Sau bốn "kỳ" về riêng một câu chuyện, câu chuyện trong hiệu sách (xem các đường link ở cuối bài), đã đến lúc cần "tổng kết" một chút, nói về các hiệu sách ở mức độ thực tại của chúng, tức là, như người ta hay nói, faire un (petit) point.
Tôi cũng tìm ra được một điểm mốc rất có ý nghĩa: 1955; như vậy là nối thẳng vào được câu chuyện "Hà Nội từ 1947 đến 1954" của riêng tôi - xem theo label "4754" (cả trong câu chuyện ấy, chúng ta cũng đã dần đi được vào bình diện thực tại riêng, với một đóng góp rất bất ngờ: tiểu thuyết Ung thư của Thanh Tâm Tuyền - tôi sẽ sớm trở lại).
Đây là một quyển sách trông rất bình thường (thậm chí tầm thường):
Ởkia tôi đã hết sức tiếc nuối vì một điều: tìm được một tờ "hóa đơn" bán sách tại Hà Nội cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng tờ hóa đơn ấy (liên quan đến sách của Karl Marx bằng tiếng Pháp) lại không ghi tên người mua - như vậy một thực tại tuy đã hiện ra nhưng có thể xem là bị sứt mất một mẩu.
Với quyển sách của Georges Poulet trên đây, tôi đã bù đắp được điều đó, vì trong sách cũng kẹp một tờ hóa đơn:
Như vậy, đây là một tờ hóa đơn được đánh số "572", thuộc "quyển sổ" số 07. Trên cùng có hai dòng chữ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Độc lập-Tự do-Hạnh phúc". "Nơi đăng ký" là "Bờ Hồ" (có vẻ như hồi ấy đây là tên một đơn vị hành chính).
Hiệu sách mang tên "Tân Việt Nam", ở số 185 (có phải số 5 không nhỉ?) phố Hàng Bài. Số 185 (hoặc một trăm tám mấy) thì sẽ không thực sự gần Bờ Hồ. Và tờ hóa đơn này ghi tên người mua, có thể đoán "Mỹ Khanh".
Tờ hóa đơn được viết ngày 7 tháng Bảy năm 1955, tức là sớm hơn khá nhiều so với tờ hóa đơn đã nhắc tới trong đường link phía trên. Cũng giống người mua sách của Karl Marx, người khách hàng (Mỹ Khanh - giờ "Mỹ Khanh" ở đâu?) đi mua sách trong mùa hè; thậm chí, cũng cùng là tháng Bảy. Quyển Poulet chỉ là một trong những gì Mỹ Khanh mua hôm ấy, vì trong tờ hóa đơn viết: "1 lot sách cũ", đây là "một lô", tức là nhiều quyển, và phương thức bán là "solde", tức là "bán xôn".
Đúng là tôi cũng nên nhặt được thực tại-hiệu sách Hà Nội năm 1955 này với Poulet: chắc không ai còn nhớ, nhưng Georges Poulet là nhân vật trung tâm của "École de Genève" tức là "trường phái phê bình văn học Genève", về nó tôi đã có ba bài thuyết trình trong tháng Tư năm nay. Poulet lại còn chính là người gọi nhóm nhân vật Genève ấy là "école de Genève" (nếu không thì họ đã không có tên, hoặc sẽ có một cái tên khác). (xem thêm ởkia) Một tiểu luận của Poulet: xem ởkia.
Nói tóm lại, Georges Poulet là một nhân vật lớn của phê bình văn học. Nhưng (điều này thì tôi chỉ nói phớt qua trong đợt thuyết trình, vì chuyện dài quá mức) Poulet chỉ thực sự thể hiện hết tầm vóc của mình với bộ sách mang tên Études sur le temps humain (chủ đề là "thời gian con người"), chính là quyển sách trong ảnh, mà "Mỹ Khanh" mua được hồi năm 1955 đó, tại Hà Nội.
Tức là, Poulet là triết gia nhiều hơn là nhà phê bình văn học. Quyển sách trong ảnh chỉ là "tập" đầu tiên, vì các nghiên cứu về "thời gian con người" của Poulet sẽ còn kéo dài.
Quyển sách trong ảnh là một ấn bản rất sớm của Études sur le temps humain, nhưng không phải ấn bản đầu; "édition originale" được ghi rõ trong sách:
Và sách cũng ghi Poulet đang sắp cho in tập thứ hai của bộ:
Đây, chính xác, là ấn bản 1950-1951 (trên bìa ghi dòng chữ "nghìn thứ ba"):
Ấn bản 50 (51) này giờ đây rất khó thấy; về sau, khi cả bộ Études đã được Poulet hoàn thành rồi, nó sẽ được in lại theo các hình thức khác; tất nhiên trên quyển đầu tiên, sẽ ghi đó là tập 1. Với các bộ sách, chỉ ấn bản đầu thì tập đầu mới không đánh số. Tổng cộng, bộ sách của Poulet gồm bốn tập. Đây là một bộ sách lớn, những bộ sách như thế này không hẳn giống các "chuỗi" như ởkia nhưng cũng không thực sự ở xa lắm, và cũng có riêng một thực tại - mà tôi sẽ còn quay trở lại, tất nhiên với không ít vai trò bộ Études sur le temps humain của Poulet.
Trên quyển sách có một con dấu:
Tôi không thực sự đọc được hết chữ trong con dấu này: chắc chắn phía trên có "Diffusion-Librairie des bibliophiles", nhưng mấy chữ bên dưới rất khó luận - dường như có "USA" và "Hanoi". Người Mỹ ở Hà Nội vào thời điểm ấy?
Quay trở lại với "thực tại-hiệu sách" Hà Nội giữa thập niên 50. So sánh với tờ "hóa đơn" bán mấy quyển sách Karl Marx (hai hiệu sách có địa điểm không xa nhau), có thể thấy rất rõ so với năm 1960, tháng Bảy 1955 (nghĩa là chưa tròn một năm kể từ ngày "tiếp quản Hà Nội") các thiết chế chưa thực sự rõ ràng (năm 60, ta thấy có "Sở xuất nhập khẩu sách báo") trong khi ở năm 1955, cái tên hiệu sách "Tân Việt Nam" cho ta một suy đoán về sự tồn tại tiếp tục của một hiệu sách đã có sẵn từ thời 47-54.
Nhưng tờ "hóa đơn" 1955, mặc dù có ghi tên người mua chứ không chểnh mảng như đồng đạo của nó hồi 60 (Mỹ Khanh), cũng lại bỏ mất không ghi mấy chi tiết: "số nhà" và "phố"; như vậy thực tại mà chúng ta có được ở đây vẫn tiếp tục sứt mất (tuy rằng sứt ít hơn so với 60).
Trên quyển sách của Poulet có một chữ ký:
Có thể thấy rằng chữ ký này không phải chữ ký của người mua sách trên tờ hóa đơn: dường như Mỹ Khanh mua sách cho một người khác (hoặc giả đây là chủ cũ của quyển sách, trước khi Mỹ Khanh mua nó).
Hiệu sách cũng là một heterotopia giống như thư viện; ta ở hiệu sách, tức là ta ở đó nhưng cùng lúc ta cũng lại không ở đó, mà ở (những) chỗ khác. Tất nhiên không phải cứ hiệu sách (được gọi là hiệu sách, mang biển hiệu ghi đó là hiệu sách) thì sẽ gây ra hiện tượng này: có lẽ đây chính là căn cứ (tiêu chí) cho thấy như thế nào thì mới thực sự là hiệu sách. Một nhà văn từng miêu tả điều này rất rõ: Patrick Modiano. Trong một cuốn tiểu thuyết của Modiano (đã dịch ra tiếng Việt), có đoạn về một hiệu sách: người ta chỉ cần bước qua ngưỡng cửa của nó là tức khắc thấy mình đang ở Amsterdam hay San Francisco, dẫu đó là một hiệu sách khu Latin, Paris. Trong một tiểu thuyết khác cũng của Modiano (và cũng đã dịch ra tiếng Việt), người mua sách lần nào đến một hiệu sách cũng được người bán hàng ở đó hỏi, Thế nào, cô đã tìm được hạnh phúc chưa? Trong một hiệu sách, đến cả giọng nói rất có thể cũng xuất phát và vọng tới từ một nơi khác.
Tôi vẫn còn nhớ đích xác tôi đã nhìn thấy một quyển tiểu thuyết viết về người da đỏ nằm ở đâu tại hiệu sách Quốc văn phố Tràng Tiền năm tôi còn rất nhỏ. Xem ởkia.
Điều (gần) cuối cùng về quyển sách Georges Poulet trong thực tại-hiệu sách 1955 nằm ở chỗ, kể từ ngày ấy cho đến giờ, cả Mỹ Khanh lẫn người ký tên bên trong chưa bao giờ rọc nó:
Và điều cuối cùng: tôi cố tình không bóc cái mẩu giấy nho nhỏ ghi "40" dán trên bìa: tôi mất 40.000 để mua nó; năm 1955, "lot sách cũ bán solde" trong đó có Études sur le temps humain được bán với giá 4.000đ.
PS. có một nhà sưu tầm mới nói hiệu sách Tân Việt Nam (nơi viết tờ hóa đơn bán sách trên đây) dường như có quan hệ với nhà thơ Hồ Dzếnh; tôi sẽ quay trở lại nếu tìm thêm được thông tin theo hướng này
Trong hiệu sách (4)
Trong hiệu sách (3) "Cô ít ra khỏi nhà từ khi bà gần như mù"
Cảm giác hạnh phúc đã không còn khi em đến Nhã Nan thư quán nữa rồi
ReplyDeletecảm giác tốt đấy
ReplyDeletengoài Hà Nội, tôi tuyệt đối tránh mọi quán cà phê theo hình thức cà phê sách, ở Paris cũng thế
Không rọc ra đọc kiểu gì nhỉ?
ReplyDeleteCó phải hiệu sách gần Trường Trưng Vương. Ngô Bảo Châu đã từng đề cập
ReplyDeletedon't ngobaochau me
ReplyDeleteđấy là một thực tại của tiểu thuyết; nhất là chỗ sách chưa rọc - những trùng hợp - và các thời điểm của chúng. vả lại, nếu mua một lố rồi, "Mỹ Khanh" có thể đã không kịp
ReplyDeletechi tiết ấy nhắc ngay đến một cuốn tiểu thuyết về Saint-Petersburg, của Annenkov, để lôi ra đọc lại
ReplyDelete