Apr 20, 2018

Marguerite Yourcenar ở Việt Nam

Nếu tôi được hỏi (nhưng chẳng ai hỏi tôi bao giờ, thế mới sầu), tôi sẽ nói: tại sao lại Marguerite Duras? Phải là Marguerite Yourcenar chứ. Một nhà phê bình tên là Angelo Rinaldi (Achtung: tên thì thế thôi, nhưng chẳng có gì "angel" hết cả đâu ("You're my angel; Come and save me tonight" - Aerosmith)) từng nói ở cái tuổi khi Colette đã trồng hoa và làm mứt thì Duras vẫn cứ tình với chả ái.


Mémoires d'Hadrien: kỳ học đầu tiên của tôi tại Paris IV, một trong những môn bắt buộc có trong "corpus" chính Mémoires d'Hadrien, kèm với một tập thơ: Les Amours jaunes của Tristan Corbière. Dường như ở Việt Nam không bao giờ Corbière được biết đến; năm xưa, Paul Verlaine đặt ra danh hiệu sẽ còn vang bóng đến tận bây giờ, "poète maudit" (nhà thơ bị nguyền rủa), ở một tiểu luận cực kỳ nổi tiếng, trong danh sách (rất ngắn) của Verlaine, đến cả Desbordes-Valmore cũng vẫn loáng thoáng được biết tới ở Việt Nam, nhưng Corbière thì tuyệt đối không (hoặc gần như thế) - ít nhất tôi chưa thấy bao giờ. Nói ngắn gọn, bài thi học kỳ đầu tiên năm ấy (hoặc cũng có thể là kỳ hai của năm thứ nhất) - bài thi dài bốn tiếng liền - tôi trông đợi đề bài rơi vào Hadrien nhưng cuối cùng lại là thơ Corbière. [nói thêm: tôi đã tưởng muôn đời không bao giờ qua nổi môn ấy, thế nhưng tôi lại qua nó luôn, lại còn tương đối hiển hách]

Bản dịch tiếng Việt, nhiều người chắc biết rõ, có tận hai tập trông rất dày là vì ở phía sau nó in vào nguyên bản tiếng Pháp.


Phương Thảo và Võ Quảng, hai người dịch cuốn sách, là vợ chồng.

Chắc chắn tôi vẫn còn giữ ấn bản folio Mémoires d'Hadrien mà tôi đã dùng để học năm xưa (bà giáo sư già dạy môn ấy đáng sợ vô cùng, có những lúc ngồi nghe giảng tôi cảm thấy mình phát ốm theo đúng nghĩa đen), trong đó gạch chân, đánh dấu ghi chép chằng chịt, nhưng nhét vào đâu mất không thể lục ra ngay. Cho nên dưới đây là một bản khác, ấn bản đầu oanh liệt của Mémoires d'Hadrien:


Để tránh mọi tranh cãi có thể phát sinh: đây là ấn bản "nối" của bản đầu, "nghìn thứ 23" (cách ghi này cũng từng phổ biến một thời tại Việt Nam).

Mở đầu, "Mon cher Marc":



Hoàng đế vĩ đại của La Mã bỗng bị một phụ nữ thế kỷ 20 phanh phui khủng khiếp, dò tìm vào tận sâu trong tâm hồn và tinh thần: ấy là Mémoires d'Hadrien.

Bản của tôi được đóng theo phong cách mà chắc hẳn rất nhiều nhà sưu tầm rất thích, nhất là cái gáy; đối với tôi thì như thế này cũng tốt, không như thế này cũng tốt nốt:


Nhưng điều dưới đây, liên quan đến bản dịch tiếng Việt Mémoires d'Hadrien thì chắc ít người biết:


Bản dịch ấy xuất hiện dưới một hình thức khác hẳn, và chỉ còn ghi tên một người dịch:



Như trên đã nói, họ là vợ chồng, cho nên xét ở một phương diện nào đó, có những điều bất khả tư nghị.

Một cuốn sách dày khác của Yourcenar:


(L'Oeuvre au noir)

Một tác phẩm mỏng:


Bên trong có chữ ký dịch giả:


Một tập truyện ngắn:


Tức thế, đúng lúc cần thì  lại biến đi đâu mất, không thì có phải đã trưng bày cả bản tiếng Pháp, tiếng Anh lẫn tiếng Việt không.

Ngoài Võ Quảng, ta lại còn có Bùi Hiển:



Ai rành nội dung cuốn sách này (Nouvelles orientales) thì sẽ biết bản tiếng Việt không hoàn toàn đầy đủ:



Tôi còn nhét vào đâu mấy quyển khác nữa, nhất là Alexis (tác phẩm in năm 1929 tại một nhà xuất bản rất đặc biệt: Au Sans Pareil - tôi sẽ sớm quay trở lại với nhà xuất bản này, trong tương quan với một nhà xuất bản khác, José Corti), Sous bénéfice d'inventaire hay Archives du Nord. Và, khi nghĩ sẽ đi vào thế giới của Yourcenar bằng con đường nào, tôi bắt đầu thấy gần như chắc chắn đó phải là cuốn sách in năm 1980, Mishima ou la vision du vide.


Trên đây đã đầy đủ những gì trong tiếng Việt của Yourcenar chưa? Theo tôi, về cơ bản đã đủ. Nhưng vẫn chưa hoàn toàn, có một tập truyện Bùi Hiển dịch nữa, không chỉ tác phẩm của Yourcenar. Tôi thấy cần phải khám nghiệm kỹ hơn một chút nên chưa nói đến nó ngay. Sẽ sớm có "phụ chú".



[phụ chú viết ngày 26 tháng Tư năm 2018]

Ta hãy xem quyển sách dưới đây:


(đây là một trong những cuốn "sách tài trợ" - ta sẽ cần có riêng một mục cho "dòng" sách này, nó nói lên không ít ý nghĩa trong câu chuyện xuất bản của Việt Nam)

nhìn mục lục thì sẽ thấy Yourcenar (trang thứ hai):



Thật ra đây là hai truyện rút từ tập truyện ngắn Yourcenar do Bùi Hiển dịch, hình ảnh đã có ở trên.

Chừng nào thử làm một việc: kiểm kê những gì đã được dịch sang tiếng Việt của một tác giả nước ngoài nào đó, chúng ta bắt đầu thấy một thứ: chúng ta bắt đầu nhìn thấy tai họa. Tai họa nằm ở chỗ: không thể, gần như không thể thực sự kiểm kê được. Như quyển sách này, nhìn chung chỉ có thể do tình cờ mà ta biết đến, rồi do tình cờ mà nhìn thấy hai truyện của Yourcenar (chưa nói đến chuyện phiên âm). Kiểu sách như thế này chính là một tập quán xuất bản ở Việt Nam một thời gian dài. Đã gần như không thể tra cứu (vì tên riêng bị phiên âm, cũng như không chỉ vì riêng chuyện đó) thông qua search engine của Thư viện Quốc gia Việt Nam, ta lại còn vấp phải vấn đề: các truyện chạy đi lẻ tẻ khắp các tập sách kiểu thế này. Chưa nói đến đăng báo (tập quán của báo Việt Nam là báo quái nào cũng đăng truyện).

Và ở mỗi khu vực lại có ngôi sao riêng. Riêng khu vực của những quyển sách tai họa cho công việc kiểm kê (tức là cho một nhận thức đầy đủ), ngôi sao nằm ở đây (đặc biệt là nhân vật đứng vị trí thứ hai).


Tôi sẽ còn quay trở lại "đặc điểm" này, trong một bối cảnh rộng hơn, của câu chuyện dịch thuật cũng như câu chuyện xuất bản Việt Nam.





Bernard Malamud và Naguib Mahfouz ở Việt Nam
Isaac Bashevis Singer ở Việt Nam
Stefan Zweig ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam
Maiakovski ở Việt Nam
César Birotteau ở Việt Nam
Simenon ở Việt Nam
Dostoievski ở Việt Nam
Les Trois Mousquetaires ở Việt Nam
Guy de Maupassant ở Việt Nam
Alexandre Dumas ở Việt Nam
Jules Verne ở Việt Nam
Flaubert ở Việt Nam
Balzac ở Việt Nam
"Oceano Nox" ở Việt Nam
Sử ký Tư Mã Thiên ở Việt Nam
Dante ở Việt Nam
Céline ở Việt Nam
Ngọc lê hồn ở Việt Nam
Marina Tsvetaeva ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam
La Dame aux camélias ở Việt Nam
Alphonse Daudet ở Việt Nam
Shakespeare ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam (một khoảnh khắc: Châu đảo)
Kim Bình Mai ở Việt Nam
Liêu trai chí dị ở Việt Nam
Boccaccio ở Việt Nam
Pierre Teilhard de Chardin ở Việt Nam
Borges ở Việt Nam
Georges Perec ở Việt Nam
Bonjour tristesse ở Việt Nam (+ Bản dịch Bonjour tristesse tiếng Việt thứ năm)
Nathaniel Hawthorne ở Việt Nam
Patrick Modiano ở Việt Nam
Malaparte ở Việt Nam
The Great Gatsby ở Việt Nam
Anna Karenina ở Việt Nam
Animal Farm ở Việt Nam
Émile Zola ở Việt Nam


4 comments:

  1. Bản dịch Anh ngữ của người tình bà này dịch, có thêm nhiều tranh ảnh thời La Mã xem thú phết.

    ReplyDelete
  2. mở đầu cái chỗ ông Angelo từng nói... hứa hẹn thế, mà đoạn sau toàn sách là sách^^

    ReplyDelete
  3. Em nhớ Đòn Kết Liễu cũng có mặt trong một số của tạp chí Văn Học Nước Ngoài. ĐỌc được vài chương cuốn này từ số ấy, hình như chuyên đề VH Pháp

    ReplyDelete