Aug 29, 2017

Một thành phố khác, những thành phố khác

Sau khi đọc cuốn sách lớn của Mario Levi về thành phố Istanbul (một trong những phát hiện tình cờ lớn nhất của tôi trong mấy năm vừa rồi), tất nhiên tôi tìm xem về thành phố Istanbul ấy có những cuốn sách nào khác nữa hay không.

Tôi thử mấy cuốn khác, rồi nhanh chóng nhận ra, không bao giờ nên ép buộc sự tình cờ. Vả lại, có lẽ nên quay sang các thành phố khác, vì trên đời không chỉ có Istanbul. Nhất là, tôi đọc phải Bonbon Palace (tức là The Flea Palace) và tôi kinh hãi nhận ra một điều, rằng có quá nhiều sự hao hao Khaled Hosseini, rằng cứ khi nào có một "chủ đề" nào đó "thành công", tức thì người ta lao vào, làm nở rộ hoa trái những bắt chước lẫn nhau. Nhưng cuốn sách về thành phố Kabul kia, làm sao mà chịu nổi nó.

Tức là, văn chương rất dễ trở thành porn. Trong sự bắt chước lẫn nhau một cách đồng loạt, có rất nhiều yếu tố của porn. Người ta có thể porn hóa Kabul, người ta có thể porn hóa Istanbul, rất nhiều thành phố khác nữa, người ta cũng có thể (và đã, rất nhiều) porn hóa Sài Gòn hay Hà Nội.

Sức mạnh của porn là sức mạnh hủy diệt trên diện rộng: người ta còn có thể porn hóa Shoah. Đứng đầu bảng trong số này là bộ phim La Vita è bella của Benigni. Những cuốn sách đặc biệt porn về Shoah: Der Vorleser của Bernhard Schlink, The Book Thief của Markus Zusak; thêm vào đó nữa: câu chuyện liên quan đến Oskar Schindler.

Cũng may là trên đời không chỉ có thành phố Istanbul.

Tạm bỏ qua Istanbul để đến Buenos Aires. Nhưng không phải thành phố Buenos Aires của Borges, cũng không phải Buenos Aires của Julio Cortázar (thật ra, cả Borges lẫn Cortázar châu Âu nhiều hơn là Ác-hen-ti-na).

Ernesto Sabato cũng lại rất châu Âu nốt. Trong một cuốn tiểu thuyết, Roberto Bolaño từng nói đến chứng cuồng Paul Valéry của những người "Latin", rồi lại chứng cuồng Ernst Jünger (hoặc trong hai cuốn tiểu thuyết khác nhau, hoặc cũng có thể là trong cùng một cuốn tiểu thuyết, tôi không nhớ rõ nữa). Sabato thì kể về quãng đời tuổi trẻ ở quartier latin, Paris. Sabato từng rất gắn bó với Institut Curie, tức là rất gần trường École Normale Supérieure. Nhưng cũng có một giai đoạn, Sabato hồi trẻ ngủ đêm nhờ ở phòng của người gác cổng trường Normale Sup. Về trường ENS, xem thêm ở kia.

Đó là những gì Ernesto Sabato kể trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1974: Abbadón el exterminador. Một cuốn tiểu thuyết lớn, rất lớn, trong đó thành phố Buenos Aires hiện lên ảm đạm huy hoàng. Ngay tức khắc, cuốn tiểu thuyết của Sabato tự xếp mình chung vào "gia đình tinh thần" cùng Lisbon của Pessoa, hay Saint-Petersburg của Dostoevsky, hay Trieste của Italo Svevo (và Robero Bazlen). Ta sẽ gọi cuốn tiểu thuyết của Sabato, cho đơn giản, là Thiên thần hủy diệt. Cũng hơi giống Juan Rulfo, Sabato viết rất ít. Sự viết của Rulfo hay Sabato gồm nhiều không viết hơn là viết: thậm chí sự không viết còn gấp rất nhiều lần sự viết. Ở các nhà văn, sự không viết là cái bóng của sự viết, còn ở một số người, trong đó có Rulfo và Sabato, chuyện ngược lại, chính sự viết mới là cái bóng của sự không viết. Cứ như họ chính là các bậc thầy Đạo học mặc dù không hề tự biết thế. Vả lại, La Bruyère từng nói, phẩm hạnh của một số người là viết, nhưng đối với một số người khác (có lẽ đông hơn - phần trong ngoặc đơn này là do tôi tự thêm vào) phẩm hạnh chính là đừng có viết. Viết nhiều (và nói nhiều) thế để làm gì?

Ernesto Sabato có một cách nhìn rất đặc biệt (chỉ có tiểu thuyết gia lớn khi nào có một cái nhìn hoàn toàn mới - Marcel Proust). Năm 1974, Sabato cho in Thiên thần hủy diệt, nó giống như là phần cuối của một "trilogy" (về cơ bản, Sabato chỉ viết có mỗi như vậy) bắt đầu bằng một cuốn tiểu thuyết (rất ngắn) in năm 1948.

Nhưng cuốn tiểu thuyết năm 1948 này đã có bản dịch tiếng Việt, không biết đã có ai đọc chưa: Đường hầm.

Đường hầm của Sabato là một cuốn tiểu thuyết hoảng loạn, cuốn sách về một họa sĩ vẽ một bức tranh và nhận ra trong số tất tật những ai đến xem triển lãm, chỉ độc một phụ nữ để ý đến một chi tiết trên bức tranh ấy. Và đúng là chỉ duy nhất chi tiết ấy (một cửa sổ) là có ý nghĩa.

Cuốn tiểu thuyết Đường hầm thể hiện ở dạng cô đặc cái nhìn riêng của Sabato: có hai loại người, một  ở bên ngoài thế giới kia, một loại (trong đó có nhân vật họa sĩ) đi trong hầm. Mỗi người đi trong một đường hầm. Cứ thế mà đi, chẳng biết cái đường dẫn về đâu, gần như không bao giờ nhìn thấy gì (Sabato cũng là một nhân vật lớn trong riêng lĩnh vực "mù"). Nhưng đôi khi, đột nhiên, rất bất ngờ, có những đoạn vách hầm trong suốt như làm bằng kính, họ bỗng nhìn thấy bên ngoài. Đối với họa sĩ trong Đường hầm, khoảnh khắc "nhìn thấy" đó là khi anh ta trông thấy người phụ nữ ngắm bức tranh của mình. Giống như một sự bốc lên không thể ngăn cản của tuyệt vọng, họa sĩ hiểu rằng anh ta đã may mắn gặp được một người giống như mình, cũng đi trong một đường hầm, đường hầm ấy chung vách, ít nhất một số đoạn, với đường hầm riêng của anh ta. Điều ấy có thể đúng, nhưng điều ấy, thật tệ, và dường như đó là trường hợp của nhân vật họa sĩ, cũng có thể sai. Nói chung, luôn luôn nên chờ đợi điều tệ hại.

Đó là cái nhìn của Sabato. Cách nhìn đó không hề thay đổi từ Đường hầm sang cuốn tiểu thuyết dày gấp nhiều lần, Thiên thần hủy diệt. Cuốn tiểu thuyết nhiều nhân vật hơn (trong đó có cả nhân vật "Ernesto Sabato", tác giả của vài cuốn sách), nhưng nó chỉ chăm chăm chọn những nhân vật nào đi trong hầm.

Những người đi trong hầm nhìn thấy thành phố của họ từ một góc nhìn khác, từ mối phối cảnh khác. Họ nhìn từ dưới lên. Và họ hiểu rằng phần bên trên (tức là lộ thiên) của một thành phố có tương ứng ở phía bên dưới, vô hình với gần như mọi con người. Những con người (bị nguyền rủa) đó sống phần bên dưới của thành phố.

Đoạn cuối Thiên thần hủy diệt hoàn toàn có thể so sánh với những đoạn khủng khiếp nhất của Dostoevsky.


À quên đấy, "mấy sách mới" hôm trước thiếu mất quyển này:


1 comment: