Aug 8, 2018

CNL đến

(CNL là viết tắt của Centre National du Livre; những ai hay đọc sách tiếng Pháp, nhất là sách của các tác giả "khó", hẳn đã thấy dòng chữ ghi trên sách "... avec le concours du CNL", như vậy nghĩa là cuốn sách được CNL hỗ trợ tiền để in; tôi nghĩ CNL làm được rất nhiều điều cho xuất bản sách ở Pháp - đó là nghĩa vụ của các vị - nhưng tôi cũng nghĩ, trong quan hệ với những chỗ khác, chẳng hạn như Việt Nam, CNL không là gì khác ngoài một thứ chủ nghĩa thực dân nối dài, với toàn bộ sự ngu xuẩn mà hai chữ "thực dân" có thể bao hàm)

Cách đây một thời gian, chính xác bao nhiều thời gian thì dưới đây sẽ cho thấy rất rõ, bỗng người ta tìm tôi.

Trước đây rất lâu, tôi từng nói, không gì đi ngược lại tôn chỉ của chính các "trung tâm văn hóa" cho bằng chính các trung tâm văn hóa. Đây là một trong những nguồn không nhỏ của trò spam hòm thư email. Các trung tâm ấy lại có đặc điểm, không bao giờ chịu gửi thư một lần, mà thế nào cũng phải gửi vài lần cùng một cái thư (xem ởkia).

Rất lâu sau khi chẳng hề có chút liên hệ gì với các trung tâm kiểu như vậy, bỗng một ngày nọ, tôi nhận ra người ta tìm tôi. Email, điện thoại ở mức độ khiến cho tôi nghĩ chắc là có tận thế đến nơi. Tôi hiểu ra, có một nhân vật nào đó của CNL, giám đốc thì phải, sắp tới Việt Nam, và người ta muốn tôi gặp nhân vật ấy.

Ngay lập tức, tôi làm một việc, việc mà người ta hay gọi là "faire le mort", lặn không sủi tăm. Các trung tâm văn hóa và tôi chẳng có nợ nần gì với nhau cả, sao bỗng một ngày họ nhất định mời tôi (gọi tôi thì đúng hơn). A, hay là không có đến một nhân vật lô-can nào nói chuyện được về sách vở? Nhưng, avec tout le respect que je vous dois, tôi chẳng hề thấy tôi có chút liên quan gì. Tôi, tôi đi gặp một nhân vật CNL? Đời nào có cái sự lố bịch như thế. Bên dưới, tôi sẽ quay trở lại với CNL.

Chưa hết, lại rầm rĩ lên, lại mời, lại email, điện thoại (nhiều năm rồi, tôi không có liên hệ gì hết, tôi xin nhắc lại: tôi còn rất mừng vì dường như người ta đã quên tôi đi, tức là tha cho tôi; giống hệt Trần Vàng Sao khi người ta muốn in tập thơ Trần Vàng Sao: Nguyễn Đính Trần Vàng Sao không thôi lắp bắp: mi tha cho tau, mi tha cho tau). Lần này là cho một vụ khác, gọi là vụ thứ hai. Tôi phải lấy làm sửng sốt vì sao mà cùng một lúc có nhiều sự kiện dồn dập thế. Mãi rồi tôi mới hiểu, một nhân vật Pháp tên là Phơ răng xoa Hollande ở mạt kỳ một mandat sắp sang Việt Nam, cho nên có lắm sự kiện; đó là một nguyên thủ Pháp nhưng lại tên là Hòa Lan.

Sự kiện thứ hai này (trong khuôn khổ chuyến thăm của một nhân vật mạt kỳ, nhân vật tôi thấy là lố bịch nhất trong toàn bộ lịch sử Pháp, có lẽ phải ngang cỡ Napoléon Đệ tam) là một phát trao Bắc đẩu bội tinh cho một nhân vật Việt Nam. Người ta trao Bắc đẩu bội tinh cho một nhân vật Việt Nam, và định mời tôi đến dự buổi lễ.

Nhưng nhân vật ấy tôi biết rất rõ: đó là một con mẹ gọi là đạo diễn điện ảnh nhưng không hề biết làm phim, dẩm dít vô song và vô song. Tôi biết rất nhiều nhân vật liên quan đến điện ảnh ở Việt Nam nhưng chẳng hề biết gì về điện ảnh, trên mọi phương diện, mọi mặt trận: đạo diễn, DOP, biên kịch, phê bình; thậm chí tôi còn nghĩ, với rất nhiều người, điện ảnh là một lối thoát, là một "échappatoire", một sự biện minh: rất nhiều nhà văn dùng điện ảnh để biện minh cho văn chương (thảm hại) của họ. Một xưởng phim ở Việt Nam thường đông đặc nhà văn hạng bét làm ra vẻ họ mở ra một sự nghiệp mới bằng cách viết kịch bản phim; khỏi phải nói rằng sự nghiệp mới này còn thảm hại hơn nữa. Sự biện minh có thể kéo rất dài: cũng những nhân vật lấy điện ảnh (hoặc truyền hình, nhất là truyền hình) biện minh cho văn chương ếch nhái của họ rất hay trở thành dạng người giữa tuần nhận sổ hưu thì cuối tuần ra Bờ Hồ đi biểu tình. Có những người thoắt trở thành nhà đấu tranh (sau khi nhận sổ hưu), cũng có những người chỉ cần về hưu là bỗng trở thành nhà từ thiện. Biện minh cái này và biện minh cái kia, không ngớt và không ngớt.

Tức là, ngoài lời mời đi gặp một nhân vật (chắc là giám đốc) của CNL, tôi còn được mời đi dự một buổi trao Bắc đẩu bội tinh cho một quả đạo diễn không hề biết làm phim. Đó là một tuần u ám trong đời tôi, tôi muốn nhổ trụi tóc trên đầu, vừa phải "faire le mort" xong lại phải tiếp tục "faire le mort" tiếp; tình trạng ấy kéo dài quá thì rất dễ bị ngạt thở.

Nhưng dẫu sao thì cũng phải tiếp tục lặn. Một người Việt Nam nhận Bắc đẩu bội tinh, Légion d'honneur của Pháp? Hết sức nhún nhường, tôi khinh bỉ điều này. Annamite nhận Bắc đẩu bội tinh của quan thầy Phan lang sa, chẳng hạn như trong bức ảnh dưới đây:


Messieurs Bui et Bui, "tuần phủ Phú Thọ" rồi điền chủ Gia Định, một chevalier, hai chevalier, cái năm 1942 xa vời ấy. Nhưng có xa vời thật hay không? cô lô nhần vẫn tiếp tục đấy chứ.

Tôi từng gặp một người. Một người rất già, tất nhiên. Ông ấy kể với tôi, nơi ông ấy làm, cách đây đã rất nhiều năm, trở thành một dạng niềm tự hào của nước Pháp, một "lá cờ đầu", một biểu tượng cho tiến bộ khoa học, etc. Tổng thống de Gaulle bèn đến thăm, tất nhiên báo chí rùm beng lắm. Ông ấy kể, hôm đó ông ấy ở nhà chứ không đi làm: với tư cách công dân Pháp, ông ấy thấy vinh dự vì nơi mình làm vinh quang như vậy, nhưng với tư cách người Việt Nam, ông ấy tự thấy mình không thể bắt tay kẻ đã quyết định cho quân sang Đông Dương (Leclerc và những cái xe tăng, etc.)

Tôi chẳng định nói thêm điều gì, nhưng tôi không liên quan tới tất tật những trò đó.

(một cuốn tiểu thuyết đặc biệt xuất sắc về mấy trò bắc đẩu bội tinh này, cuốn tiểu thuyết cho thấy sự lố bịch tột cùng của mấy cái sự đó, chính là cuốn tiểu thuyết ởkia; Flaubert cũng không hề bỏ qua: cf. câu cuối cùng của Madame Bovary)

Một thời gian sau, tình cờ tôi nhìn thấy trên báo ảnh Phơ răng xoa Hòa Lan chụp với vài nhân vật Việt Nam; phần lớn trong đó tôi có quen, trước đây. Tôi nghĩ, điều tôi cảm thấy rõ nhất vào thời điểm xem mấy bức ảnh là nhẹ nhõm (mais quel soulagement), vì tôi đã không bị chộp vào đó, tôi thấy như thể những người quen cũ kia đã thuộc về một cuộc đời khác hẳn, mà tôi không còn liên quan nữa, và tôi rất lấy làm mừng vì vậy.

Tôi tự thấy tôi không có gì chung với mọi thứ đặc quyền. Tôi không nhận đặc quyền nào. Tôi chưa bao giờ hưởng lấy một đặc cách. Những đặc cách và đặc quyền, tôi hoàn toàn không quan tâm. Nhưng cần phải quay trở lại với CNL.

Một sử gia như Philippe Papin là một sử gia rất kém. Ở mức độ viết về cả một giai đoạn lịch sử mà đọc đúng một cuốn sách, mà lại là sách vớ vẩn. Điều này tôi nói rồi. Nhưng, vấn đề là tại sao như vậy?

Tôi nghĩ, nếu nhìn thêm một nhân vật tương tự, và không hề xa với Papin, sẽ thấy rõ hơn nhiều: đó là Emmanuel Poisson. Một người như Poisson, nếu không nghiên cứu về Việt Nam, có thể làm gì khác hay không?

Tôi nghĩ là không. Nghiên cứu về Việt Nam đối với rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài chính là định mệnh (une fatalité), định mệnh của không có lựa chọn nào khác (tất nhiên, không phải tuyệt đối không có lựa chọn: nhưng nếu vậy, họ sẽ phải chọn chẳng hạn như làm vigil, hoặc nhân viên thu ngân, thủ quỹ). Chính bởi vì không làm được gì khác, nhiều người sẽ trở thành nhà nghiên cứu. Nhất là về Việt Nam.

Và chính bởi vậy, cho nên những người như Papin hay Poisson tạo ra một đứt gãy ngoạn mục trong lịch sử EFEO, đó là sự đứt gãy khiến người ta phải bật cười, Boudet, Gaspardonne hay Cadière, hay cho đến gần đây, Langlet, đâu có như vậy. Ấy là vì những người kia, họ không trở thành nhà nghiên cứu về Việt Nam bởi vì chẳng có lựa chọn nào khác. C'est un décalage qui fait rire.

Và cũng chính bởi thế, vợ ông này và vợ ông kia trở thành người cố vấn cho CNL trong lĩnh vực Việt Nam. Nhưng vợ ông này và vợ ông kia, mấy quả me tây đó, có biết đọc đâu. Thế nhưng vì là vợ của X rồi vợ của Y, họ chễm chệ ở đó. Lại là chuyện cái này biện minh cho cái kia rồi lại cái nọ.

CNL sử dụng mấy thể loại ấy trong công việc của họ - cái đó, tôi gọi là chủ nghĩa thực dân - thế mà khi đến Việt Nam lại đòi gặp tôi.

fi donc



NB. tiếp tục về xứ Phi Lai của Samuel Butler và Thomas Bernhard trong tương quan với nouveau riche

3 comments:

  1. Quality articles is the crucial to invite the viewers to visit
    the web page, that's what this website is providing.

    ReplyDelete
  2. "chủ nghĩa thực dân" là một "tất yếu" lịch sử. người đi theo một "tất yếu" có thể đổi tên dán nhãn khác cho nó rồi sau này "vẻ vang" quay lại với nó. "Quân đoàn Danh dự" trao cho hải-ngoại lê-dương cũng là một "truyền thống", cho biết bao nhiêu mê thích "truyền thống".

    ReplyDelete
  3. César Birotteau (chân ngài hơi kiễng lên, để rồi sau đó người của ngài sẽ lại hạ xuống - ấy là những lúc, người ta biết rõ, ngài sắp nói một điều gì trí tuệ lắm) thông báo, để mừng hoà bình lập lại trên đất nước, nhân thể ngài mới được hoàng thượng ân tứ tặng cho Bắc đẩu bội tinh (lại một chevalier) ngài sẽ mở ban tại nhà

    ReplyDelete