Aug 26, 2018

Trong hiệu sách (4)

Đang có một cái hội sách thường niên. Theo tôi, đây là hội sách biểu lộ sự chạm đáy của một giai đoạn xuất bản của Việt Nam. Tôi sẽ để dành lại cái miêu tả tổng quát về cái mà tôi gọi là "câu chuyện sách Việt Nam" cho một đợt thuyết trình khác, chắc sang năm (năm nay là năm mở đầu nên có hai thuyết trình, chắc các năm sau mỗi năm một lần là được rồi); ởkia nói đến sự suy sụp của các hội sách Sài Gòn, giờ đến lượt Hà Nội.

Trong đường link vừa xong là ghi nhận về điểm kết một thời hạn mười năm. Giờ, là điểm kết của thời hạn (vòng tròn lớn hơn) mười hai năm. Cú boom của xuất bản Việt Nam hồi 2005-2006 đã biểu lộ sự kiệt sức của nó. Tôi sẽ còn đi sâu hơn vào các đặc tính của cơn kiệt lực ấy - giống như là thiếu máu, giống như là tinh thần của một quãng thời gian đã tan biến - nói đúng hơn, bị tha hóa. Hoặc cũng có thể đã trôi hết xuống cống. Nói một cách vắn tắt, đấy là một biểu hiện của một sự thiếu lòng tin; sự thiếu lòng tin có thể gọi bằng một cái tên khác: lừa dối.

Không một cơ sở xuất bản nào của giai đoạn mười hai năm vừa rồi còn thực sự sống. Tôi sẽ còn quay trở lại (vì trình bày đầy đủ không hề dễ), và trước khi động vào vài ví dụ cụ thể, tôi muốn quay trở lại với một điều: Đinh Lễ.

Tôi từng nói từ rất nhiều năm nay tôi không hề đặt chân đến Đinh Lễ. Không một chút nào. Giờ, tôi sẽ nói tại sao lại như vậy (thế mà vài lần tôi nghe được là người ta kể tôi làm cái này cái kia ở Đinh Lễ, xuất hiện ở đó, nói điều này hay điều nọ: nhưng ít nhất năm năm nay tôi không hề đến Đinh Lễ). Tôi không đến Đinh Lễ nữa vì facebook.

Rất có thể tôi đang tỏ ra bị đặc biệt ác cảm với facebook. Cũng có thể vậy, nhưng theo tôi, tôi còn chưa nói được đầy đủ về facebook đâu, còn xa, còn rất xa mới có thể đầy đủ cho nổi.

Tôi không đến Đinh Lễ nữa kể từ khi tôi thấy những người bán sách ở đó cắm mặt vào facebook.

Những người sống ở Hà Nội biết rõ là từ cuối thập niên 90, Đinh Lễ (gọi chung Nguyễn Xí-Đinh Lễ) trở thành "rốn sách" của Hà Nội. Người ta không đi mua sách ở hiệu sách, mà đến các cửa hàng (nhìn chung đều rất nhỏ: nhỏ thì sẽ không thực sự có mặt tiền). Nhưng cần phải nói rõ: tập quán ấy hình thành không phải vì mua sách ở Đinh Lễ thì tốt ("mua sách tốt" có thể coi là đồng nghĩa với mấy điều sau đây: 1) không bị hụt sách mới ra 2) dịch vụ tốt 3) người bán sách am hiểu về sách), vì mua sách ở Đinh Lễ không hề tốt. Mà chỉ đơn giản là người ta không thể chịu nổi hệ thống hiệu sách quãng thời gian đó đã rơi xuống đến đáy, hiệu sách nhà nước tuyệt vọng, hiệu sách kiểu trung tâm Đông Tây cũng không khá hơn, hiệu sách kiểu dọc phố Bà Triệu thì lởm khởm kinh người. Một thời gian rất dài, Hà Nội hoang vu về phương diện hiệu sách.

Mua sách ở Đinh Lễ có một lợi thế rất lớn: có thể dừng xe ở ngay vỉa hè, người bán sách quen mang ngay quyển sách (hoặc những quyển sách) ra, và đi luôn, rất mau chóng. Một lợi thế khác nữa là trong một quãng thời gian, ở Đinh Lễ sẽ có những quyển sách không thấy tại các nơi khác. Có như vậy là vì những người bán sách ở Đinh Lễ được một số người nói cho về một số sách khó được biết tới. Tôi là một trong những người thỉnh thoảng nói có quyển này quyển kia đấy, lấy về bán được đấy, etc. Những người khách quen cũng giúp người bán sách biết là nên nói gì về những cuốn sách: cần phải biết qua loa vài điều về mỗi cuốn sách, vì mô hình bán sách ở Đinh Lễ là mô hình rất trực tiếp, người mua nghe lời người bán, về cơ bản là như vậy.

Nhưng facebook khiến cho người ta cắm đầu vào đó, những người bán sách chỉ còn chăm lo nhất làm sao để quảng cáo bán sách trên facebook. Đến mức mà nhiều khi ba lần quay lại, quyển sách đã được hứa hẹn vẫn không thấy đâu, người bán thậm chí còn quên bẵng hoàn toàn không còn nhớ.

Facebook có tác động tệ hại đến tập tính con người (mà vốn dĩ tập tính ấy đã tệ lắm rồi). Có lần, tôi cần sửa xe, tôi dắt xe một quãng đến chỗ có hàng để sửa, vừa thở phào thì nhìn thấy người thợ sửa xe vẫn chưa rời được mắt khỏi cái điện thoại đang vào facebook để ngẩng lên. Tôi đã chột dạ, nhưng quanh đó chẳng có hàng nào khác, nên đành chịu. Quả nhiên con nghiện facebook kia đã khiến cái xe hỏng nhẹ thành hỏng nặng hơn rất nhiều, hôm sau tôi ngán ngẩm mang nó đi sửa mất cả ngày. Các quán cà phê Hà Nội trước đây khủng hoảng về chuyện nhân viên phục vụ cứ rình rình bật các thể loại nhạc mà họ ưa thích, còn hiện nay, vấn đề nằm ở chỗ nhân viên nào cũng chỉ chăm chăm chui vào một xó để facebook.

Tôi nghĩ là tôi quyết định đúng: Đinh Lễ, theo như tôi thấy, đã trở thành cái chốn cho một loạt tác giả hạng bét thi nhau ngồi ký tặng độc giả. Các danh nhân ưu tú (nouveau riche của thế giới diaspora Việt Nam) thấy Đinh Lễ là thắng cảnh Hà Nội nhất định phải ghé để chụp ảnh rồi post lên facebook. Thế giới ấy chẳng còn liên quan gì đến những cuốn sách nữa, và không còn liên quan đến tôi một chút nào. Vả lại, ngay từ đầu, mô hình Đinh Lễ đã là một mô hình đặc biệt méo mó.

Mở rộng câu chuyện, và vẫn trong quy chiếu với xã hội nouveau riche ở phân khu sách vở: tinh thần nouveau riche có một yếu tố đặc thù: bắt chước. Chính vì thế, Hà Nội cũng có đường sách giống như Sài Gòn. Nhưng không thể có chuyện người Hà Nội ra cái phố ấy mà mua sách: chỗ đó, cái chỗ toàn người chết hồi 19 tháng Chạp 1946 đó, để làm cái chợ vang danh thịt chó thì được (thậm chí còn quá tốt, thậm chí tôi còn nghĩ phá mất chợ Âm Phủ là một sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa được), chứ ai ra đó mua sách làm gì?


Vả lại, xét cho cùng, ấy là chuyện chui rúc hết vào một chỗ chật chội, cũng có khi chỉ vì cái danh hiệu có lấm láp với sách vở.


Một ví dụ về sách mới ra:


Khi tôi nghe nói đến một Bình Nguyên Lộc mới ra, tên là Hương quê, tôi đã đoán ngay đây là các truyện của Bình Nguyên Lộc từng đăng trên tờ Hương quê. Quả nhiên khi kiếm được nó, thấy đúng là vậy; tờ Hương quê:



Dưới đây là lời tựa của nhà xuất bản Trẻ:



Ở dưới tôi sẽ quay trở lại với lời tựa này.

Bình Nguyên Lộc luôn luôn được nhắc đến cùng một nhân vật khác, Sơn Nam: Sơn Nam  Bình Nguyên Lộc. Đây là một chữ "và" đặc vị giả dối, nó cho thấy rất nhiều về sự cào bằng mọi thứ của giới đọc sách Việt Nam, nhất là giới phê bình và nghiên cứu, cái giới không bao giờ đủ sức nhìn nhận giá trị, mà chỉ làm đúng một việc là mơn trớn cho lương tri thảm hại; đây chính là mấu chốt của vấn đề trong sự không biết đọc. Sơn Nam mà là nhà văn lớn.

Một nhà xuất bản như nhà xuất bản Trẻ sẽ làm gì với một tập truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc? Ta xem truyện đầu tiên trong tập:












Tôi nghĩ, hiện nay không ai hiểu được hết (gần hết cũng rất hiếm) những từ xuất hiện trong truyện ngắn trên đây: "phú de" (xuất hiện nhiều lần, lần đầu tiên ở tr. 9), "sập-ký-nìn" (tr. 12), "trắc-xông", "bát-tơ-ri", "ăm-bay-đa", "cạc-dăng" (đều ở tr. 17). Ba từ cuối thì tương đối dễ, nhưng mấy từ còn lại thì không dễ như vậy. Có ai biết hết các từ ấy luôn không?

Nhưng điều đáng nói là bản thân nhà xuất bản cũng không biết. Những người làm ra quyển sách này không đủ sức hiểu văn bản của Bình Nguyên Lộc.

Nhà xuất bản Trẻ là một nhà xuất bản không biết đọc. Tôi đoán đương kim giám đốc (kiêm luôn tổng biên tập) của chỗ này, cuốn sách gần đây nhất mà nhân vật ấy từng thực sự đọc có lẽ có niên đại đã trên dưới ba mươi năm, hồi thi đại học gì đó. Hoặc cũng có thể hồi cần đọc sách thì mới tán được gái. Nhà xuất bản Trẻ là một cái ổ của không biết đọc. Đây là nơi có đặc điểm lớn nhất là: con ông cháu cha. Các nhân vật ở đó phần lớn là con anh này cháu chị nọ; chính vì thế, một người chẳng có hiểu biết gì về sách như Phan Thị Vàng Anh có thời cũng phụ trách không ít phần, trong đó cả sách nước ngoài; sau đó rồi vẫn tiếp tục vậy.

Và ta quay lại với cái lời tựa: đó là một lời tựa thể hiện cho sự không hề biết mọi điều liên quan đến công việc làm ra một quyển sách. Được người khác tìm hộ rồi đưa cho cả bộ sưu tập báo để chỉ cần từ đó mà làm ra sách thôi, thế mà chỉ đúng một chi tiết cần phải nói, thì cái lời tựa kia không nói nổi: ấy là, niên đại chính xác của tờ Hương quê là bao giờ?

Nhà xuất bản Trẻ là một ổ của sự không biết đọc, và nó nối thẳng vào với một ổ khác: báo Tuổi trẻ, nhà xuất bản không biết đọc và tờ báo lá cải, cái kết hợp rực rỡ của cả một tinh thần nouveau riche rừng rực. Nhà xuất bản Trẻ in sách gì, báo Tuổi trẻ sẽ mau chóng đưa nó lên. Một thế ỷ giốc tuyệt đẹp.


Một cuốn sách khác, Đinh Hùng, như đã nhắc qua ởkia:


Tôi quyết định dành cho ấn bản mới Đốt lò hương cũ 30 giây (why not?). Tôi giở hú họa đúng một trang, và chỉ xem đúng trang giở ra ấy (theo đúng tinh thần bói Kiều đốt lò hương ấy so tơ phím này trông ra ngọn cỏ lá cây thấy hiu hiu gió thì hay). Tôi giở đúng trang này:


Và 30 giây của tôi dành cho trang dưới đây:


Dòng thứ 5 từ trên xuống: "Deux" bị viết thành "Duex" (chắc có ám ảnh Durex gì đó)
Dòng thứ 12 và 13 từ trên xuống: "hòa điệu" bị viết thành "hào điệu"
Dòng thứ 11 từ dưới lên: "répondent" bị viết thành "respondent"
Nhưng cái mà tôi thấy gớm ghiếc nhất nằm ở chỗ Đinh Hùng viết "Ác Hoa" thì đều bị sửa thành "Ác hoa"




NB1. đã tiếp tục Alexis hay Khảo luận về cuộc chiến đấu vô vọng của Marguerite Yourcenar

NB2. lẽ ra viết tiếp luôn "Thomas Bernhard và nouveau riche" vì đang hợp chủ đề (cuốn tiểu thuyết lớn của Bernhard xuất hiện trong tiếng Việt cung cấp một cơ hội rất then chốt để nhìn thấy rất nhiều điều trong sự không biết đọc của tinh thần nouveau riche, tính từ cơ sở xuất bản cho đến rất đông đảo nhân vật thuộc vào giới đọc Việt Nam, trong đó có cả nhà văn, nhà phê bình, những người thích bình luận sách ở mức độ ngày ngày), nhưng lên cơn lười, thôi để lát viết (lần này không phải vì cá mập) [dường như với cuốn sách ấy, tôi đã động trúng vào một cái gì đó hết sức nhạy cảm, cho nên mặc dù còn chưa viết gì, đã có đông, đông không thể tưởng tượng nổi người đọc nó]




Trong hiệu sách (3) "Cô ít ra khỏi nhà từ khi bà gần như mù"

6 comments:

  1. Gần đây nxb trẻ lại in một lô lốc di cảo Luu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.

    À bác chưa bàn vụ mua sách online khi tiki là đầu tàu

    ReplyDelete
  2. tiki là điều hiển nhiên, khi không có luật một giá

    ReplyDelete
  3. Đinh Lễ giờ đúng là không giống ngày xưa nữa thật, dù vẫn đông nghịt, chật cứng, người bán người mua cứ im lìm lìm kiểu j ý, không nhộn nhoạm sôi nổi kiểu chợ giời như ngày trước. Người mua sách giờ cũng tự tin hiểu biết hơn, nên cũng chả cần ai giới thiệu hay mời chào... em thì sách vở mù tịt, chỉ thấy ko vui như ngày trước 🤓

    ReplyDelete
  4. cái gene-pool của "không biết đọc" trở nên cái hồ to nhất được tôn&tạo còn hơn Bảy Mẫu nhiều và đẻ ra không biết viết rồi trứng rồng lại nở ra rồng liu điu (:P- nhại quả Kiều ở kia tí)

    ReplyDelete
  5. Vậy tại sao những người đọc nhiều lại không chiếm số đông trong ngành xuất bản hả anh?

    Về nxb trẻ, em cũng có cảm giác họ bắt chước, ăn theo, như Alice Munro với Cuoc doi yeu dau, và gần đây là Michel Houellebecq với "chênh vênh" (platform)

    ReplyDelete
  6. thế tại sao phần lớn người dạy học có đầu óc rất trung bình? đấy là vì họ cần được tự tin, được nói gì người khác cũng nghĩ là đúng, do đó trở ngược lại họ cũng nghĩ mình đúng

    ReplyDelete