Jul 1, 2020

[tiện bút] Rìa khu rừng

đã tiếp tục "Casanova": bắt đầu vào trường đoạn vô cùng gay cấn và nóng bỏng


"Một số người coi một phẩm chất chung nào đấy 
là một sự sỉ nhục nếu nó được sử dụng cho mình; 
với người này đó có thể là từ "xinh đẹp", 
với người kia có thể đó là "nồng nàn", còn đối với tôi, ấy là từ thông minh."

(NL)


Buổi tối hôm ấy, đang cùng một người bạn đi ngang Parc des Princes tròn tròn trông có vẻ sáng hơn thường lệ vào buổi tối và vẳng ra tiếng nhạc cũng tiếng người đông đúc, thì tôi thấy người bạn bỗng bước chậm lại, vểnh tai lên rồi nói, như tự nhủ: "Red Hot Chilli Peppers". Đúng là Red Hot Chilli Peppers. Giai đoạn đó, Parc des Princes đã không còn là một sân bóng đá nhộn nhịp. Red Hot Chilli Peppers biểu diễn thì còn xa mới đông người như Robbie Williams, nhân vật đã biến thành mốt, mấy mùa đông, trò mặc quần jeans rách rưới cùng áo pardessus dạ.

Tôi từng vào Parc des Princes, không xa cửa ô Saint-Cloud, đúng một lần, để xem một trận bóng đá. Lúc ấy, Ronaldinho vẫn còn đá cho Paris Saint-Germain và trận hôm đó chính là người ghi bàn thắng duy nhất. 90 phút để chỉ xem đúng một bàn thắng: vậy thì vẫn còn may mắn hơn lần duy nhất tôi đi xem bóng đá ở Hà Nội tại sân Hàng Đẫy: giải Đông Nam Á năm 1998, xem liền hai trận và cả hai trận đều có kết quả 0:0 (match nul và match nul) - điều này có thể làm nản lòng bất kỳ ai, và quả thật đã khiến tôi quá nản. Chẳng bao giờ tôi vào sân bóng đá xem người khác đá bóng nữa. Tức là, chỉ có một lần Hàng Đẫy, một lần Parc des Princes. A, tôi nhớ sót: còn một lần nữa, sân Thiên Trường, Nam Định. Lại thêm một trận 1:0, người ghi bàn là một tuyển thủ quốc gia. Đúng là tuyệt đối không may mắn gì.

Vả lại, xem người khác đá bóng, tôi thấy chẳng khác gì xem tình ái của người khác. Có một lần, chỉ hoàn toàn do tình cờ mà tôi nhìn vào một lỗ khóa cửa (cái giường đặt ở tít góc phía trong, căn phòng thì rộng, nên tôi không nghe thấy tiếng tình ái từ trước). Cũng có lần chính tôi trở thành đối tượng. Cửa phòng khách sạn đột ngột bị đẩy mạnh, may mà móc dây xích nên không mở hẳn ra luôn - đúng vào lúc đang diễn ra một trường đoạn kinh điển của thảm trải sàn và gờ cái giường. Một giọng nói (giọng phụ nữ) vội vã gào lên từ bên ngoài: "oh sorry". Vừa chửi thầm trong bụng vì cái oh sorry kia tôi vừa tự hỏi không biết đương sự có nhìn thấy gì không. Có nhìn thấy gì thật, hay không, thì cũng chẳng cứu vãn được gì nữa.

Ở đầu phố (giữa phố thì đúng hơn - phố dài đến gần như vô tận) có một khách sạn mà tôi đi qua không biết bao nhiêu lần; trông nó có vẻ gì thật tinh tươm, thậm chí thơ mộng, nếu tôi không sợ quá lời - dẫu thế nào thì cũng rất xa với louche et sordide. Tôi thì ở cuối phố (đầu phố thì đúng hơn), số nhà mười mấy. Nhìn trên bản đồ, phố nhà tôi năm ấy (tôi ở đó tròn một năm) chạy chéo xiên một mạch gần như toàn bộ Boulogne-Billancourt, cái khu không còn bầu không khí của nhà máy Renault (Île Seguin), ít nhất thì không có vẻ gì của một cloaque. Phố nhà tôi bắt đầu từ chỗ rẽ khỏi trục chính Route de la Reine. Từ bùng binh lớn porte de Saint-Cloud (với nhà thờ Saint-Cloud) giao lộ của nhiều đại lộ như Versailles etc. cần phải đi qua cây cầu vượt phía trên đường vành đai, sẽ tới một cây xăng, tiếp một đoạn nữa trên Route de la Reine thì rẽ (chéo). Đây chính xác là khu vực của rìa một khu rừng: Bois de Boulogne.

Khi đến lúc, quanh quẩn cây cầu vượt sẽ có những xe navette chở những ai có vé tới sân Roland Garros, không xa đó (và tất nhiên cũng không xa Parc des Princes). Mùa hè năm ấy, tôi đã xem gần như mọi trận của Roland Garros (French Open). Rafael Nadal trẻ tuổi đột ngột xuất hiện - lần đầu tiên - và vô địch trong một vang dội lịch sử. Tôi vẫn còn nhớ ông chú của Rafael Nadal, một hậu vệ rất nổi tiếng của đội tuyển bóng đá quốc gia Tây Ban Nha, một "máy chém", nhưng một ông chú khác, Toni, mới là người huấn luyện Rafael Nadal và hẳn là còn đóng cả vai trò không nhỏ trong việc Nadal cầm vợt tay trái, cũng như trong việc làm cho Nadal bỏ hẳn đá bóng để chỉ còn là tennisman. Những trận tennis được cái không có "match nul" như các trận bóng đá - nhưng có "match point", mà tất nhiên ai cũng đã xem bộ phim nổi tiếng mang đúng cái tên ấy, có màn trời mưa trên cánh đồng thật là nức nở. Tôi nghĩ là tôi cũng biết chính xác năm ấy ai mặc maillot jaune của giải Tour de France.

Nghe như là văn chương Henry de Montherlant. Dẫu thế nào, đã nói đến các coureur: tôi thấy không hình ảnh cua-rơ nào đáng nhớ cho bằng trong Le Surmâle của Alfred Jarry, nhất là màn đua với tàu hỏa.

(nói cho đúng, mùa hè năm ấy tôi còn xem cả đua F1 - nói thế là đủ hiểu rồi đấy)

Cả năm sống ở Boulogne-Billancourt, tôi có một thời khắc biểu tương đối lành mạnh. Sáng thì đi ra bến tàu điện ngầm - muốn đến bến thì cứ đi theo phố nhà tôi, đi mãi (lâu lắm đấy), tức là đi chéo nếu căn cứ bản đồ, tới chỗ ngã tư với phố to Jean Jaurès (ở Paris nhiều phố Jean Jaurès và nhiều phố Victor Hugo lắm - Emmanuel Berl khi còn trẻ hay đến chơi nhà Marcel Proust; có một lần [rất hiếm hoi] Proust nổi giận, vơ được cái gì là ném vào người Berl, vừa ném vừa hét, sao mày ngu như Jean Jaurès thế hả) là thấy miệng (bouche) của bến: một trạm của ligne 10 (về đường métro số 10, xem ởkia). Có những hôm trời lạnh gió mạnh, châm mãi mới được điếu thuốc, đi được vài bước thì gió to quá thổi vạt áo khoác của tôi bật tung, làm điếu thuốc cháy dở châm thẳng vào bàn tay đang cầm rồi rơi mất, tất nhiên - tai nạn có thể phát xuất từ mọi chốn. Nhiều buổi sáng, đã tới chỗ miệng bến tàu rồi tôi lại ngần ngại, chỉ muốn quay về - nhưng về đâu có được; muốn lên được tàu còn phải đi mấy đoạn cầu thang gió hun hút, những cơn gió như bị phát điên đồng loạt. Để có được chút sức lực, tôi thấy cần phải vào quán cà phê ngay cạnh đó, đứng ở quầy mà gọi một tách cà phê (très court, s'il vous plaît).

Phố chỉ một chiều xe chạy, nói cho đúng gần như mọi đoạn chỉ vừa đủ chỗ cho một xe đi. Cái xe đạp của tôi khóa vào một borne ngay trước cửa nhà một sáng nọ đã tiêu đời (tình tiết của vụ việc xem ởkia). Nhiều năm về sau, tôi quay lại đó. Căn phòng xưa kia của tôi dường như không thay đổi gì, nếu nhìn từ dưới đường lên (đến cả rèm cửa vẫn thế). Không biết bà chủ nhà còn sống không. Tôi nghĩ tôi là người thuê nhà duy nhất được vợ chồng bà mời lên căn hộ của họ (tầng trên cùng, rộng mênh mông, không nhiều đồ nhưng toàn những thứ style Louis XV hay cũng có thể theo mốt Empire) để ăn tối: hai vợ chồng đã rất già, nhăn nheo; bữa ấy, họ mời tôi món quê hương, fondue - vì họ (một trong hai hoặc cả hai) là người gốc Savoie. Bữa ấy, cô gái chở tôi đến đó đi một chiếc xe quá chóe, cho tôi xuống rồi cô gái tấp vào đỗ tạm trước một cửa garage hí húi xem điện thoại, để mặc cho tôi quay trở lại. Từ trên nhà, tôi hay nhìn xuống qua cửa sổ để xem các cảnh tranh giành nhau chỗ đỗ xe điên rồ bên dưới.

Cuối tuần (cụ thể hơn, Chủ nhật) thì tôi đi theo hướng ngược lại, qua trạm xăng, qua cây cầu vượt để đi vào chỗ bùng binh của porte de Saint-Cloud: ở đó có một trong những bến đầu tiên của ligne 9. Phải ngồi rất lâu trên tàu (không đổi ở correspondance nào), đi một mạch hết cả đường 9 (ligne dài, ngoằn ngoèo và nhiều bến nhất), cho nên tôi đã trở thành siêu cao thủ trò Sudoku. Tốt nhất là cứ cắm cúi chơi đừng ngẩng đầu lên, đằng nào thì cũng còn lâu mới đến. Đi đường 9 theo kiểu như vậy cũng đồng nghĩa với "Tây Trường Sơn nối Đông Trường Sơn".

À, có ai nhắc hộ tôi cái: ở bến nào thì đổi được từ ligne 10 sang ligne 14 í nhờ?

Chỉ vì đang ở gần và không biết làm gì cho hết thời gian nên tôi mới bảo cô gái chở tôi qua thăm nhà cũ. Ngồi trên xe của cô gái điếc hết cả tai vì tiếng GPS, lúc nào cũng bật, lắm lúc tôi đã suýt buột miệng, bảo tắt cái tiếng con điên kia đi, tôi chỉ đường cho - hoặc nếu không, lạc đường một tí thì có làm sao đâu. Ơ, không phải người ta đi là để bị lạc à? Rồi cô gái nói, mình không chịu được cái sự tàu điện ngầm xe bus chung chạ. Đang đi xe của cô gái (không những thế lại còn là xe xịn, tuy nhức hết cả đầu vì tiếng con điên GPS) nên tôi kìm giữ để không đáp lại, rằng chỉ phụ nữ đẹp mới phải ngại đi tàu điện ngầm không an toàn thôi; vả lại cũng không hẳn: vì cái đẹp tạo ra sự tôn trọng. Dĩ nhiên là tôi đã không nói gì.

Một hôm đi về vào lúc chập tối, tôi thấy cảnh sát chăng dây chặn khắp xung quanh, ngay từ đầu phố. Phải nói là sống ở phố ấy, số nhà bao nhiêu cụ thể thì tôi mới được để cho đi qua, trước ánh mắt lúc nào cũng nghi ngờ của các espion. Hình như đó chính là hôm Robbie Williams sang Paris biểu diễn. Các biện pháp an ninh được đẩy lên cao độ. Ban nhạc Take That làm mưa làm gió hồi tôi học cấp ba, cái hồi Robbie Williams hát "Everything changes but you". Tôi còn nhớ có một hôm MTV phát bài của Take That mới ra, "Love Ain't Here Anymore", lúc sau đến trường, trong phòng tập đã thấy một thằng mà tôi có quen biết qua loa đứng đó nhăn nhó mặt mà rặn "It's gone away to a town called yesterday". Có hôm xem loáng thoáng trên tivi Pháp, Robbie Williams lừa lừa cô dẫn chương trình xinh xinh người Pháp định hôn trộm một phát - làm một cú baiser volé; nhưng toan tính không thành công cho lắm: đâu phải ai cũng làm được như Serge Gainsbourg.

Sau Chủ nhật cuối cùng đi (gần như trọn vẹn) ligne 9, aller-retour, tôi nghĩ đến chuyện vứt đôi giày đi. Rốt cuộc, tôi đã chỉ có một đôi giày đá bóng (giày đinh, tất nhiên). Tôi mua nó, cùng các thứ đồ nghề như là protège-tibia etc. tại Decathlon nằm ở một cửa ô lớn, quận 15 - một người bạn chỉ chỗ cho tôi, ngay trước khi biến mất hoàn toàn. Người bạn ấy, tôi từng gặp tại Hà Nội. Hôm đầu tiên gặp nhau, nói chuyện một lúc tôi hỏi người bạn đã đói chưa, người bạn đáp đói rồi, tôi hỏi muốn ăn gì, người bạn bảo muốn ăn phở, từ hôm đến đây đã ăn vài lần. Tôi nói là tôi đoán người bạn còn chưa thực sự biết thế nào là phở, rồi tôi chở cái bộ mặt đầy nghi hoặc đó đi. Sau miếng đầu tiên ở cái quán tôi dẫn tới, người bạn quay sang nhìn tôi, mắt trợn ngược - tôi biết vậy là đã kiếm thêm được cho hàng phở một con nghiện cứ đúng giờ là lù lù xuất hiện, ngày ngày. Một thời gian ngắn sau, người bạn kể mình mới đi dancing (discothèque), gặp một cô gái, sau khi nhảy với nhau một hồi thì cô gái ấy kéo đầu người bạn về phía mình và thì thầm vào tai, "em yêu anh". Nhìn vẻ mặt của người bạn, tôi biết thôi xong rồi, nhưng tôi không nói gì, tất nhiên, cũng không tìm cách gặp cô gái kia - gặp thì làm gì? chẳng nhẽ để nói, "Chúc mừng em đã (à quên sắp) trở thành một me Tây mới" à?

Cái mùa hè chúng tôi đi sang Bỉ (Anvers Antwerp Amberes) cho một giải bóng đá sinh viên châu Âu, ngôi sao Ronaldinho đang lên đến thiên đỉnh, nhất là với mấy đoạn quảng cáo, hình như cho Pepsi: thanh niên châu Âu điên cuồng tập tâng bóng giống Ronaldinho, ngoáy chân phía trên, nhất là để cho quả bóng rơi trúng cạnh cái giày đặt nghiêng trên mặt đất rồi nảy lên. Giữa đường giữa chợ chúng tôi cũng chơi trò ấy, tất nhiên quả bóng văng lung tung - có phải ai trên đời cũng là Ronaldinho đâu. Đó cũng là thời kỳ các loại giày mới lạ xuất hiện như nấm. Năm trước đó là giải đấu ở Rome, chúng tôi đi tàu hỏa chứ không tự lái ô tô như lần sang Bỉ. Trận đấu đáng nhớ nhất diễn ra tại một sân nằm giữa thung lũng đâu đó ngoại ô, thấy bảo ngay gần đó đội Lazio cũng đang đá một trận thuộc Serie A. Chuyến về, mấy thằng nằm cùng khoang, tưởng tất cả đã ngủ thì một thằng không chịu nổi nữa hét lên: "Putain ça pue" và sau đó tất nhiên là những trận cười xua ngủ và sự thằng này kết tội thằng kia giày thối. Cuối cùng cũng chẳng biết giày thằng nào thối (ngửi tởm thật). Rất có thể tất cả giày trong khoang tàu Trenitalia đêm hôm ấy đều thối.

Một hôm, có việc đi về phía đó, tôi đang bước đi trên hè của đại lộ Madrid (tức là vẫn ở ven Rừng Boulogne, nhưng về phía Neuilly) thì bỗng nhìn thấy lố nhố đi về phía mình một toán người. Nghe lao xao nói tiếng Việt (lúc mới có cái xe đạp đầu tiên, tôi đã hứng chí đạp xe một vòng khắp Paris, qua cả sông Seine lên Hữu Ngạn, đang đi qua một phố trông rất xịn, chắc về phía nhà thờ Madeleine thì bỗng thấy xa xa trước mặt có một người đang đứng vỉa hè ngẩng đầu lên, dáng điệu rất quen thuộc, tôi đã bụng bảo dạ té ra ở đây người ta cũng gọi nhau í ới ban công vỉa hè như thế này; lại gần hơn thì tôi nghe thấy tiếng Việt) tôi đã định rẽ vào đâu đó, thì nhận ra đó là các thầy cô giáo cũ của tôi tại trường đại học hồi Hà Nội.

Cái trường mà tôi từng học ở Hà Nội, tôi rất thích khi thấy nó tự phong là "Harvard của Việt Nam" hay cái gì đó tương tự. Tôi rất thích, bởi vì ngót năm năm học ở đó, tôi biết rõ, nó không có đến một nhân vật nào trong đội ngũ giảng dạy có thể gọi là một professor.

Năm thứ nhất, tôi được nhận hai loại học bổng, và khi sắp kết thúc năm ấy, tôi đứng trước khả năng nhận thêm học bổng thứ ba - nó được dành cho mười người của toàn bộ khóa đó, cứ nhìn danh sách điểm tổng kết xếp từ trên xuống dưới (đó là một năm đột phá, số lượng sinh viên của khóa phải ở cỡ 700-800 người). Kết quả là tôi xếp thứ 11 - và tôi xếp thứ 11 là vì có một người được cộng điểm do làm chức vụ gì đó (lớp trưởng, bí thư) nên đang thấp hơn thì lại thành cao hơn. Tôi kể điều này không vì một chút cay cú nào - ngay cái khoảnh khắc đi xem bảng xếp hạng ấy tôi đã không hề cay cú, cũng không hề buồn (cho dù nhân vật kia lại chính là một người từng học cùng lớp tôi, cấp ba) - bởi vì đó chính là giây phút tôi hiểu ra, không phải hiểu rằng cuộc đời thì bất công và phải chấp nhận (thật ra điều này quá dễ, đâu cần quá mất công), mà tôi nhận ra rằng, cuộc đời tôi là của tôi, kể từ nay. Tôi vừa tròn 18 tuổi. Mọi chân trời chật chội bỗng như thể bỗng nhiên sụp xuống, để lộ rõ chúng chỉ là các phối cảnh giả gây lừa dối. Cái đó (chắc là) quan trọng hơn nhiều, so với một món học bổng - cho dù đó là một học bổng rất nhiều tiền.

Dạy những môn liên quan đến thương mại, tài chính, kinh tế, các giảng viên ở Việt Nam có một chiêu: họ hay tỏ ra hiểu biết văn chương nghệ thuật. Có lẽ họ muốn những gì họ nói bớt khô cứng hơn (nhưng có gì khô cứng thật à?), nhưng chắc chắn, họ muốn tỏ ra hiểu biết. Họ muốn như vậy là vì họ muốn tỏ ra tự tin, nhưng tại sao họ lại cần tự tin? đây mới là điểm mấu chốt: hết sức đơn giản, họ chẳng tin mấy vào những gì họ nói. Nhưng điều đó thì lại đúng: dẫu tô vẽ đến đâu (chẳng hạn, người ta hay nói, kinh tế học là nữ hoàng của các ngành khoa học) thì mấy cái đó đâu có gì dính dáng tới khoa học. Chẳng một chút nào. Từng có một người (may mà tôi chỉ phải học vài buổi, sau đó đổi giáo viên) giảng bài mà không ngớt đọc thơ Xuân Quỳnh (lần nào đọc cũng sai vài chữ).

Sự tự tin giả vờ - như qua một màn giả kim thuật - trở nên sự tự tin vô bờ bến. Chính nữ nhân dạy FOB CIF kèm ông ổng XQ năm ấy (bởi vì đó là một nữ nhân) về sau, với sự bùng nổ của media, trở thành một trong những người nói năng lung tung mọi thứ, mọi nơi, và hình như tự coi mình là một danh nhân xã hội. Những người dạy học, đa phần tới một thời điểm, họ cho mình nói bất kỳ cái gì cũng đúng hết - sai vài chữ thơ XQ thì có làm sao. Đã đọc thơ dở rồi còn đọc sai. Nhưng dẫu có là thơ không dở, như thơ Bùi Giáng, thì khi trở thành mồi nhậu cho mấy giảng viên ấy, thì cũng vậy hết.

Một lần, trong giờ Kinh tế Chính trị học, giảng đường hơn trăm người, ông thầy (giọng Huệ) bỗng, đang yên đang lành, muốn tỏ ra mình sâu sắc, thế là ngài bèn kể một câu chuyện, kể xong rồi thì ngài bảo, đấy, truyện của O'Henry nó sâu sắc như thế chứ. Ngồi bên dưới, tôi buột miệng, "Stefan Zweig, không phải O'Henry"; vừa nói tôi đã thấy hối tiếc, nhưng hoặc ông thầy không nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng vờ như không. Kinh tế Chính trị học chính là môn duy nhất tôi thực sự quan tâm (môn Lịch sử các Học thuyết kinh tế, chỉ cần bỏ ra vài ngày đọc sách tại Thư viện To, tôi biết là tôi đã vượt xa hiểu biết cần thiết (tức là để thi qua). Ông thầy Henry Zweig không hiểu mấy về Kinh tế Chính trị học - cùng môn ấy, ở đoạn sau, có một người khác dạy, nhân vật ấy khá hơn nhiều, ngồi nghe không đến nỗi tệ, thêm nữa được cái không thơ với truyện gì cả.

Lỡ gặp rồi, thì, dẫu trong bụng cơn xấu tính của tôi reo vui vì được chứng kiến đoàn người thảm hại nhếch nhác, tôi hỏi thăm các thầy cô giáo cũ rất ân cần. Khỏi cần hỏi (nhưng tất nhiên tôi vẫn hỏi) thì tôi cũng biết đây là đoàn ra nước ngoài tham quan học hỏi kinh nghiệm; gặp ở quãng ấy thì khỏi cần hỏi (nhưng tôi vẫn hỏi, tất nhiên) tôi cũng biết các ngài (có cả cô giáo, nhưng nói thế cho gọn) tá túc ở Thương vụ Việt Nam.

Bữa hôm ấy, sau khi đưa cho bà già chủ nhà bó hoa, tôi tận lực đánh chén những gì mà vợ chồng bà đã chuẩn bị. Tối mùa đông mà ăn fondue, raclette thì cũng không khác được ăn canh ốc chuối đậu. Về cơ bản, có những lúc chúng ta cần những gì sền sệt cho vào dạ dày, những gì gras, thậm chí épais. Căn hộ của họ rộng mênh mông và nhiều phần trống trải, còn phòng của tôi, mấy tầng bên dưới, thì nhỏ đến kỳ cục. Nó được gọi là studio, nhưng thật ra đó là chambre de bonne. Tay nắm cửa chắc hẳn do một người thợ thuận tay chiêu lắp, nó ngược so với thông thường. Chỉ một đợt cầu thang (xoáy trôn ốc) là lên đến nơi, nên tuy có thang máy nhưng gần như tôi không dùng bao giờ; không phải thang máy cổ truyền dạng hay thấy ở các tòa nhà Haussmann, Paris, kêu cọt kẹt, chạy chậm và rất xóc, nhưng tôi chẳng mấy khi đi. Trong cuốn tiểu thuyết nào nhỉ, có câu chuyện về một cặp tình nhân, chuẩn bị đi xa, người giúp việc tưởng họ đi rồi nên tắt hết đèn đóm, sập cầu dao ra về, ai ngờ hai người kia vẫn ở trong thang máy, mấy tháng sau mới được phát hiện, dĩ nhiên đã thành mấy đống hôi thối. Thỉnh thoảng tôi giáp mặt người chủ nhà bên cạnh, chỉ gật đầu chào chứ chưa bao giờ nói chuyện; vì đã lên nhà bà chủ nên tôi có thể đoán nhà của người ấy ra sao. Căn phòng của tôi gần mặt đất đến độ có cảm tưởng chỉ một bước là xuống đường luôn. Tất nhiên là không đến nỗi ấy, nhưng đúng là rất gần mặt đất. Có một cửa sổ, rèm vải mút xơ lin trắng. Nhiều năm về sau, quay lại đó, từ dưới đường nhìn lên, tôi nhận ra, vẫn là cái rèm đó.

Quãng thời gian ấy, tôi nghe đi nghe lại "Satellite of Love" và "Coney Island Baby", cũng hay nghe cả "Angie" - mãi sau này tôi mới xem clip Mick Jagger mồm rộng ngoác hồi trẻ ngồi hát bài đó. Đó là sau khi tôi đã nghe tất tật Bob Dylan và biết sẽ không bao giờ nghe lại nữa, và cũng đã nghe hết Georges Brassens - nhưng Brassens thì tôi sẽ còn nghe lại nhiều.

Mùa hoa lilas nở ("Le Poinçonneur des Lilas" - Serge Gainsbourg),

[tôi đã nghĩ sau khi mở đầu một câu được bằng "mùa hoa lilas nở" thì chắc sẽ viết được cái gì đó hay lắm; nhưng hóa ra lại không, chẳng có gì: hoặc cũng có thể, điều tôi định viết đã tan biến mất, tan biến ngay khi tôi tưởng đâu mình sắp viết được một câu rất hay, với một mở đầu hứa hẹn đến vậy; ở Paris có bến métro tên là "Porte des Lilas", một cửa ô, trên ligne 11, cũng là bến cuối của ligne 3bis - vài tuyến có bis, như ligne 7, tức là ligne mà tôi rất quen, nhưng tất nhiên không phải quen trong cái năm sống ở rìa khu rừng; tôi chẳng bao giờ viết được cái gì hay, nhất là những khi nào tưởng mình sắp viết được một câu tuyệt hay; dẫu thế nào thì khi mùa xuân bắt đầu tới, sẽ có khoảnh khắc ta cảm thấy niềm vui ấy, cái niềm vui ngăn ngắt của nhận ra mình vừa tỉnh dậy khỏi một cơn ác mộng]

Có đến tận một năm sống ở đó, chắc tôi phải rành Bois de Boulogne lắm? Cũng có thể - nhưng để tôi nói thật, thú nhận: không hề một chút nào. Thậm chí tôi còn chẳng bao giờ vào rừng. Vả lại, không lẽ để hái nấm? tôi cũng cho rằng (tức là đoán) Longchamp chỉ còn lại tên, và quán ăn Marcel của Tìm thời gian mất từng hẹn với gái tất nhiên chẳng còn đâu nữa. Tôi ở ngay sát Jardin du Luxembourg còn nhiều thời gian hơn, chỗ ấy (cũng như Jardin des Plantes) dĩ nhiên tôi biết rõ hơn nhiều, nhưng vẫn có một cái gì tương tự so với hiểu biết về Rừng Boulogne của tôi: chỉ có đúng một lần tôi đi giày, dậy sớm, vào Vườn Luxembourg chạy. Chạy được một lúc thì tôi bỏ, và không bao giờ chạy bộ nữa: chẳng bao giờ tôi jogging. Hồi còn bé tí thì tất nhiên có - ai mà không? Tôi nhớ nhất một lần, thằng bạn tôi rủ đi chạy buổi sáng với nó, tôi ok, rồi tôi bảo nó, nhưng tôi nghĩ tôi không dậy sớm được, nó đề nghị qua nhà tôi gọi, thế là tôi thỏa thuận với nó, khi đi ngủ buộc sợi dây vào cổ chân và thò đầu kia của dây ra ban công, sáng hôm sau nó chỉ cần kiễng chân lên với rồi giật. May mà đêm hôm đó không có con gì bò theo sợi dây vào cắn tôi, cũng không có thú dữ mò ra đầu sợi dây rồi kéo tuột tôi ra. Sáng sớm, đúng hẹn, thằng kia tìm được dây và kéo. Nhưng nó lại thích quá, nó kéo như điên, làm tôi bỗng biến thành một thứ con mồi bị mắc bẫy, giãy giụa mà không thoát. Chửi mắng nó xong rồi thì tôi cũng chạy cùng nó, tuy chân bị sợi dây thít tương đối đau. Chúng tôi chạy ngoài đường, mờ tối, vắng tanh, khung cảnh đó làm chúng tôi chạy rất hăng, đến tận công viên (nói như vậy thì tức là công viên Lê nin, công viên Thống Nhất). Đến đó rồi thì hết sức, đường về thì đúng giờ cao điểm sáng, đông nghịt, lại còn nắng to, nó và tôi thất thểu đi về. Sau bữa ấy tôi ngủ vài ngày, đương nhiên sau đó không có chuyện dậy sớm đi jogging nữa - jogging là một trò thật ngu. Buộc dây vào chân cũng thật tai hại, một sự treo cổ ngược.

Boulogne-Billancourt, ngoài chỗ giặt quần áo (dưới phố - phải trả tiền, tất nhiên, mấy cái máy tự động), tôi rành nhất Centre Landowski, thư viện ở đó. Landowski, you know, bức tượng rất to và rất nổi tiếng ở Rio de Janeiro. Đến cuối cùng, tôi vẫn cứ Tả Ngạn chứ không làm sao mà Hữu Ngạn cho nổi. Một trong những paysage gây ấn tượng mạnh cho tôi hơn cả: nhà thờ Saint-Séverin. Thậm chí tôi cứ nhớ Lou Reed có một bài hát tên là "Saint-Séverin"; về sau bỗng (tự) thấy nghi hoặc, tôi kiểm tra mọi cách thì không hề thấy có bài "Saint-Séverin" nào của Lou Reed: rất có thể những bức tranh của Delaunay đã làm cho tôi gặp ảo giác. Khi đọc Huysmans (cái âm "huy" cho thấy ngay đây là nhân vật người gốc ở đâu) miêu tả nhà thờ Saint-Séverin, tôi thấy ngay: đúng là nó rồi. Vả lại, đó là một trong những miêu tả lớn nhất của văn chương Huysmans. Huysmans đã trở thành con người tôn giáo bằng con đường của nghe.

Một category của  rất khó nói (khó nói, khó nói đến, gần như không thể nói gì): vợ cũ. Thử xem, có làm được không. Chồng cũ thì hình như dễ hơn nhiều (tôi muốn nói là dễ nói) nhưng vợ cũ thì rất khó mà không câm nín.

Salman Rushdie (nếu muốn đọc về Rushdie thì cứ tìm theo label "salman-rushdie", nhưng không có nhiều lắm đâu: đó là nhân vật chỉ được một lúc là tôi đã nhận ra, là, là và là) viết hồi ký (Anton Joseph: khi nhận fatwa, Rushdie lấy nick ấy, từ Tchékhov và từ Conrad), trong đó kể về người vợ đầu: người ấy, ngay sau khi *gì đó* (chắc hẳn là ngủ với Rushdie lần đầu tiên) thì lấy điện thoại di động của Rushdie nhắn tin cho một ai đó, ý là tỏ ra mình đã túm được nó rồi.

Câu chuyện chắc là đúng (tôi còn nghĩ, chắc chắn chuyện đã xảy ra đúng như vậy), nhưng

nhưng mà, nếu kể lại (kể cả khi chuyện đó đúng, xịn, thật trăm phần trăm) thì câu chuyện lại cho thấy Salman Rushdie nhiều hơn nhiều so với cho thấy người vợ.

Đã như thế, rồi về sau lại như thế: trong rất nhiều trường hợp, chúng ta lấy được từ người vợ cũ rất nhiều thứ, có thể là cho đến cả cái quý nhất (đấy là người ta hay nói thế, tôi hoàn toàn không biết có đúng là cái quý nhất hay không, nhưng cứ - dẫu chỉ một lần - theo koinè đi, cũng có sao đâu). Thế xong rồi khi viết hồi ký thì lại kể xấu. Dẫu biết rằng tình đầu thì nham hiểm vợ đầu thì nguy hiểm, thì cũng phải, thì cũng phải

thì cũng phải ấy chứ. Một nhân vật khác, Esterházy Péter (có ai còn nhớ không? - xem ởkia), trong một cuốn sách, đang nói những điều chẳng hề liên quan gì, bỗng có một câu: "vợ cũ tôi, vú to như (hai) quả dưa hấu", rồi tiếp ngay, đại ý "nhưng chuyện đó chỉ liên quan đến một mình tôi", và nói chuyện khác luôn.

Đấy, chính là như thế: vấn đề ở đây không chỉ là chỉ nên lưu giữ những gì tốt đẹp ("Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/Em cũng ngọt ngào như" etc.) mà ta hoàn toàn có thể đoán được: người vợ cũ ấy không hề dưa hấu. Có thể là dưa chuột chăng? hoặc bất cứ gì. Nhưng thế thì mới đáng nói. You know what I mean.

Trở lại với lilas: "dans son nouveau décor/Montmartre semble triste/et les lilas sont morts"







(còn nữa)

25 comments:

  1. so, Nhị Linh mít đặc :p

    ReplyDelete
  2. Paris đang hôm nay mát mẻ, thế nhắc hộ được cho cây kem ko?

    ReplyDelete
  3. Replies
    1. thế là ko được kem nhưng đoạn con điên GPS còn lạnh và ngọt hơn ahihi

      Delete
  4. ơ touristes ko được à :)

    ReplyDelete
  5. không đổi “cái phụt” được đâu, ligne 10 và 14 chẳng “ăn nằm” gì với nhau

    nếu là “con đường xưa anh đi” (đoán thôi) thì từ Cluny La Sorbonne xuống Odéon đổi ligne 4 (Porte de Clignancourt) đến Châtelet mới “sang” được ligne 14

    ReplyDelete
  6. à đúng, không dại gì mà đi đường 10, phải đi đường 9 thì sẽ đổi sang đường 14 dễ

    ReplyDelete
  7. Mùi thối có thực chăng?
    Thật không đùa chứ bác?

    ReplyDelete
  8. Đọc tức là đọc lại. Mấy bữa nay em đọc lại nhiều bài theo label, rồi từ những bài cụ thể theo đường link đến những bài khác. Đa số đều đọc một lần rồi nhưng đọc lại vẫn thấy vừa xa vừa gần, và thấy bản thân mình cũng thật tầm thường

    ReplyDelete
  9. pourquoi pourquoi?
    - parce que parce que

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Phá hận xin phiền men khúc nghiệt
      Buông câu hàm chưa hương trời bay"
      (Bùi Giáng)
      *
      "Phá hận kỉnh tu phiền khúc nghiệt
      Vi từ chỉ dục bá phương hinh"
      (Tô Đông Pha)

      Delete
  10. what to say what to say what to say

    ReplyDelete
    Replies
    1. 1. Samuel Beckett và tình cảnh hiện nay của người Việt
      “Trái đất tạo ra một âm thanh như âm thanh các tiếng thở dài. Để tìm thấy được một hình dáng đủ không gian cho cái nhũng nhiểu rối mù này, đó chính là công việc của nghệ sĩ thời nay. Không muốn nói, không biết muốn nói cái gì, không có khả năng nói cái gì mà bạn nghĩ bạn muốn nói, và không bao giờ ngừng nói, hoặc gần như không bao giờ có cơ hội, đó là điều bạn giữ trong tâm trí, ngay cả trong cảm xúc cao nhất của sáng tác. Sự phi lý của các sự-sự đó xét trên một phương diện , và sự cần thiết của các sự-sự khác, trên một phương diện khác. Bạn phải nói các từ, ngữ khi mà từ, ngữ có rất nhiều. Hãy là kẻ biết điều hợp lý, bạn chưa thử hết mọi thứ mà. Một kẻ ngu có thể giả mù nhưng ai là kẻ biết con đà điểu đó thấy gì trong cát”.
      (Samuel Beckett)
      **
      The earth makes a sound as of sighs. To find a form that accommodates the mess, that is the task of the artist now. Not to want to say, not to know what you want to say, not to be able to say what you think you want to say, and never to stop saying, or hardly ever, that is the thing to keep in mind, even in the heat of composition. The absurdity of those things, on the one hand, and the necessity of those others, on the other. You must say words, as long as there are any. Be reasonable, you haven’t yet tried everything. Any fool can turn a blind eye but who knows what the ostrich sees in the sand.
      (Samuel Beckett)
      [hardly ever = almost never; on almost no occasion]

      Delete
    2. 2. Trong một đoạn khác, Samuel Beckett viết :
      "Không một sự-sự vật-vật gì duyên hội xảy ra. Không một ai đến. Không một ai đi. Thật là dễ sợ. Do thế tất cả các sự vật kết hợp một cách yếu đuối với nhau cho một khả hữu duy nhất. Trong sự che mờ chỉ có một sự-sự là sáng tỏ. Có ai đâu để mà tôi tha thứ. Không có một chuyện chi để làm ngoài chuyện nằm duỗi thoải mái trên cái ghế tra tấn, trong tri kiến hoan hỷ bạn là vô ngã trong vĩnh cửu. Tất cả những gì tôi nói đều là bỏ đi, tôi sẽ không nói gì cả. Từ, ngữ là tất cả các cái mà chúng ta có. Mỗi từ ngữ thì giống như một nhơ nhuốm nên tránh sử dụng để nói về tịch tĩnh và chân như (silence and nothingness). Ta có bổn phận tái lập tịch tĩnh" .
      ***
      Nothing happens. Nobody comes, nobody goes. It’s awful. So all things limp together for the only possible. In the immense confusion one thing alone is clear. I forgive nobody. Nothing to do but stretch out comfortably on the rack, in the blissful knowledge you are nobody for eternity. All I say cancels out, I’ll have said nothing. Words are all we have. Every word is like an unnecessary stain on silence and nothingness. To restore silence is the role.
      ***
      Samuel Beckett: Có ai đâu để mà tôi tha thứ (I forgive nobody).
      Ý nói, mỗi cá nhân là tập hợp của các yếu tố tinh thần, vật chất, và các yếu tố có hội hiệp, có phân ly. Khi hội hiệp tạo thành cá nhân, khi phân ly, cá nhân biến mất. Thế nên “Có ai đâu để mà tôi tha thứ”.
      ------------------------

      Delete
  11. Không phải thế đâu.
    Đọc Nhị Linh viết nhiều bài, thấy viết rất hay rồi, nên khi thấy - what to say what to say what to say -- cao hứng nên trích dẫn Beckett. A rose is a rose is a rose is a rose.
    "The definition depends on you. The definition is always going to your definition, how you conceive life, it will not be the definition of life. For the money mad, life will have the sound of money, of solid gold. For the power mad, the power maniac, life will have a different taste. For the poet, of course, life will have something of poetry in it.
    ...anybody who is really alive will be herenow. Whatsoever the form and whatsoever the expression of his individual life, one thing will be essentially there: the quality of being herenow." OSHO. The Book of Wisdom. The Heart of Tibetan Buddhism. p 359.

    ReplyDelete
  12. trước nghĩ chắc bị dở hơi, giờ thì chắc chắn vừa dở hơi vừa rồ

    ReplyDelete
  13. Chắc là hồi đó anh đá bóng ở vị trí tiền vệ và mang áo số 7 :)

    ReplyDelete
  14. Một CB người Brazil chuyển CLB từ Paris đến London, viết mấy lời chia tay, trích một câu gì đó của Pessoa

    ReplyDelete
  15. Thế theo bác thơ XQ là thơ dở?

    ReplyDelete
  16. tôi có nghĩ thế đâu

    tôi nghĩ là rất dở

    ReplyDelete
  17. Đang đi xe của cô gái (không những thế lại còn là xe xịn, tuy nhức hết cả đầu vì tiếng con điên GPS) nên tôi kìm giữ để không đáp lại, rằng chỉ phụ nữ đẹp mới phải ngại đi tàu điện ngầm không an toàn thôi; vả lại cũng không hẳn: vì cái đẹp tạo ra sự tôn trọng. Dĩ nhiên là tôi đã không nói gì.

    ReplyDelete