Jan 17, 2017

Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp nữa)

Để làm cái công việc nho nhỏ này - xét cho cùng cũng có thể rất nhàm chán (tức là trả lời câu hỏi "Nguyễn Tuân đọc gì?") - đương nhiên là phải làm một việc nho nhỏ và nhàm chán: đi nhặt.

Trước tiên là Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi:


Đây là ấn bản đầu, 1972.

[quyển sách trông rất không bắt mắt, bị mối gặm nham nhở, nhưng thật ra nó có một lai lịch rất không tầm thường - rồi một ngày tôi sẽ quay trở lại với riêng nó; Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, như chúng ta đã biết, là một tập bút ký của Nguyễn Tuân, viết về giai đoạn Hà Nội bị đánh bom, chuyện "phỏng vấn giặc lái" Nin Giôn tức Murphy Neal Jones, chuyện giải tù binh phi công Mỹ đi trên các phố Hà Nội (hiện nay nhiều người vẫn còn nhớ hồi bé mình từng chứng kiến tận mắt cảnh này, thậm chí một số người còn tranh thủ ném sỏi hay đất), nhiều chuyện khác nữa; nhìn sâu hơn, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi ấn bản 1972 tập hợp các bài mà Nguyễn Tuân viết chủ yếu trong các năm 1965 và 1966, nhưng cũng có bài niên đại 1968: mất bốn năm trời các bài này mới được in thành sách, ta có thể suy đoán, từ đây, một "tình trạng thất sủng" nhất định mà Nguyễn Tuân rơi vào; đương nhiên, ấn bản 1972 này (đã có các phụ bản của Bùi Xuân Phái) còn chưa có các bút ký liên quan đến những ngày cuối năm 1972: Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi các ấn bản về sau gồm nhiều bài hơn ấn bản đầu 1972 nhiều, và đặc biệt có thêm lời bạt "Phố Phái" nổi tiếng - nếu tôi không nhầm là từ ấn bản 1983]

Trích từ bài "Nôen Mỹ" (với "phụ đề" như sau: "gửi một nhà văn Mỹ thật sự yêu tự do và quý hòa bình"):

"Trừ một số rung cảm nghệ thuật khi đọc thơ văn Hoa Kỳ qua những truyện như "Gót sắt", "Những quả nho của thịnh nộ", v.v... và qua Edgar Poe, Walt Whitman, Carl Sandburg, Langston Hughes, Jack London, Sinclair Lewis, Hemingway mà tôi rất quý, thì hầu như tôi rất lờ mờ về Hoa Kỳ."

(Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, 1972, tr. 49)

Đây là một bản liệt kê ngắn và không nhiều ý nghĩa (và Gót sắt thì được nhắc tên tác giả ở dưới, Jack London, trong khi bộ về hoa quả nho thì không thấy, chắc vì ghét Steinbeck), nhưng ta cứ tạm tin, từ đây, rằng quả thật Nguyễn Tuân không rành văn chương Mỹ (ít nhất là không bằng văn chương Pháp và một số văn chương khác), tuy nhiên có thể dễ dàng liệt kê nhiều cái tên vang dội, không hề nhầm lẫn.

[Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi thật ra có chất lượng văn chương như thế nào? Điều này tôi không muốn bình luận, và cũng không để ý bằng một chuyện khác: dẫu có là như thế nào, trong tập sách ấy, vẫn có những lúc tôi nhận ra một Nguyễn Tuân nguyên vẹn, nhất là đoạn này: "Hừ, thằng ba Nin Giôn kia, nếu từ nay trở đi, mặc dù chăm sóc và chữa chạy đã hết thầy hết thuốc mà mày cứ là thằng què thì mày chớ có trông mong gì vào sự thương tiếc của tao đâu nhé, tao nói thẳng cho mà biết thế" (tác giả nghĩ thầm trong bụng như vậy).

Nguyễn Tuân của thời điểm ngán ngẩm trong sự chung đụng với các thành viên cùng đoàn đi đóng phim bên Hương Cảng cuối thập niên 30 (Một chuyến đi) hay Nguyễn Tuân lúc rực lên lòng căm ghét khi chứng kiến ông bạn đồng hành giang hồ vặt từ Hà Nội vào đến nhà ông tri huyện xứ Thanh, hóa ra bần tiện quá mức, lại còn lả lướt cảnh vẻ rất vớ vỉn (Quê hương), cũng giống y như Nguyễn Tuân ở thời điểm tiếp xúc với Murphy Neal Jones. Tức là một Nguyễn Tuân vô cùng xấu tính hóa ra vẫn còn nguyên.

Đấy là một khía cạnh rất đặc trưng của Nguyễn Tuân "giai Bắc Kỳ Hà Nội", cái hình ảnh khiến Tô Hoài bị hút vào suốt bao nhiêu năm ròng.

Từ hôm qua đến giờ, hơn một lần chính tôi bị gọi là "giai Bắc Kỳ Hà Nội", tôi hiểu, tôi hiểu.]

Giờ, ta đến với những dấu ấn mà tôi thấy là quan trọng hơn nhiều của sự đọc lên văn chương Nguyễn Tuân.

Đây là trong Quê hương (nhà xuất bản Anh Hoa, địa chỉ Hàng Than, Hà Nội, năm 1944), khi một nhóm bạn tụ tập nói chuyện về giang hồ di chuyển, về mấy cái sự "hậu ư thiên hạ, bạc ư gia":

"Anh bạn lảng chuyện, mở một trang sách, đưa cho Bạch đọc mấy dòng chữ in mà chàng đã lấy móng tay gạch xuống: “Hạnh phúc, có lẽ chỉ tìm thấy ở những nhà ga?”. Bạch mỉm cười".

Câu này cho thấy, Nguyễn Tuân là độc giả của Charles Cros (trong sách không hề có chú thích).

Bài thơ "Tableau" của Cros (một nhà thơ Pháp thế kỷ 19):

Enclavé dans les rails, engraissé de scories, 
Leur petit potager plaît à mes rêveries.  
Le père est aiguilleur à la gare de Lyon.  
Il fait honnêtement et sans rébellion
Son dur métier. Sa femme, hélas ! qui serait blonde,
Sans le sombre glacis du charbon, le seconde.
Leur enfant, ange rose éclos dans cet enfer
Fait des petits châteaux avec du mâchefer.
A quinze ans il vendra des journaux, des cigares
Peut-être le bonheur n'est-il que dans les gares !

(copy trên Internet nên trông hơi gớm)

Câu cuối của bài này, "Peut-être le bonheur n'est-il que dans les gares!" dịch sang tiếng Việt chính là "Hạnh phúc, có lẽ chỉ tìm thấy ở những nhà ga?"

Chuyển sang Một chuyến đi, ấn bản đầu 1941 của nhà Tân Dân - cụ thể hơn, trong "Tủ sách Tao Đàn" (xem thêm ở kia), cuốn sách có dòng đề tặng đầy ngậm ngùi "hoài niệm HOÀNG TÍCH CHU" (về Hoàng Tích Chu vắn số, xem ở kia, đặc biệt cước chú số 3).

Trong cái tương tự với "lời đầu sách" hay "tự tự", có một chi tiết đối với tôi là vô cùng ý nghĩa:

"Nước Lỗ Ma Ni có một trẻ hoang toàng.

Đứa trẻ “ma-cà-bông” ấy lại còn là một nhà văn trứ danh nữa.

Lúc Panaït Istrati bỏ Lỗ sang Ý, đi tầu lậu vé. Lần đầu của Phiêu Lưu! Khá không! Rồi từ Ý, Panaït Istrati mới lần qua Ai Cập, cũng lại lậu vé. Trong cuốn “Mes départs”, Istrati thuật lại cái đoạn lẻn xuống chiếc Hohenzollern và đã phải bán chiếc Roskopf đi để lấy cái mà trả tiền đò cho chú lái chở mình từ bến ra tới chiếc tầu khổng lồ đỗ ngoài xa.

Người ấy đã lìa chiếc Roskopf và từ phút không còn chiếc đồng hồ thân yêu nữa, thì chàng là một người đại lữ khách của cuộc đời to rộng. Hình như phải mất cái máy con con kia, không được còn có chút ý niệm về thời gian nữa, thì người ấy lấy luôn không gian mà đo cái quãng đời mình vậy.

Đứng trên boong tầu King Chow, một buổi chiều khởi hành xám sịt [sic], lòng tôi nao nao, hồi hộp rất có thể ngang với lòng cái người đã đứng trên boong một chiếc Hohenzollern để từ đấy đánh dấu cái tên Panaït Istrati vào thế kỷ, vào những đá bên đường đời."

Nguyễn Tuân đang nói tới một nhà văn Rumani, trong tiếng Pháp thường được gọi là Panaït Istrati. Đây là một nhân vật rất lớn trong "dòng ma cà bông". Rõ ràng là Nguyễn Tuân đọc không ít Istrati.

Một tác phẩm của Istrati:


Cuộc đời Istrati là một cuộc đời phiêu bạt liên miên. Năm ấy, Istrati dạt tới Pháp, thế nào mà lại được nhà văn Romain Rolland (chính là tác giả Jean-Christophe) rất quan tâm. Và rất không ngờ, Istrati viết văn bằng tiếng Pháp với sự khuyến khích của Rolland, không phải tiếng mẹ đẻ, nhưng đó là một thứ tiếng Pháp tuyệt hảo. Ở Pháp, có một bộ tuyển tập tác phẩm Istrati gồm nhiều tập, người thực hiện bộ sách ấy chính là Linda Lê, cho nhà xuất bản Phébus.

Mối liên quan (hay ít nhất, quan tâm) của Nguyễn Tuân đối với dòng văn chương ma cà bông rõ ràng không thể chỉ chăm chăm coi là có một mình Paul Morand. Thậm chí, theo tôi, dấu ấn của Morand lên Nguyễn Tuân không hề lớn. Chỉ là vì Nguyễn Tuân từng đặt một câu của Morand làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết (chính là quyển Quê hương, cái câu nói đại khái khi nào tôi chết hãy lấy da tôi làm va li để tôi lại được đi), nên về sau người ta cứ khăng khăng buộc Morand vào với Nguyễn Tuân. Tôi nghĩ hoàn toàn không phải vậy.

Trong mục "Nguyễn Tuân đọc gì" này, tôi nghĩ là tôi đã tìm được điều quan trọng hơn cả, thứ đã làm tôi nảy sinh trực giác là phải đi tìm ở hướng ấy. Bởi vì, gần như không gì từng được giới phê bình và nghiên cứu nói về Nguyễn Tuân là đáng tin hết: tầm vóc của Nguyễn Tuân quá lớn, người ta không sao nhìn nổi.

Nguyễn Tuân và Marcel Proust (đây là từ truyện "Nhà Nguyễn" trong tập Nguyễn, in thành sách lần đầu tại nhà xuất bản Thời Đại năm 1945, với phụ bản Nguyễn Đỗ Cung, xem thêm ở kia về nhà xuất bản Thời Đại - truyện này khi xuất hiện lần đầu tiên trên Mùa gặt mới, 1940, mang tên "Nhà bác Nguyễn"):

"Cả một đời Proust là một sự hoang phí đem ra đãi đằng hết cả cho người đồng thời: mãi cho đến phút cuối cùng, người ấy mới nghĩ đến sự phải sống riêng cho mình lấy ít ngày. Nằm trên giường bệnh với nỗi thê lương của tinh thần và sự quạnh quẽ đê mê của xác thịt, Proust đã để những trang giấy trắng lên ngực, rồi chống nẹ trên gối bệnh, người ấy đã viết, viết để tìm lại thời gian đã mất đi. Cái ngày người ấy chữa lại một lần chót cho bản thảo những nhã tập ấy, chính lại là một ngày người ấy từ giã cuộc sống. Lạnh thay, độc thay và đẹp ôi!"

Đương nhiên, ta không biết Nguyễn Tuân đọc Proust như thế nào. Nhưng, điều đáng nói ở đây là, cách Proust đi vào một tác phẩm văn chương của Nguyễn Tuân giống y xì cách Proust đi vào tác phẩm văn chương của một nhân vật khác: Céline. Cũng là một sự bất thình lình rơi vào, không hề báo trước, rồi sau đó mất hút. Sự xuất hiện ấy của Proust (xẹt qua như sao băng) trong Đi đến cùng đêm chính là điều làm tôi kinh dị nhất trong lần đọc lại cuốn tiểu thuyết của Céline gần đây: ta sẽ không nhận ra điều đó, nếu không có một ý thức về đi tìm. Céline viết tác phẩm của mình chỉ trước Nguyễn Tuân vài năm mà thôi.

Thêm nữa, Nguyễn Tuân gọi được rất chính xác tên của bộ sách Proust trong tiếng Việt: "tìm lại thời gian đã mất đi", bởi vì cái sự "đã mất" này không phải sự trôi chảy của thời gian (đi mất) như một cách hình dung rất phổ biến nhưng hoàn toàn sai lệch về thời gian; sự "đã mất" này giống như sự mất đi của một vật thể.


Câu chuyện "Nguyễn Tuân đọc sách" chỉ là như vậy thôi, tất nhiên ai cũng thấy là hết sức nhàm chán, nhặt nhạnh đây đó, chẳng nghĩa lý gì. Nhưng đối với tôi, công việc nhàm chán này giải quyết cực kỳ nhiều thứ. Ta không thể chạm vào văn chương Nguyễn Tuân nếu không đi được vào cái phần đọc của Nguyễn Tuân. Từ chỗ biết Nguyễn Tuân đọc gì, ít nhất ở một mức độ tương đối đủ và không lầm lạc, có thể bắt đầu nhìn thấy một điều rất liên quan: Nguyễn Tuân đọc như thế nào. Tất nhiên, còn lâu tôi mới có thể trả lời cặn kẽ câu hỏi này được. Nguyễn Tuân thật ra viết rất nhiều, nhiều không thể tưởng tượng nổi, và thêm nữa, mọi thứ tuyển tập, toàn tập Nguyễn Tuân đang tồn tại đều không đầy đủ, không hề đầy đủ. Chúng ta còn chưa hiểu gì về Nguyễn Tuân.


Và, trực giác của tôi càng ngày càng mạnh hơn: trong dòng "văn chương ma cà bông", tại sao tôi chưa bắt gặp Blaise Cendrars nhỉ? Tôi nghĩ văn chương sát kề với văn chương Nguyễn Tuân phải là văn chương của Cendrars. Nhưng mãi vẫn chưa thấy dấu vết cụ thể.

Đành phải kiên nhẫn tiếp tục thôi.


một ít về Blaise Cendrars, mà sắp tới đây ta sẽ nhắc đến nhiều: ở kia, ở kiaở kia


Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp)
Nguyễn Tuân đọc sách



Chateaubriand
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc Kiều
Cát bụi chân ai
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Văn chương của đứt đoạn
Tâm sự của nước độc

12 comments:

  1. phục lăn, nhất là vụ "Charles Cros (trong sách không hề có chú thích)"
    tất nhiên vụ NT đọc gì và ntn quan trọng rồi, nhưng có nhất thiết văn chương của NT phải sát kề với vc ai đó không ?
    công tác nghiên cứu văn học té ra hấp dẫn nhỉ, chẳng kém gì làm toán

    ReplyDelete
  2. loat bài này giá trị thật, bác có thông tin còn nhiều hơn báo chí

    ReplyDelete
  3. có thể không quan trọng, nhưng có thể rất quan trọng: một khi còn chưa xác quyết được, thì cứ nghĩ là rất quan trọng :p

    Nguyễn Tuân chắc chắn có đọc Cendrars, thậm chí Cendrars nhiều khả năng là tác giả ruột của Nguyễn Tuân, có điều tôi chưa tìm thấy Nguyễn Tuân nhắc đến Cendrars ở chỗ nào hehe, tuy nhiên tôi cảm thấy là sẽ tóm được thôi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quan trọng là cho mình. Truyền thống hiển hách nhất của đám ma cà bông flamboyant đấy :)

      Delete
  4. Khi nào anh định viết loạt bài "Khái Hưng đọc sách" nhỉ??

    ReplyDelete
  5. chắc chắn là sẽ, mở đầu là H. G. Wells

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hôm bữa tự nhiên em nghĩ, khi em 19, 20 tuổi thì em biết trên đời này có một người tên là Nhị Linh:D:D:D

      Delete
  6. giờ cũng già phết rồi í nhờ

    ReplyDelete
  7. sao bác không in sách, tôi thấy blog này dư sức

    ReplyDelete
  8. nhìn lại quá trình của Nhị Linh sau scandal đúng là như đi mấy nghìn dặm, biết bao bài blog này cũng tạo nên một mục nhị Linh đọc sách rồi

    ReplyDelete
  9. thật ra làm gì có "trước" hay "sau" hehe

    ReplyDelete
  10. Cái "gớm" lúc copy internet (nếu k0 phải là có chủ ý), bác paste sang word/wordpad, chọn A (Tesxt Only). Hoặc paste sang notepad, chả cần chọn gì. Rùi copy/paste ngược vào đây.

    ReplyDelete