Trí Nhàn thì tốt hơn là hỏi tôi chứ, đấy là người từng làm đến hai ấn bản cùng một cuốn sách, tất nhiên nhiều credit nhất

    ReplyDelete

  25. Năm 2006 Vương Trí Nhàn đã chịu thua: "Có điểu ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, chúng tôi hỏi mượn Hà Nội tân văn 1940 nhiều lần mà không được, có lẽ báo đã bị thất lạc, rất mong các nhà nghiên cứu khác tiếp tục sưu tầm và bổ sung." Bác nói thế thì để tôi tìm cách hỏi ông Nhàn xem sau 15 năm đã có gì mới chưa?

    ReplyDelete