Nov 2, 2018

(một người) Ernesto Sabato

Trước tiên, xem ởkia.

(cũng đã tiếp tục bài "Italo Calvino ở Việt Nam", đây cũng là để tiếp tục chuỗi "một người")

Một tác phẩm văn chương lớn luôn luôn không định nói điều gì cả; nếu nó trông như là có nói lên một điều gì đó, thì "điều gì đó" ấy thường xuyên sẽ là: nó sẽ không nói gì cả, và rốt cuộc đã không nói gì cả. Đấy là vì một tác phẩm văn chương lớn thì có một tương quan kỳ lạ với một điều, sự thật.

Sự thật giống như một giai nhân, chứ không phải như một đứa bé gái chạy tới ôm cổ chúng ta (Schopenhauer, hay cũng có thể là Nietzsche, đã nói thế, chắc Nietzsche thì đúng hơn, mà không, phải là Schopenhauer, ở một trong mấy chương mở đầu Thế giới với tư cách ý lực và với tư cách biểu hiện); mặc dù một giai nhân là một đứa bé gái lớn lên, và lúc nào ở bên trong một nàng giai nhân cũng có một đứa bé gái (dường như sự phát triển ấy rất khác so với cái mà Bob Dylan từng miêu tả, "How many roads" etc.), thì trong khi một bên gần gũi, bên kia sẽ luôn luôn tồn tại ở một khoảng cách vô tận. Có thể có cái đẹp (và sự thật) nếu không có khoảng cách á? không có chuyện ấy (Simone Weil).

Sự thật rất hay được miêu tả là "không thể nói". Có cả một truyền thống (một trong những truyền thống lớn, dài và phong phú nhất của loài người), truyền thống "mysticism" chứng nhận cho điều đó. Cái ineffable, indicible này là một cám dỗ, một thử thách, và cũng là một cái bẫy. Dường như văn chương lớn là văn chương lớn chỉ vì nó không chấp nhận sự ineffable, indicible (hiển nhiên) ấy dễ dàng như những văn chương khác.

Một khác biệt rất rất nhỏ, nhưng làm nên mọi thứ. Trong cách thức riêng của Ernesto Sabato, điều đó thể hiện ở chỗ: suốt hàng chục năm, cứ viết cái gì xong là Sabato lại xé đi. Đây không hẳn là một sự lưỡng lự, mà hành động viết rồi lại xé, trong tính chất nghi thức của nó, là cách thức để Sabato deal với sự thật.

Kết quả của chuyện ấy là chúng ta có rất ít tác phẩm của Sabato. Có một khía cạnh Juan Rulfo ở Sabato. Nhưng nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa phải như thế, có các nhà văn lớn là lớn chính vì chỗ không bao giờ ngừng viết, tạo ra khối lượng tác phẩm khổng lồ (sự khác biệt nằm ở nghi thức, chứ không nằm ở tính mục đích).

Sinh năm 1911, đến tận năm 1948 Sabato mới cho in cuốn tiểu thuyết Đường hầm (đã có bản dịch tiếng Việt); Sabato thuộc vào số các nhà văn xuất hiện rất muộn, có những người mà chúng ta đã rất quen, như Khái Hưng, hoặc những người bắt đầu quen, như Bohumil Hrabal. Sau cuốn tiểu thuyết (rất mỏng) về bức tranh, người phụ nữ xuất hiện ở buổi triển lãm và cái đường hầm ấy, tưởng như sẽ không bao giờ có gì nữa. Sabato viết và vứt bản thảo đi, cứ như thế mãi cho đến tận 13 năm sau nữa, 1961, mới có cuốn tiểu thuyết dưới đây:


(tổng cộng Sabato sẽ chỉ có ba cuốn tiểu thuyết, một trilogy, quyển thứ ba đã nói trong đường link đầu tiên; trong rất nhiều năm, sau khi đã đọc cuốn thứ nhất và cuốn thứ ba, tôi không sao tìm nổi cuốn ở giữa, Sobre heroes y tumbas; như thể nó bị bốc hơi biến mất; như vậy tôi gần như chỉ còn một thứ của Sabato muốn đọc, những bài nói chuyện của Sabato với Borges: có ai định tặng tôi không? bằng tiếng nào cũng được, kể cả tiếng Tây Ban Nha; tôi không thực sự biết tiếng Tây Ban Nha, nói đúng hơn trong tổng số những ngôn ngữ tôi từng học, tiếng Tây Ban Nha là thứ tiếng tôi bỏ sớm nhất, nhưng nếu có những trò chuyện giữa Sabato và Borges thì tôi sẽ xoay xở được để đọc)


(tại thư viện ởkia có cuốn tiểu thuyết thứ nhất và thứ ba của Sabato, nhưng không có cuốn giữa; suốt một thời gian dài, tôi cũng bị rối trí vì thấy, sau một số tìm hiểu, trong tiếng Pháp có bản dịch một tác phẩm tên là Alejandra: cái nhan đề ấy khiến tôi ngờ ngợ, nhưng không chắc được điều gì; mãi về sau tôi mới biết, đúng là Sobre heroes y tumbas có tồn tại trong tiếng Pháp dưới cái tên Alejandra, cũng đã có lúc tôi định chuyển qua tìm trong tiếng Anh, hay thậm chí học tiếng Tây Ban Nha cho cẩn thận để đọc, nhưng may quá rốt cuộc tôi cũng đã tìm được Héros et tombes)

Sabato - dường như giống không ít người khác, dẫu điều đó thì không phải ai cũng thể hiện ra - nghĩ rằng cần phải tìm sự thật ở thành phố: thành phố của con người nghĩa là nỗi sợ và nỗi buồn; gồm sợ và buồn nên khả năng rất lớn là thành phố chứa đựng cả sự thật.

Buenos Aires (Sabato cũng là một người Argentina châu Âu hóa cao độ, thành thử Sabato mà trò chuyện với Borges thì chắc phải rất hấp dẫn) đối với Sabato là cái thành phố có nhiều quán pizza hơn Rome và Napoli cộng lại; đó là một "tháp Babel" hỗn loạn, đó là một "Leviathan khủng khiếp" (trích từ Sobre heroes y tumbas). Chưa cần đến bất kỳ chế độ độc tài chính trị nào, thì Buenos Aires đã hết sức đáng sợ. Và sâu hoắm.

Bởi vì, Sabato luôn luôn tìm cách đi sâu xuống bên dưới thành phố (sự thật thì có nhiều tầng - không một tầng riêng biệt nào có thể đựng sự thật).


Các tiểu thuyết của Sabato có những phần trùng vào nhau; nói đúng hơn, cuốn tiểu thuyết này ngoạm vào cuốn tiểu thuyết kia, trong thế giới của Sabato. Bởi vì Sabato chỉ viết độc một trilogy, tính chất ấy càng trở nên rõ ràng, làm nên một ấn tượng rất dai dẳng: ta có cảm giác chẳng bao giờ thực sự thoát ra nổi khỏi những câu chuyện ấy. Nhưng luôn luôn - đây là chủ đề chung - thành phố Buenos Aires được nhìn từ bên dưới, nhìn sâu vào trong nội tạng của nó: có rất nhiều hành lang và cầu thang dẫn xuống (và rất hiếm khi - gần như không bao giờ - đi lên). Ở bên dưới nỗi sợ của bề mặt thành phố, còn có sự âm u tràn ngập những khoảng không gian kỳ bí, cống ngầm và không chỉ là cống ngầm.

Cuốn tiểu thuyết về "anh hùng" và "nấm mồ" có cặp nhân vật chính là Alejandra và Martín, thêm người đàn ông quen biết bố mẹ của Alejandra từ nhỏ, Bruno. Martín sống qua cuộc tình chất chứa dục vọng và khoái cảm nhưng cũng đầy ngờ vực, vì Alejandra là cả một bí mật lớn.

Giống Karamazov (vả lại, Sabato có nhắc đến Dostoievski trong cuốn tiểu thuyết), Sobre heroes y tumbas có một phần riêng, như thể rời ra khỏi tổng thể; cuốn tiểu thuyết có bốn phần thì phần thứ ba tên là "Bản báo cáo về người mù", nơi người kể chuyện là ông bố của Alejandra, gần như không xuất hiện trong tuyến truyện chính, hoặc chỉ như một bóng ma ám ảnh mãi không thôi. "Tôi tên là Fernando Vidal Olmos, sinh ngày 24 tháng Sáu năm 1911 tại Capitán Olmos, trấn nhỏ thuộc tỉnh Buenos Aires mang tên kỵ của tôi." Fernando (hay Vidal) bỏ cả cuộc đời tìm cách xâm nhập thế giới của người mù. Giống một số người, Fernando cho rằng sự sáng suốt đúng nghĩa, chỉ những người mù mới sở hữu, chứ không phải người sáng mắt; và thế giới người mù thì âm hiểm vô song. Trong cái nhìn của Fernando, Maupassant vì cố biết về người mù mà đã bị trừng phạt phát điên; có số phận tương tự là những người như Rimbaud hay Lautréamont.


Gilles Deleuze, trong một bình luận xuất chúng (và cực ngắn) về Lewis Carroll nói đến điều sau đây: Carroll là con người của những độ sâu, của sự đi sâu xuống, là người deal với thế giới ở dưới sâu (Alice's Adventures in Wonderland ban đầu mang nhan đề Alice's Adventures Under Ground). Một người như thế deal với độ sâu nhưng cùng lúc cũng (đây mới là điểm quan trọng) deal với các bề mặt.

Sabato và các bề mặt:



(còn nữa)



(một người) August Strindberg

4 comments:

  1. những tiên tri thì điên, những người mù thì thấy, còn chúng nhân ai cũng tránh bị điên hay bị mù, cho nên "sự thật" nếu có thì ko những vô ích mà còn nguy hiểm.

    ReplyDelete
  2. ấy ấy cứ đợi tí, đoạn tiếp theo đã có một hỗ trợ bất ngờ: Gilles Deleuze

    ReplyDelete
  3. nói đến độ sâu có thể trượt nhanh xuống đến một tế bào, nơi độ sâu ko còn nữa. trở lên là những chống chất. và cái độ ấy khi trải ngang ra lại có thể thành e.g "rừng sâu" - những bề mặt không thấy được chỉ vì chúng hợp thành một mê cung.

    ReplyDelete
  4. Còn xơi mới bỏ được thật

    ReplyDelete