Jul 17, 2019

Các phiêu lưu vào vùng phi thực tại tức thì

(đã đầy đủ "Ông trưởng ga": một câu chuyện đã đi đến điểm kết - với rất nhiều lưu luyến; cũng đã tiếp tục Mai-nương Lệ-cốt)

Thời gian vừa rồi, nếu ai còn nhớ (có ai còn nhớ không?) tôi đã đi qua không ít nhân vật văn chương nhiều dính dáng đến Rumani (chẳng hạn ởkia hay ởkia); nhưng giờ mới đến một phát hiện lớn: Max Blecher.

Một nhân vật sống chưa tròn ba mươi tuổi. Dưới đây sẽ là một tác phẩm của Max Blecher.




[cũng thông báo luôn là ba quyển Joseph Roth cuối cùng mà tôi còn thiếu cũng đã được hứa tặng: không ai cần làm gì nữa]





Các phiêu lưu vào vùng phi thực tại tức thì

Max Blecher


Chương 1

Những lúc nhìn quá lâu vào một điểm cố định trên tường, lắm khi tôi thấy xảy ra chuyện tôi không còn biết mình là ai, cũng như tôi đang ở đâu nữa. Thế là, từ xa, tôi cảm thấy nỗi vắng mặt của căn cước tôi, như thể, trong giây phút, tôi đã trở nên một ai đó hoàn toàn xa lạ. Cái nhân vật trừu tượng ấy và con người thực của tôi giành giật nhau lòng tin của tôi, đôi bên ngang tài ngang sức.

Chốc lát sau, căn cước tôi được tái cấu thành, giống như nơi các hình lập thể, hai hình ảnh do lơ đãng bị tách khỏi nhau và, chừng đã được người thợ sắp xếp và điều chỉnh lại, đột nhiên mang tới ảo giác về một phù điêu. Khi đó căn phòng hiện ra trước tôi cùng một sự tươi mát chưa từng biết. Nó quay trở lại với sự chắc chắn khi trước và những đồ vật mà nó chứa đựng về lại chỗ của chúng, tuyệt đối giống một cục đất trong chai nước tự xếp thành các tầng yếu tố khác nhau, xác định rõ, với những màu đa dạng. Các yếu tố của căn phòng nhập trở lại công tua của chúng và tìm lại những sắc thái thuộc kỷ niệm cũ mà tôi còn giữ được về chúng.

Cảm giác về xa xôi và cô độc nhận thấy trong những khoảnh khắc khi con người thường nhật của tôi tan vào trong sự mất chắc chắn, nó là duy nhất. Khi nào kéo dài hơn, nó liền trở thành một nỗi sợ, một hãi hùng về chuyện không bao giờ tôi còn có thể tìm lại được chính mình nữa. Tít xa, vẫn còn sót lại từ tôi một bóng dáng thiếu vững chãi, bao quanh là một quầng ánh sáng, như một món đồ vật lờ mờ hình dạng trong sương mù. Cái câu hỏi khủng khiếp “thật ra mình là ai?” lúc đó án ngữ lấy tôi như một thực thể xa lạ hẳn đã mọc lên trong tôi, mà làn da và các cơ phận đối với tôi là hoàn toàn lạ lẫm. Câu trả lời đòi hỏi một sự sáng suốt sâu hơn và cốt yếu hơn so với sự sáng suốt bộ não tôi. Mọi thứ gì đủ sức hoạt náo bên trong cơ thể tôi đều hoạt náo, loạn đả và nổi dậy theo một cách thức mạnh mẽ hơn và sơ đẳng hơn so với trong cuộc sống hằng ngày. Mọi cái đều van vỉ một giải pháp.

Nhiều lần, tôi thấy lại căn phòng đúng như tôi biết về nó; giống như là tôi vừa nhắm rồi mở hai mắt; mỗi lần phòng lại sáng hơn - theo cách thức của một phong cảnh hiện ra mỗi lúc một rõ thêm trong mắt kính, nếu người ta, bằng cách điều chỉnh tiêu cự, nhìn xuyên qua được những tấm màn hình ảnh trung gian.

Cho đến cuối cùng, tôi cũng nhận ra nổi chính tôi và tìm lại được căn phòng của tôi. Điều này tạo cho tôi cảm giác chếnh choáng say. Căn phòng được cô đặc một cách lạ thường trong vật chất của nó và chẳng chút vương vấn, tôi trồi lên trở lại nơi bề mặt mọi vật: con sóng của rối bời càng sâu, thì đỉnh của nó lại càng cao; chẳng bao giờ, dẫu là trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi thấy hiện ra với nhiều hiển nhiên hơn, rằng vật nào cũng phải ở chỗ mà nó ở và tôi phải là cái người mà tôi là.

Tức là, những dằn vặt của nỗi thiếu chắc chắn nơi tôi không còn tên nữa; chỉ còn lại từ đó niềm hối tiếc vì đã chẳng tìm thấy gì tại các vực thẳm kia. Chỉ khiến tôi sửng sốt, việc một vắng mặt hoàn toàn về nghĩa lại có thể gắn bó sâu sắc nhường ấy vào vật chất sâu kín của tôi. Giờ đây, lúc tôi đã tự tìm lại chính mình, khi tôi thử diễn đạt cảm giác đó, thì nó hiện ra trước tôi như là rất mực phi cá nhân: chỉ là một cục bướu của căn cước tôi, thứ hẳn đã tự mọc lên như một khối u. Một sợi tơ của con sứa, căng ra hết giới hạn, rồi cuống cuồng vượt sóng để rốt cuộc về được cái ổ gelatin của nó. Bằng cách ấy, trong vài giây phút hãi hùng, tôi băng qua tất tật sự chắc chắn và thiếu chắc chắn trong tồn tại của tôi nhằm quay về hẳn, một cách đau đớn, với nỗi cô độc của tôi.

Nỗi cô độc đó thuần khiết và thống thiết hơn những cái khác. Cảm giác về một thế giới đang rời xa thì sáng sủa hơn và gần gũi hơn: một sầu muộn trong suốt và dịu ngọt, giống một giấc mơ mà người ta nhớ lại vào giữa đêm.

Chỉ mình nó còn nhắc cho tôi về bí ẩn và sự mê hoặc hơi buồn bã của các “khủng hoảng” tuổi thơ tôi.

Chỉ duy nhất trong sự biến mất đột ngột ấy của căn cước, tôi mới tìm lại được các cú ngã vào những không gian bị nguyền rủa trước kia; và cũng chỉ trong những giây phút của sự sáng suốt tức thì, chúng đi theo tôi trở lại trên bề mặt, thế giới mới hiện ra trước tôi trong cái quầng lạ thường đó của nỗi vô tích sự và cũ rích từng hình thành quanh tôi khi nào các cơn xuất thần hoang tưởng của tôi hoàn tất việc hư vô hóa tôi.


Luôn luôn cùng những địa điểm, ngoài phố, trong nhà hay trong vườn, khơi lên các cơn khủng hoảng nơi tôi. Cứ lần nào bước vào không gian của những chỗ đó, tôi đều thấy bị phong tỏa trong cùng nỗi khó ở, cùng cơn chóng mặt. Những cái bẫy vô hình đích thực rải rác đây đó trong thành phố, giống ở mọi điểm với không khí vây quanh chúng - chúng đợi, đầy dữ tợn, cho tôi thúc thủ trước bầu không khí đặc biệt của chúng. Vượt một bước, chỉ một thôi, qua biên giới của các “không gian bị nguyền rủa” đó, là tức thì một cơn khủng hoảng xảy ra, không thể tránh khỏi.

Một trong những không gian ấy nằm nơi công viên của thành phố, tại một khoảng trống nhỏ đầu một lối đi mà chẳng bao giờ có người dạo bộ nào đặt chân đến. Hàng giậu tầm xuân và keo lùn chạy hai bên bờ mở ra chỉ về một bên, vào phong cảnh tiêu điều của một cánh đồng hoang vắng. Không chốn nào khác trên đời buồn hơn và bị bỏ mặc hơn. Sự im lặng ngụ, dày khộp, trên đám lá phủ đầy bụi, trong cái nóng ứ đọng của mùa hè. Thảng hoặc vang lên tiếng vọng những kèn trom pét của một trung đoàn. Các tiếng gọi ngân dài trong trống rỗng của một nỗi buồn xé lòng… Phía xa, không khí cháy, run rẩy như làn hơi trong suốt bên trên một thứ chất lỏng sôi lục bục.

Chỗ này hoang dã và cô lập; sự bỏ rơi nơi nó là bất tận. Ở đó, sự nóng của ban ngày với tôi dường bức bối hơn và không khí tôi thở thì nặng hơn. Các bụi rậm xỉn bị mặt trời nướng chín, vàng nhợt, trong bầu không khí của nỗi cô độc tuyệt đối. Một cảm giác kỳ khôi về sự vô tích sự bay lơ lửng phía trên khoảng trông ấy, nó tồn tại “đâu đó”, nơi tôi đã chẳng vì lý do gì mà rơi vào, một buổi chiều hè tầm thường bản thân nó cũng vắng tanh nghĩa. Một buổi chiều hỗn độn, bị lạc đi trong cái nóng của nắng, giữa vài bụi cây bám neo vào không gian, “đâu đó”. Lúc đó tôi cảm thấy theo cách thức sâu hơn và đau đớn hơn, rằng tôi chẳng có gì để làm trên cái thế giới này, chẳng gì khác ngoài đi nhởn trong các công viên - tại những khoảng trống phủ bụi và cháy nắng, vắng tanh và hoang dã. Lâu dài, các lang thang ấy xé nát lòng tôi.


Một chốn bị nguyền rủa khác nằm ở đầu kia thành phố, giữa đám bờ bụi cao nhiều hang hốc của dòng sông nơi tôi hay bơi cùng lũ bạn.

Ta luy bị sụp ở một chỗ. Phía trên cao, có một cối xay chuyên dùng để ép dầu, chiết xuất từ hạt hướng dương. Đống vỏ hạt rỗng bị vứt xuống đoạn trũng của thành đất và, theo thời gian, đống rác vun cao lên đến độ tạo thành một con dốc toàn hạt khô chạy suốt từ tít cao xuống tới bờ nước. Đám bạn tôi đi theo đó để xuống nước, đầy thận trọng, cầm tay nhau, giẫm chân sâu xuống tấm thảm chất mủn.

Thành của bờ cao, cả hai bên của con dốc, thì dựng đứng và đầy những bất thường huyền ảo. Mưa đã tạc ở đó các kẽ nhỏ, quấn vào nhau như các họa tiết hoa lá và ghê tởm, giống những vết thương đóng sẹo theo lối tệ hại. Các mẩu vụn đúng nghĩa trong một thứ thịt đất sét, những vết thương khiếp khủng và há toác miệng. Giữa mấy cái thành gây ấn tượng mạnh ấy, cả tôi, tôi cũng phải đi xuống bờ sông.

Từ xa, và từ lâu trước khi đến được bờ, mùi của đống hạt thối đã tràn đầy hai lỗ mũi tôi. Nó chuẩn bị sẵn tôi cho cơn khủng hoảng, giống một dạng đợt ủ bệnh ngắn. Đó là một cái mùi khó chịu và dẫu sao thì dịu ngọt. Hoàn toàn giống những khủng hoảng nơi tôi.

Tận trong sâu thẳm, khứu giác của tôi chia làm đôi và những luồng hơi thối tới được với các vùng nhạy cảm mâu thuẫn. Mùi dấp dính của sự phân rã, dẫu đồng phát, phân biệt rõ với hương thơm dễ chịu, nóng và quen thuộc, của các hạt được nướng lên.


Hương thơm đó chuyển hóa tôi ngay tắp lự, cái chu chuyển đầy dồi dào qua những thớ bên trong của tôi, mà như thể nó làm tan ra để rồi thay thế bằng một vật chất lơ lửng hơn và mơ hồ hơn.

Kể từ khoảnh khắc ấy chẳng gì còn có thể tránh được nữa. Một nỗi khó ở dễ chịu và gây chóng mặt nảy sinh trong ngực tôi và đẩy nhanh các bước chân tôi về phía bờ sông, về cái chốn của sự thất bại chung quyết của tôi.

Tôi lao xuống trên đống vỏ hạt cho tới bờ nước, trong một cuộc chạy náo nhiệt. Không khí ập vào tôi sự đặc nhọn hoắt và cứng của nó, như một lưỡi dao. Thế giới sụp đổ một cách hỗn độn vào một cái lỗ mênh mông có những quyền năng hấp dẫn khó ngờ.

Các bạn tôi chạy theo cuộc đổ dốc điên rồ của tôi, đầy hoảng sợ. Phía dưới, bãi đá cuội rất hẹp và chỉ cần bước hụt thôi tôi có thể rơi luôn xuống sông, tại một điểm nơi những cái xoáy trên mặt nước cho thấy ở dưới rất sâu.

Tôi không thực sự có ý thức mình đang làm gì. Đến gần nước, vẫn giữ nguyên tốc độ như trước tôi vòng tránh đống vỏ hạt và tiếp tục chạy xuôi theo sông, cho đến một khoảng hõm vào của ta luy.

Một cái hang nhỏ đã hình thành tít sâu bên trong, một căn hầm rợp bóng tối và mát như một phòng nhỏ xíu đào vào đá. Tôi vào trong đó rồi thả mình rơi xuống, mồ hôi ướt đầm, mệt rũ và run từ đầu xuống chân.

Chừng đã hồi tâm trí được chút đỉnh, tôi phát hiện quanh mình bài trí thân thiết và dễ chịu của cái hang, cùng dòng suối của nó, vọt ra từ đá và chảy róc rách trên nền sỏi, tạo thành ở chính giữa một bồn nước trong, tôi cúi xuống đó, không sao thỏa cơn khát, để nhìn các đăng ten rêu màu lục tuyệt diệu phủ thảm lên các thành vách, lũ động vật tí xíu dính vào những mẩu gỗ, các miếng sắt vụn phủ đầy rỉ cùng bùn đáy; những con thú cùng đồ vật nơi đáy làn nước ấy đẹp đến không tin nổi.

Ngoài những địa điểm bị nguyền rủa đó, thành phố tự trộn vào nhau thành một tảng gồm sự tầm thường bất biến, với các ngôi nhà có thể hoán đổi cho nhau, đám cây cối bất động tới mức tuyệt vọng, lũ chó, những khoảnh đất hoang và bụi.

Trong những căn phòng đóng, ngược lại, các khủng hoảng xảy ra dễ dàng hơn và cũng thường hơn. Theo lệ, trong một phòng xa lạ, nỗi cô độc trở nên không thể chịu đựng. Nếu tôi phải chờ, nỗi khó ở dịu ngọt và khủng khiếp túm chặt lấy tôi trong giây lát. Bản thân căn phòng được chuẩn bị sẵn cho điều đó: một sự gần gũi ấm nóng và chiều chuộng lọc qua những bức tường, chảy thành giọt lên đồ đạc và các thứ đồ vật. Đột nhiên, phòng trở nên trác tuyệt và tôi cảm thấy thật sung sướng. Nhưng đó chỉ là một trò đểu của khủng hoảng, sự biến thái êm dịu và tinh tế của nó. Ngay khi nỗi ngây độn nơi tôi đã qua, mọi thứ liền đổ ụp và rối tinh vào với nhau. Mắt mở lớn, tôi nhìn những thứ đồ vây quanh tôi, nhưng chúng đánh mất đi nghĩa thông thường và tắm mình trong một tồn tại mới.

Dáng vẻ chúng trở nên mới không sao diễn tả nổi, như thể chúng vừa được tháo khỏi thứ giấy mỏng trong suốt vẫn bọc lấy chúng cho tới khi ấy. Chúng như thể được hướng vào một cách sử dụng mới, cao hơn và huyền ảo, mà tôi gắng sức phát hiện nhưng chỉ vô vọng.

Nhưng vậy chưa phải đã hết: những đồ vật rơi vào một cơn cuồng tự do đúng nghĩa, trở nên độc lập với nhau, một sự độc lập không chỉ là một phân tách, mà còn là một phấn hứng, một ngây ngất.

Niềm hào hứng của quầng sáng mới nơi tồn tại của chúng vươn tới tôi: loại băng dính rất chắc buộc tôi vào với chúng thông qua các mối nối vô hình, thứ biến tôi thành một món đồ trong phòng giữa các món khác, giống một cơ phận đính nhanh vào, nó, nhờ một cơ chế chuyển hóa tế vi, nhập vào với cơ thể lạ lẫm.

Một lần, trong một cơn khủng hoảng, mặt trời đã rọi lên tường một dòng thác những tia sáng, giống một thứ nước điểm vàng phi thực và gợn các sóng sáng rực. Tôi thấy rõ một góc tủ sách, xuyên qua ô kính, với các quyển thật lớn đóng bìa da, và những chi tiết có thực đó, được tri nhận từ vực thẳm cơn ngất xỉu của tôi, đã hoàn tất việc khiến tôi đờ đẫn và hạ gục tôi, như một cú hít clorofom sau chót. Cái mà các món đồ chứa đựng ở mức chung hơn cả, được biết rõ hơn cả, càng làm tôi rối loạn hơn. Sức mạnh của thói quen có khả năng rốt cuộc đã dụng đến lớp biểu bì của chúng và, đôi khi, chúng hiện ra trước tôi trơ khấc đến bật máu: sống, sống đến không tin nổi.

Đỉnh điểm của khủng hoảng được hoàn thành nhờ một sự bồng bềnh bên ngoài thế giới, vừa dễ chịu lại vừa đau đớn. Chỉ cần có tiếng bước chân thôi, tức thì căn phòng phủ lên mình dáng vẻ ban đầu trở lại. Giữa những bước tường, nỗi phấn hứng khởi sự cuộc rũ xuống chậm chạp của nó, gần như không sao tri nhận được. Điều đó thuyết phục tôi rằng sự chắc chắn của tồn tại tôi chỉ tách biệt với thế giới của không chắc chắn bằng một lớp màng mảnh cực điểm.

Tôi tỉnh dậy trong một căn phòng vốn biết quá rõ, người đầy mồ hôi, mệt lả, bị xâm chiếm bởi một cảm giác về sự vô tích sự của các món đồ vây quanh tôi. Tôi quan sát thấy nơi chúng các yếu tố mới, giống người ta phát hiện những chi tiết chưa từng biết về các món đồ thường nhật. Căn phòng lưu giữ một kỷ niệm mơ hồ về cơn tai biến, như mùi lưu huỳnh còn vương lại mãi sau một vụ nổ. Tôi nhìn những quyển sách đóng bìa trong tủ và gỡ ra từ trong sự bất động của chúng một nét tráo trở của che giấu đồng lõa. Quanh tôi, các đồ vật chẳng bao giờ chối bỏ cái thái độ bí mật của chúng, được trì níu theo đường lối dữ tợn bởi vẻ thản nhiên đầy nghiêm khắc.



Tại một độ sâu nhất định của tâm hồn, những từ quen thuộc không còn tác dụng nữa. Tôi thử định nghĩa thật chính xác các khủng hoảng nơi tôi nhưng chỉ tìm lại được những hình ảnh. Lời lẽ ma thuật, có khả năng biểu đạt chúng, hẳn phải vay mượn chút ít từ tinh chất của chúng, với các năng lực nhạy cảm khác hẳn, chưng cất lại ở chúng như một mùi thơm mới, trong một cấu tạo phức tạp của hương.

Nhằm tồn tại thực sự, hẳn nó phải chứa đựng một cái gì đó thuộc về nỗi sững sờ ập lên tôi lúc tôi nhìn một người thực rồi sau đó quan sát những cử chỉ của người ấy, thật chăm chú, trong một tấm gương; một cái gì đó thuộc về sự mất thăng bằng trong các cú ngã của tôi vào giấc mơ, với nỗi kinh hoảng sắc nhọn của chúng, nó xuyên qua cột sống tôi, trong một giây phút không sao mà quên nổi; hay một cái gì đó thuộc làn sương trong ngần bao vây những bài trí dị thường mà người ta có thể thấy nơi các quả cầu pha lê.

Tôi ghen tị với những người khác, được nhốt im ỉm vào bên trong các thói quen của họ, xa khỏi nền bạo chúa các vật. Họ sống như tù nhân dưới áo pác đờ xuy và áo măng tô của mình. Không một yếu tố bên ngoài nào có thể gây khiếp sợ cho họ, chiến thắng họ, và chẳng gì xuyên nổi vào nhà tù tuyệt diệu của họ. Thế nhưng giữa tôi và thế giới, không có phân cách nào hết. Mọi thứ gì vây quanh tôi đều xâm chiếm tôi từ đầu xuống tới chân, như thể da tôi thủng lỗ chỗ. Sự chú tâm, thêm nữa lại hết sức lơ đãng, với đó tôi nhìn các thứ đồ, không chỉ thuần túy là sản phẩm của ý chí tôi: thế giới, hết sức tự nhiên, vọc sâu vào tôi các xúc tu của nó; toàn bộ tôi bị băng ngang bởi hàng nghìn cánh tay của con thủy tức. Buộc lòng, tôi phải công nhận thế giới đúng như là tôi thấy nó, đến não lòng, mà tôi chẳng thể nào thay đổi lấy mảy may.

Những “khủng hoảng” thuộc về tôi cũng hoàn toàn ngang mức so với thuộc về các địa điểm nơi chúng được tạo ra. Quả đúng là nếu một số trong những địa điểm đó trì giữ một sự ma mãnh đặc biệt về phía tôi, thì tất tật những địa điểm khác, ngược lại, đã tự lao vào cơn phấn hứng điên rồ trước cả khi tôi đến. Như, chẳng hạn, các căn phòng kia, mà nỗi sầu muộn, sự bất động cùng niềm cô độc bất tận là đủ để kết tinh những khủng hoảng nơi tôi.

Như một dạng công lý giữa tôi và thế giới (một công lý dìm tôi, theo lối còn không thể cứu vãn hơn nữa, sâu vào sự đồng phục của vật chất thô), lòng tin của tôi, rằng các món đồ có thể vô hại, thì bằng đúng với nỗi hãi hùng chúng gây ra cho tôi. Sự vô tội của chúng phát xuất từ một sự thiếu phổ quát về lực.

Tôi mơ hồ cảm thấy rằng không gì nơi thế giới này có thể đi cho tới cùng, chẳng gì có thể được hoàn tất. Sự dữ tợn của các đồ vật cũng kiệt đi, cả nó nữa. Chính bằng cách ấy mà sinh ra trong tôi ý về sự thiếu hoàn hảo của mọi hiện tượng, kể cả siêu nhiên.

Đối thoại nội tâm với những quyền năng xấu xa, mà lúc thì tôi thách thức, khi lại đầy hèn hạ mà nịnh nọt, cứ kéo dài mãi không chịu kết thúc. Tôi thực thi các nghi lễ lạ thường, nhưng chẳng phải không hề có nghĩa. Đi từ nhà, dẫu là theo lộ trình nào đi nữa, tôi đều quay ngược trở lại, để khỏi vẽ ra, bằng cách bước đi, một vòng tròn nhốt kín các ngôi nhà cùng cây cối. Nếu tôi không cuộn trở lại sợi dây đã thả ra với bước chân tôi, bằng cách đi theo cùng lộ trình, lúc trở ngược, thì các đồ vật bị đưa vào trong vòng hẳn sẽ bị gắn, chặt chẽ và bất khả vãn hồi, với tôi, mãi mãi. Nếu trời mưa, tôi tránh chạm vào những hòn đá bị các lưới nước tưới đẫm, nhằm không thêm gì vào cho hành động của nước và nhằm không can thiệp vào sự thực thi những quyền năng sơ đẳng của nó.

Lửa thanh tẩy tất tật. Tôi luôn luôn mang theo, trong túi áo, một bao diêm. Chừng nào thấy buồn, tôi liền quẹt một que rồi hơ hai tay lên trên ngọn lửa, một tay, rồi đến tay còn lại.

Trong toàn bộ cái đó có một nỗi sầu muộn về tồn tại nhất định, một dạng khổ hình tự nhiên, trong các giới hạn cuộc đời trẻ con của tôi.

Với thời gian, các khủng hoảng tự biến mất; dấu ấn của chúng thì còn tiếp tục ám tôi.

Đến tuổi thiếu niên, tôi không còn cuộc khủng hoảng nào nữa, nhưng trạng thái hoàng hôn đi trước chúng và cảm giác về nỗi vô tích sự sâu sắc của thế giới liền tiếp theo trở nên, cách nào đó, bản thể tự nhiên của tôi.

Sự vô tích sự đã lấp đầy những chỗ hõm xuống của thế giới giống một thứ chất lỏng hẳn lan tràn ra mọi phía, và thế giới phía trên đầu tôi, cái bầu trời lúc nào cũng tuyệt hảo, phi lý và bất xác quyết kia, đã giành lấy màu của tuyệt vọng.

Ở chính giữa sự vô tích sự khắp muôn nơi đó, bên dưới cái bầu trời vĩnh viễn bị nguyền rủa kia, tận hôm nay tôi vẫn tiếp tục lê lết.






Chương 2

Ông bác sĩ khám để xem tình trạng các khủng hoảng của tôi thốt ra một từ kỳ quặc: “sốt rét”. Tôi hết sức kinh ngạc vì những hoảng sợ nơi tôi, sâu kín và bí mật ngần ấy, lại có thể mang một cái tên và, thêm nữa, cái tên kỳ đến vậy. Thêm một điều để sửng sốt, bác sĩ kê cho tôi uống kí ninh. Tôi thấy thật không sao hiểu nổi bằng cách nào mà những không gian ốm lại có thể được chữa khỏi, chúng, với kí ninh mà tôi uống vào, tôi. Nhưng thứ làm cho tôi bị khuấy động nhiều hơn hết lại là chính ông bác sĩ. Rất lâu sau buổi khám, ông tiếp tục tồn tại và náo nhiệt ở trong ký ức tôi với các cử chỉ tí xíu của ô tô mát, mà tôi không sao chặn ngưng được cơ chế bất khả kiệt cùng.

Đó là một ông nhỏ thó với cái đầu hình quả trứng, chỏm mút nhọn hoắt thuôn dài thêm ra bằng bộ râu đen cứ không thôi chộn rộn. Cặp mắt nhung nhỏ xíu của ông, những động tác dứt khoát cùng cái miệng nhảu ra khiến trông ông thật giống một con chuột nhắt [lại chuột; vả lại, vừa xong là miêu tả hết sức chính xác kiểu người “tên là Thử cầm tinh con chuột” từng xuất hiện dưới ngòi bút Tô Hoài]. Ngay từ những giây phút đầu tiên, cảm giác đó đã mạnh mẽ đến nỗi đối với tôi thật quá sức tự nhiên, khi ông khởi sự nói, chuyện ông kéo dãn rất dài, rền vang, mọi âm “r”, như thể, vừa nói, ông vừa, tiếp tục chẳng ngơi, gặm một cái gì giấu giếm.

Kí ninh mà ông đưa tôi, cả nó nữa, củng cố sự chắc chắn rằng ông bác sĩ mang ở trong mình một cái gì đó nhiều tính cách chuột. Niềm tin ấy được chứng thực theo cách thức lạ thường và vẫn gắn liền vào với những sự vị quan trọng trong tuổi thơ tôi, đến nỗi câu chuyện xứng đáng, tôi nghĩ thế, được kể riêng ra.


Không xa nhà chúng tôi, có một cửa hàng bán máy khâu. Tôi tới đó mỗi ngày và ở lì đó hàng tiếng đồng hồ. Chủ hiệu là một nhân vật trẻ tuổi, tên Eugène. Anh ta vừa xong quân dịch và đã tìm được một chỗ tại thành phố bằng cách mở cửa hàng ấy. Anh ta sống, cùng em gái Clara, kém anh ta một tuổi, đâu đó ngoài ngoại ô và ở hiệu trong ngày. Họ không có cả các mối quen biết lẫn họ hàng.

Cửa hàng chỉ là một căn hộ lần đầu tiên được thuê để kinh doanh.

Những bức tường vẫn còn lưu giữ các lớp sơn của cái hẳn từng là một phòng khách, với những tràng hoa tử đinh hương tím và các dấu vết hình chữ nhật, bợt màu, những nơi từng treo tranh. Chính giữa trần nhà ngự trị một ngọn đèn bằng đồng với cái chao bằng sành majolique đỏ sậm, các gờ phủ những lá ô rô sứ màu lục, nổi rõ lên. Đó là một món đồ rơi vào trạng thái bão hòa trang trí uốn lượn vặt, xập xệ và cổ lỗ, nhưng đồ sộ, một cái gì đó hơi tương tự mộ quách hay một cựu chiến binh mang bộ quân phục tướng trong buổi diễu hành.

Những cái máy khâu được bày thành ba hàng thật thẳng thớm, ngăn giữa là hai lối đi rộng dẫn về cuối căn phòng. Eugène tỉ mẩn tưới nước lên sàn nhà hằng sáng, với một vỏ đồ hộp cũ đục đáy. Tia nước chảy ra từ đó rất mảnh và Eugène hết sức khéo léo điều khiển nó, vẽ ra trên sàn các xoáy trôn ốc và những hình số tám tinh xảo. Đôi khi anh ký tên và viết hôm đó là ngày nào. Sơn trên tường dường như kêu gọi, vẻ vô cùng tự nhiên, những tinh tế ấy.

Nơi góc cửa hàng, một bình phong gồm mấy ván gỗ ngăn ra một dạng ca bin, khỏi phần còn lại của phòng. Chính tại đó Eugène và Clara hay ở, chính tại đó họ ăn trưa, để khỏi phải rời hiệu trong ngày. Họ gọi nó là “lô nghệ sĩ”. Một hôm, tôi nghe thấy Eugène nói: “Đây là một “lô nghệ sĩ” đúng nghĩa. Chẳng phải những lúc tôi đi sang bên hiệu rồi nói suốt nửa tiếng nhằm bán một cái máy khâu, thì tức là tôi đóng kịch, đấy ư?”

Và nói thêm, giọng dịu hơn: “Cuộc đời, nhìn chung, thuần là sân khấu.”

Đằng sau tấm ri đô, Eugène chơi violon. Anh khom lưng đứng trước đống tổng phổ đặt trên bàn, kiên nhẫn giải mã các khoảng chằng chéo vào nhau như là đang gỡ một nùi dây đầy những nút buộc nhằm rút ra từ đó một sợi duy nhất và hẹp, sợi dây của giai điệu. Cả buổi chiều, một cái đèn dầu nhỏ được thắp, đặt trên một cái hòm, làm cho căn phòng ngập trong làn ánh sáng chết và làm rối tung trên tường bóng khổng lồ của người chơi violon.

Tôi hay tới đó đến nỗi theo thời gian tôi trở thành một dạng khách mời-đồ đạc, một nối dài của cái trường kỷ cũ phủ vải thô bóng trên đó tôi ngồi bất động, một thứ chẳng ai đoái hoài và cũng không làm phiền đến ai.

Trong góc ca bin, Clara trang điểm cho buổi chiều. Cô cất váy áo trong một cái tủ nhỏ và ngắm mình trong một tấm gương vỡ đặt dựa vào cái đèn trên hòm. Đó là một tấm gương cũ kỹ đến mức lớp véc ni đã bị tróc đi ở nhiều chỗ và xuyên qua mấy đốm trong suốt hiện ra những đồ vật thực, trộn lẫn vào với các hình ảnh phản chiếu như nơi một bức ảnh đặt chồng nhiều phim lên nhau.

Thỉnh thoảng, cô cởi gần như hết sạch quần áo và, chẳng hề ngần ngại giơ hai tay lên, bôi eau de Cologne vào nách, hoặc hai bầu vú, luồn bàn tay vào giữa áo sơ mi và cơ thể. Cái áo sơ mi thì ngắn và, chừng cô cúi xuống, tôi nhìn thấy hết thảy cặp chân rất đẹp của cô, trong đôi tất dài.

Cô giống ở mọi điểm với cái người phụ nữ gần như trần truồng nhìn thấy một ngày kia trên một tấm bưu thiếp kiểu con heo mà một thằng cha bố láo từng chìa cho tôi xem, trong công viên.

Nhìn thấy Clara như thế, trong lòng tôi cũng nổi lên nỗi bấn loạn giống như trước cái hình ảnh bậy bạ kia, một dạng của trống rỗng khoét sâu vào lồng ngực tôi và cùng lúc, một ham muốn đáng kinh hãi siết chặt lấy dương vật tôi, như ê tô.

Lúc nào tôi cũng giữ cùng một chỗ trong ca bin, trên trường kỷ, sau lưng Eugène, và đợi Clara trang điểm xong xuôi. Lúc ấy cô bước ra cửa hiệu, đi ngang qua giữa tôi và anh trai cô theo một không gian hẹp đến nỗi đùi cô lướt qua đầu gối tôi.

Ngày nào tôi cũng đợi giây phút đó với cùng nỗi sốt ruột và cùng sự dằn vặt y nguyên. Nó tùy thuộc vào một số lượng lớn hoàn cảnh nhỏ xíu mà tôi cân đong và rình đợi với một sự nhạy cảm bạo liệt và sắc đanh.

Chỉ cần Eugène thấy khát nước, anh không muốn chơi đàn hay có một người khách bước vào hiệu, là anh sẽ rời khỏi cái nơi gần bàn và thế là đã đủ không gian tự do cho Clara, để có thể đi qua trong xa cách với tôi.

Những khi, vào buổi chiều, tôi tiến lại gần cửa của hiệu, từ tôi mọc ra các ăng ten dài và rung bần bật để thăm dò không khí trong mục đích tóm lấy âm thanh cây đàn violon; một nỗi yên ổn to lớn xâm chiếm tôi nếu nghe thấy Eugène đang chơi đàn. Tôi liền hết sức nhẹ nhàng đi vào và từ ngưỡng cửa cất to giọng để thông báo, cho anh biết không phải có khách mua hàng, như vậy thì không phải ngắt giữa chừng dẫu chỉ một giây. Có thể xảy ra chuyện, vào cái giây ấy, sự trơ ì và ảo giác của giai điệu đột nhiên dừng lại, và Eugène bỏ đàn violon để rồi chẳng chơi nữa, suốt buổi chiều. Nhưng khả năng về những sự kiện tệ hại không dừng lại ở chỉ sự vị đó. Biết bao điều nữa xảy ra trong ca bin… Chừng nào Clara còn trang điểm, tôi lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhất và quan sát từng chuyển động nhỏ nhất, e rằng chúng sẽ làm nảy sinh thảm họa của buổi chiều. Chẳng hạn có thể Eugène bỗng húng hắng ho, anh nuốt nước bọt chút ít, đột nhiên nói rằng mình khát nước hoặc phải sang bên hàng bánh kẹo mua một cái bánh ngọt; từ các sự vị nực cười vô chừng đó, như tiếng ho kia, mà sinh ra, gớm ghiếc và to lớn, một buổi chiều bị mất. Khi ấy nguyên ngày đánh mất đi tầm quan trọng của nó và đến đêm, nằm trên giường, thay vì êm đềm nghĩ (và dừng lại tỉ mẩn suốt hàng phút nơi mỗi chi tiết nhằm “thấy” rõ hơn và để ghi nhớ) tới khoảnh khắc hai đầu gối tôi chạm vào đôi tất của Clara, đào sâu, tạc hình, và ve vuốt ý nghĩ ấy, thì tôi ngọ ngoạy kinh khiếp trong chăn, không sao ngủ nổi và sốt ruột đợi ngày tiếp theo.


Một hôm, xảy ra một chuyện hoàn toàn không thông lệ. Câu chuyện bắt đầu bằng cách mang dáng dấp của thảm họa và hoàn tất với một nỗi sửng sốt bất ngờ, nhưng là theo cách thức đột ngột và thông qua một động tác vớ vẩn tới nỗi toàn bộ niềm vui sau đó của tôi giống như một giàn chứa những thứ đồ vật chẳng ăn nhập gì với nhau được trì giữ bởi một ảo thuật gia tại một điểm thăng bằng duy nhất.

Chỉ bằng một bước chân, Clara làm thay đổi hoàn toàn nội dung những chuyến viếng thăm của tôi, mang đến cho chúng một biểu nghĩa khác cùng các run rẩy mới, như là ở thời điểm của thí nghiệm hóa học ấy, tại đó tôi đã thấy bằng cách nào mà chỉ một mẩu pha lê nhỏ nhúng vào lọ đựng đầy chất lỏng màu đỏ ngay tức khắc biến nó thành một dung dịch mang màu lục đến khó tin.

Tôi đang ngồi trên trường kỷ, vẫn cùng chỗ, trong nỗi sốt ruột dai dẳng mà đợi, thì cửa bật mở và có người bước vào hiệu. Eugène ngay lập tức rời khỏi ca bin. Mọi thứ dường đã hỏng mất. Clara vẫn tiếp tục trang điểm, thản nhiên, trong lúc cuộc trò chuyện bên cửa hàng cứ kéo dài mãi không dứt. Tuy nhiên, vẫn có thể Eugène sẽ quay trở vào trước khi em gái của anh ăn vận xong xuôi.

Đau đớn, tôi dõi theo dòng chảy của hai sự kiện đó, cuộc điểm trang của Clara và cuộc trò chuyện bên cửa hàng, nghĩ rằng chúng có thể tiếp diễn theo lối song song, hoặc, ngược lại, sẽ gặp nhau tại một điểm cố định trong ca binh giống trong vài bộ phim điện ảnh khi hai đầu máy xưa lửa lao về phía nhau với vận tốc điên rồ và sẽ đâm sầm vào nhau hoặc tránh được nhau tùy theo một bàn tay bí hiểm có bẻ ghi kịp vào phút cuối hay chăng. Vào những khoảnh khắc chờ đợi ấy, tôi cảm thấy thật rõ cuộc trò chuyện cứ đi tiếp con đường của nó và, trên một đường song song, Clara tiếp tục thoa phấn…

Tôi thử sửa chữa định mệnh bằng cách nhô hai đầu gối xa hết mức về phía bàn. Để chúng gặp được cặp chân của Clara, hẳn tôi sẽ phải ngồi dịch ra sát mép ngoài của trường kỷ, trong một tư thế nếu không kỳ quặc thì ít nhất cũng rất hài.

Tôi thấy như thể xuyên qua tấm gương Clara nhìn và mỉm cười với tôi.

Rất chóng vánh, cô kết thúc việc thoa son lên công tua của cặp môi và dặm phấn má lần cuối. Mùi nước hoa tỏa ra trong ca bin khiến tôi ngây ngất vì thèm muốn và vì tuyệt vọng. Đúng vào lúc cô đi ngang qua gần tôi, xảy ra một điều mà tôi ít trông đợi hơn hết: cô cọ đùi vào hai đầu gối tôi giống mọi ngày (hay có lẽ mạnh hơn chăng? nhưng chắc chắn đó chỉ là một ảo tưởng) với một dáng điệu hờ hững, như thể giữa chúng tôi chẳng hề xảy ra chuyện gì.

Có một mối đồng lõa của lỗi lầm sâu hơn và mãnh liệt hơn so với mọi thông đồng qua từ ngữ. Nó ngay tức khắc siêu vượt cơ thể giống một giai điệu nội tâm và chuyển hóa hoàn toàn các ý nghĩ, da thịt cùng máu.

Vào cái tích tắc khi hai chân Clara chạm vào tôi, nảy sinh bên trong tôi, mênh mông, những chờ đợi mới và những hy vọng mới.

Với Clara, tôi đã hiểu ngay từ ngày đầu tiên, ngay từ giây phút đầu tiên; đó là cuộc phiêu lưu dục tình đầu tiên của tôi, đầy đủ và bình thường. Một phiêu lưu đầy ngập những giằng xé và chờ đợi, đầy ngập những lo lắng cùng nghiến răng, một cái gì đó chắc hẳn có thể giống với tình yêu, nếu cái đó chỉ đơn giản là sự liên tục của một sốt ruột đau đớn. Tôi nén chặt và tham vọng cũng ngang mức với Clara bình thản và thất thường; cô có một cách thức bạo liệt trong khiêu khích tôi, một dạng niềm vui chó má trong việc được thấy tôi đau khổ - cái niềm vui luôn luôn đi trước thể động tình dục và dự phần vào đó.

Lần đầu tiên xảy ra giữa chúng tôi điều mà tôi đợi đã từ lâu đến thế, sự khiêu khích của cô mang một vẻ giản dị sơ khai (và gần như tàn bạo) đến mức cái câu đơn sơ mà khi ấy cô thốt ra cùng động từ vô danh mà cô dùng, tận ngày hôm nay còn giữ được cái gì đó từ sự khốc liệt nơi chúng, của khi trước.

Chỉ cần tôi nghĩ tới nó lâu một chút thôi là sự thờ ơ hiện tại của tôi đã vì thế mà bị gặm nhấm như bởi một thứ cường toan và câu nói phủ trở lại bạo lực mà nó từng có khi đó.

Eugène vào thành phố. Hai chúng tôi lặng thinh ở lại trong cửa hiệu. Clara, trong cái váy mặc buổi chiều, hai chân bắt chéo đằng sau ô kính, ngồi đan, vẻ rất mực chăm chú. Vài tuần đã trôi qua kể từ trường đoạn ca bin và giữa chúng tôi đã đột nhiên xuất hiện một sự lạnh lùng khổ hạnh thế nào đó, một căng thẳng kín đáo ở phía cô được thể hiện ra bằng một vẻ hờ hững cực điểm. Chúng tôi đối mặt với nhau suốt nhiều tiếng đồng hồ, chẳng nói chẳng rằng và, thế nhưng, lửng lơ trong nỗi im lặng ấy một thông đồng hoàn hảo, bí mật, đầy tính cách bùng nổ. Tôi chỉ còn bị thiếu duy nhất cái từ bí hiểm hẳn có thể phá vỡ đi những gì còn rơi rớt lại từ các quy ước; tối nào tôi cũng có hàng chục dự đồ nhưng sang tới hôm sau chúng vấp phải những trở ngại sơ đẳng hơn cả: sự đan len không thể bị ngắt giữa chừng kia, sự vắng của một thứ ánh sáng nhiều thuận lợi hơn, nỗi im lìm trong cửa hiệu hay ba hàng máy khâu, được xếp đặt quá mức thẳng thớm chuẩn mực, không cho phép một đổi thay lớn nào trong cửa hàng, kể cả những gì thuộc về phương diện tình cảm. Tôi cứ nghiến quai hàm cho thật chặt; đó là một nỗi im lặng khủng khiếp, một im lặng sở hữu bên trong tôi bằng chứng và công tua của một đường viền.

Clara là người đã cắt đứt nó. Cô nói, gần như là thì thầm, chẳng hề ngước mắt lên khỏi món đồ đan: “Nếu hôm nay anh đến được sớm hơn, thì chắc ta đã có thể làm cái đó, Eugène vào thành phố từ đầu giờ chiều”. Không có lấy chút bóng dáng nào của một ám chỉ dục tình từng thẩm thấu, cho tới lúc đó, vào những chặng im lặng của chúng tôi, thế mà từ vài lời ấy thôi đã vọt trào giữa chúng tôi một thực tại mới, cũng diệu kỳ và ngoạn mục tương tự một bức tượng đá như thể mọc lên từ sàn nhà, ở ngay giữa đống máy khâu.

Trong giây lát, tôi ở kề bên Clara, cầm lấy tay cô, vuốt ve nó thật bạo liệt và hôn nó. Cô giật tay ra.

- Ây, bỏ ra đi, cô bực bội nói.

- Xin em đấy, Clara, tới đây…

- Giờ thì muộn quá mất rồi, Eugène sắp về tới nơi, để yên cho tôi, để yên cho tôi. Bừng sốt, tôi sờ soạng vai, ngực, chân cô.

- Để tôi yên, Clara phản đối.

- Tới đây đi, vẫn còn kịp mà, tôi nài nỉ.

- Ở đâu?

- Trong ca bin… tới đây… chỗ kia được đấy.

Thốt ra “được đấy” xong, ngực tôi dội lên một niềm hy vọng nóng bỏng. Tôi lại hôn tay cô và dùng sức kéo cô đứng dậy khỏi ghế. Cô để mặc cho tôi làm gì thì làm, nặng nề, lê chân trên sàn nhà.

Kể từ hôm ấy, diễn tiến “thường lệ” của các buổi chiều thay đổi: lúc nào cũng là vấn đề về Eugène, về Clara và cùng những bản xô nát, nhưng kể từ bấy tiếng của cây đàn violon đối với tôi thật không sao chịu nổi và nỗi sốt ruột của tôi rình đợi những lúc Eugène đi khỏi. Vẫn trong cùng cái ca bin đó, các lo lắng của tôi trở nên khác hẳn, như thể tôi đã chơi một trò mới, nhưng là trên một bàn cờ biết rõ, với những đường kẻ sẵn như cũ.

Sự chờ đợi đích thực khởi sự khi Eugène đi. Một chờ đợi còn nặng và trĩu xuống hơn nữa; nỗi im lặng của cửa hiệu những lúc như thế biến thành một khối nước đá.

Clara ngồi đan cạnh cửa kính: ngày nào đó cũng là “khởi đầu” mà nếu thiếu cuộc phiêu lưu của chúng tôi chẳng thể có. Đôi khi Eugène đi khỏi, để lại Clara gần như không quần áo trên người bên trong ca bin: tôi nghĩ điều đó có thể đẩy nhanh các sự kiện lên, nhưng tôi nhầm. Clara không chấp nhận khởi đầu nào khác ngoài khởi đầu ở bên cửa hiệu. Tôi phải đợi, hết sức vô tích sự, cho cô ăn vận điểm trang xong rồi đến ngồi gần cửa sổ, đằng sau ô kính, thì mới mở được quyển sách của buổi chiều, vào trang thứ nhất.

Tôi ngồi trước cô trên một cái ghế đẩu, và bắt đầu nói với cô, cầu xin cô, vật nài cô thật lâu. Tôi biết chỉ công cốc mà thôi; chỉ hiếm khi lắm Clara mới đồng ý và thậm chí khi ấy còn dùng tới một mẹo nào đó nhằm không trao cho tôi sự nhất trí hoàn toàn của cô:

- Tôi phải vào ca bin lấy phấn đây, tôi đau đầu quá, xin anh đấy, đừng có đi theo tôi.

Tôi thề nguyền sẽ làm đúng như vậy và chỉ giây lát sau đã theo chân cô. Thế là khởi sự trong ca bin một cuộc vật nhau đúng nghĩa, nơi các sức lực của Clara hiển nhiên chỉ đòi hỏi được nhường bước. Cô ngồi phịch xuống trường kỷ như vừa bị vấp chân, sau đó kê hai tay xuống dưới đầu và nhắm mắt lại, giả vờ ngủ. Tôi chẳng thể nào thay đổi dẫu chỉ một xăng ti mét tư thế của cơ thể cô; cô cứ nằm nghiêng người như thế, còn tôi phải loay hoay lột váy cô rồi tấp mình vào. Clara chẳng hề kháng cự lại các động tác của tôi chút nào, nhưng cũng không làm gì khiến chúng được dễ dàng. Cô cứ bất động và thờ ơ như một khúc củi, và chỉ sự nóng sâu kín và bí mật của cô hé lộ cho tôi thấy rằng cô đang rất chăm chú, rằng cô “biết”.

Tôi đến khám chỗ ông bác sĩ kê kí ninh cho tôi vào cùng khoảng thời gian. Cảm giác của tôi, rằng ở ông có một cái gì đó nhiều tính cách chuột được chứng thực trong ca bin và, như tôi đã nói, theo một cách thức tuyệt đối đáng kinh ngạc và phi lý.

Một hôm, trong lúc đang nép sát vào người Clara, bằng các cử chỉ bừng lửa giật cái váy của cô ra, thì tôi cảm thấy có cái gì đó là lạ đang dịch chuyển trong ca bin. Nhờ vào một bản năng mờ tối, trở nên tinh nhạy nhờ sự cận kề với khoái lạc và không chấp nhận bất kỳ một hiện diện xa lạ nào, thì nhiều hơn so với nhờ ngũ quan, tôi đoán định được rằng có một tạo vật sống đang rình xem chúng tôi.

Hoảng hốt, tôi ngoái đầu lại và thấy, đằng sau cái hộp đựng phấn, phía bên trên hòm, một con chuột nhắt. Nó dừng lại ngay gần sát tấm gương nơi gờ cái hòm và đưa đôi mắt đen nhánh nhỏ xíu nhìn tôi đăm đăm. Ánh sáng ngọn đèn rỏ vào đó hai giọt vàng sáng long lanh mà sự chói xuyên suốt qua tôi. Trong vài giây, nó nhìn chằm chằm vào mắt tôi, với một cường độ lớn đến mức tôi cảm thấy hai điểm trong mờ thuộc ánh mắt nó xâm nhập tận tới đáy não bộ tôi. Dường nó suy tính về phía tôi một lời thóa mạ nào đó, hay ít nhất thì cũng là một trách cứ. Nhưng đột nhiên, sự hấp dẫn bị cắt đứt và con chuột lao mình biến đi, đằng sau hòm. Khi đó tôi đinh ninh ông bác sĩ đã đến rình rập tôi.

Buổi tối cùng hôm ấy, lúc uống kí ninh, một lập luận tuyệt đối phi logic, nhưng có giá trị trong liên quan với tôi, càng củng cố giả định của tôi: kí ninh thì đắng, mặt khác ông bác sĩ đã trông thấy trong ca bin khoái lạc hoàn toàn mà Clara trao cho tôi, do đó, và nhằm thiết lập một thế cân bằng đúng đắn, ông kê cho tôi thứ thuốc khó chịu hơn cả có thể tồn tại. Tôi nghe thấy ông gặm nhấm lời phát xét của mình trong ý nghĩ: “Khoái lạccc càng lớnnn, thì thuốccc càng phải đắnggg!”

Vài tháng sau hôm khám bệnh, ông bác sĩ được người ta tìm thấy đã chết trên tầng áp mái nhà ông; ông đã tự bắn một viên đạn vào đầu.

Câu hỏi đầu tiên của tôi khi nghe được cái tin tồi tệ đó là:

- Có con chuột nào ở đó không?

Tôi thấy nhất thiết phải chắc chắn được về điều đó.

Để ông bác sĩ thực sự chết, nhất thiết phải có cả một lũ chuột ào lên cái xác, chúng phải lục tìm, trích xuất từ đó thứ vật chất chuột mà ông thầy thuốc đã né suốt cuộc đời nhằm sống cái tồn tại sai luật của “con người”.






Chương 3

Khi tôi quen Clara, chắc tôi, tôi nghĩ vậy, chừng mười hai tuổi. Xa hết mức mà tôi có thể lục tìm nơi tận sâu các kỷ niệm tuổi thơ, tôi thấy chúng gắn vào với sự học tập về dục tình, thứ đối với tôi cũng gây nhiều hoài nhớ, và thuần khiết, giống như kinh nghiệm về đêm, về nỗi sợ, hay về những tình bạn đầu tiên. Giống ở mọi điểm với các sầu muộn khác và các chờ đợi khác, như nỗi sầu, thật buồn tẻ, của việc “lớn lên”, mà tôi đo lường được một cách cụ thể mỗi lần nào bắt tay một người lớn, tìm cách ước giá khác biệt về trọng lượng và kích cỡ giữa bàn tay bé nhỏ của tôi và lòng bàn tay to lớn với những ngón nhiều mấu, nơi nó bị mất hút vào.

Chẳng thời điểm nào trong tuổi thơ tôi từng không hay biết khác biệt giữa một đàn ông và một phụ nữ. Nếu tôi có trộn lẫn, vào một thời, tất tật người sống, vào một sự sáng sủa duy nhất, được tạo ra từ các chuyển động cùng những sự trơ ì, thì tôi cũng chẳng hề có kỷ niệm chính xác nào về điều đó. Bí mật của dục tình đã luôn luôn là hiển nhiên. Vấn đề nằm ở một bí mật giống như thể đó là một đồ vật; một cái bàn hoặc một cái ghế.

Nhưng, chừng tôi phân tích những kỷ niệm xa nhất, chúng liền hiện lên trước tôi thật cũ rích, bởi sự hiểu thể động tình dục nơi tôi sai lầm lắm. Tôi tưởng tượng các cơ phận phụ nữ dưới những hình thức lệch lạc và bản thân thể động thì tráng lệ và kỳ quặc hơn nhiều so với tôi từng biết tới, với Clara. Tuy nhiên, tất tật diễn giải đó - sai, rồi mỗi lúc một đúng hơn - chứa đựng một dáng dấp của bí ẩn và chua chát, cái đó hoàn tất sự trưởng thành chậm chạp của nó giống các phác họa vô định hình biến thành bức tranh bậc thầy.


Tôi thấy lại tôi nhỏ xíu, trong một cái áo sơ mi dài đến tận gót chân, khóc lóc rầm rĩ trên một bệ cửa ra vào, nơi một cái sân bị mặt trời ban trưa thiêu đốt, ở đó cánh cổng dẫn ra một cái chợ vắng hoe vào giờ ấy, khô cằn và buồn bã, với lũ chó nằm phủ phục thiu thiu ngủ cùng những người đàn ông nằm thẳng cẳng trong bóng râm các quầy bán rau.

Không khí tràn ngập mùi gắt của rau thối; vài con muỗi to tướng màu tím bay vo ve quanh tôi, hút lấy những giọt nước mắt rỏ trên hai bàn tay tôi rồi bay luẩn quẩn thành các vòng tròn huyên náo, trong ánh sáng đặc đầy oi nực của cái sân. Tôi nhỏm dậy, tè xuống bụi, đầy chăm chú. Đất hau háu hấp thụ lấy chất lỏng, làm loang ở chỗ đó một cái đốm, như dấu ấn của một món đồ vật không tồn tại. Tôi chùi mặt vào áo sơ mi và liếm nước mắt đọng khóe miệng, nhấm nháp vị mặn của chúng. Tôi lại ngồi xuống bậu cửa, cảm thấy bất hạnh vô cùng. Tôi vừa bị ăn đòn.

Vừa ban nãy, trong phòng ngủ, bố tôi đã ban phát cho tôi mấy cái đét xuống mông trần. Tôi cũng chẳng rõ lắm là tại sao. Tôi suy nghĩ. Trước đó tôi đã nằm trên một cái giường, cạnh một con bé gái cùng độ tuổi tôi. Chúng tôi phải ngủ trưa, trong lúc bố mẹ chúng tôi ra ngoài đi dạo. Tôi không nghe thấy tiếng họ quay về và không biết chính xác thì mình làm gì, với con bé, dưới lớp chăn. Tôi chỉ biết rằng vào lúc bố tôi đột nhiên tung chăn ra, thì nó đã để mặc cho mọi sự xong rồi. Bố tôi liền mặt đỏ lựng, nổi giận và đánh tôi. Vậy thôi.



(còn nữa)

11 comments:

  1. Có phải Vùng phi thực tại là một quận của Xứ phi lai?

    ReplyDelete
  2. hay. và gợi nhớ. thay vì rơi xuống, người ta rơi lên:P

    ReplyDelete
  3. đúng thế, đúng thế, ngã bao giờ cũng là theo chiều ngược (chóng mặt etc.)

    ReplyDelete
  4. "thế giới" sẽ nhất loạt chống lại anh, thẳng tay và ko có giảm khinh hay ngoại lệ, một khi anh khởi sự nhìn vào cái bề "vô tích sự" của nó. và đã thế lại còn tố giác.

    ReplyDelete
  5. chuyển đoạn rất oách, vì "sốt rét". đã là thế giới thì làm sao có hợp lý được.
    còn "sự vị" thì cùng range với "đơn vị" hay "tự vị" hay "vô vị" nhỉ?

    ReplyDelete
  6. e là ko cùng về functioning

    ReplyDelete
  7. văn chương authentic bao giờ cũng như có ma. "Chính giữa trần nhà ngự trị một ngọn đèn bằng đồng với cái chao bằng sành majolique đỏ sậm, các gờ phủ những lá ô rô sứ màu lục, ... Những khi, vào buổi chiều, tôi tiến lại gần cửa của hiệu, từ tôi mọc ra các ăng ten dài và rung bần bật ... sự trơ ì và ảo giác của giai điệu đột nhiên dừng lại, ..." nghe như thoáng có bóng Herr Kafka vừa đi qua

    ReplyDelete
  8. trong mọi sai lầm của tuổi thiếu niên đều chứa sự thật. suy rộng ra trong mọi sai lầm là sự thật.

    ReplyDelete