Aug 24, 2018

Marguerite Y. - Alexis

Tiếp tục luôn câu chuyện Marguerite Yourcenar.

Năm 1929, Marguerite Crayencour ký tên "Marg. Yourcenar" để in Alexis, tại nhà xuất bản Au Sans Pareil, khánh thành (à nhầm, khai mạc) một sự nghiệp văn chương rực rỡ (một cách ảm đạm).


Alexis

hay

Khảo luận về cuộc chiến đấu vô vọng


Bức thư này, bạn ơi, sẽ rất dài. Tôi chẳng thích viết lắm đâu. Tôi vẫn thường đọc thấy người ta nói rằng lời lẽ phản bội suy nghĩ, nhưng dường như lời lẽ viết ra còn phản bội nhiều hơn nữa. Em cũng biết những gì còn lại từ một văn bản sau hai lần dịch liên tiếp rồi đấy. Và rồi, tôi cũng không biết phải làm sao. Viết là một lựa chọn miên viễn giữa cả nghìn biểu đạt, trong đó không biểu đạt nào khiến tôi thỏa mãn, nhất là trong đó chẳng biểu đạt nào thỏa mãn được tôi nếu thiếu đi những biểu đạt khác. Thế nhưng lẽ ra tôi phải biết rằng chỉ âm nhạc mới cho phép tạo ra các chuỗi hợp âm. Một bức thư, dầu là thư dài nhất, buộc người ta phải giản lược hóa những gì lẽ ra không được phép giản lược: người ta luôn luôn quá thiếu rõ ràng ngay khi cố sao cho thật đầy đủ! Tôi những muốn, ở đây, nỗ lực hết sức, không chỉ về sự thành thực, mà còn cả về độ chuẩn xác nữa; những trang này sẽ đầy các gạch xóa; mà đã có nhiều gạch xóa rồi đấy. Điều mà tôi đòi ở em (điều duy nhất tôi còn có thể đòi ở em), là đừng bỏ qua dòng nào trong những dòng hẳn sẽ khiến tôi mất công sức xiết bao. Sống đã là khó, nhưng giải thích về cuộc đời mình mới là điều gây khó ở hơn nhiều.

Lẽ ra tốt hơn hết tôi đã không nên bỏ ra đi mà chẳng nói gì, cứ như thể tôi ngượng ngùng, hay cứ như thể em đã hiểu. Lẽ ra tốt hơn hết tôi đã nên tự giải thích, nói thật nhỏ, rất chậm, trong sự gần gũi một căn phòng ngủ, vào cái giờ chẳng đèn đóm, khi người ta ít thấy bản thân mình đến độ gần như có thể thú nhận mọi sự. Nhưng tôi biết em, bạn ơi. Em rất tốt. Trong một câu chuyện thuộc dạng này điều gì đó thật thảm thương có thể dẫn tới chỗ mềm lòng; bởi thương tôi, em tưởng đâu đã hiểu tôi. Tôi thì biết em. Em hẳn sẽ muốn tránh cho tôi khỏi phải gánh chịu sự nhục nhã nằm nơi một lời giải thích dài dòng như thế này; hẳn em sẽ ngắt lời tôi quá sớm; hẳn tôi sẽ nảy sinh lòng yếu đuối, ở mỗi câu, mong mỏi mình được chặn lời. Em cũng có một phẩm chất (một khiếm khuyết, có lẽ) mà chốc nữa tôi sẽ nhắc đến, mà tôi không còn muốn lạm dụng nữa. Tôi quá mức tội lỗi đối với em nên chẳng thể nào không tự buộc mình đặt ra một khoảng cách giữa bản thân tôi và lòng xót thương nơi em.

Chuyện không nằm ở nghệ thuật của tôi. Em không đọc báo, nhưng những người bạn chung chắc đã nói cho em rằng tôi có được cái thứ tên là thành công, điều này cũng đồng nghĩa với chuyện nhiều người ca ngợi tôi mà chưa hề nghe tôi, và một số, chẳng hề hiểu tôi. Không phải chuyện ấy. Mà là một điều, chẳng phải thực sự thiết thân hơn (tôi có thể có gì thiết thân hơn so với tác phẩm của tôi đây?), nhưng đối với tôi thì thiết thân hơn vì tôi đã giấu giếm nó thật kỹ. Nhất là, nó thảm hại hơn. Nhưng, em cũng thấy đấy, tôi do dự; từ nào mà tôi viết ra cũng đưa tôi dịch xa thêm một chút khỏi thứ ban đầu tôi định diễn tả; điều này chỉ cho thấy tôi thiếu can đảm. Tôi cũng thiếu sự giản dị. Lúc nào tôi cũng thiếu. Nhưng cả cuộc đời cũng đâu giản dị, và đó chẳng phải lỗi ở tôi. Điều duy nhất khiến được cho tôi viết tiếp là sự chắc chắn rằng em không sung sướng. Chúng ta đã nói dối nhiều xiết bao, và đã chịu đựng sự dối trá nhiều xiết bao, cho nên chẳng thực sự phải mạo hiểm nhiều lắm để thử xem lòng chân thành có chữa khỏi bệnh được hay chăng.

Tuổi trẻ của tôi, tuổi niên thiếu của tôi thì đúng hơn, đã tuyệt đối thuần khiết, hoặc giả, là cái mà người ta vẫn quen gọi như vậy. Tôi biết rằng một lời khẳng định tương tự lúc nào cũng khiến người ta mỉm cười, vì thông thường nó cho thấy thiếu vắng của sự sáng suốt hay thiếu vắng của thẳng thắn. Nhưng tôi không nghĩ tôi nhầm, và tôi chắc chắn tôi đang không nói dối. Tôi chắc chắn vậy đấy, Monique. Quãng mười sáu tuổi tôi là cái người mà hẳn em sẽ muốn Daniel cũng giống khi tới tuổi đó, và hãy để tôi nói với em rằng em thật nhầm nếu muốn thế. Tôi tin rằng thật tệ hại khi, còn trẻ đến vậy, phải công khai buộc lòng dồn đẩy toàn bộ sự hoàn hảo ta có thể có được vào số các kỷ niệm của quá khứ xa xôi nhất. Đứa trẻ từng là tôi hồi ấy, đứa trẻ ở Woroïno, không còn nữa, và toàn bộ cuộc tồn tại của chúng ta có điều kiện là sự bất trung với bản thân chúng ta. Thật nguy hiểm khi mà những bóng ma đầu tiên của chúng ta lại chính là những bóng ma tốt đẹp nhất, thân thiết nhất, được tiếc nuối nhiều nhất. Tuổi thơ của tôi cũng xa rời khỏi tôi giống như nỗi mong chờ đầy âu lo của những ngày trước lễ hay sự ngây độn của các buổi chiều quá dài, trong đó ta chẳng làm gì hết, chỉ mong sao có gì đó xảy tới. Làm sao tôi có thể hy vọng tìm lại được sự yên bình ấy, mà khi đó thậm chí tôi đã chẳng biết cách gọi tên? Tôi đã tách nó xa khỏi tôi, nhận ra rằng nó đâu phải toàn bộ bản thân tôi. Cần phải thú nhận điều này ngay tắp lự, tôi gần như chẳng thể chắc chắn mình còn tiếc nuối sự vô tri ấy, mà chúng ta gọi là yên bình.

Sao mà khó để không bất công đối với bản thân mình! Tôi vừa nói với em rằng tuổi niên thiếu của tôi đã chẳng hề vướng rối loạn; tôi nghĩ thế; tôi vẫn hay cúi mình về phía cái quá khứ có chút tính cách trẻ con và rất mực buồn ấy; tôi đã cố công nhớ lại những ý nghĩ của tôi, những cảm giác của tôi, gần gũi hơn các ý nghĩ, cả các giấc mơ nữa. Tôi đã phân tích chúng hòng thử xem mình có khám phá được ở đó ý nghĩa gây nhiều lo lắng nào, hồi đó từng vuột mất khỏi tôi, hay có phải tôi từng nhầm tưởng sự vô tri của tinh thần là ngây thơ của trái tim. Em cũng biết những ao đầm tại Woroïno rồi đấy; em nói trông chúng giống các mảnh trời lớn xám xịt rơi xuống đất, hẳn chúng tìm cách lên đó trở lại, dưới hình thức sương mù. Lúc còn nhỏ, tôi sợ chúng. Hồi ấy tôi đã hiểu, mọi thứ đều có bí mật riêng, ao đầm cũng như những gì khác, rằng sự yên bình, cũng như niềm im lặng, bao giờ cũng chỉ là một bề mặt, và rằng tồi tệ hơn cả trong những dối trá là dối trá của bình lặng. Toàn bộ tuổi thơ, chừng nào tôi nhớ lại, hiện ra trước tôi như một sự bình lặng to lớn bên bờ một nỗi lo âu lớn lao, cái vốn dĩ sẽ là cả cuộc đời. Tôi nghĩ tới các hoàn cảnh, quá nhỏ nhặt nên tôi không muốn kể với em, mà khi đó tôi không để ý, nhưng giờ thì tôi thấy rõ ở đó những đợt run rẩy cảnh báo đầu tiên (những run rẩy của da thịt và những run rẩy của trái tim), giống hơi thở kia của Chúa, mà Thánh Kinh nói đến. Có một số khoảnh khắc trong tồn tại chúng ta, khi, theo cách thức không thể giải thích và gần như gây hoảng sợ, chúng ta là cái kẻ chúng ta sẽ trở thành, về sau. Tôi thấy như thể tôi, bạn ơi, đã ít thay đổi lắm! Mùi cơn mưa thoảng tới tôi qua một cửa sổ mở, một rừng dương lá rung rinh dưới làn sương, tiếng nhạc Cimarose, mà các bà già bảo tôi chơi bởi vì, tôi tưởng thế, nó mang tuổi trẻ trở lại cho họ, còn ít hơn nữa, một phẩm tính đặc thù của sự im lặng, mà tôi chỉ tìm được ở Woroïno, là đủ để đưa quay về, như không hề có, xiết bao ý nghĩ, sự kiện và nỗi đau tách biệt tôi khỏi cái tuổi thơ ấy. Hẳn tôi gần như có thể chấp nhận rằng khoảng giữa đã chỉ kéo dài chưa đầy ngót một tiếng đồng hồ, rằng chuyện chỉ là một đợt nửa thức nửa ngủ, nơi tôi vẫn thường rơi tõm vào hồi ấy, trong đó cuộc đời và tôi, chúng tôi chẳng có thời gian để tự biến đổi đi nhiều lắm. Tôi chỉ cần nhắm mắt lại; mọi sự liền diễn ra chính xác giống ngày đó; tôi thấy lại, như thể nó chưa hề rời khỏi tôi, cái thằng bé rụt rè kia, rất dịu dàng, chẳng dám mở miệng than phiền, và giống tôi tới nỗi tôi ngờ, rất có thể theo lối bất công, nó có bao giờ giống tôi chút nào hay chăng.

Tôi đang tự nói ngược lại tôi, tôi biết chứ. Chắc hẳn về cái đó cũng giống các dự cảm, người ta cứ tưởng mình có chúng bởi vì lẽ ra họ phải có chúng. Kết quả tàn nhẫn hơn cả từ cái mà tôi buộc phải gọi là lỗi lầm của chúng ta (dẫu gọi như vậy tôi đang chỉ nương theo tập quán) là gây lây nhiễm cho đến cả kỷ niệm về cái thời chúng ta còn chưa phạm chúng. Chính đó là điều gây cho tôi lo lắng. Bởi rốt cuộc, nếu tôi không nhầm, tôi chẳng biết là theo nghĩa nào nữa, và sẽ chẳng bao giờ tôi xác quyết nổi sự trong trắng của tôi hồi đó có kém mức hơn so với như tôi vừa nói, hay giờ đây tôi ít tội lỗi hơn so với cỡ tôi buộc mình phải nghĩ. Nhưng tôi nhận ra là tôi đã chưa giải thích gì hết.

Tôi khỏi cần phải nói với em rằng chúng tôi rất nghèo. Có một cái gì đó thống thiết nơi sự vướng víu của các gia đình lâu đời, cái chỗ dường như người ta chỉ tiếp tục sống bằng lòng trung thành. Em sẽ hỏi là trung thành với ai: với nhà, tôi cho là vậy, cả với các tổ tiên nữa, và chỉ đơn giản là với cái mà ta từng là. Sự nghèo khó, Chúa ơi, có quan trọng mấy đâu đối với một đứa trẻ; nó cũng chẳng quan trọng đối với mẹ tôi và các chị tôi, vì tất cả mọi người đều biết rõ chúng tôi, không ai nghĩ chúng tôi giàu có hơn mức đúng của chúng tôi. Lợi thế của những giai tầng rất mực khép kín thời trước, nằm ở chỗ tại đó người ta ít nhìn nhận cái mà ta là hơn so với cái ta từng là. Quá khứ, dẫu ta nghĩ đến nó rất ít thôi, là thứ ổn định vô tận nhiều hơn hiện tại, vậy nên nó cũng có vẻ mang một hệ quả lớn hơn nhiều. Người ta không bày tỏ với chúng tôi nhiều quan tâm hơn cần phải vậy; điều người ta coi trọng ở chúng tôi là một vị feld-maréchal nào đó từng sống vào thời xa xưa lắm rồi, mà chẳng ai, cách sau một thế kỷ, còn nhớ được ngày tháng cụ thể. Tôi cũng nhận thấy rằng sản nghiệp của ông tôi, cùng những vinh dự cụ cố tôi từng được nhận, trong mắt chúng tôi là những thứ đáng kể hơn nhiều, thậm chí là thực hơn nhiều so với tồn tại của chính chúng tôi. Các cách thức nhìn nhận cổ lỗ như vậy có thể sẽ khiến em mỉm cười; tôi công nhận rằng những cách khác, hoàn toàn đối nghịch, hẳn chẳng kém phần vô nghĩa, nhưng xét cho cùng, chúng giúp chúng tôi sống. Vì không gì có thể ngăn cản chúng tôi là hậu duệ của những nhân vật đã gần như đi vào truyền thuyết kia, cũng chẳng gì ngăn cản người ta tiếp tục vinh danh họ ở nơi chúng tôi; đó chính là cái phần duy nhất của di sản thực sự không thể suy giảm. Người ta không trách cứ chúng tôi vì có ít tiền hơn hay ít quang vinh so với họ từng có; điều này quá mức tự nhiên; chắc hẳn sẽ thật không thích hợp nếu cứ muốn sánh ngang với những con người lừng danh ấy, giống một tham vọng đặt sai chỗ.

Vậy là, cỗ xe đưa chúng tôi tới nhà thờ hẳn tại nơi khác chứ không phải Woroïno trông sẽ thật lạc mốt, nhưng ở đó, tôi nghĩ một cỗ xe mới chắc sẽ gây nhiều chộn rộn hơn, và nếu những cái váy mẹ tôi mặc hơi lâu quá, người ta cũng chẳng nhận ra. Chúng tôi, gia đình Géra, có thể nói chỉ là đoạn kết của một dòng dõi, tại cái xứ cổ xưa ấy của vùng Bắc Bohême. Hẳn người ta có thể cho chúng tôi chẳng hề tồn tại, rằng các nhân vật vô hình, nhưng đường bệ hơn nhiều so với chúng tôi, vẫn tiếp tục choán lấy các tấm gương trong nhà chúng tôi, bằng hình ảnh của họ. Tôi những muốn tránh cho đến tận một thoáng nhỏ chủ đích tìm kiếm một tác động, nhất là ở cuối một câu, nhưng hẳn người ta có thể nói, theo nghĩa nào đó, rằng chính những người đang sống, nơi các gia đình lâu đời, mới như thể là bóng ma của những người đã chết.

Cần phải tha lỗi cho tôi vì nán lại lâu tới vậy với Woroïno thời xưa, bởi tôi từng yêu quý chốn ấy lắm. Đó là một chỗ yếu, tôi chẳng hề ngờ điều này, và chắc hẳn người ta không được yêu quý gì hết, ít nhất không yêu quý gì một cách đặc biệt. Chẳng phải ở đó chúng tôi được rất sung sướng đâu; ít nhất, niềm vui chẳng mấy khi chịu ngụ ở đó. Tôi không nghĩ mình còn nhớ từng nghe thấy tại đó một tiếng cười, thậm chí là một tiếng cười thiếu nữ, mà nó không bị bóp nghẹt đi ngay. Người ta không cười nhiều, trong những gia đình lâu đời. Thậm chí sau rốt người ta còn quen với việc chỉ nói thì thầm ở đó, như thể e ngại đánh thức ở đó các kỷ niệm thực sự tốt hơn hết nên để cho ngủ yên. Ở đó người ta cũng không bất hạnh, và tôi cũng phải nói rằng chưa bao giờ tôi nhìn thấy người khóc ở đó. Chỉ có điều, ở đó chúng tôi hơi buồn. Điều này là do tính cách thì nhiều hơn so với hoàn cảnh, và tất cả mọi người công nhận, quanh tôi, rằng người ta có thể sung sướng mà chẳng bao giờ ngừng thấy buồn.

Hồi ấy đó vẫn là tòa nhà màu trắng ấy, rất nhiều hàng cột và cửa sổ, theo gu Pháp, vốn dĩ nổi trội vào thế kỷ của Catherine. Nhưng cần phải nhắc em rằng ngôi nhà cũ ấy từng xập xệ hơn nhiều so với bây giờ, bởi nó đã chỉ được sửa chữa nhờ tay em, vào lúc chúng ta lấy nhau. Đối với em sẽ không khó để hình dung ra nó hồi đó: em còn nhớ tình trạng nó ở vào khi lần đầu tiên em đến đó. Chắc chắn rồi, người ta đã không dựng nó lên để rồi có ở đó một cuộc sống đơn điệu; tôi cho nó đã được xây với mục đích tổ chức thật nhiều tiệc tùng (vào thời người ta hay tổ chức tiệc) do phăng te zi của một người tổ tiên muốn trưng bày vẻ hào nhoáng. Mọi ngôi nhà của thế kỷ 18 đều vậy hết cả: cứ như thể chúng được xây nhằm tiếp đón khách khứa, và ở đó chúng tôi bao giờ cũng chỉ là những người ghé qua cảm thấy khó ở. Chúng tôi dẫu có làm gì đi chăng nữa: lúc nào cái ngôi nhà ấy cũng quá lớn đối với chúng tôi và nó luôn luôn lạnh lẽo. Tôi cũng từng thấy dường như nó không vững chãi, và chắc chắn, màu trắng của các ngôi nhà tương tự, buồn thảm biết bao trong tuyết, làm ta nghĩ tới sự mong manh. Người ta hiểu rõ rằng chúng đã được hình dung cho các vùng ấm áp hơn rất nhiều, và bởi những người sống dễ hơn. Nhưng giờ thì tôi biết, ngôi nhà đó, có vẻ ngoài hẫng hụt, mà hẳn có thể người ta tiên liệu cho chỉ một mùa hè, đứng đó lâu hơn bất tận so với chúng tôi, và có lẽ hơn so với gia đình chúng tôi. Rất có thể rồi một ngày nó sẽ rơi vào tay những người lạ; hẳn nó thờ ơ với điều đó, vì những ngôi nhà có cuộc sống riêng của chúng, với đó cuộc sống của chúng ta đâu có quan trọng gì mấy, cái mà chúng ta chẳng hiểu nổi.

Tôi đang nhìn thấy lại ở đó những khuôn mặt nghiêm trang, hơi thuỗn ra, những khuôn mặt tư lự của phụ nữ trong các phòng khách quá sáng. Người tổ tiên mà tôi vừa nhắc với em từng muốn phòng ốc phải thật rộng rãi để âm nhạc có thể vang lên được hay hơn. Ông ấy ưa nhạc. Về ông ấy, người ta không nói mấy; dường như người ta thích chẳng hề nhắc gì đến ông ấy; người ta biết rằng ông ấy đã phá tán một tài sản lớn; có lẽ người ta trách ông ấy vì thế, hoặc giả còn có điều gì khác nữa. Người ta đã trải qua hai thế hệ trong im lặng, và có khả năng chẳng gì đáng kể để phải để tâm. Sau đó là tới ông tôi; ông đã tán gia bại sản vào thời cải cách đất đai; ông là người theo thuyết khoan dung; ông có những tư tưởng có thể rất tốt, nhưng lẽ dĩ nhiên chúng đã làm ông nghèo đi, và sự trông coi của bố tôi cũng thảm thương như thế. Ông chết trẻ, bố tôi ấy. Tôi chỉ còn nhớ rất ít về ông; tôi nhớ ông nghiêm khắc, đối với lũ con chúng tôi, như đôi khi có thể nghiêm khắc những người tự trách mình đã không biết nghiêm khắc với bản thân. Tất nhiên, đó chỉ là một giả thuyết, và tôi chẳng biết gì về bố tôi.

Tôi đã nhận ra một điều, Monique: người ta nói rằng những ngôi nhà cũ bao giờ cũng có nhiều ma; tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng, và thế nhưng vốn dĩ tôi là một thằng bé nhiều lo sợ. Có lẽ tôi đã kịp hiểu rằng lũ ma thì vô hình, vì chúng ta mang chúng ngay trong chúng ta. Nhưng điều khiến các ngôi nhà cũ đáng sợ không nằm ở chỗ chúng có ma, mà ở chỗ chúng có thể có ma.

Tôi cho những năm thơ ấu đó đã xác định cuộc đời tôi. Tôi còn có những kỷ niệm khác gần hơn, đa dạng hơn, có lẽ rõ nét hơn rất nhiều, nhưng có vẻ như các ấn tượng mới ấy, tuy bớt phần đơn điệu, còn chưa đủ thời gian để xâm nhập thật sâu vào trong tôi. Tất cả chúng ta đều lơ đãng, bởi vì chúng ta có các giấc mơ của mình; chỉ mình nó thôi, sự tái khởi đầu miên viễn của cùng các điều sau rốt sẽ làm chúng ta thấm đẫm chúng. Tuổi thơ tôi im lìm và cô độc; nó đã khiến tôi trở nên nhút nhát, và do vậy, rụt rè. Chừng tôi nghĩ tôi biết em từ gần ba năm thì mới dám dám mở miệng nói chuyện với em lần đầu! Mà lại còn chỉ qua thư thôi, vả cũng cần phải thế. Thật khủng khiếp vì sự im lặng có thể là một lỗi lầm; đó là lỗi lầm nghiêm trọng nhất của chúng ta, nhưng xét cho cùng, tôi đã phạm. Trước khi phạm nó với em, tôi đã phạm nó với bản thân tôi. Lúc sự im lặng đã được thiết lập trong một ngôi nhà, rất khó mà trục nó ra khỏi đó; một điều gì càng quan trọng thì dường như người ta càng muốn câm ỉm nó đi. Hẳn ta có thể nói rằng đó là một thứ chất liệu đông lạnh, càng lúc càng thêm rắn và đặc lại: cuộc sống tiếp tục ở dưới nó; chỉ có điều, người ta không nghe thấy tiếng nó. Woroïno đầy ngập một thứ lặng câm dường lúc nào cũng lớn thêm lên, và mọi im lặng đều chỉ được làm nên từ những lời người ta đã không nói. Có lẽ chính bởi thế mà tôi đã trở thành nhạc sĩ. Phải có ai đó biểu đạt nỗi im ấy, làm cho nó trả lại mọi thứ gì nó chứa đựng ở phương diện buồn bã, có thể nói rằng khiến nó phải hát lên. Nó cần phải không dụng đến các từ, luôn luôn quá mức cụ thể thành ra chẳng làm sao không nhẫn tâm, mà chỉ đơn giản là âm nhạc, vì âm nhạc thì không tọc mạch và, chừng nào than thở, nó không nói tại sao. Phải có một thứ âm nhạc thuộc dạng đặc biệt, chậm, đầy những ngập ngừng lửng lơ thật dài và thế nhưng chân xác, hợp được vào với sự câm lặng và sau rốt tự buông mình trườn vào đó. Âm nhạc ấy, nó từng là nhạc của tôi. Em cũng thấy rõ, tôi chỉ là một kẻ thực thi, chỉ chăm chăm dịch ra. Nhưng người ta chẳng dịch được gì khác ngoài nỗi rối loạn của riêng mình: luôn luôn chỉ về chính bản thân mình, người ta nói.

Có, trong hành lang dẫn vào phòng tôi, một bức tranh khắc hiện đại chẳng ai buồn ngắm bao giờ. Vậy tức là nó chỉ thuộc về mình tôi. Tôi không biết ai đã treo nó lên đó; kể từ bấy tôi đã nhìn thấy lại nó ở chỗ biết bao nhiêu người tự nhận mình là nghệ sĩ, đến độ tôi đâm ra chán ghét nó, nhưng hồi đó, tôi hay ngắm nó lắm. Trên đó ta thấy những người đang lắng nghe một nhạc công, và tôi gần như kinh hoảng trước khuôn mặt các kẻ ấy, như thể đang được âm nhạc hé lộ cho một điều gì. Chắc lúc đó tôi mười ba tuổi; cả âm nhạc lẫn cuộc đời, tôi xin đảm bảo với em, đều còn chưa hề hé lộ cho tôi gì hết. Ít nhất, tôi nghĩ thế. Nhưng nghệ thuật khiến các dục vọng cất lời nói một thứ ngôn ngữ đẹp tới mức cần phải có kinh nghiệm hơn so với tôi sở hữu hồi ấy thì mới hiểu được những gì chúng muốn nói. Tôi đã đọc lại các bản nhạc nhỏ, mà hồi đó tôi từng tập tọng viết ra; chúng hữu lý, nhiều tính cách trẻ con hơn nhiều so với những suy nghĩ của tôi. Nhưng vẫn luôn luôn vậy: các tác phẩm của chúng ta đại diện cho một giai đoạn trong tồn tại của chúng ta, mà chúng ta đã vượt qua, vào cái lúc chúng ta viết ra chúng.

Khi ấy âm nhạc đưa tôi vào trạng thái bần thần hết sức dễ chịu, hơi có chút kỳ dị. Dường như mọi thứ trở nên bất động, chỉ trừ tiếng đập của các động mạch; như thể cuộc sống trôi tuột ra khỏi người tôi, và sao mà tốt đẹp đến thế, khi cảm thấy mệt mỏi tới vậy. Đó là một khoái lạc; đó cũng gần như một nỗi đau. Cả đời mình tôi thấy khoái lạc và nỗi đau là hai cảm giác rất cận kề nhau; tôi nghĩ cũng tương tự vậy ở nơi mọi bản tính nào hơi thiên về suy tư. Tôi cũng còn nhớ một sự nhạy cảm đặc biệt với các tiếp xúc, tôi đang nói tới những tiếp xúc trong trắng nhất, sự chạm vào một thứ vải rất mềm, ve vuốt của một thứ lông dường là một chùm lông sống động, hoặc lớp vỏ của một loại quả. Ở đó chẳng có gì đáng chê trách; các cảm giác ấy đối với tôi từng quá mức thông thường, chẳng thể gây nhiều sửng sốt; người ta đâu có lưu tâm mấy tới những gì có vẻ giản đơn. Tôi dành cho các nhân vật trên bức tranh khắc của tôi những cảm xúc sâu sắc hơn, bởi vì đó chẳng phải lũ trẻ con. Tôi từng hình dung họ đang dự phần vào một tấn kịch; tôi nghĩ tất yếu một tấn kịch đã diễn ra. Tất tật chúng ta đều thế cả: chúng ta sợ một tấn kịch; thảng hoặc, chúng ta có đủ tính cách tiểu thuyết để mong sao nó đến, mà chẳng hề nhận ra rằng nó đã khởi đầu rồi.

Cũng có một bức tranh trên đó tôi thấy một người ngồi trước phím đàn, đang ngừng chơi để lắng nghe cuộc đời anh ta. Đó là một bức chép lại đã rất cũ một bức tranh Ý; bản gốc rất nổi tiếng, nhưng tôi chỉ biết tên. Em cũng biết là tôi rất kém hiểu biết. Tôi không thích tranh Ý lắm; thế nhưng, tôi từng rất thích bức kia. Nhưng tôi không ở đây để nói với em về một bức tranh.

Có lẽ nó chẳng đáng giá gì. Chúng tôi đã bán nó đi, vào lúc thiếu tiền hơn, cùng vài thứ đồ gỗ cũ và mấy hộp âm nhạc bằng men cổ xưa, chúng chỉ phát ra độc một giai điệu và lúc nào cũng thiếu mất cùng một nốt. Có nhiều hộp cũng chứa cả những con rối nữa. Người ta lên dây cót: chúng quay vài vòng sang bên phải, và rồi vài vòng sang bên trái. Sau rốt chúng dừng lại. Rất cảm động. Nhưng tôi không ở đây để nói với em về lũ rối.

Tôi xin thú nhận, Monique ạ, trong những trang này có quá nhiều chiều chuộng với chính tôi. Nhưng tôi có quá ít kỷ niệm không vương chua cay, cần phải tha lỗi cho tôi vì cứ nán lại mãi với những kỷ niệm chỉ đơn giản là buồn. Hẳn em sẽ chẳng trách tôi vì thuật lại dông dài các ý nghĩ của một đứa trẻ con, mà chỉ riêng mình tôi biết. Em thích trẻ con. Tôi xin thú nhận: có lẽ, dẫu chẳng hay biết, bằng cách đó tôi đã hy vọng khiến cho em trở nên sẵn sàng khoan dung, nơi đầu một câu chuyện rồi sẽ đòi ở em rất nhiều lượng thứ. Tôi đang tìm cách câu giờ: điều đó rất mực tự nhiên. Tuy nhiên cũng có đôi chút lố bịch khi dùng các câu bọc lấy một lời thú nhận đáng lẽ ra hết sức giản dị: hẳn tôi sẽ mỉm cười vì điều đó, nếu giá như mà tôi có thể mỉm cười. Thật là nhục nếu nghĩ rằng ngần ấy khao khát rối bời, xúc cảm và bấn loạn (đấy là còn chưa tính những khổ đau) lại có một nguyên do thuộc về sinh lý học. Cái ý nghĩ đó đã khiến tôi ngượng ngùng, trước khi nó giúp tôi trấn tĩnh. Cả cuộc sống cũng chỉ là một bí mật thuộc sinh lý học mà thôi. Tôi chẳng thấy tại sao khoái cảm lại đáng khinh bỉ bởi nó chỉ là một cảm giác, bởi vì người ta đâu có khinh bỉ nỗi đau, mà nỗi đau cũng lại là một cảm giác. Người ta kính trọng nỗi đau, vì nó không chủ ý, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cần biết khoái lạc có luôn luôn chủ ý hay không, hoặc nhỡ ra chúng ta phải gánh chịu nó. Dẫu chuyện có khác đi, thì cái khoái lạc được tự do chọn lựa kia chẳng bởi thế mà hiện ra trước tôi nhiều tội lỗi hơn. Nhưng đây không hoàn toàn là chỗ nêu lên tất tật những vấn đề đó.

Tôi cảm thấy mình đang trở nên quá mức tối tăm. Hẳn nhiên, tôi sẽ chỉ cần vài từ cụ thể là đủ để tự giải thích, mà thậm chí chúng còn không thô thiển bởi vì chúng có tính cách khoa học. Nhưng tôi sẽ không sử dụng chúng. Đừng nghĩ là tôi sợ gì chúng: người ta không phải sợ các từ nữa chừng nào đã nhất trí với các vật. Chỉ đơn giản là tôi không thể. Tôi không thể, chẳng phải chỉ do tế nhị và bởi tôi đang viết cho em, mà tôi còn không thể trước chính tôi. Tôi biết là có tên cho mọi thứ bệnh, và cái mà tôi đang nói với em vẫn hay được coi như một chứng bệnh. Bản thân tôi, tôi từng nghĩ vậy rất lâu. Nhưng tôi không phải là bác sĩ; thậm chí tôi còn không chắc nữa, rằng tôi là một bệnh nhân. Cuộc đời, Monique ạ, phức tạp hơn nhiều so với tất tật những định nghĩa khả dĩ; mọi hình ảnh bị giản lược hóa lúc nào cũng có nguy cơ trở nên thô lậu. Cũng đừng nghĩ rằng tôi tán thành các nhà thơ, về việc tránh các từ chính xác, vì họ chỉ biết những giấc mơ của họ mà thôi; có rất nhiều sự đúng trong các giấc mơ của nhà thơ, nhưng chúng đâu phải toàn bộ cuộc đời. Cuộc đời là một cái gì đó hơn là thơ; nó là một cái gì đó hơn là sinh lý học, và thậm chí hơn cả đạo đức, vốn dĩ là thứ tôi từng tưởng lâu dài lắm. Nó là tất tật những điều đó và còn thêm nhiều nữa: nó là cuộc đời. Nó là tài sản duy nhất của chúng ta và sự trừng phạt duy nhất lên chúng ta. Chúng ta sống, Monique ạ; mỗi người trong chúng ta có cuộc đời riêng, duy nhất, được căn định bằng toàn thể quá khứ, với cái đó ta chẳng thể làm gì, và đến lượt mình nó lại căn định, dẫu ít oi đến đâu, toàn thể tương lai. Cuộc đời của anh ta. Cuộc đời của anh ta, chỉ thuộc về bản thân anh ta, sẽ không hai lần, và chẳng phải lúc nào anh ta cũng chắc chắn mình hoàn toàn hiểu nó. Và những gì tôi đang nói ở đây về toàn bộ cuộc đời, hẳn tôi cũng có thể nói về mỗi khoảnh khắc của một cuộc đời. Những người khác nhìn thấy sự hiện diện của chúng ta, các cử chỉ của chúng ta, cách thức từ ngữ hình thành trên môi chúng ta; chỉ riêng chúng ta mới thấy cuộc đời chúng ta. Điều này lạ thường: chúng ta thấy nó, chúng ta kinh ngạc vì nó lại là như vậy, và chúng ta không thể thay đổi nó. Ngay cả lúc phán xét nó, thì chúng ta vẫn cứ thuộc về nó; sự tán thành hay chê trách của chúng ta thuộc vào đó; luôn luôn là nó tự phản chiếu chính nó. Vì có gì khác nữa đâu; thế giới, đối với từng người trong chúng ta, chỉ tồn tại trong chừng mực nó chập vào cuộc đời chúng ta. Và các yếu tố cấu thành nên nó không thể tách khỏi nhau: tôi biết quá rõ rằng những bản năng mà chúng ta rất lấy làm kiêu hãnh và cả các bản năng mà chúng ta không chịu thú nhận xét cho cùng có chung nguồn gốc. Hẳn chúng ta sẽ chẳng thể nào loại trừ đi một trong số chúng mà không biến đổi mọi cái khác. Các từ giúp ích cho biết bao nhiêu người, Monique, đến mức chúng chẳng còn thích hợp với bất kỳ ai nữa: bằng cách nào đây mà một thuật ngữ khoa học lại có thể giải thích một cuộc đời? Thậm chí nó còn chẳng giải thích nổi một sự biến; nó chỉ định cái đó mà thôi. Nó chỉ định cái đó theo cách thức lúc nào cũng giống hệt nhau, và thế nhưng không có hai sự biến giống nhau trong các cuộc đời khác nhau, có lẽ cũng cả trong cùng một cuộc đời nữa. Các sự biến xét cho cùng thì giản dị lắm; thật dễ nhận ra điều đó: có lẽ em đã ngờ vực chúng rồi. Nhưng chừng nào em đã biết cả, thì hẳn tôi sẽ vẫn cần phải tự giải thích cho em hay.

Bức thư này là một lời giải thích. Tôi chẳng hề muốn nó trở nên một lời biện hộ. Tôi không điên đến mức đi mong rằng người ta tán thành với tôi; thậm chí tôi còn không đòi được chấp nhận: đó là một đòi hỏi ở mức quá cao. Tôi chỉ mong mình được hiểu. Tôi thấy rõ rằng đó vẫn là cùng một điều, và vậy là mong muốn rất nhiều. Nhưng em từng cho tôi nhiều đến vậy trong những thứ nhỏ bé, tới mức tôi gần như có quyền đợi từ em sự hiểu nơi những thứ lớn.

Em không được hình dung tôi cô độc hơn mức tôi từng cô độc. Đôi khi tôi từng có bạn đồng hành, tôi muốn nói những người cũng trẻ như tôi. Vào thời ấy thường có những bữa tiệc lớn, ở đó rất đông người. Cũng xuất hiện những đứa trẻ con, mà thường tôi không quen biết. Hoặc giả, đó là các dịp kỷ niệm, khi ấy chúng tôi tới nhà những người họ hàng rất xa, dường như thực sự họ chỉ tồn tại một ngày mỗi năm, bởi vì người ta chỉ nghĩ đến họ vào ngày hôm đó. Gần như tất tật lũ trẻ kia đều rụt rè giống tôi: vậy nên, chúng tôi không đùa rỡn. Có những đứa quá mức trâng tráo, náo loạn tới nỗi ta chỉ mong sao chúng đi cho khuất mắt; còn những đứa khác, cũng chẳng kém phần đâu, nhưng chúng hành hạ ta mà thậm chí người ta còn chẳng phản đối, vì chúng xinh đẹp hay giọng chúng rất hay. Tôi đã nói với em rằng tôi là một đứa trẻ rất nhạy cảm với cái đẹp. Tôi đã dự cảm rằng cái đẹp, rồi thì các khoái lạc mà nó tạo cho chúng ta, đáng với mọi hy sinh và thậm chí mọi nỗi nhục. Lẽ tất nhiên tôi khiêm nhường. Tôi nghĩ tôi để cho mình bị nô dịch với đầy khoái lạc. Với tôi thật êm ả khi tôi không đẹp bằng so với đám bạn tôi; tôi sung sướng khi được gặp chúng; tôi chẳng tưởng tượng gì khác nữa. Tôi sung sướng được yêu chúng; thậm chí tôi còn chẳng nghĩ tới chuyện chúng có yêu tôi. Tình yêu (tha thứ cho tôi, bạn ơi) là một tình cảm mà sau đó tôi đã không cảm thấy; cần phải có quá nhiều đức hạnh thì mới có khả năng yêu; tôi sửng sốt trước việc tuổi thơ tôi từng có thể tin vào một dục vọng vô ích như thế, gần như lúc nào cũng nói dối và không hề tất yếu, kể cả là cho lạc thú. Nhưng tình yêu, nơi những đứa trẻ, là một cuộc chơi của ngây thơ: chúng hình dung chúng yêu bởi chúng không thấy là chúng ham muốn. Những tình bạn ấy không thường có; các hoàn cảnh cũng không mấy gây thuận lợi cho chúng; có lẽ chính bởi thế mà chúng vẫn rất mực trong trắng. Các bạn tôi đi mất, hoặc giả chúng tôi về lại nhà; cuộc sống cô độc hình thành trở lại quanh tôi. Tôi nảy ra ý tưởng viết các bức thư, nhưng tôi rất kém khoản không phạm lỗi ở đó thành thử rồi tôi chẳng gửi chúng đi. Vả lại, tôi chẳng biết phải nói gì. Ghen tuông là một thứ tình cảm đáng trách cứ, nhưng cần phải tha thứ cho lũ trẻ con để cho mình mắc vào đó, vì có biết bao con người đầu óc hữu lý cũng trở thành nạn nhân của nó. Tôi đã đau khổ rất nhiều vì nó, lại càng thêm nữa, vì tôi không thú nhận điều đó. Tôi cảm thấy thật tuyệt vì tình bạn hẳn sẽ không khiến người ta trở nên ghen tuông; tôi đã bắt đầu e sợ mình tội lỗi. Nhưng những gì tôi đang kể cho em đây chắc chắn rất mực trẻ con: đứa trẻ nào cũng từng biết đến các dục vọng tương tự, và hẳn người ta nhầm, có phải không, nếu thấy ở đó một mối nguy rất nghiêm trọng?

Tôi đã được nuôi nấng bởi tay những người phụ nữ. Tôi là con út trong một gia đình rất đông con; thể chất tôi lại hay đau bệnh; mẹ tôi cùng các chị tôi đã không hạnh phúc lắm; ấy chính là những nguyên do khiến cho tôi được yêu. Có nhiều lòng tốt nơi sự âu yếm của những người phụ nữ đến nỗi suốt thời gian dài tôi đã tưởng đâu mình có thể tạ ơn Chúa. Cuộc sống của chúng tôi, rất mức khổ hạnh, chỉ lạnh lẽo trên bề mặt; chúng tôi sợ bố chúng tôi; về sau, sợ những người anh lớn; chẳng gì khiến những con người xích lại gần nhau cho bằng chuyện cùng nhau sợ hãi. Cả mẹ tôi lẫn các chị tôi đều không mau miệng lắm; sự hiện diện của họ thì cũng giống những ngọn đèn thấp, rất êm, chỉ chiếu sáng tí chút, nhưng sự tỏa rạng đều tăm tắp ngăn mọi thứ không trở nên quá tối đen và ta không thực sự phải một mình. Người ta không hình dung nổi có thể gây trấn an đến mức nào, đối với một đứa trẻ bản tính hay lo lắng như tôi hồi ấy, tình trìu mến yên bình của phụ nữ. Sự im lặng của họ, những lời chẳng chút quan trọng nào chỉ duy nhất nói lên sự bình thản nơi họ, các cử chỉ thân quen của họ như thể thuần hóa các vật, khuôn mặt bị xóa nhòa, nhưng bình lặng, của họ, thế nhưng lại giống mặt tôi, đã dạy cho tôi niềm kính ngưỡng. Mẹ tôi qua đời khá sớm: em chưa từng gặp bà; cuộc sống và cái chết cũng đã cướp đi khỏi tôi những người chị; nhưng phần lớn khi ấy còn trẻ đến nỗi trông họ có thể như là xinh đẹp. Tất cả, tôi nghĩ, đã có tình yêu mà họ mang nơi sâu thẳm con người họ, cũng như về sau này, đã lấy chồng, họ đã mang đứa con của mình hay chứng bệnh rồi sẽ khiến họ chết. Chẳng gì gây cảm động cho bằng các giấc mơ thiếu nữ, trong đó có biết bao trực giác đang ngủ biểu lộ ra theo đường lối bí hiểm; đó là một vẻ đẹp thống thiết, bởi vì rồi ra chúng sẽ hoàn toàn lạc đi mất, và cuộc đời thông thường sẽ chẳng dùng gì tới chúng. Nhiều trong số những tình yêu đó, tôi phải nói điều này, hẵng còn rất mơ hồ; đối tượng của chúng là các thanh niên trong vùng, và những người ấy chẳng hề hay biết. Các chị tôi rất mực ý tứ; hiếm khi nào họ tâm sự với nhau; đôi khi họ tảng lờ đi những gì mà họ cảm thấy. Lẽ dĩ nhiên, tôi còn quá nhỏ nên họ không tâm sự với tôi; nhưng tôi đoán được; tôi tự nhập mình vào với những khổ đau của họ. Những lúc người mà họ yêu bất chợt bước vào, tim tôi đập dồn, có lẽ còn hơn so với họ. Thật nguy hiểm, điều đó thì tôi chắc, đối với một đứa thiếu niên quá mức nhạy cảm, việc học cách nhìn tình yêu thông qua những giấc mơ thiếu nữ, ngay cả khi dường như họ thuần khiết, và rồi nó cũng tưởng đâu mình như vậy.

Lần thứ hai tôi đã ở sát bên bờ một lời thú nhận; tốt hơn hết là thực hiện nó ngay lập tức và thực hiện nó một cách hết sức giản dị. Các chị của tôi, tôi biết rõ điều này, cũng có bạn đồng hành, những người đó sống thân tình với chúng tôi, rốt cuộc tôi nghĩ mình gần như là một người em trai của họ. Tuy nhiên, có vẻ như chẳng gì ngăn cản tôi yêu một trong số những thiếu nữ ấy và có lẽ, cả em, em cũng thấy dị thường khi chuyện đã không như vậy. Thì đúng thế, chuyện là không thể. Một sự rụt rè có tính cách rất mực gia đình, rất mực bình thản, loại bỏ đi cho tới tận những nỗi tò mò, tận các nỗi lo âu của ham muốn, ấy là giả định tôi có thể có những cái đó khi ở bên họ. Tôi không nghĩ cái từ kính ngưỡng, mà tôi đã dùng vừa xong, là quá đà khi chuyện liên quan đến một phụ nữ rất tốt đẹp; càng lúc tôi càng bớt tin điều đó. Tôi từng ngờ (thậm chí còn quá mức) ngay về những gì tàn nhẫn có thể chứa đựng trong các động tác thể chất của tình yêu; hẳn tôi sẽ thấy kinh tởm khi hội tụ các hình ảnh kia của cuộc sống trong nhà, vốn dĩ hữu lý, tuyệt đối khổ hạnh và thuần khiết, với những hình ảnh khác, nhiều tính cách dục vọng hơn. Người ta đâu có đem lòng đắm say những gì mà người ta kính trọng, có lẽ cả những gì người ta yêu nữa; nhất là người ta không đắm say những gì giống mình; và cái mà tôi khác biệt nhiều nhất, thì không phải phụ nữ. Tài năng của em, bạn ơi, không chỉ nằm ở chỗ có thể hiểu mọi điều, mà còn là có thể hiểu mọi điều trước cả khi người ta nói hết. Monique, em hiểu tôi chứ?

Tôi không biết chính tôi hiểu ra vào lúc nào. Vài chi tiết, mà tôi thực sự chẳng thể kể lại, cho tôi thấy có lẽ phải ngược lên rất xa, cho đến tận các kỷ niệm đầu tiên của một con người, và rằng đôi khi các giấc mơ là đám tiền trạm của ham muốn. Nhưng một trực giác thì còn chưa phải một cám dỗ; nó chỉ làm cho cám dỗ trở nên khả dĩ mà thôi. Vừa nãy tôi đã tỏ ra tìm cách giải thích các thiên hướng riêng bằng những ảnh hưởng từ bên ngoài; chắc chắn chúng đã góp phần định hình những thiên hướng đó; nhưng tôi thấy rõ là người ta luôn luôn phải quay trở lại với các nguyên do thiết thân hơn nhiều, tăm tối hơn nhiều, mà chúng ta chẳng hiểu được mấy vì chúng trốn kỹ bên trong chính chúng ta. Sở hữu những trực giác đó là chưa đủ hòng soi sáng nguyên nhân, và không ai, xét cho cùng, có thể giải thích được nó hoàn toàn; vì vậy, tôi sẽ không quá cố sức. Tôi chỉ muốn cho thấy rằng những trực giác đó, chính bởi đối với tôi chúng thật tự nhiên, có thể tự phát triển thật lâu dài mà tôi không hay biết. Những người nói năng theo lối nghe hơi nồi chõ gần như lúc nào cũng nhầm, bởi họ nhìn từ bên ngoài, và họ nhìn theo lối thô thiển. Họ không hình dung được rằng các hành động mà bọn họ đánh giá là đáng kinh tởm có thể vừa dễ dàng lại vừa bộc phát, ấy thế mà phần lớn hành động con người đều vậy cả. Họ buộc tội hình mẫu, sự lây lan về mặt đạo đức, thế nhưng họ chỉ đẩy cho lui xa nỗi khó giải thích. Họ không biết rằng tự nhiên thì đa dạng hơn so với mức họ giả định; họ không muốn biết điều đó, vì đối với họ phẫn nộ thì dễ hơn là suy nghĩ. Họ ca ngợi sự thuần khiết; họ đâu biết sự thuần khiết có thể chứa đựng biết bao nhiêu là rối loạn; nhất là họ tảng lờ nỗi thơ ngây của tội lỗi. Từ tuổi mười bốn đến tuổi mười sáu, tôi có ít bạn nhỏ hơn trước kia, bởi tôi nhút nhát hơn. Thế nhưng (ngày hôm nay tôi nhận ra điều đó), một hay hai lần thiếu điều tôi đã được hạnh phúc mà vẫn hoàn toàn trong trắng. Tôi sẽ không kể những hoàn cảnh nào đã ngăn cản cái đó: điều này quá tế nhị, và tôi có quá nhiều điều cần nói thành ra không thể nán lại lâu nơi các hoàn cảnh.

Những cuốn sách lẽ ra đã có thể chỉ dạy cho tôi. Tôi từng nghe rất nhiều người lên án ảnh hưởng của chúng; sẽ thật dễ để nhận tôi là nạn nhân của cái đó; điều này có lẽ sẽ làm cho tôi trở nên thú vị. Nhưng sách đã chẳng hề có tác động nào lên tôi. Tôi chưa từng bao giờ yêu quý sách. Lần nào mở chúng ra, người ta cũng trông chờ sẽ có một khải ngộ gây sửng sốt, nhưng mọi lần khép chúng lại, người ta toàn cảm thấy nản lòng hơn. Vả lại, hẳn sẽ phải đọc tất tật, mà cuộc đời thì chẳng đủ cho việc ấy. Nhưng những cuốn sách không chứa đựng cuộc đời; chúng chỉ chứa tro tàn của nó mà thôi; chính đó, tôi cho là vậy, là cái người ta gọi là kinh nghiệm con người.




(còn nữa)


NB. đã tiếp tục Monsieur Teste của Paul Valéry



Như nước chảy (Comme l'eau qui coule)
Marguerite Yourcenar ở Việt Nam

9 comments:

  1. tuyệt! thực là có những văn chương khiến gây cảm tưởng đó là tất cả văn chương và hình như ko còn cần gì khác khi đọc nó.

    ReplyDelete
  2. Having read this I thought it was very enlightening. I appreciate
    you spending some time and energy to put this short article together.
    I once again find myself spending way too much time both reading and posting comments.
    But so what, it was still worthwhile!

    ReplyDelete
  3. Tuyệt vời quá anh ơi.
    Mong anh sẽ sớm đưa tác giả và tác phẩm này về vietnam.
    Cảm ơn anh đã dịch. Em tiếp tục chờ đọc tiếp.

    ReplyDelete
  4. chỉ nói về mình mà không phải vị kỷ; đứng ra chỗ một-người-khác đối với mình mà không phải tha hóa; ông trẻ này đùa bỡn cái tâm trí người ta như cách một ông thầy đùa bỡn đứa học trò, một người câu đùa bỡn con cá.

    ReplyDelete
  5. nhạc sĩ Alexis Géra xứ Bohême chính là nhân vật ("giọng" thì đúng hơn) đích thực đầu tiên mà Yourcenar tìm ra được, hồi 24-25 tuổi; "Alexis" được viết một mạch 13 tháng tại Lausanne

    ReplyDelete
  6. Hình ảnh của bạn trở nên ấn tượng và
    đáng nhớ hơn.

    ReplyDelete
  7. một lời giải thích nữa cho ảo tưởng về so called "sự đa dạng" của con người. vả lại "họ không muốn biết điều đó, vì đối với họ phẫn nộ thì dễ hơn là suy nghĩ."

    ReplyDelete