Jul 6, 2018

FIFA bỗng đổi luật


Nếu có một nhà văn nào nên đọc nhất, nếu muốn đọc văn chương nhưng đồng thời cũng lại muốn đọc văn chương ấy viết về bóng đá, thì nhà văn đó chính là Esterházy Péter. Lại một nhà văn Hung-gia-lị nữa (các nhà văn Hung: xem ởkia, ởkia và cả ởkia).

Rất tiếc là đúng cái quyển Esterházy viết riêng về bóng đá, ngoài bìa có hình ảnh các cầu thủ luôn, thì tôi lại để vào đâu mất. Nhưng cũng không cần đến cuốn sách ấy, bởi vì Esterházy luôn luôn nói đến bóng đá trong các tiểu thuyết của mình. Một nhà văn Hung dĩ nhiên sẽ nói nhiều nhất đến Puskás. Puskás Ferenc, người hùng của dân tộc, Puskás Ferenc, tức là một nhân vật cùng thời và cùng hạng với những Alfredo Di Stéfano, những Eusébio.

Esterházy, trong một tiểu thuyết, kể chuyện mình không cách nào có thể giải thích cho bà mẹ hiểu được việt vị nghĩa là thế nào. Điều này rất đúng: có không ít phụ nữ thích bóng đá, hoặc tỏ ra mình thích bóng đá, nhưng chắc chắn gần như không ai trong số ấy thực sự hiểu việt vị là sao. Tôi có nhầm không nhỉ? Nếu trong tiếng Việt, giở quyển sách nào đó mà thấy thay vì "việt vị" lại có "liệt vị" thì ta hoàn toàn có thể tủm tỉm cười mà nghĩ, không sợ sai, rằng chắc hẳn người làm ra cuốn sách ấy là một nữ nhân.

Giờ đây, tôi không còn thực sự biết nhiều thứ nữa: đương kim vô địch Euro là đội tuyển nào tôi cũng không biết, nhưng mỗi World Cup, mấy kỳ gần đây, dường như tôi đều chọn được trận hay nhất để xem. Suốt kỳ 2014, gần như tôi chỉ xem đúng một trận, đó là trận Costa Rica gặp Ý.

Còn năm nay, trận tôi bỗng quyết định xem là trận Đức gặp Hàn Quốc. Rồi tôi hứng chí xem thêm trận Nhật Bản gặp Ba Lan. Dường như tôi lại lựa chọn không tồi lắm: hai trận ấy ngược hẳn nhau (nói đúng hơn, đoạn cuối của hai trận ấy hoàn toàn trái ngược), và chúng nói lên rất nhiều điều. Nhất là chúng nói lên một điều: FIFA bỗng đổi luật.

Khi FIFA bỗng đổi luật, thế giới chợt trở nên thật là giống với chính nó.

Nhưng trước đó, điều ngay lập tức tôi nhận ra - vì nó đập vào mắt - là dường như những người làm về hình ảnh (quay phim, montage etc.) ngày nay đều có một tuổi thơ (nhiều người chắc vẫn tiếp tục chứ chưa dừng) chơi PlayStation, vì xem một trận bóng đá bây giờ trông rất giống chơi PlayStation. Thế giới game đã quy định thế giới thực, chứ không còn là ngược lại nữa.

Puskás và thiên tài của mình nếu đá bóng vào lúc này, thì sẽ như thế nào nhỉ? Tôi tự hỏi. Diego Maradona không biết đã cảm tạ trời đất bao nhiêu lần vì hồi ấy chưa có cái trò trọng tài chạy ra ngoài xem cờ-nhíp rồi sau đó quyết định lại. Ơ, thế không phải "nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy" nữa à?

Thế giới trở nên thật giống thế giới bởi vì FIFA bỗng đổi luật: cái thế giới mà chúng ta đương sống đây, đó là một thế giới phản đối mọi điều gì liên quan tới ý chí. Muốn tự do ấy hả, thế thì lại chính là chui vào cảnh bị cầm tù. Đi du lịch (tôn giáo mới của toàn thế giới) nghĩa là đi xa? Không, đi du lịch hiện nay - giống hệt như Thomas Bernhard từng nói từ lâu - chính là giậm chân tại chỗ.

Người ta tỏ ra can đảm chính bởi sự hèn nhát. Và luật mới của FIFA hướng đến sự công bằng ư? Nhưng đó lại chính là bất công.

Bất công bởi vì nó tiêu diệt sự công bằng nằm trong bất công: bóng đá chính là một thứ dạy cho con người rằng cuộc đời là bất công. Ta đá hay hơn đối thủ suốt cả trận, nhưng một tiền đạo chơi kiểu ăn cắp giống Filippo Inzaghi ở bên đối phương có thể lẻn xuống ghi bàn thắng ở những giây cuối cùng làm tiêu tan đi mọi sự. Cái tay của Maradona, hay một cái tay nữa trong một trận đấu nào đó giữa Ghana và Uruguay năm nào, hồi còn có Forlan: đó chính là những đảm bảo rằng còn có một công bằng khác, mà chẳng ai có thể tính đến bao giờ. "Hai công lý", đó là tên một chương trong một cuốn tiểu thuyết của Balzac. Có công bằng này, và lại có công bằng kia - và một cú đổi luật của FIFA làm tan biến mất, tất tật. Tiểu thuyết ngày nay đánh mất sự lập lờ, đến cả bóng đá cũng mất đi nốt sự khó hiểu của nó. Và chính vì thế, nó càng trở nên khó hiểu hơn.

Trong cuộc sống của con người, làm gì có gì nghiêm túc hơn hoạt động chơi, và trong sự chơi, làm gì có gì vượt quá được luật chơi? Luật là luật.

Thật đáng kinh ngạc (đúng ra, không hề đáng kinh ngạc), chính sự khuyến khích fair-play trong một sự đổi luật khác của FIFA đã khiến 15 phút cuối của trận Nhật Bản-Ba Lan trở thành 15 phút ngu xuẩn hạng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Chính bằng chơi bẩn mà Nhật Bản trở thành đội tuyển fair-play. Và cũng chính ở đó, sự giả dối Nhật Bản lộ rõ hơn bao giờ hết.

FIFA giống Starbucks, giống McDonald's, gọi những thứ đáng tởm lợm là đẹp. FIFA giống goodreads, giống facebook, tức là gọi mọi rợ là văn minh.

Thế giới, xét cho cùng, đã trở nên quá giống với chính bản thân nó.

13 comments:

  1. Ông rất nhiều lần đúng, nhất là khi mô tả phụ nữ, nhưng lần này ông sai. Tôi là một bằng chứng về phụ nữ thích bóng đá và nắm rõ mọi luật chơi của bóng đá. Hồi cấp ba tôi còn xắn áo dài lên đá bóng với bọn con trai cơ. Hai chữ "việt vị" đối với tôi lại càng là muỗi nhé :)

    ReplyDelete
  2. thì tất nhiên là có ngoại lệ chứ

    à nhưng vẫn có thể tưởng mình hiểu thế nào là việt vị thôi chứ vẫn chẳng thực sự hiểu đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, đương nhiên tôi còn nằm rõ cả luật mới về việt vị liên quan đến hướng bóng tấn công chứ không liên quan đến vị trí cầu thủ trên sân. Mà thôi, tôi xem đội Pháp đây. Từ thời Jean Pierre Papin và Catona đến giờ mới quay lại thích đội Pháp :p

      Delete
  3. đấy biết ngay, viết sai tên cầu thủ nhà người ta rồi, cái anh kung fu cổ động viên Anh-cát-lị đó

    ReplyDelete
  4. Ha ha, vừa bình lựng vừa nhìn vào màn hình tivi nên nó mới thế. Vầng, tôi sửa lại, anh Cantona, áo số 7 (con số huyền thoại) đội MU.

    ReplyDelete
  5. When justice is conflated with benevolence, the law loses its absoluteness and by definition vanishes.

    ReplyDelete
  6. Nhờ Nhị Linh chỉ giáo, cuốn tiểu thuyết có chương "Hai công lý" tên là gì ạ?

    ReplyDelete
  7. Quán trọ Đỏ

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2018/01/xix-quan-tro-do.html

    tôi lười còn chưa post nốt đoạn cuối, nó chính là Hai công lý

    ReplyDelete
  8. Cảm ơn Nhị Linh. Tôi có thể trích dẫn link này ở chốn khác (không phải FB) được không ạ?

    ReplyDelete
  9. nói thật là tôi không bao giờ biết trả lời câu hỏi ấy ra sao và tôi cũng không quan tâm đâu

    ReplyDelete
  10. Dở hơi ơi, tôi có gửi cho một cái thư với một số ảnh thú vị, hãy xem đi nhé. À gửi vào hộp thư gmail xưa của bạn ấy, không phải nhanam đâu.

    ReplyDelete
  11. trên đây là Alex Đào Bạch Liên, í hẳn gửi ảnh chụp màn hình lấy từ facebook gì đó

    ReplyDelete
  12. trận bóng hôm nay là ví dụ trực quan sống động rồi, chưa cần đến Maradonna, Play Station, Balzac và Inzaghi.

    VVD

    ReplyDelete