Oct 22, 2020

đi lại

 đã tiếp tục:

+ "(một người) Blaise Cendrars" + "Trong lúc đọc Ezra Pound (4) ây-bi-xi" và + "Ý luận và lý luận" (suýt quên mất)


"Thế giới không vận hành giống như một bộ não, mà giống một cái bụng." (Didier Deleule - not Deleuze)


Càng ngày càng có nhiều xe mô tô phân khối lớn, và càng ngày phân khối càng lớn hơn, chạy trên đường ở đây, nhất là trong đêm. Được một lần này, có thể thấy được luôn, rất rõ, không vòng vèo, không gì che đậy, một cách trực tiếp, thẳng thớm và không thể nhầm lẫn, đỡ phải đặt câu hỏi, giả định, hoài nghi lằng nhằng: đã thấy được luôn tâm trạng của xã hội.

Tiếng động cơ gầm rú là sự cất lời của nỗi sợ. Nỗi sợ càng lớn, xe mô tô của những người nouveau riche kêu càng to. Nhiều lúc, không khác gì xe tăng.

Đã đến thời điểm của sự trở ngược ý nghĩa: tốc độ không còn nghĩa là đi ra xa, đi khỏi, thoát đi, nhất là thoát khỏi chính bản thân mình (nhưng đồng thời đi đến với chính mình), mà lại là sự no particular place to go (Chuck Berry). Bởi gì có đâu để mà đi nữa đâu.

Cuộc dịch bệnh dường như đã bắt đầu cho thấy nó nhằm vào những đâu: trong nhiều thứ, đó là sự đi lại. Sự đi lại dễ dàng, quá dễ dàng: nhưng thế thì cũng đồng nghĩa với chuyện, con người ngày nay không thể bất động được nữa. Nhưng cần phải bất động. Chậm, rồi nhanh, rồi bất động. Ngay trước khi mọi thứ bùng nổ, sự đi lại đã đến đỉnh cao của dễ dàng, nhưng sự đi lại dễ dàng không phải là một điều gì tốt đẹp - rất có thể hoàn toàn ngược lại.

Đi lại, cộng thêm proximité (và cả promiscuité). Như những đích ngắm (những cái đích quá dễ bắn trúng).

Một người - nếu tôi không nhầm, Michel Leiris - từ lâu đã nhận thấy, sân bay đã thay thế cho nhà ga trong cuộc sống con người ở phương diện: không còn khái niệm "văn chương nhà ga" (tức là những thứ nhảm nhí cho sự đọc) nữa, thậm chí nhà ga tàu hỏa còn bắt đầu trở nên không khác mấy so với nhà thờ (cổ kính và thậm chí trang nghiêm, nơi người ta đi đứng khẽ khàng và như thể lúc nào cũng trong một nỗi e dè nhất định); thế chỗ cho nó là "nghệ thuật sân bay". Nhưng rất có thể, sẽ rất mau chóng, những cái máy bay sẽ chẳng còn dùng để làm gì. Một nghĩa địa ô tô buồn thảm đến thế nào, thì một nghĩa địa cho máy bay, chắc còn phải gấp nhiều lần hơn thế.

Nhưng tại sao lại cứ đi khắp nơi? Vì dễ.

Cũng vẫn là biểu hiện của nỗi sợ: khi dịch bệnh chợt chùng xuống, rất nhiều nouveau riche thở phào, và từ phát thở phào ấy mà nảy sinh một idiom: "trạng thái cân bằng mới", hay cái gì đó tương tự. Mọi tinh thần yếu đều mơ tưởng sự tái lập. Nhưng làm gì có. Khi mọi thứ đã là số không, thì tức là số không, chẳng có chút ẩn dụ nào. Nhưng ai cũng mơ phần thưởng.

Sự đi lại: nó lên đến đỉnh cao ở hai khía cạnh, thứ nhất là sự phượt của các nouveau riche. Họ cho như vậy tức là thoát khỏi cuộc sống đô thị, đồng nghĩa với tự do. Nhưng hoàn toàn giống như khung cảnh sống hiện nay của họ (những khu nhà được quảng cáo là "thân thiện với thiên nhiên": nhưng làm gì có tự nhiên nào - người ta đã đi đến mức hiểu luôn "nhân tạo" tức là "tự nhiên"), sự đi (vào trong hoang dã, ra ngoài tù túng etc.) còn tệ hơn sự ở (một chỗ): bởi vì, làm gì còn chân trời nữa. Không ít nhà báo (hoặc "từng là", các cựu) dấn sâu vào con đường đó. Và đi kèm là biết bao sự ngụy tạo về mối nguy hiểm của dấn thân, của phiêu lưu (nhưng dấn thân nào, phiêu lưu nào, và nguy hiểm, mạo hiểm nào? - tuyền là sản phẩm của trí tưởng tượng - một "trí tưởng tượng không có đối tượng", như hẳn Alain sẽ nói). Tiếp tục, cũng có một tương tự nữa, ở riêng thế giới của nhà báo: sự nhấn mạnh vào nguy hiểm đó là một mặt khác của lời kêu gọi về sự tử tế. (còn khía cạnh thứ hai, tôi sẽ quay trở lại, ở bên dưới)

Không gì nói lên rõ hơn sự tiêu điều và hoang vắng của chỗ ở con người ngày nay hơn so với điều sau đây: các căn hộ (nhiều phòng, dĩ nhiên) không có âm thanh nào khác ngoài tiếng ti vi bật ngày đêm, lúc nào cũng bật, dẫu chẳng ai nghe. Thêm một sự quay trở ngược ý nghĩa nữa, thêm một trò đùa của sự văn minh.

Cái màn hình (ti vi), đó là - theo Jean Baudrillard - một cửa sổ, nhưng là cửa sổ mở ngược vào trong. Tất nhiên, kể từ miêu tả ấy, thế giới con người đã có thêm vô số màn hình, những màn hình mỗi lúc một dịch chuyển sát hơn vào mắt nhìn.

(một chuyển dịch: trước đây - mới không lâu - ở quán cà phê điều gây khó chịu lớn là chuyện nhân viên phục vụ bật đủ thứ nhạc đang thịnh hành; giờ đây, ai cũng nhận thấy, thay thế cho điều ấy là cảnh tượng người nào cũng dán mắt vào cái điện thoại loại smartphone; nhưng biết làm gì đây, vì chủ quán cũng vậy, rồi các thể loại quản lý, maître d'hôtel etc.; nhiều lúc gọi cốc nước lọc hay muốn trả tiền để đi khỏi cũng khó

cùng lúc, những cái xe phân khối lớn càng ngày càng phân khối lớn hơn, kêu to hơn, lắm lúc như trực thăng đang đáp xuống đất, hay xuồng máy, tuốc-bin máy bay Boeing etc.)

Thời đại của hình ảnh cũng chính là để giết chết hình ảnh. Các hình ảnh được phóng to hết cỡ, lung linh hết mức và hấp dẫn tột độ: những tờ báo dạng lifestyle (giờ đã chết sạch), những gì xuất hiện trên ti vi, rồi các loại màn hình khác. Trong sự chết đi của hình ảnh ấy, có một số hình ảnh chết nhiều hơn (hay, đậm đà hơn). Chỉ qua vài thế hệ, hai hình ảnh đã ngắc ngoải: hình ảnh trí thức và hình ảnh nghệ sĩ (cái gì thay thế? quá dễ thấy: từ lâu nay ở Việt Nam người ta crazy với danh hiệu học giả).

Sự chết đi là sự chết đi của cả nhân vật mang hình ảnh lẫn bản thân hình ảnh. Một kiệt tác lớn nói đến đúng điều đó: Don Quijote, tất nhiên: chỉ văn chương mới miêu tả được một sự chết đi kỳ vĩ cỡ ấy của hình ảnh (hình ảnh hiệp sĩ).

Nhà văn nào hiểu được rất sớm cái chết của sự du lịch trong thế giới của thời chúng ta (đến lúc nó còn không gắng gượng nổi nữa, ở vai trò giấc mộng hư ảo của thế giới bourgeois)? Ở đây, vai trò rất lớn lại là Thomas Bernhard.

Nhưng đi lại dễ, không chỉ làm nảy sinh các bourgeois dạng bo-bo (phượt và phới) mà còn thể hiện ở chỗ: mấy nhân vật bán hàng online lâu lâu lại đi nước ngoài, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, vơ vét các cửa hàng ở đó. Không chỉ sự đi lại dễ dàng này cho thấy phần lớn những người lẽ ra chẳng cần đi đâu bao giờ thì lại loạn xạ khắp nơi suốt, mà điều đó còn làm thay đổi cả một hoạt động lâu đời: buôn chuyến (và buôn lậu) truyền thống (để có một miêu tả buôn chuyến đường dài trước đây, xem ởkia).

Hình ảnh trí thức tan vỡ chính vào lúc - cũng như mọi thứ - nó như thể bừng nở hết mức (tráng vật tắc lão), vị trí của người trí thức trong xã hội trở nên như thể là tất yếu, được coi trọng, có "tiếng nói" và có cả "góc nhìn" riêng. Khi người ta nói ý kiến của mình về mọi điều trên đời, thì trông không khác gì tự do (và sức mạnh). Rất có thể là như vậy, chỉ có điều, chỉ có điều: thế giới đã thay đổi. Nhưng rốt cuộc, trí thức Việt Nam đã vón cục lại, ở buổi hoàng hôn của hình ảnh, trong một situation nghèo nàn (và tuyệt đối buồn thảm): chỉ còn mỗi một chuyện, ai ủng hộ và ai không ủng hộ một tổng thống Mỹ. Những tình bạn trí thức (hay ít nhất, giao hảo) lâu nay bỗng lộ ra sự èo uột của chúng, chỉ cần có một nhân vật chẳng liên quan gì đến họ, tức thì lao vào nhau, không phải để ôm hôn, mà ngược lại. Nhưng, đúng ra mọi thứ đã như vậy ngay từ đầu, vì các trí thức đâu có làm gì khác ngoài chạy theo những gì trông như là quan trọng (vì nhiều người nói đến), toàn là các chủ đề thuộc dạng nói gì cũng được. Chỉ cần làm một việc rất đơn giản, liệt kê những người cụ thể nào loanh quanh với tổng thống Mỹ là đã có cả một danh sách trí thức buồn thiu của buổi chiều tà - nếu tôi không nhầm, danh sách ấy không để lọt bất kỳ cá nhân nào. Thì chính là như vậy: cả đời, họ có làm gì khác đâu (tuy không ngừng "trách nhiệm trí thức" với cả "liêm chính học thuật", "chơi đẹp" etc. lại idiom và idiom).

Cũng rất đơn giản: hình ảnh người đi xe mô tô phân khối lớn: nó được lập dựng theo cách thức giống hình ảnh cow-boy cưỡi ngựa trước đây ("poor lonesome cowboy far away from home"). Không ít trung niên Hà Nội (và những nơi khác, tất nhiên) ngày nay trở nên một khối thịt biết đi nhớ đến hình ảnh rạng ngời từng xem trong các video clip hồi còn trẻ, chẳng hạn các bài hát của Bon Jovi: một đoàn hổ báo cáo chồn cưỡi xe đi trong bụi sa mạc etc. Rebel và Harley Davidson, áo da và giày hầm hố, etc. etc. Nouveau riche gắn liền vào với trò nostalgia. Đẩy nostalgia lên cao độ đã có ti vi (lại ti vi), nhất là những chương trình nào có Đặng Diễm Quỳnh là yếu nhân.

Sự tăng vọt vai trò của hình ảnh của thế giới chúng ta đi kèm với giảm sút to lớn của năng lực nghe. Vô vàn người phàn nàn về ô nhiễm môi trường, nhưng dường như còn chưa bao giờ có một cái nhìn thực sự nghiêm túc nào vào tiếng ồn. Thế là đêm đêm những mô tô phân khối lớn cứ tiếp tục vọt đi, mang theo nỗi hoảng loạn.

Nỗi dễ dàng của đi lại chợt bị khựng lại - có bao nhiêu homestay sản phẩm của một thứ mốt mới đã phá sản nhỉ? - buộc người ta ở yên một chỗ. Có lẽ phải như vậy thì mới có thể hiểu được thực sự thì chuyển động nghĩa là gì. Từng có một kiệt tác văn chương (tuy là một cuốn sách rất mỏng) nói đến voyage, nhưng là đi xa ngay trong phòng ngủ: Voyage autour de ma chambre của Xavier de Maistre.

Trong số những giấc mơ của con người, không giấc mơ nào dai dẳng (và đẹp, và vô ích) như giấc mơ bay. Hệ quả nho nhỏ của đi lại bằng máy bay nằm ở chỗ: không còn gắn liền vào với cái bánh xe nữa - tức là một trong các phát minh hệ trọng nhất. Cứ như là muốn thoát vòng luân hồi í nhờ. Một cuốn tiểu thuyết về sự bay: Le Lotissement du Ciel của Blaise Cendrars - từ đầu đến cuối toàn bay là bay, trong vòng cỡ nửa nghìn trang sách, đặc biệt với hình ảnh ông thánh Joseph de Cupertino (nói đúng hơn, không hoàn toàn bay mà là "lévitation").

(dẫu thế nào, rất khó mà không nhớ đến mấy từ âm hiểm của Hermann Broch: tận thế tươi vui)


-----------

(từ đây trở xuống, không nhất thiết phải đọc)

Thế giới chuyển từ mù sang điếc (về sự nghe, xem ởkia). Không phải ngẫu nhiên mà có một sự kiện lớn trong lịch sử, được gọi tên là Ánh sáng.


-----------

Hình ảnh trí thức sụp đổ (tan vỡ như bong bóng xà phòng thì đúng hơn) vì - nguyên nhân hết sức kinh điển - các trí thức quá muốn giống với chính mình. Cho nên họ tưởng mình phải (và do đó, có thể), có ý kiến về mọi thứ trên đời. Ý kiến trở thành hình ảnh đại diện của trí thức (mà thật ra, đã đến thời điểm, ai cũng là trí thức, cũng như ai cũng có điện thoại smartphone và tài khoản ngân hàng). Nếu không có ý kiến, họ sợ sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của sự vô hình. Không thể vô hình (cũng như không thể bất động), đó là số phận của những con người ở bên trong ý luận của hình ảnh. Và của sự dễ.

Cùng nỗi sợ với những người (càng ngày càng đông) phóng xe phân khối lớn đêm đêm, ngày nay. Ai cũng sợ vô hình. Những cái xe ngày càng có phân khối lớn hơn, các trí thức mỗi lúc một to mồm hơn. Chẳng ai còn biết nghe nữa, năng lực nghe đã hoàn toàn biến mất. Đấy là vì cứ giương mắt lên suốt.

Và điều tất yếu đã xảy ra: nước Mỹ trở thành trung tâm thế giới một cách đúng nghĩa, nhưng là trung tâm của sự sụp đổ: không chỉ sụp đổ của các hình ảnh, mà là sự sụp đổ của hình ảnh chính, nói ngắn gọn là những ảo tưởng của thời hiện đại, thời của chúng ta. Nhưng chính Tocqueville đã hiểu, ngay từ đầu, rằng phổ thông đầu phiếu chỉ có thể là tai họa.

Romain Gary lại đúng: mối nguy của thế giới là sự bất lực của người Mỹ.

Sự mất khả năng nghe dẫn đến hiểu nhầm các loại tiếng ồn là âm nhạc (cf. Milan Kundera etc.), nhưng dĩ nhiên không chỉ có vậy; chỉ vào một số khoảnh khắc (rất hiếm hoi) chuyện mới được nhìn nhận (và vượt qua): tên một cuốn sách của Paul Claudel là L'Oeil écoute: "mắt nghe": mắt không (chỉ) nhìn, nó còn cần phải nghe. Nếu không nghe được nữa, sẽ vuột đi mất một điều quan trọng: tần số - và do đó, nhịp. Thành phố hiện đại (metropolis - đây là lúc polis không thực sự còn ý nghĩa nữa) có âm thanh đặc trưng là tiếng động cơ và tiếng còi xe - được gọi, đầy mỉa mai, là siren. Đó là tiếng hát nguy hiểm tột cùng của các nàng tiên cá, trong câu chuyện về Ulysse. Động cơ đã trở thành một nature nữa (một second nature khác) của con người: nhưng quá nhiều bản tính cũng chính là tai họa.

Cũng chính vì thế, ở đây, thời gian này, âm thanh nghe thấy nhiều nhất là, ngoài tiếng xe mô tô phân khối lớn, tiếng còi hụ xe cứu thương. Nhưng vậy thì quá hợp lý, quá đúng.



(còn nữa)


21 comments:

  1. khúc III: no particular place to go (Chuck Berry). Bởi gì có đâu để mà đi nữa đâu.
    (có vẻ như đang "trong cơn lờ đờ thường quá trưa mới bắt đầu tan"- Chroniques HN: một phố)

    ReplyDelete
  2. Quyển Seduction đúng không ạ?

    ReplyDelete
  3. không, "Xã hội tiêu dùng", dường như viết không lâu sau khi theo các séminaire của Barthes, hoặc cũng có thể viết ngay từ lúc đó

    ReplyDelete
  4. hôm nào rảnh qua quán em mà ngồi.. nhìn người, anh ạ.

    ReplyDelete
  5. quên, cần phải quảng cáo: nhà thơ Lu có mấy quán cà phê rất tuyệt vời ở Hà Nội, ai cũng nên đến

    (các quán tên là gì nhỉ? - tôi chưa đến bao giờ nên không biết)

    ReplyDelete
  6. Nhìn quả phe trump hardcore (th tuệ hh vân & co) với phe never trump (pt hoài etc.) dè bỉu nhau xem bên nào vô đạo đức với bẩn thỉu hơn mà kinh. Sau đêm mai chắc hai bên tuyệt giao luôn.

    ReplyDelete
  7. đến mức ấy cơ à, it's his mission on earth, perhaps; anw nếu không phải trẻ con đánh vần, bán dâm, đội tuyển bóng đá Việt Nam, nước này ngạo nghễ nước kia không thì sẽ là tổng thống

    ReplyDelete
  8. nammotchocadoikhonglamgi da xuat hien roi day NL :)

    ReplyDelete
  9. sao lại nằm? ở yên một chỗ thì có nhất thiết là ngồi hay nằm hay đứng hay thậm chí chạy đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. tuyệt, chạy thì vẫn có thể ở yên một chỗ, đó là khi các nouveau riche dùng máy chạy bộ

      Delete
  10. sao em bỗng nhớ Ummon Daishi
    khi đọc những Q&A của anh (mà dịch bệnh ấy, chợt chùng xuống để rồi bây giờ chợt bùng lên ở nhiều nơi)

    -lp

    ReplyDelete
  11. "ra ngõ gặp" Pandora suốt gần trăm năm rồi.

    ReplyDelete
  12. thế thì khả năng cao nhất là sẽ cũng gặp luôn cả Medusa thôi

    ReplyDelete
  13. Thời, của chúng ta, thật buồn thảm!

    ReplyDelete
  14. Harley David Son Of

    ReplyDelete
  15. làm Mắt Nghe xuất hiện đi

    ReplyDelete
  16. thời nào không thảm

    ReplyDelete
  17. sâu sắc quá (nhét nắm đấm vào miệng, cố ngăn để không hét lên)

    ReplyDelete