Dec 19, 2020

Thư viện To

(tiếp tục "Préliminaire (a)""Préliminaire (b)")


Đối với Thư viện To (tức là cái thư viện nằm trên phố Tràng Thi, Hà Nội - cũng có thể, nhiều người nghĩ nó nằm ở phố Hai Bà Trưng - mặt Quang Trung thì sát tường là bãi đỗ xe của Vietnam Airlines dường như đang ở trong cơn khủng hoảng lớn) dường như có một câu hỏi rất nên đặt ra: ngày nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam để làm gì?

Tôi không nghĩ đây là một câu hỏi dễ trả lời.


Trước tiên, cần nhắc đến hai lần Thư viện To được trình hiện trong văn chương: trong cuốn tiểu thuyết Quê hương của Nguyễn Tuân và trong cuốn tiểu thuyết Ung thư của Thanh Tâm Tuyền. Hai lần này cách nhau khoảng chục năm - tức là có hai khoảnh khắc đã được văn chương nắm lấy. Cụ thể hơn, quãng cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 và, sau đó, quãng cuối 40 đầu 50 - một là thời thuộc địa, hai là thời Hà Nội tạm chiếm (47-54).

Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Tuân không khó tìm, còn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền thì tôi đã post đầy đủ, ai chưa đọc thì tự tìm (à, tức là "đầy đủ" ở dạng nó xuất hiện, chứ đó là một cuốn tiểu thuyết dang dở).

Còn sau đó? có tác phẩm văn chương đáng kể nào khác lấy Thư viện To làm bối cảnh không? Tôi nghĩ là không, dẫu đúng là vẫn có. Nhưng chủ yếu đó là những màn hậu cảnh cho mấy thứ yêu đương, tình ái nảy mầm giữa những con người giàu tâm hồn (tức là, những người rỗng tuếch).


Thư viện To: cần phải gọi như vậy vì tên gọi của nó tương đối rắc rối. "Bibliothèque Nationale"? đấy là tên muộn, chứ cái tên gắn chặt vào nó trong một quãng rất trọng yếu phải là "Bibliothèque Centrale". Thêm một điều nữa: Thư viện và Lưu trữ là một hay riêng rẽ?

Trước tiên, ta (lại) đọc báo - nhưng không phải là báo đúng nghĩa (đối tượng của lsbcvn) mà là công báo (tức là, không hoàn toàn là báo). Cụ thể hơn, Công báo Thuộc địa (tên chính thức: Journal Officiel de l'Indochine Française).

Trên Công báo ngày 2 août (tháng Tám) 1919, ta đọc được cả "Règlement général de la Bibliothèque Centrale de Hanoi" lẫn "Règlement intérieur": quy định chung cũng như nội quy.

Thư viện To mở cửa "tous les jours excepté le dimanche après-midi": mọi ngày, trừ chiều Chủ nhật, theo giờ (horaires) như sau: mùa hè thì từ 8 giờ đến 11 giờ, rồi từ 16 giờ đến 22 giờ, mùa đông thì từ 9 giờ đến 11 giờ và 15 đến 22.

Giờ giấc như vậy đúng là không hề thích hợp, nên sẽ mau chóng được thay đổi. Dẫu sao thì cũng cần phải để ý đến tập quán của một xứ nhiệt đới.


Tôi bắt đầu vào Thư viện To từ năm thứ nhất đại học, 1997 (năm thứ nhất mà đã vào đó được, tất nhiên cần có tí ma giáo, vì hồi ấy quy định sinh viên năm cuối mới được làm thẻ - tôi sẽ quay lại với quy định độc giả thời kỳ đầu). Vào cổng (Tràng Thi), cứ thẳng lối đi chính (hai bên có vườn, nhất là bên trái) là đến luôn Phòng đọc, ở tòa nhà chính. Đây là đoạn cuối của cấu hình cũ, vài năm sau một tòa nhà mới (nhiều tầng - nhà cũ chỉ có một tầng, phòng đọc lớn như sảnh một nhà ga trung tâm) được xây, phòng đọc nằm ở tầng trên cùng: từ lúc này mới có một lượng sách bày ngay ra ngoài cho ai thích đọc thì đọc, trước thì không như thế; khi có nhà mới, tôi cũng gần như không còn đến nữa, tôi có cảm giác thư viện đã trở thành một chốn quấy nhiễu không gian xung quanh, trong khi thông thường lẽ ra phải ngược lại, hoặc giả một cái thư viện sẽ góp phần tạo một bầu không khí riêng. Hồi còn chưa thay đổi gì, để đọc báo thì đi sang một khu nhà khác, nằm bên trái nhà chính có Phòng đọc lớn, nếu nhìn từ cổng - còn bên phải là một lối đi dẫn ra toa lét. Tôi cho là đã có rất nhiều tình ái nảy nở trên chặng đường ấy. Mọi sự cũng đơn giản: nếu tia thấy cô gái nào vừa mắt thì cứ đợi đối tượng đi ra ngoài, gần như chắc chắn sẽ rẽ trái, thế là giả vờ cũng đi về phía đó, rồi vơ vẩn làm như tình cờ bắt gặp, rồi bắt chuyện, etc. Rất có thể kịch bản là quen nhau trên đường đi toa lét, rồi dẫn nhau ra vườn hoa (có mấy cái ghế) bên tay trái lối đi chính, sau đó nữa thì không biết. Giờ mở cửa thư viện - nếu tôi nhớ không nhầm, chắc không nhầm: từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, không đóng cửa buổi trưa; thấy rõ là có thay đổi so với Nội quy đăng trên Công báo 1919. Có lần tôi cũng ở lại đến giờ đóng cửa, vắng teo. Bên kia đường, phố Tràng Thi, là trụ sở Machino Import; dĩ nhiên hồi tôi hay đến đó thì Machino Import đã qua thời thịnh vượng từ lâu, chỉ còn là một tòa nhà lớn xám xịt. Nhưng một tàn dư khác thì vẫn rất sống nguyên: hiệu "Cắt tóc nam" mậu dịch, hình như giờ vẫn còn. Những năm vũ trường New Century trở thành ổ thu hút dân chơi, Thư viện Quốc gia kiếm thêm được thu nhập nhờ trông xe buổi tối. Dường như Tòa Tổng vô cùng khó chịu với sự ầm ĩ của một vũ trường như thế - chắc hẳn Thư viện To thì chẳng thấy vấn đề gì. Đầu phố Nhà Chung ngay gần, rất tiện lợi cho ăn uống; những năm ấy, suốt một dọc phố toàn bán đàn.

Nếu tôi nhớ không nhầm, hồi tôi hay đến, có quy định về đóng cửa thư viện - hình như cứ hai tuần thì đóng một thứ Năm. Sự đóng cửa định kỳ này cũng đã được quy định từ 1919.


Cụ thể hơn, nội quy như được trình bày trên Công báo tháng Tám năm 1919 nói: Thư viện mở cửa tất cả các ngày trừ "le dimanche après-midi, le lundi matin et les jours de fêtes légales" - tức là đóng cửa chiều Chủ nhật và sáng thứ Hai; chưa hết, nó cũng đóng cửa "pendant le mois de juillet pour permettre le récolement [không phải viết nhầm "recollement" đâu] des ouvrages, le nettoyage et les réparations" - như vậy, đóng cửa trong tháng Bảy.

Không chỉ có Thư viện To (Bibliothèque Centrale - Thư viện Trung tâm, hay Thư viện Trung ương) mà đi kèm với đó còn có một "Commission" (hội đồng), ta có thể hiểu đây là một dạng cơ quan nhiều tính cách danh dự, giống như là một tổ chức có chức năng "patronage" hay tương tự, tức là không thực sự làm gì, nhưng phải có - nếu muốn ngắn gọn. Nghị định (arrêté) ký ngày 10 Septembre 1919 (ký là một "Gouverneur Général p.i.", một Toàn quyền tạm thời, "par interim", ngày nay hay gọi là quyền) chỉ định chủ tịch "Président" của Commission là Inspecteur Général de l'Instruction Publique de l'Indochine (tức là yếu nhân của Nha Học chính), monsieur Chassigneux, thêm 5 thành viên (membre).

Ngay sau đó có thay đổi - dường như người ta quên mất EFEO (xem thêm ởkia) nên vội vã bổ sung; vậy là Commission có thêm Directeur của EFEO (cũng là một "par interim": vì lúc này Parmentier đang tạm nắm quyền). Hội đồng mau chóng đi đến một cấu tạo ổn định; muộn nhất là năm 1922 ta thấy có quy định hết sức cụ thể: Président của Commission luôn luôn là Giám đốc Nha Học chính (hoặc "délégué" - người được ông giám đốc cử thay mặt), các thành viên gồm 1) Giám đốc EFEO hoặc délégué 2) Một "administrateur" thuộc Services Civils do Toàn quyền chỉ định (nhân vật đầu tiên là Darles) 3) Một nhân vật thuộc cơ quan Lưu trữ và Thư viện 4) Nhân vật đứng đầu (sếp) Service Administratif au Gouvernement Général 5) Giám đốc trường École Normale d'Instituteurs; trong văn bản ra ngày 28 avril 1922, "décide" là còn có một cá nhân thuộc Hội đồng: monsieur Brachet, "professeur agrégé de Mathématiques au Lycée de Hanoi": một ông thầy giáo toán có bằng agrégation.

Điều có thể nhìn thấy ngay là: Thư viện To hết sức quan trọng. Nhưng, ngay cả trong số những người nhìn nhận Indochine Fr. từ quan điểm "khai hóa", cũng chưa từng có ai thực sự quan tâm đến Thư viện To - tất cả đều chỉ quan tâm đến hệ thống trường Pháp-Việt (tôi sẽ còn quay trở lại với hệ thống ấy, để nói rằng ngay cả ở đó, cái nhìn cũng hết sức đơn điệu - và sai lệch, tất nhiên).

Thoát ra khỏi đống giấy tờ "officiel", cũng như khỏi Công báo, ta quay sang phía của những tờ báo đúng nghĩa.

Năm 1918, có thể thấy đột nhiên báo chí nói rất nhiều về thư viện. Một thống kê nho nhỏ trên Le Courrier d'Haiphong cho thấy, trong năm 1918, có ít nhất 10 bài báo liên quan. Tên vài bài: "Bibliothèques municipales" (về các thư viện thành phố), trên số báo ra ngày 20 janvier 1918; "Mise en vente des archives inutiles", trên số báo ra ngày 3 mars 1918; "Bibliothèques publiques", trên số báo ra ngày 20 septembre 1918.

Như vậy có nghĩa là: đã có một bước ngoặt lớn lao vào thời điểm quanh 1920.

Ta sẽ đi sâu vào quãng thời gian ấy. Nhưng trước khi đi vào mấy chuyện rất cụ thể, như trụ sở Thư viện To (ngày nay: trên phố Tràng Thi, cách Bờ Hồ vài bước chân) trước đó là trụ sở của (những) cái gì? nó đã khởi đầu thực sự như thế nào (chẳng hạn, ở điểm xuất phát, thư viện có tổng cộng bao nhiêu quyển sách?) etc., cần phải đến với một nhân vật - phù, cuối cùng thì cũng đã đến được với con người: Paul Boudet, qui ne boude pas.


[nếu tôi không nhầm - chắc không nhầm - Louis Marty từng có chân trong Hội đồng Thư viện To nói trên]

Paul Boudet sang Đông Dương, làm pensionnaire cho EFEO. Rất mau chóng, Boudet rời khỏi EFEO: tới đây, nếu nhìn thêm cả Léopold Cadière, dường như đã thấy rõ một kịch bản chung: những người (tôi muốn nói người Pháp - tất nhiên - vì người Việt Nam thì hơi khác) làm nên được cái gì đó ở Indochine thường tách khỏi EFEO. Và như vậy, ý nghĩa của EFEO - nếu quả thật nó có ý nghĩa nào - nằm chính ở phần âm bản; ít nhất là trong một giai đoạn không ngắn.

Lịch sử Indochine có nhiều đô đốc, nhiều toàn quyền, nhiều cò mi lớn, nhiều giám đốc Nha học chính, Sở Lục lộ etc. nhưng chỉ có duy nhất một trùm Lưu trữ và Thư viện, kể từ khi mới có (và cả trước đó một chút) cho đến tận lúc không còn Indochine Fr. Không có ai khác ngoài Paul Boudet.

Thời kỳ đầu, Boudet có mấy phụ tá, một monsieur Quesnel và nhất là Saint-Marty (đừng nhầm với Louis Marty). Nhưng có thể nói, Boudet đã một mình lập ra Thư viện To, cùng với đó là cả một hệ thống - cho tới giờ nhìn chung vẫn chưa có gì suy suyển. Giống Louis Marty, Paul Boudet chết vào thời điểm Indochine sụp đổ, cụ thể là năm 1948. Boudet vừa qua đời thì một thuộc cấp cũ viết bài tưởng niệm đăng trên tờ BSEI (vì tờ tạp chí ấy sẽ là cả một chủ đề lớn nên ở đây không có gì thêm nữa).


[hai cái tên đã vĩnh viễn bám chặt vào óc tôi kể từ năm một chín chín mấy tại Salle de Lecture của Thư viện To - dẫu chỉ có thể tìm được, ở đó, vài mẩu nhỏ của họ và về họ -: Schleiermacher và Dilthey; nhất là khi, về sau, tôi phát hiện, Schleiermacher chính là thầy của Schopenhauer]


Công việc của Boudet không đơn giản: vào thời điểm thành lập, Thư viện To, dẫu nằm ở Hà Nội, bởi là centrale cho nên nó quản lý hoạt động thư viện (sẽ nói đến lưu trữ sau) của tất cả những nơi đã thành hình một cách ổn định, tức là cả 5 kỳ (pays). Hà Nội và Sài Gòn đương nhiên chúng ta biết nhiều hơn cả (hoặc, tưởng mình biết), Huế (Annam) thì kỳ bí nhưng có lẽ lại dễ xử lý nhất. Nhưng đâu chỉ có vậy, vì còn có cả Laos và nhất là Cambodge.


(Một vũ trường như New Century ở ngay đối diện với Thư viện To: ta hiểu mức độ grotesque có thể lớn đến mức nào, nhiều khi; nhưng vẫn còn có thể hơn thế, vào cái lúc sự nouveau riche của Hà Nội chuyển qua pha mới: không còn vũ trường nữa, mà thay vào đó là một quán bia - nó có một cái toilet rất nhiều gương, đang biêng biêng rất dễ đi nhầm vào chỗ khác.

Cũng tương tự, mấy quán ăn, quán bia hạng trung bình - dẫu tên là ngon gì đó, quán mà tên là ngon thì tức là dở - giờ đã thế chỗ cho nơi ngày xưa là địa phận của Halais Club: chỗ đó cách đây hơn chục năm, ban ngày thì mấy quán cà phê vỉa hè khét tiếng, buổi tối thì etc., bên này đường thì etc., bên kia đường, tối mờ mờ, sát mé nước hồ, cứ từng cặp từng cặp dìu nhau xuống. Xuống để làm gì thì tôi cũng không biết, vì tôi đã làm thế bao giờ đâu.

Nhiều người còn nhớ, biến cố New năm 2007. Hôm ấy, chỉ vì một cơn lười nổi lên vào phút cuối cho nên tôi mới không có mặt ở đó. Sáng hôm sau đọc báo tha hồ thở phào và cười: bao nhiêu khứa bị hốt trọn, đưa tới một sân vận động hình như mạn cầu Diễn, Nhổn gì đó, các chim cú bướm đêm phờ phạc mót từng chai La Vie để uống nước và chắc cũng để làm những cái khác nữa.

Nhưng mạn của đêm tưng bừng (dẫu vậy, kín đáo, hơi nghịch lý nhưng đúng thế) phải là phía khác: cuối chín mấy đầu hai nghìn là Apo phố Hòa Mã, cỡ trên dưới chục năm sau thì dịch đi một tí chút, cách vài bước chân, sang phố Thi Sách - T-Bar có phải không nhỉ? Dẫu vậy thì, đến lúc mấy chỗ như Seventeen Trần Hưng Đạo mở thì tôi thấy không cần phải lai vãng nữa: rặt nhà quê với nouveau riche.

Apocalypse Sài Gòn có phải cũng nằm đúng trên phố Thi Sách không nhỉ? Có một lần được rủ đến Lust, tôi tới cửa rồi thì bị vigil nhất định không cho vào, vì tôi mặc quần đùi. Nhưng mà cứ như sàn khiêu vũ cổ điển ấy nhỉ. Tôi bèn gọi cho các đối tượng đã vào trong từ trước, định bụng bắt một ai đó hy sinh, cởi quần cho tôi mượn mặc vào, chỉ cần vào toilet ngồi đợi một lúc, tôi vào được rồi thì sẽ trả, ai dè gọi mãi mà không được, sau mới biết tất cả đã đi đời vì một loại cỏ mơ màng nào đó. Thế là tôi đành đi chơi đêm ở Sài Gòn. Thật không ngờ chính đêm hôm đó lại là đêm bùng nổ một cuộc tình.

Một tai nạn quần đùi khác: lần này thì ở Hà Nội, hồi tôi còn nhỏ. Tôi được dẫn đến cái lăng, cửa vào phố Ngọc Hà, nhưng chú cảnh vệ không cho đi tiếp theo hàng người, vì tôi mặc quần đùi. Không nhớ có khóc vì tủi thân, bị phân biệt đối xử đầy bất công hay không.

À mà chết thật, lẽ ra mấy chuyện này không nên nói, mà nếu nói thì phải ởkia.)


Ở Sài Gòn, nhiều người biết rằng tới một thời điểm, người ta thấy cần xây thư viện mới, nhưng mọi thứ rơi vào bế tắc vì tranh cãi mãi là nên xây nhà mới hay nhập vào trụ sở của bảo tàng. Ở đây, chỉ cần nhớ, có sự tương tự không nhỏ giữa Saigon và Hanoi: một đằng (Nam) thư viện gắn liền với một tờ tạp chí là BSEI, thì đằng kia (Bắc) thư viện (Thư viện To) cũng vậy nốt - nó gắn liền vào với tờ Revue Indochinoise - với vai trò của Paul Boudet, tất nhiên.

Năm 1922 (đấy, quãng đầu thập niên 20 của thế kỷ 20 hết sức trọng yếu) có kế hoạch xây dựng thư viện (tất nhiên, cũng là một Thư viện To) cho Cambodge, tất nhiên là tại Phnom-Pênh. Chức sắc mà ta còn biết rõ trong chuyến xây dựng này là một viên "Ingénieur en chef" mang họ Bérard. Số tiền cần thiết dự tính là "50.000 piastres".

Ở Phnompenh chuyện in ấn như thế nào? Có một nhà in, "Imprimerie Henry", địa chỉ 75-77-79 rue Ohier. Sản phẩm làm ra không hề tệ. Hẳn ta có thể nghĩ, đó là một tương tự với Albert Portail ở Sài Gòn, tuy quy mô chắc chắn nhỏ hơn (nhiều).


Ở trên đã nói, hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, theo quy định chỉ sinh viên năm cuối các trường đại học ở Hà Nội mới được vào Thư viện To. Còn thời thuộc địa, những ai được vào đó? Ta quay trở lại với Công báo 1919.

Article VIII viết: "Sont admis dans la salle de lecture:

A - Tous les Européens sans distinction ayant atteint l'âge de seize ans.

B - Les professeurs indigènes.

C - Les étudiants indigènes des écoles supérieures.

D - Les indigènes qui justifieront après enquête d'une instruction suffisante."

Khoản thứ nhất quy định (xong luôn) cho "người châu Âu" (tức là không chỉ người Pháp): ai cũng được, miễn là đủ 16 tuổi. Với người bản xứ (indigènes) cần đến 3 khoản. Được vào Phòng Đọc của Thư viện To: giáo viên, sinh viên đại học (không chỉ sinh viên năm cuối - vậy là đến cuối thế kỷ 20 điều kiện té ra lại ngặt nghèo, nhiều hạn chế hơn) và những indigène nào sau khi được kiểm tra cho thấy là đủ trình độ (học vấn).

Khi quy định về "Section de Prêt" (mượn) thì bỗng "indigène" biến thành "Annamite":

Article XIII: "Sont admis au prêt:

1 - Tous les Européens, sur présentation d'une pièce d'identité justifiant de leur domicile;

2 - Les Annamites sur présentation d'une carte qui leur sera délivrée après une enquête faite par les soins du service."

(tên thay đổi cho cùng đối tượng, nhưng cả hai đều dùng chung một từ: "enquête", nghĩa là "điều tra")

Tất nhiên, đây là quy định, không có gì chắc mọi thứ sẽ đúng như vậy, trong thực tế. Và cũng tất nhiên, mọi điều đã thực sự xảy ra như thế nào thì khó biết hơn nhiều, nhưng tôi đã tìm ra vài manh mối. Nhưng chúng ta không nên để mất hút Paul Boudet.

Boudet là một archiviste-paléographe (nhiều nhân vật khác phụ trách Thư viện To là archiviste-bibliothécaire hoặc bibliothécaire), cựu học sinh École des Chartes (giống Ngô Đình Nhu về sau, tất nhiên). "École (Nationale) des Chartes" được gọi phổ biến nhất trong tiếng Việt là "Trường Cổ tự" hoặc "Trường Pháp điển" - muốn hiểu "chartes" thật ra muốn nói gì tốt hơn hết là đọc những người như Georges Duby. Có khái niệm (cũng là thiết chế) nào trong lịch sử Việt Nam có thể coi là tương đương với cái đó hay không? tôi sẽ nói: hương ước.




(còn nữa)

(cũng đã tiếp tục "(một người) Louis-René des Forêts")




Préliminaire-(b) Anh và Pháp

Préliminaire-(a) Trăm và nghìn

Đông Dương thuở ấy (7)

Đông Dương thuở ấy (6) Maison Cité U

Đông Dương thuở ấy (4) l'Huma

(Cái) Tương lai của Bắc Kỳ

Báo năm 1919

Nguyễn Văn Vĩnh

Hội Trí Tri

Đông Dương thuở ấy (3) Các cò mi

Đông Dương thuở ấy (2) Léopold Cadière

Đông Dương thuở ấy (1) BAVH

Đông Dương ấy, Đông Dương này

Dien Bien Fou

Ngày 19 tháng Chạp năm 1946


15 comments:

  1. dễ ẹc, để mấy người giàu tâm hồn lánh tiếng ồn xe cộ, và nghe tiếng reo gió lá :p

    ReplyDelete
  2. Tòa Tổng nào vậy NL?

    ReplyDelete
  3. To nhỏ cứt gì, đi khắp nơi chửi thiên hạ xong bị chính thằng bạn thân nó đi vòng vòng nói xấu o ép nó mà có biết khỉ gì đâu. Ngu vừa thôi. À mà nghe đâu bộ modiano in phanbook đẹp lắm phải không. Sướng nhỉ. Người tài nên đi đâu cũng có chỗ in cho.

    ReplyDelete
  4. a Môi Thâm, đang nói Nguyễn Vĩnh Nguyên à? nhưng nghe như tự miêu tả thì nhiều hơn

    ReplyDelete
  5. Chú ơi chú sao cháu chỉ thấy mỗi “Thiếu quê hương” thôi vậy chú?

    ReplyDelete
  6. thì tìm hiểu đi, tìm theo label "nguyen-tuan"

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cháu báo cáo chú chưa “vào một buổi trừ tịch” cháu đã đọc xong Thiếu quê hương. Tết này cháu nhất định đọc hết label nguyen-tuan và posts có chữ Tết của chú, cộng những cuốn Nguyễn Tuân cháu có.

      Delete
    2. Có một câu hỏi cháu xin phép hỏi chú: khi đến một lúc cầm quyển sách cũ và quyển sách in mới (cháu muốn nói cùng một quyển) lên đọc, mình có cảm xúc khác nhau rõ rệt, lúc đó tình yêu mình dành cho việc đọc còn trong sáng không chú? và lúc đó có phải là khởi sinh của sưu tầm sách?

      Delete
  7. chuẩn bị tiếp tục (bắt đầu thực sự đi vào câu chuyện chính)

    ReplyDelete