Để tiếp tục với Alain khó nhất là biết được xem phải bắt đầu từ đâu. Alain là một cuộn dây lớn rất khó tìm ra đầu mối, mà nếu không tìm ra được thì rất dễ sẽ chỉ có một núi dây rối lằng nhằng vào với nhau.
Nhìn chung, cái gì cũng thế.
Có vẻ như cuối cùng (finally) tôi đã tìm ra, đây:
(ấn bản thứ 11)
Nhân tiện, dưới đây là một trong những cuốn sách đầu tiên của Alain, niên đại 1910:
(trong địa hạt Alain, nhìn chung tôi chỉ còn kiếm các số báo đăng bài của Alain: tất nhiên cái đó rất hiểm, rất khó)
Đồng thời, động tới Alain của Beaux-Arts cũng là một cách hommage một nhân vật: Đỗ Long Vân.
Alain
Hệ thống Mỹ thuật
Tựa
Mọi nghiên cứu, trong trật tự của cảm năng [rất không nên gọi
cái đó - một cách quá dễ dãi - là “mỹ
học”], đều nằm dưới sự chế ngự của các phân tích trong Phê phán [năng lực] đánh giá của Kant [cuốn sách thứ ba của Kant
bàn về sự đánh giá, chứ không phải “phán đoán”; hai cuốn trước đó, Kritik hướng
vào lý trí, chứ không phải “lý tính”], ngày nay đã trở nên cổ điển, nhưng quá
ít được biết ở những chi tiết sắc bén của chúng. Tôi phải nói ngay rằng sau khi
nghiên cứu một cách đầy đủ tác phẩm đáng trọng vọng ấy, tôi đã không tìm thấy
gì ở đó đối với tôi dường như không quan yếu và rốt ráo một cách vĩnh viễn
trong chủ đề khó khăn ấy. Tuy nhiên, vì tóm tắt một ý lớn gần như là bất khả và
luôn luôn gây hại nhiều hơn là có ích, chỉ một lần là xong luôn tôi xin dẫn chiếu
độc giả đến với bản thân cuốn sách [của Kant], nhưng cũng báo trước với anh ta
rằng một tìm hiểu như vậy [tức là đọc cuốn sách của Kant] hoàn toàn không nhất
thiết để hiểu những gì tôi trình bày trong cuốn sách này. Cũng thế, và cũng vì
cùng các lý do, không có điểm bất tiện nào hết nếu coi những gì tiếp theo đây
như một tuyển tập những bài ngắn về Mỹ thuật [từ “beaux-arts” vẫn được dịch là “mỹ thuật” nhưng nghĩa
của từ này không chỉ hẹp ở khía cạnh hội họa], nếu tìm ở nó cơ hội để suy nghĩ,
mà không tự bó buộc mình vào trật tự thuộc hệ thống. Vì vậy không nên để nhan đề
đánh lừa. Các ý được đề xuất ở đây hoàn toàn không tùy thuộc vào một ý cao hơn
nào đó được đặt ra trước hết, và thậm chí hoàn toàn không đưa tới một ý niệm
chung nào đó có thể định nghĩa mọi nghệ thuật trong vòng một ít từ. Ngược lại
tôi tự đặt cho mình việc chỉ ra những điều khác, các phân cách, những đối lập,
bằng cách ấy mà tự điều chỉnh, trong mức độ mà phê bình có thể làm, theo bản
thân các tác phẩm, trong đó mỗi cái tự khẳng định quá rõ và chỉ khẳng định nó.
Nhưng đã xảy ra chuyện, tôi thấy hình như vậy, nhờ một may mắn của cái chủ đề
thuộc vào loại rất vững chắc này, là, bởi các phân biệt và đối lập, mối liên hệ
đã tự khẳng định bởi chính nó còn chặt chẽ hơn [chính là bởi] nhờ các điểm khác
- cái đó, từ “hệ thống”, trong nghĩa đúng của nó, diễn tả khá tốt [chính vì thế
Alain dùng từ “hệ thống” vốn dĩ rất khó dùng trong địa hạt cảm năng].
Về học thuyết của Kant chỉ cần nói rằng lúc nào tôi cũng nhất
trí với đó trong những gì tiếp theo đây, mà không bao giờ cần phải nhắc đến. Tôi
đã phải tiến hành theo cách khác đối với một ý dẫn đường không kém quan trọng,
mà tôi tìm được nơi Descartes, nhưng Ông hoàng của Niệm năng không hề lại gần
chủ đề của chúng ta. Tôi muốn nói đến trí tưởng tượng với tư cách chức năng hay
quyền năng của con người, nhưng về cốt yếu được định nghĩa bởi cơ chế và các chứng
tật của cơ thể con người. Ý quan trọng này chắc chắn những người từng tìm cách
miêu tả ổn thỏa bản tính người nhưng lại không có tinh thần hệ thống đã không
đi theo đủ; và, do một hệ quả tự nhiên, nó bị những người sẵn lòng suy nghĩ về
Mỹ thuật không biết tới; chính vì vậy tôi đã thấy là không vô ích nếu phân tích
nó kỹ càng. Nhưng không được trông chờ, theo đó, rằng quy tắc nghệ thuật nào đó
được rút ra từ ý ấy; vì chính các tác phẩm mới mang đến quy tắc; thành thử việc
nghiên cứu các nghệ thuật khác nhau ở đây hẳn sẽ giống như sự kiểm tra một học
thuyết về trí tưởng tượng trước tiên được đề xuất. Và bởi phương pháp ấy, tức
là bày ra và giải thích đến chừng nào có thể, không bao giờ tìm cách chứng minh
gì hết, có nguy cơ gây kinh ngạc cho những tinh thần trẻ, được đào tạo chung bằng
lập luận và các tranh biện, ở đây tôi cần thêm vào cảnh báo thứ ba.
Người ta chứng minh được mọi thứ gì mà người ta muốn [quá
đúng], và khó khăn đúng nghĩa nằm ở chỗ biết xem người ta muốn chứng minh cái
gì. Vào thời của các dục vọng và định kiến này, sự vị [nếu còn chưa biết từ
này, cf. post “Hành động và thể động”]
con người đó đã được soi sáng bởi một ánh sáng khá mạnh, và trong mắt tôi mọi
chứng cứ đều đã bị mất danh dự khá nhiều cho nên kể từ nay tôi tránh mọi sự
hùng biện. Thế nhưng phương pháp khác ấy, thứ đưa mọi học thuyết về sự trình
bày có tính cách phân tích, phù hợp ở mọi chủ đề, từ lâu tôi lại nhận thấy rằng,
ngay lúc người ta muốn khảo về cảm năng, chẳng thấy có lựa chọn nào hiện ra, vì
ở đây lựa chọn đã có sẵn, và không thể lay chuyển, và những gì người ta hẳn muốn
chứng minh, tức là tác phẩm thì đẹp, chắc hẳn đã được khẳng định bởi bản thân
tác phẩm. Nếu người ta muốn định nghĩa cái đẹp, thì hẳn cần phải định nghĩa nó
bằng các đánh giá tức thì, đầy chắc chắn, không thể đảo ngược kia, tôi muốn nói
tới cái lựa chọn ấy, mà suy nghĩ soi sáng ngay sau khi nó được thực hiện mà chẳng
bao giờ khuấy động hay thay đổi nó. Đó là điều mà mọi con người hay suy nghĩ
luôn luôn tìm; nhưng dẫu người ta có ham muốn vậy đến đâu đi nữa, cái đúng
không bao giờ được dẫn hoàn toàn về với cái đẹp. Thế nên cái đẹp thì giống như
một phần thưởng, nói cách khác, có lẽ là sự vị duy nhất của tinh thần. Vậy là
sau khi đã tìm thấy trong bản tính của tôi, như tôi giả định cũng giống đối với
nhiều người, những đánh giá về gu hẳn chật hẹp, nhưng hoàn toàn không thể lay đổ,
theo cách thức sao cho một số vật, tiểu thuyết, âm nhạc, tòa công trình, tượng,
tranh, luôn luôn giành được, sau biết bao nhiêu cuộc gặp, cùng sự tán đồng đầy
đủ, trong khi rất nhiều những cái khác, thế nhưng được tán tụng vô cùng, chẳng
giành được chút gì giống thế, rốt cuộc tôi đã tạo lập được ý làm việc trên mảnh
đất không mấy rộng nhưng vững chắc này; nhất là khi sự dễ dàng đáng lo ngại ấy,
trong việc giải thích mọi thứ, cái cần phải lúc nào cũng nghi ngờ, qua đó đã được
mang trở về với những vấn đề được khuôn định một cách mạnh mẽ. Và chính đây là
trường hợp duy nhất nơi sự quan sát có thể được tự do và chẳng cần cẩn trọng
chút nào; vì ta biết khá rõ rằng người quan sát các vật của tự nhiên, cũng như
các chuyển động của bầu trời hay sự rơi một vật thể, rông dài ngay lập tức nếu
không được chuẩn bị một cách khổ hạnh. Để nói thật ngắn gọn, cái đẹp có đặc quyền
là tồn tại. Và, khi mà hẳn chỉ có, để tạo thành cái thế giới bề thế này, chỉ một
vật trong mỗi thể loại, một tòa nhà đẹp, một thứ đồ gỗ đẹp, một âm nhạc đẹp, một
bài thơ đẹp, một bức họa đẹp, một pho tượng đẹp, một bức chân dung đẹp, cũng chẳng
cần hơn để người ta có thể bày ra, thông qua những quan hệ phổ quát mà chúng giả
định, các đánh giá không có phúc thẩm kia. Theo cùng cách chỉ cần vài mệnh đề
giản dị nhất là đã dựng được Logic; nhưng vì ở đó đối tượng còn thiếu, người biết
suy nghĩ đầu tiên để ý đến đó đã sớm kể ra những hình thức không nội dung ấy. Ở
đây, ngược lại, đối tượng là thẩm phán của các hình thức, và tinh thần được chắc
chắn ở đó với tất tật suy nghĩ của nó theo một hệ thống đúng, và không kèm chút
nghi ngờ nào; từ đó mà có sự ngơi nghỉ ấy và sự chắc chắn ấy, mà tri giác về
tác phẩm mang tới, mà cuốn sách này chỉ là một miêu tả hẵng còn bị giới hạn,
theo chủ ý, vào cái nhất thiết. Dẫu thế nào thì bằng những con đường cô độc đó
tôi đã tìm lại được suy nghĩ chung, dường như vậy, và bằng cách ấy suy nghĩ
cùng mọi con người mà chẳng hề để tâm đến việc làm họ sung sướng, lại càng ít tìm
cách thuyết phục họ hơn. Cuộc gặp đó là thông thường hết sức; nhưng chứng cứ thì
cũng giống một sự lịch thiệp muốn chuẩn bị sự nhất trí phổ quát này bằng những
ý chung; thật may vì một xảo thuật như vậy đã là không thể ở chủ đề này, vì cái
đẹp thì chẳng hề được chứng minh.
Thế nhưng, do một may mắn khá là thông thường ngay khi nào người
ta chẳng định làm gì, trong lúc suy nghĩ tôi đã gặp được, như người ta sẽ đọc ở
đoạn sau, về các khác biệt giữa hùng biện và văn xuôi, một ý khiến tôi được
kiên định hơn trong dự đồ chỉ viết cho mình tôi, đó là chứng cứ, hay lập luận,
hay suy diễn nếu xuất phát từ một nguyên tắc được giả định là bất khả chiến bại,
tức là mọi phương tiện của logic, đều đích thị là những phương tiện của hùng biện, tôi muốn nói lời lẽ công cộng, vì
hùng biện viết ra là một dạng quái vật. Bởi quá rõ rằng nghệ thuật điều hành,
biện hộ, nói ngắn gọn là nghệ thuật thuyết phục, là một trong những nghệ thuật
xa xưa nhất, vì trật tự con người từng là cái đầu tiên được biết tới và vẫn là
cái đầu tiên được biết tới đối với mọi người, thứ gây sức ép nhiều nhất, gần nhất,
và dẻo nhất, chẳng hề là phép mầu khi nhà hùng biện từng là maître à penser [tức
là bậc thầy về suy nghĩ: George Steiner từng nêu nhận xét, không ngôn ngữ nào,
nhất là trong tiếng Anh, tồn tại một cái gì thực sự tương đương với cụm từ
“maître à penser” này] đầu tiên, và khi văn xuôi từng trước hết là một
dạng diễn văn, điều này mang lại một nghĩa rất kỳ quặc và rất nhiều tính cách dạy
dỗ cho cụm từ “có lý”. Từ đó mà có thói cuồng chứng minh kia, nó vẫn còn thi
hành ách bạo chúa trong toán học, nơi thế nhưng rất rõ là người ta biết mọi thứ
gì có thể biết ngay khi biết thật rõ được chuyện đang là gì. Bằng cách đó mà những
hiểu biết đầu tiên của chúng ta liên quan đến trật tự bên ngoài từng mang hình
thức của biện hộ và chứng cứ, chỉ phù hợp cho những điều đáng ngờ và linh hoạt
của trật tự con người nơi luật đi trước các loại và nơi sự cần thiết phải phán
xét ngăn cấm vào mọi lúc việc đặt lại vấn đề về các nguyên tắc; ấy là còn chưa
tính đến chuyện hùng biện, phát triển theo thời gian, cũng đòi hỏi, chỉ qua đó,
tiến bộ đi từ nguyên tắc đến hệ quả. Chống lại đó văn xuôi đúng, thứ chỉ khiến
suy nghĩ, là một cảnh báo khá mạnh ngay chừng nào người ta để ý đến nó.
Tinh thần trẻ nhất thì suy nghĩ mà không có các lập luận lẫn
chứng cứ. Chỉ một mình hình thức hùng biện phân tách nó khỏi những người khác. Ở
nó và cho nó mọi ý đều là phổ quát; và nhầm lẫn chung hẳn là chẳng hề muốn tin
vào tinh thần, như các linh mục đã thoáng thấy. Bởi cái phổ quát không hề được
chứng minh; người nào muốn chứng minh thì luôn luôn giả định, và chẳng bao giờ
có ý định chứng minh rằng chứng cứ của mình có giá trị một cách phổ quát. Cái
là chung là đối tượng duy nhất của chứng cứ, và chỉ dẫn tới một sự nhất trí thực
hành, hãy hiểu là chính trị trong tương quan với trật tự con người, và công
nghiệp trong tương quan với trật tự bên ngoài. Chuyện là nhờ bình đẳng về quyền
người ta có thể tạo ra một hòa bình ăn may, và với một bản vẽ cùng sắt người ta
có thể làm ra nhiều lần cùng cái máy. Nhưng những thành công như thế chẳng hề
thỏa mãn được tinh thần. Cũng như chính cái cây kia là thứ mà tôi muốn tri nhận,
và như là thực, tức là một cách phổ quát, tương tự tôi định tạo ra các ý đặc
thù, một mình và với tất cả mọi người. Chứng nhận cho điều đó là các tác phẩm
nghệ thuật, luôn luôn đặc thù và phổ quát, nhưng gắn không rời vào những ngôn
ngữ kia, hát, họa, đóng trò, định khuôn hay vẽ, mà ngôn ngữ có cấu âm bị phân
tách khỏi hết sức sâu sắc; tiếng hét đa dạng, dấu hiệu xưa kia, lúc nào cũng sẽ
treo suy nghĩ lại và điều phối những nỗ lực. Chính vì thế mà cảm năng, bị rút gọn
về các công cụ của hùng biện, nói thật tệ những gì tác phẩm nghệ thuật nói thật
hay trong ngôn ngữ đúng là của nó. Và bản thân hùng biện không biết nói gì về sự
hùng biện.
Bằng cách ấy đã hoàn thành cuộc ly dị giữa mỹ thuật và suy
nghĩ. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài. Nếu suy nghĩ đến điều sau đây, rằng suy nghĩ cô độc chỉ
thành hình trong biểu đạt chung, hẳn người ta sẽ hiểu rõ hơn phẩm hạnh của các
ký hiệu, mà chẳng suy nghĩ nào có bao giờ phân cách được và, qua đó, một suy
nghĩ không chung thì chẳng hề là một suy nghĩ theo bất kỳ nghĩa nào. Chứng nhận
cho điều đó là các cách nói cổ xưa kia, chúng là múa, diễn trò, âm nhạc, tại đó
khá rõ rằng biểu đạt và tán đồng chỉ là một. Và những chữ viết mạnh kia, là các
ngôi đền, pho tượng, bức họa, đã giữ được quyền năng hoán cải mà không cần đến
chứng cứ ấy, bằng cách chấm dứt các rông dài, giống cây đàn hạc của David từng
làm với ông vua điên. Các hình mẫu cho ngôn ngữ viết, thứ còn chưa là đối tượng
một cách đầy đủ. Vậy nên đã phải đưa ngôn ngữ có cấu âm về các điều kiện làm
cho một tác phẩm trở nên phổ quát và tồn tại lâu dài. Và ta có thể nhận thấy rằng
các lóe chớp cái đẹp của văn xuôi đúng mang tới một sự thật không chứng cứ,
theo nghĩa âm nhạc đẹp thì không chứng cứ và tượng Vénus de Milo thì không chứng
cứ. Nhưng những đẹp ấy cũng là các cổ vũ thì nhiều hơn là các mẫu hình; chính bằng
cách đó mà chỉ cái không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được.
Những gì sẽ tiếp theo đây ở trên con đường ấy, và được hướng
lối qua đó; nhưng theo cách trung gian, vì nó định ra các loại, chứ không phải
các cá thể; và phương tiện của nó chỉ tương đồng với cái đẹp dẫu cho nó hướng về
đó, bởi mục đích được theo đuổi ở đây là khiến nhận ra cái đối tượng lớn kia
trong nhất thể có tính cách hệ thống của nó, hoàn toàn không phải logic mà là
thực, nhờ sức của các đối lập và những tính cách đặc thù của mỗi loại tác phẩm.
Phê bình không thể làm hơn thế, và tôi báo trước với độc giả, rằng tiểu luận
này còn làm ít hơn nhiều. Vậy nên nếu có một ông thần câm thúc đẩy bạn, thì tốt
hơn hết hãy cầm lấy cây bút hoặc cây cọ vẽ. Nhưng nếu ông thần của bạn tán dóc,
thì hãy đọc.
Quyển một
Về trí tưởng tượng sáng tạo
Chương một
(còn nữa)
đã tiếp tục:
"Berdiaeff-Rozanov-Chestov"
"[tiện bút] Les Feuillantines (tiếp tiếp)"
"Céleste Proust"
Alain [II] Propos về quyền lực (1)
Alain [I] Tình cảm, dục vọng, ký hiệu (1)
Tác phẩm nghệ thuật
giọng nhỏ
Baroque (Jean Rousset)
Phim của Stanley Kubrick
Ashkenazy ở Hà Nội
đạo đức không phải một "vấn đề" và nghệ thuật cũng không phải một "vấn đề" (hay những). các "propos" chắc chắn là một cách rất hay để nghệ thuật hoạt tác trong lời lẽ.
ReplyDelete