May 12, 2019

Miếng da lừa

Những tìm kiếm của tôi về Nguyễn Văn Vĩnh dịch giả, dần dà đã dẫn tôi đến với một nhìn nhận quan trọng: cần phải xem kỹ một khoảnh khắc, đó là khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch Balzac. Vả lại, bản dịch Miếng da lừa có niên đại rất sớm trong cuộc dịch sách của Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi nghĩ là tôi đã có thể khẳng định, Nguyễn Văn Vĩnh dịch Miếng da lừa của Balzac trước khi dịch Ba người ngự-lâm pháo-thủ của Alexandre Dumas. Công việc dịch sách của Nguyễn Văn Vĩnh - dường như - đã có thể thực sự bắt đầu khi tìm ra được đối tượng then chốt. Nguyên do của điều này (theo tôi, tất nhiên), nằm ở chỗ kích cỡ của Nguyễn Văn Vĩnh cần kích cỡ tương đương - và đó là Balzac (về kích cỡ Balzac, chủ yếu xem ởkia).

(cũng trong sự tìm kiếm ấy, tôi bắt đầu thấy cần đặc biệt nhìn vào cả một số nhân vật cùng thời - và đó không phải Phạm Quỳnh - nhất là Nguyễn Văn Tố: xem ởkia)

Như vậy, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch vô vàn tác giả, nhưng đặc biệt, đó là người hiếm hoi (tôi nghĩ là duy nhất - tôi sẽ kiểm tra thêm, nhưng tôi cho rằng đó thực sự là người duy nhất) dịch cả bộ ba Balzac-Hugo-Dumas. Có một số người dịch hai trong số bộ ba ấy, nhưng bao trùm được cả ba thì thực sự rất khó: đó là gần như toàn bộ chủ nghĩa lãng mạn của văn chương Pháp, phần chính yếu hơn cả của văn chương Pháp nửa đầu thế kỷ 19 (và cả sau đó - Victor Hugo sống rất thọ).

Đối với tôi, lịch sử dịch Balzac tại Việt Nam có hai thời điểm xuất chúng nhất: thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh dịch Miếng da lừa và thời điểm Mặc Đỗ dịch César Birotteau, năm mươi năm sau đó. Điều hài hước là không ai biết đến cả hai khoảnh khắc ấy. Cách đây không lâu, tôi đã đưa được bản dịch rất lớn của Mặc Đỗ quay trở lại, giờ đến lượt bản dịch lớn không kém của Nguyễn Văn Vĩnh.

Bản dịch tiếng Việt La Peau de chagrin (về riêng nhan đề này, xem ởkia) của Nguyễn Văn Vĩnh, tôi sẽ còn quay trở lại với các chi tiết liên quan đến lịch sử của nó, giờ chúng ta đọc một số trích đoạn từ đó. Dưới đây là khi nhân vật chính (Nguyễn Văn Vĩnh gọi tên là "Ra-phần") đã có cuộc ghé cửa hiệu và tìm được miếng da lừa lừng danh, và đang kể lại chuyện đời mình cho Émile Blondet (Nguyễn Văn Vĩnh gọi là "Ê-minh") - Émile Blondet xuất hiện trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc Vở kịch con người, một nhà văn, nhà báo có tài năng (tài năng kiểu Paridiêng). Trong Miếng da lừa Rastignac nhân vật lừng danh cũng xuất hiện.

Văn bản không thay đổi, sửa chữa chút nào (có những chỗ có thể suy đoán là lỗi in) so với nó từng xuất hiện cách đây khoảng một thế kỷ ("Tây-bỉ-lị-á" là Sibérie tức Siberia; lúc nói đến cuốn sách có cụm "lòng quyết muốn" ý muốn nói "ý chí": "Ra-phần" từng viết một khảo luận về ý chí con người; "Truyện Da-lừa" của Perrault được nhắc đến là "Peau d'âne" chứ không liên quan gì đến La Peau de chagrin này - như ai cũng biết, Nguyễn Văn Vĩnh cũng là dịch giả của Perrault). Trong câu chuyện về gia thế "Bô-linh" (Pauline) cũng có chi tiết liên quan tới Chiến dịch Nga của Bonaparte giống như trong tiểu thuyết Vĩnh biệt.


-----------

Sự học làm cho ta trông cảnh vật và những sự ở quanh mình ta, hình như tự dưng hóa được phép sanh-hoạt. Cái bàn giấy nhỏ mọn của tôi tì mà làm việc, trên phủ tấm da mùi nâu, cái đàn gõ của tôi, cái giường, cái ghế, những hoa vẽ trên tờ giấy dán vách, cùng là những đồ đạc, bấy nhiêu thứ đều như mới chịu phép lạ mà biết cử động, biết cảm tình, hiện ra mà làm bạn với tôi, mà cùng với tôi lo lắng danh-phận mai sau cho tôi. Biết bao nhiêu lần tôi đã ngồi thừ ra nhìn nó, mà truyền cho nó biết cái tim-đen của tôi.

Cũng lắm lúc tôi để cho con mắt tôi dạo chơi trên cái đường chỉ đã cong, thì hình như tự dưng thấy tôn-chỉ của mình thêm rộng nghĩa, thêm tang chứng, thêm tiếng mới đúng nghĩa mà diễn ra những tư-tưởng xưa nay vẫn nghĩ không diễn được.

Tôi nhìn mãi những đồ vật quanh mình, thành ra mỗi cái có một tướng riêng, một tính nết riêng. Có khi nghe như nó nói với mình. Cũng có hôm mặt trời xế bóng, chiếu qua những mái bên tây, mà rọi vào cái cửa sổ bé của tôi, vài ba tua sáng sau cùng, thì những đồ vật ấy lại đậm sắc, lại phai mùi, lại sáng quắc, lại rầu rầu như héo, lại hưng hửng như cười, cứ mỗi bận là một vẻ khác, làm cho tôi cũng ngạc nhiên như bỗng thấy khác mọi khi.

Những việc vặt xẩy ra trong đời người cô-độc ấy, kẻ bôn ba lo lắng việc phiền đời thì không nghĩ đến, mà kẻ bị giam cầm, có một mình phải ngồi một chỗ thì lấy làm vui. Ừ mà như tôi có phải cũng thằng tù, bị một ý-tưởng giam cầm, trong bốn tường một tôn-chỉ, mà chỉ nhờ có cái hi-vọng vinh-hiển mai sau, mà hóa nên vui. Cứ mỗi khi gặp điều hãn trở mà tôi vượt được, thì tôi lại lấy tư tưởng mà hôn cái tay ngọc ngà của người đàn-bà mắt phượng, môi son, một ngày kia chắc rằng sẽ có, đến hôn tóc tôi, rủ rỉ mà khuyên tôi rằng:

- Tội nghiệp, chàng đà cực khổ!

Tôi làm được hai bộ sách. Một tập hài-kịch chỉ đem ra diễn trong vài ngày, là đủ làm cho tôi được danh tiếng, được giàu có, lại được ra vào những nơi đài-các, đến đâu ai cũng trọng đại mình như kẻ đại-tài. Các anh đã được xem cả quyển sách thánh thần đó, thật là một việc sai lầm của kẻ thiếu-niên mới từ ghế nhà tràng đứng dậy chưa vững gối, thật là một chuyện lố trẻ-con. Các anh xem rồi các anh đã chế báng em làm cho chim ảo-tưởng của em mới bay đà gẫy cánh, từ đó đến giờ không lúc nào bay lên được nữa. Cái thương sâu của bạn đâm vào lòng em, duy có anh là dịt cho em đỡ xót, anh Ê-minh ạ! Duy có anh là khen quyển sách luận về lòng quyết muốn người ta. Anh ơi, vị một quyển sách dài ấy, mà em đã phải học mấy thứ tiếng nói phương Đông, học nhân thân cốt cách, học khoa thân-thể chức dịch. Những một khoa sau đó làm cho em mất kể đã lắm thì giờ. Sách ấy cứ ý em thì tiếp thêm cho đủ những sách của Mesmer tiên sanh, của Lavater, của Gall, của Bichat tiên-sanh, lại mở một con đường mới cho học thuật người ta. Đến thuở đó thì hết cái quãng đời rất hay của em, cái lúc em biết quên mình trong hàng năm hàng tháng, cái cách chuyên cần một việc như thể con tằm kéo tơ làm kén, chịu khó mà chẳng ai biết đến, chỉ một mình lấy công việc mình hay làm mối vui lòng hởi dạ. Từ lúc em khôn lớn lên cho đến ngày em soạn xong quyển sách ấy, em học biết là bao nhiêu, em cứu xét biết là bao nhiêu, em viết ra biết bao nhiêu chữ, em đọc biết bao nhiêu sách, cứ luôn luôn giùi mài học tập. Tính em vốn thích cái lười biếng của người Đông-phương, cả ngày nằm dài mà nghĩ ngợi, mà ngâm nga, mà hưởng cái thú học hành, không thiết gì đến những cách ăn chơi của người Ba ri cả. Tính vốn hay ăn ngon, mà em phải tiết-kiệm; tính vốn thích đi thiên-san vạn-thủy, ngao du thiên-hạ; thích đùa bỡn như con nít, thích lấy gạch ném thia-lia trên mặt nước, mà hóa ra quanh năm ngồi một xó, tay cầm ngọn bút; tính vốn hay nói mà phải ngậm miệng đi nghe các ông giáo giảng sách ở Thư-quán và ở Bác-vật-đường. Đêm về nằm co một mình, mà ngủ trên tấm phản thày tu dòng thánh Bơ noa. Duy có người đàn-bà tri-kỷ, thì vẫn còn phải mơ ước, mà mơ ước mãi không được. Nói tổng lại thì cuộc đời của tôi trong buổi ấy, thật là một cuộc trái nghĩa chua cay, hình như là một cuộc mình cứ dối mình mãi mãi.

Tôi lại nói câu này, anh thử xem người đàn-ông ta có kì hay không? Nhiều khi cái sở thích tự-nhiên của tôi vẫn ủ đâu trong lòng từ bao giờ thình lình nó lại nhóm lên như là đám lửa cháy. Cũng có lúc tôi quáng lòa mơ hoảng làm sao không biết, mình trơ trọi có một mình, ở trong một cái phòng không lạnh ngắt, trên lầu áp mái, mà tự dưng thấy mình như ở giữa một đám đàn-bà tuyệt đẹp, ngày ngày ngồi trên đệm êm xe song-mã mà chạy khắp Ba-ri, ăn chơi đến lăn lóc đá, đến mê mẩn đời, muốn gì được nấy; đương khi bụng lép đến xương mà như no say đã khướt, khác nào như thánh An toan giữa cơn dục-tình cám giỗ. May làm sao đương lúc sảng mê tiêu háo, cháy ruột khô gan ấy, thì được giấc ngủ yên nó dẹp mọi nỗi mơ màng. Đến sáng mai thức dậy thì lại có sự học nó mỉn cười mà đón mình dậy. Vợ ấy thì bao giờ tôi cũng một lòng yêu mến. Tôi nghĩ rằng những gái thường gọi là gái đức hạnh, hẳn có khi cũng gặp những trận cuồng-phong rồ dại như tôi, cũng ao ước, cũng thèm muốn, nó nổi lên không sao cưỡng được. Những cơn mơ hoảng ấy kể thì cũng thú, có khác nào những hôm mùa đông, ta đốt lò ngồi một xó nhà, nói chuyện, những chuyện bên Tàu, bên Ấn-độ. Người ngồi yên một chỗ mà trí chạy bông lông. Nhưng ta thử ngẫm xem trong những lúc ta mơ mòng thấy đi huyên thiên, trí khôn vượt được hết cả mọi sự ngăn trở ấy, thì cái đức-hạnh bấy giờ nó ra làm sao?

Trong mười tháng đầu cái ba năm em ẩn-tu đó, thì cứ mỗi sáng em thân lén ra ngoài phố mua những đồ dùng trong một ngày. Tôi dọn phòng lấy. Chủ là mình đứa ở cũng là mình. Thật là ngửa mặt vẻ vang mà bắt chước ông Đi o-gien (Diogène). Trong mười tháng đó thì mụ chủ tiệm và cô con gái mụ có ý thóc mách, hết cả những việc tôi cử chỉ, dòm dỏ xem người tôi thế nào, tính nết thế nào cảnh tôi khổ não làm sao, hai mẹ con cùng hiểu hết, ý chừng là bởi hai mẹ con cũng đã trải qua một nỗi. Thành ra qua mười tháng đó thì hai bên có tình quyến cố nhau. Tên cô ả là Bô-linh (Pauline) thật là một gái thuần thục nết na, vẻ xinh đẹp thật là kín đáo, tôi mà đưa chân đến đó, cũng vì thấy cô bé vui vẻ đánh cầu ngày trước. Sau cô ả có giúp tôi mấy việc không ai từ chối được. Số là khổ với khổ xưa nay vẫn chị em. Cùng một tiếng nói, cùng một giọng, cùng một cách quảng đại, là cách quảng đại của kẻ không có gì mà cho nhau, chỉ xa xỉ tấm lòng, vị nhau chẳng quản thời giờ khó nhọc. Lần lần ả Bô-linh ra vào phòng tôi, tự tiện như chủ nhân vậy, kiếm dịp giúp đỡ tôi từng tí, mà bà mẹ cũng chẳng ngăn can. Một hôm kia tôi bắt được bà mẹ ngồi vá trộm áo quần tôi, thì bà ấy đỏ mặt vì việc phúc-đức ấy. Tôi không chí tâm mà thành ra kẻ phải chịu ẩn bảo-hộ của hai mẹ con, tôi đành cứ để cho mà giúp đỡ. Muốn hiểu cái tình quyến-cố lạ lùng ấy, phải biết cái mê mải việc làm, cái quyền áp-chế của ý-tưởng, cái nết tự nhiên mà ghét những nỗi vặt ăn ngồi, của nhà tư-tưởng. Những khi tôi ngồi hàng bẩy tám giờ đồng-hồ không ăn uống gì, mà cô Bô-linh đi rón rén vào mà bưng miếng bánh, chén sữa cho tôi ăn, thì phỏng lòng nào mà chẳng cảm động. Sao ả khéo lấy cái nết na dịu dàng, của người đàn-bà, và cái thật thà vui vẻ của đứa con nít, mà cười tủm tỉm với tôi, mà ra hiệu bảo tôi cứ ngồi yên như không trông thấy ả vậy! Thật là thiên-thần A-riên (Ariel) hiện xuống, hằng ngày lẻn vào trong phòng tôi mà liệu trước cho tôi hết mọi việc yếu cần. Một tối hôm kia, ả Bô-linh nhân khi rảnh ngồi thật thà mà kể chuyện nhà cho tôi nghe như sau này: “Ông thân-sanh ra ả xưa kia làm quan thiếu-tá ở đội kị mã pháo-thủ, trong cơ thị-vệ của Nã-bô-luân hoàng-đế. Khi quân đi qua sông Bê-rê-xi-na (Bérésina) thì bị quân Cô-dắc (Cosaques) bắt mất. Về sau, Hoàng-đế đưa thơ xin đánh đổi tù, thì Chánh-phủ Nga, tìm mãi khắp trong đất Tây-bỉ-lị-á mà không thấy quan thiếu-tá đâu cả. Cứ lời những người cùng phải bắt một thời thuật lại thì quan thiếu-tá khi ấy trốn được, lúc trốn định sang Ấn-độ. Từ thuở đó đến nay, phu-nhân trông ngóng mãi mà chẳng thấy tin tức gì. Kế đến nhà Vua thất thế, hồi năm 1814-1815. Gô đinh phu nhân (tên bà chủ tiệm tôi như thế) chỉ có một mình nuôi con mọn, không có gia-tài, không có ai cưu giúp cả, bèn phải xoay nghề chứa trọ, để kiếm tiền nuôi miệng nuôi con. Lòng vẫn đinh ninh mong đợi phu quân cũng có ngày về. Duy chỉ có một nỗi đau lòng, là đành phải để cô nàng không giáo dục. Tội nghiệp thay một đóa yêu-đào, khi mới sanh ra lọt lòng, nào những vương-tôn công-chúa ra đứng đỡ đầu, những tưởng mai sau có phận; ngờ đâu tôi đã đọa đầy muôn dặm, Vua yêu lại mất ngôi vàng, bề trên thất thế, cho thê-tử tôi-trung cũng hóa dở dang. Khi phu-nhân tràn nước mắt ngỏ cùng tôi chuyện ấy, thì phu-nhân hay thở dài mà rằng: “Kìa đạo sắc-chỉ phong cho ông tôi tử-tước, nọ đất vua ban ở Huy-xĩ-nâu (Wistchnau) ai có muốn, thiếp sẵn đem dâng, quí hồ cháu Bô-linh được vào Thánh Đơ-ny học-đường là thiếp thỏa lòng.” Tự dưng tôi thấy rùng mình một cái, sực nhớ ra rằng lòng ước ấy, duy ta phỉ được. Tôi mới tạ ân phu nhân vì những cách ân cần tử-tế, và tôi xin nhận dạy cô êm, gọi chút đền bồi. Tôi thật thà mà dâng cách trả ân, hai mẹ con cũng thật thà mà nhận lời tôi ước hẹn. Cũng nhờ đó mà tôi được mấy phút vui lòng. Số là cô ả cũng có khiếu thông-minh, tôi dạy chẳng bao lâu, đàn cô lại hóa giỏi hơn tôi. Nàng tập nói to mà diễn tư-tưởng bên cạnh tôi như thế, thỉnh thoảng ngỏ lòng ra một cách rất tao-nhã, khác nào một cánh hoa hàm tiếu đã lâu dưới bóng nắng, nay mới nở-nang ra mà khoe vẻ tốt tươi vậy. Khi tôi nói thì nàng lắng tai nghe, giương hai con mắt đen nhánh, tự hồ mắt cũng biết cười. Khi nàng đọc bài thì đọc giọng ngọt ngào như người ru trẻ, hễ thấy tôi bằng lòng thì ra điều thích trí lắm. Bà mẹ thấy con gái lớn lên, dậy thì mỗi ngày một nở nang vẻ đẹp, thì có ý lo lắng giữ dìn, thấy con đóng kín cửa ngồi một mình mà học tự hồ yên dạ. Nàng học đàn đã giỏi mà đàn không có, lại chẳng quen ai là người có cả, duy chỉ đàn tôi là nàng dùng được, bèn nhân những lúc tôi đi vắng mà vào tập. Trợt tôi về, thì tôi lại bắt gặp ở trong phòng tôi, ăn bận tuy là nâu vải, nhưng hồ cựa mình thì dưới lượt vải thô xấu, lại thấy trăm vẻ rồng tiên chuyển khúc. Trông thấy nàng sâu hai cái bàn chân ngà ngọc vào trong những đôi giầy cóc gặm thì ai là chẳng nhớ đến Truyện Da-lừa của Perrault tiên sanh. Nhưng bao nhiêu của báu ấy, cái nhan sắc thanh tú ấy, thật là mất-không cho tôi cả. Tôi đã quyết chí coi nàng Bô-linh như em-gái nhỏ, và mẹ nàng đã tin cẩn ở tôi, thì tôi nỡ lòng nào lại dám phụ người ủy thác. Vậy thì tôi vui mắt mà ngắm người tố-nữ ấy, như thể ngắm một bức tranh, hay là ngắm cái hình người tình-nương quá khứ vậy; tôi coi như thể con tôi đẻ ra, như thể một bức tượng của tôi thờ vậy. Thuở ấy tôi thật là một anh Bích-mã-lương [NVV phiên âm tên “Pygmalion”] đời nay, nhưng Bích mã lương đời cổ thì mê bức tượng đá như thể mê người, mà tôi thì mê người mà mê như bức tượng đá. Trước mặt nàng tôi làm ra mặt nghiêm khắc lắm, nhưng tôi càng làm ông thầy nghiêm khắc bao nhiêu, thì nàng lại làm ra mặt chịu lụy dễ bảo bấy nhiêu. Tôi đã vì những cảm-tình cao-thượng mà giữ dìn, mà kiêng nhịn với nàng, tôi lại còn vì phép-luật mà giữ dìn mà kiêng nhịn nữa. Cứ ý tôi thì người ta không những phải ở thật thà trong việc tiền bạc, mà lại còn phải ở thật thà trong cả ý tình. Dối một người phụ-nữ, với đi buôn vỡ nợ, tôi cho cũng là một tội. Phận mình là trai mà yêu mến một người con gái, hoặc để cho người con gái yêu mến mình, tất là kết với người con gái ấy một cái giao-kèo, các điều các khoản phải cho minh bạch, hai bên đều rõ mới được. Đứa đàn bà đem mình mà bán cho ta, ta mất tiền mà chơi thì ta chơi xong ta có quyền bỏ. Còn như người thục-nữ mà đem thân cho ta, thì ta không có phép bỏ được, bởi vì người ấy khi cho ta có một giờ vui, không biết rằng cho ta cả một cuộc đời. Người đàn-bà dầu không biết, ta phải biết. Vậy nếu tôi đã thâu nhận cái tấm lòng trinh-thục của nàng Bô-linh, thì hẳn là tôi phải lấy nàng. Mà tôi với nàng lấy nhau, thì thật là một việc rồ dại cả hai đứa. Tôi lấy nàng thì là làm hại một đời nàng, chớ phỏng có được ích gì? Cái nghèo kiết của tôi, nó luôn luôn nói rõ vào tai tôi cái nghĩa-vụ đó, luôn luôn đem cái tay sắt mà rẽ tôi với nàng phải xa nhau. Vả có một điều nữa tôi xin chịu cái phỉ hổ mà thú thật, là tôi không hiểu được kẻ nghèo khó mà yêu nhau được. Có lẽ đó là một cái tư-tưởng càn rỡ của tôi do ở cái bệnh nhân loại gọi là văn minh mà ra. Nhưng quả thế, một người đàn bà dầu đẹp như Hằng-Nga giáng thế, mà hễ chân hơi lấm thì không thể sao làm cho tôi cảm động được. Ái-tình ơi ái tình! tao chỉ muốn thấy mày trong đệm gấm, áo nhung, màn the, chăn nhiễu, xung quanh chật ních những đồ xa xỉ. Đồ xa xỉ làm cho ái-tình thêm đẹp, có lẽ bởi nó cũng là một cái xa xỉ. Trong những cơn tôi cảm hứng, tôi chỉ ước được vò những đồ hàng tế nhuyễn, tôi chỉ muốn bẻ hoa, và quờ tay phàm mà phá đổ những mái tóc thơm-tho tốn công phu mới quấn lên được, cao như dinh như núi trên đầu. Hai con mắt nồng cháy, nấp no ở trong cái mạng đăng tên, phải lấy mắt diều-hâu mà nhìn lỗ vào mới thấu, không biết có một cái vẻ gì cho tôi thích quá. Cái mê gái của tôi chỉ muốn những thang dây bằng lụa, nhân đêm đông mà trèo không ai nghe tiếng động. Trời ơi! đi đường mưa tuyết, tới một cái phòng thơm ngào ngạt những nước hoa, dưới trải nệm gấm, để mà trông một người đàn-bà cũng đương dũ tuyết - Đàn-bà mặc những áo lượt mỏng trắng, mạng trứng sam, nét thần tiên thấp thoáng trong tấm vải mỏng, khác nào như thiên-thần thấp thoáng trong mây, thì chẳng phải dũ tuyết là gì? - sắp sửa chui ra, cái sướng ấy tả sao cho được! Vả tôi lại còn muốn một cuộc sướng giấu giếm e sợ, phải mạo hiểm mà đến nơi ấm kín. Sau nữa tôi muốn rằng người đàn-bà của tôi ao ước lạ lùng như u-minh phảng-phất, hồ đồ như yêu như ma, ở giữa chốn phồn-hoa lịch sự mà lại có đức hạnh trinh tiết, ai cũng phải su-phụng, mình bận toàn những đồ đăng-tên, cổ và tay sáng quắc những kim-cương, đi đâu sai bảo đấy, người dạ kẻ vâng rộn rịp, mà uy phong lẫm liệt, đến nỗi không ai dám hỏi dám thưa. Người ấy thiết triều ở tại nhà, phải ngồi giữa đám quần-thần kính trọng mà đưa mắt cho tôi, đưa một cái mắt rõ nghĩa ra rằng bao nhiêu những lễ-nghi nghiêm chỉnh ấy, là để cho người khác mà thôi, chớ không phải cho tôi; rằng cả thế-giới, cả bao nhiêu đàn-ông trong thiên-hạ cũng đành là vất bỏ, để mến một mình tôi. Tôi tính ra thật thà nhiều lần tôi có cái dở người ấy, chỉ muốn được vò nhàu vài thước đăng-tên mỡ gà, được vuốt nhung tơ, được rờ vải nhỏ, được phá những công trình của anh thợ ngôi thật khéo, được nhìn nhau dưới bóng bạch-lạp, được ngồi xe song-mã, được người có tước, có mũ công hầu vẽ trên tiêu-biểu [ý muốn nói gia huy], nói tổng lại trong người đàn-bà tôi chỉ thích những điều giả dối, những thứ không phải đàn-bà một chút nào. Sau tôi nghĩ mình mà lại cười mình, mà biết mình là một thằng dởm, uổng công ao ước những sự không bao giờ được! Một người đàn-bà quí phái, cái miệng cười cao nghĩa, cái cách điệu đài-các, cái vẻ tự trọng của người quí-phái làm cho tôi thích lắm. Người đàn-bà mà biết đứng xa cách thiên-hạ, mà tôi lại gạn gùng được, thì thật là thỏa cái chí hợm mình của tôi. Cái hợm lại chẳng phải là một nửa ái-tình rồi ư? Cái sướng của mình ai cũng thèm, thì hình như thêm vị ra nhiều.

Người tình nhân của tôi, không được làm những điều đàn-bà khác làm, không được đi chân, không được ăn ở như người khác, phải mặc cái áo không ai có, phải xức những thứ nước hoa riêng, thì mới ra người tình-nương riêng của tôi. Người tình-nương hễ xa hạ-giới bao nhiêu, xa được cả mọi vẻ thế-thái của ái-tình, thì mắt tôi lại càng cho làm đẹp.

Cũng may cho tôi mà nước Đại-pháp ta đã hai mươi năm nay không có Hoàng-hậu nữa. Ví nếu có Hoàng-hậu thì chắc tôi phải lòng Hoàng-hậu. Người đàn bà muốn theo cách điệu hoàng-phi công-chúa tất phải có của. Trước những ý-tưởng kỳ khôi của tôi như thế, thì phỏng nàng Bô-linh còn ra cái gì nữa? Nàng hẳn không bán được cho tôi mua những cuộc vui suốt sáng chết người, những cái thú gươm dao, những sự khoái lạc dật dục vong nhân. Số là tài trai ai có chịu chết vì những cô con gái nhà nghèo, đem thân băng tuyết mà hiến đâu! Tôi cũng đã cố gắng bỏ đứt những tình-cảm và những sự mơ hồ của nhà thi-sĩ đó đi, mà không bao giờ bỏ được. Thì ra cái số tôi sanh ra để mà biết những cuộc ái-tình quái lạ. Mà tình cờ làm sao, về sau tôi quả được như ý.

Than ôi! biết bao nhiêu lần tôi lấy tư tưởng mà xỏ giầy vóc vào cặp chân xinh cô Bô-linh, mà mặc áo lượt bóng lồng vào mình liễu của nàng, mà phủ một cái dải lụa rất nhẹ lên trên ngực nàng thổn thức, mà nhìn nàng giẫm lên trên những đệm gấm trải dưới ván nhà lầu, mà quàng tay nàng đưa ra cỗ xe tuyệt đẹp. Giá thử nàng được như thế, thì chắc tôi thờ nàng như thờ thần. Nàng thì dễ dãi thật thà, mà tôi lại lấy tư tưởng mà nghĩ nàng kiêu ngạo, vênh váo; nàng có bao nhiêu nết hạnh hay, tôi đi lấy tư-tưởng mà bóc lột bỏ đi hết; cái duyên mặn thật thà, cái tự nhiên thú vị, cái miệng cười chân thật của nàng, tôi nhắm mắt không muốn trông nữa, mà lại đi ao ước thấy nàng vùng vẫy như tắm ở trong con sông Hắc-thủy [sông Styx] dâm-ô, để cho lòng nàng hóa ra nguội lạnh; tôi lại đem những cái xấu độc ác của nhà ăn chơi, mà bôi vào nàng, để khiến cho nàng hóa ra cái con bóp ngóe [con búp bê] làm chủ-chương các chốn xà-long, một gái ẻo-lả, cứ sáng bạch mới đi ngủ, để đến khi đèn nến đã bình minh mới lại thức dậy.

Nàng Bô-linh là một người chỉ những tâm, những ý tình, xuân xanh đương mơn mởn, mà tôi lại muốn cho nàng hóa lạnh như đồng, khô như ngói.

Trong mấy buổi tôi sắp khỏi bệnh điên cuồng đó, thì tôi sực nhớ đến Bô-linh, tự hồ nhớ mang máng những việc ngày thuở nhỏ. Cũng lắm lúc tôi nghĩ đến những cảnh-ngộ xưa vui thú, mà tôi ngơ ngẩn động lòng. Hoặc là bởi tôi bỗng nhớ đến những khi gái đáng yêu đáng mến ấy ngồi gần bàn tôi viết, im ỉm mà khâu mà vá, nét mặt nghiêm trang lặng tiếng, cửa sổ sáng vào, làm cho mái tóc xanh có ngấn bạc; hoặc là vì tôi sực nhớ đến những tiếng cười dòn khanh-khách, hay là những giọng trong hát đi hát lại mấy câu tay lựa nên xoang. Cũng có khi, nàng tay gõ bài đàn, nét mặt ngẩn-ngơ. Bấy giờ thì cái mặt nàng trông như in cái hình nước Ý-đại-lị của tay tài-tình thầy Các-lô Đôn ky (Carlo Dolci) đã chấm. Những buổi tôi quá ăn chơi mê mệt, thì cái tài ký-ức của tôi nó lại đem dáng điệu người thục-nữ ấy mà bày ra trước mắt tôi, như là một cái gương đạo-đức để cho soi mà hối hận lấy mình. Nhưng thôi, xin để vậy cho người gái nghèo ấy theo số phận mà nên hay dở thế nào về sau không biết. Bây giờ dầu người ấy có khổ sở đến đâu nữa, hẳn cũng còn hơn cái cảnh phong-ba của tôi. Nghĩ như thế thì tôi lại mầng rằng đã để cho người ta yên phận.

Cho đến mãi mùa đông năm ngoái, em cứ ở yên xó gác mà học mà hành. Đến độ thượng-tuần tháng mười-hai năm 1829, thì em bỗng gặp anh Ra-xĩ-ti-nhắc (Rastignac). Tuy khi đó áo quần em lam lũ, mà bạn cũng chẳng e xấu mặt, lại khoác lấy tay em mà hỏi thăm những chuyện làm ăn, ân cần như thể anh hỏi han em ruột vậy. Tôi thấy cách điệu anh ấy khéo quyến dũ lòng, mà tôi lấy tình thật ra kể với anh ấy những cuộc tôi làm, những sự tôi ao ước. Anh ấy bật cười mà khen tôi là kẻ vừa có biệt-tài, vừa là thằng ngốc. Cái tiếng anh ấy nói sưng sưng như người xứ Ga-xĩ-côn [Gascogne], cái lịch-duyệt của anh ấy là người phong-lưu đài-các, cái sang-trọng của anh ấy là kẻ khôn ngoan, làm cho tôi cũng phải ngây ra mà chịu lẽ hay lời phải. Nào là anh ấy dọa tôi còn bo bo giữ cách ăn ở như thế nữa, thì phúc-đường trước mặt, thì chết nhục như một đứa vô tài. Anh ấy nói, rồi làm ngay như anh ấy phải một mình đi cất đám cho tôi, một mình đưa quan-tài tôi đến nghĩa địa, mà chôn vào cái hồ ["hố" thì đúng hơn] chung của kẻ chết đường. Đoạn rồi anh ấy mới vẻ cho tôi những phép quỉ-thuật để lập công danh. Bao nhiêu những kẻ anh-tài giương tên trong xã-hội, anh ấy đều coi như những bậc phù thủy cao tay. Mà cái miệng anh ấy khéo nói bẻo lẻo, tươi như hoa, đẹp như gấm, làm cho ai cũng phải nghe. Sau anh ấy nói quyết rằng hễ tôi cứ ở một xó, phố hàng Thừng, thì thật là thiệt mất một đời. Muốn sống, muốn nên, thì phải đi lại các nơi đài-các, để cho người ta quen biết đến tên.

Anh Ra-xĩ-ti-nhắc nói vậy rồi lại kêu rằng:

- Cái nghề ấy những đứa ngu thì gọi là nghề luồn-lỏi, những kẻ có luân-lý thì cho là nghề ăn-chơi không nên theo. Âu là ta không quản chi ý người mà chỉ quản sự kết quả. Như anh, anh giùi mài như thế, mà rồi cả đời không làm nên được việc gì hết. Như em đây làm gì cũng được, mà nhứt giai không hay nghề gì, lại làm biếng như xên, thế mà rồi em muốn đến đâu cũng được. Số là đâu em cũng đi; tự mình lại dắt tay mình, đi đến đâu người ta phải nhường chỗ đến đấy. Em biết khoe mình, mà khoe mình thì người ta tin. Em đi vay nợ đìa, đã có người trả hộ. Cách xài phá của, trong nghề trị dân cũng có dùng, tục danh là chính-sách phóng tài-hóa. Người ăn chơi phá của cũng là một người biết cách đồ lợi. Cũng là một cách đem vốn đặt lãi, vốn ấy tiêu đi chẳng qua là buôn lấy bạn, buôn lấy sự thỏa thuê vui thú, buôn lấy quan thầy, buôn lấy nhiều người quen thuộc. Một nhà đi buôn mà bỏ ra một triệu vốn vào việc gì, trong hai mươi năm ăn không ngon, ngủ không yên, không chơi bời gì hết. Cứ lo ngay ngáy vì vốn, triệu bạc của mình tẩu tán đi trong khắp Âu-châu, phải luôn mắt nhìn theo xem nó đi những đâu, lúc mầng, lúc lo, lúc khổ sở điêu đứng vì đồng tiền. Chợt một cái tiền vào chỗ không nên, là vỡ, không còn lấy một xu nhỏ, mất danh-giá, không còn ai là bạn mà cưu mang, mà an ủy cho mình nữa. Còn như kẻ ăn chơi, chỉ bận có một cuộc vui thú, có ngựa cho đi đua. Ngộ có mất vốn, thì một là có bạn cất nhắc cho làm tư-ngân một hạt, hai là lấy được vợ giàu, ba là được vào làm quan tại bộ, hoặc được đi theo quan sứ thần đi sang nước nào. Bạn còn vô số, tiếng tăm vẫn giữ được nguyên, mà tiền muốn tiêu bao nhiêu cũng vẫn có. Người ăn chơi đã từng biết hết cả cái lò-xo thiên hạ, thì lúc nào cũng tùy cơ vặn được cái máy xã-hội cho nó lợi lấy mình. Như cái cách đó thì anh thử tính có khôn không, hay là anh bảo tôi dại? Đó lại chẳng phải là câu thẩm kết của cái bài hài-kịch ngày nào ta cũng diễn trong xã-hội đó ru?

Bạn tôi nghỉ một lát rồi lại bảo tôi rằng:

- Nay sách anh đã làm xong rồi. Tài anh to lắm. Vậy mà anh mới đi đến chỗ tôi vừa khởi hành mà đi thôi. Vậy thì anh khá tự mình tác thành lấy danh mệnh. Anh nên theo dấu em mà đi, thì chắc là phải tới. Kỳ thủy nên đi làm thân với bè kia đảng nọ, cố mà kiếm lấy một bọn quanh năm tâng bốc mình lên. Em sẵn lòng giúp anh một nửa công việc. Em xin làm người thợ kim-hoàn, để giát kim-cương vào cái mũ bình-thiên của nhà anh. Nay tôi khởi sự, hãy xin mời anh tối mai thì đến chờ tôi ở chỗ này. Tôi sẽ đưa anh đến một nhà, cả bao nhiêu người lịch-sự ở Ba-ri, nghĩa là cả bọn ngô-bối cùng đến đó. Bọn chúng tôi là bọn đẹp trai, bọn có của hàng triệu, bọn có danh tiếng lẫy lừng, bọn người chỉ nói toàn những chuyện ức triệu. Bọn ấy đã khen quyển sách nào là hay, thì quyển sách ấy thành ra thời văn, ai cũng phải đọc. Hễ quyển sách mà hay thì là bọn ấy vô tình mà ban cho soạn-giả một cái bằng cấp đại tài đích đáng. Nếu anh là người trí-giả, thì anh sẽ hiểu rõ cái lý-tưởng rủi may mà làm cho quyển lý-tưởng của anh về nhân-dục, được nên quyển sách có danh tiếng. Đến tối mai thì tôi sẽ cho anh được gặp Phê-đô-ra bá-tước phu-nhân, là người đẹp nhứt và lịch sự nhứt tại kinh-thành Ba-ri này.

- Em không nghe ai nói đến tên người ấy bao giờ.

- Nếu vậy thì anh là một thằng mọi rợ. Người đâu mà lại không biết Phê-đô-ra phu-nhân? Phu-nhân là một gái đương kén chồng, gia-tư mỗi năm có tám muôn [tức là "vạn"] phật-lăng lợi lộc, không muốn ai mà không ai muốn. Thật là một cái vấn-đề đàn-bà, một người Ba-ri nửa là người Nga, một người Nga nửa là người Ba-ri. Tại nhà người ấy bao nhiêu sách tiểu-thuyết mới lối Rô-măng-tích không phải xuất bản mà nổi được đại danh. Người đẹp nhứt, xinh nhứt, có duyên nhứt, lịch sự nhứt ở Ba-ri này. Anh không được là người mọi rợ, thật là một con súc-vật ở dưới thằng mọi rợ… Thôi anh về. Tối mai chờ tôi ở đây, nhé.

Nói đoạn rồi bạn quay lưng đi, cũng chẳng thèm chờ tôi đáp lại, yên trí rằng không có người nào gọi là người khôn mà được dịp đến nhà Phê-đô-ra phu-nhân lại không đến. Kì thay là một cái tên người! Có cái tên làm cho ai nghe cũng phải thích. Tên Phê-đô-ra làm cho tôi ngơ ngẩn, từ lúc tôi được nghe thấy tên ấy, thì hình như nó cứ đeo đuổi sau lưng tôi, hình như là một con tinh con ma gì, mình đã biết là tinh là ma mà lại thích không muốn chạy, hình như là một ý tưởng xấu, mình biết là xấu mà còn muốn mà-cả hơn thiệt. Bấy giờ hình như có một tiếng đâu văng vẳng bên tai mà bảo tôi rằng: “Rồi anh đi đến nhà Phê-đô-ra.” Tôi cố sức mà cãi cọ với cái tiếng văng vẳng ấy, mà bảo nó rằng nó nói láo, tôi không đi đâu, nhưng mà nó nhứt định ghé vào tận tai tôi mà bảo tôi rằng, rồi tôi đến nhà Phê-đô-ra. Cái tên ấy, người đàn-bà ấy, lại chẳng phải là người đàn-bà của tôi thèm muốn, của tôi ao ước mãi đó ru? Một cái tên ấy đủ làm cho tôi lại mơ mòng, lại hết cả những sự mơ mòng ảo-tượng của tôi về những cách ăn chơi chốn phồn-hoa. Bấy giờ thì cái người đàn bà của tôi hằng vẫn trông mong, hiện ra trước mắt tôi một cách rực rỡ. Cũng có lẽ là không phải tại cái tên ấy, tại người đàn-bà ấy, mà tôi nghĩ ra như thế, song là vì cái nết hư của tôi giấm ở trong lòng, nó nổi lên mà cám giỗ tôi lần nữa đó.

Phê-đô-ra bá-tước phu-nhân, giàu có mà lại không có tình-lang nào, ai muốn cũng không thèm, lại chẳng phải chính là cái mơ ước của tôi, thành da thành thịt, mà hiện hình lên đó ru? Tôi bèn lấy tư-tưởng mà sáng tạo nên một người đàn-bà, mà thêu dệt, mà vẽ vời nên một người đàn-bà, mà mơ tưởng nên một người đàn-bà cho hợp ý muốn của tôi. Trong xuốt đêm hôm ấy, tôi không ngủ được, tôi tưởng tôi đã là tình-lang của người ấy rồi, cả một cuộc đời thỏa thuê sung sướng của tôi, tôi rút lại vào trong mấy giờ đồng-hồ mơ hoảng, mà hưởng cho đến hết cái thú, mà uống cho đến cạn cái thích. Sáng ngày ra tôi không thể nào ngồi không mà chờ cho đến tối được, tôi bèn đi thuê một quyển tiểu-thuyết mà đọc suốt ngày cho qua thì qua giờ, cho trí khôn không tư-tưởng được nữa, không đo được những phút dài đằng đẵng nữa. Trong khi tôi đọc sách thì cái tên Phê-đô-ra nó cứ văng vẳng trong tai, hình như một cái tiếng đàng xa, dẫu nó không làm rối dạ mình, mà mình cũng không sao nhãng tai được nữa. May cho tôi hãy còn được một cái áo đuôi đen với một cái gi-lê trắng, cũng còn coi được. Cả gia-tài còn được độ ba mươi phật-lăng rắc mỗi nơi một ít, nào là trong túi áo, nào là trong các ô rút [ý nói “ngăn kéo”]. Tôi chí để tiền la liệt như thế, là phòng những khi dở người có muốn tiêu nhảm thì phải tìm tòi khó nhọc, họa may có ngại ngùng mà hà tiện đi chăng. Lúc tôi bận áo, tôi phải đi lục từng đống giấy ra mới lấy được tiền. Anh thử nghĩ, tiền bạc tôi để như thế, thì phỏng còn có đâu mà mua bao tay, thuê xe song-mã. Lỡ một hôm hoang phí, thì mất ăn trong một tháng. Than ôi! vậy mới biết những việc dở người muốn tiêu nhảm thì chúng ta không thiếu gì tiền, mà duy đến sự yếu-cần thì chúng ta tính từng xu nhỏ. Chúng ta vung tay mà ném tiền vàng cho những đồ ca-nhi vũ-nữ, mà khi ta có nợ tiền một người thợ làm cho ta vất vả, vợ con nó chỉ trông vào có mấy đồng công, thì ta cò ké bớt một thêm hai. Trong thiên-hạ biết bao là kẻ bận áo trăm phật lăng, dùng kim-cương mà giát đầu gậy, mà bữa bữa đi ăn cơm hàng hai mươi lăm xu. Chúng ta hình như không bao giờ chê đắt những sự đài-các dởm!

Anh Ra-xĩ-ti-nhắc y hẹn đến chỗ em chờ, anh ấy thấy em thay hình đổi dạng như thế, thì tủm tỉm cười mà chế. Vừa đi đến nhà bá-tước phu-nhân, anh ấy vừa khuyên em những lời khôn dại, những cách ăn nói cư xử với người gái ấy, là một gái tham vàng mà lại hợm, mà lại đa nghi. Tham mà lại đại-gia, hợm mà lại dễ dãi, đa nghi mà lại tử-tế.

Anh ấy lại dặn tôi rằng:

- Về phần tiểu-đệ thì chúa xuân đành đã có nơi rồi. Đổi nhân-ngãi bây giờ chỉ có phần thiệt mà thôi. Tiểu-đệ lấy được con mắt lạnh lùng, mà nhìn mà xét tính nết mụ Phê-đô-ra, bình tình mà bàn hay dở. Tiểu-đệ muốn đem đại-huynh đến nhà phu-nhân, là chỉ vì muốn cất nhắc cho đại-huynh mà thôi. Vậy thì ngô-huynh nên có ý tứ trong lời ăn tiếng nói. Phu-nhân đã có tính nhớ lâu, lại khôn khéo hơn nhà thuyết-khách. Nhà thuyết-khách giỏi mà nói chuyện với phu-nhân, lúc nào nói thật phu-nhân biết. Có đệ với tôn huynh đây, thì đệ nói thật câu này. Nghe đâu Hoàng-đế nước Nga không công nhận nàng là phu-nhân của bá tước, cho nên khi đệ nói chuyện phu-nhân với quan sứ thần nước Nga thì ngài cười. Quan sứ thường không tiếp phu-nhân, mà khi ngài gặp phu-nhân đi chơi trong vườn hoa, thì ngài chỉ sẽ gật đầu chào mà thôi. Tuy vậy mà phu-nhân thường đi lại với đê Xê-ri-xy [de Sérisy] phu-nhân, với Nưu-xinh-gơn [Nucingen], với Rê-xĩ-tô [Restaud] phu-nhân. Tại đất Pháp thì danh tiếng phu-nhân thật là trong sạch. Ca-ri-li-a-nô [Carigliano] quận-công phu-nhân, là vợ quan thống-chế đời Nã-ba-luân hoàng-đế, là một người đài các thứ nhứt, mà cứ mỗi năm về mùa hạ lại đến ở chơi tại đất của bá-tước phu-nhân. Nhiều kẻ thiếu-niên, kìa như con một ông quốc-lão kia, đã đến xin lấy phu-nhân làm vợ, mà người nào phu-nhân cũng lấy lễ phép mà đưa ra tận cửa. Có lẽ phu-nhân chỉ thèm những tước bá trở lên mà thôi. Đại-huynh là hầu-tước. Vậy thì cứ vào rấn đi, may ra mắt xanh kia cũng lọt. Đó, em dặn anh có bấy nhiêu câu.

Tôi thấy bạn nói nửa nạc nửa mỡ như thế, thì tôi ngỡ rằng bạn nói diễu tôi, để làm cho tôi ngơ ngẩn. Khi chúng tôi đến chỗ thềm hoa trước dinh phu-nhân, thì sự say mê ngẫu-hứng của tôi, đã cao đến độ cùng tột. Chân tôi bước lên những bậc thang rộng, hai bên bầy toàn những đồ lịch-sự nước Anh, thì trống ngực tôi đánh thì-thùm. Tôi thấy dạ bồi hồi như thế, thì tôi lại thẹn cho tôi, mình cũng là kim-chi ngọc-diệp đây, chớ có phải đứa hèn mạt gì, mà sao thấy nơi lịch-sự, lại chột dạ như thế vậy. Than ôi! số là tôi vừa đằng đẵng ba năm trời ở trong một cái phòng trên từng áp mái, chưa biết lấy cái tài của mình làm một cái của báu để mà lên trên cả những cách phiền-hoa thiên-hạ; chưa biết rằng mình đã có công trình đi học, thì lúc hồi vận đến tay, dẫu danh phận to đến đâu mặc lòng, cũng không đè được bẹp ta, ta dẫu xưa nay cùng kiết đến đâu, tự dưng mà hóa nên giàu, thì cái giàu của ta, cũng là cái phúc phận đích đáng, ta không phải ngượng, ta phải tự-nhiên mà coi cái đài-các lịch-sự như một sự thường, thì mới là người đã luyện tập vào được tràng đua chen trong xã-hội. Tôi vào đến trong thì thoáng trông thấy một ả thanh-xuân chừng hai mươi hai tuổi, mình mẩy tầm thước, mặc toàn đồ trắng, tay cầm cái quạt lông, xung quanh xúm đông những người đến xưng tụng. Người ấy thấy Ra-xĩ-ti-nhắc vào, liền đứng dậy, miệng tươi hoa cười mà ra tiếp đón, rồi nói với tôi một câu tuyệt thú, hình như đã sắp trước đâu trong miệng. Thì ra bạn tôi đã nói chuyện tôi từ trước, tôn tôi là một bậc kì tài, mà bạn tôi lại khéo tán thế nào không biết, làm cho họ tiếp đãi tôi một cách rất là trân-trọng. Trong dinh chủ khách ai nấy nhìn cả vào tôi mà ân cần một cách đặc biệt. Cũng may mà bạn tôi đã nói trước rằng tôi là một kẻ khiêm nhún lắm. Tôi vào được một lát thì nhận ra trong bọn khách toàn là những bậc bác-vật, văn-sĩ, thượng-thư trở về, và những bậc công-thần quốc-lão cả. Thi lễ chào mầng nhau rồi câu chuyện đương nói lại đem ra nói nốt. Tôi thấy mình đã có tiếng sẵn rồi, trong bụng cũng vững. Khi đến lượt tôi nói, thì tôi cố nói lấy ít lời, mà lựa những câu thâm thúy, nghe chiều thiên-hạ cũng hơi choáng. Anh Ra-xĩ-ti-nhắc lần này đoán trúng được trước sự người, là lần thứ một nghìn. Khi trong phòng khách đã đến đông, ai nấy được tùy tiện hơn lúc người còn vắng, thì bạn tôi dắt lấy tay tôi mà đưa tôi đi chơi các phòng. Vừa đi vừa bảo tôi rằng:

- Đại-huynh chớ thấy bà chủ lịch-sự mà choáng. Kẻo nữa phu-nhân đoán ngay ra vì cớ gì mà đệ đem đại-huynh đến đây.

Các phòng bày biện thật là lịch-sự tao nhã. Tôi thấy những tranh đại-bút. Nhà bày kiểu Ăng-lê, mỗi phòng trang hoàng một lối. Rèm the, đồ vặt, dáng kiểu những bàn ghế, phòng nào có lối riêng của phòng ấy, ăn với nhau xan xát. Như trong cái phòng kia lối cổ triện, thì từ những màn che cửa kính, cũng vẽ những nét cổ-triện, cái đồng-hồ, những đệm trải dưới ván đều là lối cổ-triện cả; trần thì để dui nổi chạm, mắt nhìn ngược lên, như thấy những hang những động lối cổ triện. Gỗ thì chạm lọng hết cả, cho đến những kính giát cửa cũng có tranh bóng cổ mà quí. Tôi lại vào qua một cái phòng khách nhỏ tối-tân thời kiểu [tức là một “boudoir”, ở đây Balzac viết “boudoir gothique”], không biết tay nhà tài-tử nào mà khéo tô chuốt, nhẹ nhàng, thanh nhã, sáng sủa, mà lại êm mắt như thế. Vừa là một nơi bù-khú, lại vừa có cái thú phảng-phất, như là một điệu ca của người Đức, thật là một cái hang sâu để riêng cho một cập trai gái mê nhau năm 1827, bước vào nồng nực những mùi hoa thơm rất lạ. Đi khỏi cái phòng ấy, tôi lại trông thấy đàng xa có một cái phòng mạ vàng, lối phòng khách đời vua Lô-y thập-tứ, đem sóng với những nước sơn tường, sơn ván đời nay, thì thật là quái lạ, nhưng quái lạ vui mắt.

Bạn mỉn cười có ý nhạo tôi mà rằng:

- Về phần nhà ở thì rồi anh sẽ được vừa ý đây nhỉ?

Rồi lại ngồi xuống mà rằng:

- Chỗ này thú đấy nhỉ?

Được một lát bỗng dưng va đứng dậy, nắm lấy tay tôi mà dắt tôi vào một cái phòng ngủ, trỏ cho tôi một cái giường thật là thích mắt, đèn thắp vừa sáng mà không thấy ngọn, trên đình màn, chồng chất mất từng sa bóng, chằng chịt những diềm cùng nóc, toàn bằng những thứ hàng quí trắng nuột. Thật là một cái giường của nàng tiên mà sắp lấy ông thần.

Bạn tôi trỏ mà bảo tôi rằng:

- Tục thay! hỗn thay! điếm thay! là để cho anh em ta nhìn cái ngai ái-tình thần này! Ai cũng cho vào đây mà để cánh thiếp, mà không ai được lên nằm thì phỏng có chua không? Ví dù em được tự-chủ, thì em muốn được trông thấy gái này chịu lụy mà đến khóc trước cửa em…

- Anh đã chắc người ấy trinh thục được như thế à?

- Em chỉ biết những tay đáo-để nhứt trong bọn ta mà cũng phải tho [thua], đến bây giờ hãy còn thiết tha mê mẩn, hãy còn luồn cúi vào mà làm khuyển mã cho nàng. Người này thật là một câu đố cho thiên-hạ đoán.

Mấy lời đó lại làm cho tôi say mê hơn nữa. Cái máu ghen của tôi đã e sự trước của nàng rồi. Tôi nghe bạn nói vậy thì tôi sướng rùng cả mình. Tôi lại vội vàng trở ra chỗ phu-nhân tiếp khách. Tôi ra đến chỗ phòng cổ-triện, thì tôi gặp nàng vào. Nàng cười tủm tỉm mà giữ tôi lại đó, mời tôi ngồi xuống bên mình, rồi ân cần mà hỏi thăm những việc văn-chương của tôi. Tôi bèn lấy những lời bỡn cợt mà diễu lại những ý tưởng cao sâu, chớ tôi không dùng những giọng văn nhà làm sách triết-học, thì nàng lại lấy làm thích lắm. Khi nàng nghe tôi giảng rằng nhân-dục chẳng qua cũng là một cái mãnh-lực hữu hình như là hơi nước, trong thế-giới tư-tưởng cũng như là trong thế-giới hữu hình, không có trở lực nào ngăn cầm được cái sức ước muốn của người ta; ai mà biết tụ cái sức ấy vào một chỗ, biết tính cái số mã-lực nó, biết khiến cái sức muốn, thì làm gì cũng phải được, có thể hủy được cả những sức thường của tạo-hóa, có thể sai khiến được nhân tâm, có thể hoán cải được những việc xã-hội. Nàng có cãi mấy câu tỏ ra rằng con người cũng có tư tưởng sâu sắc. Nhiều câu tôi chiều nàng mà bảo rằng phải, rồi tôi lại khéo kiếm một lời, một tiếng, kể một việc trước mắt, mà làm cho nàng tự mình phải biết rằng trái. Những việc người ta trong khi thức ngủ, nhiều việc mới xét ra thì thật dị thường, mà nghĩ cho chín thì mỗi việc là một cái vấn đề, không giải quyết được cho nhà khảo cứu. Tôi nói ra thì nàng cũng lấy làm ngộ mà thiết nghe. Khi tôi nói rằng những ý-tưởng của ta cũng có cơ-thể như loài động-vật, cũng là những vật hoàn-toàn, sanh hoạt ở trong một thế-giới, mắt ta không trông thấy, mà lại có quan-hệ với cuộc đời đến số mệnh chúng ta, kìa xem như những ý-tưởng của ông Đề-các (Descartes), của ông Đi-đê-rô (Diderot), của vua Nã bô luân, toàn là những ý-tưởng đã khiến được cả một thế kỷ, tôi nói thế thì nàng ngẩn ngơ ra mà lắng tai nghe một lát. Vậy ra tôi được cái hân hạnh làm vui cho người đàn bà ấy. Khi nàng từ biệt tôi lại mời tôi thỉnh thoảng đến chơi. Tiếng triều đình như thế nghĩa là ngài ban cho tôi được đặc ân ra vào tự-tiện. Hoặc là bởi tôi có cái thói nên khen, lấy lời thi-lễ làm lời chân thật trong lòng; hoặc là bởi nàng Phê-đô-ra có mắt tinh đời, anh hùng đà đoán giữa trần ai, mà muốn cho cái trại bách-thú nuôi các giống văn-sĩ trong nhà được thêm ra một giống, mà quí hóa tôi thì không biết, duy tôi thấy nàng có ý đậm đà với tôi lắm. Tôi bèn đem hết cả bao nhiêu học-thức của tôi về khoa thân thể chức-dịch, và khoa khảo-cứu về tâm tánh phụ nữ, để mà xem xét cái người đàn-bà quái lạ ấy và những cách điệu của nàng. Tôi ngồi ẩn vào một chỗ xó cửa, rồi tôi nhìn trộm dáng đứng ngồi, cách đi lại, nói cười, gọi người này hỏi người kia, để tôi đoán xem trong óc người ấy tư-tưởng ra làm sao. Thì tôi thấy trong dáng đi có một cách mệt nhọc thật là thú vị, những cái sóng áo bập bồng như mặt nước, thật là đẹp, thật là xinh, khiến cho ai mà chẳng mệt mê, mê mệt, chẳng khát chẳng thèm. Như thế thì tôi tin làm sao được rằng người ấy nằm không. Dẫu ngày nay người ấy ghét bỏ ái tình, thì ngày xưa hẳn cũng đã có phen nồng mặn, bởi vì từ trong cách đứng trước người ta mà tiếp chuyện, cũng có một cách khôn khéo để người ta phải hứng tình, hình như có luyện-tập. Nàng đứng tựa vào cái bao-lơn, như người sắp ngã cũng có một cách điếm. Hồ ai nhìn vào mặt nàng một cách khí sỗ sàng, là nàng ù té chạy, cũng có một cách lẳng lơ vô cùng. Nàng thường đứng khoanh tay, mà nghe người ta nói, nghe bằng tai lại nghe cả bằng mắt, câu chuyện hay thì từ tiếng thở cũng như hấp lấy lời, mà thở ra tình ý. Hai cái môi thì tươi mà đỏ thắm, làm cho lại thêm trắng màu da ngà ngọc. Tóc đen nhanh-nhánh làm cho lộ sắc da cam của đôi con mắt, có những gân như gân cẩm-thạch xứ Phê-lô-răng [Florence], khiến cho lời nói lại càng mặn-mà có duyên. Nhìn đến cái ngực áo thì thấy bao nhiêu vẻ vấn vương lòng người! Ví có một gái nào khác muốn tranh cạnh với người mỹ-nữ ấy, thì chắc cũng chê cái tướng giao-my, và cái vành ngoài cung-nguyệt hơi có tuyết nhung đào. Nhưng tôi thì trong khắp vẻ người ấy, chỉ trông thấy một chữ dục. Trên mi mắt kiểu mi người Ý-đại-lị, trên hai vai đẹp thật đáng sánh với vai tượng thần Vệ-nữ xứ Mi-lô, ở môi dưới khí dầy mà lại sâu bóng xuống cằm, đọc đâu cũng thấy chữ ái-tình. Người ấy nói là một người đàn-bà chưa đủ, phải nói là nguyên cả một quyển tiểu-thuyết. Phải phải, cái kho tàng của đàn-bà đó, những nét người thanh tú đó, những hình dạng hẹn ta biết bao nhiêu cuộc khoái lạc đó, may có chút nhún nhường e lệ nó đỡ đi nhiều ít, cái nhún nhường, cái e lệ đó trái hẳn với vẻ người. Phải có con mắt tinh đời như con mắt tôi, mới trông thấy cái dâm-ô, ở trong cái bề ngoài thuần thục đó. Muốn diễn cho rõ cái ý tôi ra, thì phải nói rằng trong ả Phê-đô-ra mắt tôi trông ra hai người đàn-bà, có lẽ ngăn đôi ra ở chỗ ngực. Một người tính khí nguội lạnh, duy chỉ có cái đầu có vẻ đa tình. Trước khi nhìn một người đàn-ông nào, thì nàng sắp sẵn con mắt, như là trong mình có cái gì quái lạ, trong hai con mắt sáng quắc hình như có cái gì sôi lên sùng sục. Sau nữa, hoặc là cái học thuật của tôi không được đến nơi, hoặc giả là tôi chưa khảo cứu cho nó cùng ở trong tư tưởng giới, hoặc giả nữa là bá-tước phu-nhân có tâm địa rất tốt, cho nên tinh thần lộ ra ngoài mặt, hớn hở, tươi tốt, mặn mà, khiến cho ai trông thấy cũng phải ngẩn ngơ, mê mệt. Tôi khoan khoái mà ra về, say sưa mà ra về, trong lòng tôi bao nhiêu những chỗ sang trọng, những chỗ hư dại, những chỗ tốt, những chỗ xấu, đều như có người gợi lên cả. Tôi nghe mình tôi thấy động lòng nhiều như thế, thấy mình hoạt động như thế, thấy nức nở như thế, thì tôi mới vỡ ra tại làm sao mà những người tài-hoa kia, những nhà thuyết-khách kia, những người quyền-quí kia, những nhà cự-thương kia, lòng đã ken tường gang vách sắt như là cái tủ bạc mà cũng kéo nhau đến đó. Ý hẳn những kẻ ấy cũng như tôi đến đó mà cầu một cuộc cảm-động mê tơi, làm cho bao nhiêu dây đàn trong người cùng rung động; làm cho máu sôi sùng sục cho đến các vi-ti huyết-quản; làm cho các bộ thần kinh đều tê tái mà động lên đầu óc. Thì ra mụ này không chịu cho ai, để mà giữ lấy hết cả. Người đàn-bà mà còn chưa yêu ai, thì còn làm dáng.

Tôi mới bảo bạn rằng:

- Có lẽ người này đã phải ức giá hoặc phải cha mẹ đem bán cho ông lão già nào, đã trải qua những bước vỡ lòng đau đớn, cho nên ngày nay ghê cuộc yêu đương.

Hôm ấy tôi ở nhà phu-nhân ra, phải đi chân mà về. Từ nơi ấy cho đến phố hàng Thừng tôi ở, vừa cách gần hết một địa hạt kinh-thành. Tuy trời rét lắm, mà đường đi tôi cũng chẳng thấy dài. Trời ơi! đương mùa đông, mùa đông một năm rất lạnh, cơ-nghiệp không có được tới ba-mươi phật-lăng, mà tính đi chim Phê-đô-ra bá-tước phu-nhân! Từ tôi đến nàng, thật là xa nhau một vực một trời. Duy chỉ có người niên-thiếu nam nhi mà nghèo kiết, mới hiểu được một người gái yêu làm cho ta tốn biết bao chiêu tiền xe, tiền bao tay, tiền quần áo, tiền sắm đồ vải nhỏ mặc lót da. Phàm trai gái đã yêu nhau, hễ càng giữ tiết với nhau lâu thì còn là hại của. Chắc hẳn cũng có nhiều anh học-trò kiết tràng luật, không bao giờ đến gần được một người gái đẹp ở từng gác thứ nhất. Nhưng phận tôi thì lại chua cay. Trời ơi! chẳng hay tôi chen cạnh làm sao được với người ta? Tôi thì yếu đuối, gày còm, áo quần cũ kĩ, mặt mũi xanh xao hốc hác như nhà tài hoa kiếm gạo mới làm xong một việc khó nhọc thế này, thì phỏng địch sao được nổi với những kẻ thanh niên, râu cong tóc uốn, áo quần lịch-sự, cà-vạt mới thắt tuyệt khéo, lại nhiều tiền lắm bạc, nào những song-mã độc-mã làm pháo-thủ mà đi lấy đồn-ải trinh-thục của đàn-bà.

Tôi đi đến chỗ rẽ vào một cái cầu, thì tôi kêu lên một mình rằng:

- Một là được Phê-đô-ra, hai là ta chết. Mà được Phê-đô-ra tất là phú-quí đó.

-----------


Trên đây là đoạn trích từ chương hai của Miếng da lừa, "La Femme sans coeur", khi nhân vật chính, de Valentin, kể lại chuyện đời mình cho người bạn Émile Blondet nghe: đó là một câu chuyện đặc biệt balzacien (ta cũng biết La Peau de chagrin có rất nhiều ý nghĩa với bản thân Balzac, là tác phẩm được Balzac đặt ở vị trí thứ nhất phần "Études philosophiques" trong Vở kịch con người), câu chuyện về một thanh niên bắt đầu nếm mùi phồn hoa ảo tưởng, giống Lucien Chardon trong Hết ảo tưởng và Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, cùng rất nhiều nhân vật khác nữa, đặc biệt Rastignac, mà de Valentin gặp và là người dẫn de Valentin đến nhà "la comtesse de Foedora", một trong những phụ nữ quý tộc đặc trưng nhất của thế giới văn chương Balzac - Rastignac cũng từng có một câu chuyện không khác mấy, trong Goriot (chính vì thế Rastignac nói với de Valentin, rằng de Valentin đang ở đúng chỗ mà Rastignac từng ở, và nếu theo dấu Rastignac thì có thể làm được những chuyện tương tự). De Valentin, một thanh niên có thiên tài ở Paris (tập hợp của họ được miêu tả rất chi tiết trong Hết ảo tưởng), bị giằng xé giữa ý chí học vấn, văn chương và cuộc sống nơi các salon, cũng như giữa Pauline nghèo khổ và một nữ bá tước lộng lẫy.

Tôi đặc biệt chọn đoạn trên đây, vì Nguyễn Văn Vĩnh dường như tìm được rất nhiều điểm chung ở đó với một tác phẩm lớn nữa: Manon Lescaut - đó là thêm một bản dịch lớn của Nguyễn Văn Vĩnh, Mai-nương Lệ-cốt.




(đã tiếp tục bài "(một người) Aharon Appelfeld")



về Nguyễn Văn Vĩnh:

Ba chương Ba người ngự-lâm pháo-thủ
Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa




về Balzac:

Balzac hiện ra
Về César Birotteau
Trong hiệu sách (2)
Lần lần từng khu vực một
XX. Cô gái mắt vàng
XIX. Quán Trọ Đỏ
Heinrich Heine: Tháng Giêng năm 1832
XVII. Sao cho trong ấm (đầy đủ)
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)
Heidegger
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix (phần 1)
(phần 2)
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
(phần 4)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac


8 comments:

  1. cú pháp thật đỉnh! văn học từ chương khúc chiết mẫu mực thế này mà để bọn hậu sinh thất lạc thật đáng buồn.

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy một điều, không thể rõ ràng hơn: lịch sử Việt Nam là câu chuyện vĩ đại của sự tầm thường, nó khăng khăng vùi những gì vĩ đại vào trong bóng tối, để được yên ổn với sự tầm thường của nó

    ReplyDelete
  3. đã đầy đủ đoạn trích + bình luận thêm + sẵn sàng để chuyển sang Mai-nương Lệ-cốt

    ReplyDelete
  4. Chó ơi, viết nữa đi, viết nhiều vào, thương chó.

    ReplyDelete
  5. tất nhiên rồi, cám ơn Môi Thâm, trời nóng nhớ chú ý uống đủ nước

    ReplyDelete
  6. Mình không tìm mua được bản của Nguyễn Văn Vĩnh dịch

    ReplyDelete
  7. hỏi con cháu hậu duệ NVV í

    ReplyDelete