Feb 2, 2020

Trong hiệu sách (6) trông như là

tiếp tục các "trong hiệu sách" (chắc cũng cần viết tiếp bài trong đường link, nó vẫn còn, vẫn còn hơi (hơi hơi) hơi gì nhỉ? hơi gì nhỉ?)



de bonne foi en conscience fausse





Một hiệu sách thì - trước hết - trông như là hiệu sách. Nhưng hiệu sách ở Hà Nội trong vòng mấy chục năm vừa qua chỉ trông như là hiệu sách chứ không phải hiệu sách: gần đây người ta vào hiệu sách (kiểu cái hiệu gì mới mở mấy năm nay trên phố Nguyễn Thái Học) cho nó mát, còn trước kia (chưa lâu lắm) người ta vào hiệu sách để mua đồ văn phòng phẩm, thú bông etc. Kinh doanh văn phòng phẩm là định mệnh của các cơ sở xuất bản Việt Nam. Ở hiệu sách Hà Nội chủ yếu người bán hàng không biết gì về sách nhưng có kỹ năng gói đồ (gói quà) khá cao thủ. Ta sẽ gọi - hết sức ngắn gọn - đó là hiệu sách theo tinh thần "Nhà sách Tiền Phong", bởi vì chính là nó.

Trong hiệu sách hiện nay, ta còn thấy thêm một trông như là nữa: trông như là khác trước, nhưng thật ra vẫn giống y nguyên. Nhất là khi nhìn thấy những Alvin Toffler được in lại thì tôi biết là tôi đã không sai. Cứ lâu lâu trên thị trường sách best-seller thế giới lại xuất hiện một hoặc một vài nhân vật tương tự. Hiện nay đó là Yuval Noah Harari: nguồn sản xuất những thứ to tát và rỗng tuếch, và chính vì vậy thu hút công chúng đọc sách một cách mãnh liệt.

Đấy là bởi, trông như là.

Ai nói con người của thời chúng ta đều phải nói đến những phụ kiện. Rất có khả năng, con người của thời bây giờ chủ yếu là phép cộng rất đơn giản của mấy cái app: chỉ cần app Grab rồi app Agoda và vài thứ nữa sao cho có thể gọi được shipper, thế là đủ. Cuộc sống nghèo nàn, à quên phong phú quá. Cũng vậy, trong thế giới của sách thời chúng ta, ai nói đến quyển sách là phải nói đến các loại phụ kiện. Các phụ kiện đóng vai trò lớn trong "cơ chế trông như là": chúng làm cho mọi thứ trông như là rất ổn, rất phong phú, và nhất là rất tinh tế.

Không có gì tệ hại hơn những cái bookmark. Hãy thử làm một việc rất đơn giản sau đây: kẹp bookmark loại hết sức phổ biến hay đi kèm sách được bán tại Việt Nam hiện nay vào quyển sách mới mua, để một số quyển tương đối nặng chồng lên. Sau vài tuần giở sách ra mà xem: đã lõm vào như một vết thương. Ấy là bởi các bookmark không dùng để hỗ trợ việc đọc: chúng đang nói dối chức năng của chính chúng, ngược hẳn lại, chúng phá hoại chính quyển sách.

Ấy là chưa kể mấy thứ như móc chìa khóa hay nhất là sổ. Các cơ sở xuất bản làm ra những quyển sổ không thể dùng được, vì chất lượng quá tệ - điều này hoàn toàn logic, khi mà họ cũng làm ra những quyển sách chỉ trông như là sách. Trước đây sổ phổ biến ở Việt Nam là loại bắt chước Moleskine (tức là bìa da): ai từng kể câu chuyện hay nhất về những quyển sổ Moleskine? để tôi nói luôn cho, đó là Bruce Chatwin. Hiện nay thì nhiều nhất là sổ bìa giấy (chắc hẳn để làm ra trông như là thân thiện với môi trường) - cũng không thể dùng nốt.

Sự nouveau riche ập vào xuất bản sách thể hiện rõ nhất ở điểm sau đây (ngay khi tôi nói xong, chắc chắn ai cũng thấy là hiển nhiên - thì vấn đề luôn luôn là miêu tả cái hiển nhiên): sách bản đặc biệt. Nhưng sách "bản đặc biệt" như được sản xuất ở Việt Nam trong thời gian vừa qua không phải là sách. Đó là một món đồ không dùng để làm gì. Trước hết, không thể dùng chúng để đọc. Một quyển sách không dùng để đọc - tất nhiên - là một thứ nói dối. Nó còn nói dối hai lần, vì nó chẳng có gì đặc biệt, thậm chí chất lượng còn tệ hơn "bản không đặc biệt".

(những quyển sổ: sau rất nhiều thử nghiệm, cuối cùng tôi đã tìm ra loại sổ tốt nhất, sổ (không dòng kẻ) Leuchtturm1917, tình cờ phát hiện trong một lần ghé Berlin)

Trong số những người mua sách "bản đặc biệt" có không ít nhà sưu tầm (sách). Điều này cho thấy một điều: mặc cho mọi vẻ bên ngoài, chính những người tưởng chừng như biết mọi thứ về sách (và có rất nhiều sách), phần lớn lại không hề hiểu một điều sơ đẳng: như thế nào là một quyển sách? Tức là, họ hoàn toàn không hiểu, những quyển sách thuộc vào số "bản đặc biệt" từ xa xưa, mà họ có trong tủ sách của mình, và được coi là có giá trị cao (đồng thời, trị giá không thấp), sở dĩ như vậy là vì, trước hết, chúng đúng là sách. Những gì tồn tại được xuyên qua thời gian, nhiều khả năng chúng có giá trị vượt mức thông thường - và chỉ những thứ như vậy mới đúng là chúng.

Nhưng, lại thêm một lần nữa, điều vừa nói xong hết sức logic: bởi vì có một hồi ứng, giữa một bên là những người so-called rành về thế giới sách vở (không chỉ là những người sưu tầm, mà còn cả những người hay viết review, giờ đây nhan nhản) và những người làm ra sách. Nói một cách hết sức ngắn gọn: cả hai bên cùng nói dối. Điểm trùng nhau giữa hai bên chính là sự dối trá, với tư cách môi trường. Trước đây tôi có vài quyển sách bản đặc biệt làm ra ở Việt Nam trong vòng chừng chục năm vừa rồi, khi nhận ra chúng chỉ giả vờ, tôi đã tống khứ tuyệt đại đa số. Đã thế, chúng lại còn to, nặng, và chiếm nhiều chỗ. Đã thế rồi, hơn nữa, chúng lại còn rất xấu. Vì đúng, sách bản đặc biệt vốn dĩ được hình dung như là đẹp hơn, nhưng bởi sự nói dối, cho nên chúng lại đích xác là những sách xấu nhất. Và hết sức đặc trưng cho gu của nouveau riche.

Những sách đặc biệt lại còn đánh số cũng chẳng cứu được gì, thậm chí chỉ càng làm trầm trọng thêm hai điều: sách không phải là sách, và sách không phải là để đọc (điều vừa xong, tôi viết sau khi có cái comment bên dưới, liên quan đến sự đánh số, nhưng gần như không phải là tôi lấy cảm hứng từ đó). Trông chỉ như là mà thôi.

Những người làm ra sách càng ngày càng đẫm tinh thần nouveau riche. Sách ở Việt Nam có một đặc điểm: độ to của chúng tỉ lệ nghịch với năng lực đọc, và sách càng ngày càng to tướng, như con cồ cộ, rơi vào chân là xong cái chân, nhất là những cái chân hiện nay lại rất hay dính chứng gút. Giờ, cứ vào hiệu sách trên phố Nguyễn Thái Học ở Hà Nội thì thấy ngay, nhất là sách làm ra từ cơ sở dính liền với hiệu sách đó, rặt là sách nặng cả yến. Chúng là để trưng bày, như bình, như lọ, như tranh (tất cả đều rất xấu) ở nhà các nouveau riche. Chúng là các vật giả. Và sách được làm ra phần lớn dựa trên lựa chọn của không đọc: các nhân vật phụ trách bản quyền (những người càng ngày càng có quyền lực lớn hơn) chỉ chọn sách thuần túy theo mấy cái bảng xếp hạng, nhất là bảng tệ hại nhất - của amazon. Và chúng được làm như thế nào? Một quyển tiểu sử Putin (nouveau riche đặc biệt thích một số nhân vật, như Trump, Ali Baba gì đó etc.), mở ra ngay phần tay gấp, thấy có một câu (giới thiệu tiểu sử), đọc cứ ngờ ngợ vì quá funny, thử tra cứu hai giây, thấy ngay nó được copy một cách y nguyên từ wikipedia tiếng Việt, mục từ "Putin".

Nhưng, tại sao lúc nào sách cũng phải có tay gấp? Cái tay gấp hoàn toàn cũng có thể gây ra hiệu ứng giống hệt bookmark, mà tôi đã miêu tả ở trên - tức là gây thương tích cho quyển sách. Nhưng chẳng ai nghĩ đến điều đó, bởi vì tất cả, hay gần như thế, đều bị cuốn theo một thứ rất mãnh liệt: dục vọng của trông như là.

Tay gấp, rồi một cái nữa, được gọi một cách tuyệt đẹp theo con đường ẩn dụ, là áo. Nhưng, "một cái áo không khiến người mặc nó cảm thấy hạnh phúc là một cái áo vô đạo đức" (dixit XYZ). Từ đây ta sẽ đi thẳng sang một thứ không thể bỏ qua trong một miêu tả: cái bìa sách.

Một cái bìa sách sẽ là không thể chấp nhận được khi nào? Tôi sẽ nói ngay một điều mà sau khi tôi nói xong, ai cũng thấy nghi ngờ. Nhưng đúng là vậy: một cái bìa sách sẽ không thể chấp nhận nổi chính khi nào nó quá cố gắng biểu đạt những gì (dường như) cuốn sách muốn nói.

Cứ muốn một cái gì đó quá, thế nào cũng được, nhưng trớ trêu là rất thường được theo một cách không thể ngờ nổi. Nhất là nếu cứ muốn tự giống với chính mình ("Nhờ mi người ấy giống/Một chút với chính mình"). Các cơ sở xuất bản sách trở thành nouveau riche thì cũng chẳng khác gì mọi nouveau riche khác: không phải có nhà kinh doanh nouveau riche và nhà xuất bản nouveau riche (và hai bên khác nhau) mà có nouveau riche (kinh doanh+xuất bản), và chỉ là một. Cú boom của xuất bản Việt Nam (khởi đầu: 2005-2006, kéo dài khoảng 5, 7 năm) làm cho một số cơ sở trông như là to lớn (cùng lúc, tuyệt đại đa số chỉ trông như là in sách nhưng thật ra chẳng hề một tí nào: riêng điều này không dễ nói rõ, tôi sẽ còn trở lại). Các cơ sở xuất bản đặc biệt thích tràn ra ngoài (vì dục vọng hướng về sự to lớn) hoạt động của chính họ - chính vì vậy cho nên sổ, móc chìa khóa, etc.: có nơi kinh doanh nhà trẻ trường mẫu giáo, có nơi kinh doanh cà phê. Một nhà xuất bản bán cà phê là một nhà xuất bản phục vụ cùng một lúc hai thứ dở: sách dở (vì không phải sách) và cà phê dở (nước cống). Một nhà xuất bản thích mở quán cà phê là vì muốn làm ông chủ.

Các cơ sở xuất bản Việt Nam vài năm trở lại đây nouveau riche cực độ ở điểm thế nào cũng đi Frankfurter Buchmesse (hằng năm được tổ chức vào mùa thu). Kể cả những nơi chẳng hề có liên quan gì đến các hoạt động của Hội chợ sách Frankfurt. Kể cả khi, mọi công việc hoàn toàn có thể tiến hành từ xa. Ấy là vì cần phải đi, cho thiên hạ thấy mặt mình. Điều này rất giống với trào lưu đi du lịch hiện nay (xem thêm ởkia): người ta đi du lịch dẫu biết khả năng cao ở chỗ đó sẽ gặp đúng người hàng xóm; nhưng chính vì thế: chính vì cần để cho hàng xóm thấy mình cũng đi du lịch, cho nên phải đi. Thêm nữa, đi một chuyến châu Âu còn tiện thăm thú nơi này nơi kia, chụp ảnh và thăm con, vì nouveau riche Việt Nam hay có con du học châu Âu, có thể không nhiều bằng bên Mỹ, nhưng không ít.

Năm 2005, tôi đi Frankfurter Buchmesse. Thời điểm ấy tất nhiên chẳng có đến ma Việt Nam nào, ngoài gian hàng lèo tèo hình như của Xunhasaba. Bài viết của tôi sau chuyến đi đó khiến hơn một cơ sở xuất bản (bắt đầu bước vào cú boom lịch sử) liên hệ với tôi. Về sau này, có lần tôi đang ở gần Frankfurt đúng vào lúc có Buchmesse, thậm chí tôi đã định đến đó rồi, chỉ cần mua vé tàu nữa là xong, nhưng cuối cùng tôi quyết định không đi. Cũng chẳng có việc gì để làm. Hoặc cũng có thể, chưa. Không đi thì cũng đỡ phải chạm trán một bầy.

Giờ, ta sẽ đi vào một khía cạnh nữa của sự trông như là. Trở ngược lại với giai đoạn trước, với hai nhân vật rất trọng yếu, Vương Trí Nhàn và Lại Nguyên Ân. Có ai bao giờ tự hỏi, tại sao ông Lại Nguyên Ân lại có list sách dài đến thế không? Đấy là vì, rất đơn giản, ông Lại Nguyên Ân có vị trí trong một nhà xuất bản.

Nhưng, nếu đó không phải là lạm dụng chức quyền - hoặc ít nhất, lợi dụng vị trí, dùng đặc quyền quá tay, thì còn cái gì có thể gọi là vậy nữa? Và như vậy thì có thể được coi là "lợi ích nhóm" không?

Tôi rất muốn động tới khái niệm này, vì ông Lại Nguyên Ân (and Co.) đặc biệt thích khái niệm ấy, bên cạnh một số khái niệm khác. Có một bài viết của ông Lại Nguyên Ân (nếu tôi không nhầm thì đã in vào cuốn sách nào đó) phân tích Tự Lực văn đoàn là một cái gì đó "lợi ích nhóm". Theo tôi, bài viết đó của Lại Nguyên Ân sẽ trở thành ví dụ cho cả một thời nghiên cứu văn học của Việt Nam như thế nào. Lại Nguyên Ân thuộc đúng vào kiểu người mà các cụ hay nói: dốt mà hay nói chữ. Tất nhiên, tôi nói vậy không phải chỉ vì một từ đó. Sẽ có thêm (nhiều) ví dụ.

Nhưng quan trọng hơn nhiều: một người có vị trí quan trọng tại một cơ sở xuất bản cứ chăm chăm in sách của mình, thì vậy là thế nào? Tôi nghĩ, xuất bản ở Việt Nam (lại) đã sụp đổ một phần không nhỏ chính vì cái sự các yếu nhân xuất bản cứ tưởng mình là tác giả hoặc học giả.

Guy Debord đã quá đúng: thế giới của chúng ta, nó trượt từ là sang có, rồi lại trượt tiếp sang có vẻ. (Guy Debord, you know, he is my hero)

Tương ứng với điều trên đây (tức là, các nhà sưu tầm sách rất có thể chính là những người ít hiểu về sách nhất) là hiện tượng sau: rất nhiều người trở thành editor sau một thời gian dài (nhiều năm, có khi có thể coi là cả đời) ở rất gần, tức là một dạng nhà quan sát chẳng phải không có lúc thể hiện cái nhìn sâu sắc. Nhưng tất cả, đến khi làm sách (jargon đặc trưng) đều nhanh chóng rơi vào cái bẫy của sự trông như là. Té ra đã không hiểu gì hết. Thành ra, chỉ làm một điều là tăng tính cách nouveau riche thêm một mức mới. Đặc biệt, những người như vậy rất thích dùng những từ đáng ghê tởm, nhất là từ "tri ân". Cứ như là trò marketing hay tiếp thị rẻ tiền. Mà có "tri ân" quái gì đâu: đó là một trong những từ nói dối rất mạnh, không mấy xa so với từ "đam mê" đã nhiều lần tôi đả động. Một nhân vật từng Vạn Hạnh rồi triết học Sorbonne, lội qua NGO các thứ rồi bắt đầu làm sách, ôi thôi chỉ rặt một thứ nhôm nhựa Hàng Than-Nhà Thương Khách (và phảng phất mùi thịt chó đầu Nguyễn Khắc Nhu).

Trở lại với những sách trông như là. Việt Nam có một vinh dự lớn: đã đóng góp cho cỗ máy sản xuất best-seller của thế giới vài khuôn mặt không nhỏ. Thứ nhất là Thích Nhất Hạnh, thứ hai là Trịnh Xuân Thuận.

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư? đúng rồi, nhưng trước hết, đó là một tác giả sách best-seller. Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học? chưa chắc, nhưng chắc chắn, trước hết đó là một người médiatique. Điều trớ trêu là trong dòng họ, rốt cuộc Trịnh Xuân Thuận lại kém nổi tiếng hơn so với một nhân vật khác.

Đó là sự pseudo. Tương ứng (vốn đối ứng) trong nước là cả một loạt pseudo tương tự, từ Hàm Châu cho đến Phạm Văn Thiều. Và có liều lượng đặc biệt lớn ở một tờ tạp chí, tờ Tia sáng. (đây chính là một trong 3 mà tôi từng muốn phân tích ởkia)





(còn nữa)


chắc cũng cần viết tiếp bài "thời chúng ta" số 4 (nghe giống "Bài không tên số 4" quá nhỉ) - rất (rất rất) rất gì nhỉ? rất liên quan





Trong hiệu sách (5) best-seller và PR
Một thực tại-hiệu sách
Trong hiệu sách (4)
Trong hiệu sách (3) "Cô ít ra khỏi nhà từ khi bà gần như mù"


14 comments:

  1. Những hiệu sách ở Quy Nhơn mới thật thảm thương, có thể phủi bụi ở cửa hàng sách mới luôn, có khu còn tắt bớt điện cho tiết kiệm

    ReplyDelete
  2. nghe như là rất Phú Quang rất Dương Thụ, chúng tồn tại do hợp thời :)

    ReplyDelete
  3. cái gì cũng có, trong lúc chờ G.

    ReplyDelete
  4. Post này trông giống bức tranh hơn cả post "tôi vẽ bức tranh"

    Nhìn "de bonne foi en conscience fausse" lênh đênh giữa khoảng không trắng mênh mông như thấy lại con tàu trong phim Tất cả những dòng sông đều chảy ấy :) De quel côté de la rivière se trouve la conscience éveillée?

    ReplyDelete
  5. Cháu xin bổ xung😛 gần đây người ta (gộp cháu luôn ạ) vào hiệu sách Bà Mão để chụp ảnh check-in, thỏa sức sống ảo trên instagram, fb, zalo😛

    ReplyDelete
  6. Tại sao sổ lại không dùng được?

    ReplyDelete
  7. thời lạm phát những thứ "biểu tượng", à đúng: đúng là ko ra ngoài ý hệ lây nhiễm.

    ReplyDelete
  8. "Bản đặc biệt" tạo ảo giác về sự đặc biệt của nhóm độc giả mua và (không hẳn) đọc nó.
    "Bản đặc biệt được đánh số" mới là ảo giác đặc biệt đầy đủ chứ ạ.

    ReplyDelete
  9. Nhận được thông báo: Your message couldn't be sent because it includes content that other people on Facebook have reported as abusive from Sur.ly for Wordpress khi share trang Nhị Linh sang FB. Không biết những thành phần nào nhưng thể nào cũng có mấy cái chân dính gút ha ha

    ReplyDelete
  10. “không thể chấp nhận” cuối cùng thiếu chữ t kìa bác !

    ReplyDelete
  11. có lần đến một hiệu sách, nhìn những cuốn sách nằm đó thì chợt hiểu ra là từ giờ sẽ chỉ mua sách theo kiểu tận tay chứ không qua tiki và tương tự nữa, dù có phải mua với giá bìa :v

    ReplyDelete
  12. "mà chỉ là một" chứ

    ReplyDelete