Dec 31, 2016

Kịch Thần

Ở một số trường hợp (khó nhất), các liên hệ đúng làm chúng ta hiểu đúng được bản chất của vấn đề. Chateaubriand (Vie de Rancé, Mémoires d'outre-tombe, René) trông thì xa xôi và quả thật gần như không hiện diện ở Việt Nam nếu không tính vài bản dịch nhỏ (xem thêm ở kia) và trong một số thứ liên quan đến Sainte-Beuve, là nhất thiết để có thể nắm bắt được văn chương Nguyễn Tuân, nhưng cũng như ở rất nhiều chỗ khác, điều này chưa một ai nghĩ đến (các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, thật ra họ làm gì? - thật ra, họ bận nói xấu sau lưng lẫn nhau) - đặc biệt Nguyễn Tuân trong hiện thân của một nhà lãng mạn (có một điều bí mật: trong rất nhiều năm, tất cả các nhà nghiên cứu Việt Nam đều rao giảng về chủ nghĩa lãng mạn, nhưng đó đơn giản không phải là chủ nghĩa lãng mạn). Tương tự: Nguyễn Du sẽ được hiểu sâu sắc hơn nhiều trong mối liên hệ với một nhân vật: Dante Alighieri. Ba mươi ba đoạn thơ phần "Địa Ngục" trong Divina Commedia của Dante chính xác là Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.

Tại Việt Nam, có hai bản dịch tác phẩm này, đều tên là Thần khúc. Bản dịch thứ nhất không đầy đủ, bản dịch thứ hai đầy đủ và dịch từ tiếng Ý; có vẻ như người thực hiện bản dịch thứ hai cũng liên quan rất nhiều đến bản dịch thứ nhất. Nhiều người khác nhắc đến tác phẩm này của Dante dưới nhan đề Hài kịch thần thánh.

"Hài kịch thần thánh" hoàn toàn có thể bỏ đi ngay: "divina" ở đây mang sắc thái của "thần linh" chứ không phải "thần thánh", và dĩ nhiên đó không phải "hài kịch".

Nhưng bản thân cái nhan đề Thần khúc cũng không đúng nốt (những cái tên sách: xem ở kiaở kia).

Ta quay trở lại với tác phẩm của Dante ở hình thức ban đầu của nó: Đây là một bài thơ dài; xét về số lượng câu thơ (Dante viết các "khổ" ba câu - các "terza rima" - liên tục), nó dài gấp cỡ năm lần Kiều; ban đầu nó chỉ có tên là Comedìa, từ này được Dante lấy từ tiếng Hy Lạp - thời của Dante là thời các giá trị Hy Lạp quay trở lại mạnh mẽ, Dante chịu ảnh hưởng rất lớn của một nhà bình luận Aristote người xứ Andalousie, Averroès, cũng như chịu ảnh hưởng của thánh Thomas d'Aquin như ta có thể dễ dàng thấy ở cuối phần "Thiên Đường" - tác phẩm của Dante trải qua sự san định và bình luận của một nhân vật hết sức quan trọng: Boccaccio (về Boccaccio, xem ở kiaở kia): kể từ Boccaccio "bài thơ dài" của Dante mới bắt đầu mang cái tên thông dụng "Divina Commedia" (ta cũng có thể thấy ảnh hưởng của Dante lên Boccaccio: tác phẩm Il Decameron tức Mười ngày của Boccaccio cũng gồm 100 "đơn vị", giống Divina Commedia); 100 "đơn vị" của Divina Commedia gồm một bài thơ ban đầu, sau đó là ba phần, mỗi phần 33 bài; các "đơn vị" ở đây là các "canto" (cho tới rất gần đây, cái tên "canto" vẫn còn xuất hiện rực rỡ ở một nhà thơ: Ezra Pound), 33 canto tạo nên ba "phần", tức là ba "cantica".

"Thần" dùng để bổ nghĩa cho cái gì? Tất nhiên không phải cho "khúc" (canto, hay cantica), mà bổ nghĩa cho "commedia", nghĩa là nhan đề tác phẩm của Dante cần được gọi trong tiếng Việt là Kịch Thần.

Bản dịch đầy đủ Divina Commedia trong tiếng Việt đơn giản là không thể chấp nhận được, trên mọi khía cạnh. Ở đây chỉ nói đến một điều, hết sức quan trọng: các "cantica" trong Divina Commedia gọi là gì?

Ta có cantica 1 tên là "Inferno", cantica 2 tên là "Purgatorio", cantica 3 tên là "Paradiso".

Phần 1 và 3 không cần bàn cãi: đó là "Địa Ngục" và "Thiên Đường". Nhưng "Purgatorio" là gì? Bản dịch tiếng Việt đặt tên phần này là "Tĩnh Thổ".

Tức là, tác phẩm của Dante gồm có Địa Ngục, Tĩnh Thổ và Thiên Đường, nhưng như vậy thì nghĩa là gì? Một thế giới không thể hiểu nổi.

Bởi đã nhìn ra mối liên quan giữa Nguyễn Du và Dante, trở ngược lại, ta hoàn toàn có thể hiểu (thêm) Dante nhờ Nguyễn Du. Thế giới của Nguyễn Du như thế nào? Là một thế giới gồm sống và chết (xem ở kia). Đó là một thế giới đầy đủ, là một vòng tròn không thiếu. Không thể có chuyện thế giới của Dante lại khác đi về bản chất.

Không, không thể có "Tĩnh Thổ" nào hết. Ba phần Kịch Thần của Dante gồm: "Địa Ngục", "Nhân Gian" và "Thiên Đường".

Thời của Dante, mọi thứ đều mới: tác phẩm trước Divina Comedia là Vita Nuova (Cuộc đời mới, trong đó đã xuất hiện Beatrice) và cuộc đời sáng tạo của Dante nằm trong địa hạt của cái mà người ta gọi là "stil novo" hay "Dolce Stil Novo" hay "stilnovismo": "phong cách mới". Xứ sở nào cũng có những giai đoạn "mới" như vậy, nếu đó thực sự là một xứ sở, đặc biệt ở thời điểm bắt đầu hình thành. Ở Việt Nam cũng vậy thôi, một thời từng rất đậm nét "mới" và "tân": chính là đầu thế kỷ 20; có điều, "thơ mới" người ta tưởng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nhiều phải là "theo mới" của Tự Lực văn đoàn.

Divina Commedia được Dante viết vào quãng đầu thế kỷ 14 (quanh năm 1300). Câu đầu tiên vang dội của nó đã quá nổi tiếng: "Nel mezzo del cammin di nostra vita" (đến giữa quãng đường đời, etc.) Không chỉ dựng nên một thế giới đầy đủ, Dante còn nói lên tầm quan trọng của "quãng giữa cuộc đời" của "chúng ta", nghĩa là của mọi người. Giữa quãng đường đời là khoảng ba mươi lăm tuổi ấy. Ở đúng quãng ấy, người ta phải làm một điều rất khủng khiếp: phải lựa chọn (và điều này liên quan rất mật thiết tới tự do). Quãng tuổi ấy, Nguyễn Du phải lựa chọn, Khái Hưng là Hồn bướm mơ tiên, Đinh Hùng cuối cùng cũng in Mê hồn ca.

Cả "Địa Ngục", "Nhân Gian" lẫn "Thiên Đường" của Dante đều kết thúc bằng hình ảnh những vì sao. Ta còn nhớ, các ngôi sao quan trọng đến mức nào trong thế giới của Đinh Hùng.

Có thể nào không lựa chọn khi đến lúc không?

8 comments:

  1. Nhân gian liệu có ổn không bác, cõi đó là cõi giữa mà người ta chưa lên được Thiên Đàng trong khi đã chết mất xác rồi (là đã rời khỏi nhân gian)

    ReplyDelete
  2. nhân gian có phải hoàn toàn là "thế giới của người sống" đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. nói chung là cách dịch này có vấn đề

      Delete
    2. cứ nghĩ kỹ đi, nó chính là Nhân Gian đấy

      thêm nữa, Tĩnh Thổ thế nào được: nó là quả núi, núi mà lại là thổ làm sao được, Tĩnh Sơn thì may ra

      nhưng đó chính là Nhân Gian thôi hehe

      Delete
  3. Cảm ơn anh vì những gì đã làm trong một năm qua cũng như trong 10 năm đã qua. Chúc anh một năm sống thảnh thơi trong thế giới của những vị thần văn chương:D:D

    ReplyDelete
  4. Nếu xem nhân gian là nơi lắm người nhiều ma, long xà lẫn lộn, serenity thì ít mà agony lại nhiều theo nghĩa một luyện ngục cho tất cả thì hoàn toàn có dùng chữ "nhân gian" để dịch "purgatorio". Có điều mấy anh chỉ biết dùng Lạc Việt sẽ lại một phen quằn quại

    Nhân tiện, tôi nghĩ bao lâu vẫn không biết dịch La comédie humaine sao cho đặng. Tấn trò đời thì "kinh điển" rồi nhưng không ra được "sự Dante" trong đó.

    Cthulhu's worshiper (lên đời rồi, hehe)

    ReplyDelete
  5. Cái sự hiểu cho tới dịch của các bác nó convenient quá nhỉ, nhưng bản chất từ đấy là mượn một khái niệm của Cơ đốc. Tôi vẫn thấy dịch thế là cực kì vấn đề nếu không muốn nói là sai

    ReplyDelete
  6. hehe, no offense, cái sự nhận xét của bác thì phải gọi là gì bây giờ?

    La Comédie humaine hoàn toàn có thể là "Kịch Người" nếu muốn thấy mối liên quan với "Kịch Thần", anw tôi không quan tâm lắm đến vụ í, nhưng bác nói điều này vào đúng cái lúc tôi đang định đọc từ đầu đến cuối bộ đó của Balzac đây, có ai theo không :p trước đây tôi từng đọc khoảng một phần ba, chủ yếu là những tiểu thuyết nổi tiếng nhất

    ReplyDelete