Mặc Đỗ là một César, Caesar (xem thêm ở kia):
Giờ đây, khi cuốn sách tuyệt vời đã quay trở lại (hơi chậm: vì nếu ra kịp trong năm 2017 thì sẽ đúng 100 năm ngày sinh Mặc Đỗ, nhưng ra vào năm 2018 thì cũng lại đúng 50 năm ngày nó được xuất bản lần đầu: bởi vì, đúng, với César Birotteau, ta lại có thêm một dấu ấn nữa của 1968), tôi đã có thể nói thêm: tôi nói thế hoàn toàn không phải là ẩn dụ (nhìn chung, gần như chẳng bao giờ tôi dùng đến ẩn dụ), mà đúng như vậy: trong câu chuyện (tôi sẽ không dùng từ "lịch sử") dịch thuật của Việt Nam, Mặc Đỗ là một dịch giả lớn, rất lớn. Không có đến năm người (chắc cùng lắm là năm người) đạt đến tầm cỡ như Mặc Đỗ; đấy là tính tất tần tật, mà trong số ấy đã đương nhiên có một chỗ cho Đoàn Thị Điểm. Mặc Đỗ là một César.
Tôi nhớ đến cái lần, cách đây đã nhiều năm, tại một hiệu sách cũ vô cùng xập xệ thành phố miền Tây nọ, không xa sông Hậu Giang, bỗng tôi vấp phải quyển sách ấy, màu vàng, rất to, có thể nói là cục mịch, rất cục mịch. Giống như một hộ pháp. Nhưng là một hộ pháp đã rất đuối sức. Như thể nó gọi tôi, nó muốn tôi để ý. Tôi đã mang bản dịch Balzac của Mặc Đỗ về; sau này, tôi thấy dường như ngoài tôi, suốt cả giới sưu tầm sách cũ ở Việt Nam (đấy là tôi chỉ tính toàn những người rất thâm hậu) chỉ rất, rất ít người có cuốn sách; đối với giới "phổ thông", César Birotteau đã tuyệt tích giang hồ (không chỉ "tuyệt bản", mà thực sự biến mất). Tại Việt Nam, trong vòng trên dưới ba mươi năm vừa rồi, người Việt Nam đọc César Birotteau thì sẽ đọc qua một bản dịch khác (trong đường link đầu tiên tôi đã nói đến).
Khi muốn bắt đầu với Balzac, tôi tìm một bản dịch cũ để tái bản. Tôi muốn khởi đầu như vậy, và trong một thời gian dài, tôi đinh ninh đó phải là Le Lys dans la vallée, bản dịch Bông huệ trong thung của Vũ Đình Liên. Đó là một bản dịch được thực hiện bằng tình yêu, và nó là một trong số rất, rất hiếm bản dịch Balzac trong tiếng Việt xứng đáng quay trở lại. Nhưng bỗng tôi nhớ đến quyển sách màu vàng rất lớn tìm thấy gần sông Hậu Giang năm nào. Đúng, phải chính là nó, không phải gì khác.
Cả một cuộc chạy đua (vì ban đầu tôi muốn César Birotteau quay trở lại đúng dịp 100 năm ngày sinh Mặc Đỗ: trước khi qua đời, Mặc Đỗ từng gửi tặng tôi những cuốn sách của ông ấy xuất bản sau này), và rốt cuộc cuốn sách đã quay trở lại. Tôi thấy gần như tuyệt đối không cần sửa chữ nào trong văn bản cũ; nhưng tôi thêm vào phần phụ lục chừng ba mươi trang ở cuối sách, trong ấn bản mới lần này. Mặc Đỗ thực sự hiểu Balzac, hiểu chân tơ kẽ tóc một pha khó như César Birotteau: Balzac có thể làm người ta hồi hộp như trong Les Chouans, có thể làm người ta đạt tới mức độ trác tuyệt của cảm năng như trong Hết ảo tưởng và Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, có thể làm người ta bay lên như trong Séraphîta, có thể làm người ta cười như chưa bao giờ được cười như ở rất nhiều câu chuyện (thời còn trẻ, tham vọng của Balzac là: vượt qua cả Rabelais lẫn Cervantes); nhưng César Birotteau đơn giản là không thể hình dung được.
Và, tiếp theo: André Maurois
Đây là ấn bản Nguyễn Đình Vượng, 1972; trước đó, bản dịch đã in trên một trong các phụ trương của tạp chí Văn, và có thêm ấn bản Giao Điểm 1968. Trong lời tựa cho cuốn sách (Mặc Đỗ viết nó rất sát trước khi Maurois qua đời), Mặc Đỗ thể hiện một sự hiểu Maurois khiến tôi phải sửng sốt. Sự hiểu Maurois ở Mặc Đỗ là sự hiểu của tinh thần rực sáng, vô cùng hiếm có. Thế cho nên, César Birotteau rồi, giờ là Climats (Tâm cảnh). Why not? khi mà đây chính là một cuốn tiểu thuyết rất không tầm thường, vả lại, năm nay, 2018, chính là tròn 90 năm nó xuất bản lần đầu (1928). Cũng như César Birotteau, Climats của Maurois có nhiều hơn một bản dịch tiếng Việt (thậm chí nhiều hơn hai).
"lần lần từng khu vực một": tuyệt hảo
Một tác phẩm khác của Maurois:
Đây không phải ấn bản đầu của cuốn sách (mà là ấn bản 1948), nhưng tôi thích nó vì đó là sản phẩm của một nhà xuất bản Pháp nhưng lại mang một cái tên Hungary, Ferenczi; nhà xuất bản này liên quan tới một vài câu chuyện khác, tôi sẽ còn trở lại sau.
Cuộc Mặc Đỗ-Maurois khiến cái nhìn của tôi được điều chỉnh không ít: cho đến gần đây, André Maurois, tức Émile Herzog, đối với tôi chủ yếu là tác giả của những cuốn tiểu sử, nhất là cuốn sách về Marcel Proust, mà tôi đã nhắc đến ở kia.
Cuốn sách ấy đây, ấn bản đầu, 1949:
Maurois còn viết về nhiều nhân vật Pháp khác nữa, nhưng tôi chỉ quan tâm đến Maurois viết về các nhân vật ngoài Pháp, như dưới đây:
Tourgueniev: mà đúng, Tourgueniev cũng cần quay trở lại chứ, đâu chỉ Dostoievski, thế cho nên sẽ rất sớm có Tourgueniev, khởi đầu là Bút ký người đi săn, và tôi hứa là trong riêng lĩnh vực Tourgueniev, tôi sẽ làm không ít điều bất ngờ.
Bắt đầu sang mảng chính của Maurois: các nhân vật người Anh (là người Pháp, Do Thái, nhưng Maurois đặc biệt quan tâm đến nước Anh và nước Mỹ; thật ra, Maurois nổi tiếng ở Anh và Mỹ hơn so với ở Pháp; hiện tượng này - đảo ngược - cũng xuất hiện trở lại ở, chẳng hạn, Paul Auster, người Mỹ nhưng nổi tiếng ở Pháp hơn; tôi biết tôi vừa có một so sánh tương đối ngớ ngẩn, nhưng thôi kệ).
Benjamin Disraeli hai lần chấp chính, tức là hai lần làm thủ tướng nước Anh, và là một người Do Thái, và là một yếu nhân rực rỡ của truyền thống "Tory". Disraeli còn là một nhà văn, dưới đây là một tiểu thuyết, Sybil (phụ đề của nó là Two Nations):
Quyển sách viết về Disraeli của Maurois, may quá tôi có ghi ngày mua nó: tháng Năm năm 2005, và là mua trên Boul' Mitch'.
Hai nhân vật Anh nữa trở thành chủ đề sách cho Maurois: Shelley và Browning (cả hai vợ chồng):
Tập thơ khủng khiếp của người vợ Browning, Elizabeth Barrett:
Và tất nhiên, không thể thiếu cuốn sách vô cùng đặc biệt của André Maurois; Maurois viết về người thầy của mình, Alain - Maurois (Émile Herzog) chính là học trò cưng của Alain:
Ấn bản đầu, của nhà xuất bản Domat, 1950.
Mặc Đỗ: một César
Dịch thuật miền Nam
Mặc Đỗ
Dịch thuật Việt Nam
Bộ human comedy hồi xưa in hết không bác?
ReplyDeletelâu lâu gặp được câu hỏi thuộc hạng píp píp píp cỡ này, sảng khoái thật
ReplyDeleteYêu khủng khiếp. Đẹp khủng khiếp
ReplyDeleteNhững bản sonnet của Browning